Thông báo kangaroo
Haruki Murakami Thông Báo Kangaroo
Dịch giả: Phạm Vũ Thịnh
Lời người dịch:
Truyện ngắn sau đây, "Kangaru- Tsushin", đăng trên tạp chí Shincho tháng 10 năm 1981, là truyện thứ 4 trong tuyển tập "Chiếc Thuyền Ði Chậm Ðến Trung Quốc - Chugoku-iki No Suro-bo-to", được dịch từ nguyên tác tiếng Nhật trong bản bỏ túi do Chuko Bunko tái bản lần thứ 7 tháng1 năm 2003.
°
Chào cô. Mạnh giỏi chứ?
Sáng nay, tôi đã đi xem kangaroo 1 ở Sở Thú gần nhà. Sở Thú chẳng lớn gì mấy, vậy chứ cũng đã gắng thu tập tạm đủ các động vật từ đười-ươi cho đến voi. Tuy nhiên, nếu cô là người ngưỡng mộ lạc-đà-không-bướu hay thú-ăn-kiến, thì tốt hơn đừng đến đấy. Chẳng có lạc-đà-không-bướu hay thú-ăn-kiến ở đấy đâu. Mà cũng chẳng có linh-dương hay linh-cẩu. Cả loài báo cũng không có. Thay vào đấy, lại có bốn con kangaroo. Một con con, mới sinh đâu hai tháng trước, và một con đực với hai con cái. Cơ cấu gia đình chúng như thế nào tôi thật chẳng hiểu được.
Mỗi lần thấy kangaroo, tôi luôn luôn thắc mắc không biết làm thân kangaroo thì cảm thấy như thế nào nhỉ? Chúng nhảy nhót ở cái xứ quê kệch là Australia ấy để làm gì chứ? Và vì sao lại phải bị giết bằng khúc cây thô vụng gọi là boomerang 2 ấy?
Tôi thật chẳng hiểu được.
Nhưng mà, chuyện ấy thì sao cũng được. Chẳng là vấn đề gì quan trọng.
Chỉ cần biết là tôi ngắm kangaroo một hồi thì đâm ra muốn viết thư cho cô.
Có thể cô lấy làm lạ. "Vì sao mà ngắm kangaroo lại đâm ra muốn viết thư cho tôi? Giữa kangaroo và tôi thì có quan hệ gì chứ?". Tuy nhiên xin cô đừng bận tâm. Chuyện ấy thì sao cũng được. Bởi kangaroo là kangaroo, còn cô là cô mà.
Thật ra là như thế nầy.
Giữa kangaroo và cô, có một hành trình kỳ diệu 36 buớc, tôi đã nương theo từng bước một đúng theo thứ tự của hành trình ấy cuối cùng thì đến được cô, chỉ có thế thôi. Hành trình ấy mà cố giải thích thì có lẽ cô cũng không hiểu được, mà thật tình cả tôi cũng chẳng nhớ nổi.
Chứ đến 36 bước lận mà!
Trong số đó, chỉ cần đi sai một bước là tôi đã chẳng gửi được thư nầy đến cô rồi. Thay vào đó, có lẽ tôi đã bất chợt nghĩ ra mà bay xuống Nam Băng Dương để cỡi lên lưng cá voi. Hay có khi đã phóng hỏa đốt tiệm bán thuốc lá gần nhà, không chừng.
Thế mà, tập hợp ngẫu nhiên 36 bước ấy đã hướng tôi đến chuyện gửi thư cho cô như thế nầy đấy. Chuyện kỳ diệu thật chứ nhỉ.
° ° °
Ô-kê. Vậy thì trước hết, cho tôi tự giới thiệu.
Tôi 26 tuổi, làm việc trong ban quản lý thương phẩm của tiệm bách hóa. Cô cũng tưởng tượng ra được dễ dàng rằng đây là công việc rất nhàm chán. Trước tiên, khi ban thu mua mang hàng hóa về, phải kiểm xem có vấn đề gì trong vài loại hàng hóa đã được chỉ định không. Việc nầy là để phòng ngừa chuyện móc nối giữa ban thu mua với các hãng cung cấp, thực tế thì làm chiếu lệ cho có, vừa tán chuyện đời vừa kéo thử khóa giày nầy một tí hay bấm thử bánh trái kia một tí... chỉ chừng đó thôi. Ðấy là công việc mà người ta đặt tên là quản lý thương phẩm.
Và còn một việc nữa, chính việc nầy mới là trọng tâm công việc của chúng tôi. Ðó là việc đối ứng với những than phiền của khách hàng về hàng hóa. Ví dụ, vớ dài đến đùi mới mua về đã thi nhau sút chỉ cả hai chân; đồ chơi gấu vặn dây thiều mới rơi từ trên bàn xuống sàn đã không còn động đậy gì nữa; áo choàng tắm cho vào máy giặt đã rút lại đến một phần tư... đại khái là những than phiền như thế.
Mà có lẽ cô không biết chứ những than phiền kiểu nầy thật ra rất nhiều, nhiều đến nỗi ớn mứa ra kia. Ðến nỗi bốn người làm việc chạy đôn chạy đáo lục cà lục cục suốt ngày cũng không sao đối ứng hết được. Cũng có những than phiền có phần hợp lý, mà than phiền thậm vô lý cũng không thiếu. Cả những than phiền chẳng biết nên phán là hợp lý hay vô lý cũng có nữa.
Chúng tôi mới chia chúng ra làm ba hạng: A, B, C, cho tiện. Ngay giữa phòng làm việc, để ba cái thùng lớn đánh dấu A, B, C; các thư than phiền của khách hàng được phân hạng mà cho vào đấy. Chúng tôi gọi thao tác nầy là "Bình giá ba giai tầng về tính hợp lý". Tất nhiên là nói chơi trong đám người làm việc đấy thôi. Xin cô đừng bận tâm.
Dù sao, cũng xin giải thích về ba hạng ấy:
Hạng [A]: than phiền hợp lý. Trường hợp nầy hãng phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi phải mang quà bánh đến thăm nhà khách hàng để đổi cho họ hàng mới và tốt.
Hạng [B]: Hãng không phải chịu trách nhiệm trên mặt pháp luật, tập quán thương mãi hay đạo nghĩa, nhưng để tránh tiếng xấu cho tiệm bách hóa xứng cho từng trường hợp.
Hạng [C]: Rõ ràng là lỗi của khách hàng. Chúng tôi giải thích cho họ hiểu mà rút lại.
Thế thì, về thư than phiền mà cô đã gửi đến hôm trước, chúng tôi đã thận trọng kiểm thảo và đi đến kết luận rằng: than phiền của cô có tính cách đáng để phân loại vào hạng [C]. Lý do là, xin cô nghe kỹ giùm cho:
[1] Ðĩa nhạc đã mua rồi mà [2] đã qua mất hơn một tuần lễ và [3] biên lai lại chẳng có, thì không làm sao mà đổi lấy đĩa khác được. Trên khắp thế giới nầy, có đi đến đâu, cũng không làm sao mà đổi lấy đĩa khác được.
Cô có hiểu cho điều tôi nói không?
Như thế là, phần giải thích sự tình của tôi đến đây là chấm dứt.
Than phiền của cô đã bị từ khước.
Thế nhưng, đặt quan điểm nghề nghiệp sang một bên -thật tình thì tôi vẫn hay xa rời quan điểm ấy- cá nhân tôi đối với than phiền của cô -chuyện đã lẫn lộn đĩa nhạc Brahms với Mahler mà mua nhầm- thì tôi thông cảm từ đáy lòng. Ðây là sự thật, không dối trá gì đâu. Chính vì thế mà thay vì chỉ gửi thông báo lạnh lùng nghiệp vụ thường lệ, tôi gửi đến cô thông báo theo cách nầy, trong ý nghĩa nào đó, có phần thân mật hơn.
Nói thật với cô, suốt tuần nay, tôi đã rất nhiều lần định viết thư cho cô. Rằng xin lỗi cô, theo lề lối thương nghiệp, chúng tôi không thể đổi đĩa nhạc ấy cho cô được, thế nhưng bức thư của cô có chút gì đấy đã đánh động lòng tôi, do đó, cá nhân tôi... vân vân... vân vân, loại thư như thế. Vậy mà không làm sao viết ra cho hay được. Chắc chắn không phải là vì tôi khổ sở chuyện viết ra văn chương, mà vì khi định viết thư cho cô thì lời văn không sao hiện lên trí mình được. Những lời văn đã hiện lên được thì toàn là những lời không thích hợp. Kỳ lạ thế chứ!
Cho nên, tôi định sẽ không trả lời thư của cô. Chứ gửi thư trả lời không vẹn toàn thì chi bằng đừng gửi thư trả lời còn hơn. Cô có nghĩ thế không? Tôi thì nghĩ thế. Thông báo mà không vẹn toàn thì chẳng khác gì thời khắc biểu mà lộn xộn không đầu không đuôi. Tuy nhiên, sáng nay, trước chuồng kangaroo, tôi đã trải qua cái tập hợp ngẫu nhiên 36 bước ấy mà cảm nhận được một khải thị. Ðó là "tính bất toàn vĩ đại".
Có thể cô sẽ hỏi: tính bất toàn vĩ đại là gì? -chắc là cô sẽ hỏi thế rồi-. Tính bất toàn vĩ đại có nghĩa là -mà nói toẹt ra thì có lẽ đơn giản là- chuyện người nầy cuối cùng tha thứ cho người khác. Tôi tha thứ cho kangaroo, kangaroo tha thứ cho cô, cô tha thứ cho tôi, chẳng hạn như thế.
Hừm.
Tuy nhiên, cái vòng tròn như thế tất nhiên là không vĩnh viễn rồi. Có lúc nào đấy, không chừng kangaroo có thể nghĩ là không còn muốn tha thứ cho cô nữa. Thế nhưng, xin cô cũng đừng vì thế mà giận tức kangaroo. Bởi chẳng phải là lỗi ở kangaroo, hay lỗi ở cô. Mà cũng chẳng phải lỗi ở tôi. Ngay cả phía kangaroo cũng đã có sự tình phức tạp gì đấy rồi. Ai là người có thể hạch tội kangaroo được cơ chứ?
Phải nắm lấy thời điểm. Chúng ta chỉ có thể làm được chừng ấy thôi. Nắm lấy thời điểm, chụp ngay hình kỷ niệm để sẵn đấy. Hàng trước, từ trái sang là cô, kangaroo, và tôi.
Tôi đã bỏ cuộc trong chuyện viết thành văn chương rồi. Gắng cách mấy cũng không đi đến đâu. Ví dụ tôi viết xuống chữ "ngẫu nhiên". Có thể cô nhìn dạng chữ ấy, cảm nhận được thứ gì hoàn toàn khác, có khi ngược hẳn lại, với cảm nhận của tôi khi nhìn dạng chữ của cùng một chữ ấy. Tôi nghĩ: như thế không phải là bất công lắm sao? Trong khi tôi đã cởi đến cả quần ra, còn cô chỉ cởi có ba hột nút áo sơ-mi, thế thì quả thật là chuyện bất công quá rồi.
Thế nên, tôi mới mua về một cuộn băng từ tính, và thâu băng bức thư gửi cô như thế nầy. (có tiếng huýt sáo tám đoạn ngắn của bài Colonel Bogie’s March).
Thế nào, cô nghe có rõ không?
Thư nầy -nghĩa là cuộn băng nầy- cô nhận được thì có cảm giác như thế nào, tôi không hiểu được. Cũng không tưởng tượng ra được. Có thể cô cảm thấy rất khó chịu. Bởi lẽ... bởi lẽ nhân viên quản lý thương phẩm của tiệm bách hóa mà lại trả lời thư than phiền của khách hàng bằng cách thu vào băng nhựa -mà lại là thông báo có tính cách cá nhân- rồi gửi đi thì quả là chuyện cực kỳ khác thường, tùy cách suy nghĩ còn có thể cho là điên khùng nữa. Rồi, nếu cô cảm thấy khó chịu quá mà gửi lại cuộn băng nầy đến thượng cấp của tôi, thì có lẽ tôi sẽ lâm vào một tình huống bấp bênh trong hãng. Nếu cô thật lòng muốn làm thế thì tôi cũng không thể cản ngăn cô được.
Dù cô có làm thế, tôi cũng không tức giận oán hờn gì cô đâu.
Cô hiểu chứ, cô và tôi có cương vị ngang hàng với nhau trăm phần trăm. Nghĩa là, tôi có quyền gửi thư cho cô, và cô có quyền uy hiếp sinh hoạt của tôi.
Quả thật thế đấy. Chúng ta bình đẳng với nhau. Xin cô nhớ cho chỉ điều ấy thôi cũng đủ.
° ° °
À, tôi quên nói. Tôi đã đặt tên cho thư nầy là "Thông báo kangaroo". Chứ thứ gì trên đời nầy cũng cần có tên cả mà.
Giả dụ cô đang viết vào nhật ký: "Hôm nay, thư trả lời đã đến từ nhân viên quản lý thương phẩm của tiệm bách hóa"... thì dài dòng quá, thay vào đấy, cô chỉ cần viết: "Hôm nay, thông báo kangaroo đã đến" là đủ. Hơn nữa, cái tên "Thông báo kangaroo" nghe có vẻ hay hay, cô có nghĩ thế không? Từ phía xa kia của đồng cỏ rộng lớn, kangaroo nhét bức thư trong túi ở bụng, nhảy những bước dài, mang thư đến cho cô đấy, cô có hình dung ra thế không?
Thịch, thịch, thịch (tiếng đập tay lên bàn).
Còn đây là tiếng gõ cửa:
Cốc, cốc, cốc.
Cô hiểu chứ nhỉ?
Nếu cô không muốn mở cửa thì đừng mở cũng chả sao. Thật tình là sao cũng được cả. Nếu cô không muốn nghe thêm thì xin bấm ngừng, rồi quẳng cuộn băng nầy vào giỏ rác là xong. Tôi chỉ ngồi trước cửa nhà cô, cố nói một mình một hồi, chỉ có thế thôi. Tôi hoàn toàn chẳng hiểu cô có nghe cuộn băng nầy cho không, mà nếu tôi đã không hiểu, thì chuyện cô thật sự có nghe hay không nghe, cũng chả sao cả chứ gì. Ha Ha Ha.
Ô-kê, mà dù sao đi nữa, cũng làm thử xem.
Nhưng mà, tính bất toàn là chuyện khó khăn lắm đấy. Không có cước bản, không có kế hoạch gì cả, cứ ngồi trước máy vi-âm mà nói, thì tôi đã chẳng nghĩ ra được lại có thể cực nhọc đến như thế nầy. Cứ như là đứng ngay giữa sa mạc mà rải nước trong cốc ra vậy. Chẳng thấy được gì, chẳng cảm nhận được kết quả gì cả.
Bởi thế nên hiện tại, tôi đang nhắm vào cây kim trong máy đo âm lượng VU mà nói suốt. Cô biết máy VU chứ nhỉ? Thứ máy có cây kim rung động phực phực theo lượng âm thanh vào đấy mà. V và U là mẫu tự đầu của chữ gì thì tôi chẳng hiểu. Chỉ biết chúng là hiện hữu duy nhất cho thấy phản ứng đối với những lời giải thuyết của tôi lúc nầy.
Nầy ... nầy ...
Mà giá-trị-quan của chúng thì thật là đơn thuần. Nghĩa là chỉ có V và U mà thôi.
V và U là... thì cũng giống như một cặp hề thôi. Không V thì U, không U thì V, phối trí như thế là tuyệt vời rồi. Tôi có nói gì đi nữa, đối với chúng cũng chả sao cả. Quan tâm của chúng là: tiếng tôi nói tạo ra chấn động không khí đến mức nào, thế thôi. Ðối với chúng, chấn động không khí là lý do hiện hữu của tôi đấy.
Cô cũng nghĩ như thế là tuyệt vời chứ nhỉ?
Nhìn chúng, tôi lại cảm thấy bất cứ lời gì cũng được, hãy cứ tiếp tục mà nói lên.
Phù.
À, mới đây tôi đã xem một phim thật tội nghiệp. Chuyện một tay hề nói giễu thế nào người ta cũng chẳng cười được. Cô nghĩ xem. Chẳng có một người nào cười cả.
Bây giờ hướng vào máy vi-âm mà nói như thế nầy, tôi lại nhớ đến chuyện phim ấy. Kỳ lạ thật nhỉ?
Cùng một lời nói mà có người nói nghe tức cười đến quặn bụng mà chết, nhưng người khác nói ra lại hoàn toàn chẳng cười được tí nào cả. Có phải là kỳ lạ không chứ? Vì thế tôi nghĩ: sự khác biệt ấy có vẻ là bẩm sinh không chừng. Nghĩa là, đấy, khúc đầu thanh quản của người nầy có phần cong quẹo nhiều hơn người khác một tí, chẳng hạn.
Thỉnh thoảng tôi nghĩ giá mà mình có được tài năng như thế thì hạnh phúc biết mấy. Tôi vẫn hay bất chợt nghĩ đến những chuyện tức cười rồi một mình cười lăn cười bò ra, thế mà đến lúc mở miệng kể cho người nào đấy nghe thì lại chẳng thấy họ vui thích tí nào cả. Có cảm giác như mình biến thành người cát Ai Cập mất rồi. Vả lại trước nhất...
Mà cô có biết người cát Ai Cập không nào?
Ừm, thế nầy nhé, người cát Ai Cập vốn sinh ra là Hoàng tử xứ Ai Cập. Thời xa xưa, cỡ thời đại Kim Tự Tháp, tượng sư tử đầu người, hay gì gì đấy mà. Nhưng cậu ta có khuôn mặt xấu xí quá đỗi -quả thật là xấu xí dễ sợ- cho nên nhà vua mới đày đi, và vất cậu trong rừng. Thế mà kết cuộc cậu lại được sói hay khỉ gì đấy nuôi nấng mà sống sót được. Chuyện thường xảy ra đấy thôi. Rồi chẳng hiểu vì sao mà cậu thành người cát mất. Người cát nầy hễ chạm tay vào bất cứ vật gì thì vật ấy biến thành cát ngay. Gió mát biến thành bụi cát, lạch nước biến thành luống cát, đồng cỏ biến thành sa mạc. Chuyện người cát Ai Cập là như thế. Cô đã nghe lần nào chưa? Chưa, phải không? Chứ chuyện nầy tôi vừa bịa ra đây mà! Ha Ha Ha.
Nói gì đi nữa, đang hướng về cô mà nói như thế nầy một hồi, tôi cảm thấy mình biến thành người cát Ai Cập mất. Tất cả thứ gì tay tôi chạm đến đều biến thành cát, cát, cát, cát, cát, cát....
... Có vẻ tôi nói về mình nhiều quá đấy nhỉ? Nhưng nghĩ cho cùng thì tôi không làm sao hơn được. Bởi tôi đâu có biết gì mấy về cô. Gắng lắm cũng chỉ biết tên cô và địa chỉ, có thế thôi. Cô chừng bao nhiêu tuổi, thu nhập hàng năm bao nhiêu, mũi cô hình dáng như thế nào, người béo hay gầy, đã có chồng hay chưa... những điều ấy tôi hoàn toàn chẳng biết. Tuy vậy, những điều như thế thì chẳng sao cả. Mà như thế có khi lại tiện hơn. Bởi nếu được thì tôi muốn xử trí chuyện đời một cách giản dị, càng giản dị càng tốt, nghĩa là một cách siêu hình đấy.
Trước mặt tôi đây, có bức thư của cô. Ðối với tôi, có chừng đó là đủ.
Giống như học giả về động vật dựa vào phân tìm thấy trong rừng mà trắc định được sinh hoạt ăn uống, hành động và tính dục của loài voi, tôi dựa vào bức thư nầy mà cảm nhận thực tế được hiện hữu của cô. Tất nhiên, dung nhan của cô, hay loại nước hoa cô dùng... những thứ tạp nhạp ấy thì tôi không lý đến. Hiện hữu của cô mới chính là tiêu điểm.
Bức thư của cô thật là quyến rũ. Văn chương, nét chữ, cú pháp, lối xuống hàng, cách tu từ, tất cả đều hoàn bích. Không gọi là xuất chúng. Chỉ là hoàn bích thôi.
Mỗi tháng, tôi đọc trên năm trăm lá thư từ khách hàng, nhưng thú thật bức thư của cô là bức thư đầu tiên đã làm tôi xúc cảm đến mức ấy. Tôi đã lén mang bức thư của cô về nhà, đọc đi đọc lại bao nhiêu lần. Và phân tích triệt để bức thư của cô. Thư ngắn thôi, nên việc nầy cũng không tốn bao nhiêu thì giờ.
Kết quả phân tích ấy đã giúp tôi hiểu được nhiều sự thật.
Trước tiên, thư cô đầy ắp những dấu phẩy. Tính ra cứ một dấu chấm câu lại có đến 6,36 dấu phẩy, cô có nghĩ như thế là nhiều lắm không? Không những thế, các dấu phẩy ấy lại được đánh thật là bất quy tắc.
Xin cô đừng hiểu là tôi giễu cợt văn chương của cô. Chỉ vì tôi xúc cảm như thế thôi. Xúc cảm đấy.
Mà không chỉ những dấu phẩy. Tất cả mọi thứ trong bức thư của cô, cả đến từng vết mực loang ra cuối chữ, cũng đã kích thích tôi, đã làm tôi động tâm.
Vì sao?
Nói cho cùng, là vì trong dòng văn chương ấy, không có cô! Tất nhiên, câu chuyện thì có đấy. Một thiếu nữ -hoặc là phụ nữ- đã mua nhầm đĩa nhạc. Ngờ ngợ rằng đĩa nhạc ấy không chừng có bản nhạc nào khác, nhưng cho đến khi để ý rằng đĩa nhạc ấy không đúng là đĩa muốn mua, thì đã mất đúng một tuần rồi. Cô bán hàng không chịu đổi. Vì thế mà viết thư than phiền. Câu chuyện là như thế.
Ðể lý giải câu chuyện ấy, tôi đã phải đọc đi đọc lại thư cô ba lần. Bởi thư cô hoàn toàn khác với bất cứ lá thư than phiền nào chúng tôi nhận được từ trước đến nay. Nói hẳn ra là trong bức thư của cô, chẳng có chuyện than phiền nào cả. Mà cũng chẳng có tình cảm nào cả. Chỉ có câu chuyện như thế mà thôi. Thú thật với cô, tôi đã khổ tâm một tí. Tôi hoàn toàn chẳng hiểu mục đích của thư cô có phải là than phiền, hay thú nhận, hay tuyên bố, hay lập thuyết gì đấy chăng. Thư cô khiến tôi liên tưởng đến bức hình đăng báo chụp quang cảnh tàn sát hàng loạt. Chỉ có bức hình thế thôi, không một lời chú thích, hay ký sự gì cả. Bức hình chụp vô số xác chết nằm la liệt dọc đường ở một nơi nào bất minh của một xứ nào chẳng rõ.
Ngay cả chuyện cô muốn đòi hỏi điều gì, tôi cũng chẳng rõ. Bức thư của cô giống như một tổ kiến làm xổi, đông đúc chen chúc hỗn loạn, mà lại chẳng có chỗ nào để nắm bắt được cả. Quả thật là một tuyệt phẩm.
Ðùng, Ðùng, Ðùng... Tàn sát hàng loạt đấy.
Hay là ta hãy giản lược sự việc thêm một tí xem sao. Thật giản lược ấy. Thế nầy nhé, bức thư của cô đã làm tôi hứng tình lên đấy.
Quả thật là như thế.
Thế nên xin được nói về tính dục.
Cộp, cộp, cộp. Ðây là tiếng gõ cửa.
Nếu cô không thích thì xin ngừng cuộn băng lại. Tôi hướng về máy VU mà nói một mình, vân vân... vân vân...
Ô-kê chứ?
Chân trước ngắn có năm ngón, chân sau to mà dài ngoằng, có bốn ngón, ngón thứ tư đặc biệt phát triển thật lớn và mạnh, ngón thứ hai và ngón thứ ba lại thật nhỏ mà dính vào nhau... Ðây là phần mô tả chân của kangaroo. Ha Ha Ha.
Sau đây xin được nói về tính dục.
Suốt từ khi mang thư cô về nhà, tôi chỉ nghĩ đến chuyện ăn nằm với cô. Nằm lên giường thì có cô nằm bên cạnh, sáng mở mắt dậy thì cũng có cô bên mình. Khi tôi mở mắt dậy thì cô đã trở dậy rồi, nghe có tiếng kéo khóa áo đầm lên. Mà nầy, khóa kéo của áo đầm là thứ dễ hỏng nhất đấy, cô có biết thế không? Nhưng tôi vẫn nhắm mắt giả vờ còn ngủ. Vì thế mà tôi không nhìn thấy cô. Cô rời phòng ngủ, biến vào trong phòng rửa mặt. Sau đấy, tôi mới mở mắt ra. Và tôi ăn xong bữa sáng rồi đi làm. Buổi tối thì phòng tối thui -tôi muốn phòng thật tối thui nên đã gắn rèm cửa sổ đặc biệt kín mít- nên khuôn mặt cô tất nhiên là không thấy được. Tuổi cô hay trọng lượng của cô cũng không biết được. Cho nên, thân thể của cô cũng không chạm đến được. Mà dù vậy, cũng chả sao.
Nói thật với cô, tôi có làm tình với cô hay không, chuyện đó thì sao cũng được cả... À, mà không, không phải thế.
Xin cho tôi suy nghĩ một tí.
Ô-kê... Nó như thế nầy. Tôi muốn làm tình với cô. Nhưng không làm tình thì cũng chả sao. Nghĩa là, nếu được thì tôi muốn giữ lập trường công bình. Tôi không muốn ép buộc gì ai, mà cũng không muốn ai ép buộc gì mình. Chỉ cần cảm nhận được cô bên cạnh mình, hay chỉ cần những dấu chấm, phẩy của cô chạy vòng vòng quanh mình, đối với tôi, thế là đủ rồi.
Cô có hiểu cho tôi không?
Nghĩa là thế nầy.
Thỉnh thoảng suy nghĩ về "cá-thể" -kể cả cá nhân- tôi lại thấy khổ tâm vô cùng. Chỉ bắt đầu nghĩ đến là đã cảm thấy thân thể mình đứt rời ra từng mảnh nhỏ.
... Giả dụ mình đang đi trên tàu điện. Trong toa có hàng chục người. Trên nguyên tắc thì họ chỉ đơn giản là <hành khách> đi chuyến tàu điện hầm từ Aoyama-itchome đến Akasakamitsuke. Thế nhưng, thỉnh thoảng có khi mình đâm ra thắc mắc vô cùng về hiện hữu của từng người hành khách ấy. Người nầy là gì nhỉ? Người kia là gì nhỉ? Tại sao lại đi trên tuyến tàu điện hầm Ginza nầy chứ? Lại thắc mắc như thế. Và thế là sa đà thôi. Cứ bắt đầu thắc mắc như thế là không sao ngừng lại được nữa. Anh chàng tư chức nầy có lẽ sẽ hói đầu từ hai bên màng tang trở lên; cô gái kia lông chân có phần rậm quá; tại sao cậu trai ngồi trước mặt ấy lại thắt chiếc cà-vạt chẳng hợp màu tí nào cả nhỉ?... đại khái như thế.
Và cuối cùng, thân thể mình run lên lập cập đến muốn nhảy ngay ra khỏi tàu điện. Mới đây -chắc là cô sẽ cười cho- chút xíu nữa là tôi đã bấm vào nút ngừng tàu khẩn cấp ở cạnh cửa toa tàu rồi.
Tuy nhiên, có nói ra như thế, xin cô cũng đừng nghĩ rằng tôi là người quá mẫn cảm, hay suy nhược thần kinh. Bởi tôi chẳng phải là người quá mẫn cảm, hay suy nhược thần kinh gì đâu. Tôi chỉ là một nhân viên của ban quản lý thương phẩm của tiệm bách hóa, một tư chức bình thường, ở đâu cũng có. Tôi cũng thích tàu điện hầm nữa kia.
Về mặt tính dục thì tôi cũng chẳng có vấn đề gì. Tôi cũng có một người đàn bà gọi được là người yêu, từ khoảng một năm trước vẫn ngủ với nhau mỗi tuần hai lần, và cả tôi lẫn cô ấy đều khá thỏa mãn về chuyện ấy. Có điều tôi gắng không suy nghĩ sâu xa quá về cô ấy. Không cảm thấy muốn kết hôn. Nếu lấy nhau quách đi, hẳn là tôi sẽ bắt đầu suy nghĩ sâu xa về cô ấy, mà tôi cũng chẳng có tự tín sẽ sống được đời sống như thế. Chứ gì nữa, cứ phải để tâm đến cô gái sống chung với mình, hàm răng cô ấy thế nào, móng tay móng chân cô ấy ra sao... thì làm sao mà sống được chứ?
Xin được nói thêm về mình một tí. Lần nầy thì không gõ cửa.
Ðã nghe đến đây rồi thì xin cô chịu khó nghe cho đến hết.
Mà xin chờ một tí. Ðể tôi hút điếu thuốc đã.
(lạch cạch lạch cạch)
... Từ trước đến nay, tôi hầu như chưa hề nói về mình. Chứ có điều gì đáng nói đâu. Cho dù có nói ra, có lẽ cũng chẳng ai quan tâm đến.
Thế, tại sao bây giờ lại nói với cô?
Như đã nói lúc nãy: bởi vì bây giờ tôi đang nhắm đến tính bất toàn vĩ đại đấy.
Cái gì đã đưa tôi đến tính bất toàn vĩ đại ấy?
Chính là bức thư của cô và bốn con kangaroo đấy.
Kangaroo.
Kangaroo là loài động vật vô cùng hấp dẫn, chúng nhảy nhót bao nhiêu cũng không chán. Không biết kangaroo suy nghĩ những gì? Chúng suốt ngày nhảy nhót vòng vòng trong chuồng không vì lý do gì cả, thỉnh thoảng lại đào lỗ trên mặt đất. Vậy thì, chúng đào lỗ để làm gì? Cũng chẳng để làm gì cả. Chỉ đào lỗ, thế thôi. Ha Ha Ha.
Kangaroo mỗi lần chỉ sinh một con. Vì thế, kangaroo cái sinh con xong lại hoài thai ngay. Nếu không thì số lượng kangaroo tổng cộng không làm sao mà giữ được. Nghĩa là kangaroo cái suốt đời hầu như chỉ làm việc mang bầu và nuôi con mà thôi. Không mang bầu thì nuôi con, không nuôi con thì mang bầu. Do đó, có thể nói kangaroo tồn tại chỉ để kangaroo tiếp tục tồn tại mà thôi. Kangaroo không tồn tại thì kangaroo không thể tiếp tục tồn tại được, và ngược lại, nếu kangaroo không có mục đích tiếp tục tồn tại thì kangaroo cũng không tồn tại làm gì.
Chuyện kỳ quái thật, phải không nào?
Xin lỗi đã nói chuyện không có đầu có đuôi gì cả.
Xin nói về chính mình vậy.
Sự thật, về chính mình thì tôi ôm trong lòng một mối bất mãn rất lớn. Chẳng phải về chuyện dung mạo hay tài năng hay địa vị gì cả đâu. Chỉ đơn giản về chuyện tôi là chính mình đó thôi.
Cảm thấy thật là bất công!
Tuy nhiên, xin cô đừng vì thế mà nghĩ rằng tôi là người ôm nhiều bất mãn. Tôi chưa hề thốt ra một lời than phiền nào về chỗ làm hay lương bổng. Việc làm thì quả là nhàm chán thật, nhưng việc làm nói chung thì đại khái là nhàm chán cả. Tiền bạc cũng chẳng là vấn đề gì quan trọng.
Xin nói rõ ra như thế nầy:
Là tôi muốn mình đồng thời hiện hữu ở hai nơi. Ðó là nguyện vọng duy nhất của tôi. Ngoài ra, tôi không ước muốn điều gì khác cả.
Thế nhưng tôi lại là chính mình mất rồi. Tính "cá-thể" ấy ngăn trở việc thực hiện nguyện vọng của tôi.
Cô có thấy đấy là sự thực vô cùng khó chịu không nào? Tôi nghĩ rằng nguyện vọng ấy của tôi thuộc loại chẳng lớn lao gì. Tôi đâu có ước nguyện trở thành kẻ thống trị toàn thế giới, hay thiên tài nghệ thuật gì đâu. Cũng chẳng phải muốn bay trên trời. Tôi chỉ muốn đồng thời hiện hữu ở hai nơi mà thôi. Tôi muốn mình vừa nghe giàn nhạc giao hưởng diễn tấu ở thính đường trình tấu âm nhạc, vừa chơi trượt giày bánh xe. Tôi muốn là nhân viên quản lý thương phẩm của tiệm bách hóa, đồng thời là bánh mì kẹp hamburger phần tư "pao" ở tiệm McDonald. Muốn vừa ngủ với người yêu vừa làm tình với cô. Tôi muốn vừa là cá thể vừa là quy luật.
Xin phép hút thêm một điếu thuốc nữa. Phù.
Hơi mệt một tí rồi.
Như cô thấy đấy, tự mình nói về mình thẳng thắn như thế nầy thì tôi không quen. Có một điều tôi muốn xác nhận rằng: chẳng phải tôi ôm ấp dục vọng xác thịt đối với người nữ là cô. Như đã nói, tôi chỉ bực tức vô cùng về sự thực rằng tôi chỉ có thể là chính mình. Chỉ là một cá thể mà thôi, đó là điều rất khó chịu. Tôi không thể chịu được con số lẻ. Cho nên, tôi không nghĩ là muốn làm tình với cá thể là cô xem sao. Nếu như cô tách ra thành hai, tôi tách ra thành hai, rồi bốn người mình cùng ngủ chung một chiếc giường, được thế thì thật là tuyệt vời. Cô có nghĩ thế không?
Xin cô đừng gửi thư trả lời trực tiếp. Nếu cô thấy muốn gửi thư cho tôi thì xin cô gửi như là thư than phiền đến hãng tôi. Không có gì để than phiền cũng xin gắng nghĩ ra mà viết.
Chào cô.
Tôi cho chạy lại cuộn băng đã thâu để nghe lại đến đây. Thật tình, tôi không vừa ý. Cảm giác giống như nhân viên nuôi thú ở nhà thủy tộc lỡ để chết mất con sư-tử-biển. Vì thế, tôi đã vô cùng băn khoăn không biết có nên gửi cuộn băng nầy cho cô không.
Ngay đến lúc đã quyết định sẽ gửi cho cô, bây giờ đây, tôi vẫn còn băn khoăn.
Nhưng dù sao đi nữa, tôi đã đặt niềm tin vào tính bất toàn vĩ đại rồi. Cho nên cứ thanh thản mà làm theo thôi. Tính bất toàn ấy đã có cô và bốn con kangaroo phù trợ cho rồi.
Chào cô.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top