tham thien 6

Tham Thiền 14

THIỀN QUÁN 1

Hiện tượng nghìn xưa tánh tịch nhiên

Không nhơn không ngã chẳng ai phiền

Chân như: Vô tác, không, vô tướng

Châu biến hàm dung vượt thỉ chung!

TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG

Tham thiền: Tham có nghĩa là dự vào, dính vào cái này với cái kia, việc này với việc kia hổ tương thành tựu cho nhau. Thiền là thiền định, có nghĩa là tu tập bằng cách tư duy, nhận thức một đối tượng qua sự phân tích suy luận và nhận thức trong lúc thân tâm vắng lặng yên tĩnh. Thế cho nên thiền định có nghĩa "Tư duy tu" cũng có nghĩa "Tĩnh lự".

Tham thiền là để tâm tham cứu suy gẫm một đối tượng mà hành giả muốn nhận thức cho tinh tường một sự việc nào đó. Người tham thiền là chủ thể (năng), pháp là đối tượng (sở). Thế cho nên tham thiền không cố "diệt" trí hiểu biết, không dứt bặc tư tưởng của mình. Hành giả cần vận dụng "trí năng tham" và "cảnh sở quán". Ví dụ : Tham quán nhận xét về ngũ uẩn vô ngã, về vạn vật giai không. Tóm lại, dù tọa thiền hay hành thiền đều có chủ thể đối tượng, có năng có sở. Nếu hành thiền bằng cách diệt tưởng, dứt niệm, tập cho thành vô tri như tượng gỗ, tượng đá là tu sai đạo Phật, không được lợi lạc gì hết.

Hiện tượng vạn pháp xưa nay tánh nó vắng lặng, tự an nhiên, tự trong sáng, vì hiện tượng vạn pháp trong đó không có khái niệm về tướng nhơn, tướng ngã, tướng chúng sanh, tướng thọ mạng... Kinh Pháp Hoa đức Phật dạy: "Chư pháp tùng bản lai, thường tự tịch diệt tướng". Nghĩa là các hiện tượng vạn pháp xưa nay tánh của chúng tự vắng lặng, tự an nhiên thanh tịnh và trong sáng. Cho nên Phật tử học đạo, hành đạo thì ai cũng được thành Phật, trở về tánh tịch diệt trong sáng thanh tịnh vốn có của mình.

Chân Như: Chân thì không phá hoại tiêu diệt được. Như thì dù có muốn xây dựng trao dồi thêm khiến cho tốt đẹp hơn, chắc chắn hơn cũng không được, vì chân như là chỉ cho cái bản thể của hiện tượng, nó viên mãn mọi mặt ví như trăng tròn đêm rằm, mười sáu. Thế cho nên người thể nhập vào thể chân như thì mình chính là chân như ấy rồi; vì thế con người ấy biết rõ, thấy rõ rằng:

sóng là nước rồi, sóng không thắc mắc tìm nước. Nước là sóng rồi, nước chẳng đòi hỏi kiểu nước nào khác.

Vô tác: Đạo Phật dạy vạn pháp hiện tượng không có tác nhân, tác giả. Vạn vật hiện tượng thành bởi hòa hợp bằng trùng trùng điều kiện, tương quan, tương hợp, tương thành. Không có vật gì tự nó làm thành nó, càng không chấp nhận có một "tác giả" bất kỳ ông đó là ai!

Không: Đạo Phật dạy, vạn vật mà mọi người thấy có mặt, thì sự có mặt đó chỉ là huyễn có, vì là huyễn cho nên vạn vật hiện tượng sanh ra tạm có, thay đổi rồi tan biến ví như mây ráng của bình minh, của hoàng hôn vậy.

Vô tướng: Không có tự tướng chơn thật. Tướng của vạn pháp là giả tướng, cho nên luôn luôn chịu sự chi phối của sanh lão bịnh tử, của sanh trụ dị diệt, của thành trụ hoại không.

Châu biến hàm dung: Một pháp quán bao quát. Hành giả nhận thức rõ: Vạn pháp "là" nhau. Tuy nhiều mà "là" một, một "là" một của nhiều.

Thông tin từ: phatphapdaithua.com

31-08-2009

Tham Thiền 15

THIỀN QUÁN 2

Đối cảnh vô tâm khỏi luận thiền

Tham thiền năng sở rõ phân minh

Quán tâm quán cảnh tùy duyên đến

Tránh tưởng hoang đường nghĩ viễn vong.

TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG

"Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền". Bài thiền thơ của Sơ tổ Trúc Lâm:

"Cư trần lạc đạo thả tùy duyên

"Cơ tắc xan hề khổn tức miên

"Gia trung hữu bảo hưu tầm mích

"Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền".

Đây là thiền thơ tuyệt cú, tối thượng thừa thiền. Phải đạt tới trình độ: Thiền mà không thiền, không thiền mà thiền thì mới đạt đúng ý hướng dẫn của Thiền sư. Bằng trái lại thì có thể bị phản tác dụng... trở ngại sự tu tập thiền quán của mình !

Cần xem lại Thiền quán I. Năng quán sở quán. Tâm cảnh. Chủ thể đối tượng. Lập trường của Thiền giả là tìm lẽ thật, để nhận thức lẽ thật của một vấn đề: hoặc phía tục đế hoặc bên chơn đế. Nói cách khác: Hoặc phía hiện tượng của vạn pháp hoặc bên bản thể của vạn pháp.

Thiền giả thường là vận dụng tâm quán cảnh, như: Sắc thanh hương vị xúc pháp. Trường hợp khác dùng tâm quán tâm, như: Thọ tưởng hành thức. Vì vậy Thiền giả phải thận trọng lưu tâm rằng; tu thiền của đạo Phật dựa trên cảnh thật, thân thật, tâm thật, cụ thể và hiện hữu.

Tưởng tượng hoang đường, nghĩ suy vô căn cứ đạo Phật không đồng thuận. Bởi vì đạo Phật không đồng thuận với hai nguồn tín ngưỡng:

1. Nhất thần giáo

2. Đa thần giáo.

Vì đạo Phật trước sau như một, không chủ trương trông chờ mong đợi ở nơi vô thần hay hữu thần.

Thông tin từ: phatphapdaithua.com

31-08-2009

Tham Thiền 16

QUÁN THÂN

Thân này bất tịnh thật hay ngoa?

Tam khổ bao vây mạng sống ta

Bát bất dập vùi thân khẩu ý

Tìm đâu tịnh ngã lạc thường ra?

TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG

Quán bất tịnh là pháp tu thiền của Tiểu thừa. Hàng Thanh văn thừa bắt đầu Phật dạy tu Tứ niệm xứ quán. "Quán thân bất tịnh" là pháp thứ nhất trong tứ niệm xứ. Trọng tâm của pháp quán này là Thiền giả quán chiếu, soi rọi, tư duy nhận thức về cái thân không đáng luyến ái của mình. Đấy là điều kiện tiên quyết của người học Phật và tu theo đạo Phật.

"Tam khổ bao vây mạng sống ta"

Tam khổ:

1) Khổ khổ: Khổ thân, khổ tâm, khổ do hoàn cảnh khách quan đưa đến, như thiên tai, địch họa...

2) Hành khổ: Thân, tâm, hoàn cảnh sống rất mong manh, sự vô thường chi phối từng phút giây, nó thường xuyên đe dọa sự tồn sanh của thân, tâm và môi trường sống.

3) Hoại khổ: Đây là sự kết liễu, sự hoại diệt cuối cùng thân tâm và hoàn cảnh môi trường sống của kiếp hữu tình và vô tình

Từ ba đại khổ ấy biến chứng di căn ra : Sanh lão bệnh tử khổ, ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ, cầu bất đắc khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ... và muôn ngàn biến chứng di căn không lường hết được khổ quả..

Bát bất dập vùi thân khẩu ý

Bát bất: Bất nhân, bất nghĩa, bất lương, bất chánh, bất an, bất bình, bất mãn, bất như ý. Do bát bất làm cho con người thân tâm vốn tịnh trở thành "bất tịnh". Thường, lạc, ngã, tịnh là tự tánh vốn có của con người, lẽ ra con người được thọ dụng nhưng vì bị "Bát bất" "Tam khổ" khiến cho nhơ bẩn đức thường, đức lạc, đức ngã và đức tịnh không còn tìm đâu ra được nữa.

Thông tin từ: phatphapdaithua.com

31-08-2009

Tham Thiền 17

QUÁN TÂM

Thọ tánh không không nhận những gì?

Tưởng hành trống rỗng, tưởng là chi?

Giác không, không giác đâu là thức?

Ngũ uẩn phù hư đến chợt đi.

TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG

Tâm: Không ai thấy nó là gì, nó ra sao. Dù vậy, những người có trí, không phủ nhận tâm, mà biết có tâm qua ba công năng hiện hữu của nó:

1) Tánh hiện biết đang là.

2) Tác dụng phân biệt và sai sử.

3) Cái hiện thọ dụng của con người. Không có tâm thì con người không là con người được.

Thọ tưởng hành thức. Thức uẩn là tâm vương. Thọ uẩn, Tưởng uẩn là tâm sở hữu pháp. Hành uẩn chi phối cả tâm vương, tâm sở và Sắc uẩn. Bởi vì hành uẩn tánh biểu hiện của nó là vô thường.

Thọ: Thọ nhận, tiếp thu, tiếp lấy. Thọ có ba trường hợp: Một thọ khổ, hai thọ vui, ba không khổ không vui. Dù có ba cách thọ, ba trường hợp khác nhau, nhưng tất cả chỉ là danh ngôn rỗng.

Tưởng: Đem một cái tướng, một cái hình sắc không có thật vào tâm. Tưởng đấng bề trên, tưởng người yêu trong mộng... Thế cho nên "tưởng" là một thứ sở hữu của tâm, không bao giờ hiện thực.

Hành: Hành không là gì cả. Sự biểu hiện của nó thông qua hiện trạng vô thường thay đổi, như sanh diệt, diệt sanh, Thành trụ hoại không, Sanh lão bệnh tử...

Thức: Cũng gọi là Trí, cũng gọi là Giác, cũng gọi là Tâm, cũng gọi là Ý; Tìm nó là cái gì Không ai thấy biết. Chỉ biết nó là "pháp hiện sở tri, pháp hữu tác dụng, pháp hiện thọ dụng".

Tóm lại: "Bồ tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa Thời Chiếu Kiến Ngũ Uẩn Giai Không" Năm uẩn là thứ trống rỗng, không có thực thể.

Thông tin từ: phatphapdaithua.com

31-08-2009

Tham Thiền 18

TÂM

Tâm chẳng tâm gì, phải gọi tâm!

Tâm không hình mạo cứ đâu tầm?

Ba đời không thể tìm tâm được

Phật dạy tu tâm, tâm ở đâu?

TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG

Có thân thì có tâm, có tâm tất có cảnh, có chủ thể ắt có đối tượng, cũng như có sáng có tối, có trắng có đen, có đúng có sai, có mặt có trái, có yêu có ghét, có trí có ngu, có phàm có thánh ... đó là đạo lý "duyên sanh" "tương đối" của hiện tượng vạn hữu.

Giáo lý đạo Phật dạy:

"Tâm như công họa sư

"Họa chủng chủng ngũ ấm

"Nhất thiết thế giới trung

"Vô pháp nhi bất tạo"

Có nghĩa :

Tâm như người họa sĩ

Vẽ từng món ngũ ấm

Hết thảy cõi thế gian

Tất cả do tâm kiến lập.

Tâm là chủ tam giới. Thế giới tự tánh thanh tịnh bản nhiên, vậy mà tâm có thể khiến cho thế giới thanh tịnh ấy trở thành Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới trùng trùng đau khổ của kiếp phù sinh.

Tâm không hình mạo, cho nên không dễ thấy, không dễ biết, không thể chỉ trỏ cho ai. Vậy mà Phật dạy "tu tâm", rõ là khó thật! Có khi nào Phật hứng thú, lỡ lời dạy ẩu đây chăng? Không, đã là Phật, nói ra là: Chân ngữ, thật ngữ, bất dị ngữ, bất cuống ngữ.

Bạn hãy nhìn người phụ nữ mang "cái bầu" to tướng sắp sanh đang đi ngoài đường kia kìa, rồi bạn nói "Chị ấy đã có chồng". Tôi bảo đảm với bạn rằng: không ai cho là bạn nói ẩu, nói trật, nói sai được.

Cũng vậy, nếu ai đó sát sinh, trộm cướp, tà dâm, vọng ngôn, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu... Qua hành động đó, bạn thấy rõ, biết rõ tâm của người đó, bạn nói người đó tâm ác.

Ngược lại có người tu kiều bồi lộ, thí tài, thí pháp, thí vô úy, làm tất cả việc lợi mình, lợi người, lợi cho nhân quần xã hội, thân, miệng, ý thật dễ thương... Qua hành động đó, bạn thấy rõ, biết rõ tâm người đó, rồi bạn nói người ấy tâm lành.

Quán tâm là soi rọi tâm, nhìn sự biểu hiện qua thân, khẩu, ý, để rồi cải tạo tu chỉnh hằng ngày qua cuộc sống, bạn sẽ đỡ khổ như lời Phật hứa.

Thông tin từ: phatphapdaithua.com

31-08-2009

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #chau#tue