Dẫn nhập


- O -

Từ hàng nghìn, hàng nghìn năm trước, ở vùng cận giáp đường xích đạo, tồn tại một vương quốc trù phú về thiên nhiên, quanh năm ấm áp, con người hào sảng, thông minh. Vùng đất này có tên Mộc Quốc. Người nước Mộc am hiểu về thảo dược, sở hữu đôi bàn tay khéo léo làm ra nhiều món đồ gỗ tinh xảo, có giá hơn nhiều so với đồ gỗ của các nước Thủy Quốc, Thổ Quốc, Hỏa Quốc ở xung quanh. Với trình độ chế tác vũ khí, cung nỏ ngày một tiến bộ vượt bậc, Mộc Quốc đã có thời kì đỉnh cao, trở thành cường quốc trong số các vùng đất phương Nam.

Hưng thịnh và suy vong tuy ở hai thái cực đối lập nhưng sự đời vô thường, đó lại là hai giai đoạn nối tiếp luân hồi chảy trôi. Trong giai đoạn hưng vượng nhất, Mộc Quốc đánh Đông, đánh Tây, mở mang bờ cõi, khiến các nước xung quanh đều e sợ, cúi đầu xưng thần, đều đặn cống nộp sản vật quý hiếm hàng năm. Mộc Vương đời thứ Chín khi đó ngẩng đầu cười trời, mơ tưởng đại nghiệp của ông ta sẽ kéo dài thiên thu bất tận. Nhưng đó rốt cuộc chỉ là mơ tưởng nhất thời, vạn vật biến đổi theo từng khoảnh khắc, đến mây trên trời còn có lúc tụ lúc tan, trời có hôm mưa hôm nắng, huống hồ một cơ đồ xây bằng máu và nước mắt, dựa vào quyền lực và âm mưu, đằng sau sự mỹ miều, hào nhoáng là lòng tham và lợi ích, sao có thể bền nổi cùng trời xanh?

Vào đời Mộc Vương thứ Mười, triều đình Mộc Quốc vì chuyện chọn địa bàn làm đại đô mà nội bộ chia rẽ sâu sắc. Lý do ngọn nguồn thì cần phải nhắc lại chuyện xưa. Sau hàng trăm năm dựa vào vùng núi rừng Vạn Lĩnh để dựng cơ nghiệp, trong những năm cuối đời Mộc Vương thứ Chín lại có hứng thú với việc nghiên cứu thổ nhưỡng của vùng đất mạn phía Bắc, nơi có đất đai bằng phẳng, khí hậu phân ra bốn mùa rõ rệt, hệ thống sông ngòi phong phú. Ngài nhiều lần đích thân đi thực địa tìm đất tốt, từng khen Kim Điền là vùng vượng khí, có thể ở dài lâu, khiến một vài vị đại thần nghe ngóng được tin này liền âm thầm bỏ bạc, vàng ra tậu những khoảnh đất đẹp ở Kim Điền với hi vọng nếu đại đô được chuyển lên phía Bắc, họ sẽ ôm được một món hời. Tiếc một nỗi, Mộc Vương chưa quyết xong việc lớn thì đã vội băng hà. Khi Mộc Vương đời kế tiếp lên ngôi, việc chọn đất dựng đại đô mới lại được đem ra. Nội bộ triều đình chia làm ba phe rõ rệt. Một bên ủng hộ việc rời đô tới Kim Điền, bên khác lại muốn duy trì kinh đô ở Vạn Lĩnh, bên còn lại chính kiến không rõ ràng, im lặng đợi tân vương ra quyết định, dù là quân vương chọn lựa ý kiến nào thì họ cũng đều nhất loạt tung hô, ngợi khen.

Phe ủng hộ rời đô đến Kim Điền viện cớ nơi đây có địa thế đồng bằng, đất đai phì nhiêu nảy nở, lại được sông ngòi bồi đắp phù sa, khí hậu dễ chịu, có nhiều cửa sông, cửa biển, buôn bán thông thương với các nước sẽ cực kỳ thuận lợi. Tuy Vạn Lĩnh cũng là đất tốt nhưng lại vượng về binh đao, hình thế dựa vào núi non nên đi lại có phần khó khăn. Nay Mộc Quốc đã cực thịnh, là lúc cần ổn định quốc gia để duy trì vị thế, vun trồng gốc rễ để thiên hạ cùng được hưởng thái bình. So với đời trước, thời thế đã thay đổi, nay nếu cứ duy trì kinh đô cũ, e là vào năm vận xấu xung chiếu, nếu không binh đao với ngoại quốc thì cũng sẽ có mầm loạn từ bên trong. Huống hồ đất Kim Điền từng được Mộc Vương đời trước khen ngợi, chỉ cần quân vương đương thời quyết ý lựa chọn, nơi đây sẽ thành một trung tâm quyền lực khiến người bốn phương tám hướng đều phải quy phục.

Trong lúc đó, phe phản đối cũng ra sức bảo vệ đất Vạn Lĩnh, vì đây là vùng đất của tổ tiên, các đời Mộc Vương đều dựa vào thế núi non mà giúp Mộc Quốc xây dựng cơ đồ. Nay đang hưng vượng hà cớ gì mà lại phải đổi đất? Huống hồ việc rời đô hết sức tốn kém. Sau bao năm chiến tranh, ngân khố hao hụt, lòng người đang mong nghỉ ngơi, nếu lại tiếp tục điều động con dân thiên hạ xây đại đô mới, e rằng lòng người oán thán, họa sẽ từ đó mà ra.

Lời nói của phe nào cũng có tình có lý, ai nấy đều muốn bảo vệ chính kiến của mình, cuối cùng dẫn đến bất hòa sâu sắc. Trong số những người chủ trương rời đến Kim Điền có không ít vị từng bỏ tiền đầu tư đất đai, họ vừa vì chuyện công mà cũng lo việc tư nên thái độ hết sức cứng rắn, nhiều lần lấy Mộc Vương đời trước ra làm cớ để thuyết phục quân vương đương thời.

Ở đời, khó đoán nhất là lòng người. Tân vương đời thứ Mười bề ngoài luôn tỏ ra là một vị minh quân, nhưng trong lòng ẩn chứa nhiều bất mãn với người cha độc đoán. Trong mấy người anh em, ông ta là người ẩn nhẫn giỏi nhất, cuối cùng cũng có trong tay thiên hạ. Tới lúc được tự mình thao túng vương quyền, vậy mà suốt ngày phải nghe triều thần lấy cố vương ra xưng tụng, bóng gió khuyên nhủ mình phải làm thế này, thế kia mới xứng đáng với tiên tổ khiến tân vương chán ghét cùng cực.

Để củng cố quyền lực của mình, tân vương ngấm ngầm hậu thuẫn cho phe giữ đất Vạn Lĩnh, gây ra một trận sóng gió trong triều đình, ép chết vài vị đại thần phe đối lập để thị uy. Thấy triều đình phản trắc, đường quan lộ bị khóa, họa diệt tộc treo lơ lửng, những người chủ trương chọn Kim Điền liền bí mật hội đàm, chọn thời cơ tụ tập binh mã, kéo nhau vượt núi Phượng Hoàng lên phía Bắc, chiếm đất Kim Điền, lập ra Kim Quốc, ví mình như chiếc rìu sắc sẽ chặt hết ngàn vạn cây cối.

Mộc Quốc sau đó đã nhiều lần cho quân tấn công Kim Quốc, dụ họ đầu hàng nhưng nhân sĩ Kim Quốc kiên cường, lại hiểu quá rõ những chiêu bài của cố quốc nên quyết tâm không chịu khuất phục. Mặt khác họ ra sức chiêu mộ những nhân tài tới từ các nước lân cận, không màng đến thân thế hay địa vị, chỉ cần là người có sức, có tài đều được Kim Quốc hậu đãi.

Trải qua hai trăm năm với nhiều cuộc chiến chinh kéo dài, vận may cứ dần dần rời bỏ Mộc Quốc khiến quốc gia này ngày một suy kiệt. Trong khi Kim Quốc vận thế gặp thời, nổi lên thành trung tâm quyền lực mới, áp đảo các quốc gia xung quanh.

Vì tách ra từ Mộc Quốc nên ban đầu văn hóa, thể chế của Kim Quốc có nhiều điểm tương đồng với nước Mộc. Nhưng về sau, Kim Quốc muốn thoát khỏi hệ tư tưởng của Mộc Quốc nên đã tích cực tiếp thu tinh hoa của các nước xung quanh, gạt bỏ đi những quan niệm cũ kĩ để tạo ra bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của riêng mình. Một trong những nỗ lực nhằm tự chủ về văn hóa của Kim Quốc phải kể đến việc sáng chế ra bộ chữ viết khác biệt hoàn toàn so với bộ chữ của người Mộc. Văn tự tuy khác biệt nhưng về cơ bản ngôn ngữ của Mộc Quốc và Kim Quốc gần giống nhau, người dân hai nước khi giao dịch thông thương hầu như hiểu được hết lời lẽ của nhau.

Đời Mộc Vương thứ Mười Hai, người Kim không ngừng mở rộng về phía Nam, chỉ đến khi đánh đến dãy núi Phượng Hoàng, thế công của bọn họ mới bị chặn lại. Địa thế nơi này hiểm trở, là chốn rừng thiêng nước độc, khiến binh sĩ hai bên đều tổn hại, không chết vì đao kiếm, cung tên thì cũng chết vì ốm đau bệnh tật. Chiến đấu dằng dai suốt gần mười năm trời, máu chảy thành sông, oán hận ngập trời. Cuối cùng cả hai đành thỏa thuận rút quân, biến một phần núi Phượng Hoàng thành vùng phi quân sự.

Khi Mộc Vương thứ Mười Ba lên ngôi, Kim Quốc lại một lần nữa đem quân đánh Mộc. Lần này bọn họ bỏ gần đánh xa, bắt tay với một số bộ tộc thiểu số nằm tiếp giáp giữa hai nước để mượn đường tấn công theo hướng Tây Nam. Tình hình Mộc Quốc lúc đó vô cùng rối ren, quân vương nhỏ tuổi, trong nước thiên tai dịch họa xảy ra liên miên, triều đình lục đục, ngoài chiến trường tin thất trận liên miên, quân sĩ chết nơi sa trường vô số. Sợ họa diệt quốc kề cận, đám nhân sĩ người Mộc bèn hiến kế cho quân vương cắt đất xưng thần với nước Kim, chấp nhận hàng năm tiến cống. Kim Vương cũng thấy bọn họ nếu cứ tiếp tục trường kỳ chiến trận chưa chắc đã dành được phần thắng, e rằng lại giẫm vào vết xe đổ ở núi Phượng Hoàng nên chấp nhận sự quy thuận của nước Mộc.

Kể từ đây, Mộc Quốc ngày càng chìm sâu trong những cuộc khủng hoảng liên miên kéo dài suốt nhiều năm sau đó.

(Còn tiếp)

Rei

Fanpage: https://www.facebook.com/thanhxuandimong

Tranh minh họa: Internet

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top