DƯƠNG NGỌC HOÀN - MỸ NHÂN THIÊN CỔ HẬN TÌNH (p5)
Được Huyền Tông một lòng sủng ái, Dương quý phi không lộng quyền như các phi tần hoàng hậu trước kia. Nàng khôn ngoan hơn, không đòi hỏi quyền lợi gì cho mình, mà lợi dụng mỗi khi Huyền Tông vui vẻ thì tâu xin cho người trong họ Dương được thăng quan tiến chức. Họ Dương nắm quyền thế càng lớn thì địa vị của nàng càng bền vững. Khi ấy Huyền Tông đã khá lớn tuổi, chiều chuộng quý phi tức là 1 cách mua vui cho mình, vì vậy không hề tiếc bất cứ lời cầu xin nào. Có lần du ngoạn ngoại thành, để cho Dương quý phi được hãnh diện với dân chúng, Huyền Tông còn lệnh cho Phiêu kỵ đại tướng quân Cao Lực Sĩ cầm cương xe ngựa khiến cho mọi người đều sửng sốt. Từ đó trở đi, ai cũng biết Dương quý phi là người quyền thế nhất trong cung, địa vị hiển hách của nàng giúp cho tông tộc họ Dương ngày càng nắm nhiều quyền thế. Cha mẹ của Dương quý phi đã chết từ lâu, nay vẫn được Huyền Tông ưu ái truy phong phụ thân làm Thái úy Tề quốc công, phụ mẫu được phong Lương Quốc phu nhân, còn người sống thì vô số kể: thúc phụ của Dương quý phi là Dương Huyền Diễn được phong chức quan Lộc khanh, anh thúc bá là Dương Điền giữ chức Điện trung tĩnh thiếu giám, 1 người anh khác là Dương Kỳ được phong giám sát thị ngự sử, còn được ân huệ lấy Thái Hoa công chúa – con của Võ huệ phi làm vợ. Thậm chí đến như Dương Khâm, con họ hàng đất xa của Dương quý phi vẫn được giữ chức Tiết độ sứ ở Kiến Nam.
Nhân 1 lần về triều tâu báo, Dương Khâm có nhiều quà tặng và ăn nói khéo léo nên được Huyền Tông giữ lại kinh thành lãnh chức Tham quân. Dương Khâm vốn có nhiều tham vọng, dùng sự khéo léo của mình mở rộng thế lực. Hắn đối xử thân mật với tất cả người họ Dương, đồng thời mua chuộc các hoạn quan, dần dần được Huyền Tông tin cậy cho ra vào cung cấm tùy tiện. Trong thời gian này, Dương Khâm còn tỏ ra là người mưu trí, ứng biến giỏi nên sau đó lại được Huyền Tông cất nhắc lên làm Phán quan, phụ trách việc tô thuế. Nhờ vậy chẳng bao lâu, Dương Khâm trở thành người có thế lực mạnh, nhiều tiền của và giao lưu rộng rãi với giới quý tộc. Dương Khâm lại có 1 ưu điểm nữa, thân thế chẳng những cao lớn oai vệ mà dung mạo nghiêm trang đầy đặn, nên bất cứ ai gặp qua 1 lần đều có cảm tình ngay với hắn. Dần dần đến Tể tướng Lý Lâm Phủ cũng ưa thích Dương Khâm, thường khen trước mặt mọi người là tiền đồ của hắn rất xán lạn, bởi về mặt chính trị là người tinh tường sắc bén. Còn Cao Lực Sĩ mỗi lần ngỏ ý là được Dương Khâm biếu tặng những phẩm vật quý giá, họ hàng thân thích có lễ lạc đều được Dương Khâm bỏ tiền ra lo lắng chu toàn. Vì vậy Cao Lực Sĩ luôn luôn khen ngợi Dương Khâm làm cho Huyền Tông rất hài lòng. Chỉ vài năm, Dương Khâm đã giúp sức cho Lý Lâm Phủ diệt trừ toàn bộ phe cánh chống đối. Lý Lâm Phủ là người nham hiểm, thấy Dương Khâm giống tính mình thì rất tin cậy. Đổi lại công lao ấy, Lý Lâm Phủ tích cực vận động và cuối cùng Dương Khâm được thăng lên làm Cấp sự trung kiêm Ngự sử, nắm 1 số quyền hạn khá lớn ở triều đình. Thêm vài năm cút cun cần mẫn phục vụ cho Huyền Tông và Lý Lâm Phủ, Dương Khâm leo lên tới chức Binh bộ thị lang. Để tỏ lòng trung thành với triều đình, Dương Khâm tâu với Huyền Tông: "Quốc hiệu hiện nay là Đường, mà hạ thần lại tên Khâm. Trong chữ Khâm gồm chữ đao và chữ kim. Nếu tính theo ngũ hành thì không có lợi cho quốc gia. Vì vậy mặc dù là tên do cha mẹ đặt ra nhưng thiên tử cũng là bậc cha mẹ nhân dân, hạ thần xin được ban cho một cái tên khác, mong rằng như vậy sẽ làm tấm gương tốt cho mọi người thi nhau tỏ lòng trung thành với bệ hạ".
Huyền Tông hết sức hài lòng, cho Dương Khâm đổi tên thành Dương Quốc Trung, ngầm ý hắn là người trung thành bậc nhất của quốc gia. Con đường danh lộc của Dương Quốc Trung nhờ vậy càng lên cao vùn vụt, may mắn tiếp nối may mắn. Đang khi Dương Quốc Trung được Huyền Tông tin cậy, thì đột nhiên Lý Lâm Phủ đột ngột bệnh nặng rồi qua đời. Huyền Tông mau lẹ phong cho Dương Quốc Trung làm Tể tướng kiêm Lại bộ thượng thư. Không đến 10 năm, Dương Quốc Trung đã leo lên tới địa vị cao nhất triều đình, kết giao với những nhân vật quan trọng và lại là người cùng họ với Dương quý phi, quyền thế càng lớn rộng. Nhiều việc người ta cầu xin hoàng đế không xong, tới tay Quốc Trung lập tức thành công chứng tỏ quyền thế của hắn còn lấn át cả Huyền Tông.
Riêng về mặt tình ái, Dương quý phi tự biết mình mỗi năm một lớn tuổi, khó có thể giữ chặt Huyền Tông độc quyền trong tay nên dù vẫn chủ trương dùng nhan sắc buộc chân hoàng đế, nàng đi theo 1 lối hành xử khác. Dương quý phi không ghen tuông nữa, bằng lòng cho Huyền Tông tuyển thêm mỹ nhân, nhưng khôn khéo ngấm ngầm sai Cao Lực Sĩ chỉ chọn trong dòng tộc họ Dương. Vì vậy, 3 người chị họ của Dương quý phi đều có nhan sắc kiều diễm vào cung và được phong làm phu nhân, trong số 3 người ấy có cả Oắt Quốc phu nhân mà trước kia chính là nguyên nhân khiến nàng suýt nữa phải rời xa hoàng cung. 3 vị phu nhân nhân gồm có Oắt Quốc phu nhân, Hàn Quốc phu nhân và Tần Quốc phu nhân. Huyền Tông lấy cớ mỹ nhân không thể thiếu trang điểm, mỗi phu nhân được chu cấp thêm 10 vạn tiền son phấn ngoài những vật thực, bổng lộc mà cấp bậc phu nhân được hưởng. Thấy Dương quý phi một lòng một dạ hầu hạ không nghĩ đến ghen tuông nữa, dần dần Huyền Tông ngựa quen đường cũ, hết sức sủng ái Oắt Quốc phu nhân. 3 phu nhân nhà họ Dương cùng với 2 người anh là Dương Điền, Dương Kỳ đều có phủ đệ huy hoàng tráng lệ, được người trong kinh thành gọi tắt là "Dương thị ngũ trạch".
Các phủ đệ này được trang hoàng lộng lẫy, chỉ kém cung một chút nên Huyền Tông rất hay hạ giá đến vui chơi yến ẩm, càng tăng thêm uy thế cho họ Dương. Có lẽ chưa 1 thời kì nào có gia tộc được vinh hoa phú quý như nhà họ Dương thời Đường Huyền Tông. Ông vua này càng có nhiều mỹ nhân bên cạnh, càng không tiếc tiền của cho các nàng vui chơi, trang điểm càng lộng lẫy bao nhiêu càng được sủng ái bấy nhiêu. Vì vậy các phu nhân ra sức mua quan bán chức để có nhiều vàng bạc mua sắm trang sức, làm cho người có tâm huyết với đất nước vô cùng bất mãn. Tương truyền, mỗi khi Huyền Tông cùng với Dương quý phi và 3 vị phu nhân đi chơi cung Hoa Thanh núi Ly Sơn, đường phải qua phố chợ, quân tướng tiền hô hậu ủng, loan giá xe ngựa rầm rộ. Người và xe ngựa đều đeo đầy vàng ngọc châu báu làm náo động cả kinh thành. Được sự sủng ái của Huyền Tông, có được quyền thế ngất trời trong tay, người nhà họ Dương bắt đầu tỏ ra lộng quyền mà không ai dám đứng lên chống đối. 1 vụ động chạm xảy ra giữa giới quý tộc vào tiết Thượng Nguyên năm Thiên Bảo thứ 4 đủ chứng minh sự sủng ái quá độ của Huyền Tông và quyền thế vững chắc của nhà họ Dương trong thời gian ấy.
Trong đêm Thượng Nguyên, kinh thành Trường An được Huyền Tông bãi bỏ nghiêm cấm, cho mọi nhà được tự do treo đèn kết hoa, vui chơi thỏa thích suốt đêm. Các vương tôn công tử cũng thi nhau xe ngựa dạo chơi, người người đông chật cả phố phường. Tình cờ xe của Quảng Ninh công chúa đi ngược với xe của người họ Dương. Vì đường phố hơi chật, nếu không xe nào nép tránh 1 bên thì không sao đi được. Cả 2 bên đều tự cho mình là quyền quý hơn đối phương, không ai nhường ai và cuối cùng xảy ra xung đột. Thấy xe của Quảng Ninh công chúa bị người nhà họ Dương làm hỏng, phò mã Trịnh Xương Dận chồng của công chúa tức giận chạy đến quát mắng, 1 tên gia nô nhà họ Dương cãi lại rồi giận dữ lấy roi ngựa đánh mạnh 1 cái trúng ngực, làm phò mã Trịnh Xương Dận ngã ngửa ra đường rất đau đớn. Hôm sau, Quảng Ninh công chúa vào cung tâu khóc với Huyền Tông: "Họ Dương ỷ vào sự sủng ái của hoàng thượng không coi ai ra gì. Việc đụng chạm ngựa xe giữa đêm người đi chơi đông đảo là chuyện thường tình, vậy mà một tên gia nô dám lấy roi đánh phò mã thì còn ra thể thống gì nữa? Cúi xin hoàng thượng hạ lệnh cho xét xử, lấy lại công bằng cho chúng thần! Đến phò mã mà nhà họ Dương còn hung hăng như vậy, thử hỏi người dân thường thì chịu khốn khổ đến đâu? Không có vương pháp trừng trị, nhà họ Dương càng lúc càng hống hách khiến ai nấy đều căm phẫn".
Huyền Tông gật đầu phán: "Ngươi cứ về đi, trẫm sẽ xem lại sự việc rồi quyết định sau!"
Quảng Ninh công chúa mừng rỡ lui ra. Tưởng răng người nhà họ Dương ít nhất cũng bị 1 phen bẽ mặt, không biết nhà họ Dương thậm thụt tâu cáo ra sao mà ngày hôm sau, Huyền Tông xuống chiếu chỉ xử tội chết tên gia nô đánh người. Điều này hoàn toàn đúng với luật pháp. Lạ lùng thay, trong chiếu còn truyền bãi hết quan chức của phò mã Trịnh Xương Dận khiến người dân Trường An lại bị 1 phen chấn động kinh hãi, vì thế lực của nhà họ Dương đủ sức khuynh đảo cả 1 vương triều đến mức người bị đánh là phò mã vẫn bị tội. Sự việc này càng làm cho nhà họ Dương thêm phóng túng, hành động bất cần dư luận, người người đều chê trách Huyền Tông. Dương Ngọc Hoàn tuy không dính líu vào việc này vẫn bị người dân căm giận, vì chính có sự che chở ưu ái của nàng, nhà họ Dương mới dám hành động ngông cuồng, không nể sợ 1 ai như vậy. Sự lộng quyền của gia tộc họ Dương chỉ chấm dứt khi xảy ra cuộc bạo loạn do An Lộc Sơn và Sử Tư Minh nổi lên lật đổ vương triều nhà Đường. Gia tộc họ Dương khởi phát là nhờ ở Dương Ngọc Hoàn và cũng sụp đổ vì chính mỹ nhân ấy.
Nguyên do là nhà Đường chủ trương đối ngoại bằng cách "lấy người Hồ trị người Hồ" nên trọng dụng không ít tướng lĩnh của bộ tộc phương bắc, ví dụ như Ca Thư Hàn, Cao Tiên Chi, An Lộc Sơn. Huyền Tông chiêu dụ họ về cấp cho quân lương, phong chức tước và sai đi trấn nhậm vùng biên giới, ngăn cản lực lượng bộ tộc Hồ luôn luôn mang ý định xâm lấn xuống Trung Nguyên. Chính sách này rất thuận lợi, vừa không phải lo nghĩ nhiều vừa tránh cho quân nhà Đường không phải lặn lội vất vả rét mướt nơi chốn biên cương. Trong 1 thời gian khá dài, nhờ chính sách khôn ngoan ấy mà biên cương phía bắc được yên tĩnh. Trong số các tướng lĩnh người Hồ, An Lộc Sơn là nghĩa tử của Tiết độ sứ U Châu tên Trương Thủ Khuê. An Lộc Sơn có thân hình to lớn vạm vỡ, sức mạnh muôn người khó địch, chỉ huy quân binh rất thiện chiến nhưng lại là người gian trá giảo hoạt. An Lộc Sơn thừa biết mình chỉ là công cụ cho triều Đường lợi dụng, 1 mặt ra tay đàn áp các bộ tộc người Hồ, 1 mặt ngấm ngầm tìm cách tăng cường lực lượng với ý đồ chiếm hẳn 1 góc giang sơn, tự xưng ngôi vương. Trong khi chờ đợi thực hiện tham vọng, An Lộc Sơn ra sức mua chuộc quan lại triều đình bằng những vật phẩm quý giá. Nhờ vậy, các quan trước mặt vua đều khen ngợi An Lộc Sơn hết lời, chẳng bao lâu đã được Huyền Tông tăng lên Tiết độ sứ cả 3 trấn là Bình Lư, Phạm Dương và Hà Đông, trở thành trấn lĩnh quan trọng nhất phương bắc của nhà Đường. An Lộc Sơn đặc biệt giỏi nịnh hót Huyền Tông, mỗi lần về kinh tâu báo đều được nhà vua đặc cách cho tham dự các yến tiệc. 1 lần kia, Huyền Tông nhân lúc uống rượu, nhìn cái bụng quá lớn của An Lộc Sơn rồi cười hỏi: "Chắc là ngươi ăn nhiều lắm? Bụng lớn như vậy thì tiền của đâu triều đình cung cấp cho đủ?".
An Lộc Sơn không hề đỏ mặt, nhân cơ hội ấy trả lời rất khôn khéo: "Hạ thần sở dĩ có bụng lớn như vậy không phải vì ăn nhiều mà vì chứa đầy lòng trung thành với bệ hạ".
Huyền Tông nghe vậy rất khoan khoái, cười mà ban thưởng ngự tửu cho hắn.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top