PHẦN 7: RA MẮT

1.
Đầu năm nhà tôi có đám giỗ cụ nội. Tôi nghĩ đây là thời điểm thích hợp để mang anh về ra mắt bố mẹ nên có nói qua với Long. Long nghe thế thì vui tới mức ngay lập tức mua vé từ Hà Nội bay về Thanh Hóa trước. Tôi biết vậy nên thay đổi lịch trình, cũng về sớm một ngày.

Trước hai ngày ra mắt, anh gọi điện hỏi tôi về tính cách mọi người trong nhà, rồi có điều gì cần anh tránh không. Tôi buồn cười đáp: - Không có, anh cứ thoải mái và lịch sự là được.

Sau đó ít phút anh lại gọi, lần này là nhờ tôi tư vấn quần áo. Tôi nhìn qua một lượt, sau đó chọn cho anh một bộ quần áo đơn giản nhất. Đến hơn 11 giờ, khi tôi vừa vào giấc thì điện thoại lại vang lên tiếng thông báo từ tài khoản của anh. Vừa bắt máy đã nghe thấy tiếng người phấn khích vọng qua loa.

Anh nói: - Anh căng thẳng quá, hay em nói chuyện với anh chút đi.

Tôi không mở nổi mắt, mất kiên nhẫn trả lời lại: - Long. Anh biến dùm đi cho em ngủ.

Nói xong tôi tắt máy, ném điện thoại lên đầu giường rồi ngủ tiếp.

Ngày về lại Thanh Hóa. Lúc tôi đáp xuống sân bay vừa hay đã vào đầu buổi tối. Vừa bước ra khỏi cửa an ninh tôi đã thấy anh đứng chờ ở sảnh từ lâu. Vừa thấy tôi đi ra, anh đã vội vàng lao tới xách đồ ra xe. Tôi cùng Long đi ăn sau đó về nhà trước. Qua ngày mai là đến giỗ, vậy nên Long cứ bám lấy tôi rồi than rằng anh sợ.

Tôi an ủi: - Không sao, bố mẹ em dễ lắm.

Nhìn bộ dáng làm quá vấn đề này của anh khiến tôi bật cười thành tiếng. Ngồi trên xe, tôi kể sơ qua về các thành viên trong gia đình cho Long nghe. Thi thoảng lại chọc anh mấy câu. Chờ về đến nhà cũng đã tối muộn. Nhắn tin với anh đôi dòng thì tôi đã tiến vào mộng đẹp.

Qua buổi sáng ngày hôm sau, mới hơn 8 giờ đã thấy anh tới. Long đứng ngoài cổng gọi điện cho tôi. Trong lúc đó điện thoại của tôi lại đang sạc pin trên phòng nên không nghe thấy. Chẳng may lúc đó bố tôi đi mua đồ về, thấy có chàng trai lạ thập thò ngoài cổng thì đi lại gọi hỏi. Nghe tiếng tôi chạy ra xem. Nhìn thấy anh chàng mặc một chiếc áo phông trắng, quần bò, đi giày thể thao. Tay xách nách mang bao nhiêu là quà.

Khi nghe bố hỏi, Long sợ tới mức tay chân lóng ngóng, chào được một câu thì im bặt. Vừa thấy tôi, anh mừng như bắt được vàng. Bố thấy quen mặt nên nhiệt tình mời vào nhà ăn giỗ. Long bước vào trong sân, mẹ tôi đã đi ra đón.

Thấy anh đưa quà rồi chào rõ nhanh miệng, mẹ cười tới quên mất đây là người lạ. Long tự nhiên như đã thân thuộc từ trước, hết tay bắt mặt mừng với các chú rồi lại xuống bếp phụ bác gái nấu cơm. Nghe tôi giới thiệu qua thì cả nhà cứ cười tủm tỉm. Bà nội quý anh, cứ một, hai mời lên phòng khách ngồi uống nước. Long muốn lên ngồi nhưng ngại không có tôi, thế nên vẫn giữ ba phần là khách, bảy phần chuẩn bị làm người nhà, sấn ra nhặt rau với các thím.

Tôi thấy vậy, bĩu môi nói nhỏ với anh: - Bà thiên vị anh, em ngồi đau cả lưng mà bà có cho lên ngồi đâu.

Nghe tôi oán vậy, anh cười cười, cúi sát tai nói nhỏ: - Tại cháu gái chỉ mệt một ngày còn cháu rể về sau ngày nào cũng mệt.

Tôi đấm lên vai anh, trừng mắt đe dọa. Nhìn anh giả bộ đau đớn kêu rên một tiếng, mẹ cùng bác gái đang đứng trong bếp ngó đầu ra bênh.

Mẹ nói: - Cái con này, lớn rồi đấy. Sắp làm vợ người ta rồi bớt cái thói trẻ con đó đi.

Bác gái phụ họa theo: - Long lên nhà trên ngồi đi cháu, kệ cho nó làm một mình.

Tôi bực mình lườm anh, sau đó thì thào nói: - Sao mẹ với bác bênh anh ấy thế, đã là người nhà đâu.

Đuổi được anh lên phòng khách, mẹ và bác tôi lại tiếp tục bài ca đạo làm vợ. Tôi nghe tới nhức đầu nhưng không dám cãi. Long ở gian trên, bị bố và các chú  hỏi thăm. Lúc tôi đi lên đã thấy sau gáy anh phủ một tầng mồ hôi lạnh vì căng thẳng. Vừa nhìn thấy tôi đang bưng gà xuống chặt để bày cỗ, anh nhanh ý sấn tới xin đi theo.

Long lấy dao, lấy thớt rồi chặt gà bày đĩa, nhìn cách anh làm việc mà bố mẹ tôi ưng ra mặt. Hóa ra cái câu “Muốn cưới được vợ thì phải biết chặt gà” có tính ứng dụng thực tế rất cao. Anh chặt và bày đủ đĩa xong, lén lúc không ai để ý, lấy riêng quả tim đút cho tôi, miệng không buông tha châm chọc.

Long nói: - Này con người không có lương tâm, ăn tim bổ tim.

Tôi đang nhai, nghe anh nói vậy thì giơ tay định tát cho vài cái. Thế nhưng Long nhanh mồm gọi cứu viện.

Anh nói: - Bác trai, bác gái, Thanh đánh con.

Mẹ đang xào rau trong bếp đi ra, lườm tôi một cái. Bố ngồi gần đó thì cười, quát nhẹ: - Cái con bé này.

Anh thấy được bố mẹ bênh nên hai mắt híp lại, ngông nghênh nhìn tôi. Thấy vậy tôi dở khóc dở cười, đứng dậy bưng đồ ra bày mâm. Lúc nhìn Long chặt gà chuyên nghiệp tôi lại nghĩ tới viễn cảnh “ra mắt” vô số lần của anh.

Tôi hỏi: - Sao chuyên nghiệp thế, trước ra mắt nhiều nhà rồi phải không?

Anh vừa rửa tay vừa cười nói: - Có mỗi một cô tán còn không xong, lấy đâu ra nhiều.

Sau này tôi mới biết, trước khi anh mở gara thì đã đi học bên bếp. Anh theo đoàn đi làm các tiệc, cỗ nên chặt gà nhiều thành quen. Lúc bước vào bếp, mẹ đưa cho tôi đĩa đựng hai phần cánh riêng mà Long chừa lại. Tôi ngó ra ngoài nhìn anh, thấy Long đang cùng bố bình phẩm về mấy chậu cây cảnh. Ngoài bố mẹ ra chắc hẳn chỉ mình anh mới chu đáo và am hiểu tôi tới vậy.

Nhà tôi thường vẫn giữ nếp trải chiếu để ăn cỗ từ thời các cụ. Vậy nên ai uống rượu ngồi một chiếu, ai không uống thì qua một bên. Long ngại bố nên ngồi bên mâm các chú, sau đó viện cớ không uống nổi để xin qua mâm của tôi. Thấy anh đi lại, các thím cười đùa, chọc vài câu. Long ngại đỏ mặt nhưng vẫn ngồi xuống bên cạnh, thi thoảng nhìn tôi một cái.

***

Sau này lúc về chung một nhà, tôi hay đùa bảo: - Ngày ấy mẹ mà nhớ ra anh là cái thằng nhóc ba năm cấp ba đều được cô chủ nhiệm "tuyên dương" vì học lực vừa tệ vừa nghịch, mẹ từng kêu em tránh xa, chắc mẹ tức tới bất tỉnh.

Anh: …

***

Sau buổi nhậu bố kêu Long vào nhà uống nước. Khi ấy tôi thấy anh đứng dậy, quay sang phụ mấy thím dọn mâm, bưng đồ xuống bếp xong mới chịu lên.

Mẹ trông anh như vậy thì bảo: - Tao đến phát ngại với nó Thanh ạ.

Thím Liên nghe thế thì vừa cười vừa nói: - Khéo có con rể tốt, chịu gả con gái đi thôi.

Nghe thím nói xong cả hội mấy chị, mấy bác hùa vào trêu làm mẹ tôi cười không khép nổi miệng.

Tôi biết mình không bị què hay cụt, ăn tôm có thể tự bóc vỏ nhưng từ khi bên anh thì tay không phải đụng, vì có anh lo hết. Dưới bếp lúc nào cũng có thực phẩm đã được chế biến qua cất trong tủ lạnh, tôi chỉ việc là nấu và nếm sao cho vừa miệng. Tính cách hậu đậu không chỉ mẹ lo mà chồng tương lai cũng rén khi tôi vào bếp. Người ngoài sẽ nói Long sợ vợ, nhưng tôi biết là anh chỉ đang săn sóc, chiều chuộng người phụ nữ mà bản thân yêu. Giữa người yêu hay vợ chồng với nhau, thứ tồn tại vĩnh viễn không phải là tình cảm mà là trách nhiệm với đối phương. Không biết sau này ra sao, chỉ biết hiện tại vậy là đủ!

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top