Chương 4: Độc Thân Trên Đường Trường Đấu Trí Bằng Gian Mưu

Trời đã sáng tỏ, sương mù tan dần, chín chiếc thuyền lần lượt đi ở giữa dòng sông mãi tới chiều hôm sau mới đậu vào bờ. Thiếu nữ che mặt, nữ tỳ áo xanh và Lạc Dương, ba người lên bờ đi bộ. Lạc Dương cứ ngơ ngác theo sau hai thiếu nữ, cũng không biết đi đâu hết, và cũng không tiện hỏi.

Mặt trăng mọc lên đỉnh đầu ba người cũng vừa leo lên tới một ngọn núi. Núi đó tuy không cao lắm nhưng rất dốc và lởm chởm khó đi, khi đi lên tới trên đỉnh núi, thấy trên đó mọc đầy thông và bách, ở giữa lại có một khóm trúc và trong khóm trúc có mười mấy căn nhà nho nhỏ. Thiếu nữ che mặt liền cười và nói:

- Đây là chỗ định cư của tôi đấy! Nói xong, nàng tiến lên trước đi thẳng vào một căn nhà, cột sơn đỏ, bốn vách sơn trắng. Trong nhà hiên đó bày biện rất cổ nhã, đồ đạc toàn bằng gỗ tía đàn và thắp toàn đèn cung đăng treo lơ lửng ở trên nhà. Trên vách treo đều là những câu đối và tranh vẽ của danh nhân, trông rất đẹp mắt.

Lạc Dương ngạc nhiên thầm. Chàng không ngờ trong núi lại có những nhà thanh tao và bên trong bày biện trang nhã đến thế.

Thiếu nữ bịt mặt vừa cười vừa nói tiếp:

- Núi này tên thật là Ngọc Chung Sơn, ở ngay cạnh hồ Bá Dương, ngồi trước cửa sổ nhìn ra bên ngoài phong cảnh tuyệt đẹp.

Nói xong, nàng giơ tay ra đẩy cánh cửa sổ, quả nhiên bên ngoài mặt sông lớn rộng như tấm gương. Đại Cổ Sơn nằm giữa dòng sông hiện ra với tất cả phong cảnh núi non. Nàng chỉ tay về phía xa và nói tiếp:

- Công tử thử xem cảnh ở bờ sông bên kia có đẹp không? Lạc Dương đưa mắt nhìn sang bên đó thấy phong cảnh bên ấy tuyệt đẹp, liền hỏi:

- Sao cô nương không định cư bên đó? Thiếu nữ vừa cười vừa đáp:

- Thế công tử cho cảnh ở núi bên này không đẹp sao? Lạc Dương không biết trả lời ra sao cho phải, chỉ nhìn nàng cười thôi.

Thiếu nữ che mặt che miệng cười khúc khích thuận tay đóng cửa sổ lại. Lúc này nữ tỳ đã thắp đèn, trong nhà sáng tỏ như ban ngày. Thiếu nữ liền bỏ miếng vải the xuống, lộ ngay bộ mặt đẹp tuyệt trần. Lần đầu tiên Lạc Dương được thấy mặt thật của thiếu nữ liền ngẩn người ra như phỏng đá vậy. Thiếu nữ thấy chàng như thế không sao nhịn được cười. Chàng lại càng ngây ngất thêm vội quay mặt lại nhìn đi nơi khác. Chàng lại nghe thiếu nữ áo trắng bảo nữ tỳ rằng:

- Mai Nhi, dẫn Lạc công tử về phòng ngủ đi.

Mai Nhi vừa cười vừa vâng lời, rồi dẫn Lạc Dương vào căn phòng thứ hai, ở bên tay trái.

Chàng vào đến phòng thấy trên giá có hàng muôn cuốn sách, cạnh giá có một bàn một sập. Mai Nhi khúc khích cười và hỏi:

- Thế nào, công tử thấy căn phòng này có hợp ý không? Lạc Dương gật đầu tỏ vẻ hài lòng, Mai Nhi bỗng nhìn chàng hỏi tiếp:

- Công tử thấy cô nương của chúng tôi có đẹp không? Tối hôm nay công tử đã trông rõ cô nương, chắc thế nào cũng động lòng phải không? Thấy Mai Nhi hỏi thẳng như vậy, Lạc Dương mặt đỏ bừng nghiêm nghị đáp:

- Hách cô nương đẹp như tiên nữ, tài hoa lại rất cao siêu, tại hạ đâu dám nghĩ vớ nghĩ vẩn. Cô nương chớ đùa giỡn tại hạ như thế, nhỡ Hách cô nương lại biết thì tại hạ chịu không nổi lỗi ấy đâu.

Mai Nhi vừa cười vừa mắng yêu:

- Ngốc tử! Rồi nàng xoay người chạy mất dạng.

Lạc Dương lại ngẩn người ra, rồi bỗng như bị cảm xúc gì vậy, vội nằm ngửa người lên trên sập, đầu óc bối rối khôn tả. Trong năm nay, chàng ở trên núi tuyết, hang động vắng vẻ đã làm cho tư tưởng của chàng tê liệt. Những sự việc vừa xảy ra trước mắt đây, đem lại cho chàng nhiều vấn đề nan giải và khó hiểu. Vì chàng là người chất phác, khiêm hòa ở trên núi cô độc quen rồi, tất nhiên có cái hay của sự trầm lặng, trầm lặng là võ khí tối thành công khiến cho người ta không đo lường được thấp hay cao.

Lạc Dương không hay biết gì lai lịch của chín cái thuyền đó, không riêng gì chàng mà cả giới võ lâm cũng đều như chàng. Bào Húc với Trường Thanh khi tới hung hăng và oai dũng biết bao, rốt cuộc cả hai đều bị hao binh tổn tướng. Sau Phùng Xuân lại mời hai người trong thuyền chuyện trò nhưng sao lại không thấy nói tới nữa và hình như không đếm xỉa đến việc của mấy người đó. Lạc Dương cũng không tiện lên tiếng hỏi, nhưng việc đó lại liên can đến tai kiếp của võ lâm sau này...

Lạc Dương nằm trằn trọc mãi không sao ngủ được... Gió bên ngoài cửa sổ thổi vào rền rĩ như than, như khóc làm chàng ngủ thiếp đi lúc nào không hay.

Thời gian trôi chảy rất nhanh, hoa ở trên núi Ngọc Chung đã rụng và bắt đầu kết trái.

Lạc Dương tới đây đã được hơn hai tháng, trong thời gian đó, chàng chỉ biết Hách Tố Lan vừa đẹp vừa lạnh lùng, tài ba cao siêu khôn lường. Ngoài nàng ta ra, chàng không hay biết gì hết, sự thu hoạch duy nhất của chàng là đã học được sáu bảy thành võ công của Tố Lan.

Giữa Tố Lan với Lạc Dương, bề ngoài chỉ là một đôi bạn thân chứ không phải là một đôi bạn yêu. Sự thực hai người rất kín đáo không ai biểu lộ tình yêu ra trước hết, sở dĩ hai người có cử chỉ như thế là vì hai người biết giữ mình trong vòng lễ giáo.

Trên núi Ngọc Chung lạnh lùng tĩnh mịch lạ thường, chỉ có ba người ở trên đó thôi.

Ngoài ra mười ngày mới thấy có ông già họ Khảm, bố của Tố Lan tới gặp nàng, nhưng chỉ nói vài câu vội vàng rồi lại đi luôn.

Đối với ông già họ Khảm đi lại vội vàng như thế, Lạc Dương không hề hỏi tới mà chỉ thấy hành động của ông ta rất ly kỳ thôi.

Tố Lan cảm thấy Lạc Dương trầm tư lạ lùng, nên nàng cũng ngạc nhiên hết sức. Có một lần, không sao nhịn được, nàng liền lên tiếng hỏi:

- Dương đệ, nhất cử nhất động của hai thầy trò tôi ở đây đều lọt vào mắt của hiền đệ hết. Chẳng lẽ hiền đệ không cảm thấy có sự khác thường hay sao? Lạc Dương lắc đầu mỉm cười đáp:

- Tiểu đệ biết chị Lan với các người cùng thuyền đều là những người tài ba trong võ lâm. Việc giang hồ rất phiền não, gian giảo không thể dùng thường lý mà đo lường được, có hỏi nhiều cũng vô ích thôi, trái lại còn làm cho chị Lan không vui. Tiểu đệ không dám tự cho mình là người trong võ lâm, tất nhiên không dám dây dưa vào mọi việc. Tiểu đệ chỉ mong làm sao trả được thù, đó là ý nguyện duy nhất của tiểu đệ.

Tố Lan cười một cách lả lơi nói tiếp:

- Có thực hiền đệ đã coi thường việc đời đến mức ấy không, nhưng chưa chắc hiền đệ đã được toại nguyện.

Lạc Dương đáp:

- Trên trái đất này dẫu không có bờ bến rộng thênh thang nhưng người đời vẫn nghĩ cách này cách nọ để đối đầu với nhau, chẳng qua cũng chỉ muốn cầu sinh tồn mà thôi, rút cục vẫn là một giấc mộng hoàng lương, đã có mấy ai thông suốt được việc đời. Nếu người ta biết khoan thứ và đừng có ích kỷ thì thiên hạ đâu đến nỗi loạn lạc.

Tố Lan chỉ nhìn thẳng vào mắt chàng và mỉm cười thôi chứ không nói năng gì hết.

Chàng ngạc nhiên vô cùng vội hỏi lại:

- Chị Lan, chẳng lẽ tiểu đệ nói sai chăng? Tố Lan lắc đầu đáp:

- Không, lời nói của hiền đệ không sai một tí nào. Hiền đệ nên biết trên đời này, người mạnh sống, kẻ yếu chết. Đó là một định luật từ xưa tới nay, thử hỏi đã có ai thoát khỏi phạm vi của định luật ấy không.

Nói xong, nàng mỉm cười và hỏi lại:

- Hiền đệ cho lời nói của tôi có phải không? Lạc Dương không thể nói là phải và cũng không thể nói là không, chỉ đáp:

- Tiểu đệ tuổi trẻ, kiến thức rất thô thiển, không lão luyện như chị Lan được. Có lẽ phải một thời gian nữa tiểu đệ mới có thể lãnh hội được. Bây giờ tiểu đệ không sao đoán nổi những chuyện thị phi như vậy.

Tố Lan cười khúc khích và nói tiếp:

- Bây giờ hiền đệ khéo ăn khéo nói hơn lúc mới đến nhiều.

Tuy hai người đã bắt đầu yêu nhau nhưng không ai dám thổ lộ tâm tình ra trước. Chỉ có một mình Mai Nhi trông thấy rõ rệt thôi.

Một đêm nọ, mưa to gió lớn, sấm sét ầm ầm, Lạc Dương ngủ rất ngon giấc, tới lúc trời sáng, mưa gió ngớt chàng mới tỉnh đậy và cảm thấy khác lạ khi thấy bên ngoài không có một tiếng động nào hết.

Mọi ngày, Mai Nhi thường dậy sớm, xuống bếp nhóm lửa và quét dọn. Sáng hôm nay không có một tiếng động nào khác hẳn ngày thường. Chàng giật mình kinh hãi vội nhảy xuống đất đi ra ngoài.

Chàng thấy trên mặt bàn có để một tờ giấy, vội cầm lên xem, thấy trên giấy đại khái viết "Vì một việc bận, phải cùng Mai Nhi rời khỏi núi một chuyến, chỉ bảy ngày sẽ trở về liền.

Trong nhà có đủ thức ăn, mong hiền đệ ở lại trên núi, đừng có đi đâu hết, vì vội đi quá không có kịp từ biệt..." Lạc Dương đọc xong, trong lòng càng thấy hoang mang như mất gì vậy. Chàng nhận thấy Tố Lan quả thực là một nhân vật huyền bí, cử chỉ và tâm sự của nàng khó mà biết được.

Chàng đành phải nén lòng đợi chờ cho tới khi Tố Lan về, đành phải lấy sự luyện võ để giết thời giờ trong những ngày sống cô tịch.

Thoáng cái đã được nửa tháng mà vẫn chưa thấy Tố Lan với Mai nhi về. Chàng nghĩ còn nhiều việc chưa giải quyết xong, nên không muốn ở lại đợi chờ nữa, liền viết lại mấy chữ, rời khỏi núi đi luôn.

Tố Lan đã dùng kỳ môn bát quái bố trí căn nhà riêng này, một hòn đá một gốc cây cũng đều bao hàm con số sinh tử, nên không sợ người lạ lẻn vào, trừ phi người đó biết rõ định lý và biết rõ tinh khắc, bằng không, không chết cũng bị thương. Lạc Dương đã được Tố Lan chỉ điểm cho nên biết cách ra vào như thế nào là không nguy hiểm, nhờ vậy chàng mới bình yên ra khỏi Ngọc Chung Sơn.

Trên hồ Bá Dương sóng đánh rất mạnh và có hàng nghìn chiếc buồm lướt đi lướt lại, đằng xa chỗ mặt nước liền với chân trời có cả những bóng núi như ẩn như hiện. Nơi đây là chỗ sản xuất gạo và cá, đồng ruộng thẳng cánh cò bay. Lúc ấy đã là tháng năm nên ruộng nào lúa cũng tươi tốt.

Lạc Dương ngồi dưới một gốc cây cổ thụ đem lương khô ra ăn, đưa mắt nhìn cảnh sắc trên mặt hồ. Đang lúc ấy bỗng thấy trên bờ có hai cái bóng lướt nhanh như điện chạy tới.

Khi hai người đó tới gần, chàng mới hay là hai người ăn mày trung niên, trông rất vạm vỡ khỏe mạnh.

Người ăn mày mặc quần áo lam lũ màu xanh trên lưng có cột cây nhuyễn tiên đen lánh.

Mặt người đó rất dài, hai mắt có ánh sáng, dưới cằm có mấy sợi râu lưa thưa, mặt mũi âm thầm khác thường.

Hai người ăn mày đó đi rất nhanh, thoáng cái đã tới gốc cây của Lạc Dương đang ngồi.

Cả hai đều nhìn thẳng vào mặt Lạc Dương, người ăn mày già vừa cười vừa nói:

- Nơi đây tốt lắm, chúng ta hãy nghỉ ngơi ở dưới gốc cây này đi.

Cây cổ thụ đó rất lớn, bóng mát của nó có thể che được mười mẫu. Hai người ăn mày ngồi cách Lạc Dương chừng năm trượng, mỗi người móc túi lấy ra một cái giấy lá sen giải xuống đất, bên trong có rượu thịt đậu phụng, rồi cả hai ăn uống nhồm nhoàm.

Lạc Dương định lên tiếng chuyện trò, nhưng vì hai người ăn mày này cứ cắm đầu cắm cổ mà ăn nên chàng nghĩ thầm: "Chờ họ ăn xong, ta nói cũng chưa muộn." Nghĩ đoạn chàng nhắm nghiền mắt lại, làm bộ ngủ gật.

Giây lát sau chàng nghe thấy một người ăn mày thở dài nói:

- Tệ bang chúng ta thật là xui xẻo, Đại trưởng lão và Tứ trưởng lão mất tích ở hải ngoại không biết sống chết ra sao. Bây giờ lại đến Lâu trưởng lão bị tên giặc sói đầu Trường Duyệt ở Cửu Long bắt cóc, khiến Hồng trưởng lão phải phái tất cả cao thủ của bổn bang đi diều tra, còn chính Hồng trưởng lão phải thống lãnh mười hai nội ngoại Đường chủ đi Khanh Lư. Vô Danh lão nhân ở Khanh Lư tiếp đãi Hồng trưởng lão một cách rất niềm nở. Nhưng Hồng trưởng lão hỏi ba mà y không biết một, nên lại đành phải mất công mà rút lui. Hai tháng nay vẫn chưa điều tra ra manh mối nào hết. Thật là thanh vọng của tệ bang sa sút vô cùng, và bị người trong võ lâm khinh rẻ, thật là tức chết người đi được.

Tên ăn mày thứ hai ho một tiếng rồi đáp:

- Tôi không tin Lâu trưởng lão bị Trường Duyệt phương trượng của chùa Cửu Long bắt cóc đi là sự thật, chắc bên trong thế nào cũng có sự bí ẩn gì đây...

- Nói bậy nào, còn nghi gì nữa, người phát hiện Lâu Ung trưởng lão bị giặc sói đầu bắt cóc là Linh lão sư, bạn thân của Tứ trưởng lão, chứ có phải người xa lạ nào đâu.

Thì ra Linh Phi đi thuyền qua núi Tiểu Cô, lên bờ thăm núi Trường Duyệt vừa gặp mấy hòa thượng của chùa Cửu Long vây đánh một thiếu niên khiến thiếu niên ấy bị thương và rớt xuống sông. Linh Phi không biết lai lịch của thiếu niên ấy, nên không hỏi nhiều chỉ nói qua loa vài câu rồi cáo từ đi ngay. Y đang cởi dây cột thuyền định đi thì vừa gặp Độc Tý Phong Vân Cái đi thuyền qua đó, rồi hai người chuyện trò với nhau vài câu, Linh Phi mới biết Lâu trưởng lão cùng với thiếu niên nọ lên núi Tiểu Cô. Thiếu niên đã rớt xuống sông và bị hà thủy lôi cuốn di, còn Lâu trưởng lão chắc thế nào cũng bị tai biến rồi. Hai người cả kinh biết có sự gì đã xảy ra nên vội song song nhảy lên chùa Cửu Long.

Nhưng khi lên tới nơi thì ngôi chùa bỏ trống, không có một bóng người nào, rồi bỗng có một cái bóng trắng nhanh như điện chớp đi luôn.

Lạc Dương nghe thấy người ăn mày ấy kể như vậy mới biết hôm đó mình bị thương ở trên núi Tiều Cô, ông già hú tiếng thật dài chính là Tang Môn Kiếm Khách Linh Phi, bạn thân của ân sư mình, nhưng chàng chưa nghe thấy sư phụ nói trong số bạn thân có người tên là Linh Phi như thế. Thật ra, chàng có biết đâu chàng và Phẩm Nhi bị Tiêu Dao Khách bắt đi rồi, Vân Nhạc mới quen Linh Phi.

Người ăn mày thứ hai nói tiếp:

- Việc này tôi hơi biết đôi chút, biết đâu Lâu Ung trưởng lão chẳng bị cái bóng trắng ấy bắt đi. Sao lại cứ đổ cho hòa thượng của chùa Cửu Long đã ra tay bắt cóc Lâu Trưởng lão.

Không ai thấy rõ hết và nếu chỉ căn cứ thiếu niên nọ bị các hòa thượng của chùa Cửu Long vây đánh thì hàm hồ thực. Thiếu niên đó ngẫu nhiên gặp Lâu Ung trưởng lão ở bên bờ sông, y tự nhận là đệ tử chưa thụ nghệ của Tứ trưởng lão. Đại ca thử nghĩ xem, đệ tử của Tứ trưởng lão đã mất tích năm sáu năm nay rồi, bây giờ đột nhiên xuất hiện, biết đâu chả là môn đệ của Tiểu tà.

- Biết đâu y chả thừa lệnh sư phụ mới của y mà về đây hành sự. Tục ngữ có câu "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Trong võ lâm có biết bao nhiêu người phản sư theo người khác. Huống hồ thiếu niên này chưa được Tứ trưởng lão truyền thụ cho một tí võ công nào hết, nên đối với việc này tôi vẫn bán tín bán nghi, nếu không đợi chờ thấy rõ hư thực thì tôi không tin.

Lạc Dương nghe nói tức giận vô cùng, vì chàng thấy người đó bảo mình là kẻ phản môn và tiểu nhân giảo hoạt, nên chàng muốn nhảy ra quát hỏi, nhưng vội nghĩ thầm: "Việc này không thể trách họ được vì trước khi chưa biết rõ thực hư ai mả chả nghi ngờ." Chàng lại nghe thấy một người ăn mày lớn tiếng nói tiếp:

- Lập luận của bạn rất vững y như trưởng lão Hồng Hoàng xét đoán vậy, vì then chốt câu chuyện đó là ở thiếu niên rớt xuống sông kia. Cho nên Táng Môn Kiếm mới đi thuyền xuống miền xuôi hỏi thăm xem có ai cứu được thiếu niên kia không, nhưng kết quả người nào cũng trả lời không hết. Linh trưởng lão nóng như thiêu, nhưng vẫn không tin thiếu niên ấy chết đuối, cho nên Linh lão sư quyết tâm ở miền hạ du, đến chỗ gần núi Tiểu Cô nghiêm mật điều tra, làm thế nào cũng phải điều tra ra tin thiếu niên kia còn sống hay là chết. Nhưng không may Trấn Thái tiêu cục lại có tai nạn xảy ra, nên Linh lão sư phải vội vàng đi Nam Xương ngay.

Người thứ hai thở dài một tiếng và đỡ lời:

- Bổn bang liên tiếp ngộ nạn, Hồng trưởng lão hạ nghiêm lệnh bắt các đệ tử của bổn bang phải tạm thời ẩn núp, bất cứ thấy việc thị phi của giang hồ, dù là bạn hay là thù cũng không được ra tay nhúng vào chuyện đó. Xem như vậy, bổn bang càng ngày càng đi đến chỗ suy đồi mất.

Thần sắc của Lạc Dương biến đổi luôn luôn, trong lòng khích động vô cùng. Hai người ăn mày ngồi xoay lưng về phía chàng nên không biết mặt chàng thay đổi như vậy, nên chàng liền nghĩ tiếp: "Ta muốn giải thích cho hai người ăn mày này nghe nhưng chỉ sợ họ hiểu lầm thôi, như vậy nói mà không có ích lợi gì thì nói làm gì. Chi bằng ta đi ngay Nam Xương đến Trấn Thái tiêu cục kiếm Linh Phi mà nói cho lão sư hay còn hơn." Chàng chờ hai người ăn mày đi khỏi mới tiến thẳng về phía Nam Xương Phố Dương Gia Điện ở Nam Xương rất phồn náo, thật là ngựa xe như nước, áo quần như nêm. Tuy giữa trưa, ánh nắng nóng như lửa thiêu mà người đi lại vẫn đông đúc như thường. Tiệm nào cũng có người ra vào tấp nập, riêng có Trấn Thái tiêu cục là vắng tanh không thấy một ai ra vào hết.

Trước cửa tiệm có một đôi sư tử đá, cũng như sáu năm trước Lạc Dương theo Vân Nhạc tới, không thay đổi chút nào, hai cánh cửa lớn sơn đen đóng kín, lá cờ lệnh của tiêu cục cũng bị gỡ xuống.

Lạc Dương đi tới đây, thấy tình cảnh của tiêu cục như vậy, đứng ngẩn người ra, chần chừ hồi lâu rồi nghĩ thầm: "Ta hãy gõ cửa hỏi rõ xem sao, nhưng không biết bên trong có người hay không? " Nghĩ đoạn chàng tiến lên gõ cửa một hồi, nhưng không thấy ai trả lời, người qua đường đưa mắt nhìn chàng, chàng càng thắc mắc thêm, bỗng có một tiếng cười nhạt thật khẽ lọt vào tai chàng. Chàng biết ngay thế nào cũng có chuyện gì xảy ra đây, liền quay mặt lại nhìn. Chàng thấy một người mắt to lông mày rậm đứng ở dưới hiên ở tiệm trước cửa nhìn thẳng vào mặt mình.

Người đó mặc áo vải trắng vì tiết trời oi bức y không cài khuy, phanh ngực ra hai tay chống nạnh từ từ tới gần chàng.

Phúc chí tâm linh Lạc Dương biết ngay người này thế nào cũng có liên can với Trấn Thái tiêu cục này và chàng cũng đoán chắc người này thế nào cũng là bộ hạ kẻ thù của Hạ Hầu Hàm tới đây coi chừng tiêu cục. Chàng giả bộ làm như nóng lòng sốt ruột, hai mắt cứ ngơ ngác, lúc ấy người nọ đã sang tới nơi, ho một tiếng và hỏi:

- Có phải ngài tới tiêu cục kiếm người đấy không? Lạc Dương ngẩng đầu lên nhìn rồi đáp:

- Tại hạ có một mớ hàng muốn nhờ tiêu cục này bảo vệ đi Tây Xuân hộ, nhưng không biết tại sao gọi mãi mà không thấy ai thưa cả.

Người nọ đột nhiên cả cười nói tiếp:

- Trong thành này có những năm sáu tiêu cục, sao ngài lại cứ phải nhờ Trấn Thái tiêu cục làm chi? Mấy hôm trước đây không hiểu tiêu cục này vì một lẽ gì mà cả nhà dọn đi đâu hết, không ai biết họ dọn đi đâu cả. Theo ý tại hạ thì ngài nên đi kiếm tiêu cục khác cho khỏi mất thời giờ.

Y thấy Lạc Dương rất tao nhã không giống như người biết võ công nên tưởng là thực, y chính là kẻ thù của Hạ Hầu Hàm sai tới để dò xét xem Hạ Hầu Hàm có người đến cứu viện không.

Ngờ đâu y chỉ ngu dại một chút mà mang họa vào thân. Lạc Dương nghe y nói liền chắp tay chào và đáp:

- Cảm ơn huynh đài đã chỉ giáo cho, nếu thế thì tại hạ phải đi tiêu cục khác vậy.

Nói xong, chàng quay đầu đi về phía đầu phố vào một tiệm ăn mở đã lâu ở cạnh Trấn Thái tiêu cục. Một tên phổ kỵ liền chạy ra đón chàng dẫn chàng đến ngồi một chỗ rất vắng vẻ chờ chàng ngồi xuống liền khẽ nói:

- Có phải khách quan muốn dò hỏi Hạ Hầu lão anh hùng của Trấn Thái tiêu cục phải không? Tiểu nhân biết nhưng xin khách quan đừng có nóng ruột, hãy ăn uống no say đi đã.

Rồi tiểu nhân dẫn khách quan đi gặp một người.

Nói xong, y vội vàng đi ngay. Một lát sau, một tên phổ kỵ khác đem thức ăn và rượu vào. Lạc Dương thấy đói bụng liền ăn lấy ăn để, một lát sau đã hết nhẵn mọi thứ.

Hai tiếng đồng hồ sau, chàng vẫn chưa thấy tên phổ kỵ kia vào gặp mình, chàng nóng lòng vô cùng đang định đứng dậy đi, thì đột nhiên tên phổ kỵ đã ló đầu vào nói:

- Khách quan, xin theo tiểu nhân đi ngay.

Lạc Dương vội đi theo ngay, tên phổ kỵ ấy dẫn chàng đi vào trong một cái hẻm vắng vẻ. Lúc ấy trời đã xám sẫm tối, tên phổ kỵ dẫn chàng đi hết hẻm này sang hẻm nọ, chàng cũng chả biết đi tới đâu nữa, cứ việc cắm đầu mà theo thôi.

Đột nhiên tên phổ kỵ ngừng chân ở trước mọt mái hiên rất thấp, trong cửa sổ có ánh sáng đèn vàng lóe ra. Chàng thấy tên phổ kỵ khẽ gõ cửa hai tiếng rồi gọi:

- Lý ngũ gia.

Cánh cửa kêu kẹt một tiếng rồi mở ra, bên trong có một người tuổi trạc tứ tuần thân hình vạm vỡ bước ra. Y ngắm nhìn Lạc Dương một hồi nói:

- Xin mời công tử vào.

Người phổ kỵ cáo từ rút lui trước, Lạc Dương đưa mắt nhìn bốn phía xung quanh căn phòng một lượt thấy trong phòng chỉ có một cái sập, một cái bàn, hai ba chiếc ghế. Trên bàn có một ấm nước và bốn năm cái chén, ngoài ra không có một vật gì khác nữa.

Chàng thấy tường vách dơ bẩn lạ thường, trông rất là âm u và buồn tẻ.

Người nọ mời chàng ngồi xuống xong, liền lên tiếng nói:

- Chắc lão đệ đang hồ nghi và thắc mắc phải không? Nói thật để tiểu đệ rõ, tôi là người của Trấn Thái tiêu cục, thừa lệnh ở đây canh gác.

Lạc Dương nghe nói tinh thần rất phấn chấn. Thấy vậy người nọ liền nói tiếp:

- Vừa rồi, tôi giả dạng người qua đường đi đi lại lại trước cửa tiêu cục, thấy lão đệ gõ cửa tiêu cục vẻ mặt lo âu, thì đoán ngay tiểu đệ thế nào cũng quen biết Cục chủ, nhưng vì đảng giặc bố trí rất nhiều chòi canh để canh gác chúng ta cho nên tôi không dám ra gặp lão đệ, vừa rồi có dặn người phổ kỵ của tiệm ăn đưa lão đệ tới đây, nhưng không biết lão đệ quý tánh danh là gì và kiếm Cục chủ có việc gì thế.

Lạc Dương chắp tay chào và đáp:

- Tại hạ họ Lạc tên Dương, gia sư là Vân Nhạc...

Người nọ kinh hãi thất thanh kêu ủa một tiếng rồi nắm lấy cánh tay của chàng, mừng rỡ vô cùng, vội nói tiếp:

- Thì ra lão đệ đấy à, nửa tháng trước đây Linh đại hiệp có nói tới lão đệ. Chúng tôi đều cảm thấy đau lòng vô cùng vì ông ta bảo chắc thế nào lão đệ cũng chết đuối rồi. Nếu có Linh đại hiệp ở đây thì không biết ông ta sẽ mừng rỡ như thế nào.

Lạc Dương mỉm cười hỏi tiếp:

- Hiện giờ Hạ Hầu cục chủ với Linh đại hiệp ở đâu? Tại hạ cần muốn gặp hai vị ấy.

Phong thanh Trấn Thái tiêu cục hữu sự có phải không, chuyện đó thực hay là hư đấy? Người nọ nghe nói vẻ mặt rầu rĩ và đáp:

- Lão đệ chớ có nóng nảy vội, việc này nói ra dài lắm để tôi xin từ từ kể cho lão đệ hay.

Nói xong, y cười một tiếng rồi nói tiếp:

- Tôi là Lý Đại Minh, bạn thân của lệnh sư, không ngờ cách biệt sáu năm, lệnh sư sống chết ra sao, không ai hay biết. Hà, nếu lệnh sư còn thì khi nào để cho những tụi chuột nhắt ấy hoành hành như vậy.

Tiếp theo đó y liền kể chuyện Trấn Thái tiêu cục cho Lạc Dương nghe. Thì ra năm xưa, Trấn Thái tiêu cục đã kết thù kết oán với Tương Đông Tam Ác, Tiếu Diện Vô Thường. Hoành Nhất đại sư của chùa Đại Bi ở Xuyên Nam muốn báo thù cho đồ đệ liền hẹn rủ Lang Thương Song Sát tới tầm thù. Nhờ có Vân Nhạc ngấm ngầm trợ giúp nên mới khỏi bị mối tai họa đó (chuyện này đã được tường thuật trong truyện Đơn Kiếm Diệt Quần Ma) Hoành Nhất lão giặc hói, bị đánh bại liền ẩn núp một nơi không dám ló mặt ra giang hồ nữa. Nhưng lúc nào y cũng muốn trả được mối thù ấy. Năm năm trước đây, khi Tạ Vân Nhạc đi Ngọc Chung đảo, lão giặc sói đầu Hoành Nhất đó liền hiệp môn hạ của phái Thiên Nam, cùng tới Trấn Thái tiêu cục để sinh sự. Tình thế bấy giờ rất nguy hiểm, may thay Linh Phi với Mạnh Trọng Kha các tay cao thủ của Cái Bang tới kịp, đối phương bị thương và thảm bại mà phải rút lui.

Một tháng trước đây, Trấn Thái tiêu cục bảo vệ một món hàng đi Quảng Đông, khi tới huyện Thanh Viễn thì bị một bọn giặc bịt mặt ra tay cướp mất. Lão tiêu đầu nóng lòng thiêu đốt, đang định lên đường xem, thì lúc canh ba bọn giặc đã đến để lại lá thư cảnh cáo lão tiêu đầu. Thư chúng bảo lão tiêu đầu khỏi phải đi cướp lại món hàng ấy nữa, hãy sửa soạn tiền cho nguyên chủ và giải tán ngay tiêu cục, bằng không trừ phi Tạ Vân Nhạc tới thì chúng mới trả. Vì thế mà lão tiêu đầu cảm thấy việc này rất nghiêm trọng và thấy bọn giặc này hành sự ác độc chứ không phải dọa suông nên lão tiêu đầu ngấm ngầm cho các gia quyến ở trong tiêu cục đi nới khác, còn lão tiêu đầu cùng rất nhiều tiêu sư đi luôn Quảng Đông. Riêng tôi thì thừa lệnh ở nơi đây dò xét hành động của bọn giặc. Quả nhiên bọn giặc đã vây chung quanh tiêu cục và bố trí các chòi canh nhưng chúng đã đến chậm mất một bước.

Lạc Dương lại hỏi tiếp:

- Kẻ giặc viết thư để lại dọa nạt đó là ai thế? Đại Minh nghĩ ngợi một lúc rồi đáp:

- Nghe lão tiêu đầu nói thì y là Viên Công Kiếm Chư Hằng, chứ không biết lai lịch của y như thế nào. Năm xưa lệnh sư thần dũng vô địch và lại coi những kẻ gian ác như kẻ thù, vì vậy kết thù kết oán rất nhiều, có lẽ Chư Hằng trước đây cũng bị đánh bại cũng nên. Y vẫn còn hậm hực nên mới dồn mối thù đó vào đầu Hạ tiêu đầu. Kể như vậy Chư Hằng cũng tiểu nhân hẹp lượng quá.

Lạc Dương lại hỏi tiếp:

- Hiện giờ về phía Hạ Hầu cục chủ tình hình ra sao, chẳng hay Lý đại thúc có biết không? Đại Minh lắc đầu đáp:

- Chỉ biết hiện giờ Hạ Hầu cục chủ còn đang dò xét sào huyệt của bọn giặc. Chắc bây giờ ông ta vẫn chưa dò la được manh mối gì, nhưng cục chủ có thể luôn luôn ngộ hiểm, không biết Linh đại hiệp đi ngay tới nơi đó liệu có ích lợi gì cho Hạ Hầu cục chủ không? Đột nhiên bên ngoài có tiếng gõ cửa, Đại Minh bèn thấp giọng hỏi:

- Ai đó? Đại Minh mở cửa ra thấy người phổ kỵ cầm cái giỏ xách thức ăn theo sau có một nho sĩ, lưng người đó đeo một trường kiếm rất cổ kính. Mặt người đó trắng bạch râu ba chỏm trông thần thái rất nho nhã. Trung niên nho sĩ vừa bước vào trong nhà liền cất tiếng hỏi:

- Lý tiêu đầu có nhận được mỗ không? Đại Minh ngẩng đầu giây lát, bỗng nghĩ ra được rồi mừng rỡ đáp:

- Từ đại hiệp, lâu năm không được gặp, đại hiệp vẫn mạnh giỏi như thường. Lão tiêu đầu vẫn nhắc nhở đến Từ đại hiệp luôn.

Nói xong, y liền giới thiệu người đó với Lạc Dương:

- Vị này là Hằng Sơn đại hiệp, là người trong nhóm Giang Nam Tứ Chiến, quý danh Từ đại hiệp là Đông Bình và Lưỡng Nghi Kiếm Khách đấy. Năm xưa Từ đại hiệp với lệnh sư là bạn giao hảo rất thân.

Lạc Dương nghe nói vội tiến lên vái chào. Từ Đông Bình nhìn Đại Minh rồi hỏi:

- Thiếu hiệp này là ai thế? Đại Minh liền nói rõ lai lịch của Lạc Dương cho Đông Bình hay, Đông Bình mỉm cười nói:

- Lệnh sư oai trấn thiên hạ, quần tà khiếp phục, chỉ tiếc thay trời không...

Y định nói nốt câu, nhưng vì bây giờ chưa biết Vân Nhạc sống chết ra sao cho nên y đổi giọng:

- Xưa nay lệnh sư hành sự vẫn thần bí lắm, như con rồng thần thấy đầu không thấy đuôi, năm xưa tôi gặp lệnh sư cho đến giờ vẫn còn nhớ nhung hoài.

Lưỡng Nghi Kiếm Khách rất khéo ăn nói, không nhắc nhở đến sự sống chết của Vân Nhạc, vì y sợ làm cho Lạc Dương đau lòng xúc động, nhưng Lạc Dương mới chỉ nghe nhắc đến chuyện đã rầu rĩ không nói năng gì rồi.

Người phổ kỵ liền lấy thức ăn và rượu ra rồi đi luôn. Đại Minh khép cửa lại mời Đông Bình ngồi xuống rồi ba người lại chuyện trò.

Đông Bình cũng phong thanh chuyện của Trấn Thái tiêu cục mà tới đây trợ giúp, y liền hỏi nguyên nhân của câu chuyện đó ra sao. Đại Minh bèn kể rõ đầu đuôi cho y nghe. Đông Bình liền cau mày lại, thở dài một tiếng, rồi lại hỏi tình hình của Lạc Dương.

Lạc Dương liền đem chuyện của mình ra kể lại cho hai người nghe. Đông Bình thở dài một tiếng rồi nói:

- Lạc hiền điệt, theo sự suy đoán của mỗ, những cái mà hiền điệt gặp gỡ ở giữa đường, thì trong võ lâm không bao lâu lại có chuyện mưa huyết, gió tanh, thật tội nghiệp cho người đời, lại sắp sửa có một trận tai kiếp lớn. Bây giờ ta hãy tạm không nói đến cái đó nữa để sau này sẽ bàn tán. Việc cần kíp của chúng ta là phải đi cứu viện ngay Hạ Hầu lão tiêu đầu...

Đại Minh vội ngắt lời:

- Từ đại hiệp, có phải Đại hiệp tưởng lão tiêu đầu của chúng tôi hiện đang gặp nguy hiểm phải không? Đông Bình nghiêm nét mặt lại đáp:

- Theo sự ước đoán của Từ mỗ thì đúng như thế, nên mỗ đang nghĩ ra một cách không biết Lạc Dương hiền điệt có can đảm mà theo kế hoạch để thi hành không? Nếu hiền điệt dám làm thì việc này thành công rất dễ.

Lạc Dương hăng hái đáp:

- Từ sư thúc, nếu việc gì có bổ ích cho đại sự thì dù có dao kề cổ, tiểu điệt cũng dám mạo hiểm một phen.

Đông Bình vuốt râu cả cười nói tiếp:

- Có danh sư tất phải có cao đồ. Anh khí hào phóng của hiền điệt không kém gì lệnh sư năm xưa, thật là đáng kính, đáng mến. Nào lại đây, trời hãy còn sớm, chúng ta cơm nước uống rượu no say đã rồi hãy bàn tán sau.

Nói xong, y bèn rót rượu ngồi xuống, rồi cả ba cùng nhau uống...

Canh ba đêm đó, một thân hình nhanh như hầu vượn đã đi tới trước cửa Trấn Thái tiêu cục. Cái bóng đen đó chính là Lưỡng Nghi Kiếm Khách Từ Đông Bình đang đứng nhìn cánh cửa lớn đóng chặt. Bỗng dưới mái hiên của căn nhà ở phía trước đường có một cái bóng người chạy ra quát hỏi:

- Ngươi là ai? Sao đêm hôm khuya khoắt thế này dám ở trước tiêu cục dòm ngó lén như thế? Đông Bình quay người lại nhìn, mới nhận ra người đó là người của đảng giặc được lệnh ở đây canh gác, mà Lạc Dương đã nói cho mình hay lúc trước. Kiếm khách liền cười nhạt một tiếng và hỏi lại:

- Ta là bạn thân của Hạ Hầu cục chủ của Trấn Thái tiêu cục này, cho nên mới lại đây thăm hỏi, chẳng hay ngươi là người thế nào của Trấn Thái tiêu cục mà dám vô lễ với ta như thế? Người nọ cười khì một tiếng rồi đáp:

- Nếu ngươi nói như vậy thì ta lại càng không thể tha thứ cho ngươi được.

Nói xong, y đột nhiên giơ tay ra chộp ngực Đông Bình và nhanh như điện chớp, năm ngón tay của y đã nhằm yếu huyệt ở trước ngực của Lưỡng Nghi Kiếm Khách.

Đông Bình kinh hãi thầm, không ngờ thủ hạ của bọn giặc mà lại có công lực cao siêu như vậy. Tuy tên đó còn kém y xa, nhưng y cũng phải dồn hết bản thân chân lực lên người để cho tên giặc kia mắc hỡm rồi ngã người nhảy về phía sau hơn hai trượng và thuận tay rút luôn trường kiếm khỏi bao. Chỉ thấy một đạo ánh sáng bốc lên làm lạnh cả người và lóe mắt tên nọ.

Tên giặc liền trầm giọng quát bảo tiếp:

- Chạy đi đâu? Vừa nói vừa giơ mười ngón tay lên định chộp Đông Bình tiếp.

Đông Bình liền múa kiếm chém luôn. Tên nọ vội thâu ngay tay lại, nhảy sang bên một bước rồi giơ tay ra cướp lấy kiếm của Lưỡng Nghi Kiếm Khách. Đông Bình không ngờ đối phương nhanh nhẹn đến thế liền kêu ủa một tiếng, mặt tỏ vẻ kinh hoảng.

Tên giặc đó thấy đối phương sắp chết dưới năm ngón tay của mình nên khi vừa chộp cổ tay của Đông Bình thì khoái chí vô cùng. Ngờ đâu y mới cười được nửa tiếng thì đã biến sắc vì cảm thấy cánh tay của đối phương cứng như sắt và còn có một sức mạnh bắn trở ra khiến năm ngón tay của y bị đau buốt như gãy hết. Y biết gặp phải tay sành sỏi rồi đồng thời cũng thấy có một điểm sao sáng từ bàn tay của Đông Bình bắn ra. Hai người đã gần kề bên nhau thì tên nọ làm sao tránh được và chỉ nghe cộp một tiếng thảm khốc rồi ngã ngửa về phía sau luôn. Đông Bình cười nhạt một tiếng, tung mình nhảy lên mái nhà của tiêu cục, vào luôn bên trong thì bỗng thấy có mấy tiếng quát lớn vọng ra. Trong một cái hẻm tối om ở bên cạnh tiêu cục đã có mấy người tung mình nhảy lên đâm bổ vào người Đông Bình.

Trước khi Đông Bình chưa tới Trấn Thái tiêu cục, đảng giặc đã ngấm ngầm để ý rồi.

Chúng yên trí đồng bọn của chúng thế nào cũng bắt được Đông Bình nên không nhảy ra. Sau chúng thấy người đồng bọn của chúng bị Đông Bình đánh chết, nên chúng ngạc nhiên vô cùng, liền nhảy xông vào đánh Đông Bình ngay là thế.

Đông Bình thấy có mấy người xông lại tấn công mình vội bước sang bên múa cây trường kiếm nhanh như điện chớp, vừa đâm dưới chân bọn giặc đồng thời một tay cặp luôn một tên tung mình nhảy sang mái nhà phía bên kia, mồm thì lớn tiếng cười.

Bọn giặc thấy vậy cả kinh, rú lên một tiếng thật dài thì liền có bảy tám tên khác chạy tới và cùng đuổi theo Đông Bình ngay.

Ở ngoài cánh đồng mênh mông, dưới ánh sao trăng, Đông Bình tay cắp một tên giặc chạy thẳng về phía Tây Sơn. Bọn giặc đuổi theo sau và tuy đã giở hết khinh công ra mà khoảng cách giữa đôi bên thì cứ ngày càng cách xa. Đông Bình thấy vậy cười thầm.

Trên mỏm núi Tây Sơn có một cái rừng trúc rất rậm rạp, Đông Bình liền cắp tên giặc đó lẻn vào trong bụi trúc và sau đó mất dạng liền. Bọn giặc đuổi theo tới ngoài rừng trúc đều ngơ ngác nhìn nhau. Trong bọn giặc có một ông già râu xồm liền trợn mắt lên nói:

- Tên đó đã bắt Cung Hoán đi, nghĩ lại năm xưa cha của Cung Hoán là Cung Thọ cũng chết ở dãy núi Tây Sơn này. Cha y bị Truy Hồn Phán Tạ Văn giết chết, nhưng Tạ Văn chết đã lâu rồi, khi nào lại phục sinh được, chắc người khác mạo danh y đấy thôi. Cung Hoán nhất tâm muốn trả thù cho cha nên mới theo tới đây để điều tra kẻ thù giết chết cha y là ai, không ngờ y chưa trả được mối thù đã bị kẻ giặc bắt luôn. Có một điều khiến ta ngạc nhiên nhất là tên nọ bắt Cung Hoán cũng chạy tới núi Tây Sơn này.

Tên giặc thứ hai liền xen lời nói:

- Phi lão đại, có phải lão Đại nói kẻ bắt cóc Cung Hoán với lại người năm xưa đã tàn sát Lan Thương Song Sát cùng là một người hay sao? Người tên là Phi lão đại liền trả lời:

- Chính thế, kẻ địch ý muốn làm như người không biết rõ mấy để dụ Cung Hoán hiện thân rồi mới đột nhiên ra tay bắt cóc Cung Hoán đi. Chắc lúc này Cung Hoán khó mà thoát nổi cái chết, dù chúng ta có tìm thấy y đi nữa cũng vô ích thôi, chi bằng...

Đột nhiên có tiếng cười nhạt rồi từ mồm một tên giặc khác thốt ra lời nói:

- Phi lão đại muốn khuyên chúng ta buông tay mà quay trở lại phải không? Thấy bạn nguy cấp không cứu như vậy, Dương gia hay biết thì ai chịu trách nhiệm này? Phi lão đại cũng trả lời bằng một tiếng cười nhạt và đáp:

- Biết người biết ta mới bách chiến bách thắng. Các bạn còn nhớ năm xưa Lan Thương Song Sát võ công trác tuyệt như thế mà vẫn không tránh khỏi cái chết. Nếu các bạn đã tự nhận võ công của mình có thể thắng nổi đối phương thì Phi lão đại này nhất định theo các bạn ngay để khỏi bị người trách mình là lâm nguy mà bán bạn, thấy chết bỏ đi không cứu.

Lại một giặc nữa xen giọng nói:

- Anh em nhà với nhau cả, hà tất phải cãi vã để mất hòa khí như thế. Theo ý tiểu đệ thì chúng ta cứ thử vào bên trong tìm xem. Thành hay không quý hồ chúng ta làm tròn bổn phận thì thôi. Chúng ta không nên trì hoãn nữa mà mau vào tìm kiếm đi, bằng không kẻ địch đã chạy xa rồi đây.

Bọn giặc liền chạy vào trong rừng trúc, chia nhau ra làm mấy nơi tìm kiếm kẻ này hú, kẻ kia kêu, đêm khuya tựa như tiếng cú kêu và sài lang rú, khiến cho không khí của rừng núi càng rùng rợn và kinh khủng thêm.

Núi Tây Sơn tuy không cao và không hiểm trở lắm nhưng rất rộng, cây cối và bụi trúc mọc rất um tùm, muốn kiếm tung tích một người ở đó, không khác gì mò kim dưới đáy biển vậy. Sau cùng bọn giặc tụ họp ở trong một cái eo núi, tìm kiếm cả một đêm trời cũng không thấy gì cả, chúng đều nản chí và tuyệt vọng, Phi lão đại đột nhiên kinh ngạc hỏi:

- Cái gì kia thế? Y vừa nói vừa chỉ lên trên sườn núi ở phía đằng xa. Bọn giặc nhìn về phía đó, thấy nơi đó hình như có hai cái bóng đấu với nhau, trận đấu thực đẹp, Phi lão đại liền quát lớn một tiếng:

- Đi thôi.

Bọn giặc liền tung mình đi ngay. Chỗ sườn núi đó trông rất gần nhưng phải leo qua ba ngọn núi mới tới nơi được, và khi bọn giặc đi tới đó thì trời đã sẩm tối, sương mù đã bốc lên dày đặc, chỉ còn thấy một thiếu niên, vai vượn, lưng ong tay cầm thanh Nhạn linh đao đang đứng ngẩn người ra ở đó, vẻ mặt khích động lạ thường và dưới đất có ba bốn vũng máu và mảnh áo bị chém đứt.

Phi lão đại tiến lên chắp tay vái chào và hỏi:

- Lão là Phi Vân xin hỏi ngài có thấy một trung niên tú sĩ tay cắp một thiếu niên đi qua đây không? Thiếu niên đó cau mày lại đáp:

- Có, tôi có trông thấy, nhưng tiếc thay y đã tẩu thoát rồi.

Y vừa nói vừa chỉ vũng máu với mảnh áo và nói tiếp:

- Lúc tại hạ sắp thắng nổi y, thì ngờ đâu bạn của y vừa tới, cho nên tại hạ địch không nổi. Sau đành hẹn y ngày khác tái đấu.

Phi vân ngẫm nghĩ giây lát hỏi tiếp:

- Nghe lời nói của các hạ thì trước kia các hạ có thù oán với y thì phải. Dám hỏi các hạ lại lịch của tên đó ra sao? Thiếu niên nổi giận ngay và đáp:

- Tên giặc ấy là Bành Huân xưa nay vẫn ẩn cư tại Ai Lao. Năm năm trước đây, y đã dùng kiếm chém gãy cánh tay phải của gia phụ, vì thế tại hạ đã thề phải trả được mối thù này. Tại hạ liền tìm đến Ai Lao, tới ổ giặc của y thì ngờ đâu Bành tặc hay tin đào tẩu mất tích rồi. Sau tại hạ tốn không biết bao nhiêu thời gian mới biết Bành tặc ẩn cư ở nơi đây.

Nói tới đây y ngừng lại giây lát và bỗng lộ vẻ kinh ngạc hỏi lại:

- Phi lão anh hùng không quen Bành tặc, tại sao lại để cho y cướp đi một người như thế! Phi Vân mặt đỏ bừng vội gượng cười đáp:

- Giang hồ thị phi vốn dĩ khó nói lắm, thường sự tai biến xảy ra một cách đột ngột, ngay người trong cuộc cũng không hay biết gì hết, huống hồ người bị bắt cóc lại là bạn của lão.

Nói xong, y lại cười một tiếng và hỏi lại:

- Chắc các hạ đã biết ổ giặc của tên họ Bành ở đâu. Lão muốn các hạ chỉ điểm cho, lão có thể tự lượng sức mình trợ giúp cho các hạ diệt trừ tên đó. Như vậy có phải là đôi bên đều có lợi hay không? Thiếu niên tỏ vẻ khó xử liền đáp:

- Đồng đảng của Bành tặc đều là những người có võ công rất cao siêu. Nếu không phải Bành tặc bận lo xử trí tù binh của y là quý đồng bọn thì thắng bại cũng còn chưa thể giải quyết xong. Vừa rồi tại hạ đã trông thấy quý đồng bọn bị y điểm vào âm huyệt đau khổ chịu không nổi, chắc thế nào quý đồng bọn với Bành tặc cũng có thâm thù, đại oán với nhau nên tại hạ nhận thấy bây giờ lão anh hùng có đuổi theo cũng vô ích thôi.

Phi Vân lại nói tiếp:

- Không khi nào lão với tất cả anh em đây thấy chết mà không đến, bằng không thiên hạ lại tưởng lầm lão với các anh em đây đều là bất nhân bất nghĩa. Còn thành hay không, anh em lão không cần chỉ mong các hạ chỉ đường, dẫn nẻo cho mà thôi.

Thiếu niên nhìn Phi Vân một lát rồi lại hỏi tiếp:

- Được, Phi lão anh hùng là người có nghĩa khí như thế, nếu tại hạ không chỉ đường cho, thì tại hạ là người không có đạo nghĩa võ lâm chút nào.

Nói xong, y nhún vai một cái đã đi nhanh như chớp ngay.

Phi Vân các người liền theo thiếu niên ấy đi ngay. Thân pháp thiếu niên đó nhanh nhẹn lạ lùng, nên dù bọn Phi Vân đã giở hết tốc lực ra đuổi theo mà vẫn không sao đuổi kịp, cứ phải cách xa chàng nọ hơn ba trượng, khiến cả bọn đều kinh hãi thầm.

Mấy người xuyên rừng qua mười mấy ngọn núi mới đến một con đường khúc khuỷu hai bên có vách núi cao chót vót kẹp chặt. Con đường thung lũng đó rộng chừng năm sáu thước, vách đá ở hai bên bóng loáng và thẳng đứng, trong lối đi cỏ lại mọc cao đến đầu người.

Thiếu niên đột nhiên ngừng chân lại và hỏi:

- Đi theo con đường thung lũng này, chỉ hơn trăm trượng nữa là tới sào huyệt của Bành tặc ngay. Quý vị mau giở khí giới ra để chuẩn bị. Bành tặc hung ác và giảo hoạt lắm, nhỡ y đã bày sẵn mưu kế để vây bắt chúng ta thì sao? Bọn Phi Vân nghe nói đều ngẩn người ra, không ai dám tự dấn thân vào chỗ chết. Phi Vân đột nhiên cả cười và nói:

- Chúng ta đều là người trong võ lâm, lúc nào cũng sống ở trên sống dao hết và cũng không ai nghĩ đến ngày mai cả. Sào huyệt của Bành tặc dù có là đầm rồng, hang hổ đi chăng nữa, lão đã quyết định rồi thì có chết cũng chỉ vì tài nghệ kém cỏi mà thôi.

Nói xong y liền chắp tay chào thiếu niên và hỏi:

- Chúng tôi rất cảm ơn các hạ. Vậy xin hỏi các hạ quí tính đại danh là gì để cho lão được ghi nhớ mãi mãi.

Thiếu niên mỉm cười đáp:

- Tại hạ là Mục Thanh Phong.

Không cần nói rõ quí vị độc giả cũng biết thiếu niên đó là Lạc Dương cùng Từ Đông Bình đã theo kế mà thi hành. Vì Lý Đại Mình ở Nam Xương lâu nên hiểu rõ hết tình thế núi non ở ngoại thành. Hơn nữa Đại Minh lại biết mặt bọn giặc bao vây, cho nên Cung Hoán bị Đông Bình bắt cóc mang đi đó, cũng là do y chỉ điểm.

Ba người quyết định xong, kế hoạch, liền làm cho bọn giặc dần dần bước vào mưu kế của mình. Lúc ấy, Phi Vân liền nói:

- Mục thiếu hiệp, chúng ta xin hãy tạm biệt ở nơi đây, sau này thế nào cũng có dịp gặp lại nhau.

Nói xong, y quay mình đi thẳng vào trong đường lối thung lũng đó ngay. Lạc Dương vội kêu gọi:

- Hãy khoan, có các vị cùng đi như vậy, khi nào tại hạ lại buông tay trở lại. Nếu may ra tại hạ có thể giết được Bành tặc, như vậy các vị có khác gì đại ân của tại hạ đâu. Trước kia tại hạ chỉ lo đơn thương độc mã, không dám vào thẳng sào huyệt của kẻ thù. Nhưng bây giờ tình thế đã đổi hẳn, tại hạ có thể xông vào bên trong đấu với kẻ địch một phen rồi. Nếu Phi lão anh hùng cho phép, chúng ta cùng sát cánh đi vào bên trong.

Thế rồi hai người cùng đi trước tiến thẳng vào trong thung lũng. Bọn giặc tuy biết đi vào bên trong là nguy hiểm, nhưng vẫn phải nghiến răng cắm đầu đi thẳng vào bên trong.

Đường thung lũng đó càng vào càng hẹp, hai bên vách núi càng dốc đứng thêm, Lạc Dương, Phi Vân đều rút kiếm ra chặt những cỏ lau cao bằng đầu người để mở lối đi. Khi hai người tới trước một cửa hang, trông vào thì thấy một cái xác nằm ngang trong động, Phi Vân liền thất thanh kêu la:

- Nguy tai! Nói xong, y lướt ngay vào trong động, đã thấy Cung Hoán mồm rỉ máu tươi, mặt nhợt nhạt không còn sắc, hai mắt lờ đờ hiển nhiên là đã bị thủ pháp ác độc đánh chết.

Lạc Dương rờ tay vào ngực Cung Hoán và nói:

- Trái tim vẫn còn đập, chưa chắc đã tắt thở, chúng ta thử ra tay cứu xem.

Nói xong, chàng đỡ Cung Hoán ngồi dậy để gang bàn tay dí vào trước ngực của y. Chỉ nghe trong cổ họng của Cung Hoán có tiếng đờm kêu khò khè, hơi thở hổn hển, hai mắt hơi chuyển động, hình như đã trông thấy rõ Phi Vân và các người ở trước mặt. Y liền gượng cười và với giọng rất yếu ớt lên tiếng nói:

- Cha chết, con chịu tội thế... y với... ân sư Hoành Nhất... cũng kết thâm thù đại oán... Cung Hoán tôi... chịu hình... không nổi... đã tiết lộ chỗ ẩn núp của ân sư... phiền Phi lão sư... mau...

Nói tới đó chỉ thấy y thở hắt ra một cái rồi tắt thở ngay. Cái chết của y thực là kinh khủng.

Lạc Dương gượng cười một tiếng rồi đỡ lời:

- Tại hạ đã tận lực cứu chữa rồi, nhưng vì Cung huynh bị người ta điểm trúng mạch, nên dù bây giờ có Cửu Chuyển Tiên Đơn cũng không sao cứu nổi.

Nói xong, chàng ngừng giây lát rồi lại nói tiếp:

- Nghe lời nói của Cung huynh thì hình như Bành tặc đã đi tới chỗ ẩn của ân sư Cung huynh để tầm thù. Phi lão anh hùng có thể cho tại hạ biết đi ngay đến đó để đánh Bành tặc không? Phi Vân chưa kịp trả lời thì đột nhiên nghe thấy trên sườn núi, ở bên ngoài hang động có tiếng vọng vào. Lạc Dương biến sắc mặt vội bước ra cửa động, bọn giặc nghe thấy cũng kinh hãi và lần lượt theo Lạc Dương nhảy ra bên ngoài.

Chỉ thấy con đường thung lũng cách cửa hang chừng mười trượng khói bốc lên nghi ngút, những cỏ lau cũng đã bị bén lửa cháy lên, chỉ thoáng cái đã thành một bể lửa.

Lạc Dương cả kinh nói:

- Phi lão anh hùng, chúng ta mau xông ra ngoài thung lũng này đi.

Nói xong, bọn giặc tranh nhau đi trước. Phi Vân với Lạc Dương sát cánh cùng đi, bốn chưởng cùng múa một lúc, chưởng phong hùng mạnh vô cùng, gạt ngọn lửa sang hai bên.

Ngọn lửa bốc rất cao, nóng như thiêu như đốt, trong đám khói mù mịt chỉ nghe thấy bọn giặc kêu rú thảm khốc, chờ tới khi đến gần, chàng mới thấy, thì ra tên nào tên nấy đều trúng bảy tám mũi tên ngã lăn ra đất, bị lửa bốc cháy kêu la gào khóc tình cảnh thực rất thê thảm.

Phi Vân với Lạc Dương đều kinh hoảng vì chính hai người cũng bị bén cháy nhiều nơi rồi. Cho nên tự cứu chữa bản thân chưa kịp thì còn đâu thì giờ ra tay cứu những người kia nữa. Vì vậy hai người chỉ cắm đầu ù té chạy thôi.

Đột nhiên, dưới chân của Lạc Dương có tiếng kêu của lò xo và trong ánh sáng lửa có những mũi tên bắn ra loạn xạ. Chàng nhảy lung tung để tránh né, nhưng lát sau, vai chàng cũng bị bắn trúng một mũi tên, chàng chịu đau không kêu la gì cả, cắm đầu cố gắng chạy về phía trước.

Phi Vân biết Bành Huân xếp đặt sẵn những cung nỏ ở trong bụi cỏ, nhưng lúc ấy, y còn gì có tâm trí mà xem xét nữa. Lúc này y chỉ còn phó thác tính mạng của mình cho trời.

Chạy được một quãng, y thấy dưới chân như có cái gì khác lạ. Y đành nhịn đau bắt chước Lạc Dương cứ nhảy lung tung, nếu y không nhảy như thế, thì thế nào cũng bị loạn tên bắn trúng mà chết. Tuy vậy đùi y cũng bị hai mũi tên ngắm bắn trúng.

Sau cùng, hai người may mắn chạy ra được ngoài thung lũng, rút những mũi tên ngắn ra và lăn lộn ở trên mặt đất mấy vòng để cho những ngọn lửa tắt ngóm.

Phi Vân lúc này mới biết những đồng đảng theo mình đều bị chết trong đám lửa. Y lại nhìn sang con đường thung lũng thấy lửa hãy còn bốc cháy rất cao y tức giận thở dài và nói:

- Không ngờ Bành tặc lại ác độc như thế, nếu lão phu bắt được, thế nào cũng phải dùng lại hành động này để trị lại y mới được.

Lạc Dương liền lấy một cái bình bằng sứ ra mở nắp, đổ một ít nước trắng như sữa ra gang bàn tay rồi cùng Phi Vân bôi thứ nước đó lên những chỗ bị lửa cháy xém.

Thật ra ngọn lửa lúc trước tuy bốc cháy dữ dội thực nhưng là do Đông Bình vẫy một ít bột vào, nên ngọn lửa mới bốc cao như thế, nên dù có bị lửa bám vào da thịt chăng nữa cũng không đến nỗi bị phỏng. Sở dĩ bọn giặc chết là bởi những nỏ Gia Cát, nhưng Phi Vân mê man, không để ý đến việc đó. Nếu Lạc Dương không lấy thuốc nước ra bôi cho y, thì lát nữa sẽ lộ hết gian mưu.

Phi Vân gượng cười nói tiếp:

- Lúc này tôi với bạn không tiện vào thành nội vì trông chúng ta tơi bời như thế này thì còn ra cái thể thống gì nữa. Chi bằng chúng ta kiếm tới một nhà nông, vào mua hai bộ quần áo cũ để mặc trước, chẳng hay bạn nghĩ sao? Tất nhiên Lạc Dương phải đồng ý, rồi hai người vội vàng xuống dưới chân núi, nới đó có mấy trăm nhà nông ở đông đúc. Hai người tốn hơi nói mãi mới được một nhà nhường cho hai bộ quần áo cũ, và sau đó hai người ở ngay tửu điếm trong làng gọi mấy món ăn ra ăn cho đỡ đói.

Chờ tới khi cơm no rượu say rồi hai người thấy mặt trời xế tây, liền trở về thành, Phi Vân dẫn Lạc Dương đến một khách sạn, vào trong phòng khi vừa thắp đèn dầu lên thì biến sắc ngay. Thì ra trên mùng của y có treo lơ lửng một cái đầu lâu, đầu lâu đó chính là đầu lâu của Cung Hoán, trợn mắt nhe răng trông rất kinh khủng.

Trên vách trắng lại có những chữ viết bằng máu như sau "Mau rời khỏi Trấn Thái tiêu cục ngay và bảo tên Gia Hằng phải đem trả ngay món tiêu hàng đó. Trái mệnh sẽ bị giết chết liền, kẻ nào ra tay giúp cho bọn giặc làm càn, nếu không thay tâm đổi tính đóng cửa ở nhà mà ăn năn thì cũng sẽ bị xử chết liền." Tuy bên dưới không có ký tên nhưng cũng đủ làm cho Phi Vân thất kinh rồi.

Một luồng gió lạnh ở bên ngoài thổi vào, đèn đuốc đều bị tắt ngóm, Phi Vân liền quát lớn một tiếng, nhảy ra bên ngoài ngay.  

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top