Quân Hy Lạp lại tập trung ở Ôlix

Đoàn chiến thuyền của Hy Lạp trở về Ôlix. Nhiều tướng lĩnh kéo thuyền lên bờ. Một số tướng khác thì chán nản chẳng ở lại doanh trại trên bờ biền mà bỏ về nhà, trong số này có vị tổng chỉ huy Agamemnông. Không ai biết ngày nào sẽ xuất quân. Chẳng phải các anh hùng, binh sĩ đã mất hết nhuệ khí sau trận bão mà chỉ vì không có người dẫn đường chỉ lối. Cần phải tìm được một người dẫn đường. Và người đó chỉ có thể là Têlephơ.

Lại nói về Têlephơ. Sau khi bị thương vào bụng, Têlephơ cố sức chữa chạy nhưng tiếc thay vết thương chẳng những không lành mà lại ngày càng thêm nặng làm cho Têlephơ vô cùng đau đớn. Cùng quá, Têlephơ phải cho người sang đền thờ Đenphơ xin thần Apôlông một lời chỉ dẫn. Cô đồng Piti truyền cho biết, chỉ có người làm Têlephơ bị thương mới chữa khỏi viết thương. Thế là Têlephơ phải lặn lội sang đất Hy Lạp. Chàng giả dạng làm một ông già ốm yếu chống gậy đến đô thành Miken của tướng Agamemnông định bụng nhờ chủ tướng nói với người anh hùng Akhin chữa chạy cho mình. Người đầu tiên bắt gặp Têlephơ đi vào cung điện là nàng Clitemnextơrơ, vợ của Agamemnông. Têlephơ bèn nói rõ cho nàng biết mình từ đâu đến và nhằm mục đích gì. Nghe Têlephơ nói rõ sự tình, Clitemnextơrơ bày cho người anh hùng bị thương đó một kế phải vào cung bắt sống ngay đứa con trai của Agamemnông, lúc này còn đang nhỏ tên là Orextơ (Oreste) và dùng đứa bé làm con tin. Nếu Agamemnông mà không bảo đảm mời được Akhin tới chữa lành cho Têlephơ thì Têlephơ sẽ giết chết tươi đứa bé. Têlephơ làm theo kế đó. Phần vì sợ Têlephơ giết mất đứa con, phần vì biết Têlephơ là người am hiểu đường đến thành Tơroa nên Agamemnông rất nhiệt tình giúp Têlephơ. Ông cho người mời Akhin đến và giao cho Akhin chữa lành vết thương của Têlephơ. Akhin rất lấy làm ngạc nhiên khi được giao nhiệm vụ này bởi vì không có am hiểu gì đâu về thuật chữa bệnh. Nhưng người anh hùng Uylix đã nói cho chàng biết: không cần phải đi tìm thuốc men ở đâu xa, chỉ cần cạo gỉ sắt ở đầu ngọn lao của Akhin ra rắc vào vết thương là khỏi, nhưng phải nhô là gỉ sắt ở ngọn lao của Akhin. Thế là chỉ ít ngày sau vết thương của Têlephơ lành hẳn. Thật là kỳ diệu. Được chữa khỏi bệnh, Têlephơ rất vui mừng. Đền đáp lại, chàng sẵn sàng dẫn quân Hy Lạp vượt biển đổ bộ lên đất Tơroa.

Lại một lần tập trung quân sĩ. Lại làm lễ hiến tế cầu khấn thần linh. Nhưng ác hại thay trời vẫn không thuận gió. Cầu khấn hết ngày này qua ngày khác mà chờ đợi vẫn hoàn chờ đợi. Mọi người lại phải mời nhà tiên tri già đầu bạc Cancax lên tiếng. Cụ già sau khi tính tính toán toán bằng pháp thuật của mình bèn phán truyền rằng, nguyên nhân của tai họa này là vì Agamemnông đã xúc phạm đến nữ thần Artêmix. Muốn làm nguôi cơn thịnh nộ của nữ thần, theo Cancax, Agamemnông phải hiến dâng cho nữ thần nàng Iphigiêni (Iphigénie) con gái của mình, một trinh nữ, để nữ thần dùng làm người tháp tùng. Vì sao Agamemnông lại phải chịu một sự chuộc tội đau đớn, khủng khiếp đến thế. Ông ta đã phạm tội gì? Người xưa kể: có một lần Agamemnông ba hoa trước bạn bè, quân sĩ rằng trong một cuộc đi săn ông ta đã hạ được một con hươu cái mà đẹp vả tài chạy nhanh của nó thì ngay đến cả hươu của nữ thần Artêmix cũng khôn tài gì sánh nổi. Có chuyên lại kể, vì quân Hy Lạp đã giết mất của nữ thần Artêmix một con thỏ tuyệt đẹp, một con thỏ mà xưa nay nữ thần vẫn sùng ái. Nhưng lại có người kể, và xem ra cách kể này có vẻ đúng hơn, rằng, xưa kia Atơrê, cha của Agamemnông đã bội ước với nữ thần Artêmix. Năm ấy, nhẽ ra Atơrê phải giết một con cừu có bộ lông vàng (có chuyện kể là con hươu) để dâng Artêmix thì Atơrê giấu đi và thay thế bằng một con cừu bình thường. Vì lẽ đó bây giờ con của Atơrê phải chuộc tội cho cha.

Nghe lời phán truyền của Cancax, Agamemnông sợ hãi rụng rời. Ông muốn ra lệnh bãi binh để khỏi phải giết người con gái yêu quý. Nhưng Mênêlax và các tướng lĩnh Hy Lạp đòi ông, buộc ông phải tuân theo ý muốn của thần lanh. Cuối cùng, Agamemnông phải sai quân hầu về gọi Iphigiêni tới Ôlix. Nhưng tới Ôlix để làm gì? Agamemnông bịa ra một chuyện: Akhin có ý định làm lễ kết hôn với Iphigiêni trước khi lên đường chinh chiến. Mặt khác, Agamemnông lại sai người mật báo cho vợ đừng có dẫn Iphigiêni đến Ôlix. Chẳng may người này bị Mênêlax bắt được. Biết chuyện, Mênêlax không còn nể nang anh em gì nữa, mắng nhiếc Agamemnông thậm tệ kết tội anh mình là kẻ phản bội lại quyền lợi của con dân Hy Lạp. Cuộc đấu khẩu diễn ra khá căng thẳng. Trong khi đó có người đến báo tin Clitemnextơrơ cùng với hai con là Iphigiêni và Orextơ tới. Tình cảnh lúc này thật khó xử và đã xảy ra những chuyện lầm lẫn tức cười. Gặp vợ và con gái, Agamemnông không sao che giấu được nỗi buồn, nhưng cũng không dám nói thật cho vợ và con gái biết. Còn Iphigiêni thì vô cùng thắc mắc trước vẻ mặt buồn bã, bối rối, lúng túng của cha, nhất là khi thấy cha khuyên mẹ nên trở về Miken ngay.

Lại đến chuyện khi Akhin đi tìm Agamemnông để thông báo cho chủ tướng biết tình hình binh sĩ đang nóng ruột chờ đợi lệnh xuất phát thì gặp Clitemnextơrơ. Biết vị anh hùng đi tìm chồng mình là Akhin, người sắp làm lễ thành hôn với con gái mình. Clitemnextơrơ niềm nở hỏi han và... và coi chàng như con rể. Akhin ngạc nhiên hết sức vì chàng chưa bao giờ ngỏ ý muốn kết hôn với con gái của Agamemnông. Vì lẽ đó khi rõ chuyện Clitemnextơrơ rất ngượng. Vừa khi ấy, một gia nhân của Clitemnextơrơ biết sự thật của việc gọi Iphigiêni đến Ôlix bèn nói rõ cho nàng biết. Clitemnextơrơ kinh hoàng, rụng rời cả người. Trong phút quẫn bách ấy, nàng quỳ xuống trước mặt Akhin xin chàng rủ lòng thương bảo vệ cho tính mạng người con gái của nàng. Akhin xúc động trước những lời than khóc cầu xin của Clitemnextơrơ, đã thề hứa sẽ bảo vệ cho Iphigiêni. Chợt Agamemnông về, thế là xảy ra xung đột giữa hai vợ chồng. Clitemnextơrơ trách chồng tàn nhẫn, dối trá, lừa lọc. Agamemnông ra sức giãi bày, thanh minh với vợ, rằng ông ở vào một tình thế khó xử, rằng ông không thể vì tình riêng mà quên đi việc lớn của cả đất nước Hy Lạp, rằng đoàn quân Hy Lạp đang nóng lòng được sớm bước vào cuộc giao tranh với người Tơroa. Nếu chống lại, đi ngược lại ý chí của toàn quân ông sẽ bị họ trừng trị và cuối cùng thì Iphigiêni vẫn cứ phải làm vật hiến tế để dâng cho nữ thần Artêmix.

Lại xảy ra một vụ rối loạn. Akhin tuyên bố trước ba quân, không cho một ai đụng đến Iphigiêm, không cho một ai đem nàng đi làm lễ hiến tế vì nàng là vợ chưa cưới của mình. Quân sĩ bất bình, nhao nhao phản đối, ném đá tới tấp vào Akhin khiến chàng phải chạy về lều của mình và cử những bạn bè tâm huyết ra tay gươm tay giáo để sẵn sàng chống đỡ. Cùng lúc đó, Uylix dẫn đầu một số quân sĩ xông đến lều của Agamemnông, đòi vị Tổng chỉ huy phải thực hiện đúng lời truyền phán của thần thánh để đoàn quân Hy Lạp sớm được xuất phát. Nếu kéo dài mãi cái cảnh ăn chực nằm chờ thì quân đội có nguy cơ tan rã.

Đang lúc rối ren khó xử ấy thì Iphlgiêni đứng ra kêu gọi mọi người hãy bình tĩnh, hòa giải với nhau. Nàng tuyên bố sẵn sàng hy sinh thân mình, tự nguyện hy sinh thân mình cho sự nghiệp lớn của con dân Hy Lạp. Nàng không muốn cưỡng lại ý chí của thần thánh, của nữ thần Artêmix, người Trinh Nữ Xạ thủ có cây cung vàng. Nàng khuyên Akhin hãy từ bỏ lời thề hứa thiêng liêng bảo vệ nàng. Nàng nói:

- Hỡi các vị dũng tướng, anh hùng! Hãy cho ta tiến đến trước bàn thờ của nữ thần Artêmix để ta đón nhận một cái chết vinh quang! Một người con gái Hy Lạp dù sao cũng biết hiến thân cho sự nghiệp anh hùng của toàn dân như các anh hùng, dũng sĩ. Xin hãy để cho người con gái đó tiến đến trước bàn thờ nữ thần Artêmix để đón nhận cái chết như những anh hùng, dũng sĩ tiến đến trước mũi lao của kẻ thù, đón nhận một cuộc giao tranh đẫm máu! Rồi mai đây khi thành Tơroa bị người Hy Lạp đánh chiếm. Chiến công vinh quang của họ chính là chiến công vinh quang của ta. Vì thế ta không ân hận nuối tiếc gì khi sớm phải từ giã cuộc đời vào lúc đầu xanh tuổi trẻ. Bởi vì chết cho sự nghiệp vinh quang của người Hy Lạp là một cái chết anh hùng, một cái chết đáng được lưu đanh muôn thuở...

Nói xong, nàng dũng cảm tiến thẳng đến trước bàn thờ. Nàng đi giữa hai hàng quân khiên giáp sáng ngời, dáng đi uy nghi, lộng lẫy, oai hùng sánh tựa thần linh. Agamemnông nhìn con gái nước mắt lã chã tuôn rơi. Iphigiêni dừng lại, đứng thẳng trước bàn thờ nữ thần Artêmix, Người Trinh Nữ Xạ thủ có cây cung vàng, mắt ngước nhìn lên với vẻ thành kính chứa chan. Người truyền lệnh cầm loa truyền báo cho toàn quân biết lễ hiến tế sắp sửa bắt đầu. Một bầu không khí trang nghiêm, lạnh lùng, nặng nề bao trùm lên cả đạo quân đang đứng im phăng phắc. Lão vương Cancax, nhà tiên tri già đầu bạc tiến ra đội lên đầu người trinh nữ một vòng hoa rồi dẫn nàng đến quỳ trước bàn thờ. Sau khi làm những lễ nghi như vẩy rượu thánh, rắc bột trộn với muối lên vật hiến tế, người chủ lễ lên tiếng cầu khấn thần thánh cho đoàn quân Hy Lạp xuất quân được thuận buồm xuôi gió và giành được chiến thắng vẻ vang. Một tên lính hầu đem đến đấng lão vương Cancax một chiếc khay vàng trên đặt một con dao nhọn. Cancax cầm dao tiến đến sát mặt Iphigiêni, đưa một tay ra nắm lấy tóc nàng kéo giật về phía sau rồi thọc mạnh mũi dao vào cổ nàng. Nhiều người nhắm mắt lại không dám nhìn cảnh khủng khiếp ấy. Có tiếng khóc nấc lên. Máu từ cổ nàng trào ra đỏ thắm. Nhưng kìa lạ thay, không phải là Iphigiêni bị ngã gục trước bàn thờ mà là một con hươu, một con hươu bị đâm vào cổ, máu trào ra đỏ thắm đang nằm quằn quại, giãy giụa. Một phép màu nhiệm đã diễn ra. Nữ thần Artêmix đã đến cướp người trinh nữ xinh đẹp ấy đi và thay thế bằng một con hươu. Toàn quân Hy Lạp vô cùng sửng sốt trước kỳ tích ấy. Họ hiểu ngay rằng nữ thần Artêmix đã chấp nhận lời cầu nguyện của họ. Lão vương Cancax reo to lên:

- Hỡi những người Hy Lạp thần thánh! Nữ thần Artêmix đã chấp nhận lễ vật và những lời cầu xin của chúng ta! Hãy reo vang lên và tin chắc rằng chúng ta sẽ xuất quân thắng lợi!

Toàn quân Hy Lạp đồng thanh thét lớn và chuyển động như một khu rừng gặp trận gió mạnh. Agamemnông chạy vội về báo tin cho Clitemnextơrơ biết kỳ tích vừa xảy ra. Sau đó vị Tổng chỉ huy ra lệnh cho ba quân nhổ trại xuống thuyền giương buồm vượt biển. Vì trời đã nổi gió. Vì gió đã nổi lên rồi, những cơn gió rất thuận lợi cho những con thuyền Hy Lạp thẳng tiến sang phương Đông, vùng bờ biển Tiểu Á.

Còn nữ thần Artêmix bắt Iphigiêni đưa đi đâu? Nữ thần bằng pháp thuật của mình đưa nàng tới một nơi xa tít tắp mù khơi? Đó là đất Tôriđ (Tauride)(1) ở vùng bờ biển Pông Ơxin. Tại đây Iphigiêni trở thành tăng nữ của Artêmix.
[(1) Ngày nay là vùng Crưm (Crimê) ở Liên Xô (cũ)]

Chuyện Agamemnông hiến dâng người con gái của mình cho nữ thần Artêmix và nữ thần bằng phép lạ của mình thay thế người trinh nữ bằng một con hươu phảng phất giống một câu chuyện trong Kinh Thánh: Đấng Vĩnh Hằng thử thách Abraham, ra lệnh cho Abraham làm lễ hiến tế đứa con trai của Abraham là Ixaac. Thật ra thì phải nói ngược lại mới đúng. Câu chuyện trong Kinh Thánh phảng phất giống câu chuyện của thần thoại Hy Lạp. Abraham tuân lời của đấng Vĩnh Hằng đem cậu con trai Ixaac ra làm lễ hiến tế. Chính vào lúc Abraham sắp thọc mũi dao nhọn vào cổ đứa con trai thì một thiên thần được đấng Vĩnh Hằng phái xuống ra lệnh cho Abraham dừng tay. Thiên thần nói cho Abraham biết, đây chỉ là một thử thách của Thượng đế. Thượng đế đã chứng giám tấm lòng thành kính của Abraham, dù chỉ có một đứa con trai duy nhất cũng hiến dâng Thượng đế. Và bỗng đâu xuất hiện sau lưng Abraham một con cừu đực nằm trong một bụi cây. Abraham bèn bắt con cừu đực đó để làm lễ hiến tế thay cho cậu con trai Ixaac. Nhờ ngoan đạo như thế cho nên sau này Thượng đế gọi Abraham lên trời, khen thưởng, ban cho ông con đàn cháu đống, phúc, lộc, thọ, an, khang, ninh đời đời! .

Xem thế thì Kinh Thánh chẳng phải được viết ra do thiên khải. Thần thoại Thiên Chúa giáo chỉ là một sản phẩm của lịch sử và chịu những tác động khách quan của lịch sử. Những môtip và diễn biến của hai câu chuyện thần thoại trên có nhiều nét giống nhau. Nhưng ý nghĩa thì hoàn toàn khác nhau. Nằm trong truyền thuyết về cuộc chiến tranh Tơroa, chuyện giết Iphigiêni để hiến tế nữ thần Artêmix không phải nhằm mục đích chủ yếu là chứng minh cho quyền lực của nữ thần. Nó là thần thoại kết bện với truyền thuyết lịch sử để phản ánh, để khẳng định chiều hướng của lịch sử: chiến tranh cướp bóc của những liên minh nhà nước sơ khai ở trên đất Hy Lạp đối với thế giới phương Đông, ở vùng bờ biển Tiểu Á.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: