7

      Tôi được bố mẹ sắm cho một chiếc xe đạp điện hãng HK Bike để đi học. Vì ngoài học ở trường tôi còn học thêm phụ đạo trên thị trấn, nên đi xe đạp rất bất tiện. Thời ấy, xe đạp điện không phổ biến, chỉ những nhà có điều kiện mới mua xe điện để đi. Còn tôi, tuy gia đình không khá giả nhưng vì thương tôi học xa vất vả nên bố mẹ vẫn quyết định mua nó, như một món quà cho sự cố gắng. So với một dàn xe cào cào, mini Nhật, xe của tôi là đẹp nhất trong lớp. Tôi tự hào lắm, chỉ cần ngày nào có lớp học thêm buổi tối tôi sẽ đi xe đến trường luôn. Bạn bè thường xuyên ghen tị ra mặt với tôi.
        Hôm nay lớp học thêm tan muộn hơn mọi ngày. Tôi vội vã lấy xe ra về, mới nhận ra xe đã sắp hết điện. Vạch xanh cuối cùng cứ nhấp nháy, còn xe đi rất chậm, còn chậm hơn người đi xe đạp bình thường. Lúc đến cầu, vạch sáng xanh nhấp nháy chậm dần rồi bảng điện tắt, đèn xe cũng tắt ngúm. Chiếc xe dừng hẳn. Tôi hoang mang vặn ga mấy lần, nhưng xe không hề nhúc nhích, vẫn lì ra trên cầu. Tôi dựng xe, đứng xuống xem xét. Sau khi thử mọi cách mà vẫn không ăn thua, tôi đành dùng phương pháp truyền thống của người Việt là đá cho nó mấy phát. Nhưng có đấm đá thì nó vẫn chai mặt, không thèm để ý. Nhìn đoạn đường phía trước tối thui không một bóng người, tôi sợ đến sắp khóc. Lúc này tôi lại không nhớ số bố mẹ, không thể nhờ gọi điện. Tôi đành dong bộ. Nhưng so với xe đạp, xe điện này nặng hơn nhiều, nên dong rất nhanh mệt. Tôi vừa đi vừa cầu nguyện sẽ không gặp phải thứ gì đó, vừa thề tè nay sẽ không đi xe điện nữa. Tôi thà chen chúc trên xe bus giờ cao điểm, còn hơn phải lết bộ như thế này.
       Dong mãi cuối cùng đến một bến xe bus, tôi dựng xe ngồi xuống nghỉ ngơi. Tháng 2 tuy chưa vào hạ nhưng thời tiết nóng hơn rất nhiều. Cả người tôi đầy mồ hôi, mệt thở không ra hơi. Chuyến xe bus dừng lại, người trên xe đổ xuống. Tôi không để ý, chỉ cúi mặt đếm những đôi chân vừa xuống. Những đôi chân ít dần, mọi người đều ra về. Tôi thở dài nặng nề, vẫn còn một đoạn đường nữa mới về nhà.
       - Hân phải không?
     Nghe có người gọi tên mình, tôi giật nảy ngẩng đầu lên. Huy và tôi bốn mắt nhìn nhau, tôi xúc động vô cùng. Có lẽ cậu ấy vừa trên chuyến xe bus này xuống. Tôi thầm cảm ơn ông trời dù đẩy tôi vào hoàn cảnh tối tăm cũng không quên ban phát chút ánh sáng ấm áp.
     - Cậu đi đâu về thế này? Sao lại ngồi đây?
    Tôi ỉu xìu:
     - Tớ đi học thêm trên thị trấn về, giữa đường bị hết điện, phải dong về.
    Cậu ấy cười:
     - Xem ra xe điện cũng không hoàn hảo như tớ tưởng! Thôi, để tớ dong cho cậu.
     Nói rồi cậu ấy đưa túi thể thao cho tôi cầm, cậu ấy dong xe. Tôi lẽo đẽo đi sau Huy. Hôm nay cậu ấy vẫn mặc đồ thể thao, đi giày thể thao, trông khoẻ khoắn biết bao nhiêu. Tôi chạy lên đi ngang bằng cậu, cười hớn hở:
     - Cảm ơn nhé!
    Huy làm vẻ nghiêm túc:
     - Tớ tính phí đấy!
     Tôi tròn mắt, cậu ấy cười đắc chí:
     - Đùa đấy!
     Chúng tôi cùng cười. Tôi thì vui đến nỗi thiếu chút nữa là nhảy chân sáo trên đường rồi.
    - Cậu đi đâu giờ này mới về, còn mặc đồ thể thao nữa?- Tôi hỏi.
    - Đoán xem!- Cậu ấy nhìn tôi đầy tinh nghịch.
    - Tớ đoán ra rồi!
    - Là gì?
    - Đoán xem.
   Bị tôi chơi lại, Huy chỉ biết tròn mắt nhìn, sau đó kể lể:
    - Tớ thua cậu rồi. Thực ra tớ được chọn vào đội bóng quốc gia, phải đi tập luyện.
     Tôi há hốc miệng kêu lên:
      - Thật á?
      - Đùa đấy!
    Tôi đấm cậu một cái, nhưng thực ra chẳng hề tức giận tí nào.
      - Tớ chỉ được chọn vào đội của tỉnh thôi.
     - Cậu đùa đúng không?- Tôi bán tính bán nghi.
     Huy gật gù:
    - Đùa đấy!
     Tôi quay đi không nói với cậu ấy nữa.
     - Tớ được chọn vào đội của tỉnh thật. Thấy tớ ngầu không? Ở trường chỉ mỗi tớ có vinh dự ấy thôi.
     - Thế sau này làm cầu thủ chuyên nghiệp phải cho tớ chữ kí ấy.
      Tôi dù gật đầu hờ hững, nhưng trong lòng rất ngưỡng mộ, còn vui cho cậu. Đội bóng của tỉnh chứ chẳng phải hạng xoàng đâu. Anh trai tôi năm ấy cũng tham gia tuyển chọn, nỗ lực bao nhiêu, cuối cùng bị loại. Nó vì thế bỏ tập cả tháng liền, chỉ ở nhà nhốt mình trong phòng.
      - Mà cậu đi một mình không sợ à?
     Tôi phổng mũi:
      - Sợ gì chứ? Có phải cậu sợ rồi không?
     - Tớ sợ chứ! Sợ Hân làm gì tớ lắm.
    Biểu cảm đa dạng của cậu làm tôi phì cười. Có lẽ ma sẽ bị cậu ấy doạ cho chạy chứ không phải cậu ấy bị ma doạ. Đến đầu làng, tôi quay sang bảo:
      - Nhà tớ ở trong này, tớ dong về được rồi. Cậu về trước đi.
      Nhưng Huy vẫn nhất quyết đòi dong xe, nói:
      - Nhà tớ cũng gần đây thôi. Chính là cái quán hôm trước ấy, cậu biết đúng không. cứ để tớ dong về cho. Đừng ngại với tớ.
      - Nhưng cậu về muộn đấy. Thôi, tớ tự dong về được rồi.
     Huy nghênh mặt, cứ thế đi trước, giống một đứa trẻ lì lợm. Tôi đi theo cậu, cảm thấy rất vui nên mỉm cười.
      - Này, sao trước giờ tớ chẳng bao giờ thấy cậu nhỉ?- Tôi hỏi.
      - Tớ mới chuyển đến hồi đầu năm thôi. Tớ ở lớp năng khiếu dãy nhà E, cậu ở dãy A, không thấy tớ là đúng rồi.
    Tôi gật gù, hoá ra thế. Cái trường của tôi rất nhỏ, bạn bè trong khối gầu như tôi đều biết mặt, làm gì có chuyện 3 năm không thấy cậu bao giờ.
     - Sao con gái như cậu lại vào quán net thế?
      Tôi đỏ mặt, nói nhỏ:
     - Cậu chẳng vào đấy thôi!
     - Nhưng tớ có lý do chính đáng mà.
     - Tớ cũng thế?
     - Cậu vào xem hoạt hình thôi ư?
    Tôi thở dài:
     - Hôm ấy là sinh nhật tớ, muốn trải nghiệm chút.
     Nghe xong cậu ấy phá lên cười
     - Cậu sinh ngày 23-12 à? Muộn thật đấy. Tớ lớn hơn cậu gần 1 tuổi rồi. Gọi tớ là anh đi!
      - không bao giờ. Cậu trẻ con hơn tớ.
     Chúng tôi bước cùng nhau, không nói gì nữa. Tôi cảm nhận nhịp tim mình đang dồn dập, và lắng nghe tiếng bước chân đều đều của cả hai. Nhìn cậu ấy chẳng có chút nào là mệt mỏi cả. Tôi và cậu ấy bước thong dong, chỉ khác cậu ấy ung dung, còn trong tôi là một mớ cảm xúc hỗn độn. Tôi ích kỉ mong con đường về nhà dài hơn chút nữa, để đi với cậu lâu hơn. Chẳng biết đến bao giờ mới có một cơ hội như thế này. Chúng tôi dừng trước cửa nhà, cậu ấy tạm biệt rồi chạy về, còn cười híp mắt với tôi. Tôi nói vọng theo:
     - Hôm nào tớ mời cậu bim bim nhé!
     Cậu ấy giơ tay ra hiệu Ok, rồi mất hút sau lối ngõ. Tôi đứng tần ngần mãi, vừa vui vừa luyến tiếc. Tôi về nhà mà vẫn luôn nghĩ đến cậu. Sau này tôi mới biết, nhà cậu không phải cái quán tạp hoá đó, mà ở sâu bên trong làng, rất xa. Tôi càng áy náy, và cảm mến cậu hơn. Có lẽ gặp được cậu đã là một may mắn lớn của tôi rồi, tôi vẫn sẽ thích cậu, dù cậu đáp lại cũng không buồn.
     Kể từ sau lần ấy, chúng tôi thực sự trở thành bạn bè. Tôi thường kiếm cớ đi rửa tay để qua lớp cậu ấy. Mà cậu ấy, mỗi lúc thấy tôi đi qua liền giở giọng trêu chọc. Mỗi lần gặp cậu như thế, tôi lại phát hiện đằng sau thân hình cao lù kia là một đứa trẻ chưa lớn. Tôi đã bị nhận xét là trẻ con, cậu ấy còn hơn thế. Ấn tượng đầu tiên của tôi về Huy là vẻ trầm mặc, ít nói, nhưng bây giờ thì bác bỏ hoàn toàn. Cậu ấy nói rất nhiều, kể cả những thứ điên rồ, và rất nhây nữa. Cái vỏ bọc lạnh lùng kia chỉ để đối phó với người lạ thôi. Nhưng tôi thích cái vẻ trẻ con hay cười của cậu hơn. Mỗi lần cậu ấy gặp tôi đều gọi tôi bằng mấy cái biệt danh cậu ấy nghĩ ra. Ngoài mặt tôi làm vẻ không thích, nhưng trong lòng là một bầu trời đáng yêu. Mỗi biệt danh cậu đặt tôi đều cẩn thận ghi vào sổ nhật ký. Bây giờ lấy ra xem lại vẫn có thể tưởng tượng ra gương mặt của cậu cùng nụ cười đầy đắc ý khi ấy.
  
     
 
    
   

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top