Chiến công và cái chết của dũng sĩ Benlêrôphông (bellérophon)

Khi còn sống, Xidip lấy một nàng Plêiađ tên là Mêrôp (Mérope) làm vợ. Họ sinh được một con trai đặt tên là Glôcôx (Glaucos). Sau khi Xidip chết, Glôcôx lên làm vua tiếp tục trị vì trên đô thành Êphia. Glôcôx là một vị vua nổi danh vì tài cưỡi ngựa. Bất cứ con ngựa nào dù hung dữ bất kham đến đâu hễ vào tay ông là sớm muộn cũng phải khuất phục. Đàn ngựa của ông rất quý, nhất là những con ngựa được tuyển chọn để thắng vào cỡ xe của ông thì lại càng quý hơn nữa. Chúng phi như bay, vượt qua các chướng ngại một cách khôn khéo, đoán biết được ý định của chủ, thông minh đến nỗi người ta tưởng chừng chúng nghe được cả tiếng người. Chúng đã đem lại cho ông khá nhiều vinh quang trong những cuộc thi đấu ở các ngày hội Glôcôx. Tuy vậy, ông vẫn không hề bằng lòng, thỏa mãn với bầy ngựa của mình. Ông muốn chúng phải bỏ xa, vượt xa những con ngựa danh tiếng nhất mà ông đã từng được biết. Và ông nghĩ ra một cách để cho bầy ngựa của mình có thể vươn lên hơn hẳn cả đối thủ: ông không cho bầy ngựa của ông giao phối. Việc làm của ông khiến nữ thần Aphrôđitơ bất bình. Vị nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp này tỏ vẻ không hài lòng trước một hành động vi phạm vào luật lệ của tạo hóa như vậy, hơn nữa như vậy tỏ ra độc ác và tàn nhẫn. Aphrôđitơ bèn tâu với Dớt và xin Dớt trừng phạt. Nhưng Dớt giao toàn quyền cho Aphrôđitơ. Được Dớt cho phép, nữ thần Aphrôđitơ tìm cách cho những con ngựa của Glôcôx uống nước ở một con suối thần, vì thế những con ngựa trở nên rất khỏe, rất hung dữ đến mức chúng có thể ăn được thịt người, thèm khát ăn thịt người.

Thế rồi trong một ngày hội tưởng niệm vị vua Pêliax, Glôcôx được mời tham dự. Ông tham gia trò đua xe ngựa. Nhưng rủi ro thay, cỗ xe của ông phóng quá nhanh bị lật đổ! Những con ngựa của ông đã xéo chết ông và ăn thịt ông. Có chuyện lại kể, chính Glôcôx đã nuôi ngựa của mình bằng thịt người. Việc làm này khiến các vị thần tức giận và quyết định trừng phạt ông. Tham gia thi đấu, xe của ông bị đổ và chính những con ngựa đã từng nhiễm cái thói quen ăn thịt người do chủ nó nuôi nấng lúc này hăng máu lên ăn thịt luôn chủ nó.

Glôcôx có một con trai tên là Benlêrôphông. Thật ra cái tên này sau này mới có. Lúc đầu chàng trai này tên là Hippônôx (Hipponos). Hồi ấy ở thành Côranhtơ nổi lên một tên tiếm vương độc ác tên là Benlêrôx (Belléros). Hắn cướp ngôi vua, thực hành nhiều chính sách bạo ngược khiến cho nhân dân oán thán. Hippônôx đã tìm cách trừ khử tên bạo chúa này. Vì lẽ đó cũng từ đó, người ta không gọi chàng thanh niên dũng cảm ấy bằng cái tên Hippônôx nữa mà gọi là Benlêrôphông theo tiếng Hy Lạp nghĩa là: "Người giết Benlêrôx". Nhưng theo luất lệ người xưa, sát nhân là một trọng tội, kẻ sát nhân phải đưa ra xét xử và phải chịu những hình phạt rất nặng. Benlêrôphông vì thế phải từ bỏ đô thành Côranhtơ trốn sang Tiranhtơ, xin nhà vua đô thành này tên là Prôêtôx cho trú ngụ. Vua Prôêtôx đã lám lễ rửa tội và tẩy uế cho chàng, cho chàng sống trong cung điện cùng với gia đình nhà vua. Cuộc sống tưởng cứ thế trôi đi bình yên và êm đẹp ngờ đâu lại xảy ra một chuyện thật xấu xa hết chỗ nói. Hoàng hậu Xtênêbê (Sthénébée) vợ của vua Prôêtôx vốn là một phụ nữ đa tình. Nàng đem lòng thầm yêu chàng trai cường tráng và xinh đẹp Benlêrôphông mà Benlêrôphông không biết. Bữa kia nhân lúc vắng chồng, Xtênêbê lân la trò chuyện với Benlêrôphông và biểu lộ dục vọng của mình khá là thô thiển. Benlêrôphông, trước thái độ đó của Xtênêbê, rất khó chịu. Nhưng chàng chỉ biết khéo léo khước từ. Bị cự tuyệt, Xtênêbê nghỉ cách trả thù Benlêrôphông. Nàng chờ lúc chồng về, đến gặp chồng và đặt điều vu cáo cho Benlêrêphông đã có những hành động lả lơi, sàm sỡ với nàng, xúc phạm thô bạo đến danh tiết của nàng. Nàng đòi chồng phải giết Benlêrôphông để rửa nhục cho mình. Nghe vợ nói, nhà vua không mảy may một chút nghi ngờ. Ông vô cùng tức giận muốn giết ngay Benlêrôphông cho hả lòng hả dạ. Nhưng giết một người đâu có phải chuyện thường. Các nữ thần Êrinê sẽ truy đuổi và đòi trừng phạt. Thần Dớt làm sao có thể tha thứ được việc ám hại một người khách ngay tại nhà mình. Nghĩ mãi không tìm cách gì để hạ sát Benlêrôphông cho ổn, cuối cùng Prôêtôx thấy tốt nhất là nhờ bàn tay ông cụ bố vợ mình, lão vương Iôbatex (Iobatès) trị vì trên đất Liki. Nhà vua bèn viết một bức mật thư gửi cho cụ, trong thư nói Benlêrôphông đã can tội xúc phạm đến mình, xin cụ ra tay trừng trị giúp. Bức thư được viết bằng một ký hiệu bí mật trên một tấm "giấy" bằng đất nung mà chỉ riêng hai người hiểu được và giao cho Benlêrôphông mang đi.

Benlêrôphông lên đường sang xứ Liki. Sau một chặng đường dài mệt mỏi, chàng tới được mảnh đất nổi tiếng là giàu và đẹp này. Lão vương Iôbatex mở tiệc thết đãi người khách quý. Và theo như phong tục người Hy Lạp cổ xưa, Iôbatex chỉ hỏi tên họ của khách sau khi khách đã ăn uống no say. Benlêrôphông dâng lão vương bức thư của Prôêtôx. Đọc xong thư, Iôbatex thấy ớn lạnh cả người. Con rể của lão đã nhờ lão làm một việc thật khó, khó hết chỗ nói. Dù sao thì lão cũng lưu giữ chàng trai ở lại cung điện ít ngày để liệu bề đối xử. Sống gần chàng thanh niên khỏe mạnh, trong sáng và hồn nhiên, lão vương Iôbatex đâm ra thấy mến Benlêrôphông. Lão không thể tin được, ngờ được, con người hồn nhiên và trong sáng như thế lại có thể phạm vào cái tội xấu xa, ô uế như con rể của lão viết thư cho lão biết. Có phần nào, đúng ra, Iôbatex cảm thấy hơi khó tin. Đó là một lẽ khiến lão không thể đang tâm giết một con người mà mình cảm thấy chẳng có gì đáng ghét, đáng thù hằn. Còn một lẽ thứ hai nữa là, giết người là một trọng tội. Thần Dớt và các thần Ôlanhpơ cũng như các vị thần ở dưới vương quốc của Hađex chẳng thể nào tha thứ cho kẻ phạm tội tày đình đó. Nếu Benlêrôphông phạm tội đối với Prôêtôx thì sao Prôêtôx không đích thân tự tay trừng trị Benlêrôphông mà lại phải nhờ đến tay mình? - Iôbatex nghĩ thế - Đúng là hắn sợ phạm tội giết người. Nếu hắn đã sợ thì tại sao mình lại không sợ? Tại sao mình phải nhúng tay vào một tội ác đẫm máu để hứng chịu lấy mọi hình phạt? - Nghĩ thế nên cuối cùng Iôbatex quyết định tha cho Benlêrôphông. Nhưng không phải là tha bổng, tha hoàn toàn. Lão vương nghĩ ra một cách trừng trị: bắt Benlêrôphông phải thanh trừ con quái vật Khimer. Đây là một quái vật rất dữ tợn, khủng khiếp, đầu sư tử đuôi rồng, thân dê. Có người lại nói Khimer có ba đầu: sư tử là một, rồng là hai, dê là ba, mọc chung trên một thân. Khimer về lai lịch như sau bố là Tiphông, một ác quỷ khổng lồ có trăm đầu, cao như núi, mẹ là Êkhiđna, một con quỷ cái có dễ to lớn không thua kém gì chồng, nửa người, nửa rắn. Đối với lão vương Iôbatex thì đây là một sự trừng phạt tránh được cho lão khỏi phạm tội ác. Còn đối với chàng thanh niên Benlêrôphông thì đây là một sự thách thức chí trai. Người xưa có chỗ còn kể, sở dĩ Benlêrôphông dám lên đường đi tiêu trừ quái vật Khimer là vì chàng vốn là con của thần Pôdêiđông bởi vì chỉ có con thần cháu thánh thì mới có được sức mạnh hơn người để chấp nhận cuộc thách thức. Mẹ của Benlêrôphông tuy là một người trần tục, nàng Ơrinômơ (Eurynome) nhưng đã được nữ thần Atêna dạy dỗ, đã từng là học trò yêu của nữ thần cho nên về trí thông minh và sự khôn ngoan, hiểu biết nàng có thể sánh ngang các vị thần. Chính nàng đã truyền dạy lại những ''báu vật'' thần thánh ban cho ấy, cho người con trai yêu quý của mình nên nó mới có một trái tim dũng cảm mưu trí.

Nhưng để chiến thắng được quái vật Khimer chạy nhanh như gió, phun ra lửa, Benlêrôphông phải có một vũ khí gì ưu việt. Chàng được biết người anh hùng Perxê trong cuộc đọ sức với ác quỷ Mêđuydơ đã chiến thắng rất oanh liệt nhờ đôi dép có cánh. Chàng thấy có lẽ chàng cũng phải tìm được đôi dép thần như thế để có thể bay trên trời cao sà xuống giao đấu với quái vật. Nhưng tìm đâu ra đôi dép kỳ diệu ấy? - Bỗng Benlêrôphông nhớ đến con thần mã Pêgadơ từ cổ ác quỷ Mêđuydơ khi bị chém bay vụt ra, bay vụt lên trời. Phải tìm bằng được con thần mã đó, Benlêrôphông nghĩ thế, và chàng bắt tay ngay vào công việc chuẩn bị cho cuộc hành trình đi chinh phục Pêgadơ. Muôn chinh phục Pêgadơ, Benlêrôphông phải, theo như người ta nói, lần mò tới đỉnh núi Hêlicông, ngọn núi của các nàng Muydơ. Nơi đây có con suối Hippôcren, bắt nguồn từ một thác nước, chảy uốn khúc giữa hai bên bờ cỏ xanh rờn. Pêgadơ thường từ trời cao hạ cánh xuống đỉnh núi và đến uống nước ở dòng suối đó. Lại có người nói, Pêgadơ còn xuống uống nước ở suối Piren trên núi Acrôcôranhtơ(1).
[(1) Arcororinthe: thành Côranhtơ ở trên cao, tiếng Hy Lạp acrôs: trên cao]

Nhưng làm thế nào để bắt được con ngựa thần ấy, một con ngựa mà khi thoáng thấy bóng người là nó đã vỗ cánh bay thẳng lên trời? Benlêrôphông sau nhiều lần rình bắt không được đành phải tìm đến nhà tiên tri Pôliđ để xin một lời chỉ dẫn. Pôliđ khuyên Benlêrôphông nên đến đền thờ nữ thần Atêna, cầu khấn nữ thần và ngủ lại đền thờ để chờ linh nghiệm. Tuân theo lời chỉ dẫn, đêm hôm đó ngủ lại đền thờ, Benlêrôphông đã nằm mơ thấy một giấc mơ kỳ lạ. Các vị thần Ôlanhpơ uy nghiêm ngự trị trên đỉnh núi cao bốn mùa mây phủ, truyền cho Benlêrôphông sức mạnh chinh phục con thần mã Pêgadơ. Nữ thần Atêna tiến đến bên chàng và bảo:

- Benlêrôphông hỡi! Con ngủ mãi như thế này sao? Hãy mau tỉnh dậy và thắng bộ cương này vào con thần mã Pêgadơ chứ! Con ngựa thần thánh ấy đang chờ con đấy!

Benlêrôphông giật mình tỉnh dậy. Chàng chẳng thấy một vị thần nào bên chàng. Nhưng ở trên mặt đất bên chỗ chàng nằm rực sáng lên một bộ dây cương bằng vàng, một bộ dây cương mà chàng chưa hề trông thấy trên đời này bao giờ. Ánh sáng của nó cứ tỏa ra ngời ngợi như những tia nắng vàng của thần Mặt Trời Hêliôx Hipêriông. Chàng quỳ xuống nâng bộ dây cương lên rồi kính cẩn cúi đầu lạy tạ các vị thần Ôlanhpơ và chứa chan hy vọng, Benlêrôphông chạy như bay đi tìm Pêgadơ: cũng phải mất một thời gian vất vả rình mò, Benlêrôphông mới đón được Pêgadơ. Hôm đó như thói quen, Pêgadơ từ trời cao hạ cánh xuống đồng cỏ bên bờ suối Piren. Sau khi gặm những búi cỏ xanh non, Pêgadơ đi ra suối uống nước. Benlêrôphông từ chỗ nấp của mình chạy tới chỗ Pêgadơ. Nghe tiếng động, Pêgadơ cất đầu lên khỏi dòng suối đoạn vỗ cánh bay. Nhưng trông thấy Benlêrôphông chạy tới với bộ cương vàng tỏa sáng ngời ngợi, Pêgadơ ngoan ngoãn để Benlêrôphông thắng cương. Thế là chàng Benlêrôphông đã có một "vũ khí" ưu việt hơn ác quỷ Khimer. Với bộ áo giáp đồng và chiếc khiên đồng ngời sáng, với cây cung và ống tên đầy ắp, gươm đeo bên sườn, Benlêrôphông nhảy lên lưng con thần mã trắng muốt như tuyết giật cương. Con ngựa hí lên một tiếng mừng rỡ, vỗ cánh tung vó, rẽ mây đưa Benlêrôphông hay vút lên trời cao.

Benlêrôphông bay ngay đến ngọn núi hang ổ của Khimer. Chàng cho thần mã Pêgađơ hạ cánh xuống đất rồi tìm vào hang Khimer nhử nó ra ngoài. Trúng kế, Khimer từ trong hang lao vút ra như tên bắn tìm địch thủ. Ba dòng lửa từ ba miệng của ác quỷ phun ra quệt vào nơi đâu là nơi đó bốc cháy ngùn ngụt. Benlêrôphông nhanh như cắt nhảy phốc lên lưng con thần mã giật cương. Chàng bay vọt lên trời cao như chim đại bàng. Chàng điều khiển con thần mã thu hẹp vòng lượn lại và hạ thấp xuống. Rồi bất chợt chàng giật cương cho Pêgadơ nhằm thẳng ác quỷ Khimer đâm bổ xuống. Cùng lúc đó, chàng giương cung bắn liên tiếp những mũi tên ác hiểm, có một không hai, xuống ác quỷ Khimer. Đến đây ta phải dừng lại để kể qua về những mũi tên đặc biệt của Benlêrôphông. Đây không phải là những mũi tên đồng của các trang anh hùng dũng sĩ danh tiếng, cũng không phải là những mũi tên tẩm độc như những mũi tên của Hêraclex. Vả lại càng không phải là những mũi tên vàng của vị thần Xạ thủ có cây cung bạc Apôlông hay những mũi tên vô hình của vị thần Tình yêu Êrôx. Mà là những mũi tên chì, Benlêrôphông theo lời chỉ dẫn của các vị thần đã làm riêng những mũi tên chì để trừng trị ác quỷ. Khimer phun ra những dòng lửa đất cháy hết mọi vật xung quanh. Những mũi tên chì bắn vào thân hình giãy nóng hừng hực của nó, lại được bầu không khí xung quanh nó bị đất cháy cũng nóng như thế, làm chảy chì ra, vết thương đo những mũi chì bắn vào là không cách gì cứu chữa nổi.

Benlêrôphông bắn liên tiếp những mũi tên này đến những mũi tên khác. Khimer biết địch thủ của mình từ trên trời cao đánh xuống, liền ngóc đầu lên để phun lửa thì đã quá muộn. Con thần mã Pêgadơ đã bay vọt lên cao và lượn về phía sau lưng Khimer. Đau đớn điên cuồng, Khimer phóng lửa bừa bãi đất núi đá thành vôi, đất rừng cây thành than tro. Núi sạt lở, cây cháy đổ ầm ầm, lửa bốc ngùn ngụt, khói bụi mù mịt khiến Khimer càng không sao trông thấy, tìm thấy địch thủ. Nó chết trong sự điên cuồng của nó và bị chính những ngọn lửa của nó đất cháy thành tro.

Benlêrôphông hoàn thành sứ mạng của Iôbatex. Chàng trở về cung điện với chiến công hiển hách, vinh quang lấy lừng.

Nhưng Iôbatex lại trao cho Benlêrôphông một sứ mạng nguy hiểm khác nữa: chinh phục những bộ lạc Xôlim (Solymes) và những bạn đồng minh của họ là những nữ chiến binh Amadôn (Amazones). Cần phải nói qua về những nữ chiến binh Amadôn thì chúng ta mới thấy hết được những khó khăn và nguy hiểm mà Benlêrôphông sẽ phải đương đầu. Những bộ lạc Amadôn là những bộ lạc thuần đàn bà, tuyệt không có lấy một người đàn ông nào. Tổ tiên họ xưa kia là một giống kỳ lạ: những người phụ nữ ham mê chiến trận và rất tài giỏi trong sự nghiệp chinh phạt, giao tranh. Cứ thế hết đời này đến đời khác những nữ chiến sĩ Amadôn sống dưới quyền cai quản của một nữ hoàng. Họ xây dựng đô thành trên bờ sông Termôđông (Thermơdon) đặt tên là Têmôxkiar (Thémoscyre). Có người kể, họ sống trên bờ sông Mêôliđ ở biển Adôp. Nhưng sống không có đàn ông thì làm sao những người Amadôn bảo tồn, duy trì và phát triển được nòi giống? Thế nhưng những nữ chiến sĩ Amadôn vẫn tồn tại và phát triển. Họ làm theo cách sau: mỗi năm đón mời những người đàn ông ở bộ lạc láng giềng sang chơi một lần, và đó cũng và lễ kết hôn của họ. Sau đó họ đuổi những người "chồng" này trở về bộ lạc của chồng. Sau cuộc kết hôn ấy, những bà mẹ nào đẻ con ra, nếu là con gái thì giữ lại ở bộ lạc Amadôn, còn nếu là con trai thì đuổi về sống với bộ lạc "bố của chúng. Người xưa còn kể, những nữ chiến sĩ Amadôn để thuận tiện cho việc bắn cung, vì họ vốn là những cung thủ có truyền thống bách phát bách trúng, đã đất đi hoặc cắt đi một bên vú phải của mình(2). Có người lại nói, con trai đẻ ra và họ đem giết ngay. Những người Amadôn tung hoành khắp vùng bờ biển Tiểu Á đánh bại hầu hết những bộ lạc lân cận nhờ vào ưu thế cưỡi ngựa bắn cung của họ. Benlêrôphông dẹp xong khối liên minh của hai bộ lạc Xôlim và Amadôn bảo vệ được đất nước Liki của Iôbatex khiến cho quân thù khiếp sợ không dám bén mảng đến cướp phá. Với con thần mã Pêgadơ thì tài cưỡi ngựa bắn cung của những người Amadôn phải nhường chỗ cho người anh hùng Benlêrôphông.
[(2) Truyền thuyết này giải thích từ "Amazone" theo tiếng Hy Lạp cổ là "không có vú". Nhưng theo một số nhà nghiên cứu thì sự giải thích này không đúng]

Iôbatex vẫn chưa thôi thử thách. Lần này nhà vua cử những trang anh hùng danh tiếng của mình thống lĩnh một đội quân đi phục kích Benlêrôphông khi biết tin chàng đã chiến thắng và đang trên đường trở về. Benlêrôphông mặc dù bị đánh bất ngờ vẫn không hề nao núng. Chàng lần lượt hạ các đối thủ. Chỉ đến lúc này lão vương Iôbatex mới thật sự thừa nhận chiến công vĩ đại của Benlêrôphông. Lão vương cho mở tiệc mừng trọng thể hơn nữa lại còn gả con gái cho chàng và chia cho chàng một nửa giang sơn để chàng cai quản. Nhân dân Liki coi chàng là vị anh hùng vĩ đại của đất nước và trao tặng chàng những tặng phẩm hậu hĩ.

Mọi việc xong xuôi, Benlêrôphông lan đường về thăm lại vương quốc Tiranhtơ của nhà vua Prôêtôx. Được tin Benlêrôphông trở về, Xtênêbê xấu hổ vì hành động xấu xa của mình, tự tử.

Cuộc đời của người anh hùng những tưởng sẽ còn lập được nhiều chiến công vinh quang hiển hách hơn nữa cho đất nước Liki, ngờ đâu, Benlêrôphông chẳng rõ vì sao bữa kia lại nảy ra ý định ngông cuồng muốn sánh ngang các vị thần. Chàng không muốn sống ở thế giới trần tục của những người đoản mệnh mà muốn sống trên thế giới Ôlanhpơ của các vị thần bất tử. Chàng nghĩ rằng, chiến công của mình có thể cho phép mình sánh ngang các bậc thần thánh. Thế là Benlêrôphông cưỡi con thần mã Pêgadơ bay thẳng lên trời cao, bay lên cao, cao mãi vượt hết tầng mây thấp đến tầng mây cao để tới thế giới Ôlanhpơ. Nhưng thế giới thần thánh do Dớt trị vì đâu có phải chuyện chơi, ai muốn lên thì cứ tự ý lên, chẳng có luật lệ, phép tắc gì cả. Thần Dớt trông thấy Benlêrôphông cưỡi con Pêgadơ đang rẽ mây lướt gió bay lên, thần chau mày nổi giận. Thần phất tay mạnh một cái. Thế là con thần mã bỗng trở nên hung hăng trái tính trái nết. Nó lồng lên, đường đi nước chạy không còn ra làm sao cả. Benlêrôphông không tài nào điều khiển được nó. Và trong một tiếng hí ghê rợn, con ngựa chồm lên hất mạnh Benlêrôphông ra khỏi lưng mình. Thế là người anh hùng ấy rơi từ trên trời cao xuống tận đất đen, linh hồn từ bỏ hình hài đi xuống thế giới của thần Hađex. Còn con thần mã Pêgadơ lại trở về thế giới Ôlanhpơ để phục vụ cho thần Dớt và các vị thần khác trong những cuộc công cán xuống trần hoặc đi du ngoạn đó đây. Ngày nay, trong văn học thế giới có thành ngữ Cưỡi lên Pêgadơ, hoặc Thắng yên cương vào Pêgadơ để chỉ cảm hứng sáng tác thơ ca, nghệ thuật hoặc chỉ một người nào đó đã trở thành nhà thơ, đồng thời nó cũng chỉ tài năng sáng tác của một người nào đó đã "phát tiết ra ngoài" vì lẽ Pêgadơ thường xuống ngọn Hêlicông, ngọn núi của các nàng Muydơ và uống nước ở con suối Hippôcren, con suối mà theo người xưa kể, các nhà thơ thường đến du ngoạn, uống nước để có nguồn cảm hứng. Người xưa còn kể, Pêgadơ thường mời các nhà thơ đi du ngoạn khắp bầu trời rồi trở về núi Mêlicông để có được nguồn cảm hứng bay bổng dạt dào. Lại có thành ngữ Con Pêgadơ bất kham để chỉ một nhà thơ tồi.

Quanh cái chết của Xtênêbê còn có một cách kể khác rằng Benlêrôphông đã cho Xtênêbê cưỡi lên con thần mã Pêgadơ cùng với mình bay lên cao rồi ném Xtênêbê từ trên đó xuống biển. Về cái chết của Benlêrôphông cũng có một cách kể khác, rằng Benlêrôphông rơi xuống đất đen nhưng không chết, mà chỉ bị thọt và mù. Chàng sống với nỗi bất hạnh tàn tật và cô đơn, đi lang thang khắp thế gian với nỗi hối hận về hành động phạm thượng của mình. Cũng cần nói thêm một chút về huyền thoại những nữ chiến binh Amadôn. Nhìn qua chúng ta thấy ngay dấu ấn của huyền thoại thuộc về chế độ mẫu hệ. Tuy nhiên có một điều khiến chúng ta phải băn khoăn đặt câu hỏi: trong chế độ mẫu quyền, chiến tranh bộ lạc đã ra đời chưa và nếu đã ra đời thì tồn tại phổ biến đến mức như thế nào để có thể có những sản phẩm như bộ lạc Amadôn? Có thể nói, chiến tranh bộ lạc không phải là hiện tượng xã hội phổ biến và thường xuyên trong chế độ thị tộc mẫu quyền. Nói một cách nghiêm ngặt thì chiến tranh bộ lạc là một hiện tượng của chế độ thị tộc phụ quyền. Do đó chúng ta có thể phỏng đoán rằng, huyền thoại Amadôn là một huyền thoại của chế độ mẫu quyền song đã được anh hùng hóa. Mặc dù những nữ chiến binh Amadôn có được miêu tả khá hào hùng là những kỵ sĩ suốt ngày trên lưng ngựa, thiện chiến, có tài bắn cung... song trong các cuộc xung đột với ''đấng mày râu'', các Amadôn chưa lần nào chiến thắng, áp đặt được quyền uy của giới phụ nữ đối với các trang nam nhi, anh hùng: dũng sĩ Hêraclex đã chiến thắng Amadôn đoạt được chiếc thắt lưng của nữ hoàng Hipnôlit, rồi Benlêrôphông và sau này Têdê, Akhin cũng đều là những người chiến thắng. Huyền thoại Amadôn chỉ là một tia hồi quang của chế độ mẫu quyền được lắp ghép vào những huyền thoại về các chiến công của những anh hùng, dũng sĩ. Nó phải được anh hùng hóa để thích hợp với loại huyền thoại anh hùng của chế độ phụ quyền và để làm vẻ vang, rực rỡ cho chiến công của các anh hùng, dũng sĩ.

Ngày nay, Amadôn trở thành một danh từ chung chỉ: 1) nữ kỵ sĩ; 2) một loại váy dài của phụ nữ mặc khi cưỡi ngựa; 3) người phụ nữ có tính cách như nam giới, thiếu vẻ hiền dịu, vị tha của nữ tính, hung bạo, hay gây gổ.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: