Nguồn gốc cuộc chiến tranh thành Tơroa
Nguồn gốc cuộc chiến tranh thành Tơroa: Từ "Quả táo của mối bất hòa" đến việc Helen bị Parix quyến rủ.
Thuở ấy có một hôm nữ thần đất Gaia vĩ đại, mẹ của muôn loài, lên đỉnh Ôlanhpơ van xin với thần Dớt hãy làm cách gì cho cái gánh nặng loài người trên vai nữ thần giảm bớt đi, vì lẽ nó quá nhiều, quá nặng khiến nữ thần không thể chịu đựng nổi. Thần Dớt suy nghĩ hồi lâu không biết làm cách gì để vừa lòng nữ thần Mẹ Đất - Gaia. Loài người từ thuở khai sinh ra đến nay tuy chưa được bao lâu nhưng đã sinh sôi nảy nở khá là nhanh. Mặt đất rộng mênh mông là thế mà nay thấy đâu đâu cũng có người, đi đâu cũng gặp người, rặt những người là người. Chỉ có cách gây ra một cuộc chiến tranh, một cuộc chiến tranh giữa người Hy Lạp với người Tơroa thì mới có thể giảm bớt được cái gánh nặng loài người mà nữ thần Gaia phải kêu ca, khiếu nại. Nghĩ thế, thần Dớt bèn nói cho nữ thần Mẹ Đất - Gaia biết để yên lòng. Tiếp đó, Dớt cho nữ thần Êrix - Bất Hòa (Éris) người em gái sinh đôi với thần Chiến tranh Arex, đến và giao cho nhiệm vụ phải gây ra một cuộc xung đột giữa người Hy Lạp và người Tơroa.
Cũng vào quãng thời gian đó, trên thiên đình xảy ra một cuộc tranh chấp giữa thần Dớt và thần Pôdêiđông. Số là hai vị thần đều muốn lấy nữ thần Biển Thêtix (Thétis), con gái của vị thần Biển già, đầu bạc Nêrê, làm vợ. Cuộc tranh chấp tuy chưa ngã ngũ song các vị thần Ôlanhpơ đều biết trước Dớt sẽ giành phần thắng. Xảy ra chuyện Prômêtê lấy cắp lửa trên thiên đình đem xuống cho những người trần thế đoản mệnh, Dớt trừng phạt Prômêtê, và lời tiên đoán của Prômêtê: Dớt sẽ bị truất ngôi vì một đứa con do một cuộc hôn nhân sinh ra. Nhưng cuộc hôn nhân ấy là cuộc hôn nhân nào? Dớt lấy ai? - thì Prômêtê quyết không nói. Cuối cùng Dớt phải nhượng bộ Prômêtê, cởi bò xiềng xích cho Prômêtê để biết được điều bí mật: Thêtix. Phải! Đúng! Nếu Dớt lấy nữ thần Biển Thêtix thì sẽ sinh ra một đứa con, đứa con này sẽ có sức mạnh và quyền uy hơn bố nó. Và nó sớm muộn sẽ truất ngôi của bố nó. Để trừ khử hậu họa, theo lời khuyên của Prômêtê, các vị thần Ôlanhpơ nên gả nữ thần Biển Thêtix cho người anh hùng Pêlê. Và cuộc hôn nhân này sẽ sinh ra một người anh hùng danh tiếng vang dội trời xanh, một người anh hùng vĩ đại mà chiến công có thể sánh ngang với thần thánh.
Có chuyện lại kể, không phải thần Prômêtê tiên đoán mà chính là nữ thần Công Lý - Thêmix (Thémis) phải can thiệp vào cuộc tranh chấp. Nữ thần Thêmix đã tiên đoán cho hai vị thần Dớt và Pôdêiđông biết, đứa con trai của cuộc hôn nhân này, cuộc hôn nhân nếu xảy ra với bất cứ ai, Dớt hay Pôdêiđông đi nữa, thì sau này đứa con đó lớn lên sẽ mạnh hơn bống, sẽ lật đổ uy quyền của bố nó.
Nhưng việc gả một nữ thần cho một người trần thế đoản mệnh đâu có phải dễ dàng. Các vị thần phải họp bàn cái đã. Và Hội nghị thần thánh quyết định: Pêlê muốn cưới được Thêtix thì phải chiến thắng được nàng trong một cuộc giao đấu tay đôi.
Tới đây hẳn chúng ta ai cũng muốn biết về Pêlê. Chàng là người ở đâu? Lai lịch, dòng dõi như thế nào mà lại được kết hơn với một vị nữ thần? Kể ra nếu truy xét tận ngọn nguồn thì Pêlê mang trong mình dòng máu của thần vương Dớt tối uy tối linh. Thần Dớt kết duyên với tiên nữ Nanhphơ Êgin (égine) con gái của thần Sông Adôpôx (Asopos) sinh ra một người con trai tên là Ơac (đúng hơn phải nói là bắt cóc nàng đưa đến đảo Oinône). Ơac trị vì ở hòn đảo Êgin. Ông sinh được ba con trai: Pêlê, Têlamông và Phôcôx. Trong một cuộc thi đấu, hai anh em Pêlê và Têlamông ghen tức với Phôcôx. Ơac nổi giận đuổi thẳng hai đứa con vô đạo. Pêlê sang trú ngụ ở Phtiôtiđ (Phtiotide) được nhà vua xứ này tên là Ơrixiông làm lễ rửa tội. Hơn nữa, nhà vua lại gả con gái là nàng Ăngtigôn cho làm vợ. Trong cuộc săn con lợn rừng Caliđông, Pêlê vô tình đã gây ra cái chết thảm thương cho ông bố vợ. Chàng lại phải ra đi sang xứ Iôncôx xin nương nhờ dưới trướng nhà vua Acaxtơ (Acaste) con của Pêliax. Nữ hoàng Axtiđami (Astydamie) vợ vua Acaxtơ đem lòng yêu mến chàng, đã nhiều lần tỏ tình nhưng bị chàng khước từ. Tức giận, Axtiđami trả thù. Bà ta viết một bức thư gửi cho Ăngtigôn bịa chuyện Pêlê đã phụ bạc nàng kết duyên với một người khác. Bị xúc phạm, Ăngtigôn treo cổ tự tử. Chưa hết, Axtiđami còn tâu với chồng rằng, Pêlê có tình ý với mình, mưu toan ve vãn, quyến rũ mình. Vua Acaxtơ nổi giận đẩy Pêlê lên ngọn núi Pêlicông. Trước khi Pêlê bị áp giải đi, nhà vua trong một cuộc đi săn, lợi dụng lúc Pêlê ngủ, lấy trộm thanh kiếm thần của Pêlê giấu đi với hy vọng rằng mất vũ khí này thì Pêlê khi bị đày lên ngọn núi Pêlicông sẽ bị bầy Xăngtor xé xác. Nhưng thần Xăngtor thông thái và hiền minh Khirông biết được chỗ giấu thanh kiếm đã giúp Pêlê tìm lại. Vì thế khi bầy Xăngtor man rợ và hung dữ lao vào chàng đã bị chàng đánh cho thất điên bát đảo, bỏ chạy tán loạn. Sau đó chàng trở về Iôncôx trừng phạt Acaxtơ và Axtiđami, rồi lên làm vua.
Lại nói tiếp về chuyện quyết định của Hội nghị thần thánh. Thần Hermex Người Truyền Lệnh không hề chậm trễ của thế giới Ôlanhpơ lãnh trách nhiệm xuống ngay đô thành Iôncôx trên đất Texxali thông báo cho Pêlê biết. Pêlê bèn lên đường ngay. Chàng tới vùng bờ biển nơi nữ thần Thêtix thường từ dưới biển sâu đội nước ngoi lên ngồi nghỉ, ngắm cảnh trời nước mênh mông. Phải mất công rình nấp nhiều ngày Pêlê mới bắt gặp được nàng. Hôm đó Thêtix vừa từ dưới biển sâu đội nước hiện lên bơi vào chiếc hang quen thuộc của mình thì Pêlê xông tới. Chàng xông tới, dùng đôi tay khỏe mạnh của mình ôm chặt lấy nữ thần. Thêtix vùng vẫy nhưng không sao thoát được. Nàng bèn dùng đến pháp thuật. Vốn là con của vị thần Biển già đầu bạc Nêrê cho nên Thêtix được cha truyền dạy cho phép biến hóa thành muôn hình muôn dạng: hết cá lại thành rắn, thành chim, thành sư tử hổ, báo... Nhưng Pêlê không hề sợ hãi cứ ghì xiết nàng trong vòng tay. Cuối cùng nàng chịu thua, phải hiện lại nguyên hình là một vị nụ thần Biển đẹp đẽ tuyệt vời. Và như vậy chỉ còn... còn việc làm lễ cưới và vui vẻ cả!
Đams cưới của đôi Pêlê - Thêtix được tổ chức rất trọng thể trong chiếc hang của thần Xăngtor Khirông ở xứ Texxali. Có người lại bảo, được tổ chức ở trên thiên đình. Thôi thì... ở đâu cũng được miễn là các vị thần đã thừa nhận chiến công của Pêlê và bằng lòng gả Thêtix cho chàng. Thật khó mà nói hết được bữa tiệc cưới này linh đình, trọng thể đến như thế nào. Các nam thần, nữ thần đều đến dự và có quà mừng cho cô dâu chú rể. Thần Apôlông cùng với các nàng Muydơ không lúc nào để bàn tiệc ngơi trong đàn, ca. Nữ thần Atêna với sắc đẹp thông tuệ, nữ thần Artêmix với vẻ đẹp tươi trẻ kiêu kỳ, nữ thần Hêra với vẻ đẹp đường bệ, cao sang... Tất cả đều hớn hở, tưng bừng tham dự vào những bài ca, điệu múa. Nhưng phải nói dù các nữ thần có trang điểm khéo léo đến đâu cũng thua sắc đẹp của nữ thần Aphrôđitơ. Thần Hermex thì đương nhiên không thể vắng mặt trong cuộc vui này. Cả đến thần Chiến tranh Arex cũng quên đi niềm vui thú của giao tranh để tới đây mừng cô dâu chú rể. Quà mừng thì vô kể. Chúng ta chẳng làm sao kể hết được. Trong số đó, dù sao ta cũng phải nhắc đến hai quà mừng rất đặc biệt. Thần Đại dương Pôdêiđông tặng một con thần mã. Thần Xăngtor Khirông tặng một ngọn lao mà cán nó làm bằng gỗ của một giống cây rừng rắn chắc như đồng, như sắt, một giống cây mà người trần thế chưa hề biết đến.
Có một điều đáng tiếc là cả hai họ nhà trai và nhà gái đã quên không mời nữ thần Êrix - Bất Hòa tới dự. Nhưng vị nữ thần Bất Hòa cũng cứ đến nơi vui vẻ này, đến với nỗi tự ái, giận hờn... để tìm cách phá cuộc vui, để... để gây ra sự bất hòa. Êrix đến mang theo trong người một quả táo vàng hái ở khu vươn của ba chị em Hexpêriđ. Trên quả táo Êrix khắc một dòng chữ: Tặng người đẹp nhất . Và trong khi mọi người đang mải vui, Êrix lăn quả táo vào bàn tiệc rồi ra về, ra về ngay. Thế là cả bàn tiệc sôi động hẳn lên. Vị thần nào cũng muốn nhận quả táo đó. Các nữ thần tranh nhau đã đành. Nhưng cả các nam thần cũng tranh nhau mới thật là... quá đáng. Tranh cãi, giằng co mãi, nhiều vị thấy phiền hà quá, hơn nữa cũng thấy mình không xứng đáng nên đành bỏ cuộc. Duy chỉ còn lại ba vị nữ thần là không ai chịu nhường ai: Một là, nữ thần Hêra, vợ của thần vương Dớt, vị nữ thần Hôn nhân và Hạnh phúc gia đình: Hai là, Atêna, nữ thần Trí tuệ và Chiến tranh. Ba là, Aphrôđitơ nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp. Họ bảo nhau phải mời thần Dớt phân xử mới xong. Nhưng thần Dớt xua tay, lắc đầu quầy quậy một mực chối từ. Vì cuộc tranh giành này có Hêra vợ của Dớt. Xử cho Hêra được thì chắc chắn là đeo tiếng thiên vị không công bằng. Còn xử cho một trong hai vị nữ thần kia được quả táo vàng thì Dớt tránh sao khỏi những cơn đay nghiến, chì chiết, đá thúng đụng nia của Hêra. Dớt bèn gọi Hermex đến giao cho Hermex nhiệm vụ dẫn ba vị nữ thần sang phương Đông, đến một khu rừng sâu thuộc ngọn núi Iđa, tìm chàng Parix, một chàng trai xinh đẹp nhất châu Á để nhờ chàng phân xử hộ. Bữa tiệc cưới kết thúc bằng cái cảnh không vua như thế.
Bây giờ nói đến chuyện chàng Parix. Vua Priam ngay từ ngày đầu lên ngôi trị vì thiên hạ, mặc dù thành Tơroa vô cùng thịnh vượng, nhưng nhà vua vẫn không phải là người có được cuộc sống thư thái, yên tĩnh trong lòng. Chuyện xảy ra vào lúc trước khi Hoàng hậu Hêquyp sinh đứa con thứ hai. Một đêm, khi Hêquyp sắp đến ngày sinh thì rằm mơ thấy một chuyện vô cùng kinh dị. Bà sinh ra một ngọn đuốc cháy ngùn ngụt, và thành ngọn đuốc này thiêu hủy thành Tơroa. Một cơn ác mộng thư thế tất nhiên cần phải tìm ngay các nhà tiên đoán tới để tường giải. Một nhà tiên tri cho Priam biết, rồi đây trong một ngày tới sẽ có một đứa trẻ ra đời, Đứa trẻ này sẽ gây những tai họa ghê gớm cho thành Tơroa. Nhưng bữa kia ở thành Tơroa có, không phải một, mà là hai đứa bé cất tiếng khóc chào đời. Một là Parix, con trai Hêquyp và hai là Munippôx con trai của Xinla, em gái Priam. Lúc này không do dự chút nào, Priam ra lệnh giết ngay đứa cháu. Còn với đứa con mình, không lẽ lại đang tâm giết nó, nhà vua ra lệnh đem bỏ vào rừng. Như vậy đói lạnh và muông thú sẽ kết liễu cuộc đời đứa bé, tránh cho nhà vua mang tiếng can tội giết con. Và, thành Tơroa, như vậy sẽ thoát khỏi tai họa. Nhưng các vị thần không muốn thế. Một con gấu cái đã tới ấp ủ cho đứa bé và cho nó bú. Cứ thế trong năm ngày liền, đến ngày thứ sáu, một người chăn chiên tên là Aghêlaôx (Agélaos, Agélaus) đón được đem về nuôi. Có chuyện kể con gấu đã nuôi Parix suốt một năm ròng. Và chính cái tên Parix là do Aghêlaôx đặt cho chú bé gấu nuôi đó.
Parix lớn lên giữa những người chăn chiên. Chàng chẳng mấy chốc đã trở thành một chàng thanh niên tuấn tú, cường tráng. Ngày ngày chăn dê, chăn cừu, chăn bò, chàng chẳng để mất một con. Những người chăn cừu yêu quý chàng, đặt cho chàng một cái tên nữa: Alêchdăngđrôx (Alexandros) mà theo tiếng Hy Lạp cổ có ngãi là Người che chở, Người bảo vệ hoặc Người xuất sắc bởi vì chàng có sức khỏe hơn người và chàng đã từng bảo vệ đàn gia súc chống lại thú dữ và kẻ cướp thắng lợi.
Bữa kia bỗng có một đoàn gia nhân của Priam vào núi, chọn trong đàn bò của Parix lấy đi năm mươi con bò to đẹp nhất, những con bò mà Parix rất yêu quý. Nguyên là vua Priam tưởng nhớ tới đứa con thân yêu của mình xưa kia bị đem bở vào rừng đã thiệt phận nên giờ đây nhà vua cho làm lễ tưởng niệm và hiến tế thần linh. Sau khi hành lễ là các cuộc thi đấu quyền thuật, võ nghệ. Cần phải có phần thưởng cho những người đoạt giải và do đó phải vào núi bắt bò của Parix. Parix không thể cưỡng lại nhà vua mà không nộp số gia súc. Nhưng chàng đi theo luôn những gia nhân của nhà vua để về kinh thành dự lễ và định bụng sẽ tham dự vào các cuộc thi đấu để đoạt bằng được các phần thưởng, lấy lại những con bò đem về. Quả nhiên chàng giật được hầu hết các phần thưởng trong cuộc tỉ thí, đánh bại hết các địch thủ và anh em ruột của mình, kể cả Hector người anh cả danh tiếng. Một người con trai của Priam tên là Đêiphôbơ (Déiphobe, Déiphobos) tự ái vì phải thua một tên chăn bò, liền rút gươm xông vào Parix định kết liễu đời gã tiểu tất vô danh. Nhưng Parix kịp thời chạy đến phủ phục dưới chân bàn thờ của Dớt, xin Người bảo hộ, che chở ở thế giới Hy Lạp xưa kia khi con người ta bị đe dọa đến tính mạng, trong phút nguy cấp ấy nếu chạy tới quỳ trước bàn thờ một vị thần hoặc quỳ trước tượng một vị thần thì có nghĩa là cầu xin sự che chở bảo hộ. Kẻ nào mưu toan sát hại người trong trường hợp ấy phải tôn trọng thần linh mà từ bỏ ý đồ hung bạo. Em gái Parix nàng Caxxăngđrơ (Cassandre) một người có tài tiên đoán, nhận ra ngay được chàng trai chăn bò tầm thường đó là Parix, kêu ầm lên. Vua Priam và Hoàng hậu Hêquyp chạy vội đến hỏi han cho rõ sự thể. Nghe Parix thuật lại cuộc đời mình xong, Vua và Hoàng hậu liền đón chàng về cung. Và chàng Parix dường như không còn gây cho nhà vua cũng như thành. Tơroa một mối lo nào nữa. Nhưng nàng Caxxăngđrơ một nữ tiên tri nổi danh vì tài dự đoán đúng nhiều sự việc, lên tiếng ngay. Nàng nhắc lại cho vua cha biết cơn ác mộng xưa kia và nhấn mạnh một lần nữa: Parix sẽ là người gây nên sự diệt vong của thành Tơroa. Nhưng những lời tiên đoán, dự báo của Caxxăngđrơ chẳng được ai chú ý. Nàng tha thiết nhắc lại cũng chẳng ai nghe. Bởi vì thần Apôlông đã làm cho nó trở nên vô hiệu để trả thù Caxxăngđrơ.
Đến đây ta phải dừng lại một chút để kể qua về câu chuyện lôi thôi giữa Caxxăngđrơ và Apôlông. Thần Apôlông, một hôm gặp người thiếu nữ Caxxăngđrơ bèn đem lòng yêu dấu. Thần tìm cách lân la đến bắt chuyện với Caxxăngđrơ để tỏ tình. Để chinh phục được người con gái xinh đẹp của Priam, thần hứa: "... Nếu nàng tin yêu ta, chẳng khước từ mối tình của ta, ta sẽ trao cho nàng một kỷ niệm vô giá. Ta sẽ ban cho nàng tài tiên đoán trăm việc đúng cả trăm. Nàng sẽ là người nhìn thấu tương lai và phán truyền cho mọi người biết cách đối nhân xử thế...". Caxxăngđrơ ưng thuận. Và thần Apôlông giữ đúng lời hứa đã ban cho nàng tài tiên đoán với những pháp thuật cao cường. Nhưng đến khi thần Apôlông đòi Caxxăngđrơ thực hiện đúng cái giao kèo đã thỏa thuận thì Caxxăngđrơ kiên quyết khước từ. Tức giận đến điên người vì sự lừa dối của Caxxăngđrơ, thần Apôlông nguyền rủa: "...Này hỡi quân lừa dối thánh thần, quân phạm thượng, mi hãy nghe đây. Từ nay trở đi những lời tiên đoán, dự báo của ngươi có đúng cũng chẳng có ai nghe, có hay cũng chẳng ai tin, chẳng ai quan tâm đến những lời ngươi nói để tìm cách phòng ngừa, đối phó. Những lời tiên đoán của Caxxăngđrơ sẽ hoàn toàn vô hiệu. Mọi người sẽ coi những lời tiên đoán của ngươi như một chuyện viển vông, vô tích sự, chẳng đáng bận tâm".
Ngày nay, trong văn học thế giới thành ngữ điển tích Lời tiên đoán của Caxxăngđrơ chỉ những dự kiến, những tính toán, lo xa, tiên liệu sáng suốt thông minh, đứng đắn nhưng không được thừa nhận và áp dụng trong thực tế. Caxxăngđrơ trở thành một danh từ chung chỉ một người nào có những ý kiến sáng suốt dự tính, dự báo được những hậu quả tai hại trong tương lai nhưng bản thân không có cách gì để thực thi ý định của mình hoặc không thuyết phục được những người chung quanh tin vào ý kiến của mình để áp dụng những biện pháp hữu hiệu ngăn ngừa tai họa.
Trở về chuyện Parix. Thế là từ đó Parix từ bỏ cuộc đời sơn dã về sống với vua cha và anh em trong thành Tơroa vàng bạc đầy kho. Nhưng vốn đã quen với cảnh gió ngàn đồng nội nên Parix thường hay trở lại thăm chốn cũ nơi xưa. Một hôm chàng đang đứng trên sườn núi Iđa ngắm cảnh non xanh nước biếc thì bỗng đâu thần Hermex hiện ra. Parix sợ hãi toan bỏ chạy thi thần Hermex kịp thời giữ lại. Cùng lúc đó từ xa đi đến ba người đàn bà. Đó là ba vị nữ thần theo Hermex đi tìm người phân xử vụ tranh chấp quả táo vàng Tặng người đẹp nhất. Hermex với tư cách của Người Truyền lệnh đã tường thuật lại đầu đuôi câu chuyện. Thần nhấn mạnh:
- Hỡi Parix chàng trai xinh đẹp nhất châu Á! Đấng phụ vương Dớt chí tôn chí kinh, tối uy tối linh đã dành cho chàng cái vinh dự có một không hai này. Vậy chàng hãy phán quyết xem trong ba vị nữ thần đây ai là người xứng đáng nhất được nhận quả táo vàng.
Nói xong Hermex trao quả táo vàng cho Parix. Thật là khó nói và bối rối cho chàng Parix biết bao nhiêu!
Vì trước hết ba vị nữ thần đều đẹp, đều tuyệt đẹp cả. Sau nữa là vì ai lại có thể thiếu tế nhị đến mức đi khen sắc đẹp của người phụ nữ này ngay trước mặt người phụ nữ khác. Một việc làm vô ý, vô tứ như thế, thô vụng như thế là không thể chấp nhận được. Parix đưa quả táo vàng lại cho Hermex và toan đánh bài chuồn! Nhưng Hermex bằng tài nghệ của vị thần chuyên nghề truyền đạt thông tin đã ra sức thuyết phục Parix. Cuối cùng Parix vui vẻ nhận lời đứng ra làm người giám định cuộc thi sắc đẹp, tuyển chọn hoa khôi cho thế giới thần thánh. Lần lượt mỗi vị thần đến bày tỏ nguyện vọng trước Parix. Hêra, vị nữ thần, vợ của Dớt, bậc phụ mẫu của thế giới thiên đình và loài người trần tục, đến trước mặt Parix nói:
- Hỡi chàng Parix! Hẳn chàng cũng biết ta là nữ thần Hêra, vợ của đấng phụ vương Dớt cai quản cả thế giới thần thánh và thế giới loài người. Nếu chàng xử cho ta được quả táo vàng, ta sẽ cho chàng làm vua toàn cõi châu Á.
Làm vua toàn cõi châu Á! Chà, thật là một điều mà Parix đến trong mơ cũng không bao giờ tưởng tượng ra được một hạnh phúc quá lớn lao như vậy. Chàng đáp lễ lại nữ thần Hêra và nghe tiếp nguyện vọng của nữ thần Atêna.
- Hỡi chàng Parix, con của vua Priam kẻ luyện thuần chiến mã! Ta sẽ không quên ơn chàng, nếu chàng xử cho ta đoạt được quả táo vàng này. Ta sẽ ban cho chàng trí tuệ thông minh để trong giao tranh chàng chỉ biết có thắng chứ không hề biết đến bại. Vinh quang của một dũng tướng bách chiến bách thắng là phần thưởng ta sẽ đền đáp chàng. Xin chàng hãy suy nghĩ.
Đến lượt nữ thần Aphrôđitơ. Nàng nói:
- Hỡi Parix, chàng trai cường tráng và xinh đẹp của phương Đông! Ta nghe nói chàng là người đẹp trai nhất châu Á mà đến hôm nay ta mới được tận mắt chứng kiến khuôn mặt và hình dáng của chàng. Thật là một con người đẹp tựa thần linh. Ta chẳng có quyền lực gì và sức mạnh lớn lao gì để có thể so sánh với hai bà chị của ta, để có thể ban cho chàng một đặc ân to lớn hơn, vượt trội hơn những đặc ân mà Hêra và Atêna vừa hứa với chàng. Tuy nhiên nếu chàng xử cho ta được quả táo vàng Tặng người đẹp nhất thì ta cũng sẽ không quên ơn chàng. Ta sẽ giúp cho chàng lấy được nàng Hêlen là người phụ nữ đẹp nhất châu Âu. Chàng sẽ có một người vợ xinh đẹp tuyệt trần.
Parix quyết định ai? Vị nữ thần nào được nhận quả táo vàng? Chàng chẳng phải mất thời giờ suy nghĩ lâu la. Chàng tiến đến trước mặt nữ thần Aphrôđitơ nghiêng mình kính cẩn trao quả táo vàng Tặng người đẹp nhất cho nữ thần. Cuộc phân xử thế là xong.
Xét cho cùng sự phân xử của Parix là công bằng và thỏa đáng. Bởi một lẽ đơn giản: có lẽ nào vị nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp lại không phải là vị nữ thần đẹp nhất. Thần Dớt trao cho loài người trần tục đoản mệnh chúng ta cái vinh dự được phân xử vụ tranh chấp cái đẹp giữa các vị nữ thần thì loài người chúng ta cũng được dịp chứng tỏ rằng mình không nên phụ lòng tin của Dớt. Và chẳng phải bất cứ người nào cũng xét xử được việc này đâu. Không phải là một người đẹp thì làm sao có thể đủ tư cách để giám định về cái đẹp cho ba vị nữ thần! "Đem đàn mà gảy tai trâu" thì cực hết chỗ nói! Khen cho con mắt tinh đời của Dớt và cũng phải khen cả cho con mắt tinh đời của Parix.
Việc phân xử thế là xong... Nhưng lại nảy sinh ra một chuyện khác chẳng xong... Do không được quả táo vàng, hai vị nữ thần Hêra và Atêna đem lòng thù ghét chàng Parix, hơn nữa thù ghét cả dòng giống Tơroa. Chưa hết, hai vị nữ thần còn thù ghét cả nữ thần Aphrôđitơ. Họ rắp tâm định bụng sẽ tìm cách trừng trị người Tơroa. Thế là quả táo vàng Tặng người đẹp nhất trở thành Quả táo của mối bất hòa. Ngày nay trong văn học thế giới, thành ngữ Quả táo của mối bất hòa ám chỉ nguyên nhân của một sự bất đồng ý kiến, của những cuộc tranh cãi, xung đột, mâu thuẫn.
Nói về nàng Hêlen. Vào lúc mà Aphrôđitơ hứa sẽ giúp cho Parix lấy được nàng Hêlen làm vợ thì khi ấy Hêlen đã và gái có chồng. Chồng nàng là Mênêlax, vị vua của đô thành Xpart. Hêlen về lai lịch vốn là con của thần Dớt và tiên nữ Lêđa. Cuộc tình duyên này như đã có dịp kể, là của thần thánh nên cũng có chuyện khác thường. Dớt để tránh sự theo dõi của Hêra đã biến mình thành một con thiên nga hay con ngỗng gì đó, xuống ái ân với Lêđa. Lêđa sinh ra một quả trứng. Và từ quả trứng này nở ra người anh hùng Pônluyx và nàng Hêlen. Tất nhiên không ai coi Dớt là người chồng chính thức của Lêđa. Và Dớt cũng không hề để tâm đến chuyện đó.
Người chồng chính thức của Lêđa, người chồng trần thế của nàng và người anh hùng Tanhđar. Đôi vợ chồng này sinh được một con trai tên gọi là Caxtor và một gái tên gọi là Clitemnextơrơ. Như vậy kể cả con của Dớt thì nhà này có hai trai hai gái. Ngay từ hồi còn và một thiếu nữ chưa chồng. Hêlen đã nổi tiếng vì sắc đẹp tuyệt vời của mình. Tiếng lành đồn xa tiếng dữ đồn xa, nhiều chàng trai nghe tên có người đẹp nức tiếng mà lại chưa gắn bó với ai, liền kéo nhau tới đô thành Xpart để xem mặt. Trăm người như một, nghìn người như một, đều phải thừa nhận rằng trên thế gian này người đẹp nơi nào cũng có, tuy không nhiều, nhưng chưa thấy nơi nào có người thiếu nữ nào đẹp bằng Hêlen. Hêlen đẹp đến nỗi mà có những chàng trai sau khi chứng kiến dung nhan của nàng về nhà sinh buồn bực vì nỗi không hiểu sao mình lại xấu đến thế. Sắc đẹp của Hêlen đã gây ra cho nàng một tai họa. Người anh hùng Têdê ở Aten đã bày mưu cùng với người bạn là Piritôôx ở đất Texxali lặn lội xuống tận Xpart để bắt cóc nàng. May mắn làm sao, hai anh em Caxtor và Pônluyx đi tìm Hêlen về được. Từ sau vụ tai biến đó, Tanhđar giữ riết nàng ở cung điện. Nhưng đó chỉ là cách đối phó nhất thời. Điều chính yếu là phải mau mau chọn mặt gửi vàng, kén cho Hêlen một người chồng. Tanhđar bèn đánh tiếng. Thế là các anh hùng, dũng sĩ trên đất Hy Lạp kéo nhau về tụ hội ở Xpart. Không phải một, hai, ba, hay một chục hai chục người mà là chín chục người - chín chục chàng trai muốn rắp ranh bắn sẻ. Chọn ai bây giờ?
Chọn ai trong những người này? Thật khó! Ai cũng tài ba lỗi lạc, ai cũng xứng đáng cả. Tanhđar đến đau đầu vỡ óc, rối ruột rối gan về chuyện gả chồng cho con gái. Nếu như Tanhđar quyết định một ai đó hay dùng cách rút thăm thì chắc chắn sẽ gây ra những phản ứng quyết liệt. Chưa biết đâu chuyện vui mừng mà lại hóa ra chuyện đau buồn đổ máu, gây ra kéo theo bao cừu hận đao binh. Trong lúc Tanhđar đang rối trí như vậy thì may sao có một chàng trai đứng ra hiến cho ông một diệu kế. Đó là chàng Uylix (Ulysse, còn có tên Odyssée) quê ở hòn đảo Itac nghèo nàn nhưng lại nổi danh là một con người khôn ngoan cơ trí. Uylix khuyên Tanhđar công bố cho các vị cầu hôn biết quyền lựa chọn hoàn toàn thuộc Hêlen. Các vị cầu hôn phải đứng ra thề trước thần thánh sẽ tuân theo sự lựa chọn của Hêlen. Nếu rủi ro xảy ra chuyện gì làm tan vỡ hạnh phúc mà hêlen đã lựa chọn hôm nay đây trước mặt mọi người, thì mọi người sẽ phải có trách nhiệm bảo vệ bằng được hạnh phúc đó, sự lựa chọn đó, bởi vì sự lựa chọn của Hêlen hôm nay đây là thiêng liêng, là bất di bất dịch. Tanhđar làm theo lời Uylix. Các vị cầu hôn chấp nhận điều kiện. Họ lần lượt đứng ra long trọng tuyên thệ trước bàn thờ thần linh. Tiếp đến Hêlen đứng ra chọn người bạn trăm năm. Thật hồi hộp! Chín mươi chín con tim của chín mươi chín chàng trai đập thình thịch như trống trận đổ dồn. Ai là người được cái diễm phúc chung sống với người đẹp? Hêlen chọn, chọn Mênêlax. Phải, chính Mênêlax, em ruột của Agamemnông, là chàng trai xứng đáng trong số những vị cầu hôn, bởi vì chàng trai vốn là dòng dõi của Pêlôp, Tăngtan và đấng phụ vương Dớt.
Mênêlax cưới Hêlen và sống luôn ở Xpart. Sau khi Tanhđar qua đời, chàng thay người bố vợ trị vì Đô thành Xpart. Cuộc sống của vợ chồng chàng thật yên ấm hạnh phúc. Chàng có ngờ đâu tới cái chuyện sắc đẹp của vợ chàng, nàng Hêlen, lại có ngày gây ra cho chàng và con dân toàn đất nước Hy Lạp biết bao tai họa. Hai người sinh được một gái đầu lòng, đặt tên là Hermion (Hermione), giống mẹ như đúc, giống cả từ câu nói đến tiếng cười, dáng đi dáng đứng.
Còn nữ thần Aphrôđitơ, sau khi nhận được quả táo vàng, nữ thần bèn nghĩ đến việc hậu tạ lại chàng Parix. Nữ thần tới thành Tơroa bảo chàng đóng một con thuyền xinh đẹp để vượt biển khơi mù xám, sang đô thành Xpart, nơi nàng Hêlen diễm lệ đang sống với chồng. Tuân theo lời nữ thần, Parix sắm sửa cho cuộc hành trình. Nàng Caxxăngđrơ tiên báo cho vua cha biết những tai họa khôn lường do chuyến đi này của Parix thì lúc này chẳng lời tiên đoán nào cản nổi chàng. Đến ngày nhổ neo, Caxxăngđrơ ra tận bờ biển, cố sức bằng những lời tiên đoán của mình ngăn cản cuộc hành trình của Parix. Nàng gào thét. Nàng nói lên những dự cảm đen tối về tương lai của thành Iliông thần thánh: quân địch tràn vào thành, xác chết ngập đường, nhân dân trong đô thành bị bắt làm nô lệ giải đi, đâu đâu cũng tràn ngập máu lửa... Nhưng chẳng ai thèm để lọt tai những lời tiên báo sáng suốt ấy.
Cùng vượt biển sang Hy Lạp với Parix có Ênê (Énée), một người em họ của Parix. Thuyền cập bến Évrex. Hai chàng trai của thành Tơroa cùng với tùy tòng lên bở đi vào đô thành Xpart. Được các vị khách quý từ tận phương Đông tới thăm, Mênêlax rất vui mừng. Chàng mở tiệc trọng thể chiêu đãi những vị khách mà theo quan niệm của người Hy Lạp cổ xưa là do thần Dớt đưa đến. Được một hai hôm gì đó thì Mênêlax nhận được tin sét đánh ngang tai: ông nội chàng ở đảo Cret qua đời, chàng phải về ngay để lo việc tang ma cho người ông yêu quý . Trước khi cáo biệt những vị khách, chàng không quên dặn lại vợ ở nhà phải tiếp đãi khách cho chu đáo, ân cần. Tai hại thay lòng tin cẩn của chàng! Thế là chàng đã giao người vợ có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành vào tay chàng công tử xứ Phrigi.
Được nữ thần Aphrôđitơ giúp đỡ, Parix đã bằng tất cả tài năng và sự hấp dẫn của mình, tán tỉnh quyến rũ được Hêlen. Người xưa kể rằng, nữ thần Aphrôđitơ đã cho Parix mượn chiếc thắt lưng của mình, chiếc thắt lưng kỳ diệu, hễ ai mang nó trong người thì có thể cảm hóa chinh phục được trái tim người mình yêu một cách không đến nỗi khó khăn, vất vả gì nhiều lắm. Nghe theo lời dụ dỗ của Parix, Hêlen thu thập tất cả đồ tế nhuyễn của tư trang xuống thuyền theo Parix sang thành Tơroa. Nàng đã yêu Parix đắm say đến nỗi có thể vứt bỏ hết cả, quên hết cả để đi theo chàng. Ngay đến đứa con gái yêu dấu Hermion lúc đó mới mười tuổi gào khóc đòi đi theo mẹ cũng bị mẹ bỏ lại.
Con thuyền của Parix giương buồm thẳng tiến về thành Tơroa. Khi ra khỏi vùng biển Hy Lạp thì bỗng nhiên con thuyền dừng lại. Thì ra vị thần Biển già đầu bạc Nêrê từ đáy sâu dội nước hiện lên chặn đứng con thuyền lại. Thần tiên báo cho Parix biết, chàng sẽ bị chết trong cuộc giao tranh với người Hy Lạp, và thành Tơroa sẽ bị sụp đổ bị triệt hạ trong một cuộc xung đột kéo dài với người Hy Lạp. Parix và Hêlen vô cùng lo lắng. Nhưng nữ thần Aphrôđitơ đã làm cho hai người yên tâm. Nữ thần còn bảo hộ cho con thuyền vượt biển được an toàn: Ba ngày sau, Parix và Hêlen đặt chân lên đô thành Tơroa hùng vĩ, vàng bạc đầy kho. Hành động xấu xa, vi phạm truyền thống đạo đức quý người trọng khách của Parix đã làm cho các vị thần nổi giận. Các vị thần liền họp và ra quyết định, phái ngay nữ thần Cầu Vồng - Irix bay ngay xuống đảo Cret báo tin cho Mênêlax biết. Lập tức Mênêlax trở về Xpart ngay. Bước chân vào nhà vắng ngắt, chàng chẳng những mất Hêlen xinh đẹp, yêu quý mà còn mất tất cả châu báu, vàng bạc. Uất hận vô cùng, chàng đến gặp người anh ruột là Agamemnông trị vì ở đô thành Miken giàu có để bàn cách trả thù. Agamemnông khuyên em, nên kêu gọi các vị anh hùng Hy Lạp giúp sức, những vị anh hùng đã từng cam kết trong lễ cầu hôn Hêlen bằng một lời thề nguyền trịnh trọng rằng, sẽ bảo vệ hạnh phúc cho cuộc hôn nhân do Hêlen quyết định. Sau đó Agamemnông và Mênêlax đến bày tỏ ý định với ông già Nextor một người nổi tiếng về sự mực thước và khôn ngoan. Ông đã từng khuyên bảo, giúp đỡ các vị vua bằng những ý kiến sâu sắc, hợp tình hợp lý vì thế danh tiếng ông vang lừng khắp bốn cõi và vị vua Hy Lạp nào cũng sẵn sàng nghe theo lời khuyên nhủ của ông. Nghe chuyện của Mênêlax xong, lão ông Nextor quyết định sẽ đem theo đạo quân của mình sang đánh thành Tơroa cùng với Mênêlax. Ông còn cho cả những đứa con trai yêu quý tham dự vào cuộc viễn chinh này. Quý hóa hơn nữa, ông còn đích thân đứng ra đi kêu gọi các anh hùng Hy Lạp để họ cùng hội binh tham chiến. Nghe theo lời kêu gọi của Mênêlax và Nextor, các tướng lĩnh Hy Lạp liền sắm sửa chiến thuyền, chiêu mộ binh sĩ để chuẩn bị cho cuộc viễn chinh. Agamemnông cũng phái sứ giả đi các vương triều, thành quốc để loan báo cái hành động hỗn xược, xúc phạm đến người Hy Lạp của Parix cho các vị vua biết. Nơi này truyền báo cho nơi khác cứ thế chẳng bao lâu toàn đất nước Hy Lạp đã biết rõ câu chuyện Parix lừa đảo, cướp đoạt mất Hêlen và nhiều vàng bạc châu báu của Mênêlax. Toàn đất nước Hy Lạp rậm rịch chuẩn bị cuộc viễn chinh
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top