THẬP BƯỚC THA NHÂN 2
THẬP BƯỚC THA NHÂN 2
*****
Bước thứ nhất: Kiếp khổ
Sinh ra bình an nhưng lại lớn lên trong thời ly loạn, từ nhỏ đã mất kết nối với gia đình ông bà cha mẹ, mắt nhìn thấy thân nhân đang sống ở ngay bên cạnh đó nhưng tâm tính không thể tương thông. Từ đó mà gốc nhân tính đã thiếu đi một rễ do đạo hiếu giữ gìn.
Bước thứ hai: Trí khổ
Lớn lên khi đầu óc vừa mở mang thì không gặp được người thầy tốt khiến có lớn mà không có khôn, có biết nhưng không có hiểu, vạn vật trên đời có tính toán được nhưng chỉ quanh quẩn trong cái hẹp lượng của mình, không thể mở ra được trí tuệ, không thể minh thông liên kết được vạn đạo luôn có xung quanh mình.
Bước thứ ba: Nghiệp khổ
Vô trí vô thân, bước ra đời chỉ có thể trông mong vào thời vận, trước đổ cho người may, sau đổ cho mình rủi, cuối cùng thì chọn sinh tồn bằng cách cầu may, cướp đi cái lợi của người để làm thành cái lợi của mình mà lại không đủ tình tương thân để tự mình hồi báo.
Bước thứ tư: Vận khổ
Tài vật cướp đoạt kia vốn chỉ đem lại sung (có thêm), dẫu thêm tới bao nhiêu thì cũng không thể sướng (thỏa mãn), vì thế kiếm được càng nhiều thì tâm tình càng trầm trọng, lòng tin vào người càng nhạt nhòa, thiện lương càng lúc càng vắng bóng, tận sâu bên trong trống rỗng nên dẫu cố lấp bằng bao nhiêu hưởng thụ thì cũng không thể lấp đầy. Vạn đường để đi nay chỉ còn một, là cố hết sức để lấp liếm cái trống rỗng bên trong đó.
Bước thứ năm: Ái khổ.
Nồi nào úp vung đó, vật hợp thành loại, thú hợp cùng bầy, người như thế nào thì sẽ kết giao với người như thế đó. Bạn bè không thể tâm giao, người thân không thể tha thứ, nhân tình không nguyện đưa nhau về cuối, dẫu có kết thành đôi vợ chồng thì đồng sàng dị mộng, thân ở trong nhưng thâm tâm lại hướng ra ngoài. Đứng giữa chốn đông người trái phải tung hô, trước sau hoang hợp nhưng chỉ chơ vơ ở lại mãi bên thân mình.
Bước thứ sáu: Hậu khổ.
Con sinh ra nhưng lại không đủ tôn nghiêm để dạy dỗ, cháu thành bầy nhưng đức không đủ để vây quanh, họ hàng lấp ló nhưng không có phúc để giữ gìn. Mắt nhìn đời sau chỉ có thể nhắm lại thở dài chứ không thể vui cười mãn nguyện, tự biết rằng mai đây oan nghiệp gây trong đời sẽ trở về gieo phong ba nối tiếp.
Bước thứ bảy: Đạo khổ.
Tuổi đã cao thì mới biết mình lạc đường, dục vọng nay đã không còn đủ để tự ru cho u mê quên sầu khổ. Cố chối bỏ cố tín tâm để cầu sao vớt vát lại chút thân phận, để rồi cuối cùng giật mình nhìn lại hóa ra cũng chỉ là mê tín ngu si, tự gây thêm nghiệp, tự gây thêm oán hờn.
Bước thứ tám: Tâm khổ.
Thân thể suy kiệt, không còn sức để sửa chữa vẫy vùng. Gian ngoa bít lối chằng chéo lên mọi ngả khiến không thể quay đầu. Tự nhận thấy hóa ra đời này trôi mãi thì cũng chẳng phải của mình, chỉ là một thứ phỗng mặc cho nhân gian điều khiển. Nằm đó dù mắt nhắm hay mở thì cũng chẳng thể nghĩ thông, rằng sống để làm gì, hay liệu đã bao giờ được sống.
Bước thứ chín: Đức khổ.
Con người khi về già dù có muốn hay không thì cũng sẽ có một khoảnh khắc thông linh, người có đức thì là hồi quang phản chiếu để ghi nhận thu hợp hết công đức trong đời mình, từ đó mà hương linh có hiển hiện, hương hồn được linh thiêng soi xét, được chọn lựa bước chuyển mới cho mình. Còn kẻ vô đức thì không, xác thân kia nay đã dẫn về đường cụt, chẳng có gì đáng nữa để tài bồi.
Bước thứ mười: Triệt khổ.
Một kiếp người là chồng chéo biết bao nhiêu duyên vận nhân phận mới tạo thành, những mong sẽ kết tinh ra đạo quả trước giữ phúc cho nhân gian sau bước tiếp đạo của mình. Thế mà nay đã hóa thành hư vô tan biến, thật lãng phí biết bao.
Làm người tốt thì vạn đường để đi, vạn đạo để giữ, còn làm người xấu dẫu có loanh quanh đến bước nào thì cuối cùng cũng chỉ tự mình hành mình trong thập khổ mà thôi.
.
Mười bước một đời, trải trong nhân gian mỗi người mỗi bước, có ít không là may, có nhiều không là rủi, chỉ có thể trông mong tự thân ta hóa giải thế nào. Chúng sanh có to nhỏ nhiều ít nhưng không có cao thấp, còn trong luân hồi thì ta còn phải tự xây đạo cho mình. Dẫu có là đại năng mà lạc bước, thì vạn pháp cũng tiêu vong.
Nhưng đó chỉ là thập khổ tha nhân chứ chưa là bể khổ, thập khổ là tự mình đọa mình chứ nếu đã rơi vào bể khổ - nơi thập khổ của mỗi người giao nhau chằng chéo tự rước khổ cho nhau tự buộc khổ vào mình, thì muôn súc sẽ đọa nhau.
Ví như vùng đất ngay trước mắt kia, chính là địa ngục trần gian, là bể khổ thời mạt pháp, là nơi sinh linh đồ thán trong vô đạo, là đoạn đường cuối mà dẫu Nhập Thế có đi vào thì tất yếu cũng chỉ có tiêu đạo vong thân.
.
Thú hợp cùng bầy, tên đầu lĩnh băng cướp cùng đám tay sai thân tín trên con đường đào tẩu đã gặp và nhận một kẻ khôn ngoan nhưng gian xảo làm quân sư. Tên quân sư đó đã đề ra cho đám cướp một ý, đó là thay vì phải vất vả cả đời để đi khắp nơi trộm cướp, thì tại sao bọn chúng lại không chọn một nơi trù phú để chiếm cứ rồi ép người dân nơi đó phải làm nô lệ để hầu hạ phục dịch cho bọn chúng, như vậy mọi thứ chẳng phải nhàn nhã và sung sướng hơn nhiều hay sao?
Băng cướp nghe theo, chúng chọn một nơi giàu có xinh đẹp với những người dân hiền lành lương thiện và siêng năng để làm căn cứ.
Đầu tiên, chúng bao vây và giết chết người đứng đầu vùng đất để chúng có thể thâu tóm hết quyền lực về tay.
Thứ hai, chúng gom hết những người giàu có và những người có hiểu biết của vùng đất lại để giết, như vậy chúng đã chiếm được tiền tài và diệt đi trí tuệ của vùng đất.
Thứ ba, tàn độc nhất, chúng gom hết những người có chút tài sản và có chút chữ nghĩa lại một chỗ, rồi chúng đưa đao cho người dân, ép họ phải tự tay giết đồng loại thân nhân của mình. Bằng cách đó chúng đã truyền cái ác của chúng cho tất cả, và lấy đi cái tốt cái thiện lương của vùng đất này.
Kể từ đó, khi đã thâu tóm hết quyền lực và tiền bạc trong tay, khi nơi này đã không còn trí tuệ và đạo đức, khi cái ác gian dối trá đã trở thành thường tình, thì chúng bắt đầu tự mình lên ngôi, trở thành thần thành thánh, giả làm trời làm phật, và bắt tất cả người dân phải hầu hạ mình như cha như mẹ, như tổ như tiên, như ông chủ toàn quyền duy nhất.
Đó là lúc mà bể khổ bắt đầu, lúc mà oán nghiệp sinh sôi truyền từ đời này sang đời khác, nơi ai oán thấu tới tận trời xanh, che phủ hơn mây mù và tội nghiệt phủ dày hơn bóng tối.
Lúc này Nhập Thế cùng lão già đang tự mình bước vào bể khổ.
Bước thứ nhất: Kiếp khổ.
Sinh ra đã mang tội trên người do ông bà cha mẹ và chúng sanh vây quanh truyền lại khiến hạt giống thiện lương trời đất ban cho chưa kịp nở đã vội tàn. Tiếng đầu nôi đã tôn thờ quỷ dữ, bước đầu tiên đã lạc lối mất tình người. Cha mẹ thâm tâm tăm tối, ông bà lòng dạ tối đen, người người chơi vơi sắc xám, hỏi con nhỏ phải thức tỉnh sao đây? Vừa đẻ ra đã tự mang cái kết lạc loài rời xa nhân đạo.
Bước thứ hai: Trí khổ.
Bao nhiêu trí tuệ đúc kết từ tổ tiên nay đã không còn, trăm vạn bài học tốt đẹp từ muôn phương cũng không tới, kiếm ra một người thầy có đạo đức có lương tri thì lại càng là điều không thể, muốn thấy một người tốt để noi gương thì tìm trăm phương không có một. Thế là đành học những thứ mà bọn cướp ban cho, học để tôn thờ mụ mị cái ác gian tham tàn đó, để đời này sinh ra ta không được sống cho ta, chỉ biết vận hành theo cái phương châm của loài ác độc.
Bước thứ ba: Nghiệp khổ.
Như những con ốc nhốt trong chum, như bầy cua trong rọ, không lối thoát không đường về, chỉ có thể cố trèo lên đầu người khác để ngoi lên, tự coi cái hư vinh đó là đạo lý, để tới lúc đủ cao thì bị chính bầy đàn đạp đổ, kẻ từng dưới chân ta nay sẽ đạp lên đầu ta, hèn nhục cao sang trong cái rọ tội tình, tất cả cũng chỉ là một lũ co ro oán hận, nhưng vì hèn nên không dám gửi hận lên trên, chỉ có thể trút hết xuống bầy dưới thấp.
Bước thứ tư: Vận khổ.
Cách duy nhất để giàu có là lừa lọc cướp đoạt từ người khác, gom góp đủ rồi thì bản thân sẽ thành nồi kho cho lũ tà quyền, để mặc cho chúng phanh thây rỉa thịt.
Cách duy nhất để cao sang là cúi đầu nịnh bợ, chấp nhận le liếm cái độc ác dối lừa kia làm chân lý, biết sai vẫn làm, biết nguy vẫn hại, biết đau thương vẫn cứ tự vận vào người. Đến khi cao sang đã ổn, khi ghế đã đủ chắc, chòi đã đủ chống thì bọn tà quyền lại tước đoạt rồi đá văng đi để đưa cho người mới, những kẻ có sự thèm khát được le liếm nhiều hơn, còn bản thân thì rớt xuống vũng bùn nơi có bầy sâu ăn thịt cấp thấp đang chờ mong.
Chỉ có khôn ranh chứ không có trí tuệ. Chỉ có lọc lừa chứ không thể chân tâm. Chỉ có lưu manh chứ không thể nào chính trực. Chỉ có thể tạo ác chứ không thể để đức cho đời.
Bước thứ năm: Ái khổ.
Nơi đây không thể có ái, nơi đây không thể có tình yêu, không thể có ai tương thân với ai mà chân tâm thật dạ, không thể có người đối với người mà đúng đạo tình nhân. Là vì họ không biết đó là gì, không biết nhân bản là gì, hay phải đối với nhau như thế nào mới đúng, chỉ đơn giản vậy thôi.
Chỉ biết lấy dục vọng, lấy bản năng, lấy nhu cầu, lấy ham muốn, lấy lo sợ, lấy tư tâm, lấy thường tình, lấy mộng tưởng, lấy dối trá, lấy sĩ nhân, lấy chịu đựng và lấy cô đơn để hợp thành thứ ái mà mình chọn hay bị buộc phải chọn.
Chân ái có yêu thương và đau khổ, có hòa quyện và phân ly, có nụ cười và nước mắt, có vạn xúc cảm, có vạn hờn ghen, có sức mạnh để tự ta giúp chân ái thăng hoa trong đời mình.
Còn giả ái, thì đến cuối cùng chỉ còn lại tuyệt vọng chối bỏ thôi.
Bước thứ sáu: Hậu khổ.
Con cái bất hiếu, cha mẹ bất chính, ông bà bất minh, tiên tổ bất định, nguồn cội bất dung, vạn đời bất phục. Đẻ ra đã lạc loài, như gà ăn trứng, như chó con gặm xương chó cha, tuổi lên ba đã khinh cha thường mẹ, tuổi lên bảy mặc xác ông bà, tuổi đôi mươi thì đào mồ cuốc mả tới xương cốt cũng nghiền nát ra để bán ăn.
Chung một lỗ chui ra, chung một thằng gian để tôn thờ, tới con chó con heo cũng cùng một lò đó cả.
Vậy thì còn trông mong cái gì đây? Còn cố gắng cái gì đây? Cây độc sinh trái độc, vậy thì cây mất gốc sẽ đẻ ra thứ trái gì? Chỉ có mỗi đời mỗi lúc mỗi tệ hại hơn.
Bước thứ bảy: Đạo khổ.
Mất lòng tin vào nhân gian, thử buông thân vào cửa thoát tục, để rồi nhận ra nơi đó còn thô tục hơn nhân gian. Đứng giữa trời ngẩng mặt thở dài, tự hỏi còn đâu nơi chốn để quay đầu, hỏi đường trần này có còn đâu nữa là cửa thiện hay không?
Có biết đâu, chân tâm không có thì làm gì có đâu là chân thiện, có đâu là chân đạo chứ?
Bước thứ tám: Tâm khổ.
Không có cái khổ này, là vì bản thân không có tâm. Là chỉ có thân khổ rồi tự ảo tưởng rằng mình vì có tâm nên thành ra tâm khổ. Hãy nhớ rằng khi ngập chìm trong cái bể khổ này thì tất cả ngay từ đầu đã vô tâm.
Bước thứ chín: Đức khổ.
Cũng không có cái khổ này, vì vô đức. Chỉ có tạo nghiệt rồi vì nghiệt không thành, nghiệt không thông, nghiệt cắn trả nên mới tự ảo tưởng rằng đó là do đức khổ. Sinh trong ác, lớn bằng ác, cả đời gây ác, hỏi đức đâu ra?
Bước thứ mười: Triệt khổ.
Cũng không có. Cái bể khổ tại vùng đất này là một vũng lốc xoáy tự mình sinh ra tự mình vận hành cách ly với đại đạo đất trời, là một nơi mà đến trời cũng bỏ mặc. Chết cũng không thoát được nó, hồn oán cũng không thể thoát khỏi nó, bỏ trốn thì hồn cũng sẽ bị nó cuốn về như mặc định, sống và càng lớn khổ đau sẽ càng tăng, là một nhà ngục bị bỏ mặc để phạm nhân tự mình nhai nuốt nhau trong đó.
.
Nơi này đã sản sinh ra thất ác:
Tà nhân: dựng nên tà quyền, những kẻ không phân biệt trắng đen, làm mọi việc vì dục vọng lợi ích và luôn tự nhận mình là tốt đẹp.
Bạo nhân: gây ra bạo lực và thù hận, không biết phân biệt đúng sai tốt xấu, làm mọi thứ theo mệnh lệnh của tà quyền.
Xảo nhân: rêu rao dối trá, kẻ bẻ cong sự thật, biến đúng thành sai, biến sai thành đúng.
Ti tiện nhân: tha hóa nhân cách, kẻ bất chấp danh dự phẩm giá tiết hạnh để sinh tồn.
Hèn nhân: hủy hoại tính người, gió chiều nào theo chiều đó, lật tay tung hô lật tay chửi bới, cả đời không dám nói một tiếng thật lòng.
Ngu nhân: càng lúc càng nhiều, đông đúc nhất, nhưng chỉ là công cụ để mặc cho người khác điều khiển.
Bần cùng nhân: sống trong tuyệt vọng, sống dưới đáy thấp nhất, cả đời bị chà đạp, bị bóc lột.
Tất cả bọn họ, vừa là đồ tể vừa là tội nhân, đang cùng đày đọa nhau để biến vùng đất này trở thành nơi mà đến quỷ sai dưới địa ngục cũng phải kinh sợ không dám tới gần. Họ làm tất cả bằng cái đầu tăm tối, con tim khuyết tật, đôi mắt u mê, miệng vừa tung hô vừa nhỏ dãi, và xác thân thì từ đầu đã chẳng còn thuộc về mình.
.
Chìm trong tha nhân, lúc đã bước ngang qua vùng đất và thấu hiểu được tất cả, lão giả chợt đứng im như tượng suốt một ngày một đêm, mắt không động, môi không động, tâm tình cũng không động, tự mình bước vào trạng thái vô ngã khi ý thức không còn bị ảnh hưởng bởi ngoại lai.
Rồi lão chợt quỳ xuống và nói với vị dẫn đường qua tha nhân kia: "Xin người, xin người hãy cứu giúp cho bọn họ."
- Vậy còn khổ đau của ngươi, ngươi không muốn ta hóa giải cho sao?
"Không, con hiểu rồi. Sinh ra là mệnh, chết đi là mệnh, sướng vui buồn khổ cũng là mệnh, thân nhân của con có sinh mệnh vận mệnh của riêng họ, nhân quả con gây ra dẫu nhiều ít vẫn nằm trong tuần hoàn, cả họ và con vẫn sẽ còn con đường mới cho riêng mình. Là lâu nay tự con đang trói buộc mệnh của thân nhân vào mệnh mình, là khổ con và khổ họ.
Còn những người kia, những người đang chìm trong lốc xoáy của bể khổ kia, họ đã không còn vận mệnh gì nữa, tất cả, chỉ là đọa đày không lối thoát."
Nhập Thế thở ra, trong lòng ngoài dạ đều chân thành mà mỉm cười, hai chân còn chạm vào mặt đất, chút tâm cảnh rung rinh này của Nhập Thế cũng là thường tình cảm thông.
Hiểu mình trước rồi mới hiểu người, Nhập Thế tự biết đạo hạnh kiếp này của bản thân là không đủ để hóa giải cái vòng xoáy oan nghiệt kia, vậy nên Nhập Thế đã đi khắp nơi để tìm thêm sự giúp đỡ. Hành trình thập bước tha nhân này Nhập Thế đã cùng đi với rất nhiều người, có kẻ giàu có nhất, có kẻ quyền cao chức trọng nhất, có kẻ tài ba hay thông thái nhất, hay kể cả có là kẻ nhập đạo sâu nhất thì cũng nhiều rồi.
Nhưng tất cả khi trải qua bể khổ kia, thì năm phần sợ hãi ba phần xa lánh, một phần khinh bỉ và một nữa thì bất lực thương tâm. Phải đến tận hôm nay thì mới có một người như lão giả đây, là chân tâm muốn cứu vớt, chấp nhận bỏ qua mình vì người.
Đây chính là thứ quý giá nhất trong tình người, tình đồng loại, tình tha nhân: sự cảm thương đồng cảm.
- Ta không cứu được họ. – Nhập Thế nói.
"Vậy ai cứu được, là Bồ Tát, hay là Phật?"
- Đại Năng giữ đại đạo chứ không giữ nhân quả, càng không can thiệp.
"Vậy thì ai? Là ai có thể cứu được bọn họ?"
Nhập Thế đứng lên, đặt tay lên đầu của lão giả, quán đỉnh: "Là ngươi, chỉ mình ngươi thôi, kẻ biết yêu thương tha nhân. Thế gian này chỉ có thể dựa vào ngươi."
Lão giả tức ngộ, lúc này vẫn đang chìm trong hoang mang, 'Là ta sao? Tại sao lại là ta? Ta muốn giúp nhưng thử hỏi ta có thể giúp được gì? Phải bằng cách nào? Phải như thế nào đây? Ta cũng chỉ là kẻ yếu đuối nhỏ bé tầm thường như họ thôi mà..."
Nhập Thế để yên cho lão giả suy nghĩ, con đường này lão phải tự chọn và tự đi, là tự đi bằng chính trái tim và đôi chân của lão chứ không phải vì huyễn hoặc trông chờ.
Còn Nhập Thế, khi thời điểm đã tới rồi thì bản thân cũng phải đi thôi, là đi đến tận tâm nguyện trong sinh mệnh của mình.
*
Trương Lang Vương
*
*"*"*
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top