ANH MINH HOÀNG ĐẾ BỊ TỬ THƯƠNG


Đúng như lời tiên đoán của Hùng kinh lược. Vương Hoá Thần bị đại bại. Số là Anh Minh hoàng đế thường dụng binh thần tốc, sau khi biết rõ tình hình của quân Minh, liền thống lĩnh Bát Kỳ đại quân, vượt qua sông Liêu Hà, đánh phá các lô Minh binh khắp các miền Trấn Võ, Tây Bình, Lư Dương, Trấn Ninh. Quân Mãn kiêu dũng quá, đánh đâu được đấy, bao nhiêu thành trì đều theo nhau thất thủ. Miền Lư Dương bị mất, quân của Thần vỡ tan.

Tin chiến bại về tới Quảng Ninh. Hùng kinh lược kinh hồn bạt vía, tay chân run lẩy bẩy, ông vội vã đem quân từ Cẩm Châu tới sông Đại Lăng. Đi tới con đường nhỏ trong khu núi cao rừng rậm, ông gặp Thần chân không giầy, đầu không mũ, tóc râu bối bù, lẽo đẽo theo sau vài tên hầu cận.

Thần thấy họ Hùng oà lên khóc, lệ trào xuống như mưa. Hùng kinh lược thở dài nói:

- Người không nghe lời ta nên mới có việc đại bị ngày nay. Đại sự đã hỏng, bọn ta chỉ còn cách liều mạng mà thôi.

Giữa lúc hai người đang than vãn hối tiếc, bỗng đằng trước mặt tiếng chuông tiếng vang dậy rồi một toán quân đánh tới.

Đấy chính là đại bối lặc Đại Thiện xem một vạn quân thiết kỵ chặn lối. Một trận hỗn chiến xảy ra, bốn ngàn quân Minh bị đánh tan như xác pháo.

Hùng kinh lược cùng Vương tuần phủ vội bỏ sắc phục trà trộn trong đám thường dân chạy nạn trốn vào quan nội.

Tiêu diệt sạch quân Minh của bọn Vương, Hùng, Anh Minh hoàng đế liền chiếm thành Quảng Ninh. Bắc Kinh liên tiếp nhận được tin bại trận mất thành, khiến văn võ bá quan toàn triều hoảng hồn bạt vía, kẻ nào mặt mũi cũng xám ngoét.

Hy Tông hoàng đế vừa nhục vừa tức, cả giận, hạ chỉ bắt ngay hai tên bại tướng Vương, Hùng áp giải tới Tây thành chém đầu, rồi đem tới mãi miền biên địa để bêu đầu hiệu lệnh.

Lại nói Anh Minh hoàng đế sau khi chiếm được Quảng Ninh và những vùng lân cận, lại thiên đô lần nữa tới Thẩm Dương, tập trung Đông lộ binh mã tại thành này đông tới mười vạn người ngựa, một mặt thảo luận với các bối lặc đại thần về kế hoạch tấn công Sơn Hải quan, mặt khác sai bọn thám tử thượng thặng vượt cảnh vào Trung Nguyên do thám tình thế Minh triều.

Lúc này, Minh triều đã cải nhiệm cho Vương Tại Tấn làm Liêu Đông kinh lược sứ. Tấn kinh lược xây cất một toà thành mới cách Sơn Hải quan tám dặm, thiết lập quan ải các nơi, hết tâm phòng thủ.

Một hôm, mọi người thấy một tên đại Hán cưỡi ngựa xông ra ngoài thành, miệng hô lớn:

- Ta chỉ cần xin hoàng thượng cấp cho ta quân mã tiền lương. Một mình ta đủ để đối phó với mười vạn quân Mãn.

Bọn quân sĩ canh cổng nghe tiếng hô, lập tức kéo tới và đưa tên đại Hán tới yết kiến Vương Tại Tấn. Hỏi tình hình Liêu Đông thì tên đại Hán giải thích đâu vào đấy thao thao bất tuyệt, chứng tỏ y am tường mọi lẽ, không phải là kẻ tầm thường.

Vương kinh lược cả mừng, một mặt lưu y lại nơi phủ đệ, một mặt tâu lên Hy Tông hoàng đế.

Tên đại Hán đó là ai mà dám lớn miệng đến thế? Đó là Viên Sùng Hoán. Khi Hùng kinh lược còn tại nhiệm ở Liêu Đông, Hoán đã có nhận chức võ quan. Về sau Minh binh đại bại, Hoán lưu lạc nơi quan ngoại. Hoán đi tới đâu là quan sát địa thế, tìm hỏi phong tục tới đó. Hoán giao kết được với nhiều đồn trại nơi quan ngoại, đồng thời thu thập kêu gọi được nhiều tân binh trong quan nội. Bởi vậy, một đạo thánh chỉ từ Bắc Kinh gửi tới bổ nhiệm Hoán chức quan ngoại giám quân, xuất quốc khố hai mươi vạn cho Hán chiêu mộ tân binh.

Binh bộ thượng thư Tôn Thừa Tông lúc đó cũng rất tín nhiệm Hoán. Ông thường hay đề cao Hoán trước Hy Tông hoàng đế.

Đến khi Vương Tại Tấn cáo lui, thì Hoán được thăng làm Liêu Đông kinh lược sứ. Chủ trương của kinh lược Viên Sùng Hoán là chú trọng cả hai mặt thuỷ lục. Lục bộ thì giữ Ninh Viên thành. Thuỷ bộ thì giữ Giác Hoa đảo. Tại Ninh Viễn, Viên kinh lược xây cất một toà thành trì rộng lớn, kiên cố, khích lệ tướng sĩ, thề sống chết với thành.

Tháng giêng năm thứ sáu niên hiệu Thiên Khai, Anh Minh hoàng đế đích thân thống lĩnh mười ba vạn quân tiến đánh Ninh Viên.

Viên kinh lược được tin quân Mãn kéo tới bèn cho kéo các khẩu đại bác kiểu Bồ Đào Nha ra bố trí trên mặt thành. Ông lại tuyển một đoàn quân binh người Phúc Kiến rất giỏi phóng hoả tiễn để phòng giữ mặt thành. Còn ông, đích thân lên thành đốc chiến, ăn uống ngủ nghỉ tất cả đều ở trên địch lâu, y hệt như các quân sĩ tại tiền tuyến. Bọn binh sĩ ai thấy ông cũng đều cảm kích, kẻ nào cũng dốc một lòng vì ông hy sinh tính mạng. Trên địch lâu những lúc rảnh ông thường đàm đạo thi văn với viên quan thông dịch của ông.

Rồi một hôm, ngoài thành tiếng chiêng trống vang rền, quân Mãn đã kéo tới. Viên kinh lược cười bảo tướng sĩ:

- Quân Mãn đã đến. Sửa soạn đại bác, chuẩn bị tác chiến!

Hạ lệnh xong, ông cho đưa lên mặt thành từng cái thùng gỗ lớn một trong đó ẩn các tay sành phóng hoa tiễn. Quân Mãn đã tiến tới thành ngoài. Theo kế sách của Viên kinh lược thì dụ cho địch tiến sâu vào thành ngoài, lúc đó nổ một phát pháo hiệu, tức thì cửa thành ngoài đóng lại, khiến quân Mãn bị vây chặt giữa hai lớp thành rồi hạ lệnh khai pháo phóng hoả tiễn.

Quân Mãn trúng kế. Giữa lúc bị kẹt, quân Mãn lại bị hoả tiễn vùn vụt phóng xuống như mưa rào. Rồi thây người đồ xuống, máu bắn vọt lên. Tiếng khóc, tiếng la như ong vỡ tổ dưới chân thành. Quân Mãn tử thương vô số.

Tình cảnh hỗn loạn vừa lắng dịu được một vài phút bỗng nghe tiếng "đoàng, đoàng" như sét nổ sấm vang. Tức thì vô số quân Mãn bị tung thây lên không rồi phịch xuống đất tơi tả kẻ vỡ sọ, người cháy lưng, kẻ gẫy chân, người cụt tay. Thì ra đó là đạn đại bác Bồ Đào Nha đã bắt đầu bắn xuống. Anh Minh hoàng đế cũng bị kẹt trong vòng thành. Chính ngài cũng bị ngã ngựa. May thay cạnh đó một tên lính chân tay nhanh nhẹn, bế xốc được ngài lên đem đi cấp cứu. Một tiếng "đoàng" tiếp theo. Hú vía cho hoàng đế nước Kim vì viên đạn đại bác này nổ tung ngay giữa chỗ ngài vừa ngã lăn ra hồi nãy. Tên lính Mãn chạy đã lẹ, nhưng khi chạy dọc chân thành, đức hoàng đế chẳng may bị một viên đá lớn từ trên mặt thành rơi đúng vào ót. Ngài mê đi lúc nào không biết.

Mãn Châu binh mã lúc đó rối loạn tơi bời, kẻ nào cũng tự tìm lấy lối thoát, đại bối lặc bi chôn từ lâu trong đống gạch vụn, mãi lúc đó mới bò ra được, vội tìm đến chỗ cha nằm, vực lên ngựa cố tìm cách thoát thân. May thay lúc đó chân thành phía đông bị đại bác bắn thủng một lỗ lớn. Đại bối lặc bảo vệ Kim đế nhờ lỗ đó chui qua. Chạy đến giữa đường, hai cha con gặp được Tứ bối lạc đem quân tiếp ứng.

Anh Minh hoàng đế dần dần tình lại, đau liệt khắp mình. Ngài biết mình bị thương trầm trọng, bèn dặn bảo Đại bối lặc cấp tốc lui binh, quay về gần Quảng Ninh. Còn Ngài thì ngồi thuyền xuôi dòng nước sông Thái Tử Hà tới Thanh Hà, vào suối nước nóng tắm rửa, nghỉ ngơi lấy lại sức.

Anh Minh hoàng đế nằm trên giường bệnh, thương thể ngày một thêm nặng, nhiều lần đã ngất đi. Trong cơn hôn mê ngài nhớ tới bà kế đại phi là Ô Nạp Thích, người mà ngài sủng ái bậc nhất cùng người con trai của bà là cửu vương tử Đa Nhĩ Cổn. Ngài bèn cho người ngày đêm đi gấp về Thẩm Dương gọi hai mẹ con tới, một mặt sai người tới đại doanh gọi đại bối lặc Đại Thiện.

Đại bối lặc Đại Thiện được cha gọi, vội giao binh quyền cho Tứ bối lặc, lên đường về đồn Hà Kê cách Thẩm Dương thành bốn mươi dặm, trong lòng buồn bã âu sầu.

Bà Nạp Thích tới trước, thấy hoàng đế bệnh nguy trong sớm chiều, oà khóc ngay tại bên giường. Ngày hôm đó, đại bối lặc cũng về tới. Anh Minh hoàng đế tỉnh lại, mở mắt nhìn vợ con rồi một tay cầm tay bà Nạp Thích, một tay Đại Thiện, trối trăng hết mọi việc về sau. Nghỉ một lát, ngài ân cần dặn bảo Đại Thiện:

- Bà Nạp Thích là một bà phi mà cha yêu quý nhất. Sau khi cha chết, con nên coi bà như mẹ đẻ.

Vừa nghe lời cha dạy, Đại bối lặc quỳ ngay xuống trước mặt bà Nạp Thích lạy ba lạy, miệng gọi "Mẹ! Mẹ!" và nói tiếp:

- Xin mẹ yên lòng. Con luôn giữ điều hiếu thuận với mẹ!

Anh Minh hoàng đế nằm trên giường thấy vậy gật đầu, tỏ vẻ hài lòng nói:

- Có thế mới là đứa con hiếu thảo chứ!

Nghỉ một chút, ngài lại tiếp:

- Nói đến việc lập Thái tử, cha có ý dành cho Cửu vương tử Đa Nhĩ Cổn. Tiếc thay Cổn còn nhỏ tuổi quá không hiểu biết lắm. Con vốn là anh cả, lại là đứa con hiếu thảo, vậy sau khi cha chết con hãy làm nhiếp chính vương đợi khi em con khôn lớn con bảo trợ cho nó lên ngôi. Đó là nỗi niềm tâm sự của cha, ngày đêm thường thắc thỏm. Hiện không có một ai ở đây hai cha con ta bàn tính cho xong, mong tránh khỏi tranh chấp về sau.

Nói đoạn, ngài kéo bàn tay Đa Nhĩ Cổn đặt vào lòng bàn tay Đại bối lặc Đại Thiện. Nhất thời cảm động về tình cốt nhục, Thiện kéo em vào lòng mình, ôm chặt lấy. Anh Minh hoàng đế nhận thấy vậy mỉm cười, rồi lim dim đôi mắt, cuối cùng nhắm hẳn lại, như có điều gì suy nghĩ...

Thực thế, Anh Minh hoàng đế đang thả hồn về dĩ văng xa xăm của cả một đòng họ, từ cụ tổ ông, cụ tổ bà của ngài, rồi dòng trưởng, dòng thứ, đã bao nhiêu đời gian truân khổ cực mới đến ngài, và chính ngài cũng đã trải qua bao độ buồn vui mới có ngày vang danh trong thiên hạ như hiện nay. Ngài biết cái ngày chót của mình đã gần kề, nhưng có hề gì, bởi vì ngài đã tự tạo được một sự nghiệp huy hoàng cho dòng họ, hơn nữa Ngài có một đàn con đông đảo, toàn là những trang thanh niên tuấn kiệt, đầy tương lai.

Như có ý để cho cha nghỉ ngơi yên giấc, Đại Thiện nắm tay Đa Nhĩ Cổn lặng lẽ lui ra khỏi phòng, trong khi đó Anh Minh hoàng đế cố đào sâu vào ký ức, nhớ lại những trang đời của tổ tiên, đòng họ từ lúc phát tích lâu hàng mươi thế kỷ, với bao biến đổi tang thương giữa khoảng núi rừng sâu thẳm của đất Mãn Châu lạnh giá...

Mãn Châu xứ núi rừng trùng điệp...

Trên cánh đồng rộng, cỏ non xanh rờn. Phía chân trời xa đồi núi nhấp nhô. Hoa xuân đua nở tươi như thêu, đẹp như gấm. Đây là mấy bông hạnh đầu mùa mở miệng chào đón đông xuân. Kia rừng lê trắng xoá một màu như tuyết rung rinh trước làn gió nhẹ. Trên không trung, ánh mặt trời vàng sưởi ấm cả bầu trời vừa dứt ngày đông. Trong rừng cây trên sườn đồi, đàn chim khuyên tung tăng bay nhảy trên cành. Những cánh hoa bị cánh chim chạm phải rơi xuống đất lả tả. Tiếng oanh ca, tiếng én hót, líu lo đây đó, phá tan cảnh tĩnh mịch của nơi trên tái cô liêu hoang sơ.

Giữa lúc muôn vật như đắm chìm trong bầu trời êm mát của ngày xuân, bỗng có tiếng nhạc ngựa từ xa vọng lại, tiếp theo là một trận cười xen lẫn những tiếng nói trong như ngọc dội trên mây bác. Rồi một con ngựa bạch phóng nhanh ra từ trong đám rừng lê, trên yên có một thiếu nữ trẻ đẹp, mặc một chiếc áo dài màu đỏ tía. Nàng giơ cao cánh tay ngọc để lộ làn da trắng như tuyết ra roi giục ngựa chạy nhanh. Đằng sau lưng nàng, xa chừng mười bước, hai thiếu nữ khác lớn tuổi hơn cũng cưỡi ngựa đuổi theo ra, một người mặc chiếc áo dài màu xanh cánh chả, tuổi ước hai mươi, một người mặc một áo dài nguyên sắc ba màu xanh đỏ vàng, tuổi chừng mười bảy, mười tám. Hai thiếu nữ này vừa giục ngựa đuổi theo, vừa cười vừa rủa:

- Con khỉ kia. Thử xem mày có chạy được lên tới trời không?

Người thiếu nữ trẻ đẹp lúc đó nằm rạp xuống yên ngựa, cũng ngặt nghẽo cười, gần như ngồi không vững. Một trong hai thiếu nữ đuổi sau thấy thế, vỗ tay cười rồi thét lên:

- Té đấy! Té đấy!

Tiếng kêu vừa dứt thì người thiếu nữ trẻ đẹp, mặc áo đỏ tía, bật ngửa người ra sau, quả nhiên té xuống nằm sấp trên thảm cỏ xanh rờn chẳng khác gì nằm trên một tấm nệm nhung xanh mềm mại, êm ấm. Nàng đang định ngồi dậy thì phía sau, hai người thiếu nữ lớn tuổi hơn đã đuổi tới, nhảy xuống ngựa chạy xô lại, một người giữ lấy vai còn một người thì cưỡi hẳn lên ngực, đè chặt xuống đất rồi. Cá hai đồng thời vén tay áo cù mạnh vào hai bên hông người thiếu nữ trẻ nằm bên dưới khiến nàng cười lên sằng sặc, hai chân đạp tứ tung, đôi hài nhỏ nhắn xinh xinh trùm bên ngoài đôi bàn chân thon mịn đẹp như ngọc. Hai người thiếu nữ lớn tuổi hơn cù một lúc chán rồi mới buông tay, để cho nàng kia ngồi dậy.

Người thiếu nữ trẻ đẹp ấy tuổi mới chừng mười lăm, mười sáu, gương mặt trái xoan, đôi má mịn màng thoa nhẹ chút phấn hồng, điểm thêm một cặp mắt sắc sảo đa tình, lóng lánh như làn nước hồ thu. Nàng vừa ngồi lên, liền đưa mắt nguýt hai người kia rồi bỗng phá ra cười. Thật là một nụ cười trăm duyên nghìn dáng, dù người sắt đá đến đâu cũng không thể không say đắm, bâng khuâng. Người thiếu nữ lớn tuổi nhất lấy tay chỉ nàng rồi bảo người thiếu nữ mặc áo dài nguyên sắc xanh đỏ vàng:

- Nhị muội! Em không nhìn tam muội xem. Có phải nó ăn mặc lẳng lơ không?

Người thiếu nữ trẻ đẹp cười nói:

- Em lẳng lơ thì có can gì đến các chị chứ?

Giữa lúc nàng nói vậy, người thiếu nữ lớn tuổi nhất ngồi nhích lại gần em, vén ống tay áo lên vừa vuốt mái tóc mây của nàng vừa nói:

- Em trang điểm tóc tai kiểu này thì ra đường sao khỏi người ta cười cho. Về nhà thế nào mẹ cũng chửi cho đấy!

Người thiếu nữ trẻ đẹp cúi đầu xuống để cho chị sờ đầu vuốt tóc và phụng phịu nói:

- Về nhà nếu mẹ hỏi, em sẽ nói là hai chị ăn hiếp đứa em nhỏ bé này.

Thì ra ba chị em nhà này quen búi một kiểu tóc rất đặc biệt là uốn những lọn tóc mây đen nhánh trên đỉnh đầu thành một hình tròn rồi bỏ thõng hai mối ra sau cái gáy trắng như ngọc khiến khuôn mặt xinh đẹp của các nàng càng thêm duyên dáng kiều diễm. Họ lại còn biết làm điệu khi chọn những bông hồng tươi thắm nhất đem cài lên mái tóc mai buông xoã xuống đôi má trắng mịn như tơ. Đôi lông mày cong và thanh, cặp mắt đen và trong, đôi môi hồng và tươi, hàm răng trắng và đều, tất cả đều là những tuyệt tác phẩm của hoá công hình như chỉ để dành riêng cho họ.

Một phút yên lặng qua đi. Cô thứ hai bèn giơ tay nhổ mấy đọt cỏ non. Rồi cả ba cô quây quần lại với nhau, đem những đọt cỏ ra so sánh và quan sát vui đùa. Giữa lúc vui đùa êm ái ấy bỗng nghe có tiếng tù và thổi inh ỏi, cô chị cả liền lạ rần lên:

- Gia gia về rồi. Bọn ta đi đón gia gia đi!

Ba cô quay đầu lại nhìn, quả nhiên thấy người cha cưỡi trên lưng con ngựa cao lớn đi đầu dẫn một đàn lửa ngựa, có bảy tám tên đại hán tay cầm roi cùng cưỡi ngựa theo sau, xa trông chỉ thấy một đám đông lúc nhúc đen ngòm đang từ từ vượt khỏi phía chân đồi.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top