Chương 2: Châu Mai thôn (2)

Dương Vân bị gãy tay. Các tỉ muội cuối thôn kéo đến gõ cửa lão lang y từ sáng đến tối, y lại chẳng thèm bắt lời mà còn khóa cửa kín mít. Lâu lâu thả một tờ giấy "cút" ra khỏi cửa sổ. A Lang thấy Dương Vân la hét cả ngày cũng bất đắc dĩ đến hỏi thăm vài câu, tiện thể xem xét cánh tay cho nàng.

Hắn xem xem một hồi rồi nhờ A Lương ghi lại vài thứ. Dương Vân bên cạnh cũng không phải lần đầu bị gãy tay, nghe cũng hiểu đôi chút.

- Ai nha~ Công tử là muốn làm bột dung thụ kê đản bạch* sao? Không ngờ công tử cũng biết y thuật a.

(*) Dung thụ kê đản bạch: gồm bột được nghiền từ lá cây si (dung thụ) và thiên niên kiện,  trộn với lòng trắng trứng (kê đản bạch). Được dùng để bó bột tay, chân khi bị gãy.

A Lang nghe vậy cũng chỉ cười cười. Thật sự hắn không nhớ tên thứ này. Bất quá còn chút ấn tượng với công thức chế tạo nên đành phải nói vòng vo.

Đám nữ nhân nghe tin hắn biết chút y thuật liền bàn tán khắp nơi, lại gặp mấy gã phu xe đi cùng Lam Cửu lên kinh thành kể kể. Nói cái gì hắn bị sói cắn lòi cả xương, vậy mà A Lang chữa một tháng là lành; Gì mà tay A Lang rất mềm, xoa xoa lên vai rất thích; Rồi gì mà thuốc hắn làm còn ngon hơn cả cơm tại Phong Nguyệt thanh lâu; ...

Sau hôm đó, đám nữ nhân cả thôn thi nhau bị bệnh. Lão lang y còn tưởng mùa dịch đến sớm liền hớt hải hỏi thăm. Vậy mà vừa đến nơi các nàng lại không cho khám, còn nói bệnh này chỉ mình A Lang mới chữa được. Lão ta cũng chỉ chép miệng khinh bỉ. Bọn nữ nhân ngu ngốc!

Thấm thoát hai tháng trôi qua, cũng sắp đến giao thừa. Suốt hai tháng này hắn ở Vực Đạo quán của Lam Cửu. Nàng vốn không thích nam nhân nên A Lan và Dương Vân cũng không có gì bất mãn. Hắn đã nhiều lần xin từ biệt muốn đi Vạn Tâm Trì, nhưng ngày hôm sau đám nữ nhân cứ thi nhau mắc bệnh, lão lang y vẫn giận dỗi không chịu đến xem, hắn cũng không còn cách nào rời đi. Huống hồ, hắn cũng không biết đường. Có lần A Lương hỏi hắn đến đó làm gì, hắn cũng chỉ trầm mặc. Hắn không nhớ, chỉ biết hắn phải đến đó, càng sớm càng tốt.

Vậy nên, qua đêm giao thừa năm nay, hắn nhất định sẽ đi.

Hắn đang ngồi mông lung nghiền thuốc ở sân sau Vực Đạo quán thì A Lan nhảy tường bước đến, thần thần bí bí hỏi:

- Công tử, ngươi còn nhớ tên ta không? Nói đúng ta cho ngươi cái này!

A Lang liền mím môi, miễn cưỡng nhớ ra một cái tên - A Liên?

Nàng thoáng tỏ vẻ thất vọng, hắn liền ngượng ngùng xin lỗi. Nàng không muốn làm khó hắn nên chỉ cười cười trách đùa: "Công tử trí nhớ thật kém a!"

Đột nhiên A Lan từ sau lưng xòe ra hai cái đùi gà vàng ươm, nóng hổi. Nàng cười thật tươi, khoe ra hai hàm răng trắng:

- Mặc dù công tử không nhớ tên ta nhưng nể tình công tử có chút nhan sắc nên... Cầm lấy! Đùi gà ta mới nướng, ngươi một cái, ta một cái!

Hắn cũng biết ở đây nghèo khổ, kiếm được một con gà còn khó hơn mò ngọc trai. Châu Mai thôn ban đêm thường xuyên bị cáo đến phá phách, vốn không thể nuôi gà. Chắc nàng nhân lúc Lam Cửu lên kinh thành trao đổi hàng hóa mà nhờ vả đôi chút. Hắn biểu cảm phức tạp nhìn A Lan, chậm rãi đẩy lại cho nàng rồi cảm ơn, nói mình bị ho, không tiện ăn. A Lan không chịu thua, ném đùi gà lên đùi hắn, vụt qua tường chạy mất. Xa xa còn nói vọng lại:

- Ta là A Lan. Lần sau đừng quên đấy.

A Lang nhìn theo hướng nàng vừa đi, thở dài, cũng thầm cảm ơn rồi cầm đùi gà lên nhai ngấu nghiến. Nói thật, dù đã ở đây hai tháng, hắn cũng không thể nhớ rõ được tên bất kì ai. Mỗi lần thức giấc, kí ức ngày hôm qua dường như bị mờ đi rất nhiều, giống như hắn đã ngủ suốt mười năm. Nhưng nếu ai đó kể lại cho hắn chút chuyện, hắn cũng có thể miễn cưỡng nhớ lại một vài thứ quan trọng xảy ra trong vòng một tuần.

Hôm nay trong thôn có vẻ khá nhộn nhịp, hắn nghe phong phanh có quý nhân sắp đến. Hình như là đoàn lương thực và thảo dược do triều đình cấp cho các vùng cô lập. Nghe đến hai chữ triều đình, không hiểu sao trong tâm tưởng hắn lại sinh ra chút ghét bỏ.

Chiều hôm đó, A Lan lại hớt hải chạy tới nói có chuyện gấp, bảo hắn cầm thuốc cho lão lang y rồi vội vàng kéo hắn chạy đến nhà gã đồ tể cuối thôn. Bên trong nhà gã là một đống người đang chen chúc xem lão lang y chuẩn bệnh. Hắn thấy việc không đến mình nên quyết định đi quanh nhà xem sao.

Nhà gã đồ tể có hai gian nhà nhỏ hẹp, đứng một chỗ cũng có thể quan sát rõ. Thượng gian không cần nhắc đến, nhìn một lượt chỉ thấy đơn sơ một bộ bàn ghế tre được đóng qua loa, một cái giường âm và mấy cái tủ nhỏ cũ kĩ. Hắn bước đến gian nhà phía sau. Căn phòng này được làm sơ sài hơn rất nhiều, nhìn khá giống một cái nhà kho đựng đồ cũ. Cả phòng không một có một kẽ hở, cách ly hoàn toàn với ánh sáng bên ngoài. A Lang mở cửa rộng hơn một chút để ánh sáng yếu ớt từ thượng gian kéo vào. Dưới sàn nhà lộn xộn áo quần, chăn màn mục nát không biết bao lâu rồi không giặt. Trên tường treo mấy bộ lòng còn nhỏ nước tong tong, quanh đó còn vo ve vài con ruồi to bằng hạt đỗ. Cả phòng bốc lên một mùi tanh hôi, ẩm mốc nồng nặc. Hắn không nhịn được mà cau mày, đưa tay che mũi. Nhìn xuống sàn nhà lần nữa, bỗng phát giác kế bên chiếc bóng kéo dài trên sàn của hắn tự bao giờ có thêm một chiếc bóng nữa. Hắn giật mình quay đầu. Phía sau hắn là một dáng người không rõ ngược chiều ánh sáng, nhìn không ra biểu tình lẫn nét mặt.

- A...Lan cô nương?- Nhận thức được người kia, hắn không được tự nhiên giải thích- Ta chỉ tò mò một chút thôi, sẽ ra ngoài liền.

A Lan cúi gằm mặt, trầm giọng:

- Ở đây rất hôi thối nhỉ, đúng là không hợp với công tử...

A Lang không nhìn rõ mặt nàng, chỉ khó xử đáp - Đúng là hơi nặng mùi, nhưng chỉ cần dọn dẹp một chút...

- Dọn dẹp không thể. Làm nghề đồ tể này quanh năm suốt tháng phải chịu cái mùi này. Làng chúng ta vốn nghèo lại thiếu nam nhân, một con heo nuôi lớn đã khó, mà bán đi càng khó hơn. Mười cân thịt heo một ngày bán hết đã là buôn may bán đắt. Một con heo đến trăm cân, ngươi thử nói xem, bọn ta phải chịu mùi này bao lâu? Chưa kể bây giờ mùa mưa, muốn bảo quản thịt cũng khó.

Hắn cảm thấy nàng có gì đó không đúng, nhưng lại không biết nên nói gì. Một lúc sau hắn mới ngập ngừng - Ta thật sự không có ý gì.

- Ta biết. Chỉ là công tử không hợp với cuộc sống đồ tể này.

Nói rồi nàng vụt chạy ra ngoài, để lại A Lang đang khó xử. Hắn đã nói gì không phải rồi?

Lúc quay lại thượng gian, đám người tụ tập cũng yên lặng đến kì lạ, sắc mặt lão lang y cũng trắng bệch đến khó coi. Hẳn là gã đồ tể gặp bệnh không nhẹ. Hắn ngỏ lời muốn đến xem thử thì y từ chối, giải thích cho có lệ - Bệnh gã không đáng lo, uống thuốc là khỏi. A Lang thấy rõ ràng họ có điều gì đang giấu diếm nhưng  không thể cố gặng hỏi, lại hậm hực nghĩ: Cũng phải, hắn là ngoại nhân a!

Hắn xin cáo từ trước, lúc đi còn cố ý nán lại trước cửa nghe nghe. Nhưng tiếc rằng lão lang y kia quá hẹp hòi, nói chuyện thôi cũng không cần phải dùng cái giọng muỗi kêu như vậy chứ? Hại hắn đứng ở ngoài nửa buổi công cốc, còn bị ruồi bu đến ngứa ngáy.

Nửa đêm hôm đó, cả thôn lại nháo nhào. Lại thêm hai người nữa bị bệnh, A Lương và gã phu xe họ Phùng. A Lang càng cảm thấy kì quoái, hắn có hỏi vài người, họ cũng trả lời bệnh nhẹ không đáng lo, còn dặn dò nhớ hạn chế ra ngoài, mùa này dễ cảm. Hắn suy nghĩ cả đêm, không thể nào ngủ được.

Sáng hôm sau, đường phố dường như vắng vẻ đi nhiều. Nhà nào cũng đóng cửa kín mít. Vì tối qua trằn trọc cả đêm nên chuyện hôm qua hắn còn nhớ không ít. Nhìn biểu hiện kì lạ của người trong thôn, hắn cũng suy đoán ra bảy tám phần. Chắc hẳn là dịch bệnh truyền nhiễm. Lam Cửu thấy hắn mở đại môn nhìn ra ngoài ngơ ngẩn, liền sợ hãi dùng lực chưởng hắn một cái rồi vội vàng đóng cửa lại. Thấy A Lang nằm sõng soài trên đất, nàng liền gãi đầu xin lỗi. Là ta lỡ tay, lỡ tay a. Sau đó còn dặn đừng mở cửa, đây là phong tục của thôn. Hừ! Chắc hắn ngu!

Cả ngày bị nhốt trong nhà, A Lang chán nản dạo quanh Vực Đạo quán để giết thời gian. Lúc đi qua phòng bếp thấy mấy nữ nhân đang vỗ tay nhảy nhảy nhìn rất vui mắt. Hỏi ra là đang đập muỗi. Hắn cười cười tặng mỗi nàng một ít lá chè và oải hương khô, dặn các nàng bỏ vào túi hương, sẽ đuổi được muỗi. Các nàng cám ơn cười đến tít mắt. Hắn cũng từng giúp các nàng không ít lần nên cũng có chút giao tình, nhân lúc Lam Cửu không có ở đây liền hỏi bóng hỏi gió:

- Hôm qua các ngươi có đến xem gã đồ tể, Phùng phu xe hay A Lương không? Ta thông tin quá kém, thật xấu hổ a!

Các nàng nhìn nhau đầy cảnh giác. Hắn thấy các nàng đã nhìn ra ý đồ nên không vòng vo nữa:

- Rốt cuộc trong thôn có chuyện gì a? Các ngươi đâu phải không biết ta hay quên, chuyện hôm qua thì hôm nay không thể nhớ được. Tại sao cứ phải giấu ta?

Đám nữ nhân biểu tình khó xử, cũng ậm ờ công tử nghĩ nhiều rồi. Hắn day day mi tâm, uể oải nói:

- Ta dù sao cũng có chút y thuật, nhìn qua cũng biết thôn Châu Mai các ngươi đang gặp dịch bệnh gì đó. Các ngươi giấu ta thì được gì đâu a?

Bọn họ kinh ngạc, hoảng hốt nhìn nhau. Quả nhiên hắn đoán không sai, Châu Mai chính là đang gặp dịch.

- Không phải chúng ta muốn giấu ngươi, chỉ là trong thôn rất ít nam nhân, họ là sợ ngươi biết chuyện liền rời đi - Lam Cửu không biết đã đến từ bao giờ, khoanh tay dựa người vào tường thở dài:

- Đi, sang phòng ta rồi nói.

Lam Cửu nói hắn đi trước, còn nàng ở lại dặn dò những nữ phụ bếp rồi qua sau.

A Lang cũng không khách khí, tự đẩy cửa bước vào phòng Lam Cửu. Phòng nàng cũng không khác phòng nam nhân là mấy. Hắn đảo mắt quanh một vòng, chợt dừng lại trên chiếc gương đồng đặt trên tủ gỗ đầu giường. Hoa văn trạm khắc trên thành gương có chút quen mắt, nhưng hắn lại không nhớ đã từng thấy ở đâu. Lam Cửu lúc này cũng vừa đến trước cửa, thấy y chăm chú nhìn tấm gương liền giới thiệu đối chút.

- Sao, đẹp chứ? Là di vật của mẫu thân ta.

Nàng ngồi xuống đối diện hắn, rót trà rồi vào thẳng vấn đề:

- Ta cũng không muốn giấu diếm gì, chỉ là đã hứa với các nàng. Các nàng cũng là vì quáquý mến ngươi a.

- Chỉ có thế?

- Chỉ thế thôi - Nàng kể tiếp.

Thôn Châu Mai sở dĩ bị biệt lập không chỉ đơn giản vì địa hình hiểm trở, mà còn vì bệnh dịch này. Cứ mỗi mùa mưa vào cuối thu hoặc đầu mùa đông, bệnh dịch sẽ bùng phát. Mọi năm triều đình đều phái  người đến đưa thuốc và lương thực đến. Năm nay ôn dịch đến sớm hơn dự tính nên cả thôn không kịp trở tay mà đoàn cứu trợ của triều đình không biết khi nào mới tới nơi.

Dịch bệnh này dường như dễ ủ mầm trong cơ thể nam nhân hơn nữ nhân. Năm nào cũng là họ nhiễm bệnh trước. Triệu chứng bệnh cũng khó phân biệt. Ban đầu người bệnh có biểu hiện giống nhiễm phong hàn. Nhưng nếu uống thuốc sau ba ngày mà cơn sốt không thuyên giảm, chắc chắn sẽ bỏ mạng.

- Tại sao lại chắc chắn bỏ mạng? Không phải chỉ sốt thôi sao? - A Lang cau mày, đầy khó hiểu hỏi nàng.

Lam Cửu chép miệng:

- Biết thì bọn ta đã không phải sống chui lủi trong nhà như vậy a! Căn bệnh này cũng rất kì quái, rõ là đang toát mồ hôi đầm đìa nhưng da người bệnh sờ vào lại lạnh đến đáng sợ. Mỗi ngày cơn sốt sẽ nặng hơn, đến ngày thứ tư người bệnh sẽ co giật, sùi bọt mép, không kiểm soát được đại tiểu tiện. Đến ngày thứ năm thì đi mua quan tài là vừa.

Hắn hỏi:

- Chết nhanh như vậy? Các ngươi không biết mầm bệnh đến từ đâu sao?

- Đã nói biết thì tội gì phải tốn tiền mua quan tài a! Bất quá ăn dầm nằm dề ở nhà hai ba tháng cũng tạm coi là an toàn.

-...

Hôm sau, bệnh tình của A Lương, tên phu xe và gã đồ tể chuyển biến xấu hơn. Hắn tỏ ý muốn đến thăm A Lương, Lam Cửu cũng không ngăn cản mà còn tốt bụng sai một vài nữ nhân đi theo chỉ đường. Trước lúc đi nàng còn lấy vải trùm hắn đến kín mít, khăng khăng cứ trùm như vậy, ngạt thở cũng phải chịu.

Việc A Lang biết chuyện trong thôn có dịch cũng lan rất nhanh, mọi người ngoài việc nhìn hắn nhiều hơn ra thì cũng rất hợp tác, hắn hỏi gì họ cũng thành thật đáp. Nhưng những gì họ biết Lam Cửu cũng đã kể cho hắn. Vậy nên, hắn đành phải đến tận nơi kiểm tra.

Nhà trọ A Lương ở cách Vực Đạo quán không xa, đi qua vài căn nhà là đến. Hắn gõ cửa vài lần thì một nữ nhân khá quen mắt ra mở cửa. Thấy hắn, nàng hình như có chút ngượng ngùng, chỉ chào hỏi qua loa rồi rời đi. Ở bên trong là A Lương đang ho khụ khụ, cả người không biết đắp bao nhiêu là chăn vậy mà cơ thể hắn vẫn run lên cầm cập. A Lang quan sát căn phòng một lượt, cũng quá sạch sẽ đi.

Thấy A Lang đến thăm, A Lương cố gượng ngồi dậy chào hỏi một tiếng, còn thận trọng giới thiệu tên:

- Công tử, ta là A Lương.

A Lang dở khóc dở cười. Ta vẫn nhớ tên ngươi nha.

- Ngươi trong người thấy thế nào? Vừa nãy là...

Hắn thở dài:

- Vừa nãy nàng ấy đến chăm sóc ta, nàng thật tốt, tiếc là ta không có cơ hội báo đáp. Công tử cũng đừng quá lo, ta còn gượng được đến lúc đóng xong hòm mà.

A Lang động viên hắn đôi chút, tiện thể xem xét bệnh tình và hỏi han những người, đồ vật và địa điểm hắn từng tiếp xúc gần đây. Thu hoạch không nhiều lắm. Một tuần gần đây hắn chỉ đi lại trong thôn, cũng không tiếp xúc với ai hay ăn cái gì lạ. Triệu chứng bệnh tình của hắn giống như Lam Cửu kể lại, giống như bị nhiễm phong hàn nặng, cả người lạnh buốt theo từng cơn.

Hắn vòng quanh nhà y, ngoài việc xung quanh nhà cây cỏ ruồi muỗi rậm rạp ra thì mọi thứ cũng vô cùng bình thường.

Lúc này những nữ nhân đi theo dẫn đường hỏi hắn đã muốn quay về Vực Đạo quán chưa. Hắn nghĩ nghĩ rồi bảo nàng còn muốn ghé thăm hai người còn lại.

Lần này hắn đến thăm gã phu xe họ Phùng.

Gã họ Phùng này cũng thuộc khu giữa của "Hiền nữ A Lan", nhưng lại giống A Lương đi mướn nhà ở khu đầu. Nhà bọn họ cũng gần, chỉ cách nhau chừng một cái dàn bầu, vừa tiện không phải đi xa.

Gã phu xe kém may nắn hơn A Lương, đã không ai túc trực chăm sóc, bệnh lại nặng hơn rất nhiều, nói chuyện cũng chỉ thều thào đứt quãng.

Nhà gã ta để chồng chất những khúc củi lớn bé, trong góc phòng là một vài bộ bàn ghế chưa đóng xong. A Lang nhìn nhìn liền khen ngợi vài câu:

- Thật không ngờ Phùng huynh đây lại có tài đồ làm nội thất. Trạm khắc rất tinh tế tỉ mỉ a!

Gã ngượng ngùng - Chỉ là chút tài lẻ, làm công tử chê cười rồi.

Tầm mắt A Lang ngưng lại trên đám tiểu côn trùng thảnh thơi bay nhảy trên đống gỗ. Hắn lơ đãng tiếp lời:

- Ngươi cả ngày đi làm phu xe, thời gian cũng không nhiều để làm mấy thứ này, cần gì tích trữ nhiều củi như vậy?

- Là mấy tuần trước ta lên rừng săn bắn tiện tay mang về. Chỉ là quá tay thu thập hơi nhiều.

Hắn bất ngờ - Chỉ một mình ngươi mang về?

- Ách, không phải tất cả nhưng phần lớn là ta a. Dù sao cũng phải nhờ ơn người khác.

Hắn hỏi rõ hơn thì biết được vào khoảng hai tuần trước, gã họ Phùng và một số người khác cùng nhau lên núi săn bắn, trong đó có cả A Lương và gã đồ tể. Địa điểm trùng khớp nhưng bất quá thời gian lại có chút không thích hợp. Nếu là bảy ngày đổ lại, mầm bệnh ủ trong người đến thời điểm này phát ra thì có thể coi là hợp lý. Nhưng đã quá hai tuần, thời gian cũng trôi qua khá lâu.

Hắn suy ngẫm hồi lâu rồi cúi đầu từ biệt.

_________________________

Đôi lời từ tác giả:
Ai chuẩn đoán ra bệnh chưa?

Chương tiếp theo bạn công sẽ xuất trại nhé! Kiên nhẫn thêm chút nữa nào @.@



Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top