#1. Thanh xuân không nắng [18/07/2018]

"Then kiu bây bê, tạm biệt."

Con Hòa cảm ơn tôi rồi xách cặp chạy vào nhà, cái dáng trẻ con của nó là tôi bật cười.

"Ờ tao về, cẩn thận ngã sấp mặt."

Dắt xe quay ngược lại, một mình tôi đi trên con đường xi-măng đã trơ ra theo năm tháng. Xe con Hòa hỏng nên tôi đưa nó về, tôi chơi thân với nó chín năm rồi, tình cảm cũng gọi là thấm đậm mùi nước mắm, thế nên tôi đưa nó về dù nhà nó ngược đường nhà tôi.

Với lại, tôi không muốn về nhà.

Dẫu biết chẳng thể nào trốn tránh mãi nhưng được phút nào hay phút ấy, tôi, thực sự rất sợ cái cảm giác ngột ngạt đó.

Ánh tịch dương lịm dần sau dãy núi, tia nắng lúc chiều tà làm cho con người ta nhức mắt nhưng cũng không quá bỏng rát. Không khí cuối thu thật yên bình.

Tôi đạp xe chậm hơn, cố hít lấy hít để những hơi căng đầy lồng ngực, phải tận hưởng giây phút hiếm hoi như thế này! Bởi vì, chỉ một lúc nữa thôi, giây phút ngơ ngẩn sẽ hoàn toàn tan biến.

Tôi sợ mình sẽ trở nên ảm đạm, răm rắp là việc như một người máy, tôi sợ chính sự im lặng mà tôi vun vén cho lớp bọc bên ngoài, tôi sợ cả cái tính lầm lì lúc ở nhà của tôi. Nhưng tôi không còn sự lựa chọn nào khác!

Quá mâu thuẫn, đúng không?

Có lẽ cái tính nhu nhược ấy không nên xuất hiện ở đứa trẻ 15 tuổi như tôi. Thế nhưng hoàn cảnh lại khiến tôi chai lì với mọi thứ, sau đó tự biến bản thân trở nên đáng ghét như vậy.

Tôi tự cảm thấy mình đáng ghét, vì, tại tôi mà mẹ tôi phải khổ!

Bố mẹ tôi trước kia đều là công nhân trong một xưởng may ngoài Hà Nội. Chẳng biết duyên phận kiểu gì mà bố mẹ tôi đến được với nhau, nhưng tôi đoán, chắc tại bố tôi quá đẹp trai?

Tôi từng thấy tấm ảnh cưới của bố mẹ, bố của ngày xưa trắng trẻo, đẹp trai lắm. Không được mét tám như soái ca ngôn tình nhưng cũng cao hơn mét bảy, dáng người cao gầy, mắt bồ câu, mũi dọc dừa, tôi thấy mà còn mê. Người ta nói đàn ông môi mỏng bạc tình, tôi thấy đúng lắm, điển hình là bố tôi. Và mẹ tôi, chính là đối tượng bị bạc tình!

Trong ảnh, mẹ tôi ngày trước phúc trông  hậu lắm, khuôn mặt tròn, nước da trắng, cả thân hình trông rất đầy đặn.

Vậy mà mẹ tôi bây giờ lại khác, khác hoàn toàn. Da xạm lại vì phơi nắng, hai bên gò má hóp vào, cả người gầy rộc. Chung quy lại cũng vì hi sinh quá nhiều cho chồng con nên mới thế.

Người ta nói có duyên có phận mới về một nhà, tất cả đều do nguyệt lão se tơ hết rồi. Nếu Nguyệt lão mà có thật, tôi chẳng ngại mà phi hẳn đôi dép vào mặt lão mà phán:

"Nguyệt lão cái con khỉ mốc, se lệch mẹ nó duyên rồi!"

Thế nhưng, nếu cũng chỉ là nếu, mà cứ cho là có thật thì mẹ tôi vẫn phải chịu từng trận đòn roi đau đến tê tâm liệt phế, những lời sỉ vả, lăng nhục từ bố tôi.

Mẹ tôi nhịn. Tôi cũng nhịn! Cứ cho là bố tôi uống rượu nên mới thế, mẹ con tôi chả thèm chấp!

Ngặt nỗi, mẹ tôi càng nhịn, bố tôi càng không ra gì.

Mười ba năm trước, lúc ấy bố mẹ tôi lấy nhau được hai năm, tôi hơn một tuổi thì xưởng may kia phá sản. Một nhà ba người dắt nhau về quê sống, túng thiếu mà hạnh phúc!

Ông nội tôi có ba người con trai, hai người con gái. Nhưng ông cần cù lắm. Bà tôi mất từ hồi tôi chưa sinh, một mình ông nuôi năm đứa con nhưng ai cũng có đất làm, đất ở. Bố tôi là con út, ông thương nhà tôi khó khăn nên xây cho căn nhà cấp 4 ngoài mặt đường để tiện làm ăn.

Mẹ tôi bảo bố hồi đấy chịu khó lắm. Bố đi bốc vác suốt, cứ có việc là bố làm. Mẹ tôi ở nhà đi rừng lấy củi, làm việc nhà rồi chăm tôi. Cuộc sống cũng gọi là no đủ.

Đến năm tôi sáu tuổi, mẹ tôi sinh em gái tôi, từ đấy bố tôi cứ thế mà trở nên lười nhác, tính tình thay đổi.

Vẫn là đi bốc vác đấy, nhưng cứ hết việc là ở nhà, ngồi không hóng hớt, chẳng phụ mẹ đi lấy củi hay làm việc nhà như trước nữa.

Vẫn là những lúc chiều tà như thế này, vậy mà bố chẳng đưa tôi đi chơi.

Thuở trước bố chiều tôi lắm, cứ đi đâu là đưa tôi theo. Bố hay mua quà vặt cho tôi, cứ tối tối lại đưa tôi đi ăn đêm với hội bốc vác của bố. Mỗi lần như thế, tôi lại ngồi sau xe ôm chặt tấm lưng rộng rãi của bố mà cười khúc khích.

"Con sợ rơi!"

Cho tới bây giờ, mỗi khi nhớ lại phút giây đó tôi đều không kìm được nước mắt. Bố tôi thay đổi mất rồi.

Bao nhiêu tình cảm bố dành cho tôi đều tan thành mây khói, lúc trước tôi yêu bố bao nhiêu thì bây giờ tôi ghét bố bấy nhiêu. Biết bao câu nói bố chọc tôi cười đều hóa thành muôn lời chửi rủa, mắng nhiếc.

"Con với chả cái, bẩn chọc vào mắt mà không biết quét à?"

"Càng lớn càng lì, bố mày nói mà mặt cứ trơ ra."

"Vi đâu, buông màn cho bố!"

Vâng, hậu quả của việc buông màn cho bố là tôi lãnh trọn hai cái tát trời giáng, không có lí do, không một lời thanh minh. Bố tôi chứ thế mà đập nát chút tình cảm tôi cố giữ trong lòng.

Mẹ tôi chẳng nói gì, ôm tôi rơi nước mắt. Khóc ư? Việc gì phải khóc? Cứ cho là bố say rượu, ngứa tay tát tôi 2 cái thôi mà!

Có lẽ chính từ giây phút bố tôi quay đi, chỉ cần ở đâu có bố là mặt tôi đanh lại, luôn tỏ ra chống đối. Dần dần tôi cũng quen, mỗi lần bị mắng cũng chẳng còn cảm xúc gì nữa.

Tôi mặc kệ! Tôi nhịn vì mẹ tôi.

Mặt trời mới chớp mắt mà đã tắt luôn những tia nắng cuối cùng, trời tối thui. Bao nhiêu hồi ức của tôi cũng biến thành một màu đen như thế. Chỉ có điều chẳng có lấy một ánh đèn hay một vì sao thoi thóp giữa nền trời đêm mà chỉ toàn một màu đen kịt, không lối thoát.

Tôi về đến nhà.

Tôi nghe thấy tiếng ồn từ phía xa rồi, về đến nhà mới thấy nhiều người tập chung tai nhà tôi lắm. Tim tôi đột nhiên đập nhanh dữ dội, lóe lên trong đầu tôi là hình ảnh bố đánh mẹ bầm dập tuần trước. Chẳng lẽ lại xảy ra chuyện rồi?

Vội dựng xe đạp rồi chạy thẳng vào trong nhà, tôi chết sững.

*Bốp*
*Bốp*

Từng trận đòn cứ thế giáng xuống người mẹ tôi. Hôm nay bố tôi lại say rượu.

Tôi vội vàng chạy tới ôm mẹ, liền ăn hai gậy vào lưng. Cái cán cuốc hỏng ở góc nhà ấy thế mà lại trở thành hung khí cho bố tôi bạo lực, thanh gỗ dài gần mét rưỡi cứ vậy mà đánh xuống.

Tôi đau không tả nổi, dùng hết sức mà hét lên.

"Bố có còn là con người không? Đánh thế còn chưa đủ à, hay bố muốn đánh chết mẹ con!"

"Cút ra, cái đồ mất dạy, tao nuôi mày lớn để mày chửi bố mày thế à?"

Có lẽ bố tôi sợ lỡ tay đánh chết mẹ con tôi thật, ông quẳng luôn cán cuốc ra chỗ khác, thẳng tay tát tôi một cái đau đến nỗi muốn rụng cả hàm.

Mẹ tôi thấy vậy gào khóc, khuôn mặt ngăm ngăm bây giờ xuất hiện đầy những vết bầm, giọng mẹ tôi khàn đặc.

"Mày không được đánh con tao! Tao mang nó chín tháng mười ngày còn không nỡ tát nó một cái, mày thì lấy quyền gì mà đánh!"

"Này thì không đánh! Ngày thì không đánh! Ai cho mày cái quyền ở đây mà gắt lên với tao? Con tao tao thích đánh thì tao đánh!"

Mỗi câu nói là một lần bố đẩy mạnh vào đầu tôi, cú đẩy càng lúc càng mạnh. Như cảm thấy chưa đủ, bố lại cầm cái cán cuốc lên, tôi vội vàng ôm chặt mẹ tôi.

*Bốp*

Cái cán quốc một lần nữa giáng lên người, tôi ngã lăn ra.

Đau lắm!

Đau như muốn ngất đi, nhưng không, tôi vẫn tỉnh, tôi thấy mẹ tôi lo lắng ôm tôi vào lòng, òa khóc nức nở. Tôi thấy hàng xóm xung quanh vây kín nhà tôi, tôi thấy chú Đức ghì chặt bố tôi, các ông các bà không ngừng nói. Tôi lại thấy đứa em gái mới lên năm đang ngồi trên bậc, bịt miệng không dám khóc ra tiếng.

"A" Tôi kêu lên, đầu tôi va vào tường, bố tôi lại xuống tay thêm một lần nữa.

Tôi mệt mỏi, không nói gì hết, cứ như vậy trong vòng ôm của mẹ mà rơi nước mắt. Đây là lần thứ tư trong tháng này rồi, mấy năm nay tần suất bố tôi bạo lực gia đình ngày càng nhiều, lí do lại vô cùng vô lí.

Có khi là mẹ tôi đi sớm về khuya, mẹ tôi hết tiền chi tiêu, mẹ tôi cãi lời bố tôi, mẹ tôi nói nhiều, mẹ tôi nấu cơm muộn...

Trăm thứ dồn lên vai mẹ tôi, đến tôi cũng thấy mệt thay bà, vậy mà bố tôi làm được cái gì?

Cờ, bạc, rượu, chè, lô, đề, thuốc lá... Cái nào chả biết? Người ta gọi đi làm, thích thì đi không thích thì thôi? Thậm chí cái bếp nhà tôi sắp sập bố tôi cũng mặc kệ!

Rượu vào lời ra, cứ uống rượu là lại lấy cớ này cớ nọ đánh mẹ tôi. Tôi thực sự không còn lời nào để nói nữa. Bố tôi từ khi nào lại thay đổi thành như thế này? Bố của tôi ngày xưa đi đâu mất rồi?

Bố tôi, trở tôi trên chiếc xe đạp cũ, đi khắp làng.

Bố tôi, tranh thủ từng đêm đi bốc vác, mang cả tôi theo.

Bố tôi, những lúc rảnh rỗi là làm hết việc nhà.

Bố tôi , những đêm mưa lo lắng chỗ mẹ con tôi ngủ bị dột.

Bố tôi, 2 giờ đêm cõng tôi đi tránh lũ.

Bố tôi, tranh thủ từng chút thời gian lo kiếm tiền.

Bố tôi, người đàn ông đã từng là người tôi thần tượng, đã đi đâu mất rồi?

Bố không còn hàng đêm mất ngủ, kể chuyện hồi nhỏ của bố cho tôi nghe.

Bố không còn hàng ngày chở tôi đi quanh làng trên chiếc xe đẹp cũ mỗi chiều.

Bố không còn lo từng giấc ngủ, bữa cơm cho tôi như trước.

Bố hay quát mắng, thậm chí đánh tôi tới nỗi cả người không thể cử động được!

Bố... Không còn là thần tượng của tôi nữa!

Nghĩ đến đây tôi bật lên nức nở, tôi không hiểu tại sao mẹ lại phải chịu đựng bố mãi như thế?

Bố đã thay đổi, rất nhiều.

Tôi nhớ, có lần 12 giờ đêm, lúc đó em gái tôi chưa đầy một tuổi, bố đuổi mẹ con tôi ra khỏi nhà. Bố nói bố không cần mẹ con tôi.

Tôi nhớ, chỉ vì một đĩa thức ăn bố không vừa lòng, bố hất luôn cả nồi cháo lên người mẹ. Cũng may là cháo không nóng.

Tôi còn nhớ, mẹ tôi đi ngoại về, vừa kịp tắt xe máy đã bị bố đánh túi bụi.

Mẹ từng nói, dù có khổ sở, cực nhọc như thế nào thì cũng vì các con mà tiếp tục sống, tiếp tục chịu đựng...

Có đôi khi tôi nghĩ, nếu như không có sự tồn tại của tôi, liệu mẹ có phải cơ cực như thế không? Hoặc giả dụ nếu như tôi là con trai, thì mẹ tôi chắc cũng chẳng sống trong sự đối xử tệ bạc của bố.

Nước mắt liên tục chảy xuống giống như không tìm được điểm dừng, nhiều tới mức chả cả vào miệng tôi. Chua chát.

"Nếu không ở được với nhau thì bố mẹ ly dị đi!"

Tôi khóc nấc lên, việc gì phải khổ như thế? Không có bố, tôi vẫn sống tốt, chẳng thiếu thốn gì, sao mẹ cứ phải chọn con đường đầy gai góc mà bước tiếp?

Im lặng... Tất cả mọi thứ đột nhiên im lặng đến đáng sợ! Tôi không muốn chịu đựng nữa, không muốn gia đình tôi cứ như đám tro tàn, lửa không tắt, nhưng cũng chẳng cháy to lên. Cứ thế dần dần thiêu dụi mọi thứ, chẳng chừa lại một chút tình người nào.

"Con đi theo mẹ, em con theo bố, tài sản chia đôi. Bố mẹ không ở được với nhau thì ly dị đi, con chả cần, thế thôi!"

Tôi chống tay đứng dậy, dây dưa mãi cũng không phải cách giải quyết tốt, mẹ tôi không thể, vậy cứ để tôi chấm dứt đi!

"Rầm"

Tôi đóng cửa phòng lại, toàn thân dã rời mà khuỵu xuống.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top