Thành Tơroa thất thủ

Cuộc chiến tranh Tơroa kéo dài đã mười năm. Từ khi Uylix xuất hiện như một vị tướng tài giỏi nhất trong Hội đồng các tướng lĩnh thì cuộc chiến tranh dưới sự chỉ huy của chàng được tiến hành theo một hướng khác. Chàng không như Akhin chỉ nhất nhất dùng sức mạnh của quân nhiều, tướng giỏi vây hãm, công kích thành Tơroa. Chàng chủ trương phải dùng mưu. Xưa kia khi Akhin còn sống, đã có lần hai người, trong một bữa tiệc, tranh cãi nhau rất gay gắt về cách tiến hành chiến tranh. Uylix cho rằng, muốn hạ được thành Tơroa mà chỉ dùng sức mạnh của quân sĩ và binh khí không thôi thì không thể nào thành công được. Phải dùng mưu, phải biết dùng mưu sâu kế hiểm, dụ địch, lừa địch thì mới có thể hy vọng giành thắng lợi. Nhưng Akhin chống lại chủ trương đó, cho rằng không thể tiến hành chiến tranh bằng cách lừa dối được. Phải dùng sức mạnh, và chỉ có thể dùng sức mạnh mà thôi. Mưu mẹo, lừa lọc là xấu xa, là không cao thượng. Quân Hy Lạp suốt mười năm trời đã tiến hành chiến tranh theo cách của Akhin. Và suốt mười năm đó, quân Tơroa tuy có bị tổn thất nặng nề nhưng thành Tơroa vẫn đứng sừng sững uy nghi với những bức tường thành cao ngất như thách thức quân Hy Lạp.

Bây giờ đến lúc Uylix phải thanh toán sự thách thức, kiêu ngạo ấy. Chàng quyết định dùng mưu để hạ thành Tơroa, phải dùng một kế hiểm để lừa quân Tơroa thì mới hy vọng hạ nổi cái đô thành cao ngất, vững chãi, rộng lớn và giàu có này. Chính nhà tiên tri tài giỏi Cancax cũng khuyên quân Hy Lạp nên dùng mưu để tiến hành chiến tranh, bởi vì thần Dớt đã giáng xuống một điềm báo ngụ ý như thế. Sau nhiều đêm suy nghĩ thao thức, Uylix nghĩ ra một kế hiểm. Chàng tường trình với Hội đồng tướng lĩnh: đóng một con ngựa gỗ thật to, cho quân cảm tử vào trong bụng ngựa, sau đó quân Hy Lạp giả rút lui để lại con ngựa trên bãi chiến trường, bày mưu lừa quân Tơroa để chúng đưa con ngựa vào trong thành, quân cảm tử sẽ từ trong bụng ngựa chui ra giết quân canh, mở cung thành cho đại binh quay trở lại, đổ bộ, tiến vào thành. Không một ai phản bác mưu kế này của Uylix cả. Ngược lại, mọi người còn tin chắc rằng chỉ có dùng mưu như thế mới mong hạ nổi thành Tơroa.

Quân Hy Lạp bắt tay vào công việc. Danh tướng Êpâyôx (Êpeios), một người nổi tiếng vì có nhiều sáng kiến và có bàn tay thợ khéo léo được giao nhiệm vụ đóng con ngựa gỗ khổng lồ. Nhà tiên tri Prilix con của thần Hermex, vốn là người biết tài năng của Êpâyôx nên đã tiến cử chàng với Hội đồng tướng lĩnh. Quả là danh bất hư truyền, Êpâyôx chỉ huy quân Hy Lạp đốn gỗ, xẻ ván, đóng ghép rất tài tình, đâu vào đấy răm rắp như khi chàng chỉ huy đạo quân ba mươi chiến thuyền của chàng đổ bộ lên đất Tơroa. Thật ra chủ trương của Uylix không phải được chấp nhận dễ dàng như ta kể đâu. Các chủ tướng Hy Lạp đã bàn đi tính lại đủ mọi phương diện và cũng có không ít người lúc đầu tỏ vẻ không tin và không chấp thuận mưu chước của Uylix. Nhưng Uylix đã thuyết phục được tất cả. Và tất cả sau khi nghe ra đều nhất trí tán thưởng chủ trương của Uylix.

Nhưng mới xong được việc đầu tiên. Uylix lại phải đột nhập vào thành Tơroa một lần nữa. Lần này chàng giả làm một tên lính Hy Lạp bị bạc đãi, mình mẩy bị đánh đập thâm tím, mặt sưng húp, những vết máu trên người còn chưa khô. Tên lính này chạy sang hàng ngũ quân Hy Lạp cầu xin sự che chở. Hắn khai hắn bị Uylix ngược đãi, ức hiếp khiến hắn không thể nào sống nổi trong hàng ngũ quân Hy Lạp. Quân Tơroa tưởng thật, đón nhận ngay tên hàng binh đó. Thế là Uylix tìm cách lẻn đến gặp Hêlen, nói cho nàng biết kế sách của quân Hy Lạp giả vờ hồi hương nhưng mai phục ở một vùng biển kín đáo gần đây. Khi quân Tơroa đưa con ngựa gỗ vào thành thì Hêlen, vào lúc trời sẩm tối, phải lên ngay bờ thành cao đốt một đống lửa to làm tín hiệu. Nhìn thấy ánh lửa đó tức khắc các chiến thuyền của đại quân lao nhanh về vùng đồng bằng Tơroa, đổ quân lên bờ. Trong khi đó quân cảm tử từ trong bụng ngựa chui ra, giết quân canh, mở cổng thành. Nội công ngoại kích, trong đánh ra, ngoài đánh vào như vậy phần thắng có thể cầm chắc. Thành Tơroa bị đánh bất ngờ như thế chắc không thể nào chống đỡ nổi.

Hêlen nghe xong, lòng những nửa mừng nửa lo. Còn Uylix, chàng phải trở về ngay doanh trại quân Hy Lạp để tiếp tục thực thi kế sách của mình.

Con ngựa gỗ khổng lồ đã làm xong. Êpâyôx được nữ thần Atêna giúp đỡ đã đóng xong một con ngựa gỗ tuyệt đẹp. Bây giờ chỉ còn việc mời các chiến sĩ cảm tử chui vào nằm trong bụng ngựa. Trong số những chiến sĩ đó ta thấy có Uylix, Mênêlax, Philôctet, Điômeđ, Agiắc Bé con của Ôilê Iđômênê, Mêriông và Nêôptôlem cùng...

Một buổi sáng kia khi nàng Rạng Đông có đôi má ửng hồng vừa đặt những bước chân nhẹ nhàng lên mặt biển nhoẻn nụ cười sáng chào đón thế gian thì từ trên bờ thành cao của quân Tơroa, các tướng sĩ, chiến binh nhìn xuống chiến địa bỗng thấy một cảnh tượng rất đỗi lạ lùng. Họ tưởng như không tin vào mắt mình nữa. Chiến trường vắng bặt bóng quân Hy Lạp, vắng tanh, vắng ngắt. Chỉ còn lại lác đác một số ít đang nhổ trại để đưa xuống dăm ba con thuyền đang chờ ở bờ biển. Bọn này trước khi đi đã đốt hết những gì mà chúng không đem theo được. Thì ra đại quân của chúng đã bí mật cuốn gói rút lui từ đêm hôm trước rồi. Đây chỉ là toán rút cuối cùng. Nhưng trên bãi chiến trường hoang vắng, ngoài những đống lửa đang bừng bừng thiêu cháy những lều trại, quân Hy Lạp bỏ lại một vài con vật kỳ lạ. Đó là một con ngựa gỗ khổng lồ, một con ngựa đồ sộ, cao ngất tưởng như muốn sánh mình với những bức tường hùng vĩ của thành Tơroa. Những người Tơroa đứng trên bờ thành cao tưởng như vừa trải qua một cơn ác mộng. Thế là cuộc chiến tranh núi xương sông máu này tưởng chừng như vô cùng vô tận lại có ngày chấm dứt, chấm dứt một cách không ai ngờ được như thế này. Lại một lần nữa, nữ thần Atê - Lầm Lẫn làm cho những người Tơroa phạm sai lầm. Những người Tơroa loan báo cho nhau biết cái tin vui đó. Thế là mọi người trong thành chạy ùa ra ngoài bờ biển ca hát, reo hò. Họ kéo đến vây quanh lấy con ngựa gỗ khổng lồ ngắm nghía, xem xét, bàn tán. Người thì bảo nên đẩy nó xuống biển, người thì bảo châm cho nó một mồi lửa, kẻ thì lại khuyên nên đưa nó vào trong thành đặt ở quảng trường để ghi nhớ chiến công vĩ đại của người Tơroa. Đang khi mọi người bàn cãi thì bỗng nổi lên tiếng quát tháo, chửi rủa ầm ầm. Thì ra có người tìm được trong một bụi cây gần đấy một tên lính Hy Lạp. Đó là một tên lính Hy Lạp bị đồng đội bỏ rơi. Người ta xông đến chửi bới, đánh đập tên lính không tiếc tay, tiếc lời. Người ta giải tên lính đến trình lão vương Priam, nhà vua trị vì thành Tơroa. Priam ra lệnh xét hỏi. Nhưng tên lính mặt tái xanh tái xám đi vì sợ hãi, vì đau đớn cứ ấp a ấp úng không nói được nên lời. Dọa nạt, dụ dỗ, gạn hỏi mãi hắn mới nói, hắn mới hứa xin cung khai hết, cung khai thật đầy đủ, không giấu giếm một tí gì, song chỉ xin lão vương Priam và thần dân Tơroa sinh phúc tha tội cho hắn. Tất nhiên lão vương Priam sẵn sàng rộng lượng đối với một tên tiểu tốt vô danh.

Hắn khai tên hắn là Xinông (Sinon). Theo lời Xinông kể thì, hắn bị Uylix, ngược đãi ức hiếp đủ đường. Sở dĩ Uylix thù ghét hắn như thế là vì hắn là người có họ hàng máu mủ, bà con với Palameđ. Chúng ta chắc chưa ai quên Palameđ, người anh hùng đã bằng đầu óe sáng suốt của mình phát hiện ra cái trò giả vờ điên của Uylix để trốn tránh khỏi phải tham dự cuộc chiến tranh Tơroa, và vì thế đã bị Uylix trả thù lập mưu vu cáo là phản bội, tư thông với quân địch đến nỗi bị xử tử oan uổng.

Tệ hại hơn nũa, Uylix còn mưu toan giết Xinông. Khi quân Hy Lạp định từ bỏ cuộc vây hãm thành Tơroa, hồi hương, thì Uylix bảo nhà tiên tri Cancax phải làm một lễ hiến tế thần linh cầu xin cho hành trình trở về được thuận buồm xuôi gió. Nhưng vật hiến tế không phải là dê, cừu, bò, ngựa... mà phải là một người, một chiến binh Hy Lạp trai trẻ, khỏe mạnh. Lệnh Uylix ban ra như vậy, Cancax không dám bác bỏ. Nhưng ai sẽ là vật hy sinh trong lễ hiến tế này? Đó là điều Cancax băn khoăn. Nhưng Uylix đã áp đặt ngay cho Cancax biện pháp thi hành. Cancax phải nhân danh quyền uy của mình và thần thánh đòi hỏi, chỉ định: Xinông. Xinông phải là người làm vật hiến tế cho thần linh.

Tuân theo lời phán truyền của thần thánh, quân Hy Lạp bắt trói Xinông lại chờ lệnh ban ra là dẫn Xinông đến trước bàn thờ. Nhưng may sao, Xinông lợi dụng sơ hở của quân Hy Lạp gỡ được dây trói, trốn tránh, chui vào nấp trong một bụi cây và...

Lão vương Priam nghe xong liền quát hỏi:

- Được, được... Ta tạm coi như nhà ngươi đã khai báo thành thật. Thế nhưng còn chuyện con ngựa gỗ to tướng kia là duyên cớ làm sao? Vì sao quân Hy Lạp lại bỏ lại trên chiến trường một vật quý giá, kỳ công như vậy? Nhà ngươi muốn được ta mở lượng khoan hồng hãy khai báo trung thực rõ ràng. Nếu không đừng trách ta là người tàn ác.

Xinông lại ngoan ngoãn khai báo. Nguyên do là trước kia quân Hy Lạp đã có lần đột nhập vào nội thành ăn cắp bức tượng thần hộ mệnh Panlađiông, bảo vật của thành Tơroa. Hành động đó đã gây nên sự tức giận của nữ thần Atêna. Nhà tiên tri Cancax phát hiện thấy trên bầu trời nhiều đem gở chứng tỏ nữ thần Atêna đang nổi cơn thịnh nộ. Muốn tránh khỏi đòn trừng phạt, những tai ương chướng họa giáng xuống đầu quân Hy Lạp, quân Hy Lạp phải lập tức bồi thường một báu vật thay cho tượng Panlađiông. Báu vật đó, theo nhà tiên tri Cancax phán truyền, phải là một con ngựa gỗ. Con ngựa gỗ này sẽ được tôn thờ như một vị thần hộ mệnh của thành Tơroa. Nhưng đáng ra phải làm một con ngựa gỗ với kích thước vừa phải thì người Hy Lạp lại làm một con ngựa gỗ thật to, to đến mức sao cho người Tơroa không đưa được vào trong thành. Và như vậy, theo mưu tính của người Hy Lạp, thành Tơroa sẽ không còn tượng thần hộ mệnh và quân Hy Lạp mới hy vọng trong cuộc viễn chinh sau này sẽ kết thúc được số phận thành Tơroa.

Đó là tất cả lời khai của Xinông, nhưng là một lời khai bịa đặt do Uylix tạo dựng, bày đặt. Nhưng người Tơroa lại tin rằng Xinông nói thật. Lão vương Priam suy tính; nếu âm mưu của họ là làm cho ta không đưa được con ngựa gỗ vào thành, để không có thần hộ mệnh thì ta phải phá bằng được âm mưu đó. Ta sẽ đưa bằng được con ngựa gỗ vào trong thành. Và lão vương lớn tiếng truyền phán chỉ lệnh cho con dân thành Tơroa:

- Hỡi thần dân Tơroa! Hỡi ba quân Người Hy Lạp đã can tội lấy trộm của đô thành chúng ta bức tượng thần hộ mệnh Panlađiông. Các vị thần Ôlanhpơ coi đó là một hành động phạm thượng. Để tránh đòn trừng phạt của thánh thần, họ đền bồi lại cho chúng ta con ngựa gỗ này đây. Chúng bày mưu sâu kế hiểm những tính toán rằng, chúng ta phải chịu bó tay trước con vật khổng lồ mà họ làm ra, vì thế thành Tơroa hùng cường của chúng ta sẽ không có tượng thần hộ mệnh sẽ chẳng có thần thánh bảo hộ. Nhờ thế bọn chúng sẽ ngày một ngày hai trở lại vùng đồng bằng này và chỉ bằng vài trận giao tranh sẽ san bằng đô thành của chúng ta, đô thành Tơroa hùng vĩ giàu có, danh tiếng lẫy lừng của chúng ta. Nhưng chúng đã lầm. Thành Tơroa không bao giờ lại cam chịu là một đô thành không có tượng thần hộ mệnh. Hỡi thần dân! Hỡi ba quân! Hãy phá ngay một mảng tường thành và huy động mọi người kéo con ngựa gỗ vào quảng trường.

Lão vương Priam vừa dứt lời thì lập tức Laocôông (Laocoon) một viên tư tế của thần Apôlông, xông ra can ngăn mọi người lại. Laocôông khuyên mọi người hãy đề phòng kẻo trúng kế của Uylix, một tướng nổi danh là con người xảo trá, lừa lọc. Nhưng chẳng ai nghe lời khuyên của ông già tư tế. Người ta gạt phăng ông ta và bắt tay vào việc. Cực chẳng đã, ông liền giật lấy một ngọn lao và phóng thẳng vào bụng con ngựa gỗ. Ngọn lao đâm vào mặt gỗ rắn không xuyên thủng được và cũng chẳng cắm chặt được. Lao bật nảy ra làm vang lên một âm thanh rền rĩ, ngân nga chứ không khô khốc, ngắn gọn. Điều đó chứng tỏ con ngựa là một vật rỗng. Hơn nữa lại nghe thấy dường như có tiếng va chạm lích kích của kim khí. Tưởng thế thì quân Tơroa phải xem xét lại kỹ lưỡng con ngựa rồi mới đưa vào thành. Nhưng chẳng ai để ý lắng nghe được cái âm thanh ấy. Và cũng chẳng ai hiểu được việc làm tinh tế và thận trọng của Laocôông, hiểu được ý đồ của ông khi phóng vội ngọn lao vào bụng con ngựa gỗ. Liền sau đó một sự việc vô cùng khủng khiếp diễn ra trước mắt mọi người khiến mọi người lại càng lầm lạc. Sau khi Laocôông phóng ngọn lao, từ dưới biển bỗng đâu nổi lên hai con mãng xà. Mắt hau háu, màu đỏ lừ chúng lao thẳng vào bờ và quăng mình vun vút tới chỗ Laocôông và hai đứa con trai của ông đang đứng cạnh bàn thờ thần Pôdêiđông. Chúng lao tới chồm lên hai người con trai của Laocôông quấn thắt lại quanh người hai chàng trai như những sợi dây chão của một con thuyền xiết chặt vào gốc cây. Thấy vậy, Laocôông xông vào gỡ cho hai đứa con. Nhưng vô ích. Hai con rắn quấn luôn cả Laocôông và mổ, cắn chết cả ba cha con. Vì sao lại xảy ra câu chuyện khủng khiếp như thế. Ta phải dừng lại một chút để kể qua về Laocôông thì mới rõ được ngọn ngành. Laocôông là con của một vị anh hùng danh tiếng của thành Tơroa, Ăngtênor, mẹ của Laocôông là Têanô, em ruột của Hêquyp. Laocôông được giao cho trọng trách: chăm nom, trông coi việc thờ cúng thần Apôlông. Theo luật lệ của người xưa, những ai đã "bán mình" vào cửa thần thánh như thế, nguyện làm con thần cháu thánh, như thế thì không được lấy vợ, phải thề nguyền hiến dâng trọn đời mình cho thế giới thiêng liêng, cao cả của thần thánh và quên đi mọi lạc thú của cuộc đời trần tục tầm thường. Nhưng Laocôông không làm sao quên được cái lạc thú trần tục tầm thường của những con người trần tục, tầm thường. Vì thế chàng Laocôông đã vi phạm điều lệ nghiêm ngặt của những người làm nghề tư tế. Chàng lấy vợ, cứ lấy vợ và chẳng xin phép vị thần mình suy tôn, thờ cúng. Hành động đó khiến thần Apôlông nổi giận. Nhưng cho đến bây giờ, đến lúc này khi chàng trai Laocôông đã trở thành một ông già có hai con thì thần Apôlông mới giáng đòn trừng phạt. Tai họa khủng khiếp vừa xảy ra trước mắt những người Tơroa chính là đòn trừng phạt của Apôlông.

Nhưng những người Tơroa lại không hiểu được cội nguồn của sự việc đó. Một lần nữa thần Atê - Lầm Lẫn lại làm cho đầu óc họ lầm lẫn, mất cả tỉnh táo, khôn ngoan. Họ lại cho rằng, Laocôông bị trừng phạt là vì chống lại việc đưa con ngựa gỗ vào thành, là vì đã xúc phạm đến báu vật thiêng liêng mà người Hy Lạp đến bồi thường cho việc lấy mất bức tượng thần hộ mệnh Panlađiông, chống lại ý định của thần thánh. Và thế là người người nhà nhà, già trẻ gái trai dưới sự chỉ huy của các tướng lĩnh, kẻ dọn đường mở lối, kẻ phá tường thành, người trước kéo, người sau đẩy, hò la ầm ĩ, đưa con ngựa gỗ thẳng hướng tiến về quảng trường. Nhưng không phải chỉ có một Laocôông can ngăn. Còn một người nữa. Đó là nàng Caxxăngđrơ. Với tài tiên đoán kỳ diệu của mình, nàng đã nói lên những dự cảm đen tối cho quân Tơroa biết. Nhưng như đã kể trên, thần Apôlông đã làm cho lời tiên tri của nàng từ bao lâu nay, những lời tiên tri kỳ diệu của Caxxăngđrơ đều bị vô hiệu. Số phận của thành Tơroa không còn cách gì cứu vãn khỏi thảm họa diệt vong.

Lại có chuyện kể, hai con mãng xà từ dưới biển lên là do nữ thần Atêna ra lệnh. Nữ thần sợ Laocôông can ngăn, thuyết phục được người Tơroa do đó âm mưu của Uylix sẽ bị bại lộ, vì thế phải giết Laocôông ngay để "bịt đầu mối".

Ngày nay, trong văn học thế giới có thành ngữ - điển tích: Tặng vật của những người Đanaen với ý nghĩa ẩn dụ chỉ một sự việc gì, một vật gì bề ngoài thì có vẻ vô sự nhưng bên trong chứa đựng những mối hiểm nguy, hậu họa khôn lường. Nó bắt nguồn từ câu nói Laocôông: "... Hỡi những người Tơroa! Ta sợ những người Đanaen và tặng vật của họ đưa tới...".

Sau khi con ngựa gỗ được đưa vào thành thì tất cả mọi việc diễn ra tiếp theo đúng như sự hoạch định của Uylix. Hêlen được Xinông lẻn đến giúp đỡ, đất một đống lửa to trên bờ thành cao để làm ám hiệu cho quân Hy Lạp. Nhìn thấy ánh lửa, các chiến thuyền Hy Lạp nấp ở sau hòn đảo Tênêđôx lập tức rẽ sóng lao về vùng biển Tơroa. Chờ cho tới nửa đêm, Xinông lẫn đến bên con ngựa gỗ báo hiệu cho các chiến sĩ cảm tử biết đã đến giờ hành động. Các chiến sĩ Hy Lạp thoát nhanh ra khỏi bụng ngựa. Họ hành động hết sức nhẹ nhàng, khéo léo bởi vì chỉ sơ ý một chút là có thể làm tiêu tan công lao, mồ hôi nước mắt và xương máu của bao người. Uylix và Êpâyôx là hai người thoát ra trước tiên, tiếp đó đến những người khác. Việc đầu tiên là họ tiến thẳng đến chỗ mảng tường thành Tơroa bị phá, tiêu diệt lũ quân canh ở đó, và trụ lại ở đấy cho đến khi đại quân tới. Uylix ra lệnh bằng bất cứ giá nào cũng phải đánh chiếm bằng được chỗ đó và giữ bằng được chỗ đó. Nhưng chàng không cho tập trung toàn đội cảm tử đánh vào chỗ đó. Chàng tách ra một bộ phận để làm nhiệm vụ gây rối bằng cách phóng hỏa đất các kho tàng và nhà cửa. Thành Tơroa bắt đầu náo loạn. Trong khi đó đại quân Hy Lạp đã đổ bộ và ào ạt tiến vào. Nghe tin quân Hy Lạp tiến đánh, tình hình trong thành lại càng rối loạn thêm. Quân Tơroa không hiểu sự thể ra sao, hoàn toàn bị bất ngờ và từ bất ngờ chuyển sang hoang mang, tan rã. Chỉ có cuộc chiến đấu ở trong khu vực cung điện là ác liệt song quân Tơroa chống trả một cách cùng đường, tuyệt vọng và không có tổ chức. Những người Tơroa có ngờ đâu tới cơ sự, nông nỗi này. Sau khi đưa được con ngựa vào thành, toàn dân Tơroa vui mừng làm lễ hiến tạ ơn các thần linh và mở tiệc ăn mừng vui chơi cho tới khuya.

Cuộc tàn sát của quân Hy Lạp thật vô cùng man rợ và khủng khiếp. Người già, trẻ em bị giết ngay. Phụ nữ bị bắt làm tù binh. Tướng Nêôptôlem dùng rìu phá vỡ cửa cung điện của vua Priam rồi xông vào, theo sau là một toán tướng sĩ đông đảo. Con gái, con dâu, cháu chắt, họ hàng thân thiết của vua Priam sợ hãi ngồi quây quần phủ phục dưới chân bàn thờ các vị thần để cầu xin sự bảo hộ. Tiếng cầu khấn, than khóc vang lên ầm ĩ, ai oán. Thấy quân Hy Lạp xông vào, mọi người thét lên, rú lên kinh hãi, nép mình vào nhau. Lão vương Priam toan cầm lao xông ra quyết một phen tử chiến cho hả lòng căm phẫn nhưng bị lão bà Hêquyp ngăn lại. Trông thấy Nêôptôlem, Pôlitex, một người con trai của lão vương Priam vùng bỏ chạy. Chàng bị thương trong cuộc giao tranh, giờ đây không còn sức lực để tiếp tục đương đầu với kẻ thù, vì thế chàng bỏ chạy hy vọng tránh khỏi cái chết. Nhưng Nêôptôlem đã nhanh chân đuổi theo, phóng luôn một ngọn lao trúng lưng Phôlitex khiến chàng ngã chúi xuống tắt thở ngay trước mắt Priam. Thấy Priam tay đang cầm một ngọn lao, Nêôptôlem xông tới. Priam phóng lao. Nhưng ngọn lao tử tay một người già yếu phóng đi chỉ quệt được vào chiếc khiên của Nêôptôlem là rơi xuống. Nêôptôlem hung hãn như cha mình khi xưa, chạy tới túm ngay mớ tóc bạc của cụ già, kéo lôi cụ xềnh xệch trên mặt đất và rút kiếm ra thọc mạnh vào ngực cụ. Số phận những con đàn cháu đống của lao vương Priam cũng kẻ bị giết, người bị bắt làm tù binh rất bi thảm. Nêôptôlem (thần thoại La Mã: Piaruyx) còn làm một việc tàn bạo không thể tưởng tượng được: chàng giật lấy đứa bé Axchianắc, con của Hector, từ tay người mẹ thương yêu của nó là Ăngđrômac, ném từ trên mặt thành cao xuống dưới chân thành. Tướng Mênêlax tìm giết Đêiphôbơ, kẻ đã lấy Hêlen sau khi Parix chết. Trong cơn tức giận điên cuồng khi gặp Hêlen bên Đêiphôbơ, chàng toan kết liễu luôn cuộc đời Hêlen, người đàn bà đã gây ra bao nỗi bất hạnh cho chàng và cho cuộc đời của thần dân Hy Lạp. May thay chủ tướng Agamemnông kịp thời can ngăn lại, và đáng quý hơn nữa, nữ thần Aphrôđitơ lại truyền vào trái thông minh Mênêlax lòng vị tha, tình yêu nồng thắm, đắm say đối với nàng Hêlen diễm lệ. Vì thế Mênêlax nguôi nỗi ghen giận, dắt tay vợ đưa xuống thuyền nghỉ để chờ ngày trở về Hy Lạp. Nàng Caxxăngđrơ trong cơn binh lửa, chạy vào trong đền thờ nữ thần Atêna ẩn nấp. Tướng Giặc Bé xộc vào đền bắt nàng. Mặc dù lúc ấy Caxxăngđrơ đã quỳ trước tượng nữ thần Atêna và ôm lấy chân nữ thần nhưng Agiắc Bé vẫn không tha. Chàng nắm lấy cánh tay nàng, giật mạnh lôi đi. Bức tượng Atêna vì thế mà bị đổ, vỡ tan ra từng mảnh. Quân Hy Lạp bất bình vì hành động xúc phạm đến thần linh của Agiắc. Còn nữ thần Atêna đương nhiên là giận dữ gấp bội rồi, chắc chắn sẽ có ngày nữ thần trừng phạt.

Thành Tơroa bị tàn sát, cướp bóc, đất phá khủng khiếp đến mức các vị thần của thế giới Ôlanhpơ cũng phải rùng mình hãi hùng, ghê sợ. Xác người chết ngổn ngang: Tiếng người rên la kêu khóc hòa lẫn với tiếng hò la, cười đùa đắc chí của kẻ chiến thắng tạo thành một bầu không khí hỗn loạn điên cuồng. Nhà cửa bị cháy đổ sập, cột kèo nham nhở, gạch ngói ngổn ngang, của cải, đồ đạc vương vãi, hỗn độn. Trong cơn binh lửa bạo tàn ấy chẳng biết ai chết, ai bị bắt làm tù binh, còn mất những ai. Quân Hy Lạp thì đua nhau khuân vác của cải đưa xuống thuyền. Còn quân Tơroa thì những người sống sót lê bước tìm những người thân. Ở một góc thành Tơroa dần dần tụ tập một nhóm người. Trong số này có vị anh hùng Ênê con của lão vương Ăngkidơ và nữ thần Aphrôđitơ. Chàng cõng người cha già trên lưng, còn tay dắt đứa con nhỏ tên là Axcanhơ (Ascagne). Chàng không quên đeo, ôm bên người mấy bức tượng thờ của đô thành Tơroa, những bức tượng tuy nhỏ bé nhưng rất thiêng liêng vì đó là những bức tượng biểu trưng cho dòng giống người Tơroa và bảo hộ cho giống nòi Tơroa. Len lỏi qua các đường, ngõ bị nhà cửa đổ, cháy làm tắc nghẽn, chàng đưa được người cha già và đứa con nhỏ đến nơi an toàn. Tại đây, chàng gặp lão vương Ăngtênor. Quân Hy Lạp đã bắt được cụ nhưng không giết cụ vì họ nhớ cụ là người thường khuyên nhủ những người Tơroa trả lại nàng Hêlen diễm lệ cho Mênêlax để tránh một cuộc chiến tranh lợi hại cho sinh linh trăm họ. Dưới sự chỉ huy của Ênê, những người sống sót xuống thuyền vượt biển đi sang phía Tây để tìm đất xây dựng một cơ nghiệp mới, một đô thành mới thừa kế truyền thống hùng mạnh của thành Tơroa. Đố thành đó như điều tiền định của Số Mệnh sẽ là đô thành Rôma (Roma) trên vùng đồng bằng Laxium (Latium) ở miền Trung bán đảo Italia. Nhưng đó là chuyện tương lai. Và tương lai nằm trong sự tiên định của Số Mệnh và thần thánh. Còn bây giờ, sau lưng đám người Tơroa rời bỏ quê hương ra đi, đô thành Tơroa vẫn bốc cháy tỏa khói ngùn ngụt lên tận trời xanh. Các vị thần Ôlanhpơ xót xa thương tiếc cho một đô thành vĩ đại nhất ở châu Á bị sụp đổ. Nhân dân ở các đô thành láng giềng quanh Tơroa nhìn thấy quầng lửa sáng rực một góc trời, chẳng cần ai báo tin, cũng biết rằng thành Tơroa hùng vĩ trấn giữ eo biển Henlexpông lối đi vào biển Pông - Ơxin đã bị quân Hy Lạp kết liễu cuộc đời oanh liệt của nó.

Ngày nay trong văn học thế giới, thành ngữ - điển tích Con ngựa thành Tơroa chỉ một lực lượng nội ứng, một nhân tố phá hoại từ bên trong, một công việc có tay trong giúp đỡ. Cũng có khi nó được hiểu và sử dụng tương đương với thành ngữ - điển tích Tặng vật của những người Đanaen.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: