9. DƯƠNG NGỌC HOÀN - MỸ NHÂN THIÊN CỔ HẬN TÌNH (p1)

Sau khi Đường Trung Tông lên nối ngôi, chọn 1 mỹ nhân hoa nhường nguyệt thẹn là con gái của tham quân Vi Huyền Trinh ở Tấn Châu làm hoàng hậu. Vi thị từ nhỏ đã tỏ ra khôn ngoan sắc sảo, khi vào cung rồi liền cấu kết với 1 chiêu dung tên là Thượng Quan Uyển Nhi lộng hành triều chính, dâm loạn trụy lạc khiến nhà Đường đi đến chỗ suy yếu cùng cực. Nhờ có Lý Long Cơ ra tay tiêu diệt phe đảng của Vi hoàng hậu, đưa cha là Tương vương lên ngôi, lấy hiệu là Duệ Tông, đất nước Trung Nguyên mới thái bình được 1 thời gian dài. 2 năm sau, Duệ Tông nhường ngôi lại cho con – tức Lý Long Cơ, xưng hiệu là Đường Huyền Tông, trở thành 1 vị hoàng đế có thời gian trị vì lâu nhất thời Đường. Nhưng những tấm gương sa ngã vì mỹ nhân từ các đời trước vẫn không giúp cho Đường Huyền Tông tránh được sai lầm. Đường Huyền Tông vốn là 1 vị vua có nhiều tài trí nhưng cũng cực đa tình, rất đau khổ vì cái chết của Võ huệ phi mà vẫn phải đảo điên vì sắc đẹp của 1 giai nhân của thời ấy. Đó là bi kịch diễm tình của nàng Dương Ngọc Hoàn với ông vua đa tình Lý Long Cơ.

Đường Huyền Tông mới lên ngôi, rút kinh nghiệm những đời vua trước, trọng dụng nhiều kẻ sĩ, ban bố nhiều chính sách giúp cho nhân dân ấm no đầy đủ; đưa xã hội Trung Hoa bước lên 1 phát triển mới. Theo ghi lại trong sử sách, thì thời kì này đất nước Trung Hoa sung túc nhất, của cải dư thừa, kho lẫm đầy thóc gạo lụa là, thậm chí người dân thường đi hàng vạn dặm đường với của cải mang theo mà không cần dùng tới võ khí, cũng chẳng quan tâm đề phòng giặc cướp. Điều này không phải hoàn toàn người sau tán tụng, mà chính thi nhân Đỗ Phủ đã từng dùng mấy câu thơ mô tả cảnh sắc trù phú này:

"Nhớ xưa Khai Nguyên toàn thịnh thay

Ấp nhỏ cất chứa vạn nhà xây

Lúa thơm như mỡ, gạo trắng xay

Kho đựng công, tư đều ứ đầy."

Khai Nguyên là niên hiệu đầu tiên của Đường Huyền Tông, bắt đầu vào khoảng năm 713 sau công nguyên. Tháng 7 năm Khai Nguyên thứ 22, con gái của Đường Huyền Tông là Hàm Nghi công chúa lấy chồng. Đang thời thịnh trị, hôn lễ của vị công chúa này được tổ chức cực kỳ trọng đại, mời toàn bộ người trong hoàng tộc lẫn gia đình quan viên. Trong số các quan viên đến tham dự lễ cưới của Hàm Nghi công chúa có Dương Huyền Diễn, làm chức sĩ tào ở phủ Hà Nam, dẫn theo người cháu gái tên là Dương Ngọc Hoàn. Ngọc Hoàn vốn là con gái của Tư hộ đất Thục Chân, tên là Dương Nguyên Diễn. Nhưng họ Dương mất sớm, nàng đành phải đến nương nhờ thúc phụ, do đó mới có dịp tham dự lễ cưới công chúa, là 1 bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Bước ngoặt này đem lại sự phú quý tột cùng cho nàng và cũng là nguyên nhân dẫn đến bi thảm cho cả nàng và ông vua đa tình Đường Huyền Tông.

Dương Ngọc Hoàn được sinh ra trong gia đình quan quyền nên từ nhỏ đã theo đòi bút nghiên, giỏi thơ văn, thông thạo đàn địch, về múa hát thì chẳng ai sánh kịp. Tuy Dương Ngọc Hoàn chưa hề có người mai mối, suốt ngày ở trong phòng khuê dùi học hỏi công dung ngôn hạnh, nhưng nhan sắc của nàng diễm lệ đến nỗi một đồn mười, mười đồn trăm. Vương tôn công tử Lạc Dương đều mong mỏi được nhìn dung nhan tuyệt thế của nàng 1 lần mà chưa có ai được thỏa mãn. Có lẽ Dương Huyền Diễn biết tiệc cưới là nơi quy tụ hầu hết vương tôn công tử, người quyền quý nên cho cô cháu gái theo mình, hy vọng sẽ được mọi người ngưỡng mộ, và sau này nếu được 1 vương tôn quyền quý nào đó để mắt tới thì mới xứng đáng với nhan sắc có một không hai trời cho ấy, dòng họ Dương nhờ vậy có thể vinh hoa phú quý lâu dài. Tiệc cưới hôm ấy làm náo động cả Lạc Dương, từ khắp nơi người ngựa đổ về nườm nượp, ai cũng lụa là gấm vóc, trang điểm rực rỡ, tiếng châu ngọc vang vọng nhộn nhịp. Các vương tôn hoàng gia thì tiền hô hậu ủng, kèn trống vang trời khiến dân chúng thành Lạc Dương cũng phải náo nức đi xem. Không cần phải kể dài dòng, người ta cũng biết tiệc cưới chắc chắn phải tráng lệ huy hoàng, ngựa xe như nước chảy, người người đông vui như thế nào. Đây cũng là dịp tôn tộc họ Lý ngồi lại trò chuyện, thăm hỏi nhau sau những năm tràn đầy lo sợ dưới thời Đường Trung Tông bởi bàn tay lộng quyền của Võ Tắc Thiên, và sau đó là Vi hoàng hậu. Thanh niên công tử, vương tôn quý tộc có đến hàng trăm, quả nhiên ai cũng ngây ngất dõi mắt theo nhìn, chiêm ngưỡng từng dáng đi, tán tụng từng lời oanh thánh thót của mỹ nhân họ Dương, nhưng duy nhất có 1 hoàng tử hầu như mất hết hồn vía, suốt cả buổi tiệc không hề rời mắt khỏi nàng lần nào, đó là Thọ vương Lý Mạo. Tuy đã được phong lên tới tước vương, nhưng Lý Mạo còn đang trong tuổi thiếu niên, đang toan tính đến việc tuyển chọn phi tần. Lý Mạo nhìn thấy Dương Ngọc Hoàn rồi ra về mà tâm hồn suốt ngày tơ tưởng tới giai nhân, bỏ bê cả ăn uống, học hành, băn khoăn chẳng biết nhờ ai ngỏ lời nhà họ Dương. Lý Mạo chợt nhớ đến hoàng mẫu là Võ huệ phi, người đang được Huyền Tông vô cùng sủng ái. Chàng thiếu niên họ Lý này mừng như mở cờ trong bụng, cho rằng nếu mà mẹ đứng ra lo liệu thì chắc chắn đến 10 phần mỹ nhân sẽ thuộc tay mình, bởi hậu cung khi ấy còn ai cao sang quyền thế hơn Võ huệ phi. Võ huệ phi cũng không dám tự tiện, tâu mọi chuyện lên Đường Huyền Tông, nhà vua lập tức tán thành, xuống chiếu đứng ra chủ hôn cho Lý Mạo và Dương Ngọc Hoàn, 1 bước lên làm hoàng tử phi đầy sang quý. Được người đẹp rồi, Thọ vương Lý Mạo càng say đắm vì tính nết hiền hậu, đức hạnh toàn vẹn của nàng, sủng ai muôn phần. Đôi vợ chồng trẻ tuổi nồng nàn hạnh phúc hơn bất cứ ai trên thế gian này. Thế nhưng cuộc đời không bao giờ bằng phẳng, mối lương duyên giữa Lý Mạo và Dương Ngọc Hoàn đột ngột bị phá vỡ bởi nguyên nhân xảy ra từ trong cung cấm. Đó là khi Võ huệ phi lâm bệnh nặng rồi qua đời. Đây là mất mát quá lớn đối với Huyền Tông. Nhà vua tuy còn trẻ, hậu cung hơn 3000 phi tần cung nữ nhưng chỉ sủng ái 1 người là Võ huệ phi. Thậm chí Huyền Tông còn không muốn san sẻ tình yêu với bất cứ nữ nhân nào khác nên không hề lập hoàng hậu. Võ huệ phi đến lúc nhắm mắt cũng chỉ là quý phi. Vì mất mát này, Huyền Tông đau khổ buồn bã suốt mấy tháng trời, bỏ cả ăn uống. Sau khi tan triều, thường về ngồi trước linh vị của Võ huệ phi để thở than tưởng nhớ.

Thấy long nhan tiều tụy, 1 viên cận thần là Cao Lực Sĩ liền tâu: "Bệ hạ là trụ cột của quốc gia, không nên vì nỗi đau thương mà bỏ phế triều chính. Quốc gia không có trụ cột thì khó đứng vững được. Hạ thần liều chết có một lời tâu, mỹ nhân trên đời này chẳng thiếu, nhưng quốc gia chỉ có một mà thôi. Xin bệ hạ anh minh xem xét lại, đứng để sức khỏe suy sụp quá đáng, lâu ngày thì đến thuốc tiên cũng không phục hồi được nữa!".

Cao Lực Sĩ vốn tài năng không bao nhiêu, nhờ vào nắm được tâm ý của Huyền Tông, trung thành lúc nhà Đường hãy còn suy vi nên được Huyền Tông phong cho làm Phiêu kỵ tướng quân. Cái chức tướng quân ấy chỉ giúp cho Cao Lực Sĩ có bổng lộc đầy đủ, thực chất hắn chưa ra trận bao giờ, suốt ngày quanh quẩn hầu cận bên Huyền Tông như con chó trung thành với chủ. Nghe Cao Lực Sĩ khuyên, Huyền Tông thở dài buồn bã: "Ngươi cho mỹ nhân không thiếu chứ trong mắt ta chỉ có một mỹ nhân duy nhất trên đời này, đó là Huệ phi. Nàng vừa xinh đẹp tuyệt trần, vừa thông minh đức hạnh. Thử hỏi có mỹ nhân nào có thể sánh kịp hay không?".

Cao Lực Sĩ vốn cũng có tham dự tiệc cưới của Hàm Nghi công chúa, đã thấy mặt của Dương Ngọc Hoàn và cũng nghe đồn về đức hạnh của nàng; vội vàng tâu: "Bệ hạ tha tội thì thần mới dám nói. Võ huệ phi tuy nhan sắc tuyệt thế, đức hạnh ôn nhu nhưng nếu so với hoàng tử phi thì còn kém một mức. Điều này chứng tỏ mỹ nhân trên đời còn rất nhiều, chẳng qua bệ hạ chưa tìm gặp đó thôi!".

Đường Huyền Tông nghe vậy rất tức giận, chỉ mặt Cao Lực Sĩ mắng: "Ngươi chớ nói càn! Trẫm không tin trên đời này còn ai xứng đáng hơn Huệ phi!".

Cao Lực Sĩ một mực quả quyết khiến Huyền Tông cũng hơi tò mò, phán truyền: "Trẫm chưa gặp mặt thì chưa thể tin lời. Ngươi hãy thu xếp để ta gặp mặt hoàng tử phi một lần xem có đúng như lời tán tụng hay không?".

Cao Lực Sĩ cúi đầu hiến kế: "Bây giờ là tháng mười, bệ hạ lấy cớ ra cung Hoa Thanh ngắm tuyết thưởng ngoạn, giảm bớt âu sầu, rồi mời mấy người trong hoàng tộc cùng đi; trong số đó có hoàng tử phi là thỏa mãn ngay".

Đường Huyền Tông gật đầu đồng ý. Vài ngày sau, tự thân Cao Lực Sĩ đem thánh dụ đến vương phủ Lý Mạo, mời Dương Ngọc Hoàn đến cung Hoa Thanh núi Ly Sơn ngắm cảnh với thiên tử. Ngọc Hoàn thấy thánh dụ chỉ mới có mình, không đá động gì tới chồng thì có ý nghi ngờ, khóc nói với Lý Mạo: "Thiếp có linh tính là sắp xảy ra chuyện chẳng lành, hay là thiếp từ chối không tới Ly Sơn. Vương gia hãy tìm cớ biện hộ với hoàng thượng sau".

Lý Mạo trầm ngâm nói: "Có lé ái phi quá lo đó thôi. Tuy trong lòng ta cũng lấy làm lạ nhưng chắc chắn sẽ không có chuyện gì xảy ra. Nàng cứ làm theo thánh chỉ rồi chúng ta sẽ định liệu ứng biến sau. Đích thân Cao Lực Sĩ mang thánh dụ đến thì tất phải là việc quan trọng, đừng để lỡ mà mang tội!".

Dương Ngọc Hoàn vẫn do dự phân vân, Lý Mạo phải hết lời khuyên nhủ, nàng mới gạt nước mắt lên kiệu ra đi. Ly Sơn nằm cách Trường An không xa lắm, phong cảnh tuyệt đẹp, lại có suối nước nóng, rừng cây u nhã, khí hậu ôn hòa nên từ đời nhà Hán đã trở thành nơi nhàn nhu cho giới vương tôn quý tộc. Nhà Đường còn cho xây dựng 1 cung điện khá tráng lệ ở đó, đặt tên là Hoa Thanh, mỗi năm Huyền Tông thường đến Ly Sơn ngắm cảnh, nên việc mời vài người không gây chú ý bao nhiêu. Nhan sắc kiều diễm, dáng đi nhẹ nhàng tha thướt của Dương Ngọc Hoàn lập tức cướp mất hồn vía của ông vua cha chồng. Đến khi nàng cất tiếng chào thánh thót như chim họa mi hót trên cành buổi sáng thì Huyền Tông lại càng ngây ngất, quên cả đáp lễ con dâu, cứ nhìn không chớp mắt, trong lòng đã nảy sinh ý nghĩ nạp mỹ nhân vào hậu cung thay thế cho Huệ phi. Ngày hôm ấy, nhà vua hỏi tới đâu, Dương Ngọc Hoàn e lệ trả lời tới dó, vẻ thẹn thùng như còn con gái càng khiến Huyền Tông thêm say đắm.

Sau khi yến tiệc đã xong, Huyền Tông cho tất cả lui về, riêng Dương Ngọc Hoàn thì giữ lại cùng mình trò chuyện, ngắm cảnh Ly Sơn cho đến chiều tối mới về cung. Cả đêm hôm ấy, Huyền Tông trằn trọc không ngủ được, trí óc đầy hình ảnh của Dương Ngọc Hoàn. Nhà vua thao thức đến quá nửa đêm, chợt chồm dậy gọi Cao Lực Sĩ vào, hỏi 1 câu không có ý nghĩa: "Ngươi thấy ra sao?"

Dĩ nhiên Cao Lực Sĩ đoán ngay ra được suy nghĩ của Huyền Tông, nén nhịn cười mà tâu: "Thần thấy phong cảnh Ly Sơn hôm nay quả là thanh tú hơn những ngày trước đây!".

Tưởng Cao Lực Sĩ không hiểu tâm sự của mình, Huyền Tông đâm ra bực tức, quay mặt đi không thèm nói gì nữa. Cao Lực Sĩ nói tiếp: "Sở dĩ hạ thần thấy Ly Sơn hôm nay xinh đẹp, thanh tú hơn những ngày trước là vì cảnh có người, mà người cũng mến cảnh. Bệ hạ thử nghĩ xem, phải chăng có giai nhân thì phong cảnh hình như đẹp thêm gấp mấy lần!". 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top