MỘT LỜI TỪ BIỆT DÀI 1
Cuối mùa thu năm 2003, tôi lên lớp Mười, lần đầu tiên nghe đến tên XX.
Thôi thì cứ gọi cậu ấy là XX đi, chứ đặt tên mệt lắm. Nam chính trong câu chuyện yêu thầm vốn dĩ không nên có tên.
Chẳng thể lớn giọng thốt ra cái tên đó, vậy nên gọi XX là được.
Trước kỳ thi giữa kỳ của học kỳ đầu tiên năm lớp Mười, cô bạn ngồi bàn sau tôi bỗng thích một cậu bạn là học sinh năng khiếu môn Thể dục, vì vậy đã kéo mấy người chúng tôi ra sân tập thể thao xem cậu ấy chạy. Cậu chàng học sinh năng khiếu Thể dục thấy có con gái đến xem thì như nổi cuồng lên, chạy một trăm mét hùng hục.
Cô bạn bàn sau chợt lạnh mặt, tỏ ra thất vọng.
Sau khi về lớp, cô ấy tuyên bố không thích cậu bạn này nữa.
Tôi hỏi lý do, cô ấy nói: “Cậu không thấy à, lúc cậu ta chạy ngược gió, má rung bần bật lên xấu muốn chết! Má! Rung!”
Với cô bạn bàn sau của tôi, “thích” chẳng qua chỉ là một sự gửi gắm. Ảo tưởng của thiếu nữ tuổi mới lớn có đôi cánh bay lượn trên không trung, lúc nào cũng tìm kiếm một đối tượng cụ thể để làm chốn dừng chân. Tiếc là cậu học sinh năng khiếu Thể dục không hoàn hảo lắm, có lỗi với kỳ vọng của cô ấy.
-
Tan học tôi lên xe bus, ngồi chỗ gần cửa sổ, đi từ ngôi trường ở vùng ngoại ô về trung tâm thành phố. Nhìn ngắm cảnh đường phố đầy bụi bặm bên ngoài, trong đầu tôi không ngừng lặp lại câu “Má rung má rung má rung…”, thế là cười, đồng thời cũng cảm thấy hứng khởi.
Tôi rất muốn tìm một ai đó để thích.
Nhưng đó chỉ là suy nghĩ thoáng qua. Trong nháy mắt, ý tưởng ấy đã bị sức nặng trên vai đè oằn xuống. Trong cặp tôi đầy những quyển sách ôn tập, trong đám bạn mới có biết bao học sinh đội tuyển, dường như ai nấy đều rất giỏi.
Thành tích thời cấp Hai của tôi cũng khá, nếu ngay trong lần thi đầu tiên của lớp mới mà bị xếp hạng từ cuối lên thì rõ là xấu hổ chết được…
Tâm tư thiếu nữ hóa thành tiếng thở dài, cũng đầy cát bụi như đường phố.
-
Kết thúc kỳ thi giữa kỳ, tôi đến văn phòng chủ nhiệm lớp giúp chỉnh lý bảng xếp hạng điểm số của khối. Bảng xếp hạng này sẽ được phát cho tất cả các phụ huynh trong buổi họp phụ huynh sau khi nghỉ học. Tôi đang định cầm một tờ bản gốc đi photo thì bị chủ nhiệm lớp gọi lại. Cô ấy chỉ vào hàng trắng trên cùng, nói: “Em viết vào đây là, XX, lớp X, Toán 150, Vật lý 98, Hóa học…”
Tôi viết nắn nót từng nét một, nhưng vì chỉ là nghe rồi viết nên đã viết sai tên của XX. Cô chủ nhiệm cảm thấy có gì sai sai, bèn cầm tờ giấy đưa cho một cô giáo khác, hỏi rốt cuộc tên XX viết thế nào.
Cô giáo kia nhất quyết không đồng ý để cô chủ nhiệm dùng XX làm gương cho các bạn. Cô ấy dạy môn Ngữ văn, mà điểm Ngữ văn của XX… Ha ha. Môn nào điểm cũng tốt, chỉ có Ngữ văn là chẳng ra sao, nếu tôi là giáo viên dạy môn này thì cũng không thích cho cậu ấy làm gương.
Sau khi xem xong trò vui, tôi đóng dấu thêm một bảng thành tích nữa rồi đem đi photo ra rất nhiều bản. Ban đầu tôi định vo tờ giấy viết tên XX vứt đi, cuối cùng chẳng hiểu sao lại gấp lại, cất kỹ.
Người đứng nhất lần này thật ra là một bạn nữ khác, nhưng người được chú ý lại là XX ở lớp bên cạnh. Trong ngôi trường cấp ba xem trọng khối Tự nhiên như trường chúng tôi, các môn Toán Lý Hóa luôn được chú ý hơn hẳn, mà trong ba môn này, XX hầu như không có điểm trừ.
-
Vừa quay lại lớp, tôi đã nghe thấy cô bạn bàn sau lẩm bẩm tên XX. Nghe nói XX thời cấp Hai thế này, bình thường cậu ấy thế kia, cậu ấy…
Từ hôm đó, XX đã hoàn toàn thay thế vị trí của cậu học sinh năng khiếu Thể dục, trở thành nhân vật chính trong ảo tưởng của không biết bao nhiêu thiếu nữ.
Lúc ấy tôi quay đầu hỏi cô bạn bàn sau là, lỡ cậu XX này trông như con khỉ đột thì phải làm sao?
Cô bạn hừ giọng khinh thường, “Còn lâu nhé, mình từng đến lớp cậu ấy xem rồi.”
Tôi của khi ấy chợt trở thành cô nàng giả tạo, chỉ cười thản nhiên rồi quay lại làm bài tập tiếp.
Sự hiếu kỳ và sùng bái mà các bạn nữ dành cho XX càng tôn lên phong thái thoát tục nổi bật cùng vẻ bình thản và tự tin của tôi… Nói chung là tôi quá đặc biệt.
-
Tôi từng nhiều lần có cơ hội gặp XX.
Chẳng hạn như, có lúc cô bạn bàn sau đứng lên nói: “Lớp XX đang chơi bóng ngoài kia, chúng mình đi xem đi.”
Chẳng hạn như, cô bạn học siêu giỏi ngồi cạnh tôi cầm một bản ghi chép với chữ viết cực xấu nói: “Đây là ghi chép thi đua của XX, mình xin phép nghỉ rồi, cậu có thể mang nó sang lớp bên cạnh giúp mình được không?”
Câu trả lời của tôi luôn là: “Không đi.”
Nói cũng lạ, tôi vẫn thường bình thản đi xem những nhân vật nổi tiếng khác, nhưng đến lượt XX thì thấy không được tự nhiên.
Có thể là vì hơi ghen ghét. Tôi ghen ghét với người thông minh. Từ tấm bé, điểm số vẫn luôn là ác mộng của tôi, cho đến khi thi đỗ vào trường cấp Ba chuyên tôi cũng chưa từng cảm thấy yên tâm với trí thông minh của mình. Tôi luôn cảm thấy vì mình chăm chỉ vất vả nên mới có cơ hội đứng ngang với những người đầu óc tốt, chỉ cần hơi buông lỏng sẽ tụt xa ngay. Sao ông trời luôn bất công như vậy?
Cảm giác tự ti xuất phát từ nội tâm lan tỏa đến XX. Tôi thật hy vọng cậu ấy có ngoại hình trông như con khỉ đột.
-
Thời gian cứ thế trôi qua. Tôi ngồi trong phòng học sát cạnh lớp XX tròn một năm, quen mặt với hầu hết bạn học lớp đó, nhưng chưa từng gặp cậu ấy, còn suýt nữa vì cậu ấy mà nghỉ chơi với cô bạn bàn sau.
Một buổi chiều đầu mùa hạ, tôi và cô bạn bàn sau đến quầy bán quà vặt mua kem ăn. Khi đi qua sân tập thể thao thì có một nhóm nam sinh khoảng bảy, tám người đi tới từ phía đối diện, không nhốn nháo đi qua với đội hình rất ngay ngắn, cực kỳ khí thế.
Tôi chưa bao giờ nhìn chằm chằm vào người khác, vì vậy chỉ cười nói với cô bạn bàn sau rồi đi lướt qua bọn họ.
Nhưng cô bạn tôi lại chẳng quan tâm. Đợi nhóm nam sinh này đi được một lúc, cô ấy mới nói: “Người mặc đồ trắng kia chính là XX.”
Tôi vốn không định quay đầu, nhưng cũng hiểu là có vờ vĩnh thì cũng nên vừa phải thôi, bèn ra vẻ tự nhiên quay sang nhìn. Nhóm nam đã đi xa, trở thành một loạt chai sữa chua Yakult. Trong số họ có ít nhất bốn người mặc đồ trắng, những người khác thì mặc đồ trắng pha.
“Cậu chơi mình đấy à?” Tôi cười cợt.
Cô bạn chợt yên lặng lạ thường. Tôi đang mải ăn kem và đi vội cho kịp giờ lên lớp nên không để ý đến sự khác thường của cô ấy. Lúc vào phòng học, cô ấy chợt hỏi khẽ: “Cậu thấy XX thế nào?”
Tôi sững người.
Nghĩ đến dáng lưng của mấy cậu trai kia, trông có vẻ tư chất chẳng mấy đặc biệt.
“Hơi lùn nhỉ?” Tôi cười nói.
Cô bạn bàn sau chợt nổi đóa: “Cậu hâm à? Cậu ấy không cao bằng cậu hả? Bới móc như thế có gì hay ho?”
Rất nhiều bạn trong lớp nhìn về phía chúng tôi. Tôi cũng bực, cười khẩy nói: “Cao hơn mình mà cũng tính là ưu điểm?”
Chúng tôi về chỗ ngồi, dỗi nhau suốt cả một tiết học.
Vốn cũng không phải bạn tốt mà chỉ thân thiết xã giao, thế nên một khi trở mặt thì rất khó có điểm dừng.
Khi đó tự ái của tôi chưa cao như bây giờ, thích dĩ hòa vi quý, vì vậy đã viết giấy chuyển cho cô ấy. Nội dung chủ yếu là mình đùa thôi, ban đầu cứ tưởng ngày ngày cậu nhắc đến XX chỉ là đùa, không ngờ cậu quan tâm như vậy thật, xin lỗi.
Cô bạn bàn sau trả lời: “Mình xúc động như thế là không nên. Nhưng cậu không nên nói cậu ấy như thế, cậu ấy là người tốt lắm lắm.”
Tôi chợt tò mò.
“Tốt chỗ nào?” Hết giờ học, tôi quay người ghé vào bàn cô ấy hỏi.
Cô bạn bàn sau hơi dè dặt rồi mới khẽ giọng nói: “Mình học cùng trung tâm tiếng Anh với cậu ấy, ngồi ngay bên cạnh. Mỗi lần cậu ấy bị rơi tẩy, mình nhặt lên giúp, cậu ấy luôn nói ‘Cảm ơn’.”
Tôi: “…”
Thấy cặp lông mày của cô bạn có dấu hiệu sắp nhướng lên, tôi mới vội vàng bổ sung: “Học giỏi lại lịch sự như thế, tốt thật.”
Khen XX chẳng khác nào khen cô ấy. Thấy vẻ mặt vui tươi hớn hở của cô bạn bàn sau, tôi phải nuốt vào câu nói “Lúc cậu ta làm bài tập Toán liệu có kích động đến rung cả má không”.
-
XX rất ít nói, XX ghét tiết Ngữ văn, XX thích ngủ nhất, XX thật ra là người có khí chất lãnh đạm trầm buồn…
Nói tóm lại, nếu thứ mà Rukawa Kaede* thích nhất không phải bóng rổ mà là các môn Tự nhiên thì anh ấy chính là phiên bản mỹ hóa của XX.
(*Rukawa Kaede: Nhân vật trong truyện tranh Slam Dunk)
Tôi mãi mãi nhớ buổi chiều hôm ấy. Trời rất đẹp, tôi tựa vào bệ cửa sổ, nghiêng đầu nhìn bầu trời xanh thẳm ngoài kia, một áng mây bay qua, lại thêm một áng mây nữa bay qua… Cô ấy luôn miệng kể về một người tôi chưa từng gặp mặt, toàn bộ đều là những chuyện vụn vặt, những điều thừa thãi, những suy nghĩ phỏng đoán, tất cả đều là tình cảm đơn phương.
Nhưng cũng là tuổi hoa đẹp nhất.
-
XX vẫn giữ được thành tích đáng nể. Ở ban Tự nhiên có rất nhiều nhân tài, nhưng cậu ấy luôn có thể xuất hiện ở top Ba, hầu hết các kỳ thi đều đứng nhất.
Năm lớp Mười một, tôi chọn học ban Xã hội.
Cuối cùng cũng cảm nhận được cảm giác “xưng bá”, quả nhiên là còn “đã” hơn thi đứng nhất.
Cũng vì thế mà tôi bớt ghen tị với XX.
Mẹ kể chuyện tôi chơi đùa ở công viên hồi ba bốn tuổi. Gạch ở quảng trường được xếp từng vòng theo màu từ trong ra ngoài, ba người trong gia đình tôi chơi đuổi bắt dọc theo vòng ngoài, bố mẹ đuổi theo tôi từ phía sau, thấy sắp bị đuổi kịp, tôi liền nhảy một bước vòng trong, cao giọng nói với họ: “Con qua cửa, thăng cấp rồi.”
Sau đó còn có một lần khi mọi người đang ném tuyết, tôi đột nhiên cầm đá đánh người, còn tuyên bố “Con ăn một ngôi sao, nên đổi luôn loại pháo.”
Về sau nữa, mẹ tôi còn cấm tôi chơi game Nitendo.
Tóm lại từ nhỏ tôi đã quen thói xỏ lá, ở ban Tự nhiên quá khó khăn thì nhảy vào trong một bước, học Xã hội, tự mình “xưng hùng”.
Tiếc là sự sùng bái dành cho ban Tự nhiên vẫn tồn tại trong ban Xã hội, thế nên tôi vẫn thường xuyên nghe được tên XX, chỉ có điều lần này fan cuồng đổi thành cô bạn bàn trước tôi.
Tôi thật không hiểu, tại sao người đứng đầu ban Xã hội là tôi nhưng mọi người vẫn cảm thấy XX ngầu nhất? Ai có thể giải thích cho tôi không?
-
Thời gian vẫn thấm thoắt trôi. Thời cấp Ba của mọi người hầu hết đều giống nhau: Đi học, tan học, thi, xếp hạng, biểu diễn hợp xướng, thi đấu bóng rổ, có bạn bè có đối thủ, có vui vẻ có u buồn, nhưng đều rất động lòng người.
Trường chúng tôi nằm ở ngoại thành, thuộc loại hình quản lý ký túc khép kín. Tôi thường đọc trộm tiểu thuyết tình cảm của nữ sinh giường bên, đọc đến khi khóc sướt mướt lại len lén trả về, lúc nói chuyện tiếp tục lạnh nhạt tỏ vẻ khinh thường đối với mấy câu chuyện diễm tình thiếu logic đó.
Nhưng tâm tư thiếu nữ trước kia bị bầu không khí nặng nề của ban Tự nhiên áp xuống giờ đã được những câu chuyện này giải phóng. Chúng rũ lớp bụi bặm phủ trên đôi cánh rồi bay vút lên cao.
-
Có lần đi ăn sinh nhật một người bạn học, mọi người đã ghép bàn ăn trong nhà hàng thành một hàng thật dài, đúng lúc châm nến thì có một nhóm nam sinh đi qua, cô bạn bàn trước chợt kêu khẽ đầy hưng phấn: “Ôi, XX.”
Theo phản xạ, tôi ngoảnh mặt nhìn họ, một nam sinh cũng quay mặt nhìn chúng tôi.
Khỉ đột.
Quả nhiên là XX trông như con khỉ đột! Trời xanh có mắt!
Tôi mỉm cười hát bài chúc mừng sinh nhật cùng một người, vui vẻ đùa giỡn, nhưng lòng bỗng cảm thấy hơi mất mát.
Thôi được rồi, không phải hơi, mà là rất mất mát.
Nhưng tại sao?
Niềm mộng mơ thiếu nữ của họ đều rơi vào một người cụ thể, chỉ có riêng mơ mộng của tôi là thuộc về một cái tên cùng vô kể những lời “nghe nói”.
Dù rất không muốn thừa nhận, nhưng tôi quả thật rất khó chịu.
-
Thấy tôi vô cớ ưu sầu, bố mẹ nhận xét: “Ối chà, con gái lớn rồi.”
Đừng nghĩ họ tiến bộ cởi mở. Họ chẳng qua chỉ thích nhìn thiếu nữ tơ tưởng mộng mơ, càng thích nhìn thiếu nữ mộng mơ mà không được. Tôi mà thành công, có khi họ còn đánh gãy chân tôi.
-
Khi nghe người khác nhắc đến XX lần nữa, lòng tôi đã chẳng còn cảm giác tò mò đan xen đố kị. Tôi chỉ cảm thấy đáng tiếc, càng xấu hổ vì tâm tư ngốc nghếch của mình trước đó.
Thật đáng tiếc.
Thật ra mình không mong cậu giống khỉ đột lắm đâu.
-
Mỗi thứ Sáu cuối tuần mọi người đều xách một đống đồ giặt về nhà. Tôi xách một túi hành lý lớn đứng chờ xe bên cạnh cậu bạn thân L.
Vai trò của cậu ấy không quan trọng lắm, dùng bừa một chữ cái để gọi tên cũng được.
Đang nói chuyện phiếm, chẳng hiểu sao L đột nhiên nhìn về phía sau lưng tôi, lập tức bày ra vẻ nịnh nọt: “Ôi hôm nay thật là vinh hạnh, có thể đi chung xe với hai người đứng đầu ban Tự nhiên và Xã hội!”
Ban đầu tôi chỉ nở nụ cười khiêm tốn kiểu “Đâu có đâu có, thân quen với nhau hết rồi, đừng khách sáo, cái cậu này lúc nào cũng khách sáo vậy” theo phản xạ, sau đó mới chợt cảm thấy có điều không đúng. Hai người đứng đầu ban Tự nhiên và Xã hội?
Tôi kinh ngạc ngoảnh sang.
Đây là XX? Ngoại hình cũng đẹp mà? Vậy khỉ đột đâu rồi?
Lúc ấy tôi mới ý thức được là lần trước mình đã nhận lầm người.
XX mặc đồ đơn giản thoải mái, đúng là không quá cao nhưng cũng không coi là thấp, thần thái hờ hững lạnh lùng. Khi viết tiểu thuyết tôi đã tạo ra rất nhiều nhân vật, nhưng đến giờ vẫn không thể miêu tả rõ ràng ngoại hình của XX.
Đại khái là thế đấy, dù sao các bạn cũng không cần biết quá rõ ràng, dù sao các bạn cũng không cần phải thích cậu ấy. Hoặc là bạn có thể nghĩ thế này: Người tôi thích cũng giống như người bạn thích. Họ có khuôn mặt tương đồng, khuôn mặt chỉ có chúng ta cảm thấy đẹp tuyệt nhưng mãi mãi ngại miêu tả rõ ràng vì sợ rằng người khác sẽ nhận ra.
XX kéo hành lý đi đến, đứng cách chúng tôi khoảng năm mét, ngẩng đầu nhìn biển báo trạm dừng. Tôi vô tư ngoảnh sang nhìn dáng lưng cậu ấy.
Đó có lẽ là lần cuối cùng tôi có thể nhìn cậu ấy một cách thật tự nhiên trong suốt cả thời cấp Ba.
Sau đó, tôi ngồi ở chỗ gần cửa sổ của hàng ghế cuối cùng, vừa nói chuyện phiếm với L vừa ngắm ráng chiều ấm áp buông xuống ngoài kia, nắng rất đẹp. L hỏi tôi có phải hôm nay uống nhầm thuốc không mà cười vui như thế. Tôi không trả lời.
Tôi còn nhớ, trên con đường đi từ bến xe về nhà hôm ấy, đến cả gạch đá cùng bãi rác đều đẹp hơn bình thường. Bến xe ở trên sườn núi, mà nhà tôi ở dưới sườn núi, tôi phải đi qua một con đường nhỏ im lìm rồi đi tiếp một đoạn bậc thang dài.
Đứng trên bậc thang nhìn xuống từng căn nhà nhỏ bé đan xen vào nhau, và ánh tà dương xa xa chiếu qua rừng cây vắng lặng, có thứ cảm xúc lạ kỳ chợt trào lên trong tim tôi.
Không chỉ đơn thuần là vui.
Giống như phát hiện điều huyền diệu của cuộc đời, niềm vui thú của cuộc sống.
Giống như cả thế giới đã trải rộng dưới chân.
Tôi thả túi du lịch xuống, giang rộng hai tay chạy xuống bậc thang rồi lao về con dốc trước mặt. Gió lướt qua tai, tim đập rộn trong lồng ngực, chiếc cặp đập vào phía sau người chẳng biết là đang can ngăn hay thúc giục.
Tôi như bay lên cùng trái tim thiếu nữ của mình.
Sau đó lại bò lên sườn núi như một kẻ khờ để lấy chiếc túi du lịch bị ném dưới đất.
Thấy không? Những con người mang mặt nạ như chúng ta sống quá vất vả.
-
Tôi chưa bao giờ cảm thấy yêu thầm là đau khổ.
Trong mắt giấu niềm thương mến một người, khi nhìn thế giới cũng thấy tốt đẹp hơn.
Tôi sẽ ganh đua vị trí với XX vào mỗi kỳ thi Toán, Văn, Ngoại ngữ chung của hai ban Tự nhiên và Xã hội; sẽ cố ý trèo lên tầng có lớp XX đi vệ sinh; sẽ thẳng lưng lên, chỉnh lại cổ áo một chút và bước đi thật đường hoàng vào những lần ngẫu nhiên gặp mặt; sẽ lắng tai nghe tất cả những lời bàn tán về cậu ấy; người khác nhắc đến tên XX thôi tôi cũng rất vui.
Tất nhiên, là một cô nàng thích vờ vịt và tỏ ra lạnh lùng, tôi không thể thể hiện dù chỉ một chút hứng thú dành cho XX, chỉ có thể mỉm cười hờ hững rồi cố chuyển hướng câu chuyện đến ban Tự nhiên rồi tới lớp cậu ấy, đến khi mọi người nhắc đến XX thì làm bộ trả lời tin nhắn hoặc đọc tạp chí, tỏ ra chẳng hứng thú chút nào.
Ngay cả sự vờ vĩnh ấy cũng khiến tôi hạnh phúc.
Mùa hạ trời tối sớm, có rất nhiều nam sinh ra sân tập thể thao chơi bóng vào giờ nghỉ trước tiết tự học buổi tối. Tôi không còn tranh thủ thời gian đọc sách, mà đến sân bóng đi dạo một mình. Tôi thong thả đi qua mười sáu cột bóng rổ, đi qua cột nào cũng ghé mắt xem có phải lớp họ đang chơi bóng không. Nhưng khi phát hiện mục tiêu cần tìm, tôi lại không dám đứng cạnh xem họ đấu.
Dường như chỉ cần liếc mắt thôi là cả thế giới sẽ phát hiện bí mật của tôi.
Tôi nói rồi, sau lần gặp ở bến xe, tôi không thể nhìn thẳng cậu ấy.
Tôi giả vờ thản nhiên nhìn đi nơi khác, ánh mắt lạc trên nền đất xa xa, chỉ thấp thoáng nhìn thấy một nhóm người gần cột ném rổ.
Trong nhóm người đó có cậu ấy.
Tôi ngoảnh mặt đi, mỉm cười.
Nhớ lời cô bạn bàn sau hồi lớp Mười từng nói, cậu ấy là người tốt lắm lắm.
-
Nghỉ hè năm lớp Mười một, tôi được đi du lịch ở nước ngoài, bèn ghé vào sảnh khách sạn viết một tấm bưu thiếp cho cậu ấy. Viết một câu vẽ một câu, xé hết tấm này đến tấm khác, cuối cùng tôi cầm một xấp bưu thiếp dày bị xé tan tành vứt vào thùng rác ở sảnh. Hướng dẫn viên du lịch của chúng tôi thấy vậy thì cười đùa: “Cô bé khoe của đấy à?”
Đó là lần đầu tiên tôi muốn làm một hành động thực tế để tiếp cận cậu ấy. Trước kia tôi thích cậu ấy, giờ tôi hy vọng cậu ấy cũng có thể thích mình. Khi suy nghĩ này hiện lên trong đầu, tôi liền không vui được nữa.
Cuối cùng cũng viết xong một tấm nhưng tôi chỉ mang về nhà mình. Tôi chẳng dám gửi cho cậu ấy một tấm bưu thiếp – quá đột ngột, lại có dấu bưu kiện nước ngoài, mọi người nghe ngóng sẽ biết ngay là ai, chỉ sợ cậu ấy chưa hiểu, người ta đã biết hết rồi.
Nhưng tôi còn có thể làm gì đây? Tôi thường bỏ tiết tự học buổi tối của khối Mười hai để đến đi dạo thơ thẩn ở sân trường gần chỗ bục kéo cờ, hoặc ngồi trên bệ cửa sổ ở hành lang khu hành chính tối đen như mực và nghĩ đến cả vạn khả năng làm quen với cậu ấy.
Hai lớp chúng tôi có chung một cô giáo dạy Ngữ văn, vì vậy tôi luôn viết văn rất cẩn thận, bởi vì sau mỗi lần thi, những bài văn xuất sắc đều sẽ được tổ bộ môn photo ra phát cho mọi người cùng đọc. Ít nhất tôi có thể lấy tiếng trước, để XX biết mình là người tài năng cỡ nào.
Nhưng cậu ấy ghét tiết Ngữ văn như thế, liệu có cảm thấy tôi là kiểu văn nhân sến súa sáo rỗng không? Tâm tư thiếu nữ bị bóp méo, làm người sao khó vậy.
-
Cho đến một ngày kia, mẹ nhặt được tấm bưu thiếp rơi dưới đất cạnh bàn học của tôi, hỏi tôi XX là ai? Đúng như tôi nghĩ, mẹ vẫn rất hứng thú với việc thiếu nữ mộng mơ mà không có được.
Tất nhiên mẹ sẽ hỏi tôi một câu kinh điển: “Con thích điểm nào ở cậu ta?”
-
Học kỳ Một năm lớp Mười hai, các trường trung học bắt đầu tuyển chọn học sinh giới thiệu tuyển thẳng vào đại học và học sinh được cộng điểm ưu tiên khi thi đại học. Cậu ấy là học sinh xuất sắc nằm trong danh sách học sinh giới thiệu tuyển thẳng; tôi là nữ sinh bình thường, hy vọng có thể cố gắng giành được một suất cộng điểm ưu tiên.
Loa phát thanh yêu cầu mọi người đến văn phòng chủ nhiệm điền hồ sơ. Tôi đến muộn, tình cờ gặp cậu ấy… và mẹ cậu ấy. XX ngồi trên sofa, vẻ mặt hững hờ. Mẹ cậu ấy cầm phiếu đi hỏi khắp nơi, tôi thấp thỏm ngồi vào một chỗ khác cạnh bàn uống nước, cúi đầu điền phiếu, viết được mấy nét thì hồi hộp nhìn sang bên cạnh. Tôi mong ánh mắt hai người tình cờ giao nhau, tôi có thể mỉm cười gật đầu với cậu ấy và nói rằng: “Cậu là XX phải không? Chào cậu, mình là…”
Tôi cũng không phải người quá nhát gan.
Nhưng cậu ấy chẳng hề nhìn sang, chỉ nghe hướng dẫn của mẹ rồi cắm cúi viết phiếu.
-
Chúng tôi đều vượt qua vòng xét hồ sơ đầu tiên và cùng tham dự kỳ thi viết ở văn phòng tuyển sinh của tỉnh. Tôi thi không tốt lắm, lúc ra khỏi trường thi vẫn hơi ngơ ngẩn, đến khi trông thấy mẹ ở trong đám người phía xa xa thì giật mình.
Mẹ tôi và mẹ XX đang đứng cạnh nhau trò chuyện vui vẻ.
Bình thường đều là bố đi họp phụ huynh cho tôi. Mẹ hiếm khi trao đổi với những phụ huynh khác, thậm chí chẳng nhớ nổi tên chủ nhiệm lớp tôi, vậy mà bây giờ lại vui vẻ cười nói với mẹ XX.
Chuyện gì xảy ra với nữ đồng chí này vậy? Mẹ muốn đùa chết con gái mẹ sao?
Mẹ đã bao giờ nghe câu “Hổ dữ không ăn thịt con” chưa?
Tôi máy móc đi đến, mẹ vô tư kéo tôi tới giới thiệu: “Đây là mẹ XX.”
Nói thừa, tất nhiên là con biết.
Mẹ của XX là người nhiệt tình nhanh nhẹn. Trò chuyện mấy câu thì tôi thấy XX lạnh nhạt đi đến, cậu chẳng để tâm ở đây còn có người khác, kéo tay mẹ cậu nói: “Đi thôi.”
…Đi thôi.
Mẹ cậu ấy cười gật đầu với chúng tôi, cầm cặp của con trai rồi hai người cùng đi khỏi.
Mẹ tôi nở một nụ cười đầy ẩn ý, nói một câu khiến tôi tới giờ vẫn chưa quên được.
“Quan hệ mẹ chồng nàng dâu của con trong tương lai khó khăn lắm đây.”
“Rốt cuộc mẹ định làm gì?” Cơ mặt tôi căng ra.
“Đứng ngoài chán quá, nghe thấy cô ấy nói ‘XX nhà tôi’ nên mẹ tới nói chuyện mấy câu.” Mẹ tôi cười tươi tắn, “Đó là XX mà con thích đấy hả? Sao như người máy vậy?”
Tôi loáng thoáng nghe thấy tiếng nứt vỡ “răng rắc” của quan hệ mẹ con chúng tôi.
Thật ra tôi biết ý của mẹ. Mẹ cảm thấy XX chẳng có gì đáng để thích. Nhưng mẹ không thể trả lời tôi rốt cuộc “Thích” là gì? Tình cảm nảy nở thật sự cần có lý do sao? Thích một người cũng như hỏng một van nước, lý trí bảo với chúng ta rằng không đáng, nhưng có cố vặn chặt thế nào cũng phí công, và tình cảm là nước chảy khó hốt.
Tối hôm ấy, tôi nắm tay mẹ chậm bước đi về nhà. Bầu trời trên cao ảm đạm như đang ấp ủ trận tuyết đầu mùa.
Mẹ cảm thấy tâm trạng tôi không tốt, chợt nắm chặt tay tôi nói: “Mẹ cậu ấy biết con lâu rồi, biết con học ban Xã hội, khi trước học lớp nào, còn biết con viết văn rất tốt.”
“Thật ạ?”
“Ừ.” Mẹ cười nói, “Thật. Mà cô ấy bảo là XX nói với cô ấy như vậy.”
Dù biết những thông tin cơ bản này khả năng cao là đến từ mạng lưới tin tức dày đặc của mẹ XX chứ chẳng liên quan gì đến cậu ấy, nhưng trong một thoáng, tôi vẫn rất vui: “Còn gì ngoài viết văn không ạ?”
“Không.”
“À…” Tôi cảm thấy mất mát.
“À, đúng rồi, mẹ cậu ấy nói con rất xinh.”
“Thật ạ?”
“Mẹ bịa đấy.”
Quan hệ mẹ con phát ra tiếng nứt vỡ “răng rắc” lần thứ hai.
-
Mẹ không thôi lấy chuyện của XX ra để trêu chọc tôi. Thậm chí ngay cả khi cùng đi mua cặp, ý kiến hai người khác biệt, mẹ nhất định sẽ chỉ vào cái mà mình thích nói: “Cái này giống kiểu XX thích đeo.” Cứ như thể nói vậy là tôi sẽ nghe lời mẹ không bằng.
Nhưng đúng là tôi đã nghe mẹ.
Tôi rất muốn biết có phải mẹ tin chắc XX sẽ chẳng có cảm giác gì với tôi nên mới dám chẳng kiêng dè như thế hay không.
XX càng tốt, tôi càng vui với cảm xúc mến mộ cậu ấy. XX càng giản dị, tôi càng muốn tiếp cận cậu, giống như muốn mượn tay thực tế để hủy diệt niềm mơ mộng của mình.
Vậy nên mùa đông năm ấy, khi mẹ đi cùng tôi đến Bắc Kinh tham gia cuộc phỏng vấn chọn học sinh tuyển thẳng và học sinh ưu tiên, lần đầu tiên tôi thu hết dũng khí lên tiếng chào XX.
Tôi ôm một xấp phiếu đứng cạnh cây cột trong sảnh tòa nhà khoa Tự nhiên đợi mẹ, chợt thấy XX đi một mình ra ngoài từ phòng học bên cạnh, vẻ mặt vẫn lạnh nhạt hờ hững.
Khi cậu ấy đi qua, tôi chợt thu hết dũng khí, bình ổn cảm xúc, mỉm cười nói: “Ha ha, XX.”
Và cậu ấy đi xa, không thấy tôi, không dừng bước.
Tôi đứng ngẩn trong chốc lát, sau đó giơ tay phải lên kéo tay trái mình nói: “Đi thôi.”
Bình phẩm của mẹ tôi với câu chuyện này là: “Ha ha ha ha ha ha ha.”
Nhưng tôi còn nhớ rõ hình ảnh cậu ấy cùng bố mẹ mình đi xa khỏi cửa vào tòa nhà khoa Tự nhiên. Ở chỗ ấy toàn là học sinh đến tham dự phỏng vấn và phụ huynh của họ, ai nấy trông cũng căng thẳng và hưng phấn, liên tục hỏi thăm xếp hạng và những thông tin bên lề của những người khác. Tôi mở to mắt, trông thấy một con chim hỉ thước đậu trên cành, đang nghiêng đầu nhìn chúng tôi.
Tôi vẫn luôn muốn biết chú chim ấy nghĩ về chúng tôi thế nào.
-
XX giành được tư cách học sinh tuyển thẳng. Tôi vô cùng biết ơn giáo viên chủ nhiệm nghiêm khắc của lớp họ, vì thầy vẫn cứng nhắc bắt những học sinh được tuyển thẳng phải đi học đều đặn nên tôi mới thường xuyên được trông thấy XX trong học kỳ sau của năm lớp Mười hai.
Tôi biết cậu ấy thích mặc chiếc áo phông nào, cũng nhận ra cách phối đồ của cậu ấy, những động tác nhỏ nhặt, dáng bước đi, và hình dáng chiếc gáy… Có khi còn thân thuộc hơn cả Chu Tự Thanh thân thuộc với bóng lưng của bố ông.
Thời gian đó, trò tôi thích nhất là tung đồng xu. Bạn thân của tôi ở ban Xã hội là một cô bạn vô cùng hoạt bát nhưng cũng vô cùng e thẹn. Cô ấy có thể to tiếng kể chuyện cười bậy, cũng có thể sợ đến nín thở khi nhìn thấy chàng trai mà mình thích.
Cơm ở căng-tin rất chán nhưng chúng tôi vẫn đến đều đặn, vì khi đi vào cửa có thể chơi trò tung đồng xu này. Người cô ấy thích thường qua lại ở tầng Một, người tôi thích thường đi lại ở tầng Hai. Chúng tôi dựa vào mặt sấp và mặt ngửa của đồng xu để quyết định hôm nay đến ăn ở tầng mấy.
Bạn thân nói: “Đây không phải trò chơi, đây là xem bói.” Chúng tôi nghe theo sự xếp đặt của trời cao, phải tiết kiệm vận may một chút, không thể quá bốc đồng, có như thế chuyện quan trọng mới thành công.
Chúng tôi chưa bao giờ hỏi nhau họ tên của “người ấy”, luôn mặt dày gọi “người thương của cậu”, “người thương của mình”. Đến giờ tôi vẫn biết ơn trò chơi ấy, bởi nó đã khiến XX mà tôi chẳng thể thổ lộ cùng ai được hóa trang cẩn thận và lên sân khấu trong một khu vực an toàn, để tôi thỏa thích bàn luận, dường như chỉ cần tôi vui thì cậu ấy thật sự sẽ trở thành “người ấy” của tôi.
-
Thời cấp Ba cứ vậy kết thúc.
Mùa hè sau khi thi đại học, tôi bất ngờ nhận được một cuộc điện thoại lạ. Đối phương tự xưng là đồng nghiệp của mẹ XX có con gái đang học ban Xã hội rất ương bướng, hy vọng tôi có thể tâm sự với con gái cô ấy, làm tấm gương để “cảm hóa” cô bé.
Nếu chuyện này xuất phát từ mẹ thì tôi nhất định sẽ nổi đóa lên ngay. Nhưng đối phương nói rằng mẹ XX nhiệt tình đề cử, khen ngợi rất nhiều, thế là tôi mở cờ trong bụng, lập tức gật đầu điên cuồng làm dây điện thoại cũng rung bần bật.
Tôi nhớ khi chúng tôi ngồi cạnh nhau ở bồn hoa, cô bé khiến mẹ hết lòng lo lắng kia bỗng dưng hỏi: “Những người học giỏi như các chị có yêu đương vụng trộm không?”
Tôi dở khóc dở cười, gật đầu nói: “Tất nhiên là có, rất nhiều người xung quanh chị đều đã từng yêu.”
Cô bé hỏi tiếp: “Vậy còn chị?”
Tôi lắc đầu.
Cô bé ngẫm nghĩ rồi chợt hưng phấn lên: “Ít nhất cũng thích ai đó chứ?”
Tôi gật đầu.
“Vậy anh ấy biết không?”
-
Thế là khi được đàn chị trong khoa giao nhiệm vụ tổ chức buổi liên hoan gặp mặt đầu tiên giữa tân sinh viên đồng hương trong trường đại học, tôi chợt cảm thấy mình phải làm gì đó. Đối với các lớp khác, tôi chỉ báo cho một nhóm trưởng rồi người ấy sẽ truyền đạt cho bạn học trong lớp. Nhưng đến lớp XX, tôi đã xin cách liên lạc của toàn bộ mười tân sinh viên trong lớp họ rồi báo cho từng người, chính là vì muốn đường hoàng lấy được số điện thoại di động của XX rồi quang minh chính đại nhắn một tin nhắn cho cậu ấy, đồng thời kín đáo cho cậu ấy biết tên và số điện thoại của mình.
Khi tình yêu và lòng tự trọng giao nhau, lòng chúng ta luôn có ý đồ, mưu toan vẹn cả đôi bên.
Hầu hết những bạn học nhận được tin nhắn đều sẽ trả lời tôi là: “Cảm ơn cậu, có cần mình báo cho những người khác giúp không?”
Chỉ có một mình cậu ấy trả lời: “Ừ.”
Khi nhận được chữ này, tôi đang đứng ngoài cổng Tây trường học. Nắng cuối hạ trên cao gay gắt, thiêu lòng người nóng đến chột dạ, trong một thoáng, tôi dường như lại nghe thấy giọng ranh mãnh của mẹ: “Con thích cậu ta ở điểm nào?”
-
Hôm liên hoan, tôi diện đồ đẹp hơn ngày thường. Một cô gái mặt mũi phổ thông như tôi khi chưng diện luôn cảm thấy rất xấu hổ, muốn mình xinh đẹp nhưng tư chất bình thường, lại quá đỗi lo lắng, sợ cuối cùng sẽ bị mọi người giễu cợt là không biết lượng sức mình. Vì vậy mỗi lần cố ý chải chuốt trang điểm xong tôi vẫn chẳng có gì khác trước.
Tôi không dám ngồi cùng bàn với cậu ấy, suốt bữa ăn tinh thần chẳng tập trung. Hai khóa học sinh của trường cấp Ba chúng tôi có khoảng sáu mươi người thi đỗ trường đại học này, tự giới thiệu một lượt xong thì cũng gần như tàn tiệc. Tôi cứ mải nhìn XX từ xa, nhìn cậu ấy nhiệt tình trò chuyện, trao đổi số điện thoại, xin bí quyết chọn môn với một đàn anh trong khoa, khác hẳn vẻ lạnh nhạt cao ngạo thường ngày.
Tất cả những điều đó xảy ra lúc tôi đứng lên tự giới thiệu.
Thật lâu về sau, có lần tôi tán gẫu với cậu ấy, nhắc đến khốn cảnh lúc mới nhập học, rõ ràng tay trái bó bột còn chọn tiết bóng rổ, đúng là tự đâm đầu vào chỗ chết. Cậu ấy nhướng mày: “Cậu từng bị gãy xương à?”
Tôi gật đầu, không giải thích nhiều.
Tôi bó bột lộ liễu như vậy, tay bó bột trong lễ biểu dương tốt nghiệp, lúc liên hoan chào mừng tân sinh viên cũng bó bột, tất cả mọi người đều vây quanh hỏi: “Cậu sao rồi?”, “Có nặng lắm không”, “Phải cẩn thận chứ”...
Khi chúng tôi gần nhau nhất là khi hai bả vai chỉ cách nhau mười centimet, chỉ là, cậu ấy chưa bao giờ nhìn thấy tôi.
-
Nhưng về sau chúng tôi vẫn quen nhau, quen nhau một cách vô cùng bình thản.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top