BAO TỰ - NỤ CƯỜI LÀM MẤT GIANG SƠN (p2)

Đại thần Thái Thúc Đái vốn là người chính trực, tan triều về phủ mà trong lòng không yên, tự nghĩ: "Trời đất vốn rộng lượng, tuy thấy nhà Chu sa đọa, không xứng đáng thay mặt Trời chăn dắt muôn dân, nhưng vẫn cho Hỏa tinh xuống trần đưa lời cảnh báo. Nay hoàng thượng lại làm việc mất hết lương tâm, thì nhà Chu còn đứng vững sao được? Ta đã già rồi, dù có mệnh hệ nào cũng không thể khoanh tay ngồi yên nhìn cảnh mất nước trước mắt".

Nghĩ xong, Thái Thúc Đái ngồi viết 1 bản biểu can gián, ngay sáng hôm sau dâng vào triều. U Vương chưa hết cơn giận hôm trước, đọc bài biểu của Thái Thúc Đái thì không sao dằn được, nổi trận lôi đình, ra lệnh trừng trị. Vì Thái Thúc Đái là hoàng thân quốc thích, U Vương không thể giết chết được, đành phải hạ chiếu cắt hết chức tước, đuổi về làm thường dân. Do vậy, dù trong triều vẫn còn 1 số quan lại công minh chính trực, nhưng hầu như chẳng ai dám mở miệng để rước họa vào thân.

Ở nước Bao nghe tin sét đánh, thái tử Bao Hồng Đức vội hội quần thần lại thương nghị. Triều thần bàn cả ngày trời vẫn không sao tìm ra kế sách nào vẹn toàn, đành phải chia tay về nghỉ ngơi, hầu như không ai ngủ được. Trong số các đại thần ấy, có 1 vị tên là Bao Quýnh, ngày thường hay phàn nàn về thói xa hoa, dâm dật của U Vương; nay chợt nghĩ ra: "Thiên tử nhà Chu là người ham mê sắc đẹp, sao chúng ta không lấy độc trị độc trị độc bằng cách tiến cống mỹ nữ cho hắn. Đây có lẽ là kế sách vẹn toàn nhất, vừa cứu được Đại vương về, vừa làm suy nhà Chu. Nước Bao tất sẽ không lo lắng bị xâm phạm nữa!".

Sáng hôm sau, Bao Quýnh tất tả vào triều dâng lên kế sách của mình. Hồng Đức nghe xong, như người vượt qua mây mù, mừng rỡ, chấp nhận và hạ lệnh cho các đại thần chia nhau đi khắp nước Bao tuyển chọn mỹ nữ, đồng thời gom góp thêm 1 số vật thực, vàng ngọc để tiến cống. Nước Bao vốn nhỏ bé, các đại thần lại lo lắng cho nước nhà, cật lực thi hành theo lệnh nhà vua, nên chẳng mấy ngày tuyển chọn được 10 mỹ nhân. Trong số 10 mỹ nhân ấy, có 1 cô gái con của Bao Tiều có nhan sắc nổi trội, tên là Bao Tự, chính là người con gái ngày trước đã bị Khương hậu cho thả trôi sông. Bao Tự tuy là dân dã, nhưng nét ngọc mày ngài, sắc nước khuynh thành, dáng điệu thanh thoát uyển chuyển, tự nhiên khiến ai ai nhìn thấy cũng ngẩn ngơ không chớp mắt. Tâm trí của thái tử Hồng Đức đang ngổn ngang trăm mối, thế mà gặp Bao Tự cũng nhen nhóm chút rung động. Hồng Đức tự nghĩ: "Ta vẫn tự phụ là người quân tử, không bao giờ bị nữ sắc mê hoặc, thế mà hôm nay cũng cảm thấy thật lạ lùng. Chắc chắn U Vương sẽ rất hài lòng và hy vọng nhờ đó sẽ cứu được hoàng phụ khỏi chốn giam cầm".

Đây là việc chung của quốc gia, gia đình nào có con gái được tuyển chọn đều vui mừng hãnh diện, hoàn toàn không đòi hỏi gì tiền bạc. Riêng Bao Tiều đã có công lao nuôi dưỡng Bao Tự, được Hồng Đức ban thưởng 300 lượng vàng và 300 xấp lụa. Số mỹ nhân được tuyển chọn ấy cấp tốc được quan lại cung đình huấn luyện các nghi tiết cung đình, từ lời ăn tiếng nói cho tới những bước đi, cả những mánh khóe liếc mắt, làm sao để chiều chuộng bậc quân vương. Trong 1 tuần lễ, 10 mỹ nữ đều được chăm sóc chu đáo, tắm bằng nước thơm, trang điểm lộng lẫy, nhan sắc càng tăng thêm bội phần. Riêng Bao Tự đặc biệt hơn, nàng được chính Bao Quýnh dặn dò những thủ thuật làm cho U Vương say mê, không còn nghĩ gì tới triều chính, thì mới khuynh đảo được nhà Chu đến chỗ mất nước. Vốn là người thông minh, Bao Tự càng ra sức học tập những ngón nghề có thể làm mê muội lòng dạ U Vương như đàn địch, múa hát, chiều chuộng. Hồng Đức cũng biết triều đình nhà Chu thối nát, tất cả đề do bàn tay lộng quyền của bọn nịnh thần; vì vậy khi đưa mỹ nhân đến Cảo Kinh, trước hết dùng vàng bạc mua chuộc Oắt Công. Tên này lập tức vào cung cấm, gặp riêng U Vương, ỏn thót: "Theo hạ thần bí mật điều tra, thì nước Bao vừa rồi bị thiên tai rất nặng nề. Tuy nhiên, Bao Hướng bị bệ hạ giam cầm, họ vẫn một mực trung trinh, không hề ca thán nửa lời. Họ còn muốn tỏ lòng trung thành với bậc thiên tử, nên ngày hôm nay, sai sứ thần đến Cảo Kinh xin được tiến dâng một số mỹ nữ và phẩm vật thay cho số lúa mạch đen phải tiến cống".

Thấy U Vương không phản ứng gì, Oắt Công tiếp tục thuyết phục: "Hạ thần thấy rằng, nếu chúng ta cứ cố chấp, quyết phải lấy được số lúa mạch đen ấy, thì rốt cuộc đẩy họ vào đường bế tắc, dù có muốn cũng chẳng đào đâu ra được. Chi bằng nhân cơ hội này, bệ hạ tỏ lượng khoan dung, càng khiến cho nước Bao và các chư hầu nể phục. Trong cung còn thiếu gì loại rượu ngon, nay được thêm mỹ nhân và xuống ơn mưa móc cho chư hầu, thì chẳng phải là lợi đôi bề hay sao?".

U Vương vốn tính háo sắc, vừa nghe 2 tiếng "mỹ nhân", trong lòng đã có chút vừa ý, nên mặt rồng tươi tỉnh, truyền ngày mai cho sứ thần nước Bao vào cấm cung bệ kiến. Sắc đẹp của Bao Tự quả là có sức mạnh kinh người. Ngay khi vừa mới thấy mặt, U Vương như bị hớp hồn, chẳng còn để ý gì đến các mỹ nữ cùng đi theo. Qua vài phút sững sờ, U Vương hớn hở, truyền lệnh ban 9 mỹ nữ kia cho các đại thần; đồng thời lập tức tha Bao Hướng về nước. Doãn Cầu thấy Oắt Công chỉ dùng 3 tấc lưỡi đã được lòng U Vương, thì không sao chịu nổi, bước ra tâu: "Xin chúc mừng bệ hạ được diễm phúc thần tiên. Tuy nhiên bệ hạ đã có Thân hậu danh chính ngôn thuận cai quản lục cung, nay Bao mỹ nhân chưa có danh phận gì mà lập tức đưa vào cung thì e rằng..."

U Vương mất cả hứng thú, sầm mặt quát lớn: "E rằng cái gì? Ta là thiên tử khắp bốn phương trời, chẳng lẽ Thân hậu là làm khó dễ được ta à? Ngươi là kẻ hai dạ, muốn lấy lòng Thân hậu chăng? Hay là muốn bắt chước mấy tên ngu trung, tìm đủ cách ngăn cản bậc đế vương vui chơi?"

Doãn Cầu đã có ý định sẵn, trong lòng rất bình tĩnh, giả như sợ hãi, quỳ sụp xuống tạ tội, rồi mới tâu tiếp: "Hạ thần thật chẳng dám hai lòng, chỉ vì sự thực mà tâu bày. Việc đưa mỹ nhân vào cung vượt qua nghi lễ, chắc chắn sẽ khiến Thân hậu bực tức và quần thần dị nghị. Vì vậy, theo hạ thần, bệ hạ nên đưa Bao mỹ nhân đến Quỳnh Đài một thời gian. Quỳnh Đài tuy vẫn nằm trong cấm cung nhưng là nơi tiêu khiển của quân vương, không thuộc về lục cung. Như vậy Thân hậu không có lý do để cản trở được cả".

U Vương đổi giận làm vui, cười ha hả khen: "Ha ha ha, khanh thật là người khéo léo, biết nghĩ xa xôi và trung thành với trẫm. Trẫm cho ngươi toàn quyền sắp xếp mọi việc sao cho ổn thỏa, sau này sẽ hậu thưởng".

Doãn Cầu cả mừng, lập tức bái tạ lui ra, truyền quân sĩ cấp tốc trang hoàng lại Quỳnh Đài cho thật rực rỡ, đưa Bao Tự vào sửa soạn đón tiếp U Vương ngay đêm hôm đó. Đối với U Vương, trong cung có đến hàng mấy ngàn mỹ nhân thì việc ái ân có gì là lạ. Thế nhưng riêng đêm hôm ấy, vị thiên tử nhà Chu hoàn toàn bị mùi da thịt và cử chỉ yêu kiều của Bao Tự làm thần trí mê mệt, truy quang suốt sáng mà vẫn thấy chưa đủ. Ngày hôm sau, truyền lệnh bãi triều, khiến bá quan đều kinh ngạc không hiểu vì sao. Thông thường mỗi lần U Vương ban ơn mưa móc cho các phi tần chỉ 1 đêm là chán ngán, hôm sau truyền chỉ tìm người khác thay thế; riêng Bao Tự càng gần gũi bao nhiêu, U Vương càng cảm thấy háo hức bấy nhiêu, đến nỗi việc thiết triều từ đó lúc có lúc không. Suốt 3 tháng trời, chưa 1 lần đến Bắc cung của Thân hậu. Vốn là người đoan trang, hiểu rõ lễ phép của bậc mẫu nghi thiên hạ, Thân hậu đã nghe các quan bàn tán xôn xao về việc U Vương say mê Bao Tự, nhưng trong lòng tự nghĩ: "Đàn ông nào mà chẳng vậy, vừa mới nếm được mùi mỹ nhân sắc nước hương trời, thì việc triều chính tất nhiên phải trì trệ đôi chút. Dù họ Bao kia có là tiên thiên giáng thế, cũng chỉ mê hoặc được hoàng thượng vài ba ngày là cùng".

Chẳng ngờ sự tiên đoán của Thân hậu hoàn toàn sai lạc. Gần 3 tháng trời, U Vương chỉ thiết triều hơn 10 ngày, nghe các quan tâu báo mà như người mất hồn, mau mau hạ lệnh bãi triều rồi lui về Quỳnh Đài ngay. Theo lệ thường, nhà vua mỗi tháng ít nhất phải 1 lần đến Bắc cung thăm hỏi hoàng hậu, thế mà 3 tháng này hầu như U Vương không hề đặt chân đến thăm hỏi 1 lời chiếu lệ. 1 phi tần họ Triệu vốn rất thân cận với Thân hậu, nhân cơ hội ấy, ỏn thót: "Con tiện tì họ Bao kia chưa có danh hiệu, chỉ là một đứa dân đen biết chút ít xướng ca múa hát làm mê lòng người. Hoàng thượng không đáng trách, bởi vì dễ gì quân tử vượt qua được ải mỹ nhân. Nhưng tiện tì họ Bao kia, đã ba tháng nay không hề đến cung hoặc thỉnh an nương nương thì quá lắm. Nương nương là bậc mẫu nghi cai quản lục cung, cũng nên cho nó biết chút phép tắc trong cung mới phải".

Bao nhiêu phẫn uất trong lòng Thân hậu bị ghìm nén, nay như được lửa tưới thêm dầu, đùng đùng nổi giận, lập tức dẫn theo 10 cung nữ thẳng đến Quỳnh Đài. Bọn nội thị canh giữ ngoài Quỳnh Đài hết sức bất ngờ, không dám ngăn cản Thân hậu, mà cũng không kịp cấp báo cho U Vương biết. Vì vậy khi Thân hậu xông vào hậu đài thì bắt gặp 1 cảnh tượng mê hồn lạc phách: U Vương tay cầm chén rượu, ngả nghiêng nói cười, còn Bao Tự chỉ có chiếc áo mỏng che thân, ngồi trong lòng nhà vua uốn éo lả lơi. Thân hậu không sao kìm được cơn ghen tức, chân tay run lẩy bẩy đã toan phát tác, nhưng trước mặt đấng đế vương vẫn không dám quá đáng, sợ sơ suất thì sẽ mạo phạm khó biện minh được.. bà nghiến răng, trợn mắt, chỉ Bao Tự, quát lớn: "Tiện tì kia, giữa ban ngày ban mặt, sao dám làm loạn phích nước, mê hoặc quân vương".

U Vương qua phút bất ngờ, vội vàng khoác hoàng bào tử tế, rồi đẩy Bao Tự về phía sau, lấy thân mình che chắn, đỡ lời: "Đây là Bao mỹ nhân vừa được trẫm kết nạp, tuy nhiên vì chưa có danh phận nên mấy lần nàng định đến triều kiến ái khanh mà trẫm không cho, không phải vì nàng cố ý khinh dễ lễ nghi. Tất cả tội đều do trẫm dạy!".

Thân hậu nghe vậy, hết sức bối rối, tuy cơn giận vẫn còn nhưng không dám mạo phạm U Vương, uất ức nhỏ 2 dòng lệ rồi bỏ đi. Bao Tự thừa biết đó là hoàng hậu, giả vờ sợ hãi hỏi: "Bà già ấy là ai mà hung hăng quá vậy?Bà ta lại dám bỏ đi không thèm bái tạ bệ hạ thì thật là to gan quá!".

U Vương cười trừ đáp: "Hà hà..Đó chính là chính cung hoàng hậu, khanh đã biết rồi thì ngày mai nên thu xếp chút thời giờ bái kiến cho đúng lễ".


Bao Tự dùng giằng nói xẵng: "Hóa ra hoàng hậu cũng không biết lễ nghi đối với bậc quân vương, còn trách tiện thiếp sao được. Đã vậy, bệ hạ cho tiện thiếp trở về nước Bao, kẻo có ngày mất mạng với bà già hung ác đó!".


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top