BAO TỰ - NỤ CƯỜI LÀM MẤT GIANG SƠN (end)
Doãn Cầu ngẩn người ra 1 chút rồi hiểu ngay, cười khả ố, chỉ mặt Ôn Chu mắng: "Trong thư toàn những lời lẽ phản loạn như vầy, mà ngươi bảo là thư hỏi thăm của mẹ với con hay sao?".
Ôn Chu còn đang kinh hoảng, chưa tìm được lời biện hộ, thì Doãn Cầu đã mau mắng quát gọi: "Người đâu, giam mụ già vào đại lao chờ triều đình nghị xử, tuyệt đối không cho ai biết việc này!".
Mặc cho Ôn Chu van cầu khóc lóc, Doãn Cầu mời Bao Tự ra ngoài, cười hỏi: "Chắc nương nương đã có kế sách gì vẹn toàn phải không?".
Bao Tự thản nhiên đỡ lấy lá thư, xé thành nhiều mảnh nhỏ, 1 phần sai cung nữ đốt bỏ, còn lại phần lớn những câu chữ hết sức mập mờ, tuy ai đọc cũng sẽ hiểu ngay đó là thư của Thân hậu gởi cho thái tử, còn ý tứ ra sao thì khó mà đoán được như nguyên văn. Doãn Cầu và Oắt Công nhìn Bao Tự thi hành độc kế, trong lòng rất thán phục. Khi U Vương về tới Quỳnh Đài, Bao Tự bước ra tiếp đón, mà mặt hoa vô cùng tiều tụy, buồn thảm, 2 hàng lệ dường như còn đọng lên đôi má hồng đào. U Vương kinh ngạc gặng hỏi nhiều lần, Bao Tự mới tỏ vẻ bất đắc dĩ kể việc Doãn Cầu và Oắt Công vô tình bắt được mật thư. Bao Tự thưa: "Hai vị đại thần đã đưa thư ấy cho thiếp, đọc xong thiếp rất tức giận về lòng người đàn bà độc ác, chỉ vì muốn con chiếm được ngai vàng mà không từ thủ đoạn nào. Tuy nhiên, nếu thiếp đưa cho bệ hạ xem, thì có khác gì đứng ra tố cáo. Thiếp và Thân hậu vốn có sẵn hiềm khích, làm như vậy tất miệng đời cười chê. Vì không muốn tiết lộ chuyện này, vừa rất tức giận cho thói đời, tiện thiếp đã xé mất bức thư đó đi rồi!".
U Vương thất sắc hỏi ngay: "Sao ái khanh dại dột như vậy, đó là vật chứng quan trọng. Dù có dị tình Thân hậu, thì cũng không nên tiêu hủy nó đi. Hiện tại lá thư còn sót lại không, mau giao cho trẫm giao cho đình thần xem xét".
Bao Tự giả như miễn cưỡng, vào trong lấy chiếc hộp gỗ đựng lá thư đã bị xé thành nhiều mảnh nhỏ. U Vương cũng chẳng mất thời gian sắp xếp lại như nguyên vẹn, lập tức sai nội thị cầm hết đưa cho bộ hình với lời dặn dò: "Phép nước không dị tình riêng, cứ theo chứng cớ mà tra xét".
Đêm hôm ấy, Bao Tự vẫn chưa hoàn toàn yên tâm, bởi nếu bộ hình còn nhiều quan lại cố ý bênh vực cho Thân hậu thì sự việc sẽ chẳng đi tới đâu. Nhân lúc cùng U Vương nồng nàn chăn gối, Bao Tự thỏ thẻ: "Dù Thân hậu và thái tử có tội hay không, thì trước sau tính mạng của mẹ con thiếp cũng như nằm trên lửa đỏ. Bệ hạ có cách nào thu xếp cho mẹ con thiếp vẹn toàn hay không?".
U Vương chậm rãi nói: "Thật ra trẫm cũng có ý định nâng đỡ ái khanh từ lâu, nhưng việc bỏ trưởng lấy thứ khó mà được triều thần thuận theo. Trẫm cần phải có thời gian, tìm thêm một số chứng cứ quan trọng nữa thì mới thuyết phục được tất cả đại thần".
Bao Tự rất lo lắng, ỏn thót: "Thiếp cũng biết, bệ hạ là bậc thiên tử anh minh chính trực, nhưng sao bệ hạ không tiến hành hỏi ý kiến bá quan một lần xem sao, biết đâu sự việc có thể dễ dàng hơn".
U Vương phân vân rất lâu mới chấp thuận ngay sáng mai sẽ họp triều thần bàn việc phế lập. Bao Tự chỉ chờ có vậy, lén cho tay chân thân tín báo cho Oắt Công và Doãn Cầu biết. 2 tên gian thần không ngại đêm khuya, lập tức đi đến các phủ đại thần khác, nửa dùng lời hăm dọa, nửa ép buộc hoặc dụ dỗ. Vì vậy sáng hôm sau, khi U Vương kể lại việc Thân hậu viết mật thư cho thái tử, tỏ ý muốn phế bỏ Nghi Cửu, lập Bá Phục lên ngôi thái tử thì chẳng ai có ý kiến gì khác. Oắt Công thấy vậy đắc chí vô cùng, bước ra tâu với U Vương: "Giang sơn nhà Chu truyền đời mấy trăm năm nay chưa hề có việc phản loạn bao giờ; bốn phương thần phục, tám cõi bình yên. Tuy nhiên trong đời Tiên vương, hạ thần có nghe về con trẻ hát đồng dao, được quan Thái sử đoán rằng nữ họa sẽ từ trong cung phát ra. Nay lại có việc này thì rất trùng hợp. Bệ hạ mau mau tiêu trừ, đừng để họa loạn này ngày một lớn mạnh, khi ấy có hối cũng không kịp nữa".
Doãn Cầu cũng không chịu để Oắt Công chiếm công lao, tiến ra sân rồng tâu: "Hạ thần cũng ý kiến với Oắt Công, tuy nhiên ngôi hoàng hậu làm chủ lục cung, ngôi thái tử được triều thần công nhận, không thể vì chứng cớ chưa rõ ràng mà trị tội được. Theo hạ thần thì thái tử chưa chắc đã liên quan tới bức thư. Do vậy chỉ nên phế bỏ thân phận của hoàng hậu, chọn người khác thay vào".
Bá quan nghe Doãn Cầu tâu, thì đều rùng mình ghê sợ cho lòng dạ thâm độc của hắn. Ngoài miệng Doãn Cầu như bênh vực cho Nghi Cửu, nhưng thật sự vị thái tử non trẻ này đang ở nước Thân, không nắm chút quyền thế nào trong tay; nếu Thân hậu mất ngôi thì cái danh thái tử chỉ còn là hư danh mà thôi. U Vương có thể dần dần tính việc phế trừ danh hiệu thái tử sau mà không làm cho nước nhà náo loạn. Đây là kế sách từng bước đưa địch thủ vào cửa tử nên U Vương rất hài lòng, phán hỏi: "Thân hậu hai lòng, đáng đưa vào lãnh cung hối lỗi, riêng Bao ái phi đã sinh cho trẫm một người nối dõi, cũng rất đáng được ban thưởng bằng danh phận hoàng hậu. Các khanh nghĩ sao?".
Doãn Cầu và Oắt Công lập tức lớn tiếng tung hô, 1 số quan hùa theo, còn 1 số quan chính trực tuy không đồng ý nhưng cũng không dám phản đối. Thế là sự việc quan trọng này được thông qua mau lẹ, nội trong ngày hôm ấy ngôi hoàng hậu đã thay đổi; lúc đó Bá Dương Phụ vẫn còn sống, ông hết sức bất mãn nhưng biết rằng chống lại chỉ hại vào thân. Ông về phủ viết biểu từ quan, lấy cớ già lão bạc nhược, 1 số đại thần khác cũng theo gương, càng làm cho bọn nịnh thần được dịp lộng hành, đề cử cho nhau thăng quan tiến chức.
Sau vài năm, khi ngôi hoàng hậu của Bao Tự đã vững chắc, Oắt Công và Doãn Cầu 1 lần nữa nhắc lại việc phế lập thái tử. Lần này hết sức thuận lợi, bởi vì chẳng còn ai đứng ra chống đối. Nghi Cửu bị truất xuống làm thường dân, suốt đời ở nước Thân không được về Cảo Kinh, còn Bá Phục đương nhiên lên ngôi thái tử. Từ khi tiến vào cung, hơn 6-7 năm trời, với nhan sắc tuyệt thế và cách cư xử khéo léo, Bao Tự rất được lòng U Vương, nhưng chỉ có 1 lần nàng nở nụ cười, đó là ngày lễ đăng quan của thái tử Bá Phục; ngoài ra U Vương chưa thấy giai nhân ban cho 1 nụ cười, dù nhà vua đã tìm đủ mọi cách chiều chuộng. Nhan sắc của nàng vốn đã chinh phục được hoàn toàn tâm hồn của U Vương, nay mặt hoa lại thêm nụ cười tươi như như đóa hoa phù dung mới nở, càng làm say mê lòng người. U Vương lần đầu tiên được thưởng thức nụ cười ấy, ngày đêm không bao giờ quên được. Thế nhưng dù dùng đủ mọi cách thức, đủ mọi trò vui do 2 tên nịnh thần Doãn Cầu và Oắt Công bày ra, vẫn không làm cho Bao Tự nở 1 nụ cười thứ 2. Không còn cách nào khác, 1 hôm U Vương thở dài nói với Doãn Cầu: "Bất cứ người nào trong thiên hạ làm cho Bao ái khanh cười được thì dù có tốn ngàn vàng, trẫm cũng không hề tiếc rẻ".
Vốn tính tham lam, nghe vậy Doãn Cầu chợt nghĩ ra 1 trò vui mới lạ, sợ Oắt Công chiếm phần nên vội vàng tâu với U Vương: "Theo thần biết thì từ đời Tiên vương đã cho dựng 1 phong hỏa đài ở Ly Sơn để đề phòng Khuyển Nhung xâm phạm, nơi này cách Cảo Kinh không xa. Nếu bệ hạ cùng Bao hoàng hậu đến phong hỏa đài uống rượu, cho đốt lửa gọi các chư hầu đến cứu giá. Sau khi biết mình bị lừa, chắc chắn mặt mũi quân tướng chư hầu rất buồn cười. Có khi nhờ vậy mà Bao hoàng hậu có dịp nở nụ cười chăng!".
Trong lòng đang ham muốn, U Vương không hề nghĩ gì đến cái hại sâu xa của việc lừa dối các chư hầu, làm trò mua vui; truyền cho lập tức thi hành. Phong hỏa đài là 1 dãy đài cao dựng liên hoàn, chạy dọc theo biên thùy nhà Chu, chính giữa có đài cao nhất để quan sát được mọi diễn biến, mỗi đài cách nhau vài chục dặm, có chứa củi khô và, dầu dẫn lửa và trống lớn. Mỗi khi đài thứ nhất thấy quân Khuyển Nhung xâm phạm, lập tức nổi lửa đánh trống vang trời động đất, đài thứ 2 theo đó mà làm theo; chỉ trong chớp mắt đã truyền đến đài trung ương, thừa đủ thời gian cho viên tướng trấn thủ ở đó báo về kinh thành, đồng thời ngọn lửa bốc cao cũng báo cho các chư hầu biết nhà Chu đang lâm nguy, kéo binh đến cứu trợ.
Ngày hôm sau, U Vương dặn Doãn Cầu tuyệt đối giữ bí mật, mời Bao Tự đến Ly Sơn đại yến, dẫn theo hàng trăm cung nữ múa hát dưới ánh đèn rực rỡ như đêm hội hoa đăng. Dù tiệc rất vui, nhưng cũng như bao lần khác, Bao Tự hết sức tán thưởng mà vẫn không sao nở được 1 nụ cười. Lần này, U Vương không tỏ ra vẻ thất vọng, hớn hở chờ cho màn đêm bắt đầu hạ xuống, mới truyền cho quân sĩ ở đài thứ nhất nổi lửa, đánh trống rầm trời. Dĩ nhiên các đài tiếp theo không cần biết nguyên do, lập tức nổi lửa đánh trống theo quân lệnh từ trước. Ánh lửa của mấy chục đài chiếu sáng cả 1 vùng biên giới, khói đen cuồn cuộn bốc cao. Lúc đó, Tư đồ Trịnh Bá đang phụ trách việc bảo vệ ở dưới đài, nhìn thấy cảnh tượng thì không khỏi hoảng sợ, vội lên đài tâu với U Vương: "Phong hỏa đài là nơi trọng yếu, nay không có quân địch xâm phạm mà tự tiện đốt lửa đánh trống, thì chỉ làm các chư hầu mệt nhọc kéo quân đi rồi lại kéo quân về. Hạ thần chỉ sợ sau này nếu có quân địch thật, thì phong hỏa đài mất hiệu nghiệm, nguy hiểm tới quốc gia mà thôi".
U Vương vỗ bàn, mắng lớn: "Ngươi biết một mà không biết hai, ngày trước Tiên đế vốn dùng nhân nghĩa, không phát triển binh lực, nên mới cần các chư hầu tới cứu giá. Nay chúng ta quân tướng hiền hậu, dù Khuyển Nhung có xâm phạm thì cũng chẳng cần tới phong hỏa đài làm gì. Ngươi mau lui xuống đi!".
Trịnh Bá liền tâu: "Bệ hạ ban dạy rất đúng, thế nhưng nội chỉ việc đem quân tướng chư hầu ra làm trò mua vui, thì đã làm tổn thương đến oai đức của bậc thiên tử mất rồi. Đó là không kể đến vì quá căm giận, có khi một hai chư hầu ngầm giúp bọn Khuyển Nhung thì lại càng nguy hơn nữa".
U Vương nghe Trịnh Bá giằng dai ngăn trở thì rất sợ Bao Tự nghe được, không còn yếu tố bất ngờ, giúp làm nàng bật cười nữa; nên chẳng nói chẳng rằng lập tức sai quân lôi Trịnh Bá xuống đài. Quả nhiên, các chư hầu thấy 1 loạt phong hỏa đài đều cháy sáng rực trời, thì vội vã điểm quân tướng, cấp tốc vượt đường dài đến phong hỏa đài chờ lệnh. Chưa tới nửa đêm, dưới đài đã có hàng vạn quân mã, cờ xúy xôn xao, giáp mũ sáng ngời, tiếng võ khí chạm nhau vang động. Tất cả ngước lên đài cao, ngơ ngác nhìn đèn nến sáng choang, mỹ nữ giai nhân áo quần lộng lẫy múa hát véo von như trong tiên cảnh, còn U Vương cầm chén lớn, mặt rồng hớn hở, ôm tấm thân yêu kiều của Bao Tự vào lòng, chẳng hiểu mình đang mơ hay đang tỉnh. U Vương sai nội thị ra trước đài truyền lệnh: "Thiên tử ban lệnh cho các ngươi trở về, chỉ vì Bao hoàng hậu lỡ tay châm lửa mà thôi. Hiện nay thiên hạ thái bình, làm gì có giặc xâm phạm. Tất cả khó nhọc đường xa đều được thiên tử ban thưởng, hãy bái tạ rồi lui khỏi cấm địa, đừng làm mất cuộc vui của bậc chí tôn".
Quân tướng chư hầu nghe vậy, ai cũng hiểu ngay mình đã bị lừa, làm con rối cho U Vương và Bao Tự vui chơi, chứ làm sao có việc lỡ tay châm lửa ở nơi trọng yếu bậc nhất này. Ai ai cũng căm tức, nhục nhã nhưng không biết ứng phó ra sao, đều hạ lệnh hạ cờ dẹp trống, người cởi giáp ngựa, tháo yên, thất thểu kéo nhau về nước. Cảnh tượng trái ngược hoàn toàn giữa lúc đến và lúc đi, người người ngơ ngác, khiến Bao Tự bật lên tiếng cười khúc khích. U Vương thích quá, ngắm nhìn mặt hoa không chớp mắt, say đắm ngẩn ngơ như vừa uống xong cả mấy chục cân rượu. Khi quân tướng chư hầu rút đi hết, quang cảnh trở lại yên tĩnh, niềm vui cũng đã cạn, U Vương mới truyền lệnh hồi cung mà lòng chưa hết bồi hồi xúc động vì vẻ kiều diễm không sao tả nổi khi mỹ nhân nở 1 nụ cười. Đêm hôm ấy, trần gian chẳng khác chi thượng giới mà Bao Tự là tiên nữ đẹp nhất đối với U Vương. Ngày hôm sau, U Vương giữ đúng lời, xuất ngân khố thưởng cho Doãn Cầu 1000 lượng vàng mà không biết tai họa đang đến với mình chỉ trong thời gian ngắn ngủi.
Cùng lúc ấy, Thân hầu sau nhiều năm toan tính đã liên kết được với Khuyển Nhung, quyết định điều động bí mật hơn 3 vạn quân binh đến sát biên giới, chỉ chờ hiệu lệnh là xuất phát. Thân hầu phó ước với Khuyển Nhung là sẽ tôn phò Nghi Cửu lên ngôi thiên tử, giải cứu cho Thân hậu, còn lại Khuyển Nhung có toàn quyền vơ vét bao nhiêu của cải tùy ý trước khi rút quân về. 2 bên đều có mục đích rất riêng tư nên khí thế rất mạnh mẽ, chỉ nội trong 1 ngày đã vượt qua biên giới, thẳng đường uy hiếp Cảo Kinh. Bọn gian thần theo gương U Vương, cũng suốt ngày ăn chơi trác táng, không chú ý gì đến biến chuyển khác lạ nên hoàn toàn bất ngờ, tên nào tên nấy xám xanh mặt mũi, kéo nhau vào triều, quỳ xuống tâu báo: "Thân hầu bội phản, cùng bọn Khuyển Nhung tiến đánh, khiến chúng ta không kịp trở tay. Xin bệ hạ xuống chiếu, nổi lửa phong hỏa đài để các chư hầu mang quân đến giúp, trì hoãn một thời gian thì mới kịp chỉnh đốn binh mã".
U Vương không hề lo lắng, thản nhiên chấp nhận lời đề nghị của quần thần, sai người ra phong hỏa đài nổi lửa đánh trống. Lần này có lệnh của thiên tử, hơn 10 phong hỏa đài đồng loạt đốt lửa, khói lửa bốc lên tận mây xanh, tiếng trống vang động tới cả kinh thành; thế nhưng quân giặc tiến như vũ bão, chẳng mấy chốc đã bao vây Cảo Kinh, vòng trong vòng ngoài mà quân tướng chư hầu không hề xuất hiện. Lúc đó U Vương mới bắt đầu lo sợ, truyền cho Oắt Công tập hợp binh tướng, mở cửa thành giao chiến. Chẳng ngờ, Oắt Công đã từ lâu không luyện tập kiếm cung, quân sĩ thì đói khát nên hết tinh thần chiến đấu, chỉ giao tranh 1 trận đã đại bại. Quân nước Thân và Khuyển Nhung thừa thế chiếm cứ cửa thành, ồ ạt tiến vào, giết chết Oắt Công và Tế Công. U Vương cả sợ, không còn lòng dạ nào chống cự nữa, sai Doãn Cầu và Trịnh Bá hộ giá, cùng Bao Tự và Bá Phục chạy ra Ly Sơn. Thấy quân Khuyển Nhung vẫn đuổi theo, U Vương cả sợ, nói với Doãn Cầu: "Ngươi mau nghĩ cách giúp ta! Mau lên! Chậm một chút thì không kịp nữa đâu!".
Doãn Cầu mặt xanh như tàu lá vì sợ hãi và mệt mỏi, thểu não tâu: "Hạ thần ngu tối, thật chẳng biết làm sao. Bây giờ chỉ còn một cách, sai Trịnh Bá huy động quân sĩ, đốt các hỏa đài lên. Nếu chư hầu tới kịp thì mới hy vọng đánh đuổi được bọn Khuyển Nhung".
U Vương nghe theo, bởi không còn con đường nào khác, tiếc thay các chư hầu tuy thấy Ly Sơn hầu như chìm trong biển lửa nhưng vẫn tưởng U Vương lại bày trò mua vui, cùng nhau án binh bất động. Chỉ cần 1 chút chậm chạp, quân Khuyển Nhung đã mau chóng đuổi kịp tới Ly Sơn, vây chặt dưới chân đài. Trịnh Bá mấy lần dùng toàn lực đột phá vòng vây, nhưng đều thất bại, trúng tên chết ngay dưới núi. Doãn Cầu không còn hồn vía nào nữa, bỏ mặc U Vương, cải trang thành tên quân, lén trốn ra ngõ sau đài, nhưng cuối cùng không giữ được tính mạng, chết nhục nhã trong đám loạn quân đang tháo chạy. Quân Khuyển Nhung như nước vỡ bờ, tràn lên Ly Sơn, gặp ai chém nấy, không phân biệt dân chúng hay thường dân. Bọn chúng quá say máu, có thể bắt sống U Vương dễ dàng, nhưng vẫn tàn bạo chém chết cả nhà vua và thái tử Bá Phục, riêng Bao Tự thì bị chúa Khuyển Nhung mang về làm của riêng, không giao lại cho Thân hầu như trong giao ước. Thật tiếc thay cho tấm thân vàng ngọc 1 thời đã làm điên đảo triều đình nhà Chu. Thân hầu vì mải lo giải cứu Thân hậu, nên khi đưa quân đến Ly Sơn thì U Vương đã chết rồi, đành ngậm ngùi sai người làm lễ an táng rất hậu. Chúa Khuyển Nhung không hề ngăn trở, để mặc Thân hậu trọn nghĩa, chỉ chăm chăm vào việc tìm kiếm vàng ngọc cất giấu trong cung điện nhà Chu.
Theo giao ước, Thân hầu để cho Khuyển Nhung lấy hết châu báu vàng ngọc, chở về nước ngần mấy mấy chục xe mà vẫn chưa ngớt. Thời gian trôi qua, bọn Khuyển Nhung vẫn tiếp tục lộng hành, chém giết nhân dân vô tội, cướp bóc chẳng nương tay, khiến ai ai cũng đều oán hận, mắng nhiếc Thân hầu không tiếc lời. Thân hầu mấy lần đến quân doanh quân Khuyển Nhung hỏi tin tức bao giờ rút về, nhưng bọn chúng chỉ trả lời ỡm ờ, thậm chí có tên còn nói thẳng là muốn chiếm cả Trung nguyên. Thân hầu vô cùng tức giận, biết không sao chống nổi bọn Khuyển Nhung, nên 1 lần nữa bí mật tính toán kế hoạch diệt trừ. Thân hậu cho người lén sang các nước lân cận là Tấn, Tần, Vệ, Trịnh cầu viện, hẹn ngày mở cửa thành tiếp ứng. 1 phần vì Khuyển Nhung đắc chí không đề phòng, 1 phần nhờ Thân hầu làm nội ứng, mấy tháng sau liên quân 4 nước đã chiếm lại được Cảo Kinh. Chúa Khuyển Nhung không còn lòng dạ nào nữa, kéo đàn quân chạy trốn như đàn chuột gặp lửa hồng, đến nỗi quên cả mỹ nhân.
Bao Tự vừa mất con vừa tủi nhục, tự thắt cổ chết chứ không còn mặt mũi nào trở về nước Bao nữa. Cuộc đời của nàng khiến người đời sau không khỏi ngậm ngùi, thương cảm cho số phận của kiếp hồng nhan. Về phần các chư hầu đánh tan Khuyển Nhung, cùng Thân hầu tôn phò Nghi Cửu lên ngôi thiên tử, xưng hiệu là Chu Bình Vương. Đó là năm 770 TCN. Bình Vương lên ngôi xong, ban thưởng cho 4 nước chư hầu trọng hậu, truyền truy phong cho Trịnh Bá và gia phong cho Thân hầu, nhưng ông xin nhận tội đã để cho Khuyển Nhung tàn phá Cảo Kinh mà từ chối. Cảo Kinh mấy đời nay là đất chăn vật, nhà cửa trù phú. Trải qua 1 thời gian, dưới sự cướp bóc thẳng tay của Khuyển Nhung đã điêu tàn không sao hồi phục lại được. chu Bình Vương mắt nhìn thấy bao nỗi tang thương, nhìn lại cảnh cũ càng thêm đau lòng, nên cùng quần thần bàn nghị, nhất định dời đô về Lạc Dương, bỏ hoang phần đất phía tây. Từ đó, Tây Chu diệt vong, mở đầu 1 chương lịch sử mới với nhà Đông Chu.
.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top