DƯƠNG NGỌC HOÀN - MỸ NHÂN THIÊN CỔ HẬN TÌNH (p2)
Huyền Tông nghe Cao Lực Sĩ văn hoa nịnh nọt thì khoan khoái gật đầu nhưng bất chợt lại thở dài, nói: "Tiếc thay, nếu ta biết Ngọc Hoàn trước thì đâu có đứng ra chủ hôn cho hoàng tử. Nhan sắc của nàng còn tuyệt thế hơn cả Huệ phi, thế mà chỉ là một hoàng tử phi thì thật uổng phí vô cùng; nàng xứng đáng được làm....".
Thấy Huyền Tông ngập ngừng bỏ dở câu nói, Cao Lực Sĩ vội tiếp lời: "Xứng đáng làm hoàng hậu mới phải!".
Huyền Tông 1 lần nữa gật đầu, nét mặt vẫn buồn bã như trước, nói như than: "Người ta nói nữ nhân đi lấy chồng chẳng khác gì chim vào lồng, thật đúng lắm! Ta ước gì đó chỉ là hoang tưởng mà thôi!".
Cao Lực Sĩ vốn có chủ ý từ trước, cúi đầu tâu: "Bệ hạ là thiên tử thay trời trị dân, muôn dân đều là tôi thần của bệ hạ. Hoàng tử phi dù đã có chồng cũng vẫn là con dân. Nếu bệ hạ ưa thích thì chỉ xuống một chiếu chỉ là xong, cần gì phải bận tâm buồn rầu cho suy nhược long thể!".
Đường Huyền Tông như bị sét đánh, ngồi bật dậy nhưng lại ngã ngay xuống tấm nệm lót bằng lông phượng, buồn bã nói: "Nhà Đường chúng ta đều từ chinh chiến mà lập nên sự nghiệp, vì vậy không ưa thích gì đạo đức cổ hủ của bọn Nho gia. Thế nhưng Ngọc Hoàn đã là hoàng tử phi, không thể chống lại thánh chỉ của ta thật nhưng việc chiếm đoạt mỹ nhân vẫn bị thiên hạ chê là vô sĩ. Ta thà chết chứ không thể làm như vậy được!".
Cao Lực Sĩ vẫn bình tĩnh, nhẹ giọng tâu: "Quả là bệ hạ không thể bỏ qua luân lý đạo đức nhiều đời của Nho gia thật, nhưng ở đời còn nhiều phương cách để đạt được mục đích".
Lần này, Huyền Tông nhổm dậy thật sự, vội vàng hỏi: "Ngươi nói như vậy là đã có kế sách rồi phải không?"
Cao Lực Sĩ gật đầu, ghé tai vào nhà vua nói 1 hồi, nghe tới đâu mặt rồng hớn hở đến đó, sau cùng nói với Cao Lực Sĩ: "Ta giao tất cả cho ngươi đó, nếu thành công thì sẽ được ban thưởng không biết bao nhiêu mà kể!".
Cao Lực Sĩ cúi đầu vâng dạ lui ra khỏi cung. Ngày hôm sau, tên cận thần xảo quyệt này đến thẳng vương phủ xin yết kiến Lý Mạo, 2 người nói chuyện riêng rất lâu, sau đó lại tới lượt Cao Lực Sĩ nói chuyện riêng với Ngọc Hoàn. Khi hắn ra về rồi, nét mặt của Lý Mạo nặng như đeo chì, còn Ngọc Hoàn thì chỉ biết khóc nức nở mà thôi. Thì ra Cao Lực Sĩ đến là để truyền khẩu dụ của Huyền Tông, cho Dương Ngọc Hoàn vào cung làm đạo sĩ, lấy cớ tận hiếu với Đậu thái hậu – là mẹ của Huyền Tông đã chết dưới tay Võ Tắc Thiên hoàng hậu ngày trước, thời hạn cho Ngọc Hoàn làm đạo sĩ cầu siêu cho Đậu thái hậu chỉ 3 tháng nhưng nàng biết đó chỉ là điều giả dối, 1 khi vào cung rồi có mấy ai được trở về nhà yên lành dưới lòng tham lam dâm dục của các bậc đế vương. Cả Lý Mạo và Dương Ngọc Hoàn đều biết đây chỉ là cái cớ che đậy hành động vô sĩ của cha chồng. Vào cung tức là phải hầu hạ hoàng đế trọn đời, không theo mệnh vua không được, mà theo thì quá ai oán cho mối tình nồng ấm chưa được bao lâu. Đạo quán thờ Đậu thái hậu gọi là Thái Chân quán, nằm gọn trong phạm vi hậu cung, vì vậy cái cớ mời Ngọc Hoàn vào làm cầu siêu quá trẻ con lộ liễu, nhưng Huyền Tông không còn cách nào khác hơn để độc chiếm mỹ nhân.
Vợ chồng Lý Mạo lo lắng không phải không có lý do, quả nhiên hết hạn 3 tháng, từ danh hiệu Thái Chân nữ đạo sĩ, Ngọc Hoàn đã được Huyền Tông đổi thành Thái Chân phi. Nên biết, ngay cả Võ huệ phi được Huyền Tông sủng ái hết mực mà suốt đời vẫn chỉ là quý phi, nay Ngọc Hoàn vừa vào cung mấy tháng đã được phong làm quý phi thì đủ hiểu nhà vua còn say mê nàng tới đâu. Từ lúc Huyền Tông phế bỏ ngôi hoàng hậu, nhà vua chán ngán đến độ đã có lần gần như tâm sự nội thị thân cận: "Từ nay trở đi trẫm quyết không lập ai lên ngôi hoàng hậu nữa, nữ nhân trên đời này được nhan sắc thì lại tham vọng. Hình như bất cứ mỹ nhân nào đều được đức hạnh nhưng khi đã lên ngôi hoàng hậu, thì địa vị ấy sẽ làm cho bản tính đổi khác, trở nên con người thủ đoạn để giữ chặt địa vị của mình. Trẫm vì yêu thích nhan sắc nữ nhân, không muốn nữ nhân rơi vào hoàn cảnh thủ đoạn như vậy, tốt nhất là bỏ trống ngôi hoàng hậu cũng chẳng sao!".
Như vậy, dù Dương Ngọc Hoàn cũng chỉ là quý phi nhưng thực chất chính là hoàng hậu, thay mặt hoàng đế cái quản toàn bộ lục cung. Dần dần thấy dư luận cũng không ầm ĩ lắm, Huyền Tông còn cho Dương quý phi dự yến tiệc cùng với quần thần hoặc sánh vai nhau công khai du lãm phong cảnh. Huyền Tông thấy nàng thông thạo văn chương, liền triệu nhiều văn nhân thi sĩ nổi tiếng vào cung tiếp xúc với nàng, chính những người này đều công nhận Dương quý không chỉ có nhan sắc khuynh thành mà thôi. Nàng còn tỏ ra rất có khiếu về văn chương mỹ thuật, thông hiểu các lịch sử cổ kim, nên thi nhau tiến cử các danh nhân đương thời vào cung hầu chuyện. Một lần kia, khi ngồi nói chuyện với các văn nhân, Dương quý phi có nhắc tới thi sĩ Lý Bạch mà nàng đã từng đọc được 1 số bài. Thấy Dương quý phi ngưỡng mộ Lý Bạch, Huyền Tông liền hỏi: "Trong số các khanh có ai quen biết Lý thi nhân thì hãy tiến dẫn, nếu làm vui lòng quý phi thì trẫm tiếc gì mà không ban thưởng".
Đạo sĩ Ngô Quân vốn là văn nhân khá nổi tiếng, hiện đang được phong làm khách khanh. Nhờ có dịp vân du nhiều nơi, quen biết nhiều người nên nhận có quen với Lý Bạch, vội tâu: "Họ Lý quả là thiên tiên giáng trần, thơ văn không những kiệt xuất mà tính tình hết sức phóng túng, ai gặp một lần đều khen ngợi. Thế nhưng thi nhân họ Lý này chỉ có mỗi một tật xấu là thích uống rượu, có khi được gọi là thi tiên nhưng cũng có người gọi đùa là tửu tiên, rượu càng nhiều thơ văn càng hay. Thần e rằng vào cung rồi thì gò bó không chịu được mà thôi!".
Dương quý phi nghe vậy rất thích thú, nũng nịu xin với Huyền Tông: "Bệ hạ có thể đặc cách cho Lý thi nhân được không?".
Huyền Tông cả cười, vui vẻ nói: "Tưởng gì chứ việc uống rượu thì có sao đâu. Trẫm nghe nói mười thi nhân thì đến tám chín đều mượn rượu mà phát tiết tài hoa. Vì vậy ái khanh không cần cầu xin, trẫm cũng chấp thuận cho Lý Bạch thưởng thức các loại rượu ngon nhất của hoàng cung. Như vậy mới xứng đáng với vị tửu tiên chứ! Vì Lý thi nhân không muốn gò bó, trẫm cho phép được ra vào hoàng cung tự do. Như vậy ái khanh có bằng lòng chưa?"
Dương quý phi cả mừng, bái tạ xong liền hối thúc viên bí thư giám là Hạ Tri Chương mau mau viết chiếu thư triệu Lý Bạch vào triều. Để Lý Bạch có đầy đủ bổng lộc, Huyền Tông phong cho ông làm Cung phụng hàn lâm đại học sĩ; từ đó trở đi, Lý Bạch trở thành cung nhân cung đình, sáng tác rất nhiều bài thơ ca tụng nhan sắc tuyệt thế của Dương quý phi, đồng thời là người bạn văn chương tâm đắc nhất của nàng. Tuy nhiều người chê bai, cho rằng thơ văn mà chỉ chú trọng đến sắc đẹp hoặc ca tụng hoàng đế thì quá tầm thường, không đáng lưu vào sử sách. Thế nhưng những áng thơ văn của Lý Bạch vô cùng ưu nhã, vần điệu trau chuốt, khiến bất cứ ai đọc rồi đều thán phục, nên thơ văn của họ Lý lan truyền ra ngoài hoàng cung và rất phổ biến trong giới thơ văn học giả. Có 1 lần, Huyền Tông và Dương quý phi ngồi uống rượu thưởng thức cảnh hoa mẫu đơn đua nở, cảnh sắc đã đẹp mà lại có mỹ nhân ngồi cạnh càng làm cho Huyền Tông vô cùng hứng thú. Nhà vua chợt nhớ tới Lý Bạch, liền nói với Dương quý phi: "Cảnh sắc xinh tươi như thế này, mỹ nhân diễm lệ như thế này quả là ít khi trẫm được thưởng thức qua. Trẫm nghe nói Lý học sĩ có tài làm thơ ứng khẩu rất mau lẹ, hay là nhân dịp này mời ông ta vào, yêu cầu ông ta sáng tác vài bài để ghi nhớ cảnh đẹp ngày hôm nay thử xem!".
Dương quý phi vốn cũng đã nghĩ tới việc có hoa, có rượu, có người mà không có thơ thì thật uổng phí, nên gật đầu xin nghe theo. Huyền Tông lập tức sai nội thị đi mời Lý Bạch đến hầu rượu. Khi ấy đã gần nửa đêm, họ Lý hầu như say mèm, phải vất vả lắm mới đánh thức ông dậy được. Tuy là người phóng túng, hào sảng nhưng từ khi vào cung, Lý Bạch cũng đã biết phép tắc ra sao nên Lý Bạch không dám từ chối, sửa sang lại y phục rồi lảo đảo theo chân nội thị đến Ngự Uyển. Thấy Lý Bạch còn có vẻ chưa tỉnh hẳn, Huyền Tông khoáng đạt cười lớn, nói luôn: "Nếu như học sĩ còn say thì bất tất phải làm thơ, về nghỉ cho khỏe đi".
Lý Bạch liền đáp: "Hạ thần lúc chiều tối gặp mấy bằng hữu trong giới văn nhân, có vui vẻ quá chén một lúc. Bây giờ đầu óc vẫn còn ngầy ngật thật, nhưng nếu bệ hạ ban cho vài chén rượu thì tỉnh táo ngay lập tức. Sao hạ thần có thể làm mất hứng thú của bệ hạ và quý phi được?".
Huyền Tông cả cười, truyền nội thị mang rượu ngon nhất đến cho Lý Bạch uống. Sau vài chén, quả nhiên đôi mắt thi nhân sáng lên nhìn quanh 1 vòng, từ đóa hoa mẫu đơn mới nở lộng lẫy sắc màu cho đến vẻ diễm lệ nghiêng thành của Dương quý phi rồi cất tiếng ngâm nga tức khắc. thấy vậy Huyền Tông liền sai nội thị sửa soạn bút nghiên giấy mực, ghi lại những gì thi nhân đang phát tiết. Chỉ trong giây lát, Lý Bạch đã theo sát đề tài trước mặt, làm luôn 3 bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, gọi là 3 bài "Thanh bình điệu".
Bài thứ nhất:
"Vân tưởng y thường hoa tưởng dung,
Xuân phong phất hạm lộ hoa nùng.
Nhược phi Quần Ngọc sơn đầu kiến,
Hội hướng Dao Đài nguyệt hạ phùng."
Bài thứ 2:
"Nhất chi hồng diễm lộ ngưng hương,
Vân vũ Vu Sơn uổng đoạn trường.
Tá vấn Hán cung thùy đắc tự,
Khả liên Phi Yến ỷ tân trang".
Bài thứ 3:
"Danh hoa khuynh quốc lưỡng tương hoan,
Trường đắc quân vương đới tiếu khan.
Giải thích xuân phong vô hạn hận,
Trầm Hương đình bắc ỷ lan can."
Dịch thơ:
"Thoảng bóng mây qua nhớ bóng hồng,
Gió sương dìu dịu giọt sương trong
Ví chăng non ngọc không nhìn thấy
Dưới nguyệt Đài Dao thử ngóng trông".
"Hương đông mọc đượm một cành hồng
Non giáp mây mưa những cực lòng
Ướm hỏi Hán cung ai mãn tượng
Điểm tô nàng Yến tốn bao công".
"Sắc nước hương trời khéo sánh đôi
Quân vương nhìn ngắm những tươi cười
Sầu xuân man mác tan đầu gió
Cửa bắc đình Trầm đứng lả lơi"
Chỉcần 3 bài này, Lý Bạch đã lột tả được nhan sắc khuynh thành tuyệt thế của Dươngquý phi. Lấy mây và hoa diễn tả dung nhan và dáng điệu diễm lệ của nàng, khiếnngười đọc càng tưởng tượng ra càng ngây ngất vì 2 cái đẹp hoa và người trongcâu "Danh hoa khuynh quốc lưỡng tươnghoan" cùng nhau tranh đua phô diễn.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top