TÂY THI - MỸ NHÂN NỔI TIẾNG CỔ KIM (p4)

Để dò xét tâm ý của Phù Sai và tình hình triều thần nước Ngô, Văn Chủng tâu với Câu Tiễn sai sứ thần qua nước Ngô, lấy cớ nước Việt mất mùa, xin vay 1 vạn thạch thóc. Ngũ Viên nghe vậy tâu: "Giúp lương thực cho Việt như vậy tức làm suy yếu Ngô. Đại vương không nên quá rộng rãi như vậy! Ngày nào nước Việt đủ sức mạnh thì tấc sẽ đến chiếm nước Ngô chứ không nghĩ gì tình nghĩa đâu!".

Phù Sai cười nói: "Từ trước đến nay nước Việt tiến cống cho ta biết bao nhiêu phẩm vật. Nay chỉ có chút gạo cứu đói mà ta từ chối được sao. Nước Việt bị thiên tai hạn hán, nếu không cứu tế kịp thời sẽ sinh nghèo đói thì lấy đâu ra phẩm vật tiến cống nữa. Ngươi chỉ nhìn thấy cái hại trước mắt mà không nhìn thấy cái lợi sau lưng. Vả chăng Câu Tiễn là tôi thần, vua giúp cho tôi thần lúc ngặt nghèo thì là lẽ thường tình".

Ngũ Viên cố thuyết phục: "Tấm gương ngày trước Than đánh Kiệt, Võ Vương đánh Trụ, 2 người này chẳng phải là tôi thần mà đến giết nhà vua hay sao?".

Phù Sai bỏ ngoài tai những lời can ngăn của Ngũ Viên, vui vẻ ưng thuận ngay. Đến khi nước Ngô mất mùa, Văn Chủng chẳng cần đòi, sai người lấy thóc ngâm nước nóng rồi mang trả, số lượng gấp mấy lần đã vay khiến Phù Sai khen ngợi Câu Tiễn là người thành tín. Khi người dân Ngô gieo loại thóc ấy, vất vả mấy tháng trời, chăm bón mà chẳng có cây lúa nào mọc thì lại càng lâm vào cảnh đói kém hơn trước. Ngũ Viên nhân cơ hội này vào triều tâu: "Rõ ràng nước Việt cố tình trả lại thóc hư hỏng, Đại vương nên nhân việc này mà nhìn lại ý đồ của Câu Tiễn, cho nên tin tưởng quá mà vứt giáo cho giặc".

Bá Hy hằng năm đều được riêng Câu Tiễn tặng rất nhiều vàng ngọc, phẩm vật quý giá nên vội đứng ra bênh vực: "Tướng quốc nói sai rồi, tôi đã xem xét các loại lúa ấy đều là loại tốt. Có lẽ phong thổ Việt, Ngô khác nhau mà không phát triển thôi. Xin Đại vương đừng nghe lời Tướng quốc mà mất đi tình giao hảo Ngô, Việt mấy năm nay".

Phù Sai rất tin cậy Bá Hy, gật đầu tán thưởng rồi phất tay áo đi thẳng vào trong, không thèm nghe Ngũ Viên nữa. Trong khi ấy, ở nước Việt đột ngột có 1 người con gái tự xưng ở Nam Lâm vào triều xin dạy kiếm pháp cho quân tướng. Dạy xong thuật dùng kiếm hết sức lợi hại, người con gái tự nhiên bỏ đi mất. Người ta đồn rằng, đó chính là thần nữ được sai xuống nước Việt, nên tinh thần quân binh càng thêm hăng hái. Sau đó 1 người khác ở Trần Am cũng tự nhiên xin được phép dạy bắn nỏ liên châu, mỗi lần 3 mũi nhanh như tia chớp, khó ai tránh kịp cả 3. Dạy xong phép bắn nỏ, người ở Trần Am bất ngờ qua đời, khiến ai nấy đều cho đó cũng là người trời sai xuống.

Việc tập luyện binh mã dù có được giấu kín nhưng cũng không che mắt được Ngũ Viên. Sau khi nắm được 1 số tin tức về việc nước Việt ráo riết tập luyện, Ngũ Viên liền vào tâu với Phù Sai nên đề phòng. Lần này cũng chính Bá Hy đỡ lời, nói có vẻ chê Ngũ Viên quá lo xa: "Nước không có quân tướng thì lấy gì giữ gìn biên cương. Nước Việt có luyện tập binh mã cũng là việc thường tình. Chẳng lẽ mỗi lần có bạo loạn, lại chạy đi nhờ quân nước chúng ta!".

Phù Sai nghe theo Bá Hy nhưng trong lòng cũng đã có đôi chút nghi ngờ. Ngay lúc đó, có nhiều việc tranh giành giữa các nước Lỗ, Tề, Tấn có liên quan đến việc nhà Ngô. Để cứu nước Lỗ khỏi nạn binh đao, Cử Cống là học trò của Khổng Tử, liền sang Việt và Ngô, thuyết phục 2 nước liên kết trừng phạt Tề. Phù Sai nhân dịp này, không tính đến việc hỏi tội nước Việt nữa, hợp binh 2 nước tiến đánh nước Tề. Thấy Ngũ Viên cứ can gián mãi, Bá Hy liền bày kế để Phù Sai cho Ngũ Viên đi sứ nước Tề, toan dùng tay người Tề giết chết cho khỏi mang tiếng. May sao Tề Doãn Công được Bảo Tức nói rõ âm mưu, tha cho Ngũ Viên về nước. Đại quân nước Ngô sắp sửa động binh, thì chợt 1 đêm, Phù Sai mơ thấy nhiều việc kì dị, toàn là chết chóc. Sáng hôm sau, nhà vua gọi Bá Hy vào kể lại, hỏi giấc mộng ấy xấu hay tốt. Bá Hy liền bịa chuyện thưa: "Đại vương sẽ dẫn đại quân đi đánh nước Tề, mà mộng thấy cảnh chết chóc tang thương thì đúng là điềm lành. Những cảnh ghê gớm đó chính là cảnh Đại vương mang đến cho người nước Tề".

Phù Sai rất mừng, nhưng biết tài đoán quẻ của Bá Hy chẳng bao nhiêu, nên chưa tin tưởng lắm, gọi Dương Tôn Lạc đến hỏi xem. Dương Tôn Lạc khôn khéo từ chối, tiến cử 1 dị sĩ tên là Công Tôn Thánh. Khi thấy nội thị đến nhà triệu vào triều, Công Tôn Thánh phục xuống đất khóc 1 hồi, nói với người nhà: "Số ta đến đây là hết, ở nhà cứ sửa soạn tang phục trước đi".

Khi gặp mặt Phù Sai, Công Tôn Thánh không chịu quỳ, nghiễm nhiên giải thích: "Giấc mộng của Đại vương ứng vào việc thua chạy và chết chóc. Trong đó còn có điềm báo trước, nước Việt sẽ đào xới mồ mả tổ tiên nước Ngô, muốn tránh thì Đại vương nên bãi bỏ việc đánh Tề".

Bá Hy nghe vậy, hết sức kinh hoảng, vội mắng chửi Công Tôn Thánh, đặc điều trù ếm nhà vua. Dị sĩ này cũng chẳng ngán ngại, lớn tiếng mắng lại: "Từ lâu ta đã biết rõ nguyên nhân làm cho nước Ngô bị tận diệt đều do ngươi mà ra. Đại vương u mê cũng do ngươi nịnh hót, bày ra những cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng. Sao lại còn dám mắng ta là đoán mộng càn dở".

Phù Sai cho đó là điềm xấu trước khi xuất quân, nổi trận lôi đình, sai người lấy dùi đồng đập chết Công Tôn Thánh. Khi về đến Cô Tô đài, Tây Thi hãy còn thấy vẻ mặt tức giận của Phù Sai, thì liền chạy lại quạt mát cho nhà vua, ngọt ngào hỏi han: "Chẳng hay hôm nay ở triều có điều gì làm Đại vương nóng giận như vậy?".

Phù Sai được người ngọc săn sóc thì bớt giận, kể lại đầu đuôi câu chuyện. Tây Thi liền nói: "Đại vương là người anh hùng chí lớn có thể làm bá chủ thiên hạ, nay chỉ là một việc cỏn con trừng phạt nước Tề thì cần gì bàn luận lôi thôi, cứ tự mình quyết định là được rồi! Sau khi chiếm nước Tề, khi đó chẳng còn ai dám nói ra nói vào nữa. Đại vương được các chư hầu kiêng nể, mà thiếp cũng được thơm lây".

Phù Sai nghe lọt tai, ngay hôm sau nhất định hạ lệnh xuất quân tiến đánh nước Tề. Dù chểnh mảng trong việc luyện tập nhưng quân binh nước Ngô cũng rất thiện chiến. Dưới sự chỉ huy của Phù Sai chia làm 3 ngã, tiến nhanh như chẻ tre, đi đến đâu đánh cho quân Tề đại bại đến đó. Cuối cùng, Phù Sai đích thân bắn chết danh tướng Tôn Lâu, còn các tướng dưới quyền bắt sống và giết luôn mấy tướng khác của Tề. Quốc Thư hổ thẹn vì thất bại, tự đưa mình vào chốn loạn quân mà chết. Đại thắng này khiến nước Tề kinh hoảng, phải sai sứ thần sang cầu hòa, xin thần phục nước Ngô. Phù Sai không vội vã, cho quân rút quân về Câu Khúc nghỉ ngơi, còn mình thì cùng Tây Thi thụ hưởng hoang lạc tại Ngô cung, mất mấy tháng trời mới về kinh thành. Về đến nơi, lập tức Phù Sai thiết triều, gọi Ngũ Viên đến mắng: "Trước kia ngươi cho là đánh Tề bất lợi, nay ta đã thắng trận thì ngươi còn nói gì không?".

Ngũ Viên vẫn giữ tính cương trực, nói luôn: "Thắng Tề là việc đáng mừng, nhưng tôi thật lo cho Đại vương đang có đại họa sau lưng".

Ngũ Viên còn toan nói tiếp, nhưng Phù Sai giận quá, bịt tai ngồi nhắm mắt không thèm nghe nữa. Chợt nhà vua mở bừng mắt ra, kêu mấy tiếng: "Quái lạ! Quái lạ!" khiến bá quan đều sửng sốt. 1 đại thần bạo gan bước ra hỏi, thì Phù Sai trầm ngâm kể lại: "Lúc nãy ta vừa nhắm mắt, thì đã có mộng rất quái lạ. Ta thấy bốn người chạy về bốn hướng, chỉ riêng một người ở phía nam giết chết người phía bắc. Ta thật không hiểu đó là điềm triệu gì?"

Ngũ Viên lập tức đáp lời: "Bốn người chạy đi bốn hướng là điềm báo cho nước Ngô biết trước sắp có ly loạn. Còn người phía nam giết người phía bắc thì chẳng ai khác là người dưới phản lại người trên. Theo tôi thì mười phần đến chín ám chỉ Câu Tiễn sẽ phản bội Đại vương".

Phù Sai nghe vậy có vẻ khó chịu, bởi vì đang lúc triều thần vào chúc mừng đại thắng nước Tề, giả như không nghe, quay đầu bắt đầu phân thưởng cho người có công rồi nói với quần thần: "Bá Hy là người có công lớn nhất, lại hết lòng phò tá ta nên xứng đáng được phong làm Thượng khanh, nắm đại quyền về chính sự. Nước Việt cũng có công đưa quân trợ giúp nên ta sẽ cân nhắc ban thưởng thêm cho một số đất đai, sau này sẽ quyết định".

Ngũ Viên nghe vậy, không sao chịu nổi, đứng bật dậy nói lớn giữa triều: "Trung thần thì không cho nói, kẻ nịnh hót thì được ban thưởng quyền cao chức trọng, nước mang ý định phản bội được cấp thêm đất. Gian tưởng ngay, phản tưởng trung thì nước Ngô sắp đến ngày mạc vận rồi!".

Phù Sai mấy lần bị Ngũ Viên ngăn trở, lúc nào cũng nói điềm gở thì đã căm tức trong bụng. Nay ở giữa triều mà Ngũ Viên chẳng nể nang, nói nước Ngô sẽ tiêu vong, thì không còn kìm được nữa, đập án quát mắng: "Ngươi thật vô lễ, tội phỉ báng quân thượng khó tha được. Ta nể ngươi có nhiều công lao giúp cho nước Ngô trở nên hùng mạnh, nên cho ngươi tự xử lấy. Đừng để ta thấy mặt nữa!".

Nói xong, Phù Sai hầm hầm rút thanh bảo kiếm Chúc Lâu bao giờ cũng đeo bên mình, vứt trước mặt Ngũ Viên. Ngũ Viên không hề biến sắc, chỉ lộ vẻ buồn rầu, thở dài rồi nhặt thanh Chúc Lâu lên, thong thả đi ra ngoài cửa cung. Ngũ Viên hết sức bình thản, quay qua nói với bộ tướng theo hầu: "Khi ta chết rồi, các ngươi hãy móc đôi mắt ta treo lên Đông Môn, để ta xem đại quân nước Việt kéo vào kinh thành tàn phá giang sơn".

Nói xong, Ngũ Viên dùng thành Chúc Lâu tự đâm vào cổ mà chết. Phù Sai thấy vậy cũng có lòng thương, nhưng khi nghe được lời dặn dò của Ngũ Viên trước khi chết thì cơn giận lại nổi lên, mắng lớn: "Ngũ Viên thật ngang ngược, đến chết vẫn còn mong mỏi cho nước Ngô bị tiêu diệt. Người đâu! Hãy cắt đầu hắn treo ngoài chợ, làm gương cho những tôi thần phản bội. Còn xác thì đem thả trôi cho cá làm mồi"

Nhân dân vốn oán hận Phù Sai, thương tiếc Ngũ Viên trung trinh thẳng thắn mà phải chết thảm, lén vớt xác đem chôn ở Ngô Sơn. Cái chết của Ngũ Viên không hề làm cho Phù Sai tỉnh ngộ, trái lại càng thêm kiêu ngạo. Nhà vua tự cho nước Tề là của mình rồi, , hạ lệnh bắt mấy vạn dân phu phải đào kênh cho nước sông Giang, sông Hoài chảy vào sông Nghi cho nước Tề dễ thông thương, mỗi năm mang lễ vật tiến cống. Thế tử Hữu khi ấy đã lớn khôn, biết theo gương Ngũ Viên chỉ chuốc lấy thất bại, liền nghĩ ra 1 kế nhỏ. 1 hôm từ vườn chạy vào ra mắt phụ vương, quần áo ướt đẫm, tay còn cầm cung tên. Phù Sai nhìn thấy rất kinh ngạc hỏi: "Sao con tơi tả như vậy, có việc gì nguy biến chăng?"

Thái tử Hữu cúi đầu đáp: "Sáng hôm nay còn vào hoa viên phía sau sân bắn, con nghe có tiếng ve kêu vui vẻ trên cành cây, thích thú lắng tai thưởng thức. Nào ngờ phát hiện ra phía sau con ve có một con bọ ngựa đang rình rập, giương hai càng đầy gai nhọn sửa soạn vồ con ve làm thịt. Con bọ ngựa chỉ chú tâm bắt con ve, không đề phòng phía sau có một con chim sâu đang nhẹ nhàng nhảy đến định mổ. Con muốn cứu chú ve nên định bắn chim sâu nhưng xa quá nên phải âm thầm giương cung đi gần đến, chẳng ngờ vì chú ý con chim sâu mà không chú ý cái hố sâu, lọt xuống dưới nên mới ướt đẫm như vậy. Rốt cuộc chẳng cứu được ve mà cũng không bắn được chim sâu".

Phù Sai nghe xong liền nói: "Con người thường tham lam cái lợi trước mắt mà quên đề phòng cái hại sau lưng. Con đã là thái tử, sắp lên ngôi trị vì một nước mà không học được bài học đơn giản này, thì làm sao tròn trách nhiệm".

Thái tử Hữu cúi đầu vâng dạ xin nghe theo lời dạy, tiện dịp nói luôn: "Con thật ngu muội, nhưng kết quả chỉ là ướt đẫm trong chốc lát rồi sẽ khô ngay. Còn những việc quốc gia là phải cẩn trọng gấp trăm lần như vậy. Trước kia nước Tề vô cớ đem quân đánh Lỗ, không ngờ nước Ngô chúng ta đã sẵn sàng tiến đánh, kết quả là nước Tề đại bại. Trước mắt thì thấy nước Ngô đang thôn tính nước Tề, nhưng thật sự nước Việt nhẫn nhục bao lâu nay là có ý muốn tiêu diệt nước Ngô, báo thù mối nhục năm xưa. Theo con thì đó mới là cái hại lớn cần đề phòng".

Khi ấy Phù Sai chưa bại trận nào, kiêu ngạo vô cùng, nghe thái tử Hữu kể chuyện bọ ngựa bắt ve, chim sẻ rình sau lưng thì không sao nhịn được tức giận, trừng mắt mắng: "Ngũ Viên đã chết, nhưng ngươi lại ăn phải bả của hắn. Nếu ngươi còn cả gan một lần nữa thì cứ xem cái gương của Ngũ Viên mà xử".

Cùng lúc ấy, nước Tấn cũng đang có ý muốn làm bá chủ chư hầu, Phù Sai muốn tỏ oai phong chính mình mới là bá chủ nên truyền hịch, truyền các nước đã thần phục, hội quân ở Hoàng Trì, quyết cùng nước Tấn tranh hùng 1 phen. Câu Tiễn thấy Phù Sai mang quân đi xa, khó trở về ngay được, bàn với Phạm Lãi và Văn Chủng đánh úp nước Ngô, tuy 2 tướng không bằng lòng nhưng Câu Tiễn nài nỉ: "Nay ta đã già yếu, đây đã là cơ hội tốt nhất, nếu không tiến đánh thì còn đợi bao giờ. Suốt bao nhiêu năm nay, ta dốc toàn lực ra chỉ mong ngóng có một ngày được tiến vào kinh đô nước Ngô tàn phá báo thù. Dù có gì đi nữa, ta cũng hài lòng mà nhắm mắt. Hai ngươi một lòng trung thành với ta thì nên tính cách cho ta được thỏa mãn một phen".

Phạm Lãi ưu tư thưa: "Tuy quân Ngô rời bỏ kinh thành, khó quay về ngay được, chắc chắng chúng ta sẽ đại thắng. Nhưng về lâu dài thì rất nguy hiểm, nếu Bá Hy khôn ngoan, giải hòa với Tấn, hợp binh trở về thì chúng ta khó chống cự nổi; bao nhiêu công lao đều bỏ đi hết".

Văn Chủng có ý kiến khác hơn, cho rằng: "Dù quân Ngô có quay trở về thì sĩ cũng đã suy yếu nhiều. Vả chăng chúng ta đã giữ chắc những vùng đất sản xuất lương thực, thì quân Ngô cũng chẳng dựa vào đâu để chiến tranh lâu dài. Theo tôi thì có thể tiến đánh, đồng thời khôn khéo làm suy yếu quân nước Ngô, đưa đến tự tan rã, thì chẳng còn lo gì nữa!".



Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top