Thần rượu nho Điônidôx(1)
[(1) Dionysos, thần thoại La Mã: Bacchus]
Thần Rượu nho Điônidôx là con của thần Dớt và một người phụ nữ trần tục tên là Xêmêlê (Sémélé). Là vị thần đã dậy cho con dân đất Hy Lạp nghề trồng nho và nghề ép rượu nho, một nghề đem lại cho con người bao nguồn lợi và niềm vui cho nên Điônidôx được nhân dân Hy Lạp vô cùng biết ơn và sùng kính. Nếu chúng ta coi nữ thần Atêna người đã ban cho con dân Hy Lạp cây ôlivơ và dạy họ ép dầu ôlivơ; thần Thợ Rèn Hêphaixtôx, người đã truyền dạy nghề thủ công; nữ thần Đêmêtê, người đã truyền dạy nghề nông là những vị "thượng đẳng phúc thần" thì đương nhiên chúng ta phải xếp Điônidôx vào danh sách cao quý đó. Thế nhưng, than ôi! Cuộc đời của vị ''thượng đẳng phúc thần'' này lại hẩm hiu, gian truân, long đong, vất vả hết chỗ nói. Hêphaixtôx chỉ bị thọt chân, Đêmêtê chỉ đau khổ một thời gian rồi lại được gặp Perxêphôn, còn Điônidôx thì khổ cực từ tấm bé, khổ từ trong bụng mẹ khổ đi. Chuyện về cuộc đời của Điônidôx cho đến nay kể năm, kể tháng không biết tính được là bao lâu. Ấy thế mà dường như đối với người dân Hy Lạp, chuyện về cuộc đời của vị thần ấy như vừa mới xảy ra đâu đó năm ngoái, năm kia. Chưa ai quên được, chưa ai là người khi vui nâng cốc rượu nho chúc tụng sức khỏe cùng bạn bè, khi vui bước chân vào nhà hát xem diễn kịch lại quên mất công lao to lớn của vị thần Điônidôx.
Thần Dớt có một mối tình ''vụng trộm'' với một người phụ nữ trần tục tên là Xêmêlê. Để tránh sự theo dõi của nữ thần Hêra, vợ mình, Dớt thường biến hình, biến dạng, thành một chàng trai, một người trần thế, xuống ái ân, tình tự với Xêmêlê. Nhưng đó chỉ và sự che giấu tung tích đối với Hêra. Còn đối với Xêmêlê thì Dớt chẳng những không hề giấu kín tung tích mà con khoe khoang về địa vị "Dớt" của mình khá nhiều. Có một lần trong lúc đắm nguyệt, say hoa, Dớt đã hứa với Xêmêlê sẽ vì nàng, vì tình yêu của nàng mà săn sàng làm bất cứ điều gì mà nàng mong muốn, sẵn sàng chiều theo ý muốn của nàng để đền đáp lại mối tình say đắm của nàng. Dớt khoe khoang, tự hào với người yêu về địa vị và quyền lực của mình thì người yêu của Dớt cũng khoe khoang với bạn bè về địa vị và quyền lực, thậm chí rất lấy làm hãnh diện về Dớt, Dớt hứa với Xêmêlê như thế và viện dẫn đến dòng nước thiêng liêng cùng con sông âm phủ Xtích để làm chứng cho lời hứa của mình. Tai họa bắt đầu từ chỗ đó.
Nữ thần Hêra với con mắt xoi mói lần này không nổi cơn thịnh nộ như những lần trước. Nàng biết hết mọi hành động ám muội của chồng. Nàng lại còn biết chồng mình đã chỉ non thề biển những gì với Xêmêlê. Vì thế Hêra nghĩ ra một cách trừng trị Xêmêlê rất thâm độc. Nàng xúi giục bạn bè của Xêmêlê gièm pha người yêu của Xêmêlê, rằng đó chẳng phải là một vị thần đầy quyền thế như Xêmêlê vẫn thường khoe mà thực ra chỉ là một anh chăn chiên tầm thường. Hêra lại còn biến dạng, biến hình thành người nhũ mẫu của Xêmêlê để xúi giục Xêmêlê phải đòi Dớt biểu lộ quyền lực của mình, chứng minh được rằng mình đích thị là thần Dớt.
Nghe theo những lời xúi giục ấy, Xêmêlê, một bữa kia khi gặp Dớt, năn nỉ đòi Dớt, hãy hiện ra với tất cả phong thái uy nghi, vô địch của mình. Dớt lắc đầu quầy quậy, một mực chối từ, bảo cho Xêmêlê biết đó là một ước muốn điên rồ và vô cùng nguy hiểm. Dớt khuyên Xêmêlê hãy từ bỏ ngay đời hỏi đó và nhắc lại cho nàng biết, trừ đòi hỏi muốn Dớt biểu lộ uy quyền ra, còn thì bất cứ đòi hỏi gì Dớt cũng sẽ làm nàng thỏa mãn. Song le nước mắt của phụ nữ vốn có một sức mạnh. Hơn nữa lại còn thề nguyền cam kết có sự chứng giám của nước sông Xtich. Có thể nào bậc phụ vương của các thần và người trần thế lại vi phạm lời thề nguyền thiêng liêng? Và cuối cùng Dớt hiện ra với tất cả vẻ uy nghi đường bệ, oai phong lẫm liệt thật xứng đáng là vị thần tối cao của thế giới thần thánh và loài người. Dớt lạnh lùng và nghiêm nghị vung tay một cái lên cao rồi giáng xuống. Một tiếng nổ xé tai. Bầu trời chói lòa ánh sáng, mặt đất run lên giần giật như một con thú bị tử thương đang giãy chết. Xêmêlê không kịp kêu lên một tiếng. Nàng ngã vật xuống đất lìa đời vì không chịu đựng nổi tiếng sét kinh thiên động địa vôi ánh sáng chói lòa của chồng mình. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng trong cuộc đời của Xêmêlê được thấy rõ quyền uy và sức mạnh của Dớt, được tin chắc, tin như đinh đóng cột rằng người yêu của mình là vị thần tối cao. Sấm sét của Dớt làm rung chuyển cả cung điện của vua Cađmôx, người đã xây dựng lên thành Tebơ bẩy cổng. Lửa bốc cháy tràn lan làm sụp đổ nhiều lâu đài, dinh thự. Xêmêlê chết vào lúc đang có mang Điônidôx. Thần Dớt nhanh tay lấy được đứa con trong bụng mẹ ra trước khi lửa thiêu cháy thi thể Xêmêlê. Nhưng đứa bé chưa đủ ngày đủ tháng, Dớt phải mổ đùi mình ra đưa đứa bé vào rồi khâu lại, nuôi nó trong đùi ba tháng nữa rồi mới cho nó ra đời. Hơn nữa làm như vậy lại che được con mắt tinh quái của Hêra. Và đến ngày Điônidôx ra đời. Lại một sự sinh nở thần kỳ nữa! Lần trước Dớt đẻ Atêna ra từ đầu, lần này Dớt đẻ Điônidôx ra từ đùi. Đẻ xong, Dớt giao cho thần Hermex đem đến thung lũng Nida gửi các tiên nữ Nanhphơ nuôi hộ. Chẳng phải chỉ ở thần thoại Hy Lạp mới có cái chuyện sinh nở huyền hoặc và kỳ diệu như thế này một ''ca'' rất lôi thôi, phiền toái cho công việc hộ sinh! Thần thoại Ấn Độ cho chúng ta biết, thần Mẹ Đất đã sinh ra thần Inđra từ... sườn. Còn thần thoại Phật giáo thì kể rằng, hoàng hậu Maya sinh ra Đức Phật từ... cũng từ sườn!
Thật ra thì trước khi Điônidôx đến tay các tiên nữ Nanhphơ ở thung lũng Nida, thần Hermex đã trao Điônidôx cho nhà vua Atamax (Athamas) trị vì ở đô thành Orkhômen xứ Bêôxi nuôi nấng hộ. Atamax là con rể của vua Cađmôx, vợ Atamax là Inô (Ino), chị ruột của Xêmêlê. Có chuyện kể, khi Dớt thể hiện quyền lực của mình, giáng sấm sét, Xêmêlê ngã lăn ra chết và đó cũng là lúc nàng đẻ rơi ra Điônidôx. Khi ấy, khói mù mịt, lửa cháy ngùn ngụt xung quanh. Trong tình cảnh nguy hiểm như thế thì may gặp một phép lạ xuất hiện, từ dưới lòng đất bỗng mọc lên một giống cây leo. Chỉ trong nháy mắt cây này đã mọc thành một bụi, vươn rộng tỏa dài um tùm trùm phủ lấy đứa bé mà Xêmêlê vừa đẻ rơi, ngăn không cho ngọn lửa xâm phạm đến. Nhờ nó Dớt mới kịp thời đến bế lấy con và đưa vào trong đùi nuôi tiếp cho đủ chín tháng mười ngày.
Atamax và Inô nuôi con của Dớt. Việc này không thoát khỏi con mắt của Hêra. Vị nữ thần ghen nổi tiếng nổi tăm này lại giáng tai họa trừng phạt. Hêra làm cho Atamax mất trí hóa điên. Trong một cơn điên ghê gớm, Atamax giết chết tươi đứa con trai yêu dấu của mình là Lêarkhôx (Léarchos). Nhà vua lại còn lao vào toan giết vợ và giết mất đứa con trai nữa, Inô dắt con, chú bé Mêlikertơ (Mélikerte) chạy trốn. Nhưng Atamax gào thét, lao đuổi theo hai mẹ con, Inô chạy được một lúc thì cùng đường vì phía trước là vách núi cắt thẳng xuống biển. Atamax thì chẳng còn mấy bước nữa là tóm bắt được hai mẹ con. Trong lúc cùng quẫn, Inô bế con nhảy xuống biển. Các tiên nữ Nêrêiđ đón được hai mẹ con. Inô được biến thành một nữ thần Biển mang tên là Lơcôtê (Leucothée), còn Mêlikertơ được biến thành một nam thần Biển mang tên là Palêmông (Palémon).
Đối với cha mẹ nuôi Điônidôx là như thế. Còn đối với Điônidôx tất nhiên nữ thần Hêra phải tìm mọi cách để thanh trừ. Thần Dớt phải biến đứa con yêu quý của mình thành một con dê rồi giao cho Hermex đưa đi giấu ở chỗ này, chỗ khác. Sau cùng Dớt giao chú bé Điônidôx cho các tiên nữ Nanhphơ ở thung lũng Nida nuôi dưỡng giúp. Đây là những tiên nữ đẹp nhất trong thế giới các tiên nữ Nanhphơ.
Người xưa kể sắc đẹp của các tiên nữ Nanhphơ ở thung lũng Nida là báu vật của thế giới thần thánh. Vì thế chưa từng một người trần thế nào có diễm phúc được chiêm ngưỡng sắc đẹp đó. Tên các Nanhphơ này là những nàng Hyađ (Hyades). Vì công lao nuôi dưỡng chú bé Điônidôx, con của thần Dớt vĩ đại, nên sau này các nàng tiên được thần Dớt biến thành một chòm sao trên trời. Nhưng có nhiều người bác bỏ chuyện này, họ kể rằng các nàng Hyađ có bảy chị em. Em trai ruột của các nàng là Hyax (Hyas) không may trong một cuộc đi săn ở xứ Libi bị sư tử vồ chết. Thương nhớ người em ruột các nàng Hyađ khóc mãi khôn nguôi, khóc hết ngày này qua ngày khác và cầu khấn thần Dớt. Để an ủi nỗi đau thương của các nàng và cũng để chấm dứt những dòng nước mắt triền miên, thần Dớt đã biến bảy chị em thành một chòm sao ở trên trời nằm trong dải Tôrô (Taureau). Nhưng các Hyađ vẫn không nguôi thương nhớ người em ruột bất hạnh của mình. Các nàng vẫn khóc. Người Hy Lạp xưa kể rằng, mỗi khi thấy các Hyađ xuất hiện ở chân trời vào lúc mặt trời mọc hay mặt trời lặn là sắp có mưa. Hyađ tiếng Hy Lạp có nghĩa là ''Hay mưa'' (Pluvieuses).
Thấm thoắt chẳng rõ bao nhiêu năm, Điônidôx trưởng thành, không rõ có bị nữ thần Hêra trả thù không, chàng nổi cơn điên, đi lang thang khắp cùng trời cuối đất. Đi tới đâu chàng cũng truyền dạy cho nhân dân nghề trồng nho và nghề ép rượu. Từ Ai Cập qua Xiri, Phrigi, có người nói chàng còn viễn đu sang cả Ấn Độ nữa rồi mới trở về Hy Lạp, đâu đâu thần Rượu nho Điônidôx và đoàn tùy tùng cũng được tôn trọng kính yêu. Song không phải cuộc đời của vị thần này không gặp những bước gian truân, trắc trở. Tặng vật của thần ban cho loài người, rượu nho, có lúc bị người đời hiểu lầm đó là thứ nước bùa mê, ma quái. Uống vào làm đầu óc choáng váng, mê mê tỉnh tỉnh, còn trong người thì máu chảy giần giật, bốc nóng bừng bừng. Vì thế đã xảy ra không ít những sự hiểu lầm đáng tiếc.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top