ĐIÊU THUYỀN - MỸ NHÂN VÌ NƯỚC DIỆT GIAN THẦN (end)
Lý Túc nghe vậy, trợn mắt lên đáp: "Từ lâu tôi đã có ý diệt trừ lão già dâm bạo ấy, nhưng sức yếu thế cô, không có người đồng lòng nên đành nén căm hận qua ngày. Nay đã hiểu tướng quân cũng mang một chí hướng thì xin cùng nhau ra tay để lại danh thơm về sau. Chẳng lẽ với tài năng của tôi và tướng quân mà cứ chịu nhục cho người sai khiến mãi sao? Trường hợp bị triều đình nghi kỵ không ban chức tước, thì tôi và tướng quân tụ tập binh mã tung hoành thiên hạ một phen!".
Lã Bố mừng rỡ, kể lại việc các đại thần triều Hán đang toan tính việc trừ diệt Đổng Trác rồi nói bàn với Lý Túc: "Dương tư đồ đã mật tâu với hoàng thượng hạ chiếu chỉ gọi Đổng Trác về triều bàn việc nước. chúng tôi còn đang phân vân chưa biết nhờ ai mang đi cho lão tặc khỏi nghi ngờ. Nay có đô úy một lòng thì thật may quá! Trước khi đi, đô úy sắp đặt một số võ sĩ nơi cửa điện và Bắc Dịch môn, hai đầu bao vây đừng cho Đổng Trác chạy thoát".
Lý Túc xin nghe theo. Ngày hôm sau mang theo vài kỵ binh đến thẳng My Ổ. Nghe có chiếu chỉ của thiên tử, Đổng Trác rất khó chịu nhưng cũng truyền cho vào. Chờ Lý Túc quỳ lạy xong, Đổng Trác cau mặt quát hỏi: "Hiện giờ giang sơn yên tĩnh, có việc gì gấp rút mà tên nhãi ranh ấy triệu ta vào triều. Ta đang muốn nghỉ ngơi vui chơi một chút, ngươi về báo lại là thủng thỉnh rồi ta sẽ về triều sau!".
Lý Túc thấy vậy rất lo lắng, nảy ra 1 kế, vội thưa: "Trong chiếu chỉ, thiên tử mời thái sư về triều là để bàn việc nước. Nhưng theo tin tức của tiểu tướng thì thiên tử còn có ý khác. Lần này bàn việc nước mà thiên tử cho hội toàn thể quan văn võ ở điện Vị Ương, tức là có ý muốn dò hỏi về việc nhường ngôi cho thái sư. Tiểu tướng nghe đồn vậy thôi, chẳng biết có thật không nhưng cũng cấp tốc đi ngay. Xin thái sư quyết định!".
Đổng Trác nghe nói thì sáng mắt hẳn lên, hớn hở hỏi: "Còn các đại thần ngươi có biết ý của bọn họ ra sao không?".
Đã lỡ bịa đặt, Lý Túc đành theo lao thưa: "Những vị đại thần khác thì tiểu tướng không biết, riêng Dương tư đồ mấy hôm nay rất tất bật,nghe đâu đang chỉ huy xây dựng một đài cao làm gì đó. Theo tiểu tướng thì có lẽ đó là lễ đài làm lễ nhường ngôi cho thái sư".
Đổng Trác thích quá, cười ha hả rồi nói: "Đến Dương Sung cũng không dám chống cự, thì ta bước lê ngôi cửu ngũ là xứng đáng lắm. Đêm hôm qua, ta mộng thấy có một con rồng từ trời bay xuống quấn quanh người, điềm triệu quả đúng với những lời ngươi vừa nói. Ngươi lui ra sau nghỉ ngơi ăn uống rồi đi cùng ta về triều một thể!".
Lý Túc bày vẽ việc không có thật, trong lòng hết sức hồi hộp, lwg toát cả mồ hôi lạnh. Chẳng ngờ lại có kết quả trùng hợp ngẫu nhiên, vội vàng bái tạ rồi lui ra ngay. Đổng Trác lập tức hạ lệnh cho các bộ tướng là Lý Thôi và Quách Dĩ trấn thủ My Ổ, còn mình thì vào chào từ biệt, đồng thời báo tin cho lão mẫu biết chia vui với mình. Lão mẫu nghe vậy không hề vui mừng chút nào, trầm ngâm nói: "Ngôi Đế vương nhà Hán chẳng lẽ dễ dàng từ bỏ đến vậy sao? Mấy lúc gần đây, ta thường thấy trong người hồi hộp không yên, đếm nhiều ác mộng, e rằng sẽ có sự việc không lành. Hay là con xin thiên tử cho hoãn lại một thời gian".
Đổng Trác đang vui mừng, đời nào chịu nghe, hớn hở nói gạc đi: "Mẹ tuổi già hay sinh ra chứng mộng mị đó thôi. Mai đây mẹ là hoàng thái hậu vinh hiển biết bao, đừng quá lo lắng mà tổn thọ. Điềm rồng vàng giáng hạ chính là điềm trời báo trước con sẽ lên ngôi cửu ngũ, còn sai sao được".
Lão mẫu vẫn cố gắng thuyết phục khiến Đổng Trác cuối cùng đâm ra phân vân không quyết. Điêu Thuyền ngồi hầu bên cạnh, nghe vậy biết ngay đó là 1 phần kế sách của nghĩa phụ, vội vàng chen vào: "Trong dân gian có câu nói: trong lòng hồi hộp là sắp có việc vui lớn. Lão mẫu hồi hợp cũng là điềm lành, ứng với giấc mộng của thái sư vậy!".
Đổng Trác khoái trá, cười ngất, vui vẻ hứa hẹn: "Sau khi ta lên ngôi thiên tử rồi, ngôi quý phi chắc chắn thuộc về nàng".
Điêu Thuyền giả mừng rỡ, bái tạ xong ríu rít tiễn Đổng Trác lên xe. Đoàn người ngựa tiền hô hậu ủng, nhắm hướng Trường An đi, chưa đầy 30 dặm thì chợt bánh xe Đổng Trác ngồi bị gãy, lão đành phải qua xe khác. Đã vậy, đi được chừng 30 dặm nữa, đột nhiên con ngựa kéo xe đột nhiên dở chứng, hí vang rồi chồm lên cắn đứt dây cương, làm cho xe của Đổng Trác suýt lật ngửa. Lần này Đổng Trác tỏ vẻ không vui, hỏi Lý Túc đi hộ vệ bên cạnh: "Theo ngươi thì những điềm bánh xe gãy, ngựa đứt cương là lành hay dữ. ta có nên vì những điềm này mà quay trở về hay không?".
Lý Túc sợ Đổng Trác làm thật, vội nói dối: "Theo tiểu tướng thì có lẽ thái sư sắp lên ngôi hoàng đế phải được ngồi trên long xa do danh mã kéo mới hợp nghi vệ. Những chiếc xe tầm thường này không xứng đáng nên mới xảy ra những điềm báo trước".
Đổng Trác đổi buồn thành vui, truyền cho tiếp tục lên đường. Ngày hôm sau khi đoàn xe đi được nửa đường, chợt có cơn cuồng phong từ đâu cuộn đến, bụi đỏ tung mù mịt cả một vùng, rất lâu mới tan, vì vậy đoàn xe bắt buộc phải ngừng lại. Nhân lúc đó, Đổng Trác hỏi Lý Túc: "Cuồng phong là điềm lành hay xấu?".
Lý Túc vội đáp: "Thái sư sắp sửa làm hoàng đế, thiên uy vang dội khắp nơi, chẳng khác gì cuồng phong vậy! Màu đỏ cũng là màu tía của bậc thiên tử hay dùng, như vậy là điềm lành!".
Đổng Trác thấy mấy lần có điềm báo, phù hợp với giấc mộng của mình thì khoái trí cười ha hả, vỗ vai Lý Túc nói: "Ngươi khéo giải thích lắm. Khi lên ngôi rồi, ta sẽ phong cho ngươi làm thống lĩnh cấm quân, được kề cận bên ta".
Thật ra Lý Túc mấy lần toát cả mồ hôi, nhờ giải thích nhảm nhí mà được Đổng Trác tin tưởng thì thở phào một cái, quỳ xuống bái lạy theo nghi vệ thiên tử làm cho Đổng Trác càng thêm thích thú. Khi đến ngoài thành Trường An, Dương Sung đã huy động bá quan đứng thành 2 hàng dài chào đón, chẳng khác nào bậc thiên tử giá lâm. Đổng Trác không còn nghi ngờ gì nữa, nghênh ngang cho xe thẳng vào thành đóng trại chờ nhập triều. Thật ra bá quan đều không biết nguyên nhân tại sao, có lệnh của Dương tư đồ thay mặt hoàng đế thì cứ vậy mà thi hành. Khi ấy Lã Bố cũng đến chào, bao nhiêu giận dữ từ trước đến nay Đổng Trác vì vui mừng mà quên hết, cười nói với Lã Bố: "Cha con ta vào sinh ra tử biết bao lần mới có ngày hôm nay, ta lên ngôi rồi sẽ đền đáp công lao của ngươi xứng đáng, phong cho ngươi làm Đô thống binh mã. Khi có binh quyền trong tay, ngươi phải tận tụy trung thành với ta mới được".
Lã Bố vâng dạ cho qua chuyện, đêm hôm ấy cùng với Lý Túc thay phiên nhau canh gác trước trướng để bảo vệ cho Đổng Trác. Thật ra là có cơ hội dò xét xem Đổng Trác còn nghi ngờ hay thay đổi ý định gì không. Sáng hôm sau, mặt trời vừa ló dạng, Đổng Trác đã thúc giục quân tướng sửa soạn nghi vệ chỉnh tề, tiền hô hậu ủng tiến vào cấm thành. Đổng Trác muốn tỏ oai phong nên không mặc triều phục mà mặc nhung phục, áo giáp sáng ngời, có Lã Bố cầm phương thiên hỏa kích và Lý Túc cầm đao hộ vệ 2 bên, vô cùng hùng dũng. Đoàn ngựa xe rầm rộ đi đến Bắc Dịch môn thì tất cả các quân tướng của Đổng Trác đều bị chận lại. 1 quân tướng mặc nhung phục cấm quân bước ra bái chào rồi nói: "Theo luật của hoàng triều, quân sĩ và những người không có chức tước đều không được vào. Xin thái sư thứ lỗi! Tiểu tướng được lệnh chỉ cho Lã ôn hầu và Lý đô úy theo hầu thái sư mà thôi!".
Đổng Trác không hề nghi ngờ chút nào, truyền lệnh cho Lã Bố và Lý Túc dẫn thêm 20 võ sĩ đi theo mình, chẳng thèm xuống xe, nghênh ngang đi tiếp. Chưa tới cửa cung, Đổng Trác tin mắt nhìn thấy bọn Dương Sung và vài vị đại thần nữa cầm gươm đứng chờ thì giật mình hỏi Lý Túc: "Tại sao trong triều lại có nhiều người cầm võ khí như vậy?".
Lần này Lý Túc không biết trả lời sao, cứ thúc xe chạy cho mau tới. Đổng Trác nhận ra có điều bất ổn, nhảy xuống xe định chạy trốn nhưng Dương Sung đã kịp thời hô lớn: "Các võ sĩ đâu! Theo lệnh thiên tử, trừ diệt phản thần!".
Tiếng hô vừa dứt, từ 2 bên hàng trăm võ sĩ gươm giáo sáng lòa xông ra, người cầm kích đâm, kẻ cầm đao chém loạn xạ, may nhờ Đổng Trác có giáp phục nên chỉ bị vài vết thương ở tay chân, vội vàng kêu lớn: "Phụng Tiên, Lý Túc đâu! Mau bảo vệ cho ta!".
Quả nhiên dứt tiếng kêu đã có Lã Bố cầm kích, Lý Túc cầm đao từ phía sau xe chạy đến. Đổng Trác còn đang mừng rỡ thì bất ngờ Lã Bố cầm kích chỉ mặt mà mắng: "Đổng Trác! Ta với ngươi chẳng còn tình nghĩa cha con gì nữa! Ngươi là phản thần thì mau mau chịu chết đi!".
Đổng Trác chưa kịp mắng lại thì Lã Bố đã nhanh nhẹn phóng ngọn kích trúng ngay yết hầu. Đổng Trác ngã lăn ra đất, máu từ cổ tuôn ra xối xả nhưng chưa chết ngay. Lý Túc bèn bước tới cho 1 đao đứt hầu, cầm giơ lên cùng lúc với Lã Bố tuyên bố chiếu thư: "Thiên tử có lệnh: Đổng Trác khi quân phản lệnh, tội như trời biển, chết không thể tha! Còn lại đều không bị liên can. Mau vứt võ khí xuống, tạ ơn thiên tử! Trái lệnh sẽ chém đầu!".
Các võ sĩ vốn theo hầu Đổng Trác chỉ vì miếng cơm manh áo, nghe vậy đều vứt võ khí, quỳ xuống tung hô vạn tuế. Lã Bố và Lý Túc liền chạy ra cửa thành, tuyên chỉ tha tội cho những ai đi theo Đổng Trác, nên quân tướng không một ai phản kháng lại, đều vứt gươm giáo xin quy hàng. Dương Sung thấy việc thành công như ý muốn, sai quân mang xác Đổng Trác vứt ra giữa chợ cho dân chúng tha hồ hành hạ. Người dân Trường An từ lâu nay rên xiết dưới sự hoành hành tàn bạo của Đổng Trác, oán hận thấu xương nên khi thấy xác hắn to béo, bụng đầy mỡ thì liền lấy tim đèn cắm vào rốn, làm thành cây đuốc thịt, đốt cho hả lòng. Cách hành xử này khá tàn nhẫn nhưng điều đó chứng tỏ sự oán hận của người dân Trường An đã lên tới cực điểm.
Dương Sung biết Lã Bố rất nóng ruột về Điêu Thuyền, lại biết My Ổ phòng thủ rất nghiêm mật, còn nhiều tướng tài của Đổng Trác ở đó, nên hạ lệnh cho Lã Bố cùng với Lý Túc, Hoàng Phủ Tung dẫn 5 vạn quân mã đến đó tịch biên gia sản, ai chống lại thì giết không tha. Dương Sung cũng cho quân đi bắt Lý Nho trừ cỏ tận gốc nhưng chưa kịp thì chính bọn gia nhân của hắn đã bắt trói, dẫn đến nạp mạng. Dương Sung liền sai dẫn Lý Nho ra chợ chém, bêu đầu làm gương. Các tướng trấn thủ My Ổ là Lý Thôi, Quách Dĩ, Trương Tế, Phàn Trù trước đó đã nghe quân sĩ phi báo, chẳng còn hồn vía nào nữa, dẫn toàn bộ quân Phi Hùng chạy đến Lương Châu. Lã Bố không phải vất vả cũng chiếm lại được mỹ nhân Điêu Thuyền.
Sau này Lã Bố tung hoàng 1 thời gian, nhưng vì hửu dũng vô mưu, bị trúng kế của Trần Đăng, bị Tống Hiến và Ngụy Tục bắt nạp bắt nạp cho Lưu Bị và Tào Tháo. Vốn có ân nghĩa với Lưu Bị, Lã Bố hy vọng họ Lưu sẽ kêu xin giúp mình, nhưng Lưu Bị giả không nhìn thấy, để mặc cho Tào Tháo sai quân đem xuống lầu thắt cổ đến chết.
Bỏ qua những tình tiết chính trị, Lã Bố và Điêu Thuyền là 1 chuyện tình được nhiều người biết đến. Và đó cũng là mỹ nhân kế xuất sắc trong lịch sử Trung Quốc. Nếu không có sự khéo léo và hy sinh của Điêu Thuyền, Dương Sung dù có quân tướng trong tay khó có thể giết được Đổng Trác dễ dàng như vậy. Phụng Nghi đình trở thành 1 giai thoại mà thi nhân đời sau đặt thành 1 bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, ngắn gọn mà đầy đủ:
Tư đồ diệu toán thác hồng quần
Bất dụng can qua bất dụng binh
Bách vạn hùng sư đồ phí lực
Khải ca khước tấu Phụng Nghi Đình.
Tạm dịch:
Mưu kế tư đồ cậy má hồng
Chẳng tạo can qua chẳng dụng binh
Trăm vạn quân hùng đâu phí sức
Chỉ ca một khúc Phụng Nghi Đình.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top