THẬP BƯỚC THA NHÂN (1)
THẬP BƯỚC THA NHÂN 1
*****
Hắn ta là ăn cướp, là sơn tặc, nhưng lại thờ Bồ Tát.
Ngày thường lúc bao vây hay đâm chém thì hắn luôn tụt lại phía sau, giết được ai thì giết còn không thì cứ lượn lờ như vậy. Đợi tới khi tàn cuộc, nếu như có ai dù địch hay ta hấp hối thì hắn sẽ đi tới mà nắm tay rồi nói với người đó rằng "có Bồ Tát phù hộ, có Bồ Tát phù hộ, Bồ Tát chắc chắn sẽ phù hộ...'', cứ như vậy cho tới khi họ chết thì hắn sẽ vuốt mắt rồi đem đi chôn.
Đồng bọn cũng không ưa gì hắn, bởi hắn trẻ khỏe không mà liều lĩnh cũng không, tướng tá mặt mũi nhìn giống nông dân hơn là phường đao kiếm, và quan trọng nhất là đôi lúc hành động của hắn khiến bọn họ cảm thấy thương tâm. Đó là đại kỵ của kẻ bất nhân, tâm động thì tim đập tay run, mà tay run thì sẽ không cầm nổi đao kiếm để giết người.
Nhưng họ vẫn giữ hắn lại trong băng, vẫn chia một phần tiền cướp bóc được cho hắn, thỉnh thoảng nếu an toàn thì đám đồng bọn còn đứng chờ cho hắn chôn cất xong các thi thể rồi mới trở về. Lý do có lẽ là vì họ nghĩ "nếu như tới một ngày nào đó mà người phải nằm kia là mình, thì mình cũng sẽ được nghe hai chữ Bồ Tát, cũng được nắm tay, được vuốt mắt, rồi được chôn cất sao cho đàng hoàng".
Trông người mà nghĩ đến ta, cái đạo đức múa trên lưỡi đao từ lâu đã bị chặt đôi cho trôi theo dòng máu, còn sót lại đâu đó là chút tư tâm mơ hồ của cái nội tâm nhỏ yếu luôn không ngừng hoảng loạn, tự ảo tưởng cho rằng mình vẫn còn có thể có một chỗ ở xa xôi nào đó thấp thoáng bình yên.
Tới quỷ sai dưới địa ngục kia, thỉnh thoảng khi thấy trong lòng chột dạ bất an cũng đâu có gọi tên Diêm chúa, bọn chúng những lúc đó chỉ toàn cầu Bồ Tát thôi, như cái đám cướp này thì cũng mới chỉ là nửa quỷ, ôm chút viển vông như vậy là thường tình.
Hắn có thành tâm hay không?
Không. Đây cũng chỉ là một cách để hắn sinh tồn thôi. Hắn vốn là nông dân, năm đó vì khổ cực mà cùng đường nên mới theo phong trào người người rủ nhau lập băng đi ăn cướp. Lần đầu hắn giết người là dùng cuốc bổ xuống chứ không phải dùng đao, phải sau này khi đã rủng rỉnh thì đầu lĩnh mới phát vũ khí cho cả băng để làm công cụ kiếm ăn.
Cái chuyện cầu Bồ Tát khởi nguồn là do hắn sợ hãi chứ không phải vì thiện tâm, sợ hãi vì đôi bàn tay nhuốm máu, sợ hãi vì oán nghiệp và địa ngục, sợ hãi vì không thể chối bỏ cái sự độc ác đang được dung dưỡng bởi dục vọng trong mình.
Người thiện mỗi hơi thở đều là chân kinh, kẻ ác tụng nam mô đến rã mồm thì nước miếng văng ra cũng chỉ toàn là chất độc. Hại người giết người rồi lẩm bẩm tụng niệm siêu độ cho người, mở mắt thấy ác rồi nhắm mắt quay lưng để cầu cực lạc bình an, tới loài yêu ma cũng không thể đạo đức giả đến như thế.
Rồi tiếp theo khi hắn thấy cái hành động đó của mình lại giúp nhận thêm được sự thương hại của đồng bọn, thì hắn tiếp tục nó như một cách để giữ phần chia chác ung dung. Ít lao ra phía trước hơn, ít mạo hiểm hơn, ít rủi ro hơn, nhưng vẫn được chia đồng đều, việc có lợi như vậy ngu gì mà không làm.
Hắn nhập tâm vào vai diễn đến mức mỗi đêm khi đồng bọn truy hoan trong rượu thịt và dục vọng, thì hắn lại kiếm một chỗ xa xa ngồi xếp bằng mà giả vờ tụng kinh, đợi đến khi những dân nữ nhà lành chiến lợi phẩm kia bị bọn cướp giết đi sau khi đã thỏa mãn xong phần thân dưới thì hắn mới mò tới để đem xác đi chôn. Rình rập như kền kền, theo đuôi như linh cẩu, bi ai như cá sấu, và tạp nham như lợn rừng, nhưng lại có tiếng trong băng là đạo đức.
Có lần trong đống của cải cướp được có một pho tượng Phật bằng vàng, thế là hắn một sống hai chết van xin, đem hết tích lũy ra đổi chác mong đầu lĩnh để lại pho tượng đó cho mình. Rồi từ khi có được pho tượng đó thì hắn lại càng chăm cúng bái, chăm tụng niệm, chăm quỳ lạy lễ lạc, thành tâm đến nỗi biến cái hốc núi của mình thành miếu nhỏ. Thậm chí, dịp lễ tiết này nọ hắn còn thả chim thả cá để phóng sanh, là cố làm thật cật lực để xây dựng thật vững chắc cái sự ngụy tạo trong lòng mình.
Một ngày kia, sau trận chiến gian nan với quan binh khiến hơn một nửa thành viên trong băng bị chết, đầu lĩnh đám cướp vì muốn tránh đợt truy sát tiếp theo nên mới chia chiến lợi phẩm ngay giữa chiến trường rồi tuyên bố giải tán băng cướp, ai đi đường nấy, sống chết mặc bây.
Lúc đám lâu la đã tan ra như ruồi thì hắn vẫn ở lại để thu dọn chiến trường đó, việc này như một chấp niệm, một vai diễn, một cái mặt nạ mà hắn không thể tháo bỏ, bởi nếu vậy thì hắn sẽ chẳng còn gì nữa. Hắn vừa chôn, vừa niệm, vừa gọi Bồ Tát, vừa xua đuổi tâm ma trong mình, nhưng Bồ Tát thì không đến, còn tâm ma thì đã vận vào thân.
Như những con quỷ đói khi bị ném vào dung nham biển lửa, chỉ cần cái miệng vẫn còn ló lên được thì răng lợi sẽ còn nhai nhồm nhoàm.
Rồi khi hắn đang chôn giữa chừng thì đội quan binh tiếp viện đã đuổi đến, hắn đủ khôn ngoan để tự nhận rằng mình chỉ là người qua đường bất chợt gặp chuyện thê lương nên thiện tâm đưa tay ra hóa giải. Quan binh dĩ nhiên tin hắn, phần vì ngoại hình bình dân, phần vì cái tác phong miệng nam mô tay chắp lạy thành tín, và phần nữa là vì hắn đã kịp tẩu tán chôn nhanh cái mớ tiền của được chia phần kia ngay khi vừa nghe thấy tiếng vó ngựa.
Trưởng quan đem hắn về như một nhân chứng, rồi tuyên dương hắn như một người tốt và tưởng thưởng cho hắn, người dân xung quanh theo đó mà cũng biết ơn và yêu quý hắn, khiến hắn lần nữa hòa nhập vào xã hội này như một thiện nhân, lăn thân trong ố ái nhưng trở về trong hoan hô.
Cuộc đời bỗng sang trang mới theo một cách bất ngờ đến mức vượt ra khỏi khả năng mơ tưởng của cái đầu hắn, khiến hắn nghĩ rằng tất cả là do lâu nay mình đã làm đúng, rằng mình là người tốt và đây chính là hồi báo. Việc đó khiến hắn càng chấp nhất, càng nhiệt tâm, càng tận tình, và càng xây đắp nhiều hơn cho cái bước chân u mê chấp ngộ mà mình chọn.
Hắn tìm được công việc tốt, nhờ sự yêu quý và giúp đỡ của mọi người nên dần dần hắn trở nên giàu có, tăng thêm tích lũy và tăng thêm chỗ dựa cho mình.
Hắn tìm được một người vợ tốt và sinh ra những đứa con ngoan, hắn dạy cho con cái của mình thói quen tụng niệm Bồ Tát, dạy rằng tụng nhiều thì sẽ có nhiều, tụng đủ thì Bồ Tát sẽ đến bên, rồi tụng miệt mài đến tận cùng thì mình sẽ thành Bồ Tát.
Mà trong hiện thực đời hắn thì mọi thứ cũng diễn ra như vậy, hắn nay đã trở thành một phú ông có của ăn của để, có trang viên rộng lớn với một mảnh sân lớn được dùng để xây nơi thờ tự Bồ Tát. Cách ngày hắn nấu cơm tế bần, cách tuần tặng gạo cho cô nhi quả phụ, cách tháng sửa đường dựng xá, cách năm thì xây cầu đắp đê, còn đêm đêm ngày ngày thì đều dâng hoa cúng Phật. Việc đó khiến mọi người khi nghe đến thì đều gọi hắn là Bồ Tát giữa nhân gian.
Đời người ngắn ngủi, nhanh thì một tức, chậm thì trăm năm, người lão niên được thất thập cũng tạm coi như đã đủ rồi. Thế gian là bao nhiêu vạn, thiên hạ này là bao nhiêu ức, hỏi thiên không này là bao nhiêu hằng hà sa số, cõi luân hồi là bao nhiêu lần trở lại, hỏi chốn vô vi có giới hạn đến tận cùng?
Thân làm người phàm lê bước trong cõi tục, thân đem theo da thịt này lặn lội trong cõi trần, thân nương nương nhờ nhờ tựa tựa ngày ngày trong đoạn đoạn trường trường tháng tháng thì có được bao nhiêu là tâm nguyện đây? Thôi thì chỉ đành chọn một cho kiếp này, cố xây cho xong đến tận chút hơi tàn thì coi là viên mãn. Thế gian này là vậy, hắn cũng là vậy, là tự cho mình cái quyền được viên mãn trong thế gian.
Năm bảy mươi tuổi, người xưa nay đã là một ông lão, vì muốn ăn mừng cuộc đời viên mãn của mình nên lão quyết định đại lượng tạo phúc, đi khắp nơi mở hầu bao để làm việc thiện. Dự định là trong chuyến hành hương này lão sẽ xây xong bảy bảy bốn chín cây cầu, dựng đủ trăm miếu, đúc xong nghìn tượng, chép xong vạn quyển kinh. Lược sử nhìn lại, tính cả trăm năm thì người làm được nhiều việc, tích được nhiều công đức đến thế cũng chẳng có bao nhiêu, như lão thì đã đủ để chúng sanh nhìn vô rồi coi là chân thiện
Ngày kia giữa đường, từ trong xe ngựa lão nhìn thấy một đám người ngựa đi ngược chiều có chút quen mắt, gọi đồng bọn không phải, gọi huynh đệ cũng không, gọi là vô lương nhân từng cùng núi thì sẽ đúng hơn.
Lòng tự thấu nhưng cũng chính lòng che đi, chuyện xưa nay đã thành ra dĩ vãng, vui tan mau buồn lau không sót lại, người sống trong thời này chỉ muốn im lặng khép mành để yên cho cỗ xe tiếp tục trôi. Họ không thấy mình, mình không nhận họ, chỉ cần đi xa thêm một chút thì sẽ thành người dưng nước lã trôi sông, để có muốn tát thì cũng dùng gàu chứ không nhuộm lại tay bằng những ký ức xa xưa của cái thời không đáng nhớ.
Chân đứng trên bờ tay khuấy nước chứ không quậy bùn, mắt thích nhìn sen nở cố giữ mũi xa lánh mùi tanh, tai nghe tiếng chim hót khi trong miệng ngậm tròng lòng tan trứng, ngẩng đầu để mơ ước, thấp đầu để cúi xin, nhưng nhìn ngang thì ngoảnh mặt, cứ như vậy cho đến khi qua hết một đời rồi gọi là xong kiếp.
Bể khổ do ai? Bể khổ do mình, vô biên là bởi chưa bao giờ thử một lần tự mình đi qua nó.
Con đường thoát khổ, con đường siêu thoát không phải là bay lên, bởi bay đi đâu đây khi cả đời đã lảng tránh, mất gốc gác, mất đoạn trường, mất kết giao với vô thường nhân thế, chỉ có bay loạn rồi lạc lầm mà thôi.
Giản đơn ngay từ thuở đầu khi có lời răn về con đường giác ngộ, chúng sanh là bể ta là thuyền, chúng sanh là thuyền ta là kẻ đẩy, chúng sanh đưa đẩy ta chống lái mũi thuyền, khi ta sang bến thì thuyền sang bến, để cả ta và chúng sanh không còn chìm trong vô biên nữa, để dẫu thấp thoáng trăm vạn lối nghìn trùng thì chỉ chính con đường ta chọn đi qua đó sẽ là con đường dẫn ta vượt bể, giản đơn và bình dị đến không ngờ.
Còn lảng tránh hay chối bỏ thì bất kỳ lúc nào hay bất cứ kiếp nào chợt nhìn lại sẽ đều thấy bể khổ đang chờ ta, đang vây quanh ta, đang nhấn chìm và đắm đuối ta, khiến ta luôn chực chờ trong muôn hướng nhưng lại chẳng có một hướng nào ta có thể.
Lão chọn chối bỏ, vậy thì dẫu xây xong bảy bảy bốn chín cây cầu thì nhịp cuối cùng cũng sẽ chỉ dẫn về chốn cũ, nếu từ đầu đã là mê tín rồi thì dẫu đi xa đến mấy đến lúc kết vẫn là lạc đường.
Đường trở về, từ xa trăm dặm đã thấy khói đen nghi ngút cao lên tới tận trời xanh, xa năm mươi dặm thấy lửa cháy sáng rực một vùng, xa mười dặm ngửi thoang thoảng trong gió mùi máu tanh nóng ẩm, xa năm dặm thấy sông suối đỏ ố nước đổi màu, xa một dặm thấy xác quen nằm la liệt và về đến nhà thì thấy tất cả thân thương nay đã đứt bóng lìa đời.
Tượng sơn son đổi qua màu máu,
Xác vợ con cuốn gọn bên lề,
Trâu bò chó phanh thây ngửa bụng,
Đứng khóc hề chết thuở bi ai.
Cả đời lão đã chôn xác cho trăm vạn người dưng, đã tụng thiên thiên trùng trùng câu Bồ Tát cho thập phương người lạ, nhưng lúc này thì lão đã phát điên rồi, chỉ có thể hét lên một tiếng rồi bỏ chạy như con thú con bị chặt đuôi đá đít, để lại sau lưng là ruồi nhặng xua, dòi bọ nhai thân nhân thành xương trắng, phơi khô dưới nắng phơi mềm dưới trăng, chơ vơ như đất đá xếp loạn thành đồi mà không ai nhung nhớ.
Tiền tài như sương khói, danh tiếng thành phù du, mộng đẹp tan đi cũng chỉ còn là ảo mộng, ôm lối bất chấp nay đã cụt mất đường, xây lên non cao nay thành hận cao như núi, nào thấy sông hồ chỉ chuốc biển nợ vào thân, ai tha ta đây khi tự mình không sao thứ, hạnh phúc nơi nào khi chân tâm không là thật, ác nghiệt là chi khi thiện đức không thành hình, đứng giữa hồng trần mong thấy chốn vô bi nhưng thử hỏi vô bi đó là gì?
Ta đưa tay với trời cao sao trời cao không thấu, ta đập đầu kêu địa phủ ôi địa phủ không thông, ta giãy giụa chốn cõi trần nhưng cõi trần trói buộc, chút thâm tâm này ôi nhỏ bé nhỏ bé làm sao, mất hết rồi mất hết thật rồi ta sống nữa sao đây?
Cả gia đình tự sát, kẻ khổ đau nhất là kẻ chết cuối cùng, nếu nâng thêm đau thương lên đến mức cao xa diệu vợi thì sẽ là kẻ đau khổ đến điên rồ mà quên chết.
Lão tâm thần bất ổn, tâm linh tan nát, tâm tưởng tiêu vong và tâm hồn vụn vỡ, tuổi bảy mươi mà đi thất thểu như đứa trẻ lạc đường, tiểu trong quần, đi ngoài ngay chỗ ngủ, thấy bụi lủi vào, thấy người lẩn tránh, nhai lá cây nghiến sỏi đá đến hộc cả máu mồm, đông lăn trong giá, hè dang giữa nắng, người hỏi thăm thì xua đuổi, kẻ xua đuổi thì nhào lăn, vui khóc buồn cười đau reo sướng nhạo, nhớ tha quên oán ố triền miên, có ghẻ thì cạo ghẻ cho vào xương, chảy máu thì vấy máu vào mặt mình, gãy xương uốn cho thành trẹo trệ, tóc tai chỗ lõm chỗ lồi, hai con mắt nuôi cho dày gân máu, ngũ quan méo mó tứ chi teo lệch, đến giọng nói cũng gầm gừ như thú dữ.
Nhưng dẫu khổ đau ngoài thân có chất chồng đến mức nào thì lão cũng không dám dù chỉ một chút chạm khẽ vào nỗi đau luôn giày xéo bên trong mình. Lão hận Bồ Tát, lão hận cả chúng sanh, lão hận chính bản thân mình, hận đến mức không sao không sao thoát được.
Bao nhiêu năm trôi qua rồi? Là năm năm, mười năm, hai mươi hay ba mươi năm? Tấm thân già khô héo vẫn lưu lạc trên đường dài, dài đến vô tận bởi không đâu là điểm đến và đã mất chốn để trở về. Tượng đất trăm năm sẽ hóa bùn, người còn chơi vơi còn đau khổ, người muốn sống cố níu kéo từng ngày còn kẻ đã chết rồi thì sao vẫn còn lê lết tha la? Hỏi thế gian những kẻ nói cười kia khi đã mất đi điểm tựa cuối cùng thì liệu có như ta, hỏi đâu là ranh giới cuối cùng mà con-nhân có thể?
Hỏi ranh giới nào là điểm cuối, để ta còn muốn tiếp tục cái số phận này?
*
Trương Lang Vương
*
*"*"*
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top