Thần thoại Trung Quốc
THẦN THOẠI TRUNG HOA
VÀI NÉT TỔNG LUẬN
Các học giả Tây phương chia lịch sử Trung Hoa ra làm hai phần, thượng cổ và cận đại, ranh giới của hai phần đó là đời Hán, từ thế kỷ thứ hai trước công nguyên tới thế kỷ thứ hai sau công nguyên vì kể từ đời Hán với sự chinh phục lân bang, mở rộng bờ cõi, Trung Hoa mới thực sự tiếp thụ nhiều nền văn hóa ngoại lai. Đạo Phật bắt đầu du nhập Trung Hoa cũng kể từ thời đại này.
Những thần thoại soạn giả tuyển chọn sau đây đều là những thần thoại của thời Trung Hoa thượng cổ, chưa bị pha trộn bởi màu sắc một nền văn hóa ngoại lai nào.
NGUỒN GỐC
Thoạt có thể nói có hai nguồn gốc cung cấp tài liệu thần thoại Trung Hoa :
a. Những hàng chữ chép trên xương, trên mai rùa, trên các đồ đồng tế tự …
b. Những sách lưu trữ trong thư khố.
Tuy nhiên, tài liệu chính là sách lưu trữ trong thư khố, còn những hàng ghi chú khắc trên xương, trên mai rùa, trên các đồ tế tự không giúp được bao nhiêu về tài liệu thần thoại.
Trở về những sách lưu trữ trong thư khố cung cấp tài liệu thần thoại, chúng ta cần ghi nhận điều này :
Tất cả các sách Trung Hoa đều được sao đi chép lại nhiều lần, nhiều khi những lời bàn của hậu thế xen vào nguyên bản. Thêm một sự kiện này : nếu sách được Nho gia chép lại thường bị tước bỏ nhiều nét hoang đường hoặc quái đản (và chính đó mới là đặc tính nên thơ của thần thoại), thay vào bằng cách nhân hóa những thần linh, nhiều khi uốn nắn những tình tiết thần thoại để dễ giải thích cho phù hợp với tư tưởng triết học của phe mình.
Thái độ của Nho gia cũng dễ hiểu : đạo Khổng vốn chủ trương nhập thế giúp đời, nên Nho gia bao giờ cũng nhiễm tinh thần thực tiễn và duy lý (như tinh thần khoa học Tây phương bây giờ). Tỉ như Tư Mã Thiên, đời Hán Vũ Đế, khi viết Sử ký cũng tước bỏ những truyền thuyết hoang đường về các đời Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế.
Chúng ta, hãy xem : song song với số thần thoại Trung Hoa thuở khai thiên lập địa, là kiến trúc siêu hình ghi trong Kinh Dịch : Thái cực sinh lưỡng nghi; lưỡng nghi sinh tứ tượng; tứ tượng biến hóa vô cùng.
Ghi về sự tích trị thủy của hai cha con ông Cổn và ông Vũ, các Nho gia chỉ cốt đề cao tư tưởng thuận tính tự nhiên thì thành (Ông Vũ), ngược tính tự nhiên thì bại (Ông Cổn trước đó). Kinh Thư ngoài lời ghi vắn tắt của Khổng Tử, thiên Hồng Phạm chép lời Cơ Tử:
“Tôi nghe sự tích ông Cổn đắp đê làm bế tắc hồng thủy, làm loạn mất thuận tính của ngũ hành. Trời bất bình không ban cho phép lớn nói về chín mối thự tự của tự nhiên, cho nên ông Cổn đến phải chết ức. Ông Vũ là con được nối nghiệp phục hưng, trời bèn ban cho phép lớn Hồng Phạm, Cửu Trù, luật tự nhiên lại tiến hóa theo thứ tự”.
Sách Mạnh Tử, thiên Đằng Văn Công chép:
“Đương đời vua Nghiêu, thiên hạ chưa bình định, nước lũ chảy tung hoành, đầy rẫy, cỏ cây rậm tối, chim muông phồn thịnh, năm thứ thóc chưa thành thục, chim muông ở lẫn với người, những móng thú, dấu chim bừa bãi cả chốn Trung Quốc … Ông Vũ đào chín cái sông khởi sông Tế, sông Loa cho chảy về biển, xẻ sông Như, sông Hán, sông Hoài, sông Tứ cho chảy về sông Giang, rồi sau chốn Trung Quốc mới có thể cày cấy được mà ăn. Đương thời bấy giờ ông Vũ tám năm kinh lý việc nước, ba lần qua cửa nhà mình mà chẳng kịp vào …”
Kể truyện vua Vũ trị thủy như vậy thực hoàn toàn như truyện các minh quân hiền triết đương thời. Dời vùng ánh sáng chói chang lý trí của Nho gia, bước vào thế giới huyền thoại của nhân gian chúng ta gặp một ông Vũ khác hẳn (sẽ đọc sau đây)
Đào Duy Anh khi viết mấy trang sơ lược về truyền thuyết đời thượng cổ Trung Hoa cũng là viết theo những tài liệu đã thế nhân hóa, hợp lý hóa thần thoại cổ Trung Hoa. Xin lược trích:
Theo sách Sử ký của Tư Mã Thiên thì tam hoàng là Thiên Hoàng, Địa Hoàng và Nhân Hoàng. Lại có thuyết cho Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Nhân Hoàng là Toại Nhân, Thần Nông, Phục Hy. Toại Nhân sinh lửa, lửa do mặt trời nên thác về trời; Phục Hy xếp đặt việc người nên thác về người; Thần Nông dạy người làm ruộng nên thác về đất. Toại Nhân (người lấy lửa) dạy người dùng lửa tức chỉ thời đại người mới phát minh được lửa. Phục Hy (người nuôi súc) kết dây đan lưới, dạy người săn thú và đánh cá, lại dạy người nuôi súc để làm thịt mà nấu ăn, cho nên cũng gọi là Bào Hy (nấu thịt thú); đó là chỉ thời đại văn hóa loài người đã do trạng thái đánh cá và săn bắn mà tiến lên trạng thái du mục. Thần Nông thì làm ra cày cuốc, dạy dân làm ruộng, họp chợ cho người ta giao dịch; đó là chỉ thời đại mà văn hóa đã tiến lên đến trình độ canh nông rồi.
Tiếp theo Tam Hoàng là Ngũ Đế. Thực ra thì tên Ngũ Đế cũng không phải là tên vua mà chính là tên các thị tộc (clan) đời xưa. Thuyết Ngũ Đế là lịch sử hoang đường của Hán tộc.
Theo truyền thuyết thì Hoàng Đế là thủy tổ của Hán tộc đánh Xi Vưu là tù trưởng của Miêu tộc để chiếm miền lưu vực sông Hoàng Hà mà vào bản bộ của Trung Quốc. Theo một vài tác giả thì Hoàng Đế lãnh đạo Hán tộc tự phía Nam miền Thiên Sơn đến miền Cam Túc vào khoảng giữa thiên nhiên kỷ thứ ba trước kỷ nguyên. Ở đời Hoàng Đế văn hóa đã khá, người ta đã biết dùng xe cộ (Hiên Viên) làm nhà cửa và dệt cửi, (Hoàng Đế còn tên là Hiên Viên Thị).
Hai đời Chuyên Húc và Đế Cốc không thấy truyền có việc gì to lớn.
Đến đời Nghiêu, Thuấn thì có việc nhường ngôi. Sử ký chép rằng vua Nghiêu ở ngôi bảy mươi năm, nhường ngôi cho Tứ Nhạc; nhưng Tứ Nhạc không chịu, vua Nghiêu bèn xuống lệnh cử người quý thích cùng người ẩn dật; dân chúng đều cử Ngu Thuấn. Vua Nghiêu bèn đem hai con gái gả cho và nhường ngôi.
Vua Nghiêu họ là Đào Đường, tên ấy có ý nghĩa thời bấy giờ người ta đã biết nung đồ đất.
Bấy giờ có nạn hồng thủy. Vua Nghiêu sai Cổn trị thủy, chín năm mà không thành công, Nghiêu bèn giết Cổn và giao việc ấy cho con Cổn là Vũ. Vũ ra sức suốt mười ba năm mới thành công.
Sau vua Thuấn thấy Vũ là người có công và đức bèn nhường ngôi cho làm thiên tử.
Vua Vũ ở ngôi tám năm, thấy con là Khải vốn là người có đức nên truyền ngôi cho. Sau đó Khải cũng theo gương cha mà truyền ngôi cho con mình là Thái Khang, thế là gây mối đầu cho chế độ quân chủ thế tập*.
Cả quan niệm về hoàng thế, đế thế, vương thế và bá thế của Nho gia nếu đem so với quan niệm bốn đại kỷ nguyên trong kiếp vũ trụ kalpa của thần thoại Ấn Độ, chúng ta càng thấy rõ : Cùng ý niệm sự sa đọa tiệm tiến của con người từ hoàng kim thời đại đến hôn ám thời đại, nhưng cái nhìn của Nho gia là cái nhìn thực tế của những chính khách, chẳng hề vương một chút thần thoại nào. Hoàng thế, đế thế, vương thế được xếp vào hạng tam lược. Tam lược là thượng lược, trung lược và hạ lược.
Thượng lược là Hoàng thế, như mùa xuân; Khởi nguyên, Hoàng thay trời trị dân, đời thuần nguyên thực thà, chính trị thanh tịnh, tự nhiên không làm gì mà đời vẫn thịnh trị, chẳng phải nói mà dân tin, chẳng giận mà dân kính sợ, cây cỏ xinh tươi.
Trung lược là Đế thế như mùa hạ; Đế nối Hoàng trị dân. Đời vẫn còn thuần nguyên mà khôn hiền, chính trị có đặt ra làm vì, nhưng không phải ra uy gì đến dân mà vẫn thịnh trị, dân không nói dối, cây cỏ tốt tươi. Trong Bắc Sử ở thiên Tam Hoàng Kỷ Đường Nghiêu có một đoạn nói về đời Nghiêu Thuấn, tức Đế thế như sau:
“Vua Nghiêu dạo chơi đến một ngã tư đường đẹp tốt; có một ông lão ngậm cơm bỡn cợt; ông đánh trống bụng mà du chơi, tay đánh sênh mà hát rằng :
Mặt trời mọc thì đi ra làm việc,
Mặt trời lặn thì nghỉ,
Cầy ruộng mà ăn, đào giếng mà uống,
Sức của vua có gì với ta thay !
Vua Nghiêu dạo chơi có ý là thân dân, hòa mình với dân thuần hậu không có sự phản trắc oán giận. Ngã tư đẹp tốt tượng trưng cho thiên nhiên phồn thịnh; ông lão vừa đi vừa du hí biểu tượng đời thái bình đầy đủ về vật chất, thuần hậu về đạo tâm, hoan hỉ về tâm lý; câu ca của ông lão mô tả đời sống thanh bạch, khỏe mạnh vui tươi, tự do và hòa hợp với thiên nhiên.
Hạ lược là vương thế, như mùa thu; Vương nối Đế trị dân, đời thuần nguyên hơi loãng. Người khôn ngoan sắc sảo, chính trị có thi hành nhưng không tội lỗi mấy; hình chính khoan dung đời được thịnh trị nhưng có khi phải chinh phạt.
Bá thế thì không được đứng vào tam lược, vì bá thế là đời điêu bạc giả dối, dân quỷ quái; chính trị nghiêm khắc; sát phatỉ có nhiều, hình tội cũng lắm, thuế lệ công dịch cũng nặng. Bá thế như mùa đông rét, cây cỏ héo rụng. (Xin đọc và so sánh Kalpa, quyển 3a, Thần Thoại Ấn Độ).
Sau khi đã trình bày một cái nhìn tổng quát về thần thoại Trung Hoa, những thần thoại được sưu tầm sau đây, soạn giả đều cố gắng giữ càng nhiều những nét hoang đường cổ sơ càng hay. Về thứ tự, dĩ nhiên cũng xin đi từ những thần thoại khai thiên lập địa rồi mới tới thuở an bài thế giới và đời sống.
(*) Xin đọc : Đào Duy Anh, Trung Hoa Sử Cương (Saigon : 1954), trang XVII-XXI.
THUỞ KHAI THIÊN LẬP ĐỊA
Truyện Ông Bàn Cổ
Thuở hỗn mang chưa phân trời đất chi cả, chỉ có hình thái từa tựa quả trứng gà. Tự trong trứng sinh ra ông Bàn Cổ. Trong khoảng mười tám năm, trứng nguyên thủy đó mở ra, chất âm nặng và thô lắng xuống thành đất, chất dương nhẹ và thanh dâng lên thành trời. Mỗi ngày trời lên cao mười bộ (mỗi bộ dài om 324), đất lún xuống mười bộ và Bàn Cổ cũng mỗi ngày cao lên mười bộ. Trong mười tám ngàn năm, thân hình Bàn Cổ cao lớn nối liền trời đất.
Khi Bàn Cổ chết, thân hình ông thành các bộ phận của hoàn vũ. Đầu ông thành những rặng núi cao; đôi mắt ông thành mặt trời, mặt trăng; mỡ máu thành sông ngòi, biển cả; lông tóc thành cây cỏ; răng và xương thành đá và các kim loại; chấy rận thành người *
CHÚ THÍCH: Theo sách “Ngũ Vận Lịch Niên Ký” thì lúc ban đầu trời đất mông lung, hỗn độn, sau khi chia ra đất, trời (càn khôn), phân bố nguyên khí âm, dương. Âm dương điều hợp mà nảy sinh ra người đầu tiên là Bàn Cổ.
Theo sách “Thông Giám Ngoại Kỷ” của Lưu Thứ thì Bàn Cổ Thị cũng gọi là Hồn Đôn Thị.
(*) Theo P. Grimal, Mythologies des Montagnes, de Forêts et des Iles (Paris, 1963), pp. 122-24.
Mặt trời
Có mười mặt trời mang hình là những con quạ lửa. Hàng ngày bà mẹ của mười mặt trời đem lũ con đến tắm rửa ở một cái hồ miền cực Đông. Gần hồ là một cây dâu cực lớn, rỗng lòng (cây Khổng Tang hay Phù Tang).
Sau khi tắm rửa xong, chín con leo lên các cành cây Khổng Tang; riêng đứa đến phiên làm việc thì leo lên cành cao nhất, rồi bước vào một chiếc xe do sáu con long mã kéo, chính bà mẹ cầm cương. Cuộc hành trình chấm dứt vào buổi chiều khi xe tới ngọn cây Nhược, một cây cổ thụ mọc ngay bên bờ con sông lớn trên ngọn núi miền cực Tây. Cổ thụ này đặc điểm là có hoa đỏ và chiếu sáng ban đêm (ý hẳn ám chỉ các vì sao).
Những huyền thoại khác chung quanh mặt trời có thể kể : truyện Khảo Phủ chạy đua với mặt trời, truyện Hậu Nghệ bắn mặt trời (xem dưới đây). Một huyền thoại khác nói là trong mặt trời có con quạ vàng (kim ô) ba chân ở. (Con kim ô này vừa là biểu trưng, vừa là nguyên lý tác động của mặt trời. Mặt trời là lửa, tức dương).
Mặt trăng
Có mười hai mặt trăng thay phiên nhau trên vòm trời trong mười hai tháng. Cũng như mặt trời ban ngày, mặt trăng ban đêm di chuyển trên vòm trời bằng xe, nhưng không phải do bà mẹ cầm cương. Mười mặt trời và mười hai mặt trăng (tượng trưng thập can, thập nhị chi ? ) đều do một mẹ sinh ra cả.
Có huyền thoại cho rằng trong mặt trăng có con thỏ ngọc ở, một huyền thoại khác, thay vì thỏ lại bảo là có con thiềm thừ (cóc). Sau này còn một huyền thoại khác khá phổ thông về mặt trăng là huyền thoại Hằng Nga, vợ Hậu Nghệ (đọc dưới đây).
Thiên Đình và Các Vì Sao. Truyện Ngưu Lang Chức Nữ
Thiên đình nơi Thượng Đế ngự được thiết lập tại chính chòm sao Đại Hùng Tinh. Trước cửa thiên đình có con chó ngao hung dữ đi đi lại lại canh giữ (tức sao Sirius). Các chòm sao khác trên vòm trời đều là những thiên quan giúp việc triều chính bên Thượng Đế.
Sao Ngưu (chòm sao Aigle) và sao Chức (chòm sao Lyre) ở đối diện hai bên bờ sông Ngân Hà, nên có huyền thoại cặp vợ chồng Ngưu Lang, Chức Nữ. Tục truyền Chức Nữ hầu Thượng Đế, chăm lo dệt cửi không bỏ thì giờ điểm trang. Thượng Đế thấy vậy, thương tình gả cho Khiên Ngưu là kẻ chăn trâu của người. Hai người thương yêu nhau bỏ phế việc trời. Trời mới đày mỗi người ở một bên sông Ngân Hà. Năm năm cứ vào ngày mùng bảy tháng bảy, lũ quạ ô thước tự hạ giới bay lên bắt cầu để Chức Nữ qua sông Ngân gặp chồng. (Ngày đó hai chòm sao ở vào vị trí gần nhau nhất).
Hải thần
Thần Bể có chân tay như người, nhưng mình là mình con cá kình (cá ông voi) cực lớn, dài không biết bao nhiêu dặm. Thần cưỡi hai con rồng. Khi nào nổi giận, Thần bèn hóa thành con chim Bằng khổng lồ cất cánh bay lên che kín cả vòm trời và bay một mạch sáu tháng tới Nam Hải mới hạ cánh.
Năm Đảo Bồng Lai
Tại Biển Đông có năm đảo Bồng Lai, chốn trường sinh bất tử của các tiên ở. Năm đảo này nổi trên mặt bể, mỗi đảo được Thượng đế cắt cử ba con rùa lớn thay phiên nhau neo giữ bên dưới để đảo khỏi trôi về phía Tây va phải đất liền. Nhưng trong số mười lăm con rùa đó, sáu con bị thần Long Bá câu mất, thành thử hai đảo không có rùa neo giữ bên dưới, trôi dạt lên Bắc cực rồi đắm mất. Năm đảo vì vậy chỉ còn ba. Những người đi bể mỗi khi nhìn xa gặp khoảng chân trời có mây ngũ sắc che, thường cho đấy chính là Bồng đảo. Họ không thể chèo thuyền tới được vì hễ chèo gần tới thì Bồng đảo lại như bị gió thổi đưa đi xa.
Đất và Núi
Năm núi cao chạm trời của Trung Hoa gọi là Ngũ Nhạc, nơi các thần nhân ở, và tiêu biểu cho năm phương. Hành sơn ở phương Nam, Hoa sơn ở phương Tây, Thái sơn ở phương Đông, Hằng sơn ở phương Bắc và Trung sơn ở chính giữa.
Ngoài Ngũ nhạc ra còn núi Côn Lôn là kinh đô hạ giới của Thượng Đế, có các vị tiên ở. Núi được cai quản bởi một thần nhân mặt người, mình hổ, vuốt hổ, có chín đuôi. Có loài dê bốn sừng ăn thịt người. Có con quái vật mình hổ, chín đầu người canh cửa Quang môn phía Đông. Có những loại chim để Thượng Đế sai phái, và rất nhiều hoa kỳ cỏ lạ. Một dòng nước cực loãng, loãng đến thả một chiếc lông ngỗng lên mà cũng chìm, chảy quanh núi ba vòng để ngăn không cho phàm nhân bén gót tới. Cũng có sách nói dòng nước này, nước đỏ như chu sa, ai uống được sẽ trường sinh bất tử.
Bà Tây Vương Mẫu
Theo sách Sơn Hải Kinh Tây Vương Mẫu hình dung rất cổ quái, mặt người, đuôi báo, răng hổ. Bà ra tai bệnh dịch hạch hoặc các thiên tai khác. Bà ngụ trong hang một ngọn núi về phía Bắc ngọn Côn Lôn, ở ngay ranh giới miền sa mạc mênh mông. Trước mặt bà, thường có ba con chim xanh để bà sai phái đi kiếm thức ăn.
Về sau này, Tây Vương Mẫu được Nho gia chuyển hóa thành một nữ thần vừa đẹp vừa có quyền uy, thường hay thết tiệc chư tiên tại vườn đào của bà ở ngay núi Côn Lôn.
THUỞ AN BÀI THẾ GIỚI VÀ ĐỜI SỐNG
Sự Tích Bà Nữ Oa
Xưa khi vũ trụ mới bắt đầu khai tịch thì có hai anh em bà Nữ Oa ngụ khoảng núi Côn Lôn. Trong thiên hạ chưa có dân chúng, do đó hai người phải ăn với nhau như vợ chồng. Họ cũng tự lấy làm xấu hổ về việc đó nên bà Nữ Oa phải lấy cỏ tết làm cái quạt để che mặt mỗi khi đi đâu. (Ngày nay còn tục cô dâu về nhà chồng thường cũng cầm quạt che mặt)*
Thấy trong thiên hạ chưa có người, bà Nữ Oa bèn lấy đất hoàng thổ nặn nên người. Tuy nhiên vì công việc làm bộn bề và mệt nhọc lắm, nên không phải người nào cũng được nặn cẩn thận bằng loại đất vàng, mà rất nhiều chỉ được nặn vội bằng giây rợ trong đất bùn. Những kẻ giàu sang, ấy là đã được bà Nữ Oa nặn bằng đất hoàng thổ; những kẻ nghèo hèn, ấy là những kẻ chỉ dược nặn sơ sài bằng chất liệu rơm rác**
Trời vào thuở xa xưa đó được chống bằng bốn cột trụ. Chẳng may những cột trụ đó bị hư hỏng đi, trời xụp xuống, chín châu bị phân liệt. Dân chúng lâm vào cảnh trời không che, đất không chở, nơi cao thì lửa cháy phừng phừng chẳng ai rập tắt nổi, nơi thấp thì hồng thủy lan tràn chẳng ai ngăn cản được. Những loài mãnh thú bắt dân lành ăn thịt, những loài ác điểu dám sà xuống tha đi những người già lão và con trẻ yếu đuối. Bà Nữ Oa bèn đứng ra luyện đá ngũ sắc để vá trời xanh. Bà chặt chân một loài giải lớn ở biển để chữa bốn trụ chống trời. Bà lại giết được con rồng đen cực lớn để cứu châu Kỳ khỏi bị mưa lụt. Khi vá trời xong, bà lấy tro than ở lò luyện đá ngũ sắc mà lấp mạch nước để cứu dân khỏi nạn nước lụt. Vì thế mà trời xanh được vá lại, bốn trụ được sửa lại, nước lụt lớn được chặn lại, an bình được châu Kỳ, diệt trừ được các loài ác điểu trên không, mãnh thú dưới đất, giao long dưới nước, và dân lành lại tiếp tục sống được.
(*) Lý Nhũng, Độc Dị Chí. Theo một bản cổ văn khác, chồng bà Nữ Oa chính là Phục Hy vậy.
(**) Phong Tục Thông Nghĩa Thiên Thái Bình Ngự Lãm
(***) Hoài Nam Tử, Thiên Lãm Minh Huấn – Nạn hồng thủy trong Kinh Thánh gợi ý con người vì tội lỗi nên bị Thượng Đế trừng phạt, nhưng nạn nước lớn trong thần thoại Trung Hoa chỉ là thiên tai từng vùng mà con người phải ra sức khắc phục.
Truyện Hai Cha Con Oâng Cổn, Oâng Vũ Trị Thuỷ
Thuở đó nước lớn tràn lan, nhiều nơi nước cao tới ba trăm nhận, và có tới chín cái vực sâu. (Mỗi nhận chừng sáu thước, bốn tấc, tám phân bây giờ)(1) .
Ông Cổn bèn ăn trộm đất tức hoại của Trời đem trám vào chỗ mạnh nước tuôn tràn. Đất tức hoại có đặc tính nở lớn ra đến vô tận, trám vào đâu thì bịt kín được mãi. Tuy nhiên ông Cổn làm mà không đợi mệnh Trời, nên Trời mới tức giận sai Chúc Dong giết ông Cổn ở núi Vũ Giao. Thế là việc trị thuỷ của ông Cổn vẫn chưa thành(2) .
Thi thể ông Cổn quẳng đó ròng rã ba năm liền mà không thối rữa. Người ta lấy gươm rạch bụng ông Cổn, thì thấy con ông là Vũ từ đó chui ra. Lập tức ông Cổn hoá thành con rùa vàng ba chân, nhảy xuống vực biến mất.
Ông Vũ thụ mệnh của Trời, hoàn tất được việc trị thuỷ, vạch đất thành sông, phân chia ra làm chín châu. Ông Vũ dùng đất tức hoại lấp những mạch nước thực sâu. Con số được ghi rõ là 233.559 mạch nước. Ông Vũ còn dùng đất tức hoại đắp thành những dãy núi chính. Núi cao không bị ngập nước, sức nặng của núi đầm xuống giúp cho mặt đất chắc dần. Ông Vũ được con rồng Phi Long phụ lực, nó dùng đuôi rạch sâu lòng sông để nước cứ việc theo đó mà chảy ra biển. Công việc nặng nhọc nhất phải kể đến việc dẫn nước sông Hoàng Hà ra biển. Thần Cự Linh đã giúp ông Vũ xẻ núi thành những đường hẻm xuyên sơn cho nước sông chảy qua mà thẳng đường sớm tới biển, khỏi quanh co thành muôn nghìn khúc vô ích. Tương truyền có lần thần Cự Linh khom người dùng sức, chân tựa phía bên này, hai tay đẩy mạnh phía bên kia, trái núi nứt làm đôi thành đuờng thông nước cho dòng sông. Cửa Long Môn là một trong những công trình trị thuỷ của vua Vũ(3) .
Tương truyền suốt thời gian trị thuỷ của ông Cổn, thuở trước cũng như của ông Vũ về sau, Cộng Công, một hung thần, luôn luôn tìm cách phá hoại bằng cách làm gió dâng sóng lớn lên, đẩy nước tràn mạnh đi tới đâu tàn phá cây cỏ hoa mầu đến đó(4) .
Ông Vũ biết Cộng Công là một quái vật mình rắn có vằn và có chín đầu, cần phải giết đi thì cuộc trị thuỷ mới có cơ thành công. Oâng đã đem hết cả tâm lực, mưu trí để thực hiện điều đó và khi ông giết được Cộng Công, máu nó tanh hôi vô cùng, chảy đến đâu đất khô cằn đến đó, cây cỏ không mọc lên được(5) .
Một truyền thuyết khác về Cộng Công cho rằng vì Cộng Công tranh nhau ngôi vua với Chuyên Húc, đôi bên xung đột nhau làm rung chuyển núi Bất Chu, gãy cả cột thiên trụ, trời nghiêng về phía Tây Bắc, vì vậy mặt trời, mặt trăng cùng các tinh tú mới xuất lộ tại những ngôi vị như chúng ta thấy ngày nay; đất phía Đông Nam không đầy nên hàng trăm con sông đổ xô về đấy (6) .
Trở lại truyện ông Vũ trị thuỷ, thường biến hình thành con gấu. Oâng giao hẹn vợ là Đồ Sơn Thị (khi đó đương có mang) rằng chỉ khi nào nghe tiếng trống hãy đem thức ăn đến cho ông. Hôm đó ông đương biến thành gấu làm việc hăng, trong khi chay nơi nầy, nhảy nơi nọ, những tảng đá va vào nhau âm vang như trống. Đồ Sơn Thị tưởng đó là hiệu lệnh của chồng, bèn mang thức ăn tới thì chỉ thấy một con gấu lớn, sợ quá vội bỏ chạy. Oâng Vũ đuổi theo để phân trần. Đồ Sơn Thị chạy đến núi Trung sơn hoá thành phiến đá. Hàng ngày, ông Vũ tới gần phiến đá nói lớn “Nàng hãy trả ta đứa con!”. Tới một ngày kia, bề mặt hướng về phương Bắc của phiên đá nứt làm đôi, và Khải, con ông Vũ, được sinh ra.
(1) Hoài Nam Tử, Thiên Địa Hình Huấn.
(2) Sơn Hải Kinh, Thiên Hải Nội Kinh.
(3) Theo P. Gimal, op. cit., p134.
(4) Hoài Nam Tử, Bản Kinh Huấn
(5) Sơn Hải Kinh, Thiện Đại Hoang Bắc Ninh. Có bản lại nói là bầy tôi của Cộng Công mới là quáit vật có chín đầu , mình rắn).
(6) Liệt tử, Thiên Thang Vấn
(7) Hán Thư, Thiên Vũ Đế Bản Kỷy3
CHÚ THÍCH THÊM VỀ CỘNG CÔNG VÀ TỨC HOẠI
Cộng Công: Thiên Ngưu điển kinh Thư ghi Cộng Công là một chức quan coi việc thuỷ. Trịnh Huyền chú rằng chức quan nầy vốn là một dòng họ cha truyền con nối, vì vậy mà về sau tên dòng họ lẫn với quan tước. Đời Nghiêu, Thuấn bọn Cộn Công phạm nhiều điều hoang dâm, bỏ việc, kết hợp với Hoan Đâu, Tam Miêu, Cổn thành bốn dòng hung ác khiến Thuấn phải xin với vua Nghiêu trừ diệt.
(Như vậy theo kinh Thư của Nho gia, Cộng Công không còn gì là thần thoại đầu người mình rắn nữa).
Tức Hoại : Cũng gọi là tức thổ. Sách “Dư Địa Kỷ Thắng” chép giữa năm Nguyên hoá đời Đường có quan mục ở Kinh Châu tên là Bùi Vũ đào lên thấy một khối thành bằng bá bèn cho chuyển đi, thì năm đó trời mưa rầm rĩ không dứt, quan mục lại phải cho chôn khối đá đó xuống như cũ.
Có sách lại viết là tức hoại chôn ở Kinh Châu dưới cung cũ của vua Vũ xưa, hình vuông vắn, không phải là đất, không phải gỗ, không phải đá, không phải kim loại, có vân như đường triện. Năm đầu Khang Hy có kẻ đào lên thì sấm chớp, mưa gió lớn, phảng phất thấy hình tượng điện đà của vua Vũ.
Sách Sơn Hải Kinh, thiên Hải Nội Kinh ghi là đất huyện Từ ở Lâm truy đời Hán Nguyên Đế đột nhiên nở dài năm, sáu dặm, cao hai trượng, ấy là loại tức hoại. Đất nầy thuộc phía Tây Bắc huyện Tứ, tỉnh An Huy.
Theo sách Liễu Tôn Nguyên đời Đường thì tại Phong ấp nước Tầu cũng có loại đất tức hoại Khảo Phủ Chạy Đua Với Mặt Trời.
Người khổng lồ Khảo Phủ là con của Cộng Công. Một hôm Khảo Phủ quyết định chạy đua với mặt trời. Khảo Phủ không những bắt kịp mặt trời mà còn chạy nhanh hơn xuyên sâu vào lòng mặt trời. Vì ở đấy nóng quá nên khi trở về, Khảo Phủ khát nước tới mức đã uống hết nước sông Hà và sông Vị mà vẫn chưa đã. Khảo Phủ bèn chạy lên phương Bắc dự định uống nốt nước ở đầm Dạ Trạch nữa, nhưng mới được nửa đường thì ngã gục xuống chết; chiếc gậy trúc quăng ra, sau này mọc thành rừng đào (*)
(*) Sơn Hải Kinh, Thiên Hải Nội Bắc Kinh
Hậu Nghệ Bắn Mặt Trời
Thuở đó ông Nghiêu chưa lên ngôi cửu ngũ, có lần mặt trời hiện ra mười ngày liền, thiêu rụi cả hoa mầu, cây cỏ. Các giống mãnh thú lớn, các loài rắn rết độc mặc sức tung hoành ăn thịt và tác hại người dân. Ông Nghiêu bèn sai Hậu Nghệ giết các loài mãnh thú tại vùng đất Trù hoa, giết loài rắn rết ở vùng Khu thuỷ, một số khác thì bị giết trên bờ đầm (hay gò ?) Thanh khâu. Hậu Nghệ lại dương cung bắn mặt trời, giết được loài chó ngao lớn ở trên đó. Tới hồ Động đình, Hậu Nghệ giết được loài trăn lớn, còn bắt sống được một số mãnh thú ở vùng Tang Lâm. Do đó dân chúng vui mừng và tôn ông Nghiêu lên làm thiên tử (*)
(*) Hoài Nam Tử, Thiên Bản Kinh Huấn. Lại có huyền thoại khác nói Hậu Nghệ bắn rơi chín mặt trời mang hình quạ lửa đậu ở cây Khổng Tang ngoài biển cả.
Hậu Nghệ và Hằng Nga
(Huyền thoại này mãi về sau mới có)
Một lần Hậu Nghệ đi đến núi Côn Lôn, được bà Tây Vương Mẫu ban cho liều thuốc trường sinh đem về. Hằng Nga thừa lúc chồng đi săn bắn bèn lấy ra uống trộm. Nàng đương uống dang dở thì Hậu Nghệ về. Nàng vội chạy trốn. Vì uống thuốc tiên nên người nhẹ lâng lâng, bay được, nhưng uống chưa đủ liều nên nàng chỉ bay tới mặt trăng thì ở lại đó. Nghệ rút cung lắp tên bắn lên mặt trăng, nhưng Hằng Nga được Ngọc Thỏ che chở. Từ đó một mình Hằng Nga ở trên cung Quản Hàng cùng con thỏ ngọc. Ít lâu sau Hậu Nghệ cũng lên được thiên đình và làm quan phụ chính cho thần mặt trời.
Chuyện Chim Tinh Vệ Lắp Biển
Ở núi Phát Cư có giống chim lớn đầu vằn, mỏ trắng, chân đỏ, gọi là chim Tinh Vệ, tiếng kêu vang lớn. Tương truyền kiếp trước chim là con gái nhỏ vua Viêm Đế, tên là Nữ Khuê. Một lần Nữ Khuê dong chơi ở Đông Hải, không may bị chết đuối. Từ ấy u hồn hoá thành chim Tinh Vệ, thường tha đá, gỗ ở núi Sơn Tây về mà lấp biển Đông Hải *
(*) Sơn Hải Kinh, Thiên Bắc Sơn Kinh
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top