Chương 6: Sơn Quân phả

Chương 6: Phả ký Sơn Quân

Sơn Quân! Sơn Quân! Mình sắc trắng là giống chính tông. Đứng bày hàng với các vì tinh tú trên trời, trấn ngự ở phương Tây. Cùng với các sao Thanh Long Chu Tước và Huyền Vũ trấn thủ bốn phương trời. Đời Xuân Thu xuống cho Tử Văn bú, sau Tử Văn làm tướng nước Sở. Vì vậy người Sở kiêng tên "hổ" mà gọi là "Ô Đồ"(1). Cuối niên hiệu Trinh Quán đời Đường, thác sinh làm Tiết Nhân Quý (2), giúp vua Thái Tông bình định Cao Ly. Tiết Cương, Tiết Cường đều là dòng dõi.

Sơn Quân sắc đỏ phát tích ở triều Ngu, dự hàng cửu quan (3). Đời sau có Chu Tam, tức là cháu xa. Lại như: giúp Chu Tuyên Vương bình định Hoài Nam (4), làm ngũ tướng quân khôi phục nhà Hán (5). Giữ đất Ba Thục để trông vào Trung Nguyên (6), giúp Tần Mục Công làm bá chủ chư hầu (7). Tống Thái Tông giống được bước đi mà làm chủ thiên hạ (8); Hán Ban Siêu giống được cái đầu mà được phong làm hầu muôn dặm (9).

Đó là loài hổ thiện.

Còn như: Sùng Hầu thì gièm pha Văn Vương (10). Dương Hóa thì trộm rùa lớn (11), nhãng để phòng thì phá củi ra (12), làm mộng gở để ăn cũng bọn (13); hổ đẻ (14), hổ nằm (15) đều có tiếng hổ dữ.

Đó là loài hổ ác.

Phân loại có nhiều giống khác nhau, nhưng nhân nghĩa, dũng mãnh thì cùng chung một tính. Sinh con thì chăm nom nuôi nấng, há không phải là nhân? Chính sự tốt thì sang sông lánh sang phía bắc (16), há không phải là nghĩa? Ở đâu thì đến rau lê, rau hoắc cũng không ai dám hái (17), hả không phải là dũng mãnh ư?

Vì vậy, thiên hạ đều sợ. Trên bình phong đắp tượng hổ, nhà đạo sĩ vẽ hình hổ, tướng xưng là hổ tướng, quân gọi là hổ bôn. Bài hổ, ấn hổ là lấy nghĩa về võ; tướng hổ, cửa hổ là lấy nghĩa về uy; sức như hổ là lấy nghĩa về mạnh; gầm như hổ là lấy nghĩa về tiếng. Da hổ có vằn rực rỡ, thiên hạ đều rất ưa thích, ngựa nước Lỗ đội vào mà đánh lui quân thù (18), Trương Hoành Cừ ngồi lên mà giảng dạy Kinh Dịch (19); vua nhà Tần lấy để khâu túi đựng cung; vua nhà Chu dùng để phong cho Hàn Hầu.

Thế là vừa được người sợ, lại vừa được người yêu.

Bởi vậy, Thượng đế phong làm Sơn Quân và gọi là đại nhân (20). Ngày thụ phong, hổ phủ phục kêu rằng:

- Có vua, há lẽ không có bầy tôi?

Thượng đế ngẫm nghĩ hồi lâu, rồi gọi thần gió (21) đến truyền rằng:

- Sắc cho người làm bẫy tôi Sơn Quân. Nhưng, tính nết của y, khi mừng thì là em con rồng, mà giận thì là anh Con sói (22). Bởi vậy, khi y mừng thì ngươi nên lượn vòng quanh mà dỗ dành ve vuốt, khi y giận thì người chớ làm sừng làm cánh (23) cho y, chớ có ở chung với y. Phải đợi khi y cất tiếng gầm hãy đến.

Sơn Quân nghe mệnh lệnh lấy làm đắc ý, cúi đầu lạy tạ rồi gầm thét bước ra, gặp người thì cắn hại. Bởi vậy người ta phải ở sàn cao và đóng kín cửa để lánh hại, đặt cạm, giăng lưới để trừ nó đi. Hổ rời khỏi núi là mất uy thế ngay: bị Biện Trang đâm chết (24), bị Phùng Phụ bắt sống (25), Cung Thúc Đoạn tay không mà bắt được dâng vua (26), Tống Công Minh cưỡi lưng không nhảy xuống (27), Địch Lương Công giẫm lên đuôi mà không kinh (28), bọn Lý Ưng tát vào mõm mà chẳng sợ (29). Cho nên Kinh Dịch có câu : “Không cắn người, tốt (30)”.

LỜI BÀN CỦA SƠN NAM THÚC

Truyện này đoạn đầu phân tích từng chi từng phái, chính hợp thể lệ chép phả ký.

Đoạn giữa nói những điều đáng sợ, đáng yêu, lại có lời bàn tán, khen ngợi. Một đoạn hội thần gió, không là thành có, thật là văn hay kiệt xuất.

Đoạn cuối, lời lẽ thực là nghiêm nghị, Sơn Quân có linh chắc cũng phải ẩn náu, không dám càn rỡ, bao ngược nữa.

CHÚ THÍCH

1. Tử Văn, đời Xuân Thu, làm tướng Sở. Lúc mới đẻ bị bố đem vứt đi, nhờ có hổ cho bú, sau lại mang về nuôi thành người. Nguyên họ là Đấu, Tiếng Sở hồi đó gọi hổ là ô đồ, gọi việc cho bú là cấu, nên đặt tên Tử Văn là Đấu Cấu Ô Đồ, không phải là kiêng tên. Trong bài nói kiêng tên là phiên ý để cho đẹp câu chuyện.

2. Tiết Nhân Quý đời Đường có nhiều chiến công, được Đường Thái Tông gọi là Hổ tướng.

3. Một người trong hàng cửu quan của Ngu Thuấn là ông Ích . Khi được cử làm quan coi núi chằm, ông Ích nhường cho Chu Hổ, Hùng, Bi, nhưng vua Thuấn không nghe (chu hổ là hổ sắc đỏ)

4. Chu Tuyên Vương có người bầy tôi là Thiệu Hổ, có công bình định Hoài Nam.

5. Đời Tam Quốc, Thục Hán có chức Ngũ hổ tướng quân, Đây gọi là Ngũ tướng quân, giấu chữ “hổ” đi, nhưng có ý coi như hổ làm những chức ấy.

6. Đời Tam Quốc, Lưu Bị giữ được Ba Thục. Người ta bảo giữ được Ba Thục là có thể như hổ dòm vào Trung Nguyên.

7.  Điển này chưa tường. Bầy tôi Tần Mục Công có người tên là Phi Báo, không có ai tên là Hổ.

8. Sử chép: “Tống Thái Tông long hành hổ bộ", nghĩa là như rồng, bước như hổ

9. Ban Siêu đời Hán, lúc còn hàn vi có người đoán rằng: "Hàm như én, đầu như hổ, có thể bay mà ăn thịt, đó là tướng phong hầu muôn dặm". Quả nhiên sau Ban Siêu có lập nhiều công ngoài biên cương, được phong là Định Viễn Hầu.

10. Sùng Hầu cũng tên là Hổ, gièm Chu Văn Vương với vua Trụ. Văn Vương phải giam ở ngục Dữu Lý.

11. Dương Hoá đời Xuân Thu cũng tên là Hổ, làm phản nước Lỗ, lấy trộm rùa lớn và những đồ quý báu khác (con rùa được người xưa dùng để xem bói) .

12. Luận ngữ: Không Tử mắng học trò là Nhiễm Cầu rằng "...Để cho hổ hủy sổng ra khỏi cũi là lỗi tại ai?"

13. Điển này cũng chưa tường. 

14. Sách Hán thư có câu: “Thà gặp hổ đẻ còn hơn gặp lúc Nịnh Thành đang giận". Các giống thú đến ngày đẻ con đều có tính dữ hơn ngày thường. Hổ đẻ lại càng dữ nữa, nên bọn quan lại ác, người ta ví là hổ đẻ.

15. Tứ Hoành đời Hậu Hán, làm quan bạo ngược, người ta gọi là hổ nằm.

16. Sách Hậu Hán chép: Lưu Côn làm quan ở Hoằng Nông. Có nhiều thiện chính, hổ phải cõng con, lội sông đi về phía bắc.

17 . Hán thư nói: “Núi có thú dữ (ý nói hổ) thì rau lê rau hoắc không ai dám hái, trong triều có người trực thần thì những kẻ gian tà không dám mưu việc càn."

18. Tả truyện: Tề và Lỗ đánh nhau, tướng Lỗ lấy da hổ khoác cho ngưa ra trận. Ngựa của quân Tề tưởng là hổ thực, quay lại chạy, quân Tề phải rút lui.

19. Trương Hoành Cừ: tức Trương Tái, một đại nho đời Tống 

20. Kinh Dịch quẻ Cách nói: “Đại nhân hổ biến", ở đây dùng điển ấy rồi phiên ý cho đẹp câu văn.

21. Ngày trước người ta cho rằng mây theo rồng, gió theo hổ. Hễ hổ gầm là gió đến.

22.Ý cầu này nói chữ "hổ" đi sau chữ "long", như “long hổ bảng", "long bàn hổ cứ", thì là việc tốt , mà đứng trước chữ "lang" thành "hổ lang" thì là những việc ác.

23. Hổ vốn không có sừng, cũng không có cánh. Câu này chỉ là câu giả thiết một vật khỏe như hổ mà lại có sừng, có cảnh thì rất nguy hiểm, không thể ở chung được.

24. Biện Trang: người nước Lỗ đời Xuân Thu, sức rất khỏe thường đâm chết hổ, có lần đâm chết hai con hổ.

25. Phùng Phụ: người nước Tấn , Có tài bắt hổ (sách Mạnh Tử).

26. Cung Thúc Đoạn: là em vua nước Trịnh, sức rất khỏe, có khi tay không bắt được hổ đem dâng vua (Kinh Thi, thơ "Thúc Vu Điền”)

27. Tống Công Minh: tức Tống Giang, làm thủ lĩnh các hảo hán, giữ Lương Sơn Bạc, chống lại triều đình nhà Tống, sau muốn quy thuận nhà Tống, nhưng các hảo hán không nghe. Người ta cho là Tống Giang ở vào thể cưỡi hổ khó xuống được.

28. Đời Đường , Trương Quang Phụ có Công, làm tể tướng, để cho quân sĩ hoành hành, Địch Lương Công (tức là Địch Nhân Kiệt) bảo Quang Phụ rằng: "Ước gì được thanh gươm "Thượng Phương" đưa vào đầu ông, dẫu có chết cũng không oán". Người ta bảo là “Địch Nhân Kiệt giẫm vào đuôi hổ mà không sợ".

29. Đời Đông Hán, bọn hoạn quan chuyên quyền làm nhiều điều xằng. Lý Ưng giết em ruột một viên hoạn quan. Bọn này rất sợ, người ta bảo là " Lý Ưng tát vào mõm hổ mà không sợ".

30. Nguyên câu trong Kinh Dịch "Giẫm vào đuôi hổ mà nó không cắn người là tốt"

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top