Gù
Chuyện thằng Gù không biết phải bắt đầu từ đâu.
Thôi thì,
Bắt đầu từ má nó vậy.
Má thằng Gù đẹp, đẹp lắm! Nghe mấy bà hàng chợ nói, ngày xưa, má nó đẹp nức tiếng cái xóm cầu kênh này. Chỉ tội cái là nhà má nó nghèo. Nghèo thấy thương. Ông ngoại nó thì bệnh liên miên, còn bà ngày xưa vốn là kép hát, tay chân yếu ớt không làm được gì nhiều, đã vậy còn bầy con nheo nhóc, trong đó má của thằng Gù làm chị Hai.
Ông ngoại biểu má nó phải lấy chồng đi, càng sớm càng tốt, lựa cái đám nào coi được được...rồi lấy.
Thế là má nó đi lấy chồng, lấy chồng thành phố hẳn hoi. Ông bà ngoại nó mừng ra mặt. Tháng nào hai ông bà cũng dẫn nhau ra bưu điện lấy đồ đạc mà má nó gửi về cho nhà dưới. Vui lắm chớ! Hàng thành phố mà! Đố cái xóm này có ai dám mua mấy thứ mà má nó gửi về. Xà phòng, bánh bích quy, sữa... đủ hết.
Có bữa bà ngoại nhớ má nó, giục má nó về thăm nhà, chớ lấy chồng rồi thì biền biệt. Giọng má nó nghẹn ngào:
-Không về được má ơi, má chồng con trên này khó lắm,... không cho về...
-Thì xin chồng về...-Bà ngoại chặc lưỡi.
-Chồng đi công tác miết mà má, không hay ở nhà..., phiền...
Bà ngoại cúp máy mà lòng vừa buồn vừa tủi, sui gia gì lạ lùng quá không biết, đám cưới nó cũng làm ở trển, mặt mũi ông bà sui, con rể, bà cũng chỉ được nhìn qua mấy tấm ảnh, ... chắc họ chê nghèo... Than ôi... Tủi quá là tủi!
Rồi thì má nó mãi vẫn không thấy về... cậu ba nghiện ma túy phải vào trại, cậu Tư đánh bạc vỡ nợ trốn đi đâu, dì út lấy chồng, ông ngoại nó, bà ngoại nó... mảnh đất sau nhà vun lên xanh rì cỏ, nằm trơ trọi... cũng không thấy má nó về.
Người dân xóm cầu kênh mỗi lần đi ngang qua ngôi nhà ọp ẹp xiêu vẹo đều chẹp miệng cái rồi thở dài thườn thượt, lâu lâu có người nào tốt bụng thì cắm cho ông bà nó cây nhang, thi thoảng xén cỏ cho bớt lùm... rồi họ dáo dác hỏi nhau: "Con Hai nhà này đi đâu chưa thấy về?"
Thằng Gù năm nay 14 tuổi. Hiển nhiên là nó Gù, nhìn cái tướng nó lầm lũi từ quán phở bước về nhà sau một ngày phụ bán, dễ có cảm giác như cả giấc chiều đang đổ ập lên người nó vậy. Ngày nào bán hàng nó cũng hớn hở ra mặt, chí ít nó cũng phụ được má đồng ra đồng vô, má bớt cực, buổi chiều má được nghỉ thêm một bận hàng.
Thằng Gù rất thương má nó...
Má cũng thương Gù y vậy...
Trước khi Gù đi bưng phở, bao giờ má cũng cẩn thận nhét vào túi nó một mảnh giấy, ghi rõ số nhà, tên của Gù, tên của má, để nó đi lạc còn có người nào dẫn về. Tiệm phở cách nhà nó 3 con ngõ , quẹo trái hai lần, quẹo phải một lần. Dễ ẹc luôn đó... vậy mà mấy ngày đầu đi làm, nó lạc, má dáo dác tìm, không biết thằng Gù của má ở đâu. Có hôm nó đi lạc xa lắm, má phải nhờ chú Bảy xe ôm chạy khắp nơi mới tìm được Gù. Gù nhỏ thó, chui tọt vào cái ống bê tông to đùng, Gù ướt như một con mèo, mặt nó ngơ ngơ ngẩn ngẩn đến tội nghiệp. Má ôm nó, không biết nó nghĩ gì...
Chuyện,
Gù mà nghĩ được gì? Nghĩ được gì thì Gù đã như con người ta, đâu còn là Gù nữa...
Má ôm Gù mà nước mắt giàn giụa đến lịm lòng...
Ngày xưa má đi lấy chồng, có những đêm má cũng khóc nhiều vậy đó. Bà nội Gù thậm chí còn không cần biết con dâu quê quán ở đâu, nhà cửa ra sao, ba dẫn má về, ông thầy cúng nói được, bà nội khoát tay biểu cho làm đám cưới.
Má mang thai Gù tháng thứ bảy, nghe tin ông ngoại mất, má khóc lóc đòi về, bà nội biểu sắp sinh cháu đích tôn rồi còn đi đâu, nội nhốt má trong phòng, má uất quá, lại khóc...
Gù sinh bị thiếu tháng, lúc nhìn thấy nó trên tay cô hộ sinh, má và bà nội đã khóc rất nhiều...
Bà nội vừa khóc vừa chắp tay khấn vái, miệng nam mô lia lịa.
Còn má Gù khóc... là vì má thương Gù, má biết, những nỗi đau của đời má đã đè ập lên tấm lưng bé nhỏ của Gù ngay từ khi Gù còn đang tượng hình trong bụng má vậy đó.
Bà nội nói má : " Con dâu vô phước!", dè lúc ba Gù không có nhà rồi đuổi má về quê.
Lúc đó má mới được về thăm lại nhà, ngôi nhà ọp ẹp, xiêu vẹo... trống huơ trống hoác...
Hàng xóm nhìn má chỉ trỏ: "Con Hai nó về kìa,...chẹp, bây giờ còn về chi nữa...còn ai mà nó về...?"
Còn, còn chứ, má còn Gù...
Hai má con lại sống trong căn nhà cũ của ông bà ngoại. Nhờ mấy anh chị ở trên phường xuống giúp, mà cái nhà coi được hơn, chớ không ọp ẹp cũ kĩ như lúc trước. Căn nhà đơn giản và nhỏ bé. Trên bệ cửa sổ, má vẫn còn chưng tấm hình cưới của ba với má. Tấm hình cũ kĩ và bạc màu thời gian.
Nhiều khi Gù lại ngơ ngẩn ra ngoài bệ cửa nhìn trời nhìn đất, má và mọi người cũng không biết nó đang nhìn cái gì ... Rồi nó hỏi má:
-Má, ba đâu má?
Má ngồi giữa nhà, cầm cái quạt nan lá dừa phe phẩy:
-Ba mày ở trỏng đó...
Rồi má lại trầm ngâm, không biết ổng còn giữ tấm ảnh này không ... Ừa, lâu rồi má đã không còn khóc nữa mỗi khi nhớ về ngôi nhà đó, đời ba và má có duyên tới đó thôi, hết duyên thì còn làm được gì, khóc chi?... Má hỏi lòng mà đôi mắt ráo hoảnh...
Thằng Gù lại ngơ ngẩn nhìn chăm chăm vào tấm hình, bỗng dưng nó cười toe toét và la lớn:
-Thế là Gù có ba nhé! Ba Gù ở đây nhé, tụi thằng Tí không được chọc Gù con hoang nữa nhé,...haha,...có ba nhé...!
Nói thằng Gù là một đứa dại vốn không sai chút nào!
Cái bẩm sinh thì không nói tới, vì vốn trong đầu Gù chẳng chứa cái gì được cả, ấy vậy mà không biết đâu được với nó.
Thằng Gù đó, cái thằng Gù gập lưng, bản mặt lúc nào cũng nghệch nghệch và nói năng chẳng đầu chẳng đuôi đó, đôi khi có những hành động rất nhanh mà không ai có thể lường trước.
Nói chi xa, mới cách đây hai hôm, không hiểu sao đang yên đang lành, bỗng dưng nó hất tung tóe tô phở bưng trên tay, chạy thật nhanh ra phía có tiếng kêu và ôm chầm lấy một thanh niên làm cả hai ngã nhào xuống đất. Tên kia lồm cồm bò dậy, đạp vào lưng Gù vài cú đau điếng, cố lôi ra cho bằng được cái giỏ xách mà Gù ôm khư khư trong tay. Thế mà thằng Gù lì lắm, vẫn cái mặt nghệch nghệch đó, vẫn cái lưng gập đó, vậy mà tên cướp chẳng thể làm gì ngoài việc chạy thật nhanh để thoát thân.
Nó bình thản ngồi dậy, chìa cái túi xách cho bà cụ, cười toe toét. Bà hốt hoảng hỏi nó đau không, nó trả lời:
-Bị tụi thằng Tí đánh quen rồi...
Nó lại cười hềnh hệch, khó khăn đứng dậy, chạy lót tót vào trong quán phở và không quên quay lại phía bà cụ lúc nãy:
-Vô nhé, không bị quở chết haha...
Bà cụ ngạc nhiên nhìn theo nó mà tâm trí cứ như bị trôi tuột đi đâu.
Bà quý nó. Ngày nào bà cũng ra quán phở gọi một tô, ăn thì chẳng bao nhiêu, chủ yếu là gặp và nói chuyện với nó. Bà hỏi thăm nhà cửa, rồi ba má nó, lâu lâu bà lại dúi cho nó ít tiền. Vậy mà Gù không lấy, nó nhất quyết không lấy!
-Cha mày, ai dạy mày đó?
-Má đó, má dạy đó...-Rồi Gù lại cười tít mắt.
Bà đâm ra thấy thương cái thằng Gù này ghê. Vậy đó, con người ta sống cốt là cái tâm, chứ hình hài thì thấm gì? Bà bây giờ chẳng còn người thân, tiền bạc làm cả đời rồi cũng không biết để dành cho ai, khi thì đi chỗ này, khi thì đi chỗ kia, bà gặp nhiều, bà biết nhiều nhưng mà chưa ai làm bà thấy thương như cái thằng này. E cũng là cái duyên, cái duyên khiến bà tìm về miền quê hẻo lánh này ...
Bất giác một giọt nước mằn mặn rơi xuống từ khóe mắt bà, bà thấy muốn được nắm tay một ai đó, bà già rồi... bà thấy cô đơn quá...
Thằng Gù thấy bà khóc, nó lóc cóc chạy lại, cái mặt lại ngơ ngẩn, trông đần chết đi được. Bà ho lụ khụ mấy tiếng rồi nắm lấy bàn tay của Gù, ...
Bà thấy lòng mình đỡ quạnh quẽ lạ lùng.
-Má!
Thằng Gù chạy xộc vào nhà, mồ hôi mồ kê đầm đìa. Má đang nằm nghỉ trên võng bỗng giật nảy cả mình. Má chia kịp hỏi han, nó đã tiếp:
-Năm mươi quạt, ...một trăm ngàn!
Nói rồi Gù chìa cho má tờ bạc nhàu nhĩ mà nó vo nát ở trong tay. Má lấy vạt áo lau mồ hôi cho nó, gương mặt giãn ra, không còn lo lắng:
-Ai mua mà nhiều dữ Gù?
-Bà, bà mua...-Vừa nói nó vừa chỉ ra phía đầu ngõ- Sang tuần lấy nhá...
Má cười tươi, rồi vớ quạt gõ vào đầu nó cái chóc:
-Cha mày,... làm má hết hồn!
Má cẩn thận vuốt thẳng tờ bạc, bỏ vào túi áo. Má thầm cảm ơn bà lão nào đó tốt bụng, má biết bà ấy phải tốt lắm, tốt lắm mới kiên nhẫn chỉ cho Gù "năm mươi quạt một trăm ngàn" như vậy, mới dám giao tiền cho Gù mà chẳng cần giấy tờ gì, sang tuần lấy là lấy.
Má biết mà, đời này còn nhiều người tốt lắm. Má nghĩ vậy lại phe phẩy cái quạt nan lá dừa. Chao ôi! Sao mà mát!
Đời má chỉ mong sau này Gù gặp được nhiều người tốt như vậy, ...chớ trong cõi thế gian này, đời má rồi cũng như chiếc lá kia, rụng khi nào không ai biết, Gù phải làm sao?...
Cả tuần nay nguyên xóm cầu kênh bắt đầu nháo nhác. Có một cơn bão chuẩn bị đi qua đây trên diện rộng. Lệnh sơ tán khẩn cấp được đưa ra. Mọi công tác chuẩn bị di tản cho bão đang được tiến hành gấp rút.
Người ta cứ từng đợt từng đợt líu ríu nối nhau leo lên mấy chiếc xe đa su di tản của phường.
Mưa rơi bắt đầu nặng hạt, gió thổi cũng mạnh hơn.
Má đứng trong hiên nhà quỳ xuống lạy mộ ông bà ngoại mà nước mắt lưng tròng, mảnh đất cỏ vun lên xanh rì đó không biết có qua nổi cơn bão không. Gù nhìn theo má, nó hẳn không nghĩ được gì ngoài việc mấy tấm lá phơi khô để đan quạt của má, nó cứ đưa mắt nhìn ra ngoài màn mưa, tiếc hùi hụi...
Hai má con lại nối theo đoàn người để được chở đến chỗ di tản. Hai má con nó thuộc mấy chuyến xe gần cuối rồi. Từ khi nghe được tin bão đến giờ, Gù chỉ phụ được má mấy việc vặt vãnh, còn lại phải tự thân má lo lắng ngược xuôi, rào đi rào lại mấy ngôi mộ. Người dân xóm này ai cũng làm vậy, dù họ biết sau cơn bão những thứ vật dụng mỏng manh mà họ dựng lên rồi sẽ bay đi hết, nhưng thôi, cái gì làm được thì làm, nghĩa tử là nghĩa tận, biết đâu đó...
-Chị Hai, đợt này bão lớn, dân làng mình phải đi xa àh...-Chú Bảy xe ôm thở dài thườn thượt, chắc chú tiếc cái xe của chú....
Gù đưa mắt nhìn má,...ngoài trời mưa như trút nước, trắng xóa mênh mang, chớp giật ầm ĩ.
Chiếc xe già nua khó khăn nổ máy, tiếng máy xe rền rền vang vang chuẩn bị lăn bánh.
Bất giác thằng Gù lay mạnh tay má nó:
-Má ơi má...má ơi...
Mặt nó hớt ha hớt hải, nhanh như cắt, nó nhảy khỏi chiếc xe đa su cũ kĩ, nó lăn mấy vòng dưới lớp bùn, bác tài ngồi đằng trước không biết, cứ thế cho xe chạy thiệt nhanh mà tránh bão cho kịp, má gào tên nó trong màn mưa, chú Bảy và mọi người giữ chặt má lại... Rồi má xa dần xa dần...
Chiếc xe cứ thế lăn đi, Gù nằm trên vũng đất nhớp nháp, cái lưng của nó gập lại, phản kháng với cơn đau ê ẩm, phản kháng với cơn mưa ì ằng nặng hạt kéo dài.
Nó, một Gù bé nhỏ và hữu hạn,
Có cảm tưởng như đang phản kháng lại cuộc sống vô hạn đã đè ập lên tấm lưng của nó từ ngày chào đời...
Anh thanh niên đỡ bà cụ khó nhọc bước lên chuyến xe cuối cùng, làng chỉ còn xót lại vài người dân và những anh chị làm công tác trên phường.
Chiếc xe cuối ấy lại lăn bánh trong màn mưa.
Bà cụ vấn lại cái khăn trên đầu, tay bà nắm chắc cái giỏ nâu da sang trọng, gì thì gì, chứ mất cái giỏ này là không được, cái giỏ mà bà đã đựng biết bao nhiêu kỉ vật. Cái hôm xém chút bị thằng lưu manh giật lấy, bà đã sợ biết bao nhiêu...Mất cái giỏ là mất hết! Mất hết! Cả đời bà rồi sẽ không còn ý nghĩa gì nữa.
Sấm cứ rền từng hồi...
Bà chưa bao giờ thấy quạnh quẽ và cô đơn như thế.
Chiếc xe lăn bánh khó khăn trên con đường quê lầy lội, những người thân yêu ngồi sát vào nhau, đắp chung cái chăn rách bươm, ẩm mốc mùi cũ kĩ, tay họ đan siết, ...
Sống đến tuổi này cũng ước mong có ai nắm lấy tay như vậy thôi, tiền bạc bà có nhiều để làm gì? Sống gửi, thác về... Bà ăn chay, làm việc thiện, chỉ mong ông trời thôi đừng phạt bà nữa...
Chiếc xe cứ lăn bánh, mắt bà đục mờ, nhìn ra ngoài phía vô định... có những điều tiềm thức không bao giờ cho phép quên.
Lòng bà lại bùng lên quặn thắt, bà nhớ con trai, đứa con bà dứt ruột đẻ ra, rồi cũng tự bà khiến nó rời xa bà mãi mãi...vô phương níu kéo.
Cái ngày nó nghe quyết định tàn độc của bà, mắt nó long lên đầy phẫn nộ, nó điên cuồng lao xe ra ngoài màn đêm vì giận dữ,... Giây phút ấy, bà biết bà đã mất nó mãi mãi.
Chính bà cũng không nhận ra được bản thân mình bây giờ, bà của 15 năm về trước khác hẳn... Khi ấy, bà, một người đàn bà độc đoán, nhẫn tâm, sinh ra trong một gia đình danh giá, luôn bị đeo đuổi bởi một thứ trách nhiệm tổ tông, đừng có ai dám làm trái ý bà,... còn bây giờ, bà hiền lành và cam chịu đến tận cùng của yếu đuối...nhưng con trai bà đâu còn sống mà thấy bà thay đổi... cho đến lúc nhắm mắt nó vẫn còn giận bà lắm lắm.
Mưa cứ mạnh hơn, như trút toàn bộ nước xuống cái xóm nhỏ này, trong màn mưa đó, một khuôn mặt mơ hồ hiện ra trong tâm trí, cái bóng bé xíu đổ ập xuống giữa cơn bão bùng.
Anh trợ lí trên phường hét to:
-Gù! Gù! Chạy ra đây, chạy ra đây! Nhanh lên Gù!
Bà giật thót nheo mắt để nhìn kĩ lại! Mèn ơi thẳng Gù, thằng Gù của bà, nó ngồi thu lu trước cửa nhà đã khóa, mình mẩy ướt sũng, mưa và gió liên từng hồi quật thẳng vào lưng nó ...
Nó gào to mếu máo:
-Ba Gù... Ba của Gù... Ở trỏng ở trỏng...
Anh trợ lí khẩn trương hơn, nhảy xuống xe tóm lấy gáy áo nó, lôi nó xềnh xệch lên xe.
-Má mày đâu? Sao mày dại vậy Gù?
Anh đanh giọng quát nó, nó cứ tu lên khóc không ngừng, mấy vết thương trên đầu gối cứ chảy máu không thôi.
Bà luống cuống mở giỏ xách tìm mớ khăn giấy, nó ngồi dựa vào chân bà mếu máo:
-Ba... Ba... Ba Gù...
-Má con đâu rồi Gù?
Nó nhìn bà lắc đầu quầy quậy, tay thì chỉ về phía trước, tay còn lại siết chặt lấy tay bà đầy tin tưởng... bà nhìn nó thật lâu thật lâu...
Rồi trong cơn mưa ấy,
Có những cuộc gặp gỡ, những gia đình nắm lấy tay nhau, những người yêu nhau ôm lấy nhau, hay những cuộc tương ngộ lạ kì đến hoang đường...
Má nó khóc suốt trên đường đi, lúc mệt quá thì miệng nói sảng, ngồi không vững, phải dựa vào chú Bảy... mắt má nó mở to, nhìn ra ngoài màn mưa tìm kiếm... thẫn thờ: " Gù ơi... Gù ơi..."
Trên chuyến xe sau đó, bà cụ lau khô người nó, bà lôi trong giỏ ra một chiếc khăn vấn đầu khác, tính khoác cho Gù bớt lạnh, sơ ý thế nào mà đồ đạc xổ tung ra, rơi xuống trước mặt nó.
Gù vùng dậy, chộp lấy tấm ảnh rơi ra từ trong giỏ của bà, miệng reo to sung sướng:
-Ba! Ba nè! Ba Gù nè...
Tấm ảnh chụp con trai bà cùng cô con dâu vô phước bị bà đuổi đi.
Chẳng một lời nào được thoát ra từ đôi môi bất động của bà,
Tiếng mưa, tiếng gió, tiếng sấm chớp, xé toạc cả một buổi chiều...
Đôi bàn tay xương xương của bà siết chặt lấy tay nó.
Những chuyến xe lần lượt trở về... trở về... đưa người ta rồi tránh khỏi cơn bão đang ập tới, đưa người ta về chốn rồi sẽ thấy an vui...
-End-
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top