DƯƠNG NGỌC HOÀN - MỸ NHÂN THIÊN CỔ HẬN TÌNH (p7)

Thấy cục diện tương đối đã bình lặng, vua tôi nhà Đường lại bắt đầu vui chơi, cung điện lại suốt đêm sáng rực ánh đèn, mỗi ngày 1 tiệc nhỏ, 3 ngày một yến lớn, Dương quý phi lại múa điệu nghê thường, không nghĩ gì tới quân tướng đang đói khổ nơi chiến trường. Nhờ các quân tướng lục tục trở về, chẳng bao lâu Ca Thư Hàn đã có tới hơn 20 vạn quân mã, liên tiếp đẩy lùi được các cuộc tấn công của An Lộc Sơn. Tin vui báo về càng khiến Huyền Tông thêm yên chí. Chính Dương Quốc Trung cũng không đánh giá hết tình hình, mừng rỡ tâu với Huyền Tông: "Bây giờ là lúc chúng ta có thể phản công tiêu diệt An Lộc Sơn được rồi đó. Xin bệ hạ xuống lệnh chiếm lại Lạc Dương, băm vằm An Lộc Sơn làm trăm mảnh mới xứng đáng với tội ác tày trời của hắn!".

Huyền Tông khờ dại nghe theo, xuống chiếu cho Ca Thư Hàn kéo hết binh mã tái chiếm Lạc Dương, quyết định phải thi hành ngay không được trái mệnh. Tiếc rằng nhà vua đã không nắm rõ được tình hình, quả thật khi ấy Ca Thư Hàn có đến 20 vạn quân mã nhưng rất ô hợp, 1 số là dân binh nóng lòng vì tổ quốc xung phong nhập ngũ, chưa được huấn luyện tinh nhuệ; 1 số khác là từ các trấn quy tụ về, kĩ luật lỏng lẽo, mệnh lệnh không thống nhất. Ca Thư Hàn tự biết chỉ có thể cố thủ chứ chưa phản công nổi. Nhận được chiếu thư, Ca Thư Hàn chết điếng cả người, biết tiến quân chỉ có chết mà thôi, nên trước khi động binh thì quay mặt về hướng Trường An, quỳ xuống khóc lạy vĩnh biệt hoàng đế. Quả nhiên, quân đội của An Lộc Sơn vốn tinh nhuệ, lại hầu hết là người dân tộc Hồ rất thiện chiến nên chỉ sau mấy trận là đánh bại đại quân của Ca Thư Hàn ở Đồng Quan, bắt sống vị lão tướng trung thành.

An Lộc Sơn tuy chiến thắng nhưng hết sức tức giận, thừa dịp kéo thẳng vào Trường An với ý định lần này quyết chí san bằng triều Đường cho hả lòng. Tin xấu báo về, Trường An lập tức rơi vào cảnh hỗn loạn, vương tôn quý tộc cùng với kẻ bình dân đua nhau gom góp tài vật lên xe ngựa tháo chạy. Quân tướng nhà Đường đóng ở Trường An cũng bị tình hình làm tiêu tan ý chí chiến đấu, bỏ hàng ngũ khá nhiều. Dương Quốc Trung vội vã vào cung tâu với Huyền Tông: "Tình hình quá nguy cấp, thần không thể bảo vệ được hoàng thượng nữa nếu còn ở Trường An. Đất Ba Thục hiện lương thảo còn nhiều, địa thế lại hiểm trở. Nếu bệ hạ đến đó thì An Lộc Sơn không thể nào đánh đuổi tận tuyệt được!".

Huyền Tông thở dài ảo não, nhưng biết đó là sự thật, bất đắc dĩ phải nghe theo. Ngày 12 tháng 6 năm Thiên Bảo thứ 15, Huyền Tông thiết triều sớm hơn mọi khi, tuyên bố: "Trẫm tạm thời lánh sang Ba Thục, tất cả triều chính sẽ giao cho thái tử nắm giữ, các khanh thấy thái tử như là thấy trẫm, cùng một lòng tận trung để quốc gia thoát khỏi cơn nguy biến này!".

Toàn bộ triều thần nghe tuyên bố của Huyền Tông thì đều im lặng, không ai có ý kiến gì, biết rằng đó chỉ là cái cớ mà thôi. Sau khi bãi triều, mạnh ai nấy chạy về phủ đệ thu góp tài vật, tranh nhau bôn đào tránh cái chết sắp diễn ra. Cao Lực Sĩ và Lâm vũ đại tướng quân Trần Huyền Lễ thì lo tập hợp các cấm quân trung thành, chất toàn bộ của cải lên xe ngựa. Số xe ngựa lên đến hàng trăm nên quân sĩ rất vất vả mà Cao Lực Sĩ chỉ chăm chăm đốc thúc, không nghĩ gì đến cung câp lương thực cho họ, người nào cũng đói khát, trong lòng vô cùng căm phẫn. Gia tộc họ Dương cũng thu xếp chạy theo, họp với đoàn xe hoàng gia thành 1 dãy, lục tục kéo về hướng vùng đất cằn cỗi, lởm chởm núi đá của Ba Thục. Có lẽ Dương quý phi linh cảm thấy lần này sẽ nguy hiểm đến tính mạng, nên suốt dọc đường mặt hoa ủ rũ, nước mắt tự nhiên tuôn rơi ngắn dài. Dù Huyền Tông hết sức an ủi, cho rằng chỉ là tạm bợ 1 thời gian nhưng vẫn không sao làm cho mỹ nhân tươi tỉnh được. Buổi trưa ngày hôm sau, đoàn xa giá đi đến dịch trạm ngã rẻ Mã Ngôi. Vì trời nắng gắt, ai nấy đều mồ hôi nhễ nhại nên Huyền Tông quyết định cho dừng lại nghỉ ngơi. Tất cả người trong hoàng gia cũng như gia tộc họ Dương liền tranh nhau chiếm lấy vị trí thuận tiện nhất, mát mẻ nhất của dịch trạm, mặc cho quân tướng ngồi dưới ánh nắng chói chang của mảnh đất cằn cỗi này. Đã vậy, hoàng gia quý tộc còn sai người bày biện các món ngon vật lạ, cùng nhau ăn uống thỏa thích mặc cho quân tướng từ mờ sáng đến giờ chưa có gì trong bụng. Không chỉ quân tướng căm phẫn mà chính ngay gần 20 vị sứ thần của Thổ Phồn đến Trường An bái kiến cầu thân, vì chiến trận cũng phải chạy theo căm giận khôn tả. Bọn sứ thần không được gặp Huyền Tông thì tức giận đổ hết lên đầu Dương Quốc Trung, vây quanh nói lớn: "Các ngươi ăn uống phủ phê, còn bọn ta thì không có lấy một giọt nước, chẳng là khinh người quá sao?".

Dương Quốc Trung hết sức trần tình, cho biết số lương thực nước uống chỉ vừa đủ cho hoàng gia, xin bọn sứ thần cố nhịn, khi đến Ba Thục sẽ chu cấp đầy đủ. Trong khi Dương Quốc Trung cố sức giải quyết, thì ở ngoài bọn cấm quân cũng đồng thời vây lấy Long võ đại tướng quân Trần Huyền Lễ, hết lời trách móc: "Ngài làm tướng mà không lo gì cho thuộc hạ, chỉ biết cung phụng ê hề cho hoàng gia thì làm sao chúng tôi có sức lực đi đến tận Ba Thục?".

Trần Huyền Lễ nghiến răng đáp lại: "Các ngươi tưởng ta được toàn quyền hay sao? Chính bản thân ta vất vả từ sáng đến giờ cũng chưa có miếng cơm nào trong bụng, lương thực mang theo còn không đủ cho hoàng gia và bọn quyền quý họ Dương. Lấy gì cho các ngươi ăn?".

Quân sĩ nghe vậy đồng loạt nhao lên phản đối. Trong phút chốc, lòng căm giận như làn gió lan truyền đến tất cả mọi người, ai nấy đều nghiến răng nghiến lợi mắng chửi: "Tất cả đều do nhà họ Dương mà ra. Chỉ cần trừ diệt họ Dương thì An Lộc Sơn đâu còn cớ gì mà nổi dậy phản loạn nữa!".

1 tên quân nóng nảy hô to: "Giết hết họ Dương đi thì chúng tôi mới bảo hộ hoàng thượng đến nơi đến chốn!".

Đang trong lúc náo động ấy, bất chợt 1 tên quân nào đó hô to: "Dương Quốc Trung và bọn giặc Hồ thông đồng mưu phản!".

Tiếng hô này như lửa được tưới thêm dầu, lập tức trở thành tình hình cục diện hỗn loạn, bao nhiêu oán hận về việc Huyền Tông ưu ái nhà họ Dương bây giờ bộc phát. Ai ai cũng muốn giết chết nhà họ Dương, không cần biết như vậy có giảng hồi được tình hình bi thảm này không. Chính Trần Huyền Lễ cũng bị không khí căm phẫn tác động, ông giơ cao cờ lệnh nói lớn: "Các ngươi mau theo ta vào bái kiến hoàng thượng, xin trừ bỏ nhà họ Dương mới được!".

Bản ý của Trần Huyền Lễ muốn Huyền Tông xuất hiện, nói mấy lời an ủi thì tất giảng hồi trật tự. Chẳng ngờ ngay lúc ào ạt xông vào dịch trạm thì Dương Quốc Trung đã giải quyết xong sự việc các sứ thần Thổ Phồn, tiếng ra nghiêm mặt mắng luôn: "Việc gì mà các ngươi náo loạn như vậy? Muốn mất đầu hay sao?".

Lời nói hách dịch của Quốc Trung khiến quân sĩ không còn nhịn được nóng giận, 1 tiếng hô to của người nào đó lập tức bao nhiêu quân sĩ tràn lên, đao kiếm sáng lóe mắt, rất mau đầu của Dương Quốc Trung đã rơi xuống đất. Nghe náo động, con của Dương Quốc Trung là Dương Quyên vội cầm giáo chạy ra, chưa kịp chống cự thì cũng chết thảm giống như cha. Có mùi máu tươi, quân sĩ càng thêm điên cuồng, lấy thương dài treo đầu 2 cha con lên trên rồi rầm rộ tiến vào dịch trạm. Đại phu ngự sử là Ngụy Phương Tiến ở ngoài thấy thế nguy, định chạy vào trong báo cho Huyền Tông biết, liền bị quân sĩ hô hoán: "Tên già này là đồng bọn với nhà họ Dương!".

3 chữ "nhà họ Dương" bây giờ trở thành khẩu hiệu để giết chóc. Vì vậy Ngụy Phương Tiến chưa kịp nói gì thì hồn đã lìa khỏi xác. Trần Huyền Lễ vội đứng ra ngăn cản, kêu gọi: "Chúng ta là thần dân của Đại Đường. Trên còn có thiên tử, nay đã giết bọn nịnh thần thì không nên vọng động nữa. Hãy chờ thiên tử quyết định, nếu không chúng ta cũng trở thành phản nghịch hết hay sao!".

Bọn cấm quân nghe vậy vẫn nhốn nháo không chịu lui ra. Nghe tiếng ồn từ ngoài vọng vào, Huyền Tông liền sai Cao Lực Sĩ ra hỏi xem nguyên nhân. Cao Lực Sĩ vâng lệnh đi 1 lát, mặt cắt không còn giọt máu hớt hãi chạy vào, cúi đầu mà không nói được tiếng nào. Huyền Tông kinh ngạc, vặn hỏi mấy lần, Cao Lực Sĩ mới thều thào nói chẳng ra hơi: "Quân sĩ cho rằng....chính Dương tể tướng âm mưu với An Lộc Sơn là phản....vì vậy....đã giết hai cha con cùng với Ngụy ngự sử rồi..."

Nghe vậy Huyền Tông kinh hoảng mất hết hồn vía, may mà không có mặt Dương quý phi ở đó, nếu không vị hoàng đế già lão này chẳng biết phải đối xử ra sao. Thấy Cao Lực Sĩ hình như còn chưa nói hết, Huyền Tông gắng gượng phán: "Cấm quân là do trẫm tuyển chọn, nay đồng lòng phản bội giết luôn đại thần trong triều thì còn muốn gì nữa đây?".

Cao Lực Sĩ phải hắng giọng mấy lần mới dám thốt ra lời: "Quân sĩ đang lúc giận dữ cho rằng cả nhà họ Dương đều có tội, mà tất cả do quý phi lộng quyền gây ra, không xứng đáng hầu hạ thánh thượng nữa".

Huyền Tông còn chưa hiểu rõ, hỏi: "Sao lại không thể hầu hạ trẫm?".

Cao Lực Sĩ cúi đầu thật thấp, nói nhỏ: "Không đáng hầu hạ thánh thượng nữa, tức là muốn xin bệ hạ trừ khử quý phi đi. Có vậy quân tướng mới hết lòng chiến đấu, khôi phục lại giang  sơn Đại Đường!".

Huyền Tông nghe xong lòng đau như cắt, rơi nước mắt rồi run run cố biện hộ: "Qúy phi ở trong cung cấm hết lòng hầu hạ trẫm, sao lại liên quan đến việc Dương tể tướng mưu phản. Giết Dương tể tướng là được rồi, còn bắt trẫm nỡ làm việc bất nhân ấy sao?".

Huyền Tông còn muốn Cao Lực Sĩ ra ngoài thuyết phục thì bỗng tiếng huyên náo dội vào càng ngày càng lớn dần, nghe rõ cả tiếng đao kiếm chạm nhau rợn người. Cao Lực Sĩ sợ quá, cố năn nỉ Huyển Tông: "Qúy phi quả vô tội thật, nhưng Dương tể tướng lại là anh của quý phi. Nhờ quý phi và bệ hạ cất nhắc mới nắm được ngôi cao chức trọng. Tể tướng đã chết thì quý phi không thể sống được, mà bệ hạ cũng khó toàn được tính mạng nếu quân sĩ nổi điên vì quá giận dữ".

Huyền Tông thở dài mấy cái, cúi gầm mặt xuống suy nghĩ, mái tóc đã bạc 1 phần run run như đang thổn thức. Rất lâu sau, Huyền Tông mới đưa tay lên phất nhẹ 1 cái, đầu vẫn cúi thấp chẳng dám ngước lên nhìn ai nữa. Cao Lực Sĩ hiểu ngay cái phất tay ấy là lệnh cho mình tùy ý định đoạt, cùng với mấy tên nội thị đi luôn vào chỗ của Dương quý phi đang nghỉ ngơi. Lúc đó nàng cũng nghe tin người anh Dương Quốc Trung chết thảm, và quân sĩ còn muốn giết luôn cả mình. Dương quý phi chưa kịp cất tiếng khóc thì đã thấy Cao Lực Sĩ chạy vào, tay cầm dải lụa trắng đầy vẻ tang tóc. Dương quý phi biết không thể lật ngược được tình thế, gạt nước mắt nói với Cao Lực Sĩ: "Ngươi đừng vội ra tay, ta còn phải gặp mặt hoàng thượng lần cuối. Ta với hoàng thượng đêm thất tịch đã thề nguyền với nhau, như chim liền cánh như cây liền cành. Nay tình thế bắt buộc thì ta sẽ đi trước, hẹn với hoàng thượng một câu nhớ đừng quên thề ước năm nào!".

Cao Lực Sĩ vội vã cúi đầu, chờ cho Dương quý phi đi ra rồi mới theo sau. Khi ấy Huyền Tông vẫn chưa sao ngẩng đầu lên được, mấy giọt nước mắt vẫn tiếp tục rơi xuống dưới chân chứng tỏ nhà vua đang đau khổ tột cùng. Có ai ngờ Lý Long Cơ một đời oanh liệt, ngồi trên ngai vàng trị vì muôn dân, làm cho Đại Đường trở thành thịnh trị, mà nay mái tóc đã phôi pha, thân thể già yếu run rẩy đứng chờ xem người mình yêu mến phải chết oan uổng. Dương quý phi quỳ xuống trước mặt, bái lạy vĩnh biệt hoàng đế, chỉ còn có thể nấc lên vài tiếng khóc nhỏ. Không khí trong trạm dịch đầy rẫy thê lương đột nhiên bị phá vỡ bởi tiếng quân sĩ đồng thanh reo hò: "Xin hoàng thượng ban cho quý phi được chết, chúng thần nguyện hết sức bảo vệ giang sơn!".

Dương quý phi nghe vậy liếc nhìn Huyền Tông, ánh mắt đầy ảo não thê lương rồi từ từ bước ra phía Phật đường của trạm dịch. Cao Lực Sĩ tay cầm dải lụa vẫn theo sau như 1 con vật trung thành. Dương quý phi, tức mỹ nhân Dương Ngọc Hoàn chết ở Mã Ngôi. Hình hài mỹ nhân là chấn động nhà Đường chỉ được vùi nông dưới làn đất đen 1 cách vội vã vì quân tướng, hoàng gia nhà Đường còn phải mau mau chạy trốn. Sau này khi nhà Đường được phục hưng, Dương Ngọc Hoàn cũng không được cải táng về lăng mộ hoàng gia. Thật đau thương biết mấy cho kiếp hồng nhan! Cả cuộc đời, Dương Ngọc Hoàn phải làm kiếp tôi đòi phục vụ cho cha con hoàng đế họ Lý, hết lòng hầu hạ phục vụ bằng lời ca điệu múa, vậy mà khi chết ở tuổi 38 vẫn không có chút yên lành nào khiến cho người đời sau đọc đến thiên tình sử của nàng khó tránh khỏi ngậm ngùi thương tiếc.


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top