Cuộc săn con lợn rừng Caliđông cơn giận và cái chết của Mêlêagrơ

Như đã kể trên, vua Ôênê trị vì ở đô thành Caliđông vì nhãng quên không dâng lễ hiến tế cho nữ thần Artêmix vào đầu vụ thu hoạch cho nên đã làm nữ thần phật ý. Một đòn trừng phạt liền giáng xuống để chứng tỏ uy quyền của nữ thần. Artêmix sai một con lợn rừng về tàn phá vùng Caliđông. Vườn nho, vườn táo, đồng lúa... tất cả đều bị con lợn rừng hung dữ phá phách, xéo nát. Người nào ló mặt ra toan chống chọi thì lập tức con lợn lao tới ngay. Và phần thắng thuộc về con ác thú của nữ thần Artêmix. Người anh hùng Mêlêagrơ, con trai của vua Ôênê kêu gọi các anh hùng Hy Lạp đến giúp mình một tay trừng trị con vật nguy hiểm. Lập tức các vị anh hùng từ bốn phương kéo đến. Têdê từ Aten sang. Ađmet từ thành Pher tới, rồi Pêtê ở xứ Phti, Giađông từ Iôncôx, Piritôôx từ Texxali, Têlamông từ đảo Xalamin... Đặc biệt có một nữ anh hùng tên là Atalăngtơ có tài chạy nhanh như một con hươu chân dài sung sức. Sở dĩ nàng có được tài năng như vậy là vì nàng từ nhỏ sống trong rừng với những người thợ săn. Cha nàng không muốn có con gái cho nên khi sinh ra nàng ông bực tức và thất vọng, đã sai người đem nàng bỏ vào rừng. Một con gấu cái đón được nàng, cho nàng bú rồi nàng lớn lên gia nhập vào hàng ngũ những người thợ săn và trở thành xạ thủ danh tiếng tưởng chừng có thể sánh ngang nữ thần săn bắn Artêmix.

Cuộc săn đuổi con lợn rừng diễn ra suốt trên một dải rừng ở vùng Caliđông. Nhờ tài chạy nhanh, Atalăngtơ đuổi bám được con thú. Nàng giương cung. Một mũi tên lao đi cắm phập vào con lợn làm nó bị thương. Mêlêagrơ nhờ đó chạy dấn lên phóng mũi lao nhọn vào con vật kết liễu số phận tàn ác của nó. Tiếp đó, những người khác mới xông đến bồi tiếp những đòn cuối cùng. Bàn việc chia phần, một việc tưởng chừng đơn giản, ai ngờ lại quá phức tạp, lôi thôi. Phần vì có những vị anh hùng mà tính nết cứ đến cái chuyện chia phần như thế này thì chẳng anh hùng tí nào. Phần vì nữ thần Artêmix, tức giận vì con lợn rừng của mình bị giết, đã khơi lên trong trái tim những người dự cuộc họp bình công chia phần hôm ấy, tính ghen tị, thói kèn cựa nhỏ nhen. Theo lẽ công bằng, như Mêlêagrơ phân giải, phần thưởng cao nhất, danh dự của cuộc săn phải trao cho Atalăngtơ. Nhưng tiếc thay chẳng ai còn tỉnh táo và trong sáng để thừa nhận công lao của người nữ anh hùng ấy. Tệ hơn nữa là những ông cậu của Mêlêagrơ lại xúc phạm đến Atalăngtơ, vu cáo cho Mêlêagrơ thiên vị, bênh vực người mình yêu. Mêlêagrơ điên tiết giết phăng luôn mấy ông cậu đó. Từ bé xé ra to. Những người Êtôli ở Caliđông không chịu nổi bèn tuyên chiến với những người Quyret ở thành Pleprông bên cạnh. Mêlêagrơ cầm đầu những đạo quân Caliđông của chàng đánh thắng liên tiếp. Đang khi chiến đấu thì chàng được tin mẹ chàng, Anthê, vì thương tiếc hai người em ruột của mình bị chàng giết, nổi giận, đã cầu nguyện các nữ thần Êrini chuyên việc báo thù, cầu nguyện thần Hađex và nữ thần Perxêphôn cai quản chơi âm ty địa ngục, trừng phạt chàng. Mêlêagrơ nổi giận. Chàng không thể ngờ được mẹ chàng lại đối xử với chàng như thế. Chàng từ bỏ luôn cuộc chiến đấu lui về phòng riêng của mình than thở với người vợ trẻ đẹp tên là Clêôpatơrơ (Cléopatre).

Mêlêagrơ từ bỏ cuộc chiến đấu. Cục diện chiến trường thay đổi ngay: những người Caliđông từ thắng chuyển thành bại, và thất bại này kéo theo thất bại khác, thất bại sau nặng nề hơn thất bại trước. Cuối cùng, quân Quyret thừa thắng xông lên vây hãm thành Caliđông. Tình thế hết sức nguy ngập, đô thành đứng trước họa tiêu vong. Trong hoàn cảnh quẫn bách như thế, vua cha Ôênê không biết làm gì hơn là đành phải thân đến gặp Mêlêagrơ để khuyên giải Mêlêagrơ nguôi giận và trở lại chiến trường. Nhưng Mêlêagrơ một mực cự tuyệt. Các bô lão thành Caliđông cũng kéo đến khẩn thiết xin Mêlêagrơ xuất trận. Họ hứa sẽ trao cho chàng phần thưởng to lớn nhất, hậu hĩ nhất một khi quân Quyret bị đánh tan. Nhưng người anh hùng Mêlêagrơ vẫn không thuận theo ý muốn của các vị bô lão. Cả đến mẹ và em chàng đến gặp chàng, đem hết tình, lý ra thuyết phục chàng, chàng vẫn không nghe. Quân Quyret đã chọc thủng được một mảng tường thành tràn vào đất phá một khu vực và nếu không ngăn cản được thì sớm muộn cả kinh thành sẽ bị thiêu đất ra tro.

Trong nỗi kinh hoàng gớm ghê đang sầm sập đổ xuống, người vợ trẻ đẹp của Mêlêagrơ, nàng Clêôpatơrơ, quỳ xuống trước mặt chồng, nói với chồng những lời tha thiết sau đây:

- Chàng ơi, xin chàng hãy bớt giận làm lành! Lẽ nào chàng đành lòng ở đây để nhìn đô thành ta bị đốt cháy thành tro bụi, để nhìn những người dân thành Caliđông vốn yêu mến chàng như những người thân thích trong gia đình bị bắt giải đi làm nô lệ? Chàng có lúc nào nghĩ tới chính trong số những người dân Caliđông bất hạnh ấy, có cha mẹ chàng và những đứa em thân yêu của chàng không? Chàng có bao giờ nghĩ tới trong số những người khổ nhục ấy có người vợ thân yêu còn son trẻ và xinh đẹp của chàng không? Làm sao mà cha mẹ và các em của chàng cũng như vợ chàng có thể thoát khỏi cái số phận nhục nhã đó nếu như họ không chết dưới mũi lao của quân thù? Nỗi giận hờn dai dẳng làm cho con người ta mất cả tỉnh táo khôn ngoan. Linh hồn những chiến sĩ bị chết vì quân Quyret sẽ muôn đời nuôi giữ mối thù oán hận đối với chàng. Họ khi đứng trước thần Hađex và nữ thần Perxêphôn sẽ nói: ''Chỉ tại chàng Mêlêagrơ nuôi giữ mối giận hờn dai dẳng với mẹ, từ bỏ cuộc giao tranh cho nên chúng tôi mới sớm phải lìa đời với bao niềm luyến tiếc...''. Họ sẽ nói như thế. Nhưng còn chàng, khi ấy chàng ở đâu? Liệu chàng có thoát khỏi số phận nhục nhã bị quân thù bắt giải đi hay trong cơn binh lửa chàng cũng đã gục ngã vì một mũi tên hay một ngọn lao ác hiểm nào?

Nghe vợ nói những lời tâm tình đau xót, Mêlêagrơ tỉnh ngộ. Chàng mặc áo giáp vào người, cầm lấy khiên và ngọn lao dài nhọn hoắt xông ra chiến trường. Quân Caliđông thấy vị tướng tài của mình trở lại chiến trường lòng đầy hồ hởi. Họ xông vào đánh quân thù với khí thế dũng mãnh như hùm sói. Thành Caliđông được giải vây. Nhưng ứng nghiệm thay lời cầu xin của Anthê(1). Một mũi tên vàng của thần Apôlông từ đâu bay tới kết liễu cuộc đời của chàng. Linh hồn của Mêlêagrơ rời bở cuộc sống ra đi. Nhưng nó còn nuôi giữ mãi nỗi ân hận, lo lắng cho tương lai của nàng Đêdania, người em gái xinh đẹp và thương yêu của nó.

Còn Anthê, sau khi được tin con trai tử trận, hối hận vì hành động nóng giận của mình đã treo cổ tự sát.

Có một nguồn chuyện kể: không phải Đêdania là em cùng bố với Mêlêagrơ. Bố Đêdania là thần Rượu Nho Điônidôx. Vị thần này mê cảm trước sắc đẹp của Anthê đã gạ gẫm vua Ôênê cho ''mượn'' bà vợ ít ngày. Tặng vật hậu tạ là cây nho. Trước một tặng vật vô cùng quý báu như thế, vua Ôênê lúc đầu có phần lưỡng lự sống sau khi cân nhắc, nhà vua liền ưng thuận. Từ đó trở đi trên mảnh đất Caliđông mọc lên những ruộng nho bạt ngàn xanh tốt.

Và Đêdania là kết quả của mối tình ngắn ngủi giữa Điônidôx và Anthê.

Nhận xét về huyền thoại này, Ph.Enghen viết:

"... Chỉ qua thần thoại của thời anh hùng mà người Hy Lạp biết được bản chất hết sức chặt chẽ của mối liên hệ trong nhiều bộ tộc đã gắn bó người cậu với người cháu trai và phát sinh từ thời đại mẫu quyền. Theo Điđôor (V134), Mêlêngrơ giết chết những người con trai của Textiux tức là những người anh em của mẹ hắn Anthê, bà này coi hành vi đó là một tội ác không thể chuộc được, đến nỗi bà nguyền rủa kẻ sát nhân tức đứa con trai của bà và cầu cho hắn chết đi. Theo chỗ người ta kể lại thì các vị thần đã thể theo nguyện vọng của bà ta mà chấm dứt cuộc đời của Mêlêagrơ...".

Như vậy vì xót xa mối tình ruột thịt anh em của mình mà Anthê, một người mẹ đã không còn tình mẫu tử nữa. Việc bà ta cầu xin các vị thần giết chết đứa con trai do mình dứt ruột đẻ ra để trả thù cho anh em ruột thịt của mình chứng tỏ bà ta coi trọng dòng họ của mình hơn. Đứa con trong quan niệm của bà ta hẳn mà không thân thiết bằng anh em ruột thịt. Nó thuộc về dòng họ khác dòng họ của người cha. Và hành động của Anthê trong chuyện này là một bằng chứng về sức sống của chế độ mẫu quyền, về mối liên hệ chặt chẽ của chế độ mẫu quyền.

Tuy nhiên có một câu hỏi đương nhiên đặt ra đối với vấn đề này: Vì sao đứa con ở trong chuyện này lại bị coi là thuộc về dòng họ của người cha? - Nếu trong quan hệ mẫu quyền theo ý nghĩa chính xác nhất, chặt chẽ nhất, thì đứa con không thể nào thuộc về dòng họ của người cha được. Trong quan hệ mẫu quyền phổ biến, đứa con bao giờ cũng thuộc về người mẹ, dòng họ người mẹ, thuộc về thị tộc mẫu hệ và chắc chắn Anthê sẽ không thể nào nảy ra cái ý định muốn trừng phạt con để trả thù cho anh em ruột thịt của mình. Nhưng trong thực tế của câu chuyện này thì rõ ràng đứa con, chàng Mêlêagrơ, người anh hùng của thành Caliđông, là sản phẩm của một quan hệ phụ quyền. Vậy thì chúng ta phải đi đến một kết luận để giải quyết cái mâu thuẫn mà xét qua bề ngoài ta thấy tưởng chừng như hết sức vô lý và khó hiểu đó: đây là một huyền thoại phức hợp, bên những quan hệ mẫu quyền ta thấy có cả những đặc điểm của chế độ phụ quyền.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: