Chương 3

     Muốn  Lên Chùa Chẳng Được
     Lại Làm Kẻ Ăn Xin Khắp Chốn
                           ***

Trong đêm, lúc ta đang ngủ ngon lành lại được để vào trong cái hòm gỗ cho trôi sông. Cái hòm gỗ cứ trôi theo dòng nước làm cho bao kẻ hám lợi cứ ngỡ bắt được của rơi. Ta nằm trong cái hòm gỗ trôi theo dòng nước, hết khóc, lại gọi mẹ đến khi khản cả tiếng.  Cứ ngỡ được may mắn khi có người bế ta lên đưa về nhà, ấy vậy mà một nhà đến sáu cái tàu đang há miệng chờ ăn, người như ta chẳng thiếu, nên người mới đưa ta lên chùa cho sư trụ trì. Chùa chiền là nơi chốn linh thiêng, được gửi thân vào chốn không môn cũng là phúc phận, thế mà ta lại chẳng được như thế. Người bế ta đi đến chùa giữa đường thì gặp một người, một người phú quý lại có lòng nhân, khi nghe người bế ta lên khỏi hòm gỗ  kể lại sự tình liền đưa cho người kia ba quan và bảo:
_ Bác cầm lấy ba quan này mà về mua  chút gạo cho đám trẻ ở nhà, còn đứa trẻ đây đưa tôi nuôi cho.
Người bế tôi từ cái hòm gỗ lên nhìn thấy mấy quan trong tay người kia thì thoáng vui mừng, nhưng lại băn khoăn vì " không dưng ai lại đem phần đến cho" mới ướm hỏi:
_ Tiền của bác cho, em chẳng dám nhận, còn thằng bé này có duyên với em, tuy em chẳng nuôi nổi, nhưng đưa lên chùa cho sư trụ trì, còn có khi lui tới thăm nom.
Người ấy cười bảo:
_ Bác chẳng lo, tôi vốn họ Mạc ở xứ Kinh Bắc, cách đây không xa, chỉ vì vợ chồng tôi vốn đã lớn tuổi, trong nhà thóc gạo chẳng thiếu, nhưng mụn con chẳng có, phải đi cầu tự khắp nơi, nay gặp đứa trẻ này cũng xem như có duyên, bác hãy cầm lấy mấy quan tiền lo cho đám trẻ ở nhà, nếu như bác lo sợ thì tôi xin kết nghĩa huynh đệ với bác, đến khi đó chúng ta qua lại với nhau, cho thêm huynh đệ.
Người bế tôi từ cái hòm gỗ nghe vậy thì nói:
_ Bác đã nói như vậy thì tôi tin, tôi vốn họ Lê ở nơi đây, kết nghĩa với bác thì tôi xin, nay đứa trẻ này  giao cho bác, đều không biết bác định đặt tên gì, cho tôi biết sau này cũng tiện đi tìm.
Người họ Mạc vốn thứ chín trong nhà,  vì thế mới gọi là Cửu, người đó mới hỏi:
_ Tôi tên họ Mạc Cửu, cho tôi hỏi bác ở họ Lê còn tên gọi là chi?
Người bế tôi từ cái hòm gỗ trôi sông lên, nghe vậy mới nói:
_ Bác là Mạc Cửu, còn tôi là Lê Thiên.
Họ Mạc ở Kinh Bắc nghe vậy liền bảo:
_ Thôi thì ta cứ lấy tên của bác và họ tên của tôi, chúng ta đặt tên cho cháu là Mạc Cửu Thiên, không biết ý bác ra sao?
Người họ Lê gật đầu nói:
_  Mạc Cửu Thiên là tên của con rồi đó nghe, con về xứ Kinh Bắc với cha của con, khi nào rảnh rảnh, có dịp cha đem các vị ca ca tỉ tỉ ghé thăm.
Người họ Mạc giờ đây đã là cha nuôi của tôi mới lấy ra trong người cái vòng bạc, lại lấy dao khắc lên ba chữ Mạc Cửu Thiên, rồi  đeo vào cổ của tôi và bảo:
_ Người huynh đệ! Chúng ta đã kết nghĩa huynh đệ, lại là cha nuôi của Mạc Cửu Thiên, giờ đây có chút ngân lượng, người huynh đệ đem về cho các cháu, chút miếng cơm manh áo.
Người họ Mạc nói xong còn bao nhiêu ngân lượng trong người, để đến chùa dâng hương kiếm con cầu tự, đều giao cho người cha họ Lê của tôi.
Người cha nuôi giờ đây từ chối chẳng được nên đành cầm lấy. Cha nuôi  họ Lê quay về nhà đi mua gạo, mua áo cho các vị ca ca, tỉ tỉ, còn tôi theo cha họ Mạc đi đến xứ Kinh Bắc. Cha mẹ nuôi của tôi vốn người có của nả và mãi không có con, nên thương tôi vô cùng, thế là từ một thằng bé sinh ra trong nhà nô tì của họ Trần, bị người đem thả trôi sông, tôi nhảy phắt một cái lên làm thiếu gia của nhà họ Mạc, thật sướng như chuột sa chĩnh nếp, ấy vậy mà tôi chẳng biết cho, nhiều khi tôi nghĩ sao cái hòm gỗ không chìm xuống sông cho chết luôn đi.
Mạc Cửu Thiên ở nơi nhà họ Mạc là vị thiếu gia muốn gì được đó. Cha tôi muốn tôi học chữ, làu thông kinh sử để thi đỗ công danh đề tên bảng vàng, thế mà tôi chẳng thích học hành lại thích lê la khắp chốn đầu sông cuối bãi chơi với bọn người chăn trâu cắt cỏ, bắt dế, đánh vật, cứ y như rằng lúc chiều về là người tôi lấm lem bùn đất. Hôm nay cũng vậy, tôi đang cởi trần đánh vật với kẻ chăn trâu ở nơi bãi cỏ ven sông. Một keo lấm lưng, hai keo trắng bụng, ba keo chỏng vó, tôi đều đánh cho bọn trẻ giữ trâu ở nơi bãi cỏ ven sông phải nể phục. Bọn chúng kêu tôi là Nhị Ngưu, mạnh như hai con trâu và tôn tôi làm đại ca, tôi nghe cũng chẳng khoái cho mấy vì giờ đây phải về nhà, kẻo được ăn  roi, người ta như tuổi của tôi, có người dùi mài kinh sử để vào kinh ứng thí, thế mà tôi cầm lấy sách là đôi mắt cứ nhắm tịt. Chơi mãi cũng đến lúc phải về nhà, con chữ nhìn mãi chẳng chịu chạy vào đầu, nhưng khôn vặt thì tôi có thừa, tôi cởi cái áo treo lên người ngoài nhìn vào cứ như tôi đang ngồi học, vì thế tôi nhẹ nhàng leo qua cửa sổ để vào trong. Cửa sổ có song cửa nhưng bằng cách nghiêng người từ từ tôi cũng chui vào được, tôi định bụng leo vào trong đọc ba chữ thật to biểu thị mình chăm học, vì thế khi vào trong tôi tủm tỉm cười, rồi bước vào định ngồi xuống cái ghế, không ngờ có người đang ngồi ở nơi đó, người ấy chẳng phải là cha của tôi sao? Tôi vừa nhìn thấy cha đang ngồi ở nơi đó, liền chắp tay thưa:
_ Thưa cha! Con vừa ra ngoài đi tiểu, không ngờ cha lại đến nơi.
Tôi nói xong chỉ biết đứng yên lặng, nghe cha quát nạt một phen và bụng bảo dạ vì lúc sáng nghe cha bảo, mình phải đi sang huyện bên thăm người bằng hữu, thế mà giờ đây cha đang ngồi ở nơi đây. Thế mà cha vẫn cầm lấy cuốn sách để nơi bàn chẳng cần ngẩng đầu lên bảo:
_ Con đi tiểu cũng hay nhỉ? Con không đi đường  cửa trước lại đi đường cửa sổ, không lẽ khi lớn lên con muốn làm kẻ khoét vách, trèo tường hay sao?
Nghe cha hỏi như vậy, có lẽ nên cầm lấy cây roi mây đưa lên quá đầu, qùy xuống cúi đầu nhận tội và nói:
_ "Thưa cha! Con nào dám thế, chỉ vì con trẻ người non dạ, nên chẳng suy nghĩ cặn kẽ đã làm cho cha lo lắng, giờ đây xin cha trách phạt "
Ấy thế mà tôi lại chẳng nói như vậy, lại thưa:
_ Thưa cha "một đêm ăn trộm bằng ba năm làm" chỉ sợ không làm được chứ bộ.
Quả thật "lời nói như bát nước đầy, đã đổ xuống đất nào hốt lại được" tôi tròn mắt nhìn cha chờ đợi một trận lôi đình, nhưng ông chẳng nói gì chỉ ngồi yên lặng mắt vẫn chăm chú đọc sách, một lúc sau mới bảo:
_ Con cũng biết được " một đêm ăn trộm bằng ba năm làm" hay sao? Thế mà con cũng sợ mình không làm được, thế thì con làm gì được hả con, chữ con không biết, đến trèo tường khoét vách con cũng không, thế thì con làm gì được?
Nghe cha hỏi như vậy tôi chỉ biết đứng im lặng không dám nói gì thêm, lúc này cha buồn bã nói:
_ Thời thế xoay vần, biết đâu ngày sau....không lẽ khi đó con lại ngã tay ăn xin sao?
Tôi nghe cha nói như vậy chỉ biết đứng yên lặng và không nói gì nữa, trước mắt tôi là hình ảnh những người ăn xin khắp xứ Kinh Bắc, cứ mùng một, ngày rằm, lại đến trước cửa nhà tôi để chờ cha tôi phát chẩn cháo loãng, như vậy cũng chẳng khác gì khi tôi chờ mẹ gọi cơm, vì thế tôi mới tủm tỉm cười.
Muốn biết sự thế ra sao? Xin mời mọi người xem chương sau sẽ rõ.

                         Hết chương 3





Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top