Agiắc Lớn con của Têlamông tự tử

Sau khi Akhin chết, trong hàng ngũ quân Hy Lạp xảy ra một câu chuyện vừa xấu xa, bỉ ổi vừa đau đớn, thương tâm. Đó là việc quyết định xem ai và người được thừa kế bộ áo giáp và chiếc khiên của Akhin, một báu vật do thần Thợ Rèn Hêphaixtôx đã tốn bao công sức mới tạo nên được. Nữ thần Thêtix không thể chỉ định xem ai và người được nhận cái vinh dự này bởi nàng chẳng biết dựa vào điều gì để phán quyết. Akhin cũng chẳng dặn lại trao báu vật của mình cho ai. Quả là khó xử. Cuối cùng nữ thần Thêtix phán truyền cho hai anh em Agamemnông và Mênêlax biết chủ kiến của bà: hãy trao báu vật đó cho vị tướng nào đã chiến đấu xuất sắc nhất trong trận đánh bảo vệ thi hài Akhin. Căn cứ vào lời phán truyền ấy thì tướng Agiắc Lớn hoặc Uylix phải được nhận bộ áo giáp và chiếc khiên vì hai chàng là những người đã có công lớn trong việc đẩy lui quân Tơroa và mang thi hài Akhin về doanh trại. Nhưng phần thưởng chỉ có một mà người xứng đáng lại có hai. Chỉ còn cách bỏ phiếu kín để quyết định. Người ta nêu ra một câu hỏi cho các tù binh Tơroa: trong hai vị tướng Hy Lạp, Agiắc và Uylix, ai và người xuất sắc nhất, đáng sợ nhất? - Và đặt hai bình đựng phiếu, một của Agiắc, một của Uylix. Tưởng việc làm như thế thì minh bạch và công bằng. Nhưng không, nữ thần Atêna vì yêu quý Uylix và thù ghét Agiắc đã xúi giục, bày đặt cách gian lận cho anh em Atơriđ để khi kiểm phiếu Uylix được nhiều phiếu hơn. Sở dĩ nữ thần ghét Agiắc là vì trong những trận chiến đấu với quân Tơroa đã có lần Agiắc coi thường, khước từ sự giúp đỡ của nữ thần. Đó là một hành động ngạo mạn, kiêu căng đáng phải trừng phạt. Kết quả là bằng những thủ đoạn gian lận, bỉ ổi, xấu xa do nữ thần Atêna bày đặt, Uylix đã thắng, được thừa hưởng bộ áo giáp và cái khiên của Akhin. Căm giận việc làm xấu xa, bỉ ổi của hai anh em Atơriđ, Agiắc tìm cách trả thù. Đêm khuya hôm đó, Agiắc mang gươm đột nhập vào đại bản doanh quân Hy Lạp mưu toan giết lũ quân canh rồi hạ sát hai anh em Atơriđ và Uylix. Nhưng nữ thần Atêna luôn luôn quan tâm đến Uylix, luôn luôn ở bên cạnh Uylix cũng như hai anh em Atơriđ để bảo vệ, giúp đỡ bộ ba tướng lính này. Vì thế, khi thấy Agiắc cầm gươm lẻn ra đi, nữ thần Atêna bèn làm cho người dũng sĩ này mất trí đi lạc đường ra bãi chăn nuôi. Nữ thần còn làm cho Agiắc mất trí đến nỗi trông cuốc hóa gà, trông thấy đàn bò của quân Hy Lạp bắt được thả trên bãi hóa ra những chiến binh Hy Lạp. Và thế là Agiắc vung gươm xông vào chém giết và bắt một số giải về lều của mình. Chàng đinh ninh rằng, mình đã giết chết hai anh em Atơriđ và bắt sống được Uylix.

Trời sáng, quân Hy Lạp thấy súc vật bị giết bị mất bèn truy tìm và phát hiện ra thủ phạm là Agiắc. Uylix được lệnh đi rình bắt Agiắc đem về nộp cho hai anh em Atơriđ để trị tội. Trong khi rình nấp, Uylix được nữ thần Atêna hiện ra nói cho biết rõ đầu đuôi câu chuyện. Và thế là câu chuyện Agiắc tả xung hữu đột giữa đàn bò tưởng như là mình tả xung hữu đột giữa quân Hy Lạp, giết Agamemnông, hạ Mênêlax, bắt sống Uylix không cánh mà bay lan truyền từ miệng người này sang miệng người khác khắp trong toàn quân Hy Lạp.

Còn Agiắc, sau cuộc tung hoành, hồi tỉnh lại. Nữ thần Atêna đã trả lại trí khôn cho chàng. Vì thế chàng đã tỉnh táo để nghe rõ tường tận câu chuyện do mình gây ra vừa qua, một câu chuyện lố bịch, tức cười do hành động điên rồ của chàng. Chao ôi! Thật quá ư xấu hổ, quá ư đau xót! Đúng là một hành động đê nhục không xứng đáng với danh dự của một dũng tướng danh tiếng, chiến công lừng lẫy. Chàng càng nghĩ lại càng thấy hổ thẹn, đau xót, càng thấy nhục nhã. Chàng thấy không thể sống được khi danh dự đã bị ô uế. Chỉ có cái chết mới giải thoát nổi cho chàng. Agiắc nhờ người nữ tì Termex (Termesse) nhắn lại người em ruột của mình và Tơxer (Teucer) trông nom hộ chàng đứa con trai còn nhỏ. Sau đó gửi đứa bé về quê hương Xalamin để ông bà nội nuôi nấng giúp. Chàng dặn lại khi con chàng khôn lớn, Tơxer sẽ trao cho nó chiếc khiên quý của mình, chiếc khiên dày bảy lớp da bò mà không một vũ khí nào đâm thủng được. Chàng mong muốn con chàng sẽ mang tên của chiếc khiên: Ơriđax.

Dặn dò mọi việc xong, Agiắc lấy thanh gươm mà xưa kia Nextor trao tặng cho mình, ra đi, nói là đi cầu xin các vị thần tha thứ cho hành động phạm thượng của mình và hiến dâng cho thần Hađex thanh gươm báu.

Tơxer từ Midi trở về. Chàng được nhà tiên tri Cancax báo cho biết, phải giữ Agiắc lại trong lều trại hết ngày hôm nay, nếu để Agiắc đi ra khỏi nhà sẽ gặp tai họa nguy hiểm đến tính mạng. Tơxer vội cho quan hầu về phi báo cho mọi người biết. Nhưng không kịp nữa rồi, Agiắc đã ra đi. Mọi người chạy vội đi tìm Agiắc. Và người ta thấy chàng đã nằm chết bên bờ biển, một thanh gươm xuyên suốt qua ngực.

Được tin Agiắc chết, hai anh em Atơriđ liền đến tận nơi xem xét. Họ ra lệnh cấm không cho chôn cất thi hài Agiắc và coi đó là một hình phạt xứng đáng với tội phản nghịch của Agiắc. Mệnh lệnh này của họ ban ra gây cho tướng Tơxer một sự phẫn nộ chàng kiên quyết kháng cự lại lệnh này, sẵn sàng đứng ra chấp nhận mọi thử thách, đương đầu để bảo vệ quyền được chôn cất cho thi hài người anh mình, dù phải trả bằng bất cứ giá nào. Quân Hy Lạp lại đứng trước nguy cơ của một sự chia rẽ phân biệt. May thay, người anh hùng Uylix tới can thiệp. Chàng chỉ ra cho anh em Atơriđ biết, hành động trừng phạt đối với thi hài Agiắc là vô nhân đạo và không cao thượng, hơn nữa vi phạm vào điều ngăn cấm của thánh thần. Chàng phân giải cho họ rõ, mặc dù Agiắc vừa qua đã có hành động chống đối, thù địch đối với họ song dù sao Agiắc cũng là một vị tướng có công lớn trong cuộc chiến tranh Tơroa. Không thể đối xử với một vị tướng có công bạc nghĩa như thế. Không nên căm thù, trả thù đối với một cái xác chết. Agiắc xứng đáng được hưởng và phải được hưởng những nghi lễ trọng thể trong việc an táng.

Cuối cùng hai anh em Atơriđ phải nhượng bộ. Quân Hy Lạp lại có thêm một nấm mồ được xây dựng to đẹp bên cạnh nấm mồ chung của những người anh hùng: Patơrôclơ, Ăngtilôc và Akhin. Đó là nấm mồ của Agiắc Lớn, con của Têlamông, quê ở Xalamin, người anh hùng mà tài năng và sức mạnh trong toàn quân Hy Lạp chỉ chịu thua kém có Akhin.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: