THANH NIÊN VỚI HÒA BÌNH, HỮU NGHỊ VÀ HỢP TÁC
CHỦ ĐỀ THÁNG 4: THANH NIÊN VỚI HÒA BÌNH, HỮU NGHỊ VÀ HỢP TÁC
1. Tinh thần đoàn kết, gắn bó với nhau của nhân dân Việt Nam là một tố chất đã được tôi rèn và thử thách trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tố chất này đã trở thành sức mạnh to lớn để nhân dân Việt Nam biết đánh và biết thắng mọi kẻ thù xâm lược, biết vượt qua mọi thử thách thiên tai và biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để xây dựng, phát triển đất nước. Tố chất này tạo nên nội lực dân tộc trong truyền thống yêu nước thương nòi, đoàn kết đồng cam cộng khổ của dân tộc Việt Nam.
Truyền thống đó cũng là cốt lõi của nền văn hoá Việt Nam, được gìn giữ và phát huy trong thời đại Hồ Chí Minh, gắn liền với quá trình tổ chức và phát huy vai trò của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam. "Đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài" .
Thành tựu phát triển đất nước trong hơn hai mươi năm đổi mới cũng là thành quả vừa là của đại đoàn kết toàn dân tộc, vừa là của đường lối đoàn kết quốc tế vì hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, Uỷ ban MTTQ các cấp từ Thành phố đến cơ sở và các tổ chức thành viên đã có nhiều sáng kiến đa dạng hoá các hình thức tập hợp nhân dân theo từng giới, từng nhóm xã hội ở cộng đồng dân cư... nhằm thu hút ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia; nhiều trí thức, văn nghệ, chức sắc tôn giáo có uy tín và cả người nước ngoài sống, làm việc tại Việt Nam đã tích cực tham gia một cách thiết thực và hiệu quả.
2. Các phong trào trên thực sự là cuộc vận động xã hội trong thời kỳ đổi mới mang tính toàn dân, toàn diện, rộng khắp, lâu dài của mọi tầng lớp nhân dân. Các phong trào đều có chung một mục đích là hướng tới xây dựng một môi trường văn hoá. Xây dựng con người thanh lịch, văn minh, xây dựng gia đình văn hoá, tổ dân phố văn hoá, khu dân cư văn hoá, trường học, cơ quan, doanh nghiệp văn hoá chính là tạo ra môi trường đồng thuận, đoàn kết, thống nhất. Cuộc sống đậm nét văn hoá là nhu cầu tự thân của mỗi thành viên trong xã hội, không một ai tự mình làm được, mà phải dựa trên sự đồng thuận, đoàn kết, thống nhất của cả cộng đồng chung tay xây dựng môi trường văn hoá. Môi trường văn hoá là môi trường sống của con người, đồng thời theo xu thế tiến bộ, con người bằng hoạt động sống của mình đã làm giàu môi trường đó.
Môi trường văn hoá cũng là cốt lõi của môi trường đoàn kết quốc tế, môi trường đối ngoại nhân dân. Đối với chiến lược phát triển đối ngoại của đất nước ta, thì đây lại là một trong những quan điểm chính, xuyên suốt quá trình xây dựng và thực hiện.
Như thế, hôm nay, mỗi người dân, mỗi phố phường ở khắp mọi nơi trên đất nước đều có vai trò trong việc quảng bá hình ảnh văn hoá Việt Nam bằng chính hành vi sống của mình. Từ người đi đường, người bán hàng trong cửa hiệu nhà mình, người đạp xích lô, tài xế tắc xi, các nghệ sĩ, vận động viên, học sinh, nhà báo đến các nhân viên hàng không, công chức nhà nước và mọi tầng lớp nhân dân, bằng phong thái thanh lịch, tận tình, hiếu khách đã đem lại cho người nước ngoài những ấn tượng sâu sắc. Không ít người còn trang bị cho mình trình độ tiếng Anh đủ để giao tiếp. Chính họ không hay rằng họ đã, đang làm công tác đội ngoại nhân dân. Phạm vi hoạt động đối ngoại nhân dân ngày nay cần được hiểu rộng hơn, nó bao gồm cả những hoạt động thường ngày của mỗi người dân, mỗi tổ chức, mỗi tầng lớp nhân dân trong quan hệ tiếp xúc, giao lưu với người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, tham quan, chứ không chỉ giới hạn trong khuôn khổ hoạt động của các chủ thể làm đối ngoại chính thức, phi chính thức. Nói cách khác, môi trường chính trị, kinh tế-xã hội và môi trường tự nhiên tạo thành môi trường văn hoá đối ngoại của đất nước. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế này càng sâu rộng, mỗi công dân Việt Nam đều có cơ hội và trách nhiệm tham gia làm đối ngoại nhân dân và quảng bá hình ảnh con người và văn hoá Việt Nam bằng chính hành xử mọi việc của bản thân trong cuộc sống hàng ngày.
3. Có lẽ nay cũng như xưa nền tảng văn hóa cộng đồng, rộng ra là văn hóa dân tộc đều không thể không bắt nguồn từ văn hoá gia đình, nay chỉ khác ở chỗ phạm vi biểu hiện sẽ tác động qua lại trong mối liên hệ rộng lớn hơn và vượt ra khỏi luỹ tre làng, phường phố, mang qui mô quốc gia, quốc tế.
Xây dựng văn hoá đất nước đương nhiên phải được chú trọng triển khai trên nhiều khía cạnh, nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, qua nhiều thiết chế chính trị-xã hội, nhưng văn hoá gia đình phải được chú trọng nhất. Gia đình luôn là, mãi là điểm khởi nguyên sự hình thành tố chất văn hoá cho mỗi người. Trong cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hoá nơi cư trú, thì điểm nhấn phải là xây dựng gia phong.
Những tố chất của đạo đức như: Nhân, Nghĩa, Tín, Lễ, Dũng, Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì thời nào cũng phải được bồi đắp để vươn tới làm người đúng với nghĩa con người. Những tố chất ấy phải được giáo dục ngay từ trong gia đình với những yếu tố sơ đẳng, giản đơn nhất, trong đó có những động thái ứng xử làm gương của bậc cha, mẹ và những thành viên lớn tuổi khác. Những tố chất nêu trên sẽ được hoàn thiện, khẳng định trong suốt cuộc hành trình sống của mỗi người. Xã hội nào cũng có người tốt, người xấu, Môi trường gia đình, môi trường xã hội luôn mang yếu tố chi phối đến đạo đức, luân lý của mỗi cá thể.
Xét cho cùng, gia đình là nơi đầu tiên trang bị tinh thần xử kỷ cho mỗi thành viên ở mức độ giản đơn, cụ thể, để rồi, từng bước sẽ định hướng luân lý ở đời cho mỗi người. Luân lý chẳng qua là cách thể hiện cái tố chất đạo đức của mỗi người trong môi trường xã hội đương đại và nó cũng mang tính lịch sử. Nhưng, đối với mỗi cá thể, thì đạo đức nào, luân lý ấy. Gia đình là xuất phát điểm, là trọng tâm chiến lược xây dựng nền tảng văn hoá xã hội. Chính vì thế, cần tập trung nhiều cho chiến lược xây dựng văn hoá gia đình theo hướng cụ thể, chất lượng, hiệu quả và nâng tầm cái cốt cách thanh lịch trong thời đại hôm nay.
4. "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công". Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta, là bài học kinh nghiệm to lớn của cách mạng nước ta. Nhờ vậy mà nhân dân ta đã làm nên những chiến công hiển hách, đánh thắng các thế lực xâm lược, bảo vệ vững chắc độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc. Trong thời kỳ mới của cách mạng nước ta, bài học đó vẫn mang tính thời sự, đòi hỏi được vận dụng và phát huy ở tầm cao mới, qui mô và phạm vi mới nhằm mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế để xây dung và phát triển đất nước không ngừng.
sưu tầm http://www.minhkhai.edu.vn/ngoaigiolenlop/Lists/Posts/Post.aspx?ID=15
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top