Tình yêu lý tưởng
Kanai Mieko Tình Yêu Lý Tưởng
Người dịch: Thảo Nguyên
Kanai Mieko, sinh năm 1947 trong một gia đình có học thức ở Takasaki. Năm 1968, ở tuổi19, cô đã xuất bản sưu tập hư cấu Ai no seikatsu (Cuộc sống yêu đương). Cũng trong năm đó cô được giải thưởng về thơ, mặc dầu tập thơ đầu tiên của cô, Madamu Juju no ie (Căn nhà của Bà Juju), mãi đến năm 1971 mới được xuất bản. Từ đó, cô tiếp tục viết thơ và truyện, truyện dài cũng như truyện ngắn. Truyện của cô cho ta cảm giác giống như là khi xem tranh trừu tượng. Trong truyện sau đây chúng ta thấy cái lý tưởng không nằm trong thực tại. Lý tưởng, như chiếc bong bóng, vỡ tan khi chúng ta cố bắt lấy nó.
° ° °
Nếu có bao giờ tôi chứng minh cho nàng rằng tôi là 'tác giả', có lẽ tôi phải làm việc đó bằng cách viết một tiểu luận hay một quyển sách. Tôi đã quen với nàng... ấy nhưng mà trong trường hợp này tôi không biết chữ 'quen' có thật đúng không. Dầu sao đi nữa, cuộc giao thiệp lạ lùng giữa chúng tôi bắt đầu khi tôi viết truyện đầu tiên của tôi. Tôi đã nhận một bức thư mở đầu như thế này: 'Tôi là người viết truyện được đăng tải dưới tên của anh.' Những bức thư mở đầu giống như vậy cứ bắt đầu chồng chất, cùng với những truyện tôi đã viết, và mặc dù tôi muốn cố không biết đến những bức thư đó, thực sự là tôi không thể nào làm như vậy được. Bao lâu tôi tiếp tục viết truyện, nàng vẫn luôn luôn hiện diện với tôi. Nhưng không có tên và địa chỉ trên những bức thư đó, vì thế tôi không có cách nào để tiếp xúc với 'tác giả thực sự' đó. Mối liên hệ giữa 'tác giả thực sự' và tôi hoàn toàn một chiều. Dĩ nhiên, đó chỉ là 'một chiều' theo quan điểm của tôi; nếu các bạn nhìn từ khía cạnh của nàng, các bạn sẽ không nghĩ như vậy. Nhưng tôi hiện vẫn còn ngay cả không biết đó có thực sự là 'nàng' đã viết các bức thư ấy hay không.
Các bao thư của những bức thư đầu tiên đã ngả màu vàng. Chúng là những loại bao thư trắng có kích cỡ và kết cấu khác nhau, và ở những lần khác nhau, màu mực khi thì màu xanh lá, khi thì màu nâu sậm, khi thì màu tím hoa cà. Mực màu xanh lá, màu nâu sậm và màu tím hoa cà có sự tương phản sắc thái với nhau, và tôi không thích các màu đó. Chữ viết trên thực tế lại không có chút cá tính nào. Cũng như hầu hết với mọi người sau chiến tranh, chữ viết chẳng có chút gì là thư pháp viết bằng bút lông cả; các chữ là loại chúng ta học khi dùng sách in làm mẫu, và có thể được gọi là vô duyên. Trung thực mà nói, chúng giống những chữ tôi viết –– phản ảnh đặc tính thiếu phương pháp cho rằng nếu chữ đọc được thì còn phàn nàn gì nữa.
Có lẽ những chữ đó là do một người đã cố viết một truyện tương tự –– một truyện mà ta tưởng tượng dễ xảy ra. Hay một thi sĩ trẻ nào đó cùng tuổi với tôi, nói về sự cố gắng đầu tiên của tôi, đã cho rằng, 'Tôi có thể viết một cái gì đó tương tự chỉ trong một đêm thôi,' và đủ để làm tôi ngạc nhiên. Đúng là một người nào đó đã đọc một hay hai bài có thể được xem là truyện và tưởng rằng có thể làm công việc giống như vậy. Tôi thiết tưởng việc đó dường như có thể lắm.
Bỏ qua một bên trường hợp không thể tưởng tượng được là truyẹân có cùng nội dung, chắc chắn là không thể có việc một người nào đó đã viết một truyện giống hệt. Tất cả các 'tác phẩm văn chương' đều thiết yếu giống nhau ư? Khi đọc bức thư đầu tiên của nàng –– tôi nhớ tiếng sột soạt khi sờ vào giấy lúc tôi mở bức thư viết trên giấy ngoại quốc dày được xếp lại ngay ngắn –– tôi thừa nhận rằng tôi không thể chịu đựng cái cảm giác khó chịu là phải hoãn lại chút hãnh diện tuy rằng thực sự tôi chẳng màng đến việc ai là tác giả. Cái tính tự phụ 'Tôi đã viết truyện đó' nhanh chóng trở thành ghê tởm nếu, trên thực tế, tôi là người viết câu đó. Tại sao tôi lại phải nhường 'quyền tác giả' của truyện đó cho một người không quen biết và trở thành 'tác giả' của một truyện khác? Phải, tôi sẽ tự mình tuyên bố là 'tác giả' của một truyện hoàn toàn khác...
Mỗi lần tôi cho đăng tải một truyện, lại một bức thư gửi đến cho tôi, và tôi không thể không tự thỏa mãn một chút. Không nghi ngờ gì nàng vẫn còn là độc giả nhiệt tình và thiết yếu nhất của tôi, mặc dù nàng vẫn đòi quyền làm tác giả và cũng có cơ chứng minh đó là sự thật. Dù sao trước hết tôi cũng nhận chân rằng một truyện đặc biệt đã được (tôi? nàng?) viết do hậu quả của bức thư của nàng. Tôi đã giữ bí mật này một ít lâu bởi vì tôi không biết giảng giải ra làm sao, và bởi một lý do không rõ nào đó tôi cảm thấy không sẵn sàng nói với ai về nàng.
Tuy nhiên bất cứ tôi viết truyện gì, chắc chắn là nàng cũng nhấn mạnh rằng chính nàng đã viết truyện đó. Tôi có thể hỏi, 'Khi nào tôi có thể đọc được truyện do cô viết?' và với nụ cười mỉm –– trong vô thức tôi tưởng tượng nụ cười của nàng chắc phải xinh đẹp –– nàng sẽ nói, ' Ngay cả anh cũng không nhớ ư?' Dĩ nhiên tôi không thể nào hỏi nàng câu đó được mà chỉ đọc những dòng chữ nàng viết, xem đó như là một quyền ưu tiên chỉ dành cho một mình tôi. Sự giao tiếp giữa chúng tôi chỉ hạn hẹp trong việc viết truyện mà thôi.
Trong một ý nghĩa nào đó, tôi khổ sở vì nàng, nhưng dần dần sự hiếu kỳ của tôi về nàng khiến tôi muốn tìm hiểu xem nàng là loại người như thế nào, cuộc sống của nàng ra sao, nàng quan tâm đến điều gì, nàng có những kinh nghiệm gì, ngay cả nàng suy nghĩ gì. Tôi cố hình dung ra nàng. Nhưng tôi có nhiều mối nghi ngờ, kể cả, trên thực tế, câu nghi vấn đó là đàn ông hay đàn bà. Thực tình, tôi chẳng để ý gì đến chính bản thân tôi, và thật là vất vả khi nghĩ đến hình hài của 'tác giả thực sự' xem nàng đẹp ra làm sao. Tôi ngâm nga như một nhà thơ đang yêu. Em có một thân hình! –– ôi, tuyệt vời làm sao! Vấn vương trong giấc mơ của anh (của chúng ta)... Ngay cả tôi nghĩ rằng nếu nàng chứ không phải tôi đã viết những truyện đơn sơ, còn thiếu sót đó (và chính sự mô tả này có là phương cách để xem thường sự hiện hữu của nàng không?), và rồi tôi hài lòng mà biết rằng tôi chẳng ăn nhập gì đến những chuyện này. Nhưng chính tay tôi đã viết những dòng chữ đó, hay bị tê cứng không có khả năng viết những dòng chữ đó. Ngay cả tôi nghĩ đến việc hỏi những nhà văn khác xem họ có nhận được những bức thư của một cô gái nào đó tự nhận mình là 'tác giả thực sự' không. Có lẽ tôi đã khám phá ra rằng tôi không phải là nạn nhân duy nhất của một người nào đó chơi trò hiểm độc, phức tạp, ngay cả trò tinh nghịch giả mạo. Rõ ràng đó là một hành động xấu xa và ngoan cố.
Dĩ nhiên tôi không muốn gợi ý rằng nàng đã làm phiền tôi suốt cả hai mươi bốn tiếng đồng hồ trong ngày. Tôi có cuộc sống riêng của tôi, và tôi hoàn toàn có quyền hưởng thụ cuộc sống đó. Đó là một cuộc sống tầm thường, bình dị; đôi khi tôi buồn chán, nhưng không phải luôn luôn sự buồn chán gặm nhấm tôi, và tôi chẳng quan tâm đến những kinh nghiệm dường như làm cho thực tại trở thành quý giá, cũng như là sự bất hạnh làm cho thực tại trở nên rõ ràng. Nói tóm lại, có lẽ tôi càng lúc càng quen thoát khỏi cái tâm trạng đó mà không có sự xấu hổ thống thiết như những người trẻ tuổi hơn, với sự nhạy cảm ngây thơ, dễ mắc phải; những cảm giác thoát thai từ những cuộc chạm trán với một thế giới cụ thể, chính xác và rõ ràng. Khi tôi cảm thấy bị chế ngự bởi một thế giới độc đoán trong đó tôi không thể viết, phải chăng là tôi đã cố bắt đầu viết? Như vậy, giống như trường hợp của bất cứ nhà văn nào, tôi thích những tác phẩm của các nhà văn tôi ưa chuộng hơn là đọc những truyện của chính tôi (nhưng nàng không nói vậy: nàng nói những truyện mà tôi đã viết). Và điều này bất kể sự ghen tỵ cảm thấy khi đọc truyện.
Tôi quyết định đi Yugawara và ghi chép những tài liệu cho một truyện mới. Tôi bắt đầu viết, đồng thời duyệt lại những truyện đã viết trước đây để làm thành một tuyển tập. Tôi cũng đem theo vài quyển sách mà tôi chưa đọc, và một bản thảo mà do một sự cám dỗ lạ lùng nào đó tôi đã viết 'Bàn về Tác Phẩm của Chính Tôi.' Dĩ nhiên có điều nghi ngờ về việc làm sao tôi có đủ tư cách để bình luận về 'tác phẩm của chính tôi' nhưng, bỏ việc ấy qua một bên, nhờ tác quyền, tôi có khá đủ tiền để có thể hưởng dòng suối nước nóng trong một thời gian. Và tôi phải thừa nhận rằng tôi đã đi theo vết truyền thống của những nhà văn là đến ở một nơi có suối nước nóng để làm việc.
Tại sao như thế, cố hết sức tránh bàn luận về tác phẩm của chính mình, hay tác phẩm mà mình dự định viết, để rồi cuối cùng lại kể ra hết? Mặc dù bị buộc giữ yên lặng mà lời lẽ cứ tuôn tràn... Chúng ta bắt đầu với sự mong muốn bàn về sự thực, và khi thực hành chúng ta lại tiếp tục nói lên những điều che giấu sự thực. Điều gì được đòi hỏi và dự liệu trong hành động mà chúng ta gọi là 'bàn về tác phẩm của chính mình'? Có lẽ đó là một hình thức xưng tội. Và trong phạm vi của hành động cho là xưng tội đó, tôi mơ đến một hình thức trong đó có những cuốn sách được che giấu một cách khéo léo để trở thành những ảo tưởng.
Rốt cuộc tôi không phải xưng tội gì cả. Chính khi đọc những truyện của tôi, tôi cảm thấy một sự đam mê lạ lùng. Ngay cả tôi chưa có tiêu đề cho truyện mà tôi dự định viết: 'Tình Yêu Lý Tưởng.' Và thậm chí ai viết? Nàng hay là tôi?
Như tôi đã đoán trước, 'Tình Yêu Lý Tưởng' chẳng được viết một hàng nào; trong sổ ghi chép của tôi không có một chữ, và tôi mất năm ngày chỉ để đi bộ lúc ban ngày và đọc hay viết lúc ban đêm. Tôi chú tâm vào việc 'Bàn luận về chính Tác phẩm của tôi' dựa trên vài truyện ngắn mà tôi đã viết ba năm về trước, nhưng tất cả những từ được viết ra lại thành là của nàng, lấy ra từ những bức thư của nàng. Trong một cố gắng phản bác lại nàng, tôi cố viết về bộ lông thỏ bị đóng đinh trên cửa gỗ màu nâu xám của cửa hiệu tạp hóa ở Hanamaki (phơi bày chỗ da đẫm những giọt máu đã biến thành keo dán), hay về giấc mơ của những con thỏ mà tôi đã đặt trên sàn toa xe lửa trên đường về Iwate. Tôi cố nhớ lại bầu trời mùa đông làm ngột ngạt các con đường của thành phố Hanamaki, bầu trời trắng đục không chút ánh hồng rọi trên các nẻo đường màu nâu xám và xanh nhạt trong một thành phố tỉnh lẻ tầm thường không có chút gì đặc sắc. Nhưng tôi sợ là không chắc thực sự tôi đã có ở đó. Những đòi hỏi của đời sống, sự năng động, biểu hiện của một thành phố, và đôi khi ngay cả sự hỗn độn, hoàn toàn đã biến khỏi Hanamaki mà dường như tôi không biết rõ, và thành phố cũng biến mất trong cái mê cung chằng chịt nơi trí nhớ của tôi. Chỗ mà 'cái hồn của một thành phố trầm lặng đã khiến tôi chọn con đường để ở' đã mất dạng, và ngay cả bộ lông của con thỏ rừng mà chắc chắn là tôi đã thấy cũng hoàn toàn biến mất. Đó có phảiù là những điều mà tôi đã một lần đọc trong một truyện nào đó không? Không phải là tôi đã thấy hay viết những điều đó. Không, bộ lông đó, với những giọt máu và mỡ màu nâu, đỏ, và hồng giống như keo dán dính vào da, được đóng chặt trong một truyện mà tôi đã đọc, có phải không?
Thật là yên lặng, buổi hoàng hôn trong quán trọ thảm hại, được kinh doanh một cách tài tử đến nỗi dường như là không có người khách nào khác, và dãy núi nằm bên cửa sổ phía tây bị tòa nhà cao tầng xây bằng bê-tông màu xám của khách sạn du lịch to lớn che khuất khỏi tầm nhìn. Dĩ nhiên tiền thuê phòng trong quán trọ khá thấp cho phép người ta lưu lại lâu dài. Hình vẽ vụng về một con sếu với dáng điệu ranh mãnh, được thấy trên cánh cửa kéo, đã bị vàng ố qua thời gian do ánh mặt trời buổi chiều tà rọi vào, và một băng khẩu hiệu với bài thơ viết về sự thống thiết của con cò trắng trong băng tuyết được treo trên hốc tường. Một máy ti-vi đen trắng được đặt ngay ở trước đó; một chiếc bàn gỗ cũ đầy vết tròn của những ly rượu bia, trên đó đặt một bộ bình trà; một giá gương được trang hoàng bằng dải lụa in đã bạc màu; và một giá treo quần áo với ba móc treo. Đó là tất cả những đồ đạc trang bị của căn phòng. Mỗi ngày tôi tắm vào buổi hoàng hôn, rồi buồn bã ngồi uống rượu một mình trong yên lặng, ăn món ăn thông thường do bà chủ nhà nấu nướng: món thịt heo chua ngọt, món cá sống sashimi, và rau xà-lách trộn xốt ma-yo-ne mua ở cửa hiệu. Và nếu tôi phải nói rằng việc ăn một mình có giá trị lớn lao như thế nào thì đó chỉ đơn giản là nếu bạn đọc sách trong khi ăn, không ai quấy rầy bạn cả. Theo dõi tôi như hình với bóng trong chuyến đi này (và tôi đã đi bao nhiêu chuyến đi ngắn một mình!) là cái ký ức thường xuyên nhắc tôi rằng tôi đã mang theo những tài liệu ghi chú để viết truyện của tôi. Nhưng tôi lại chưa có thể viết được, và trong khi tôi tắm, mặt nước hồ phản chiếu ánh hồng kim loại của buổi chiều tà, tôi cảm thấy xúc động đến phát khóc. Tôi nghĩ rằng sự vắng mặt của 'nàng' hay 'chàng' không chống đối lại tôi, thực sự chính là làm cho câu truyện không viết được, và tôi khóc khi nêu ra cái tâm tình đó. Thân thể tôi tan biến trong hồ tắm lớn, và nó không còn là một thể xác nữa. Phải chăng nước nóng đã bao trùm và đè nặng lên người tôi, gói trọn nó trong cái nóng êm dịu hay một cái gì đó không phải là tôi, bồng bềnh trong nước, hòa quyện tôi vào tất cả cuộc sống. Dưới ánh nắng hồng lung linh trong hơi nước mù sương màu sữa và trong tĩnh lặng, thời gian kéo dài ra và buổi tắm cũng bắt đầu như giãn ra thành một giấc mơ trong mơ. Và có lẽ tôi không phải là người đang mơ mà chính nàng lại là người đang mơ còn tôi chỉ là một nhân vật trong giấc mơ đó mà thôiù; thế rồi lại đến phiên cái ảo ảnh lạ lùng đó tan biến trong nước. Lững lờ trong giấc mơ của tôi (của chúng tôi)...
Một hôm sau bữa ăn trưa, khi tôi đang đi dọc theo con đường gần bên bờ con suối từ trên núi đổ xuống chảy qua công viên, một phụ nữ không quen biết bắt chuyện với tôi. Mặc dù có vẻ ngập ngừng, nàng bắt đầu nói chuyện với tôi một cách khó chịu. Nàng nói chuyện như là nàng biết tất cả về tôi và với trực giác, tôi nhận chân ra rằng người phụ nữ này chính là 'tác giả thực sự.' Hình ảnh của nàng mà tôi âm thầm yêu dấu phản ảnh tính hão huyền và hy vọng vô ý thức, và, như tôi đã viết trước đây, hình ảnh đó được gắn liền với từ ngữ 'đẹp'; nhưng thật là khiếm nhã khi nói rằng 'tác giả thực sự' có vẻ tiu nghỉu và tôi nhận chân ra rằng điều đó đúng là không thích hợp. (Không những đó không hợp với phong cách của tôi, nhưng còn có vẻ bất lịch sự.) Và rồi nàng yêu cầu tôi đi ăn trưa với nàng vì nàng chưa ăn gì. Không thể từ chối được, tôi trả lời là tôi đã ăn rồi nhưng sẽ cùng đi với nàng uống một tách trà hay cái gì đó. Chúng tôi ngồi đối diện với nhau ở chiếc bàn kê gần cửa sổ của quán cà-phê cạnh cổng vào công viên. Nàng gọi món bánh mì kẹp thịt bò chiên đắt tiền nhất và món rau trộn thịt cua cùng cà-phê; tôi chỉ gọi tách cà-phêù. Thực sự tôi gần như không nhớ chúng tôi đã nói chuyện gì, ngoại trừ việc nàng thảo luận về truyện chưa viết 'Tình Yêu Lý Tưởng,' với tiếng nhai rau ráu rau diếp và cần tây. Phải, 'tác giả thực sự' thảo luận về 'Tình Yêu Lý Tưởng', và ngừng lại liếm trên đầu ngón tay chất mỡ tiết ra từ món bánh mì kẹp thịt bò chiên. Không những tôi đánh mất dịp hỏi động cơ nào khiến nàng gửi cho tôi những bức thư trước đây, mà tôi còn phải thanh toán thực đơn bánh mì kẹp thịt, rau, và ba tách cà-phê. Vào khoảng ba giờ thì tôi trở về quán trọ.
Tôi biết rằng tôi sẽ phải viết truyện 'Tình Yêu Lý Tưởng' của tôi, nhưng hiện nay tôi không thấy hứng thú gì nhiều cũng không thấy cần thiết gì nhiều để làm việc đó.
Khi tôi trở về nhà thì đã có một bức thư của 'tác giả thực sự' gửi đến, như tôi đã dự liệu, nhưng bức thư không có lời đặc biệt nào cảm ơn về bữa ăn trưa; nàng chỉ nói về bản thảo truyện 'Tình Yêu Lý Tưởng' mà thôi.
Tôi cố hết sức tự thuyết phục rằng tôi có thể viết lấy mà không cần đọc bức thư đó. Có lẽ rất giản dị là ném bức thư vào đống rác hay đốt nó đi mà không đọc. Có lẽ dễ dàng với tay lấy bức thư trên bàn, bức thư có tên của tôi viết bằng tuồng chữ khủng khiếp (giống như là chính tôi viết), và vứt nó đi luôn sao cho không bao giờ còn suy nghĩ đến sự hiện diện trước đây của nó. Tôi có thể lấy các bức thư (tất cả các bức thư mà nàng đã gửi) đem ra vườn, giội xăng vào, và bật một diêm quẹt. Tôi sẽ múc đầy một xô nước và cẩn thận kiểm soát ngọn lửa. Trong phút chốc ngọn lửa sẽ táp vào các bức thư đó và đốt cháy tiêu, làm khói màu tía nhạt bay lên, và chỉ còn một đống nhỏ tro đen nát vụn, ướt sũng nước, chèm nhẹp trên mặt đất. Nhưng tôi thả mình trong chiếc ghế với cảm giác vô vọng rằng không có cái gì bị tiêu diệt cả. Cuối cùng có lẽ tôi sẽ có thể cho đăng tải truyện 'Tình Yêu Lý Tưởng.' Và có lẽ tôi sẽ nói rằng đây là tác phẩm của tôi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top