2024: Gói bánh chưng xa xứ

 Mọi người ở nhà có thể hỏi gói bánh chưng xa xứ thì có gì khác biệt? Vẫn gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn chứ có gì? Xin thưa là có nhiều thứ khác lắm. Đầu tiên là bánh gói bằng lá chuối thay cho lá dong. Rồi gạo nếp là gạo Thái, đỗ xanh Thái đã xát vỏ, thịt lợn Đan Mạch. Bánh gói bằng dây gai chứ không phải lạt tre, và nhỏ hơn nhiều bánh ở nhà. Nhưng mà không có nó là không có Tết.

 Cách đây hai mươi lăm năm, tôi mới tới Đan Mạch, đón Tết bằng bánh luộc sẵn mua ở chợ châu Á. Bánh gói bằng lá chuối được bọc nilon để giữ lâu. Bánh khá đắt tiền nên chúng tôi chỉ mua một cái. Năm sau thì còn không có bánh chưng để mà mua nữa. Vì lý do nào đó, cửa hàng không có bánh bán. Thế là năm đó chúng tôi không có bánh chưng đón Tết. Năm 2002, tôi quyết định tự gói bánh chưng. May là tôi đã được dạy cách làm và đã từng gói ở nhà. Lần đầu tiên làm nên không biết liều lượng. Kết quả là tôi có hai nồi bánh đun sình sịch cả ngày trên bếp. Về sau tôi căn làm đúng năm cái bánh nhỏ, xếp vừa cái nồi lớn nhất. Năm nào cũng làm chừng ấy. Mỗi khi ăn lại nghĩ sao mình không cất công làm thêm. Nhưng rồi qua Tết lại bị công việc cuốn đi, rồi quên mất cho tới Tết năm sau.

 Mỗi năm Tết đến người Việt ở đây lại khoe nhau việc gói bánh chưng đón Tết. Ai ngại không gói thì sẽ ngồi nhìn mà thèm. Sang nước ngoài, con gái đảm đang việc nhà tự làm được chứ đàn ông con trai thì chỉ có ra hiệu châu Á ăn tối (và không có bánh chưng). Thường ở các sự kiện Tết do người Việt tổ chức bao giờ cũng có bán bánh chưng. Có năm tôi thấy có người chở bánh còn bốc khói đến vào giữa lúc đang tổ chức sự kiện. Lần đó còn mua được lòng lợn nhắm nhâm nhi với ông chồng Tây. Hiếm lắm mới có người làm để mà mua.

 Từ khi có mạng xã hội, người Việt đua nhau làm thức ăn rồi bán trên Facebook. Có đủ loại đồ ăn vặt, từ kẹo bánh tới thủy sản. Chắc chắn cũng có người bán bánh chưng, rồi các loại bánh khác. Nhưng mà tôi không mua vì của nhà ngon hơn. Với lại làm bánh mới cảm nhận rõ hương vị Tết. Tết bắt đầu từ khi mình lau dọn bàn thờ, lễ ông Công ông Táo. Tuần tự đến cắt hoa nghênh xuân (còn gọi là hoa mai Mỹ) từ vườn cắm vào lọ trước một tuần. Rồi đi chợ Tết mua đồ ăn và vàng mã, nhân tiện chúc mừng năm mới ông chủ người Việt gốc Hoa hữu hảo, quen biết nhau đến một phần tư thế kỷ.

 Bánh chưng luộc xong là Tết đã chuẩn bị được hòm hòm. Giờ thì chỉ còn đợi lễ cúng Tất niên và lễ Giao thừa nữa thôi. Múi giờ Đan Mạch chậm hơn giờ Việt Nam sáu tiếng vào mùa đông, nên nhiều khi tôi nói chuyện chúc Tết mọi người ở nhà rồi mới làm lễ Tất niên. Ở đây lễ chỉ làm các món cơ bản như gà luộc, nem rán, canh măng chứ không làm nhiều thứ như ở Việt Nam. Muốn cầu kỳ cũng có thể thêm giò lụa và nem chua nhập từ Pháp về.

 Sau bữa cơm tất niên là chờ lễ Giao thừa đến nửa đêm. Thường trong thời gian này tôi sẽ đọc dự đoán cho năm mới, viết lời chúc Tết tới mọi người, xem báo Tết v.v. Bây giờ thêm mục đăng bài viết Tết trên trang sáng tác trên Facebook và Wattpad. Lễ Giao thừa thường được chuẩn bị cùng với cơm tất niên nên khá gọn nhẹ. Sau giao thừa tôi đi một vòng hái lộc, rồi về nhà xông đất. Có năm cành lộc hái về mọc rễ trong lọ, thế là cành được trồng ra ngoài vườn, giờ vẫn sống.

 Ở đây giữa những người Âu, ít có ai để ý tới Tết truyền thống của người châu Á. Những người dễ bị môi trường ảnh hưởng có thể tặc lưỡi cho qua việc đón Tết. Nhiều năm trôi qua như thế, cuối cùng Tết chỉ còn là hồi ức của những năm tháng xa xôi. Con cái sinh ra ở Đan Mạch lớn lên sẽ không biết Tết thì có gì khác ngày thường. Việc gói bánh chưng, trang trí nhà cửa, lễ năm mới đón Tết là những cái neo níu giữ bạn với dân tộc, với cội nguồn. Nếu không có những cái neo đó, mình sẽ thấy chông chênh biết bao. 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top