3. VƯƠNG CHIÊU QUÂN - HỒNG NHAN BẠC MỆNH XỨ NGƯỜI (p1)

Đất Trung nguyên trải qua 1 thời kì dài ly loạn, từ thời Xuân thu chiến quốc đầy rẫy những cuộc chiến tranh xâm lấn lẫn nhau, thiên hạ cực kì hỗn loạn. Cho đến khi Tần Thủy Hoàng đầy tài năng kiêu hùng, biết trọng dụng hiền sĩ lên ngôi thống nhất thiên hạ. Thế nhưng dưới triều Tần, người dân đen vẫn chưa được sống yên ổn bởi chính sách cai trị tàn khốc của ông ta. Đến khi Tần Thủy Hoàng chết bất ngờ trên đường tuần du, với bàn tay gian trá của Lý Tư và Triệu Cao, Tần Nhị Thế Hồ Hợi vô tài bất tướng lên ngôi, trong khi thái tử Phù Tô nhận được chiếu chỉ giả, đành phải tự tận tỏ lòng trung trinh cùng cùng với đại tướng Mông Điềm-trụ cột của triều đình. Đó quả là cơ hội lớn cho anh hùng hào kiệt khắp nơi nổi dậy, và Trung nguyên 1 lần nữa bắt đầu phong ba sóng gió.

Nhà Tần diệt vong, 2 thế lực mạnh nhất lúc bấy giờ là Hán Lưu Bang và Sở Hạng Vũ, dưới sự phò tá của các mưu sĩ tài năng như Trương Lương, Tiêu Hà, Trần Bình, Phạm Tăng; không ai chịu ai và tiến hành cuộc chiến tranh đẫm máu, mà lịch sử gọi bằng giai đoạn Hán – Sở tranh hùng. Cuộc chiến nào rồi cũng phải kết thúc. Cuối cùng, Lưu Bang thống nhất được Trung nguyên, đẩy Hạng Vũ vào cảnh phải trầm mình ở bến Ô Giang. Lưu Bang lên ngôi, kiến lập nên triều đại Tây Hán, kéo dài hơn 400 năm. Có lúc thịnh trị và cũng có những rối ren loạn lạc, luôn luôn phải đối phó với sự quấy nhiễu của các bộ tộc phương bắc, mà hùng hậu nhất, tàn bạo nhất là Hung Nô. Trải qua mấy chục năm chinh chiến, đất Trung nguyên bị kiệt quệ về kinh tế lẫn binh lực. Trong khi ấy, bộ tộc Hung Nô ở phương bắc lại có những chuyển biến thuận lợi. Dưới sự lãnh đạo của Thiền vu Mạo Đốn, Hung Nô phát triển binh lực rất nhanh, trở thành 1 lực lượng hùng hậu, đe dọa tới biên thùy nhà Hán. Mạo Đốn là người hung hăng, tàn bạo, không hề động tâm khi dùng tên bắn chết cha mình để cướp ngôi. Nhưng về mặt chính trị khá khôn khéo. Hắn tự xưng là hậu duệ của nhà Hạ, lấy cớ đòi lại đất đai của tổ tiên để tiến hành chiến tranh. Bộ tộc Hung Nô vốn rất thiện chiến, không những đánh phá suốt 1 dải biên thùy mà còn có khi xâm nhập sâu vào lãnh địa nhà Hán, làm cho nhân dân đói khổ điêu linh, biết bao nhiêu gia đình phải bỏ mùa màng ruộng đất, chạy vào nội địa lánh nạn.

Đồng thời với sĩ phu quý tộc đều cho lưu bang là người xuất thân hèn kém, chỉ là tên Đình trưởng nhờ dẫn dân phu đến Ly Sơn phục dịch mà làm nên sự nghiệp. Vì vậy, đa số không phục, ngấm ngầm tụ họp quân binh chống đối. Trong số các thế lực quân phiệt, thì Hàn Chương Cơ Tính đáng kể hơn cả. Cơ Tính tụ họp được hơn 1 vạn quân binh, nhưng tự biết 1 mình không sao lật đổ được nhà Hán với số lượng ít ỏi đó, nên theo gương của Thân Hầu ngày trước, hợp binh với Hung Nô, trở thành 1 lực lượng hùng hậu. Sau nhiều lần đánh phá dọc theo biên giới để thăm dò quyết định dồn sức đánh sâu vào đến tận Tấn Dương, chiếm cứ Bạch Đăng thành. Lần này Lưu Bang không thể chịu đựng được nữa, bỏ mặc lời can ngăn của các đại thần, quyết định đem quân đi chinh phạt. Đến gần thành Bạch Đăng, Lưu Bang đoàn binh hạ trại, cẩn thận cho quân đi dò xét Hung Nô thực lực ra sao. Tất cả những toán quân đi trinh sát đều về báo giống nhau: quân Hung Nô rất ít, tên nào cũng ốm yếu, ngựa xe thưa thớt. Lưu Bang nghe vậy cả mừng, lập tức họp quần thần lại, bàn việc tấn công chiếm lại thành trì. Khi ấy Trần Bình và Lâu Kính cũng đi theo, cả 2 đều khuyên can: "Hung Nô đã dám đánh thẳng vào Tấn Dương, hạ được Bạch Đăng, tức phải có binh hùng tướng mạnh. Với đám quân lão nhược như vậy, thì làm sao chiến thắng được? Theo chúng thần thì chắc chắn bọn chúng lập kế đưa chúng ta vào chỗ chết! Xin bệ hạ hãy suy xét kĩ trước khi xuất quân".

Lưu Bang lúc ấy đã xưng là Hán Cao Tổ, vốn tính cố chấp và tự kiêu, nghe vậy nổi trận lôi đình mắng: "Ta đã từng ngồi trên lưng ngựa, trải qua biết bao trận đánh khốc liệt với Hạng Vũ. Chẳng lẽ không biết điều đơn giản đó sao. Theo ta thì bọn Cơ Tính, Mạo Đốn hung hăng thật, nhưng vừa nghe ta dẫn quân đến thì khiếp vía kinh hồn, dẫn quân bỏ chạy. Hai ngươi đừng cản trở, làm nhục chí khí ba quân. Nếu các ngươi muốn thấy tận mắt, thì cứ đến gần mà xem cho tỏ tường".

Lâu Kính nghe lệnh, đích thân cùng với sĩ tốt thám thính lần nữa. khi trở về, Lâu Kính thành thật báo lại: "Quả thật thần cũng thấy trong thành toàn là quân nhỏ nhược, thế nhưng theo đúng binh pháp thì trước khi giao chiến, hai bên đều phô trương thanh thế bằng cờ quạt, chiêng trống, có ít làm ra nhiều. Nay Hung Nô làm ra ngược lại, phô trương những điểm yếu nhược thì hạ thần càng chắc chắn phải có mưu đồ".

Lưu Bang vốn tính nóng nảy, từ khi thống nhất được Trung nguyên thì lại càng kiêu ngạo, nên khi nghe Lâu Kính tâu thì nổi cơn lôi đình, đập bàn mắng luôn: "Bọn Nho sĩ các ngươi chỉ giỏi lắm miệng nhiều lời bàn tán. Ta nhất định đánh chiếm Bạch Đăng thành để xem thực lực Hung Nô ra sao! Ngươi vì nhát sợ, mà đưa ra những lời làm mất nhuệ khí quân tướng, tội khó tha được".

Mắng xong, Lưu Bang truyền giam Lâu Kính vào ngục, sau khi chiến thắng khải hoàn sẽ định tội sau. Rốt cuộc quân nhà Hán bị vây khốn ở thành Bạch Đăng 7 ngày 7 đêm, lương thực cạn kiệt. Khi ấy nhà vua mới biết Trần Bình và Lâu Kính quả là người nhìn xa trông rộng. Lúc ấy chỉ còn Trần Bình đi theo, Lưu Bang đành gọi riêng vào hỏi kế sách giải nguy. Trần Bình liền dâng 1 kế tuy không quang minh chính đại nhưng lợi hại vô cùng: đó là đánh vào lòng ghen tuông của người vợ của Mạo Đốn. Ông sai 1 người có tài biện thuyết, bí mật vượt thành đến doanh trại Mạo Đốn xin gặp Thiền vu phu nhân dâng lụa là vàng ngọc. Nhân lúc Thiền vu phu nhân đang vui vẻ, lại nhân cơ hội Thiền vu phu nhân đề cập đến nhan sắc của nữ nhân Hồ tộc và Hán tộc, thuyết khách giả vờ thở dài nói: "Haizz! Hôm nay được diện kiến phu nhân thật vinh hạnh, chỉ e rằng sau này khó gặp lại mà thôi!".

Thiền vu phu nhân nghe vậy, nhíu mày hỏi: "Ngươi nói gì thế? Tại sao lại khó gặp lại?".

Thuyết khách nhà Hán tỏ ra bối rối, hồi lâu mới hạ giọng: "Đó chỉ là lời nói vô tình mà thôi. Tôi có nghe đồn rằng, Đại vương chúng tôi đã biết sức mạnh của người Hung Nô, có ý muốn giao hảo nên nên đã cho sứ giả về kinh thành tuyển chọn một số mỹ nữ tặng cho thiền vu. Dù phu nhân sắc nước hương trời, nhưng thực sự khó có thể so sánh với vẻ mỹ miều của nữ nhân Hán tộc. Vì vậy, có khi Thiền vu sẽ say mê nữ nhân Hán tộc mà lạnh nhạt với phu nhân chăng? Khi ấy chúng ta khó mà hội ngộ được nữa!".

Tuy thuyết khách không nói thẳng là khi Thiền vu phu nhân bị thất sủng thì sẽ chẳng còn quyền thế như ngày hôm nay, đương nhiên là không ai tìm gặp cầu cạnh nữa; nhưng bà ta hiểu ngay, sầm mặt mắng: "Các ngươi muốn dùng mỹ nhân kế để làm lũng đoạn triều chính Hung Nô hay sao? Ngươi tiết lộ cho ta biết là có ý gì?".

Thuyết khách vội đính chính: "Hiện tại chúng tôi lâm vào tình cảnh rất ngặt nghèo, nên định dâng cho Thiền vu một số mỹ nữ để giải hòa, thật tình không dám giở thủ đoạn ra để lũng đoạn triều chính Hung Nô. Tuy nhiên tôi chỉ e Thiền vu được mỹ nhân đẹp như tiên của nhà Hán, tấc sẽ say mê điên đảo, làm phiền tới phu nhân mà thôi".

Thiền vu phu nhân rất kinh ngạc, hỏi luôn: "Ngươi định nói, Đại vương say mê mỹ sắc rồi lạnh nhạt với ta chăng?"

Thuyết khách gật đầu đáp: "Xin phu nhân thứ tội, vì lòng cảm mến với phu nhân nên mới nghĩ xa một chút. Chắc Mạo đại vương là bậc anh hùng, không thể đối xử tầm thường như bọn thất phu đâu."

Thiền vu phu nhân trầm ngâm 1 lúc, rồi chợt hỏi: "Theo ngươi thì nên thế nào?".

Thuyết khách biết cá đã dính mồi, nhẹ giọng thuyết phục: "Phòng ngừa trước vẫn hơn. Chi bằng sự việc chưa xảy ra, phu nhân cố gắng thuyết phục Mạo đại vương giải binh, đôi bên cùng kí hòa ước hòa hảo, thì triều Hán chẳng còn lý do gì để tiến cống mỹ nữ nữa. Phu nhân không phải lo lắng chuyện tề gia sau này, mà hai nước lại được bình yên".

Thiền vu phu nhân gật đầu, suy nghĩ 1 lúc rồi hứa sẽ nghe theo lời khuyên của thuyết khách nhà Hán. Ngày hôm sau, Thiền vu phu nhân lựa thời cơ yến ẩm vui vẻ với chồng, phân tích việc lợi hại của chiến tranh, khuyên không nên dồn đối phương vào chân tường. Mạo Đốn vốn nể nang vợ, trong lòng lại đang lo lắng, vì nếu thắng 1 trận nhỏ này thì sau đó lại phải đối phó lâu dài với nhà Hán thì cũng tổn phí rất lớn. vì vậy Mạo Đốn bằng lòng việc rút quân bao vây, mở cho Lưu Bang 1 đường thoát thân. Khi về đến Tấn Dương, Lưu Bang lập tức hạ lệnh tha cho Lâu Kính và phong làm quan Nội hầu. Đó là hành động rất đặc biệt kính trọng, bởi vì Lưu Bang vốn tính khắc nghiệt, chưa hề nhận lỗi bao giờ.

Nhân 1 ngày vui vẻ, Lưu Bang hỏi Lâu Kính: "Kế ly gián của khanh thật tuyệt diệu, nhưng đó chỉ là nhất thời. Còn như muốn đất nước yên bình lâu dài thì có kế sách nào không?".

Lâu Kính tâu: "Quân binh nhà Hán chúng ta hiện nay đã rất mỏi mệt sau thời gian dài chính chiến với Hạng Bá vương. Nếu nay cứ tiếp tục đánh nhau với Hung Nô thì tránh sao khỏi chán nản. mặt khác, Mạo Đốn là người tàn nhẫn, ác độc, đã dám giết cha thì chắc chắn không ngồi yên được lâu ngày. Theo hạ thần thì bệ hạ nên chủ động sử dụng kế sách hòa thân mới giải quyết nổi".

Lưu Bang nghe vậy rất kinh ngạc, hỏi kế hòa thân ra sao thì Lâu Kính giải thích: "Bộ tộc Hung Nô được trời phú cho thể chất hung bạo, mạnh mẽ, vì vậy rất tham dâm hiếu sắc. Hiện nay Mạo Đốn không muốn đánh cũng không xong, chắc chắn sẽ bị Cơ Tính đứng sau lưng xúi giục. Nếu bệ hạ thi hành chính sách hòa thân, thì không những kiềm chế được Mạo Đốn đừng manh động, mà còn ly gián được hắn với Cơ Tính. Bệ hạ chỉ cần chọn một trong số hàng trăm công chúa gả cho hắn, Mạo Đốn vừa được mỹ nhân, vừa được tiếng tăm thì khó tính đến chuyện phản bội nhà Hán nữa. Sau này công chúa có con sẽ nối ngôi Thiền vu và là cháu ngoại của triều Hán. Vì vậy nước nhà chắc chắn được bình yên lâu dài!".

Lưu Bang nghe vậy mặt tươi như hoa, chọn Lỗ Nguyên công chúa và cho thi hành ngay. Nhưng nghe tin, Lã hậu tự thân đến gặp Lưu Bang thuyết phục: "Thần thiếp biết việc quốc gia là hệ trọng, thế nhưng các công chúa là bậc cành vàng lá ngọc, sao có thể mang tiến cống cho bọn Hung Nô tàn nhẫn đó được. Dù có khôn ngoan đến mấy, nhưng chắc chắn miệng đời cũng chê trách bệ hạ không đủ khả năng chống chọi với ngoại xâm, phải đem con gái làm thân trâu ngựa cho bọn chúng. Thần thiếp thật không dám vô lễ với bệ hạ, nhưng trong việc này nhất quyết không để bất cứ đứa con nào phải hy sinh chứ không riêng gì Lỗ Nguyên công chúa!".

Lưu Bang không làm sao được, đành phải triệu Lâu Kính vào cung nghị sự. Lâu Kính nghe xong sự thể, ung dung tâu: "Có là công chúa hay không, Mạo Đốn không xác định được. Bệ hạ hãy chọn trong số các con gái đại thần, nhận làm con nuôi, thì vẫn mang danh cong chúa. Dù sau này Mạo Đốn có biết sự thực, cũng không dị nghị được, bởi chúng ta đâu có định ước chính xác thân thế của công chúa phải như thế nào. Như vậy không sai lời với Mạo Đốn, mà cũng không phật lòng hoàng hậu".

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top