2. TÂY THI - MỸ NHÂN NỔI TIẾNG CỔ KIM (p1)

Vào thời Đông Chu liệt quốc, vì kế thừa chế độ phân phong của nhà Chu, nên dần dần phân chia ra làm hàng trăm nước nhỏ, trong đó 2 nước Ngô và Việt địa lý kế cận nhau và cùng thời gian phát triển rất mạnh lẫn quân sự và kinh tế. 2 nước đều sản sinh những anh hùng, mưu sĩ tài ba, nên bắt đầu dòm ngó, chỉ muốn thôn tính, mở rộng đất đai, nuôi mộng bá chủ thiên hạ. Khi ấy, làm vua nước Ngô là Hạp Lư, 1 người có nhiều tham vọng lớn lao, lại được sự phò tá của 2 danh tướng nổi tiếng là Ngũ Viên và Tôn Vũ, nên chẳng bao lâu đã trở thành 1 nước hùng mạnh về quân sự. Ngũ Viên vốn có mối thù với nước Sở nên ngày đêm cầu xin Hạp Lư trả thù cho mình. Chính Hạp Lư cũng muốn thôn tính nước Sở để ra uy với chư hầu nên chấp thuận ngay.

Dưới sự chỉ huy tài ba của Tôn Vũ và Ngũ Viên, chẳng bao lâu đại quân nước Ngô đã tràn vào Sính đô. Ngũ Viên nhân dịp báo thù rất tàn nhẫn, thậm chí cho người đào mồ Sở Bình Vương lên, đạp chân lên bủn mắng chửi rồi sỉ nhục bằng nhiều cách khác nữa. Thế nhưng chính nội bộ nước Ngô xảy ra tranh giành, bất đắc dĩ Hạp Lư phải chấp nhận cho Sở Chiêu Vương cầu hòa, rút khỏi Sính đô, về chống trả với quân Tần do Thân Bao Tư cầu viện. Tuy chưa chiếm được nước Sở hoàn toàn, nhưng chiến thắng này làm cho Hạp Lư trở nên tự đắc, sai người cầu hôn công chúa nước Tề cho thế tử Ba, nếu không sẽ tiến đánh. Tề Cảnh Công đã già yếu, đành gạt nước mắt chấp thuận điều kiện nhục nhã này. Thế tử Ba ăn ở với công chúa nước Tề sinh 1 con trai, đặt tên là Phù Sai. Qua thời gian, Phù Sai trở thành người có tướng mạo hiên ngang, thân thể hùng tráng, chí khí lớn lao. Khi Hạp Lư quyết định thôn tính nước Việt, Phù Sai đã 26 tuổi, xin theo trong quân. Thời điểm đó, vua nước Việt là Câu Tiễn cũng có hùng tài tráng khí, thấy quân Ngô tràn sang thì lập tức dàn binh chống cự mãnh liệt. 2 bên cầm cự mấy tháng trời ở Ngũ Đài Sơn, giao tranh nhiều trận long trời lở đất mà không phân thắng bại. Thấy vậy, 1 tướng nước Việt là Chư Kế Dĩnh hiến kế: "Hiện giờ hai bên đồng sức đồng tài, nhưng nếu lâu dài thì tấc quân Ngô hơn hẳn. Do vậy cần phải tốc chiến tốc thắng!".

Câu Tiễn ưu tư hỏi lại: "Ta cũng muốn như vậy, nhưng quân số của ta còn ít hơn địch, làm sao tốc chiến tốc thắng?".

Chư Kế Dĩnh liền nói: "Đại vương hãy cho thả hết các tù nhân trọng tội ra, truyền xung phong đi đầu, người nào chết thì gia đình được trợ cấp, người nào sống sẽ được tha hết tội. Bọn chúng không còn đường nào khác là phải hết lòng chiến đấu. Chỉ cần quân Ngô loạn xạ hàng ngũ thì chúng ta có thể lấy ít thắng nhiều".

Câu Tiễn rất mừng, lập tức thi hành theo kế. Quả nhiên, quân nước Ngô thấy bọn tù nhân chẳng coi cái chết vào đâu, thì tinh thần hoảng loạn, thi nhau bỏ chạy. Tướng nước Ngô là vị vương tôn tên Lạc cố sức hò hét, gọi quân giữ hàng ngũ, không có thời gian bảo vệ cho Hạp Lư. Tướng Việt là Linh Cô Phù thấy vậy cả mừng, xông tới toan giết. Hạp Lư sợ hãi bỏ chạy nhưng cuối cùng cũng bị Linh Cô Phù chém đứt 1 ngón chân, rơi cả giày. Nhờ có Chuyên Nghị đến cứu kịp, Hạp Lư rút quân an toàn. Đi được mấy dặm thì máu ra nhiều mà chết. Khi rút quân về nước, thái tử Phù Sai nuôi mối hận này, sai các nội thị hễ thấy mình đi qua đều phải hỏi: "Phù Sai, ngươi có nhớ mối thù nước Việt hay không?". Mỗi lần như vậy, Phù Sai đều khóc mà thưa: "Tôi chẳng bao giờ dám quên!".

Nuôi mộng báo thù, Phù Sai cho Ngũ Viên và Bá Hy toàn quyền chiêu mộ quân binh, tập luyện quân sĩ; chờ khi hết tang, thì sẽ tiến đánh nước Việt. 3 năm trôi qua rất mau, Phù Sai làm lễ cáo tế ở Thái Miếu rồi phong cho Ngũ Viên làm đại tướng, Bá Hy làm phó tướng, rầm rộ tiến qua Thái Hồ xâm phạm nước Việt. Dưới trướng của Việt vương Câu Tiễn có 2 đại thần nổi danh mưu trí đó là Văn Chủng và Phạm Lãi. Khi Câu Tiễn cho hội họp quần thần hỏi kế sách chống đỡ, thì Văn Chúng thưa: "Thật ra mối thù giết cha không phải là chính. Sở dĩ Phù Sai tiến đánh chúng ta là vì có mộng làm bá chủ thiên hạ. Nay nước Việt vừa mới qua chiến tranh, thực lực còn yếu kém, nếu chiến tranh lâu dài với Ngô, tất thất bại. Vì vậy, theo thần thì nên cầu hòa, mười phần đến tám chín, Phù Sai sẽ chấp nhận, bởi như vậy cũng đủ tiếng tăm rồi".

Câu Tiễn sầm mặt, có ý không vui, quay qua hỏi Phạm Lãi: "Theo ngươi thì nên hòa hay chiến?"

Phạm Lãi bình tĩnh đáp: "Không hòa mà cũng không chiến. Tuy quân ta ít hơn nhưng nếu cố thủ thì quân Ngô cũng không sao ngày một ngày hai đạt được ý đồ. Thêm nữa, lương thảo phải chuyên chở đường xa, nếu cầm cự được lâu dài tất quân tướng nước Ngô sẽ chán nản mà xin Phù Sai rút về. Đó là kế lấy yếu thắng mạnh, lấy nhàn nhã thắng mệt mỏi mà người xưa đã nhiều lần áp dụng thành công".

Câu Tiễn qua mấy lần thắng trận, trong lòng có ít nhiều kiêu ngạo, nghe vậy không hài lòng chút nào, sầm mặt nói: "Hai ngươi đều là người tài trí mà sao khi đối mặt với quân thù đều tỏ ra nhát sợ, đề cao đối phương như vậy? Theo ta thì quân mã nước ta thì ít, nhưng một lòng chiến đấu, được luyện tập tinh nhuệ, thì chưa chắc đã kém thế quân Ngô. Vả chăng quân Ngô đang hừng hừng khí thế, chỉ cần ta đánh cho một trận đầu tơi bời là sa sút nhuệ khí, khi đó mạnh cũng thành yếu, yếu trở thành mạnh".

Mặc cho Văn Chủng và Phạm Lãi can ngăn, Việt vương Câu Tiễn nhất định dồn toàn lực đón đánh quân Ngô ở Tiêu Sơn, kết quả là Câu Tiễn đại bại, các tướng như Linh Cô Phù, Tư Hãn đều tử trận. Câu Tiễn không có cách nào khác, phải dẫn tàn quân chạy về cố thành. Phù Sai nhân đà thắng thế, công thành rất gấp, có khi một đánh thúc trống công phá 3-4 lần, khiến Câu Tiễn hết sức kinh hoảng, bối rối nhờ cậy tới Văn Chủng và Phạm Lãi. Văn Chủng vốn là nhà chính trị đại tài, tuy đang lúc chiến tranh nhưng vẫn theo dõi triều đình nước Ngô rất chính xác, ông biết hiện nội bộ nước Ngô không phải đồng tâm nhất trí, trong đó việc Bá Hy đầy lòng ganh ghét với Ngũ Viên có thể lợi dụng được. Văn Chủng liền cho người tuyển chọn 8 mỹ nữ đẹp như tiên thiên, mang theo 1 số châu báu bí mật mang đến quân doanh, xin cầu kiến Bá Hy. Bá Hy đã toan từ chối, nhưng thấy lễ vật quá nhiều, người đưa lại là mỹ nữ nhan sắc như ngọc thì lòng háo sắc tham lam nổi lên, nói với tả hữu: "Các ngươi cứ cho Văn Chủng vào, nghe nói hắn là tay kiệt hiệt đầy mưu kế, thử xem hắn nói năng ra sao. Được hay không ta đuổi ra cũng chẳng muộn".

Gặp mặt Bá Hy, Văn Chủng tỏ ra rất khiêm khung, lấy nhiều lý do nhờ Bá Hy thuyết phục Phù Sai cho nước Việt cầu hòa. Bá Hy vờ giận dữ, đập bàn nói: "Ngươi thật là vô lý, nước Việt hiện giờ sắp rơi vào tay của nước Ngô, tất cả tài vật mỹ nhân của nước Việt sắp sửa là của riêng nước Ngô. Vậy mà ngươi tưởng chỉ có một chút châu báu mỹ nữ này mà toan dụ dỗ ta làm điều xằng bậy hay sao? Khi Đại vương chiếm được nước Việt rồi, ta quyền cao chức trọng, muốn bao nhiêu châu báu mỹ nữ mà chẳng được".

Văn Chủng bình tĩnh đối đáp: "Đại nhân nói rất đúng, nhưng còn sai một điểm, quân nước Việt tuy ít ỏi nhưng vẫn có thể chiến đấu vài ba trận nữa, chưa biết kết quả ra sao. Vả chăng, nếu chúng tôi thua, tất sẽ đốt bỏ tất cả kho tàng, tướng quân có chiếm được đất đai thì cũng chẳng được bao nhiêu tài vật. Thêm nữa thế cùng thì tắc biến, Đại vương của tôi đã toan tính đến việc thần phục nước Sở, nhờ họ cứu viện; khi ấy châu ngọc không có, mỹ nhân thì dành hết cho nước Sở, mà nước Ngô còn bị tổn hại không biết đâu mà kể".

Bá Hy nghe vậy biến sắc mặt, trầm ngâm suy nghĩ 1 hồi, dịu giọng nói: "Được rồi, vì lợi ích hai nước, ta sẽ cố cầu xin thử xem sao".

Sau khi Văn Chủng về rồi, Bá Hy lập tức đến quân doanh Phù Sai, mang những lý lẽ của Văn Chủng ra thuyết phục. Phù Sai vẫn chưa hết căm thù, lớn tiếng mắng Bá Hy: "Nước Việt với ta có mối thù không đội trời chung, không khi nào ta lại buông tay cho bọn chúng. Bao giờ ta chiếm được nước Việt, bắt Câu Tiễn làm tôi mọi thì mới hả lòng".

Bá Hy bèn lui ra, bí mật báo cho Văn Chủng biết. Văn Chủng liền thưa với Câu Tiễn: "Phù Sai nuôi lòng báo thù đã lâu, nay chỉ vài ba tiếng nói suông thì tất chẳng bao giờ chịu rút quân. Đến tình thế này, Đại vương chỉ còn cách thi hành khổ nhục kế, sang nước Ngô chịu đựng gian khổ một thời gian. Người xưa nói, quân tử trả thù mười năm vẫn chưa muộn. Trước kia Phù Sai nhịn nhục ba năm mới có ngày hôm nay, Đại vương là người có chí khí anh hùng nên chúng tôi mới theo phò tá, chẳng lẽ không bằng được Phù Sai hay sao? Xin Đại vương lấy đại sự làm trọng".

Câu Tiễn thở dài nói: "Trăm sự tại ta không theo lời các ngươi. Nay đã đến nước này đành phải chịu nhục mà thôi".

Văn Chủng cả mừng, sai người báo cho Bá Hy biết. Bá Hy liền vào yết kiến Phù Sai, thưa: "Câu Tiễn đã bằng lòng đến nước Ngô làm trâu ngựa cho Đại vương. Vua đã thần phục thì coi như chiếm được nước người rồi. Thần thấy quân tướng cũng bị tổn hại quá nhiều, nếu nay phải đối phó với nước Sở thì nguy lắm. Xin Đại vương chấp thuận việc cầu hòa. Nước Việt tuy vẫn còn vua nhưng mỗi năm phải tiến cống, làm tôi thần thì chẳng khác gì Đại vương đã chiếm được mà lại mang tiếng nhân nghĩa. Chắc chắn từ nay trở đi, các chư hầu đều kiêng nể; mộng bá chủ không thể ngày một ngày hai mà đạt được, Đại vương giết được Câu Tiễn thì chỉ thỏa mãn trong chốc lát, sao bằng hành hạ hắn suốt cả đời, sỉ nhục đủ điều, làm cho hắn sống không ra sống, chết không ra chết".

Phù Sai khoái trá, gật đầu ưng thuận: "Được lắm! Mỗi ngày ta nhìn thấy Câu Tiễn làm tôi mọi vất vả thì mới hả lòng. Dù sao Câu Tiễn cũng là vua một nước, ta cho một đại thần nước Việt đi theo hầu hạ. Ngươi báo cho hắn biết, nước Việt từ nay là phiên thuộc của ta, ta cho phép con cháu hắn giữ được mồ mả tế tự là may lắm rồi".

Bá Hy cả mừng, lập tức sai người báo tin cho Văn Chủng sửa soạn. Ngũ Viên nghe tin, liền chạy vào, hầm hầm trách móc Phù Sai. Bá Hy đã ăn đút lót nên hết lời bênh vực. Cuối cùng Phù Sai nghe theo, đuổi Ngũ Viên ra ngoài. Hôm sau, Phù Sai sai Dương Tôn Phùng vào thành nước Việt, giám sát và thúc giục, mau mau đưa vợ con đến nước Ngô thần phục. Đồng thời Phù Sai vẫn để Bá Hy giữ 1 vạn quân đóng ở Ngô Sơn để đề phòng Câu Tiễn bội ước thì tiến đánh ngay lập tức. Trong khi ấy, triều đình nước Việt vốn đầy buồn thảm, bá quan văn võ tề tập đông đủ bên cạnh Câu Tiễn, ai nấy đều rưng rưng nước mắt, thương cho người anh hùng bại trận. Câu Tiễn nén lòng hỏi bá quan: "Ta đi rồi, ai trong các ngươi có đủ tài năng bảo vệ quốc gia, vì ta mà củng cố binh lực chờ ngày báo thù?".

Văn Chủng thưa: "Ở lại nước xem xét quốc chính thì Phạm Lãi không bằng tôi, còn đi theo Đại vương để tùy cơ ứng biến thì tôi không bằng Phạm Lãi. Xin để Phạm Lãi đi theo Đại vương, tôi ở lại quyết không quên trọng trách giữ nước".

Nghe Văn Chủng thành thực nhận xét, các quan nước Việt đều xúc động, tự mình đứng ra nhận nhiệm vụ để Câu Tiễn yên lòng ra đi. Theo kế của Văn Chủng, Câu Tiễn ra mắt Phù Sai với bộ dạng thật hèn hạ, vai áo để trần, chân không đi giày; còn phu nhân cũng ăn mặt toàn bằng thứ vải khô mà không được lành lặn, Phạm Lãi theo hầu thì y phục mặc giống kẻ nô bộc khiến Phù Sai cũng có chút thương hại. Tuy nhiên, mối thù 3 năm qua không thể vì vậy mà nguôi ngoai. Phù Sai lệnh cho Công Tôn Hùng xây 1 cái nhà bằng đá, bên cạnh mộ Hạp Lư, bắt vợ chồng Câu Tiễn phải săn sóc, nhổ cỏ, tưới nước, đồng thời phải chăn 1 số ngựa; trong khi mỗi ngày chỉ được bát cơm hẩm, mỗi năm chỉ được cấp cho 1 bộ quần áo bằng vải xấu, còn khổ sở hơn cả người dân nghèo nhất nước Ngô. Phù Sai cho rằng sống như vậy, dù có sức chịu đựng đến đâu, Câu Tiễn cũng yểu mệnh, nên yên tâm ăn chơi hưởng lạc. Thật ra Văn Chủng vẫn lén lút đút lót cho Bá Hy, nên tên này thỉnh thoảng giấu cho 1 ít thực phẩm, không đến nỗi chết đói như Phù Sai tính toán.

Phù Sai hành hạ Câu Tiễn hết mức, mỗi lần đi đâu đều bắt nhà vua nước Việt ở trần, chân đất, dắt ngựa đi trước cho dân chúng nước Ngô cười nhạo. Câu Tiễn nghiến răng chịu đựng được mấy năm, quần áo toàn là mùi phân ngựa; phu nhân thì rách rưới, túi bụi đi kiếm củi cắt cỏ mà không hề bộc lộ 1 lời oán hận nào, dần dần làm cho Phù Sai không chú ý dò xét gì nữa.


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top