C41-45

Nguyên Tứ Nhàn đi hai bước, bị ánh mắt sáng quắc phía sau nhắc nhở, cúi đầu nhìn mới nhận ra Lục Thời Khanh còn nắm tay mình, tim không khỏi run lên.

Quào, nàng được đế sư tương lai nắm tay, thế này là cùng đi trên con đường tới tột đỉnh nhân sinh nhỉ.

Nguyên Tứ Nhàn kích động, tim đập hơi nhanh, nhìn gương mặt nghiêng nghiêng của Lục Thời Khanh, thấy y đường hoàng nghiêm chỉnh cứ như đang nắm tay dắt dê, nàng không kìm được muốn khiến y cũng dao động, thế là nàng cảm nhận lòng bàn tay hơi ẩm mồ hôi của y, nhỏ giọng nói:

– Lục thị lang hình như hơi căng thẳng?

Cơn sóng trong lòng Lục Thời Khanh đã dâng cao cả ngàn trượng, nhưng ngoài mặt y vẫn nhìn thẳng, nhàn nhạt đáp:

– Ừ, lần đầu tiên thấy nhiều bách tính như vậy, đúng là hơi căng thẳng.

Y hù ai à.

Nguyên Tứ Nhàn ba phải:

– Ta cũng là lần đầu tiên, trong lòng hơi xấu hổ.

Giọng nàng mờ ám, y đương nhiên nghe hiểu nhưng vẫn tỉnh bơ ra vẻ bình tĩnh:

– Ừ, sau này thấy nhiều là được.

Nguyên Tứ Nhàn thầm nhủ y nghĩ hay lắm, bèn tiếp tục dùng tiếng lóng trêu chọc y:

– Bách tính đáng yêu như vậy, trong lòng ngài cảm thấy thế nào, ngọt không?

Nàng càng nói càng quá mức, Lục Thời Khanh nghẹn, lòng bàn tay đổ càng nhiều mồ hôi, đáp tránh nặng tìm nhẹ:

– Không thấy đáng yêu.
– Nhưng ta thấy...

Nguyên Tứ Nhàn sáp đến bên tai y, sóng mắt dập dờn, hơi thở như lan:

– Rất đáng yêu mà.

Lục Thời Khanh đơ người, thật không biết mình về xe ngựa thế nào, một lòng chỉ nghĩ hễ buông tay là mình thua, nên mặc nàng thổi gió hướng nào, y vẫn lù lù bất động.

Kỳ thực công phu ngoài mặt của y không tệ, chẳng hạn trước đó ở trước mặt bách tính, một người xưa nay vô cùng lãnh đạm như y nháy mắt là có thể diễn ra bộ dạng rất thân thiện với dân, thế mà gặp phải chùy công thành của Nguyên Tứ Nhàn đánh mạnh vào là tai y như ù hết, tim gan run rẩy.

Cho nên chờ lưu dân tản đi hết, xe ngựa rẽ vào tòa dinh thự do thứ sử Thư Châu an bài, y vẫn không nói một lời, bình tĩnh đi về phòng.

Nguyên Tứ Nhàn cũng hài lòng vui vẻ chạy đi tắm, vừa tắm vừa nghĩ đến trận ầm ĩ ban nãy trước cổng thành.

Lục Thời Khanh bỏ qua hành vi của môn lại có thể nói là làm rất đẹp. Một là vào lúc người người bất an, y thể hiện được nhân đức của triều đình, vỗ về dân tâm. Hai là thả dây dài câu cá lớn, nhờ đó lần theo bắt được kẻ chủ mưu.

Đương nhiên, từ câu nói y chất vấn môn lại kia lúc đó, Nguyên Tứ Nhàn đoán chuyện này e không thoát khỏi quan hệ với đầu lĩnh xứ Hoài Nam là Bình vương, nên không cần quá phí công đi điều tra.

Có lẽ có ý nghĩ sẵn như vậy, nên mấy ngày sau, Bình vương từ Dương Châu phía đông tới bàn bạc công việc cứu trợ sau thiên tai với Lục Thời Khanh, nàng vô thức sinh ra vài phần phòng bị.

Đặc biệt là hôm sau, Lục Thời Khanh ra ngoài xem xét tình hình mực nước, về muộn, Bình vương một mình tìm nàng đánh cờ vây, nàng liền sinh lòng cảnh giác.

Nàng nhớ Từ Thiện từng nói, trên đường ông vào kinh phò tá Trịnh Trạc từng bị ám sát, suýt mất mạng. Lúc đó nàng vì lịch sự nên không hỏi nhiều, nhưng về sau nàng không chỉ một lần suy nghĩ chuyện này, có dạo nàng còn cho rằng, thích khách kia e là có dính dáng đến nhị hoàng tử hoặc tam hoàng tử trong triều, tức Bình vương.

Hiện tại Bình vương đánh cờ với nàng, liệu có ý gì khác không, có muốn thăm dò gì không?

Nàng không nắm được, nhưng cũng không thể từ chối thẳng thừng, bèn chơi cờ với Bình vương rất qua loa, sau đó mượn cớ buồn ngủ, ngáp vài cái rồi đi về phòng.

May mà nhân vật thoạt trông rất nguy hiểm này không ở lại lâu, qua vài ngày, tình hình thiên tai Thư Châu ổn định, Bình vương cũng quay về Dương Châu.

Lục Thời Khanh hơn nửa tháng nay đều đi sớm về muộn, Nguyên Tứ Nhàn không tiện quấy rầy y làm công vụ, chỉ tranh thủ chào y mỗi ngày vào buổi sáng và tối.

Lúc nhàn hạ ở phủ, nàng tình cờ nghe nói, hóa ra ban đầu ở phụ cận Thương Châu, y chưa từng kinh động đến quan lại địa phương là định che giấu hành tung để bắt mấy tham quan, kết quả vì nàng bị ám sát nên y không thể không gióng trống khua chiêng cả đường, đương nhiên cũng đã bứt dây động rừng. Cho nên sau đó, y mới dừng lại ba ngày ở Đường Châu – chỗ tiếp giáp Hoài Nam đạo và Sơn Nam đông đạo, mục đích là để bảo đảm việc vận chuyển vật tư cứu trợ thiên tai thuận lợi.

Nguyên Tứ Nhàn cảm thấy mình gây thêm phiền phức cho triều đình, trong lòng rất áy náy, lại thấy Lục Thời Khanh ngày ngày bận bịu vắt giò lên cổ, hiển nhiên là thời cơ tốt để xun xoe nịnh nọt, thế là mấy ngày tiếp theo nàng bắt đầu khổ luyện trù nghệ.

Sau khi chặt đứt tấm thớt thứ mười, khiến Tào Ám, Triệu Thuật, Thập Thúy, thậm chí cả Tiểu Hắc cũng không ngừng kêu khổ, nhìn thấy nàng bưng bát là quay đầu bỏ chạy, cuối cùng nàng đã có tiến bộ nhảy vọt, thành công làm ra một bát canh cải xanh đậu phụ đủ cả sắc hương vị.

Không sai, vì cùng ăn uống đạm bạc với dân nên nàng đã chọn nguyên liệu nấu ăn hàm súc như vậy.

Nhưng trời có phong vân bất trắc, người có họa phúc sớm chiều, Lục Thời Khanh cuối cùng vẫn chưa uống được bát canh đã qua ải khẳng định của quần chúng này, nguyên nhân là, Nguyên Tứ Nhàn trên đường đưa canh đã chặn được một phong thư.

Một phong thư từ Trường An gửi tới, viết cho Lục Thời Khanh, ký tên "Thiều Hòa".

Nguyên Tứ Nhàn đi nửa đường thì vòng về, không đưa canh nữa mà đổ cho Tiểu Hắc uống, sau đó lén giấu thư quay về phòng.

Lục Thời Khanh nghe nói bữa khuya được ăn canh cải xanh đậu phụ, bèn đợi ở trong phòng hồi lâu, cuối cùng đợi được Nguyên Tứ Nhàn hai tay trống trơn đến. Nàng vô cùng tao nhã xông vào thư phòng y, vô cùng tao nhã rút từ tay áo ra một phong thư thảy lên bàn y:

– Lục thị lang, có thư của ngài.

Nàng nghĩ tới nghĩ lui, vẫn không làm được chuyện thất đức là lén mở thư ra nên vẫn đem trở về.

Lục Thời Khanh thoáng nhìn lạc khoản trên phong thư hoa văn cá chép, hơi sửng sốt, nói:

– Cô mượn tên Thiều Hòa công chúa viết thư cho ta làm gì?

Woa, phản ứng này đúng là hoàn mỹ, một câu nói đã phủi sạch sành sanh, phủ nhận tất cả khả năng thư từ qua lại của mình và Trịnh Quân trước đây.

Nguyên Tứ Nhàn suýt dao động, nhưng nhìn bốn chữ "Tử Chú thân khải" (1) thì cảm thấy không được dễ dàng tin Lục Thời Khanh. Nếu đây là lần đầu tiên họ thư từ qua lại thì xưng hô này thân mật quá đấy. Mặt dày như nàng còn chưa từng gọi y là "Tử Chú" nữa kìa.

(1) Thân khải: đích thân mở, thường dùng làm mở đầu thư cũng như nêu rõ tên người nhận thư thời cổ đại.

Nàng nhìn y dò xét, phủ nhận:

– Mấy ngày nay ta khổ luyện trù nghệ, làm gì có thời gian rảnh viết thư cho ngài? Ngài mở mắt nhìn cho kỹ, đây là chữ do tự tay Thiều Hòa công chúa viết.

Nguyên Tứ Nhàn lần này quả thực hiểu lầm Lục Thời Khanh, ban nãy y thực sự cho rằng nàng viết để đùa y, dù sao Trịnh Quân trước đây đúng là chưa từng viết thư cho y.

Y "ừ" một tiếng, nhận thư qua xem, thấy dấu niêm phong trên thư vẫn còn nguyên.

Nguyên Tứ Nhàn hừ nhẹ:

– Chưa hủy, khỏi kiểm tra.

Lục Thời Khanh liếc nàng:

– Muốn xem sao không hủy?

Ơ, có phải nàng nghe nhầm không, giọng điệu này sao nghe có cảm giác cưng chiều nhỉ. Nguyên Tứ Nhàn thầm vui trong bụng nhưng ngoài mặt giả vờ không phục:

– Ai bảo ta muốn xem?

Lục Thời Khanh cong khóe môi:

– May mà cô không muốn, nếu cô hủy là ta có thể báo quan bắt cô rồi.

– ...

Nguyên Tứ Nhàn lần đầu tiên tưởng bở, tức giận nghiến răng, hít sâu kiềm chế.

Được, ván này xem như y thắng, ván sau nàng vẫn là hảo hán.

Lục Thời Khanh nói xong, cúi đầu hủy dấu niêm phong, không có ý bảo Nguyên Tứ Nhàn tránh đi, thoải mái mở thư ra trước mắt nàng.

Nhưng loại thời điểm này nàng cũng rất sĩ diện, đâu có chuyện nhìn chằm chằm hóng nội dung thư, ngược lại nàng hung dữ nhìn xà nhà trên đỉnh đầu, ra vẻ không hứng thú để tránh hiềm nghi.

Thư chỉ một trang, lác đác vài câu thăm hỏi, Lục Thời Khanh xem lướt qua, ngẩng đầu thấy nàng như vậy bèn đứng dậy bước tới.

Nguyên Tứ Nhàn sững sờ:

– Ngài đi đâu thế, không xem thư à?

Lục Thời Khanh nhàn nhạt đáp:

– Ta đi vệ sinh, cô cũng quản?

Nàng á khẩu, phóng cho y một ánh mắt dao găm, chờ y vào nhà vệ sinh thì rón ra rón rén vòng tới trước bàn, đọc thầm từng chữ từng câu của bức thư trên bàn một lượt, vừa đọc vừa chú ý động tĩnh xung quanh, không ngờ Lục Thời Khanh như rơi xuống hố xí vậy, cả buổi mới về.

Giờ này hiển nhiên đã đủ cho nàng đọc lá thư cả ba lần, từ lâu nàng đã lùi về vị trí cũ, tiếp tục đứng ì trước bàn của y nhìn trời.

Sau khi quay về chỗ cũ, Lục Thời Khanh nhìn nàng rồi ung dung nhấc bút nhúng mực, khoanh vòng một chữ trên thư.

Nguyên Tứ Nhàn bị động tác này thu hút, không chống đỡ nữa, cúi đầu nhìn, thấy đầu bút của y dừng lại, lại khoanh thêm một chữ, sau vài lần như vậy thì ghép thành một tin nhắn bốn chữ: đường về cẩn thận.

Nàng hơi sững sờ, kế đó hiểu ra đây là ám hiệu giấu trong thư liền phẫn nộ:

– Ngài còn ra vẻ không thư từ qua lại với Thiều Hòa, thế mà dùng ám hiệu lại thuần thục vậy đấy!

Lục Thời Khanh nhìn nàng:

– Ta tưởng trước tiên cô sẽ hỏi vì sao nàng ấy lại nhắc nhở ta đường về cẩn thận, liệu có phải có người muốn ám sát ta không.

Nguyên Tứ Nhàn nghẹn, càu nhàu:

– Ngài còn so đo mấy thứ này, dù sao ta với ngài về chung, ngài gặp nguy hiểm, ta chắc chắn sẽ quên mình chắn đao cho ngài!

Y cười nhạo, đại khái là không tin, giải thích câu hỏi trước đó của nàng:

– Không phải ám hiệu giữa ta và nàng ấy, có một lần ta cùng thập tam hoàng tử giải tàng đầu thi (2), nàng ấy ở bên cạnh, chắc là nghe được mà thôi.

(2) Tàng đầu thi: lối thơ ẩn ý vào những chữ đầu câu, ví dụ như bài này ẩn ý câu 'Cụ Hồ muôn tuổi':

CỤ già thong thả buông cần trúc

HỒ rộng, trời im, mặt nước hồng.

MUÔN vạn đài sen thơm bát ngát,

TUỔI già vui thú với non sông.

Nguyên Tứ Nhàn ồ lên:

– Thật hâm mộ...

Lục Thời Khanh cảm thấy buồn cười:

– Cô hâm mộ nàng ấy?

Những lời y và Trịnh Quân nói với nhau cả năm còn ít hơn y nói với nàng một ngày đấy.

– Phải.

Nguyên Tứ Nhàn nghiêm túc quả quyết:

– Ta thật lòng hâm mộ thập tam hoàng tử, còn nhỏ như thế mà có thể học tàng đầu thi (3).

(3) Trong tiếng Trung, từ "cô ấy" và "anh ấy" có phát âm giống nhau, nên chỉ nghe thì không phân biệt được giới tính.

– ...

Trúng kế rồi.

Lục Thời Khanh nhướng mày, tiếp tục nghiên cứu ám hiệu trong thư.

Nguyên Tứ Nhàn trả đũa thành công một ván, tâm trạng tốt nên không khoe mẽ nữa, sáp lại bên cạnh cùng xem thư, xem xem còn tin tức gì khác không, nhưng hồi lâu cũng không phát hiện được chữ nào.

Nàng cau mày lẩm bẩm:

– Rốt cuộc là muốn ngài cẩn thận gì? Không thấy nói rõ.

Lục Thời Khanh đã nắm chắc đại khái trong lòng, khép thư lại, đưa tới ngọn nến đốt trụi, nói:

– Người muốn giết ta rất nhiều, nhưng dám ra tay thì chỉ có mấy người mà thôi.

Nguyên Tứ Nhàn thấy y có vẻ không xem là chuyện to tát nên không lo lắng nữa, chân thành nói:

– Ngài yên tâm, ta bảo đảm với ngài, lần này tạm thời ngài chưa chết được đâu.

– ...

Nguyên Tứ Nhàn thật lòng, dù sao trong giấc mơ của nàng, y sống dai lắm.

Nhưng Lục Thời Khanh nghe lời này kiểu gì cũng thấy không thoải mái, bèn nói:

– Lần này chưa chết, lần sau chết hả?

Nàng tự biết mình dùng từ không thích hợp, bèn cười ngượng:

– Lần sau cũng không chết, hoài hoài không chết.

Vậy cũng không tốt lắm, thành yêu quái rồi.

Lục Thời Khanh không biết nên tức hay nên cười, khoát tay đuổi nàng đi:

– Không còn sớm nữa, ta muốn đi ngủ.

Nguyên Tứ Nhàn trước đó nấu canh vất vả, bây giờ cũng hơi mệt mỏi, gật gù ngáp một cái, xoay người bước tới cửa thì như nhớ ra gì đó, dừng lại hỏi y:

– Lục thị lang, sao Thiều Hòa lại gọi ngài là "Tử Chú"?

Lục Thời Khanh ngẩng đầu đáp:

– Gọi tên tự của ta có gì không được? Trên dưới Đại Chu, ngoại trừ tôn ti, bất luận nam nữ, đều có thể gọi ta như vậy.

Ý là, ám chỉ Nguyên Tứ Nhàn cũng có thể gọi.

Nhưng nàng há cam tâm gọi cùng xưng hô mà ngàn vạn người đều có thể gọi, bèn toét miệng cười giả dối:

– Vậy người gọi ngài là "Lục Thời Khanh" có phải ít hơn không?

---------

Nguyên Tứ Nhàn bị Lục Thời Khanh đen mặt đuổi về phòng, dọc đường luôn nghĩ chuyện Thiều Hòa.

Nay cách vụ án ám sát ở Thương Châu đã hơn tháng, thứ sử và huyện lệnh địa phương đương nhiên không thể bắt được đám sát thủ kia, mà bên Trường An cũng là kết cục sống chết mặc bay.

Đối với việc này, câu trả lời của Huy Ninh Đế dành cho Nguyên gia là: Thiều Hòa nhất thời bị ma quỷ mê hoặc, tạo ra sai lầm lớn, bởi vậy phạt nàng ấy đến Võng Cực tự để tóc thanh tu, chưa được chiếu mệnh cho phép, mãi mãi không thể bước vào cửa cung một bước.

Chỉ là, chuyện này truyền ra ngoài sẽ tổn hại danh dự hoàng thất, mà với Nguyên Tứ Nhàn cũng chẳng phải chuyện gì hay ho, nên sau khi thương lượng với Nguyên Ngọc, Huy Ninh Đế đã một tay che trời giấu giếm hết thảy. Do đó người ngoài chỉ cho rằng Trịnh Quân vào ngày nào đó không cẩn thận chọc giận thánh nhân nên mới bị niêm phong phủ công chúa.

Nhưng chuyện này chỉ có thể giấu người khác chứ không giấu được người trong cuộc. Ngày nhận được tin tức, Nguyên Tứ Nhàn liền đi hỏi Lục Thời Khanh. Dù sao y từng nói với nàng rằng Thiều Hòa chỉ là lớp giả tạo mê hoặc người khác, người mà hung thủ chân chính muốn giá họa là nhị hoàng tử.

Lục Thời Khanh giải thích với nàng, vốn là như vậy không sai, Lưu thiếu doãn sau khi vu oan cho Thiều Hòa liền bị thánh nhân triệu đến hỏi về vụ án, do không chịu nổi thánh uy nên khai báo hết, nói thực ra là nhị hoàng tử bảo ông hãm hại Thiều Hòa.

So với Thiều Hòa, thánh nhân càng tin chuyện này do nhị hoàng tử làm hơn, không ngờ chưa kịp điều tra sâu thì nhận được tin Lưu thiếu doãn chết bất đắc kỳ tử.

Lưu thiếu doãn vừa khai xong thì bị diệt khẩu, thánh nhân bởi vậy sinh lòng nghi ngờ lời ông nói là thật hay giả, sau đó không thể tìm được chứng cứ xác thực để định tội nhị hoàng tử, dù trong lòng biết Thiều Hòa quá nửa là vô tội cũng đành đem kết quả ngoài mặt tạm thời bàn giao với Nguyên gia.

Nguyên Tứ Nhàn nghe xong quá trình này, không thể không bội phục Từ Thiện và Trịnh Trạc lần nữa. Lưu thiếu doãn đương nhiên là bị họ phái người giết. Hai người này thật giỏi đoán thánh tâm, trừ khử Lưu thiếu doãn vào thời cơ tốt nhất, khiến đầu óc thánh nhân rối tinh rối mù, nghi ngờ khó tan, khiến âm mưu rất có khả năng ảnh hưởng đến Nguyên gia và Trịnh Trạc tự động sụp đổ.

Tuy nguy cơ của Nguyên gia được giải trừ là chuyện tốt, nhưng nàng cũng không cách nào vì vậy mà trơ mắt nhìn Thiều Hòa làm kẻ thế mạng. Tình địch hay không là một chuyện, chân tướng lại là một chuyện khác.

Người đang ở trong phủ thêu hoa mà bị tội từ trên trời rơi xuống, nếu nàng là Thiều Hòa, e sẽ tức tới thổ huyết.
Nguyên Tứ Nhàn suy đi nghĩ lại, quyết định sau khi về kinh sẽ tìm cơ hội diện thánh, xin ông hạ chiếu tha cho Thiều Hòa. Bất luận thánh nhân nghĩ thế nào, dù sao chuyện này vốn là để ăn nói với Nguyên gia, chỉ cần nàng không so đo là được.

Tình hình thiên tai ở Thư Châu ngày càng ổn định, ôn dịch sau thiên tai suýt bạo phát phạm vi lớn cũng được Lục Thời Khanh khống chế. Lại qua nửa tháng, khoảng trung tuần tháng mười, chuyến công vụ này liền kết thúc.

Nguyên Tứ Nhàn theo Lục Thời Khanh lên phía bắc, cơ bản là về theo đường cũ, nhưng nàng phát hiện, so với lúc đi thì đường Lục Thời Khanh an bài lúc về đa phần là quan đạo, rất ít đi đường hoang dã.

Nhớ lại lời nhắc nhở của Thiều Hòa, nàng hiểu ngay ý nghĩa việc này, nhưng đi được khoảng 20 ngày, đến phụ cận kinh kỳ rồi mà họ chưa từng gặp phải bất kỳ uy hiếp nào. Không biết là Lục Thời Khanh phòng bị ổn thỏa, khiến đối phương biết khó mà lui, hay tin tức của Thiều Hòa có sai lệch.

Vì vào kinh kỳ trị an tốt hơn, Huy Ninh Đế cũng phái một đội Kim Ngô vệ nghênh đón Lục Thời Khanh hồi kinh, nàng liền triệt để buông xuống cảnh giác.

Hoàng hôn một ngày trước khi đến Trường An, Lục Thời Khanh dặn Kim Ngô vệ an bài khách điếm đặt chân cho cả đoàn.

Nguyên Tứ Nhàn thầm khó hiểu, đi thêm vài canh giờ nữa là có thể vào thành rồi, sao đột nhiên y lại thả chậm lộ trình nhỉ, trời quá lạnh, nàng lười xuống xe ngựa nên bảo Thập Thúy đi hỏi thay.

Thập Thúy tới xe ngựa của Lục Thời Khanh phía trước, xong quay về báo cáo Nguyên Tứ Nhàn:

– Thưa tiểu nương tử, Lục thị lang không đáp nô tỳ. Tào đại ca nói, có lẽ ngài ấy mệt mỏi, muốn nghỉ ngơi một đêm rồi mới đi, nếu người sốt ruột thì có thể bảo Kim Ngô vệ đưa người vào thành trước ạ.

Nàng lắc đầu:

– Đã ở ngoài ba tháng rồi, không gấp, ngày mai lại khởi hành thôi.

Lúc trước ở Thư Châu, thời điểm Lục Thời Khanh bận nhất có khi ba ngày ba đêm không nhắm mắt cũng đâu nghe y kêu mệt, trong lòng Nguyên Tứ Nhàn lấy làm lạ nhưng cuối cùng vẫn không để ý nhiều.

Vì quãng đường này toàn "ăn gió nằm sương" với "đạm bạc cùng dân", cộng thêm không quen thức ăn vùng Hoài Nam nên nàng thực nhớ mùi vị món ăn kinh thành, thấy có thể dừng chân ở một khách điếm đàng hoàng, nàng liền vung tiền như rác gọi cả bàn đồ ăn với mỹ danh là "quyết định tự móc tiền túi mời Lục thị lang ăn một bữa ngon".

Tiểu nhị khách điếm đưa món ăn đến phòng nàng, cuối cùng bưng lên một nồi gốm chia ô, mỗi ô đựng mỗi loại thịt heo, dê, bò, vịt nấu cùng với rau, nóng hôi hổi, tỏa hương thơm bát ngát.

Nguyên Tứ Nhàn đã lâu không được ăn một bữa ngon lành, đói chịu không nổi, vội gọi Thập Thúy sang phòng sát vách mời Lục Thời Khanh, không ngờ đợi hồi lâu lại nghe nói y không hề ở khách điếm.

Lúc mới dừng chân, nàng rõ ràng thấy Lục Thời Khanh vào phòng sát vách, bây giờ trời đã tối, bên ngoài lại là trời đông lạnh lẽo, y chạy ra ngoài làm gì chứ.

Nguyên Tứ Nhàn thật không kìm được, bước đi định gõ cửa phòng sát vách thì bị Tào Ám ở cuối hành lang ngăn lại.

Đây là lầu hai, Tào Ám hình như từ lầu một lên, theo sau là một tiểu nhị bưng nước sạch.

Nguyên Tứ Nhàn cau mày. Kim Ngô vệ đã sắp xếp bao toàn bộ khách điếm, nơi này không có người ngoài, nước sạch đương nhiên là chuẩn bị cho Lục Thời Khanh dùng, nhưng chẳng phải y không ở trong khách điếm sao?

Tào Ám ngăn nàng lại, biểu hiện tự nhiên:

– Huyện chúa, lang quân ra ngoài làm việc, mời người dùng bữa trước, không cần đợi ngài ấy.

Nàng chỉ tiểu nhị phía sau hắn:

– Vậy nước sạch này?

Hắn "à" lên:

– Là trước đó lang quân dặn tiểu nhị mang đến phòng ngài ấy, chờ ngài ấy về rửa mặt ạ.

Nguyên Tứ Nhàn ra vẻ đã hiểu, cười nói:

– Không cần phiền tiểu nhị, giao nước cho ta đi, đúng lúc ta muốn đến phòng ngài ấy xem bố trí có thoải mái không.

Nói xong, nàng muốn bước lên nhận lấy chậu nước.

Tào Ám lần này hình như hơi cuống, đưa tay ngăn lại:

– Chuyện này sao phiền người được chứ. Người mau đi dùng bữa đi ạ, đợi lang quân về, tiểu nhân sẽ báo với người ngay lập tức.

Nàng cười, thu tay:

– Được, không làm khó ngươi.

Nói xong, nàng xoay người rời đi.

Tào Ám lặng lẽ thở phào, đợi nàng đi rồi mới lấy chậu nước trong tay tiểu nhị phía sau, vội vã vào phòng Lục Thời Khanh, nhìn y đang nằm trên giường, hắn lại gần nói:

– Lang quân vẫn ổn chứ ạ?

Chuyện này phải kể từ hôm qua. Tối qua đột nhiên lang quân bị cảm phong hàn, mới đầu bệnh nhẹ, hắn cũng không để ý nhiều, nào ngờ hôm nay lang quân lại đau đầu như búa bổ, càng lúc càng sốt dữ, bất đắc dĩ mới phải tìm khách điếm dừng chân.

Vì lang quân không muốn để lộ bệnh tình với Kim Ngô vệ và huyện chúa nên chỉ phái Triệu Thuật đi mời đại phu, trước mắt vẫn chưa về.

Sắc mặt Lục Thời Khanh ửng đỏ, y ho mấy tiếng, cau mày liếc hắn, không đáp mà hỏi ngược:

– Đuổi đi rồi à?

Tào Ám đương nhiên hiểu y nói ai, gật đầu:

– Nhưng huyện chúa thông tuệ, e là đã phát hiện gì đó...

Hắn vừa dứt lời, chợt nghe cửa sổ sau lưng vang lên tiếng "kẽo kẹt" bị người khác nạy mở từ bên ngoài, tiếp đó là giọng nữ giòn giã vang lên:

– Ta đương nhiên... thông tuệ...!

Hắn quay phắt đầu, thấy Nguyên Tứ Nhàn bám bệ cửa sổ vô cùng vất vả, khó khăn nói:

– Cửa sổ lầu hai khó leo quá... Tào Ám ngươi... còn không mau giúp ta!

Tào Ám hoảng hốt, sợ nàng ngã gãy chân, hắn không kịp xin chỉ thị Lục Thời Khanh, vội vàng quay lại kéo nàng lên.

Hai chân Nguyên Tứ Nhàn vừa chạm đất liền bước nhanh tới giường Lục Thời Khanh, khó chịu nói:

– Lục Thời Khanh, chàng giỏi lắm, bệnh thành thế này mà còn muốn giấu ta.

Từ lần trước thấy thư của Thiều Hòa, Nguyên Tứ Nhàn hoàn toàn tỉnh ngộ, cảm thấy xưng hô "Lục thị lang" thực quá xa cách, vô cùng bất lợi trong việc bồi dưỡng tình cảm, nhưng nàng lại cứ không muốn gọi "Lục Tử Chú" giống người khác, thế là lúc không có mặt người ngoài, nàng liền không đếm xỉa đến quy củ mà gọi thẳng tên húy "Lục Thời Khanh" của y.

Lục Thời Khanh ban đầu lần nào cũng đen mặt nhưng sau đó nghe quen cũng lười sửa lời nàng.

Y thở dài, đưa tay kéo màn xuống, lạnh lùng nói:

– Tào Ám, đưa nàng ấy về phòng.

Nguyên Tứ Nhàn bị lớp màn dày ngăn cách, không nhìn rõ sắc mặt y, chỉ nghe giọng y khàn khàn mang theo âm mũi nặng nề, nàng biết ngay tình hình y không tốt. Nghĩ y bị cảm nên nàng không hề tức giận thái độ không khách sáo của y, nàng nói với Tào Ám:

– Chàng ấy bị sốt nên hồ đồ, ngươi đừng nghe. Đại phu đâu, có phái người đi mời chưa?

Lục Thời Khanh nhẫn nại ho mấy tiếng, nói:

– Tào Ám.

Ra hiệu hắn mau mau tiễn khách.

Tào Ám xoắn xuýt, không biết nên nghe ai, nói với Nguyên Tứ Nhàn:

– Huyện chúa, đại phu sắp đến rồi, người nghe lời lang quân, về trước đi ạ, tránh bị lây bệnh.

Nguyên Tứ Nhàn không chịu đi, tức giận nói:

– Ta từ nhỏ tới lớn chưa từng bị nhiễm phong hàn, ai có bản lĩnh lây bệnh cho ta? Lây cũng tốt, đúng lúc thử xem nó có cảm giác gì.

Nói xong, nàng vén màn của Lục Thời Khanh.

Lục Thời Khanh bị sốt đến không còn sức lực nào, không ngăn kịp, may nhờ Tào Ám nhanh tay nhanh mắt nắm lấy cửa màn, nhăn nhó nói:

– Huyện chúa, nói thật với người vậy, lang quân có lẽ không phải bị phong hàn bình thường, người đừng lỗ mãng.

Nguyên Tứ Nhàn sững sờ, dừng tay:

– Có ý gì?

Thấy Lục Thời Khanh chưa phản đối, hắn tiếp tục giải thích:

– Lúc ở Thư Châu, lang quân từng vô tình tiếp xúc một người bị bệnh dịch...

Hắn chỉ nói một nửa nhưng Nguyên Tứ Nhàn hiểu, bối rối hồi lâu cũng chưa phản ứng lại, mãi mới kinh hãi thốt:

– Sao có thể? Không thể nào...

Tình hình bệnh dịch ở Thư Châu tuy được khống chế trong phạm vi cực nhỏ nhưng người mắc bệnh không ai qua khỏi, để tránh khuếch tán ra ngoài, họ đều rơi vào kết cục bị hỏa thiêu thi thể.

Tào Ám đang nói với nàng là, Lục Thời Khanh có khả năng bị nhiễm ôn dịch không thể chữa?

Nhưng sao có thể chứ. Trong giấc mơ của nàng, y sống tốt lắm mà.

Nguyên Tứ Nhàn sững sờ, hồi lâu mới nghĩ tới một lỗ hổng chí mạng.

Kiếp trước, quả thực Lục Thời Khanh sống rất tốt, nhưng kiếp này, nàng vì tự vệ mà tiếp cận y, quấn lấy y, trêu ghẹo y... Cả quãng đường y xuôi nam cũng vì nàng mà sinh ra đủ bất ngờ và biến số, như vậy, số mệnh của y cũng vì thế mà thay đổi thì có gì không thể?

Nguyên Tứ Nhàn ngây ngốc chớp chớp mắt.

Nàng chính là lỗ hổng chí mạng kia...

--------

Đúng lúc này, cửa phòng bị gõ vang, Tào Ám nghĩ là Triệu Thuật mời đại phu tới nên vội đi mở cửa.

Khi ông lão áo vải râu bạc đến gần, Nguyên Tứ Nhàn mới hoàn hồn, vội tránh sang bên, nhường chỗ cho ông.

Tào Ám sốt sắng:

– Mời tiên sinh xem giúp lang quân nhà tôi.

Ông lão đã có tuổi, hành động hơi chậm chạp, từ từ vén màn lên, vừa nhìn liền lảo đảo lùi lại, kinh hãi nói:

– Là ôn dịch, ôn dịch!

Nguyên Tứ Nhàn sững sờ, tức quá hóa cười:

– Tiên sinh, ông chưa bắt mạch mà!

Ông lão liều mạng xua tay, không dám lại gần:

– Mạch này lão hủ không có số bắt đâu! Đây là bệnh dịch không thể nghi ngờ, không phải lão hủ thấy chết không cứu, thực là lão hủ trên có mẹ già tám mươi, dưới có con thơ ba tuổi, xin chư vị thương tình giơ cao đánh khẽ, mời cao minh khác!

Lục Thời Khanh vất vả nhấc nửa người lên, vẻ mặt bất lực nhìn Tào Ám:

– Tào Ám...

Nhưng y mới nói một nửa thì bị Nguyên Tứ Nhàn nghiêm giọng ngắt lời:

– Chàng im miệng, lo nghỉ ngơi đi!

– ...

Nàng đối xử với bệnh nhân thế à?

Mắng Lục Thời Khanh xong, Nguyên Tứ Nhàn xắn ống tay áo, túm vạt áo ông lão, hung dữ nói:– Ông có thể chỉ nói suông là đoán được bệnh thì còn sợ gì chút bệnh dịch này chứ?

Ông lão run rẩy, rụt đầu rụt cổ:

– Tiểu nương tử, nhìn tướng mạo thì tiểu nương tử cũng là người nói đạo lý...

– Ai bảo ta nói đạo lý? Ông gặp ai nói đạo lý mà đẹp vậy chưa?

Nàng ngắt lời ông, quẳng ông đến trước giường Lục Thời Khanh:

– Đừng nói nhảm, dù là ôn dịch cũng phải chữa hết cho ta!

Tào Ám thấy đầu ông lão va vào giường thì bị dọa xuýt xoa ra tiếng, vội bước tới đỡ người dậy.

Lục Thời Khanh nhìn cũng thấy đau, không đành nhìn, xoay qua nói với Nguyên Tứ Nhàn:

– Cô thả ông ấy đi, ta không...

– Chàng im miệng, lo nghỉ ngơi đi!

– ...

Lục Thời Khanh tội nghiệp lại bị cấm khẩu lần nữa.

Ông lão thầm than nay ra ngoài quên xem hoàng lịch, gặp phải nữ ác bá thế này, nơm nớp bắt mạch cho Lục Thời Khanh, tay run run viết phương thuốc không biết hữu dụng hay không, xong được mời xuống phòng nhỏ dưới lầu "ở lại".

Nữ ác bá nói rồi, tiền khám bệnh gấp ba, bao ăn bao ở, nhưng nếu ông chữa không xong thì đừng hòng toàn thân trở ra.

Lục Thời Khanh trên giường bệnh thấy vậy, mấy lần muốn mở miệng giải thích nhưng vừa há miệng là bị ánh mắt Nguyên Tứ Nhàn liếc qua sắc lẻm, sau nhiều lần bèn dứt khoát im miệng.

Đương nhiên, ngoại trừ không cho y kéo màn, không cho y nói lung tung, thì nàng rất gần với bốn chữ "hiền thê lương mẫu", bận bịu mãi không xong, vừa vắt khăn đắp trán lau mặt vừa bưng trà dâng nước cho y.

Tào Ám nhìn lang quân bị sốt trong hạnh phúc, lặng lẽ lui ra.

Thể lực Lục Thời Khanh không tốt, vốn rất buồn ngủ, thấy không đuổi nàng đi được đành nhắm mắt ngủ, thế mà Nguyên Tứ Nhàn cứ thường xuyên lấy tay lạnh sờ trán y, mỗi lần như vậy đều khiến cơn buồn ngủ của y biến mất sạch sành sanh. Sau mấy lần, tâm tư và sức lực của y đều mệt mỏi, chờ nàng lại thò người tới, y nhắm mắt bắt lấy cổ tay nàng, nói:

– Đừng lộn xộn, để ta ngủ một giấc được không?

– Thì chàng cứ ngủ đi!

Nàng khó hiểu, nói rồi vuốt tay y, tiện thể thăm dò nhiệt độ lòng bàn tay, sau đó sờ trán y.

Cảm xúc này thoải mái và rõ rệt, Lục Thời Khanh thở dài:

– Cô như vậy sao ta ngủ.

– Ta thấy trước đây khi cha ta bệnh, mẹ ta đều chăm sóc cha như vậy mà...

Âm cuối của nàng kéo dài vô cùng oan ức, Lục Thời Khanh hơi khựng lại, mở mắt nhìn mới thấy nàng mím môi, đôi mắt nhìn chằm chằm y hơi ửng đỏ, giống như thật sự rất lo lắng cho y, vả lại còn có chút áy náy mà y khó hiểu.

Lúc nãy nhắm mắt nghe giọng nàng cứng rắn, y còn tưởng nàng không mấy để ý, hoặc căn bản không tin lời đại phu.

Ánh mắt y lấp lóe, hình như hơi sững sờ, lát sau mới hoàn hồn, cau mày nói:

– Cô nhìn ta như thế làm gì? Đừng nghe Tào Ám nói bậy, ta chưa từng tiếp xúc người bị bệnh dịch, tại gần đây mệt mỏi, hôm qua lại bàn chuyện với Kim Ngô vệ bên ngoài, hứng gió lạnh nhiều nên vậy thôi. Cô về nghỉ ngơi đi.

Nguyên Tứ Nhàn cụp mắt thở dài:

– Quả nhiên người sắp chết lời nói cũng thiện. Có điều chàng không cần an ủi ta, là ta hại chàng, ta có lỗi với chàng, tuy trước mắt vẫn chưa thể khiến chàng cam tâm tình nguyện cưới ta về nhà, nhưng nếu chàng vì ta mà chết, ta chắc chắn sẽ thủ tiết. Chỉ là Lục gia của chàng có lẽ sẽ không người nối nghiệp...

...

– Sau này ta sẽ tìm một mối hôn sự tốt cho Sương Dư, nhất định để nhi tử đầu tiên của muội ấy mang họ Lục. Còn về mẫu thân chàng, ta cũng sẽ chăm sóc bà như mẹ ruột ta. Đúng rồi, ở quê nhà Lạc Dương của chàng có người thân nào quan trọng không? Ta đón họ về Trường An cho ăn ngon mặc đẹp.

– ...

Nhìn Nguyên Tứ Nhàn với vẻ mặt "Ta đã thay chàng suy xét chu toàn, chàng còn tâm nguyện gì chưa thực hiện được không", Lục Thời Khanh từ từ mà chất phác chớp mắt ba cái.

Nàng đang nói gì, y sắp chết?

Lục Thời Khanh chưa kịp hỏi thì nghe tiếng gõ cửa, quay đầu thấy Tào Ám đưa thuốc đã nấu xong tới.

Nguyên Tứ Nhàn đứng dậy đón lấy chén sứ, bảo hắn lui xuống, sau đó bưng thuốc đến trước giường nói:

– Dậy nào, ta đút thuốc cho chàng uống, dẫu sao cũng ráng chữa ngựa chết thành ngựa sống.

"Ngựa chết" Lục Thời Khanh chống khuỷu tay ngồi dậy, đầu óc bị sốt hơi trì độn nhanh chóng xoay chuyển.

Lúc ở Thư Châu, vì khống chế tình hình bệnh dịch, y quả thật từng bôn ba nhiều lần giữa các hương dân, nhưng y nhớ mình chưa từng tiếp xúc với người bị bệnh dịch nào, lần bị cảm phong hàn này cũng chỉ là mệt mỏi cộng thêm hứng gió lạnh mà ra.

Mới đầu nghe Tào Ám nói linh tinh, đầu y còn váng vất, nhất thời chưa phản ứng, chưa kịp chất vấn lại. Sau đó qua thái độ của đại phu, y đương nhiên cho là đại phu bị Tào Ám mua chuộc, thấy Nguyên Tứ Nhàn cuống cuồng, y cũng muốn giải thích, nhưng bất đắc dĩ lần nào cũng bị nàng chặn họng.

Sau đó nữa, được nàng tỉ mỉ chăm sóc từng li từng tí, y nhất thời ngứa ngáy trong lòng, muốn để từ từ hẵng nói, nhưng khi mở mắt thấy vành mắt đỏ bừng của nàng, y không nỡ, muốn nói rõ chân tướng.

Nhưng nàng lại không tin, ngay cả hậu sự của y cũng sắp xếp xong xuôi, dáng vẻ thật sự xem y không sống được bao lâu.

Điều này thật khiến Lục Thời Khanh cảm thấy rối bời. Chẳng lẽ y bị sốt hỏng não nên nghĩ sai rồi, Tào Ám chưa từng lừa Nguyên Tứ Nhàn để thúc đẩy tình cảm hai người mà là y thật sự đã vô tình tiếp xúc với người bị bệnh dịch và giờ đây bệnh đã tới thời kỳ cuối?

Y kê sát cái muỗng do Nguyên Tứ Nhàn đưa tới, uống mấy ngụm thuốc, nhớ lại một lượt những gì nàng vừa nói, bất giác cả kinh:

– Nguyên Tứ Nhàn, ta thật sự nhiễm ôn dịch à? Cô nói là cô hại... cô hạ độc ta?

Lẽ nào y hiểu lầm, người mà Thiều Hòa bảo y phòng bị không phải đối thủ mà là Nguyên Tứ Nhàn?

Nàng sững sờ:

– Nói gì đấy? Độc chết chàng thì ai làm chỗ dựa cho ta chứ.

Lục Thời Khanh khựng lại, phản ứng nhanh, nắm được trọng điểm:

– Tìm ta làm chỗ dựa?

Nàng biết mình lỡ lời, nhưng nghĩ tới việc Lục Thời Khanh còn sống về Trường An được hay không là cả một vấn đề, vì nội tâm áy náy nên nàng không phủ nhận, khẽ ừ, cải biên lại đầu đuôi câu chuyện, giải thích:

– Có một ngày ta nằm mơ, mơ thấy mình chết rất thảm. Trong mơ, Bồ Tát nói với ta, thành Trường An có một lang quân vô cùng xinh đẹp, nếu ta có thể tìm được người đó làm chỗ dựa thì giấc mơ máu me tàn khốc ấy sẽ không biến thành hiện thực.

– ...

Khóe môi Lục Thời Khanh giật giật, thầm nhủ bản lĩnh nói dối của nàng đúng là càng lúc càng lớn, nhưng thấy biểu cảm nàng nghiêm túc, y lại không thể không hoài nghi những lời nàng nói là thật.

Câu chuyện thoạt nghe vô cùng hoang đường này xác thực có thể giải thích đủ loại hành vi của nàng suốt nửa năm qua.

Có điều, không phải y sắp chết à?

Y cử động khóe môi:

– Vậy ta chết rồi thì sao, thành Trường An còn lang quân khác, cô định thay chỗ dựa à?

Nguyên Tứ Nhàn thầm nhủ có chỗ nào nàng dựa được đâu, lịch sử đã bị nàng thay đổi mất rồi. Nàng thở dài:

– Ta đã nói là thủ tiết mà, không tìm nữa, mặc cho số phận thôi.

Lục Thời Khanh cảm thấy dáng vẻ cam chịu của nàng rất buồn cười, y nghĩ ngợi rồi nói:

– Cô gọi Tào Ám tới cho ta, sau đó ra cửa chờ.

– Chàng muốn dặn dò di ngôn hả?

– ...

Sao có cái loại người tích cực rủa chỗ dựa của mình chết thế nhở?

Y bất lực nói:

– Phải, dặn dò di ngôn, sắp chết rồi, có lẽ cô sẽ tôn trọng ý nguyện của ta, đừng nghe lén.

Nguyên Tứ Nhàn rời đi với vẻ mặt không nỡ, yên phận đợi ở cửa một lát mới thấy Tào Ám mặt mày xám xịt đi ra, trông giống như bị mắng xối xả tơi tả một trận.

Nàng không kịp hỏi nhiều, vội vào phòng Lục Thời Khanh, trở lại canh giữ trước giường y, nghiêm túc hỏi:

– Còn cần ta giúp chàng gọi ai không?

Lục Thời Khanh nghẹn.

Y đã hỏi Tào Ám, chuyện này là do hắn phá rối, đại phu cũng bị hắn mua chuộc. Nhưng trước mắt, Nguyên Tứ Nhàn tha thiết nhìn y như vậy, y căn bản không cách nào mở miệng nói là nàng bị gạt.

Y há miệng, do dự mấy lần, cuối cùng nhăn mày:

– Không, cô về phòng ngủ đi.

Nguyên Tứ Nhàn nói thế nào cũng không chịu đi. Lục Thời Khanh vốn mệt mỏi khan tiếng, cộng thêm chột dạ, nên lời nói không hề có sức uy hiếp, không thể đuổi nàng đi, thêm vào đó là mới uống chén thuốc chữa phong hàn, mí mắt thực không chống đỡ nổi, sau khi bị nàng nửa kéo nửa ấn, y vừa dính gối liền bất tỉnh nhân sự.

Tỉnh lại lần nữa đã là cuối canh ba, y vừa mở mắt thì thấy Nguyên Tứ Nhàn gối lên góc chăn y, nhoài người ngủ bên mạn giường, đầu ngón tay còn thăm dò lòng bàn tay y.

Lửa than trong phòng đã cháy hết, nến cũng vừa tàn, xuyên qua ánh sáng nhàn nhạt, y thấy mày nàng hơi nhíu, hàng mi dài tạo ra một bóng mờ dưới mắt, mũi ngọc quỳnh dao hơi ửng đỏ như bị đông lạnh.

Lục Thời Khanh xoa ấn đường, thở dài. Sao mình lại ngủ mất chứ.

Y khẽ khàng vén chăn xuống giường, khom người, một tay nhấc cánh tay nàng, một tay xuyên qua bắp chân nàng, tư thế đã chuẩn bị xong, nhưng y chợt dừng lại, nhìn chằm chằm bờ môi căng mọng gần trong gang tấc ấy, hầu kết lăn cái ực.

Y chợt nhớ tới giấc mơ vô căn cứ mà nàng nói. Kỳ thực so sánh với điều y từng tưởng, rằng nàng tiếp cận mình để thăm dò cơ mật chính trị, thì cách giải thích chỗ dựa này càng khiến người ta thoải mái hơn.

Quả thực nàng tiếp cận y là vì lợi dụng y, nhưng y có chỗ đáng cho nàng lợi dụng, hình như cũng không quá tệ.

Cho nàng dùng thì có sao đâu? Y làm chỗ dựa cho nàng, sau đó đòi chút báo đáp mà y nên có.

Y chậm rãi cúi đầu, lúc sắp chạm đến bờ môi nàng, y ngừng lại.

Bỏ đi, lần sau, đợi y khỏi "ôn dịch" rồi hẵng nói.

Lục Thời Khanh từ tốn mà trịnh trọng bế nàng lên, đưa về phòng sát vách.

Hôm sau, Nguyên Tứ Nhàn tỉnh lại trong ánh nắng rạng ngời, chờ ý thức được mình đang ở đâu, nàng giật mình lật đật xuống giường, ra ngoài định gõ cửa phòng Lục Thời Khanh thì bị Triệu Thuật ở hành lang gọi lại.

Hắn có vẻ do dự, hình như có lời muốn nói với nàng.

Nguyên Tứ Nhàn căng thẳng, nuốt một ngụm nước miếng, vịn khung cửa nói:

– Ngươi có gì cứ nói thẳng, ta chịu được.

Triệu Thuật lấy dũng khí, nói thẳng:

– Huyện chúa, người đẹp như vậy, tiểu nhân không đành lòng thấy lang quân và Tào Ám tiếp tục lừa người, trêu chọc người.

Nàng sững sờ, cau mày không hiểu.

Hắn tiếp tục nói:

– Lang quân chỉ bị nhiễm phong hàn, sáng nay đã hết sốt, ôn dịch gì đó đều là giả cả. Hôm qua tôi tận mắt thấy Tào Ám dùng vàng mua chuộc đại phu, ngay lúc người ngơ ngác trước giường lang quân đấy ạ.

Nguyên Tứ Nhàn khựng lại:

– Ngươi lặp lại lần nữa?

Triệu Thuật nhăn mặt:

– Tiểu nhân không thể lặp lại, tiểu nhân đi lĩnh phạt với lang quân đây ạ.

Lời hắn vừa dứt thì cửa phòng trước mặt Nguyên Tứ Nhàn đột nhiên mở ra, người mở cửa ăn mặc chỉnh tề, tinh thần sung mãn, trông quả thực bình an vô sự.

Lục Thời Khanh đứng đó, hình như thở phào nhẹ nhõm. Lúc Triệu Thuật gọi Nguyên Tứ Nhàn, kỳ thực y có nghe nhưng không ra ngăn cản. Chung quy giấy không gói được lửa, chi bằng để y chết một cách thống khoái.

Nguyên Tứ Nhàn thực sự bốc lửa, hàng mi run run chất vấn:

– Lục Thời Khanh, chàng thật lừa ta?

Lục Thời Khanh gật đầu. Tuy đêm qua nhiều lần trùng hợp, trò bịp này vốn cũng không phải ý của y, nhưng đúng là sau khi y biết chân tướng đã không giải thích ngay với nàng, cho nên y nhận.

Nguyên Tứ Nhàn nhất thời giận không còn gì để nói, cười như khó mà tin nổi, nhìn chằm chằm y chốc lát rồi quay đầu nói với xuống dưới lầu:

– Thập Thúy, thu dọn hành lý, về nhà.

Khoảng giờ ngọ, Nguyên Tứ Nhàn về đến Nguyên phủ.

Nguyên Ngọc trước đó đã nhận được tin tức, biết nay nàng về, chờ hạ nhân báo tiểu nương tử về, hắn vô cùng phấn khởi ra nghênh đón, vừa bước khỏi cổng phủ thì thấy nàng và Thập Thúy cùng một đội Kim Ngô vệ cẩn thận từng li từng tí theo sau không dám tới gần, hắn lấy làm lạ nói:

– Lục Tử Chú đâu? Nó dám không tiễn muội về phủ hả?

Nguyên Tứ Nhàn vốn cũng nhớ huynh trưởng nhưng bây giờ bị "thù hận" che mắt, hừ lạnh:

– Chết rồi.

Nguyên Ngọc kinh hãi, kéo cánh tay nàng lại:

– Muội nói gì? Lục Tử Chú chết rồi? Chết thế nào?

Nguyên Tứ Nhàn liếc hắn, nghiến răng nghiến lợi:

– Bị muội tết hình người đâm chết!

--------

Nguyên Ngọc kêu "hả", nhìn Thập Thúy với ánh mắt nghi vấn.

Thập Thúy chớp chớp mắt với hắn, ra hiệu là tiểu nương tử và Lục thị lang cãi nhau.

Nguyên Ngọc "à" một tiếng dài, chớp chớp mắt theo, ý bảo Thập Thúy chăm sóc tốt cho tiểu nương tử.

Nguyên Tứ Nhàn thấy vậy, quăng ánh mắt dao găm qua họ:

– Hai người làm gì thế? Mắt bị chuột rút à?

Dứt lời, nàng hằm hằm xoay người bỏ đi, được vài bước thì quay đầu bồi thêm một câu:

– A huynh, huynh đen thêm nhiều đấy!

Nguyên Ngọc ghét nhất bị chê đen, vì nếu hắn không đen thì đã có thể cùng Lục Thời Khanh và Trịnh Trạc xếp vào "Trường An tam mỹ". Hắn tức tối quát theo bóng lưng nàng:

– Nguyên Tứ Nhàn, muội muốn ăn đòn à! Ai chiều muội ra cái thói hư này hả!

Nguyên Tứ Nhàn đã đi không còn bóng dáng, hắn lặng lẽ bình tĩnh lại, dặn hạ nhân mang hành lý và Tiểu Hắc trên xe ngựa xuống, tiếp đó đi về phía đội Kim Ngô vệ theo sau.

Cả triều đều biết hôm trước thánh nhân phái Kim Ngô vệ đón Lục khâm sai về kinh, nhưng trước mắt đội người này lại theo Nguyên Tứ Nhàn về đây, nghĩ cũng biết chắc chắn là Lục Thời Khanh ra lệnh.

Kim Ngô vệ không phải là nhân vật mà Nguyên gia họ có thể tùy tiện sai phái, hắn đi nhanh một đoạn, chắp tay với thủ lĩnh giáp đỏ, nói:

– Hôm nay trời rét, chư vị hộ tống xá muội về phủ, dọc đường vất vả, mời vào bên trong uống ly nước nóng.

Đội người thấy Nguyên Ngọc đến gần bèn cùng nhau xuống ngựa, người đi đầu trả lời:
– Ý tốt của tướng quân, chúng tôi xin nhận, chỉ là các huynh đệ phải về phục mệnh với thánh nhân, không trì hoãn nữa, cáo từ.

Nguyên Ngọc vốn cũng chỉ nói lời khách sáo, nghe vậy hơi lúng túng ho một tiếng, nói:

– Đợi đã, ngươi đưa tai qua đây.

Chờ thị vệ trẻ tuổi ấy nghi hoặc kề sát lại, hắn mới hỏi:

– Lục thị lang dặn các ngươi thế nào? Nói ta nghe.

Thị vệ ồ lên bừng tỉnh, đáp:

– Lục thị lang bảo chúng tôi dọc đường đi theo huyện chúa, đầu ngựa cách đuôi xe 12 trượng, không được xa hơn, không được gần hơn.

Nguyên Ngọc cười, vỗ vai hắn cổ vũ:

– Rất tốt, về phục mệnh đi.

Hắn chỉ muốn thăm dò xem Lục Thời Khanh bây giờ có thái độ gì với Nguyên Tứ Nhàn nên mới hỏi câu này. Trước mắt xem như đã có đáp án.

Câu "12 trượng" này nghe đơn giản nhưng có học vấn bên trong. Xa hơn một chút, nếu xảy ra chuyện thì Kim Ngô vệ sẽ ngoài tầm tay với, gần hơn một chút thì với tính Nguyên Tứ Nhàn, đoán là sẽ chê người ta phiền.

Xem ra chuyến đi này của muội muội không uổng công, Lục Thời Khanh càng ngày càng để tâm tới muội ấy rồi.

Tâm hắn đã định, bèn đi vào viện Nguyên Tứ Nhàn, định làm người hòa giải, bảo muội ấy đừng giận nữa, nhưng tới nơi lại nghe nói nàng vừa đi tắm, hắn đành đợi trong thư phòng.

Thư phòng này mới được dọn ra cho Nguyên Tứ Nhàn trong ba tháng nàng vắng phủ, hiện tại bày biện bên trong xem như đã đầy đủ. Chỉ là trước kia nàng ở bên ngoài, Giản Chi không dám đụng lung tung vào đồ đạc của nàng, lúc nãy được nàng cho phép, Giản Chi mới sai các hạ nhân dọn ít đồ chơi và sách trong phòng nàng trước đây qua.

Nguyên Ngọc ngồi nhìn bọn hạ nhân bận ra bận vào, chán chường nghĩ dù sao cũng rảnh rỗi, bèn đứng dậy giúp nàng dọn dẹp, lúc xếp một chồng sách thì bất ngờ có một xấp giấy mỏng từ bên trong rơi ra.

Giấy trắng mực đen viết một chuỗi tên rất dài, trong đó hắn biết được vài cái tên, nhận ra những người này đều là lang quân trẻ tuổi thành Trường An.

Nguyên Ngọc đờ người, vẫy tay ra hiệu Giản Chi và Thập Thúy qua, cầm giấy hỏi:

– Tứ Nhàn lén ta chọn phu quân à?

Thập Thúy nhìn, đáp:

– Thưa lang quân, không phải ạ. Khoảng bốn tháng trước, có một lần tiểu nương tử sai nô tỳ liệt kê ra những lang quân trong thành Trường An có tuổi tác xấp xỉ lục hoàng tử và có quan hệ tốt với ngài ấy, đồng thời nhận ra được tiểu nương tử. Sau khi điều tra, nô tỳ phát hiện lục hoàng tử qua lại với người khác đa phần đều nhạt như nước, thật ít có người nào quan hệ tốt, hoặc là nói, từ bề ngoài nhìn không ra, nên nô tỳ đành gom hết mấy người có chút xíu qua lại vào đây cả.

Nguyên Ngọc gật đầu, nhìn danh sách lần nữa:

– Vậy sao không tính Lục Tử Chú?

Thập Thúy sững sờ, lại gần nhìn, kinh ngạc nói:

– Đúng nhỉ. Nô tỳ ngày ngày nghe tiểu nương tử nhắc Lục thị lang, ngược lại lại bỏ sót ngài ấy.

Thập Thúy vừa nói xong thì nghe một âm thanh vọng vào:

– Tính y làm gì? Dù sao cũng không thể là y.

Nguyên Tứ Nhàn đến, khắp người đều là hương hoa lộ (1), xem chừng tắm vô cùng ác.

(1) Hoa lộ: chất lỏng được chưng ủ từ cánh hoa.

Nguyên Ngọc cầm giấy đứng dậy:

– Có với chả không, muội tra cái này làm gì?

Xung quanh đều có hạ nhân, nàng không tiện nói nhiều, chỉ bỏ lại một câu qua loa "không có gì". Bốn tháng trước, lúc Thập Thúy đưa danh sách, nàng đã phát hiện thiếu Lục Thời Khanh, nhưng có thêm y cũng vô dụng. Nàng đang tìm người yêu thầm nàng nhiều năm trong mộng, loại người dùng lỗ mũi nhìn người khác như Lục Thời Khanh sao có thể chứ.

Nguyên Ngọc cũng không hỏi nhiều, thấy nàng còn giận thì khuyên:

– Nha đầu muội chưa hết giận à? Nào, ngồi nói chuyện với a huynh, Lục Tử Chú rốt cuộc chọc giận muội thế nào?

Nguyên Tứ Nhàn không muốn nói. Cái khác thì thôi, cùng lắm là lãng phí chút lương tâm và tình cảm, nhưng quan trọng là, nàng vì hiểu lầm y còn sống không lâu mà khai ra chuyện tìm y làm chỗ dựa mất rồi.

Điều nàng giận nhất kỳ thực là chuyện này. Bị Lục Thời Khanh lừa nói ra lời tận đáy lòng, biết nàng không hề thật lòng với y, nỗ lực nửa năm qua của nàng chẳng phải công cốc sao?

Thấy nàng không đáp, Nguyên Ngọc tiếp tục nói:

– Ây da, hay là bây giờ a huynh tìm người tẩn y một trận nhé?

Nàng lườm hắn, hừ nhẹ:

– Huynh muốn ăn cơm tù à? Y lợi hại lắm, hở tí là đòi báo quan bắt người đấy.

– Sao, y dám bắt đại cữu tử tương lai à?

Nguyên Tứ Nhàn nghe vậy sững sờ.

Thấy nàng như vậy, Nguyên Ngọc giải thích:

– À, muội chưa biết. Mấy ngày trước, thánh nhân triệu huynh tới nghị sự vài lần, có một lần nói tới hôn sự của muội, nghe ý ngài thì có lẽ muốn ban hôn cho muội và Lục Tử Chú đấy, nói đợi tới tháng chạp, cha mẹ chúng ta tới Trường An sẽ thương lượng kỹ càng sau.

Nguyên Tứ Nhàn giật mình suýt vỗ bàn:

– Chuyện quan trọng như vậy, sao không ai hỏi ý kiến muội thế?

Nguyên Ngọc nhìn nàng:

– Muội theo đuổi người ta tới tận Thư Châu, cả triều đều biết ý kiến của muội rồi, được chưa? Nếu thật phải hỏi thì là hỏi xem người ta có đồng ý cưới muội hay không mới đúng.

Nguyên Tứ Nhàn bị tức hồ đồ.

Ba tháng không gặp, a huynh nàng bị ai đổ thuốc mê rồi!

Nàng đứng dậy nói:

– Muội hối hận không được à? Muội không gả nữa, bảo y tự cưới chính mình đi!

Nguyên Ngọc ngớ người chốc lát, cho lui hạ nhân, chờ trong phòng chỉ còn lại Nguyên Tứ Nhàn mới nói:

– Tứ Nhàn, không phải muội nói Lục Tử Chú là đế sư tương lai, sẽ phò tá thập tam hoàng tử đăng cơ nên chúng ta phải nhanh chóng lôi kéo núi dựa này làm đồng minh sao?

Nguyên Tứ Nhàn than thở:

– Vốn là như vậy không sai, nhưng gần đây muội đột nhiên nghĩ, kỳ thực lịch sử chưa chắc sẽ đi theo quỹ tích ban đầu, dù sao vì muội đã tham gia rất nhiều nên nhiều chuyện đã khác. Nói về Lục Thời Khanh, sao huynh biết kiếp này y có thể tiền đồ xán lạn hay không? Nói không chừng vì mê luyến nữ sắc của muội mà y thành kẻ vô tích sự thì sao?

Nàng nói rất có lý, Nguyên Ngọc cạn lời, im lặng hồi lâu mới hỏi:

– Vậy muội thấy sao?

– Không chơi nữa không chơi nữa, để muội nghỉ ngơi trước, quan sát một thời gian rồi nói sau.

Nguyên Tứ Nhàn quả thực bôn ba mệt mỏi, nghỉ ngơi liên tiếp mấy ngày, mãi đến khi Giản Chi nhắc nhở nàng là Hứa tam nương đã đợi ở thành Trường An mấy tháng, nàng mới vỗ đầu tỉnh lại, bắt tay an bài, sai người truyền tin cho Từ Thiện, nói sơ lược đầu đuôi.

Từ Thiện không từ chối lời mời, chỉ nói hôm sau có chuyện quan trọng nên e sẽ đến hơi muộn. Nguyên Tứ Nhàn đến chỗ hẹn với Hứa tam nương trước, đến bờ sông Lộc, thấy một chiếc thuyền ô bồng (2) hẹp dài đậu bên bờ sông hơi nước mịt mờ, mái thuyền dùng nan trúc bện vô cùng khéo léo, loáng thoáng có thể thấy màu sơn đỏ trong khoang thuyền.

(2) Thuyền ô bồng: loại thuyền đặc trưng ở Thiệu Hưng, Chiết Giang, vì mái che thuyền được sơn đen nên có tên như thế.

Đây là cảnh sông nước Giang Nam, ở Trường An ít có.

Người trong khoang thuyền nghe tiếng bước chân đến gần, khom người ra đón, thấy Nguyên Tứ Nhàn thì hình như hơi kinh ngạc nhưng nhanh chóng thu lại biểu cảm ấy, mỉm cười với nàng, không hỏi nàng là ai.

Nàng ấy không nghiên cứu Nguyên Tứ Nhàn, nhưng Nguyên Tứ Nhàn không nhịn được, lặng lẽ đánh giá nàng ấy.

Nữ tử trước mắt tóc dài đen nhánh, tóc mai mỏng mảnh, mắt hạnh môi đỏ, má hồng hây hây, dung nhan xinh đẹp không hề giống như 24 tuổi, tư thái cũng thướt tha đẫy đà vừa đủ chứ không ốm yếu như trước đây nàng tưởng. Nàng ấy ăn mặc không đơn giản, váy màu anh thảo với gấu váy rườm rà, trang sức châu ngọc, không hề giống phong thái "tài nữ" thông thường.

Nguyên Tứ Nhàn cười đáp trả, giải thích đơn giản:

– Tiên sinh có việc trì hoãn, rất nhanh sẽ đến.

Hứa Như Thanh gật nhẹ đầu:

– Bên ngoài lạnh, vào trong thuyền đi.

Nguyên Tứ Nhàn theo nàng ấy vào khoang thuyền, vừa vào liền ngửi thấy một mùi hương rượu mát lạnh, cúi đầu nhìn thì thấy giữa khoang thuyền có một bếp lò nhỏ đang đun một bầu rượu.

Nàng chợt nhớ ban nãy sắc mặt Hứa Như Thanh đỏ hồng, hình như quả thực uống rượu.

Thấy ánh mắt nàng nhìn bầu rượu, Hứa Như Thanh cười hỏi:

– Uống ly rượu cho ấm người nhé?

Nguyên Tứ Nhàn xua tay:

– Không cần đâu, đa tạ.

Nàng luôn cảm thấy bầu không khí hơi lúng túng, hình như không phải lúc uống rượu.

Nhưng Hứa Như Thanh giống như không mấy để ý, mời nàng ngồi rồi vừa rót rượu vừa nói:

– Thuyền ô bồng này do ta tự bện, phí hơn hai tháng, mấy hôm trước mới làm xong.

Nàng ấy nhấp hớp rượu, cười nói:

– Lần đầu tiên ta gặp chàng cũng là trên một chiếc thuyền ô bồng. Lúc đó ta theo tổ phụ đi du ngoạn, gặp chàng ở sông Tầm Dương hủy danh tiếng của tổ phụ ta.

Nàng ấy nói đại khái là chuyện Hứa lão tiên sinh và Từ Thiện chơi cờ vào 12 năm trước.

Nguyên Tứ Nhàn không lên tiếng, im lặng lắng nghe.

Hứa Như Thanh nói tiếp:

– Lúc đó chàng mới 18, ta 12 tuổi, rất nhiều chuyện đều không hiểu. Lần thứ hai gặp mặt là vào một đêm xuân của ba năm sau, lúc ta 15 tuổi cập kê. Vẫn là trên một chiếc thuyền ô bồng, ta chuốc chàng quá chén...

Nói tới đây, nàng ấy nhìn Nguyên Tứ Nhàn chưa xuất giá, cười nói:

– Cô còn nhỏ, ta uống nhiều lỡ lời rồi.

Nguyên Tứ Nhàn thật chưa trải qua chuyện ái ân, nhưng nàng ấy đã nói tới mức đó, sao nàng lại không hiểu chứ, nên chỉ mím môi cười cười cho qua.

Đúng lúc này, ngoài thuyền vọng đến tiếng Thập Thúy:

– Tiểu nương tử, Từ tiên sinh đến rồi.

– Ừ.

Nàng đáp, nhìn Hứa Như Thanh đối diện, đứng dậy nói:

– Cô và tiên sinh cứ hàn huyên ở đây đi.

Hứa Như Thanh gật đầu.

Nguyên Tứ Nhàn khom người ra ngoài, vừa nhìn liền thấy một người tay áo bào rộng, mộc trâm vấn tóc đang chậm rãi bước về phía thuyền ô bồng.

Nàng gật nhẹ đầu chào, nhưng trong lòng nghĩ tới lời Hứa Như Thanh vừa nói, nhất thời không để ý dưới chân, lúc lên bờ bước hụt, trượt trên bùn đất đóng sương, sắp ngã nhào.

Lục Thời Khanh không ngờ Nguyên Tứ Nhàn có màn phát huy "đặc sắc" như thế, y không hề nghĩ nhiều, túm cánh tay nàng kéo vào lòng.

-------

Lục Thời Khanh nhanh chóng hối hận, cái tay đáng ăn đòn này! Chưa kể đây không phải chuyện Từ Thiện nên làm, y quên mất cảm giác sống trong nỗi sợ dưới cái bóng người ta à.

Tiếc là cơ thể luôn nhanh hơn đầu óc, nàng đã va vào ngực, y cũng không tiện đẩy nàng xuống sông, thấy nàng đứng vững liền lập tức buông ra, lùi lại một bước:

– Từ mỗ thất lễ rồi.

Nguyên Tứ Nhàn vẫn chưa hết hoảng, khoát tay nói "đa tạ", cũng lùi về sau một bước, không hiểu sao hơi chột dạ vì sự thân mật ngoài ý muốn này, bèn quay đầu nhìn lại. Dưới cái nhìn ấy, nàng thấy nữ tử phía sau đứng lặng ở đuôi thuyền, ánh mắt xuyên thẳng qua nàng, nhìn người đối diện nàng.

Nàng thấy rõ, vành mắt Hứa Như Thanh đỏ lên, hình như vì nghe tiếng "Từ mỗ" kia.

Nàng chợt cảm thấy chật vật khó hiểu, gật nhẹ đầu với hai người họ rồi vội vã rời đi.

Lục Thời Khanh cố duy trì hướng cổ, kiềm chế bản thân không nhìn nàng, theo Hứa Như Thanh vào trong thuyền ô bồng.

Nguyên Tứ Nhàn còn chính sự muốn bàn với Từ Thiện nên không rời đi ngay mà ở trên bờ chờ hai người. Xa xa nàng nhìn thấy người lái thuyền chống mái chèo đưa con thuyền nhỏ từ từ ra giữa sông.

Tình huống trong thuyền ô bồng không như nàng tưởng tượng. Hứa Như Thanh mời Lục Thời Khanh ngồi vào bên trong xong thở dài:

– Tử Chú, là con à?

Lục Thời Khanh hình như cũng không có ý định giấu giếm, y gỡ mặt nạ xuống, khôi phục giọng nói của mình, áy náy nói:

– Sư mẫu, để người đi uổng công một chuyến rồi.

– Không tính là uổng công, ba năm không nghe giọng chàng, con bắt chước giống lắm.

Hứa Như Thanh rót cho y chén rượu, cười khổ:

– Chỉ có con mới thừa nhận "sư mẫu" này, đừng để chàng nghe thấy, bằng không chàng lại không vui.

Lục Thời Khanh nuốt khan khó nhọc, cau mày.

Hứa Như Thanh tự nói:– Một ngày ba năm trước, ta nhận được thư chàng, trong thư nói chàng muốn vân du tứ hải, ngắn thì năm năm mười năm, dài thì vĩnh viễn không có ngày về. Ta không tìm được chàng mới chạy đến Trường An hỏi con, kết quả lời giải thích của con lại y hệt chàng.

Sau đó nàng không về nhà.

Chàng nói muốn vân du tứ hải, nàng sẽ lật tung cả tứ hải để tìm chàng.

– Ba tháng trước, lúc nghe tổ phụ nói đến kỳ phổ, kỳ thực ta cũng biết không phải là chàng, nhưng sợ lỡ như phải thì sao, dù khả năng là một phần vạn, ta cũng không dám để mất. Người mang ta tới đây bảo ta đợi hơn hai tháng, mãi đến khi con đi công vụ về kinh, vị tiểu nương tử ban nãy mới mang tin cho ta. Ta liền đoán có lẽ đó là con.

Nói tới đây, nàng cười:

– Tử Chú, mất chàng, ta nhớ đến mức như vậy đấy, con hà tất lại giúp chàng gạt ta. Con nói ta biết với, chàng ra đi thế nào? Trước khi đi... chàng có đau không?

Lục Thời Khanh cảm thấy lưỡi mình đắng chát, trầm mặc một hồi mới nói:

– Lão sư bị ám sát trên đường vào kinh, lúc con chạy đến, người chỉ còn chút hơi thở cuối cùng, gắng gượng viết thư cho sư mẫu, bảo con thay người đưa đến Giang Châu. Con an táng người ở Lạc Dương phụ cận.

Hứa Như Thanh nghe xong, trầm mặc rất lâu, lúc mở miệng lần nữa là nở nụ cười:

– Người chàng nhớ nhất cõi đời này, quả nhiên vẫn là ta.

Rồi lại nói:

– Lạc Dương tốt lắm, mẫu đơn nở đẹp, đúng lúc ta muốn đi xem xem.

Nói xong, nàng ngửa đầu uống chén rượu nóng, sau khi đặt chén xuống thì hỏi:

– Là ai làm?

Lần này, ngữ khí lạnh đi rất nhiều.

Lục Thời Khanh thoáng cau mày:

– Sư mẫu, mấy chuyện này đã có con, người đừng quan tâm, lão sư cũng không mong người nhúng tay vào.

Nàng gật đầu, không khăng khăng nữa, cười cảm khái:

– Con nói chàng kìa, theo ta làm một đôi dã uyên ương không lo không nghĩ tốt biết mấy, cứ đòi quản thiên hạ dân sinh chi không biết.

Lục Thời Khanh mím môi:

– Thế gian không thiếu người "hữu đạo tắc hiện, vô đạo tắc ẩn" (1), chỉ thiếu người chí sĩ "vô đạo tắc hiện" (2) như lão sư. Chuyện mà lão sư chưa kịp làm, con sẽ hoàn thành thay lão sư.

(1) Trích "Luận ngữ" của Khổng Tử, nghĩa: lúc thiên hạ có đạo thì ra mặt, lúc thiên hạ vô đạo thì ẩn mình.

(2) Vô đạo tắc hiện: lúc thiên hạ vô đạo, nhiễu nhương loạn lạc thì xuất hiện, đứng ra giúp đời.

Hứa Như Thanh liếc y:

– Làm khó con rồi.

Y lắc đầu:

– Lý tưởng của lão sư cũng là lý tưởng của con, không có gì khó cả.

– Mùa xuân năm ngoái, Giang Châu mất mùa, con phụng mệnh đi thị sát, có biết bách tính nơi đó nói gì về con sau lưng không?

Lục Thời Khanh ngẫm nghĩ, hứng thú hỏi:

– Chó săn của thánh nhân?

– Biết rõ nhỉ.

Nàng nhìn y dò xét:

– Sao, con không để bụng chút nào à?

– Vì sao con phải để bụng?

Y cười:

– Con dùng phương thức "chó săn" để làm chuyện con nên làm. Thế nhân càng hiểu lầm con, chứng tỏ thánh nhân càng tín nhiệm con.

Hứa Như Thanh đáp khẽ, hất cằm về phía bờ sông ở xa xa:

– Cũng không để bụng Nguyên tiểu nương tử người ta nhìn con thế nào à?

Lục Thời Khanh nghẹn.

Mới đầu y đương nhiên không để bụng, cho nên bất luận nàng khách sáo thăm dò lập trường chính trị của y thế nào, y đều mang dáng vẻ "ờ, được, ta sẽ chuyển lời cho thánh nhân", nhưng lần xuôi nam này, vì để đắp nặn hình tượng hào quang chính nghĩa, giá của y không còn, mà bài bản cũng mất luôn.

Thấy y á khẩu, Hứa Như Thanh bật cười.

Lục Thời Khanh nhìn nàng ấy:

– Sao người biết là nàng, lúc nãy nàng tự giới thiệu với người à?

Hứa Như Thanh lắc đầu:

– Nàng chưa nói. Ta nhìn phản ứng của con mà đoán thôi. Dù sao chuyện Lan Thương huyện chúa theo đuổi Lục thị lang đã đồn khắp phố lớn ngõ nhỏ rồi.

Lục Thời Khanh sững sờ:

– Chuyện này đã đồn tới Giang Châu rồi hả?

– Chưa, sau khi đến Trường An, ta mới nghe.

Thấy y thở phào nhẹ nhõm, Hứa Như Thanh cười nói:

– Có điều ta thấy tin tức của lão bá tánh không đúng, Lan Thương huyện chúa theo đuổi con chỗ nào chứ, rõ ràng là con nhung nhớ người ta mà.

Lục Thời Khanh lại nghẹn.

Hứa Như Thanh tiếp tục nói không tim không phổi:

– Không phải ta đả kích con, ta thấy thái độ của nàng đối với lão sư con không bình thường, ta nhìn mà ghen rồi.

Phải đó!

Lục Thời Khanh cuối cùng tìm được đồng minh có thể kể ra chuyện này, sắc mặt khó coi:

– Đừng nhắc nữa.

Hứa Như Thanh cũng hơi giận:

– Con nói con kìa, mượn tên tuổi lão sư thì cứ mượn, sao còn rước hoa đào cho chàng chứ? Ta mặc kệ vì sao con phải mượn tên chàng, trước đây ta không biết thì thôi, chứ bây giờ biết rồi thì nhất định phải gỡ sạch đóa hoa đào này.

Lục Thời Khanh thầm nhủ vậy hóa ra lại tốt, bèn hỏi:

– Sư mẫu có thượng sách gì?

Hứa Như Thanh vén mớ tóc rối trên trán, tự tin nói:

– Có.

– Xin sư mẫu chỉ giáo.

Một khắc sau, Nguyên Tứ Nhàn chống quai hàm ngồi bên bờ nhìn lòng sông ở xa xa, chợt thấy chiếc thuyền ô bồng nhỏ ấy bắt đầu dao động kịch liệt, trước sau trái phải, lắc qua lắc lại như sắp vỡ ra.

Nàng khiếp sợ nhìn chằm chằm từng vòng gợn sóng dập dềnh giữa sông, lát sau đưa mắt nhìn Thập Thúy cũng vô cùng kinh ngạc bên cạnh.

Thập Thúy đưa tay che mắt nàng, như khẳng định suy nghĩ của nàng:

– Tiểu nương tử, Từ tiên sinh quá lỗ mãng, người đừng nhìn thì hơn...

"Từ tiên sinh" "lỗ mãng" đang đen mặt, luống cuống ngồi trong khoang thuyền, nhìn Hứa Như Thanh đối diện đang ra sức đạp lắc thuyền mà không nỡ nhìn:

– Sư mẫu, người làm vừa vừa phải phải thôi...

Hứa Như Thanh thở hổn hển:

– Không được...! Ta nói con hay, nữ nhân hiểu nữ nhân nhất, sau lần này, đảm bảo tâm tư gì của nàng cũng đều bay biến sạch!

Lục Thời Khanh nghiến răng nghiến lợi:

– Nếu có ngày nàng biết thân phận của con, nhớ lại cảnh này, người bảo nàng nghĩ về con thế nào? Người như vầy không phải giúp con mà là đang đào hố cho con nhảy.

Hứa Như Thanh hùng hồn nói:

– Ta vốn dĩ đâu có giúp con. Ta chỉ không cho phép nàng ngấp nghé lão sư con thôi. Nếu con không để ta làm xong vở diễn này thì ta sẽ mật báo với nàng, vạch trần hết chuyện của con!

Nói rồi, chân nàng càng ra sức đạp mạnh hơn, vừa đạp vừa nói:

– Ta không bảo con cùng lắc với ta đã là rất biết "làm sư mẫu" rồi.

Lục Thời Khanh bất lực nhìn trời, thở dài, cảm nhận độ lắc của thuyền, khó xử:

– Nhưng có phải người đạp hơi quá không, làm gì...

Làm gì mà kịch liệt dữ vậy.

Hứa Như Thanh phì cười:

– Tử Chú, chắc không phải con là gà tơ chưa ăn mặn hả?

– ...

Lục Thời Khanh nhẫn nại nói:

– Xin người chú ý cách dùng từ của sư mẫu.

Hứa Như Thanh vừa lắc vừa cười:

– Lão sư con không còn, đương nhiên phải do ta chỉ bảo con rồi. Con nhớ lấy, đây là lão sư con lắc, con phải trò giỏi hơn thầy, bằng không Nguyên tiểu nương tử sẽ chê con.

– ...

Lục Thời Khanh nghe không nổi nữa, khóe môi giật giật, nói qua loa:

– Học sinh xin nghe giáo huấn của sư mẫu.

Nhưng Hứa Như Thanh vẫn chưa xong, bảo ban tiếp:

– À đúng, con nhớ canh giờ nữa, phải để ý giờ giấc đấy.

Y nghiến răng nghiến lợi:

– Người mau mau lên, nay trời lạnh, nàng mặc ít lắm.

Hứa Như Thanh nhìn y:

– Không cho phép dùng danh nghĩa lão sư con quan tâm nàng.

– Biết mà.

Hứa Như Thanh cuối cùng cũng chịu dừng, gọi người lái thuyền ở mũi thuyền bị lắc tới đầu óc choáng váng đưa thuyền về, sau đó giả vờ bước chân phù phiếm, khom người xuống thuyền đi vào bờ, khi đến trước mặt Nguyên Tứ Nhàn thì cười nói:

– Nghe nói huyện chúa và A Thiện có chuyện quan trọng cần thương lượng, ta về trước.

Nguyên Tứ Nhàn không thấy lạ khi nàng ấy biết thân phận mình, nghĩ là Từ Thiện nói, nhưng trong lòng vẫn còn chút lúng túng với cảnh ban nãy nên không nhiều lời, chỉ gật đầu với nàng ấy.

Hứa Như Thanh gật nhẹ đầu rồi rời đi, được mấy bước hình như nhớ ra gì đó, quay đầu nói nhỏ vào tai nàng:

– Chuyện giữa cô và Lục thị lang, ta ở thành Trường An nghe được không ít. Ta dạy cô này, miệng nữ nhân chúng ta không phải dùng để dỗ ngọt bên tai nam nhân, phí hết tâm tư nói một ngàn lời ân ái cũng không hữu ích bằng hôn người ta một cái. Nếu không tin, lần sau cô thử xem, bảo đảm làm ít ăn nhiều, tóm gọn vào tay.

Hứa Như Thanh tự cảm thấy mình làm chuyện tốt giúp Lục Thời Khanh, nói xong thì bỏ đi "không màng danh lợi", để lại Nguyên Tứ Nhàn đơ người tại chỗ.

Lục Thời Khanh xuống thuyền đúng lúc thấy cảnh hai người kề tai nói nhỏ, không biết Hứa Như Thanh nói gì, lòng tò mò ngứa ngáy nhưng không thể dùng thân phận Từ Thiện để hỏi, đành kiềm chế lại, thong thả bước đến trước mặt Nguyên Tứ Nhàn, vừa định mở miệng thì thấy mặt nàng hơi ửng đỏ, giống như bị gió lạnh thổi.

Y vốn định hỏi nàng, hôm nay trừ dẫn Hứa tam nương đến gặp y thì còn chuyện gì muốn thương lượng với y không, nhưng bây giờ y dừng lại. Y cực kỳ muốn nói: trên bờ lạnh lắm, có lời gì để lên thuyền hẵng nói nhé.

Nhưng y đã hứa với Hứa Như Thanh là không dùng thân phận lão sư để quan tâm nàng.

Nguyên Tứ Nhàn thấy y muốn nói lại thôi, bèn hỏi:

– Tiên sinh muốn nói gì? Cứ nói thẳng là được.

Dứt lời, đúng lúc nàng bị gió lạnh thổi hắt hơi một cái.

Lục Thời Khanh lần này không nhịn nữa, nói:

– Bên ngoài trời lạnh, huyện chúa theo ta lên thuyền nói chuyện tốt hơn.

Nói xong, y thật muốn đánh mình một bạt tai.

Xảy ra chuyện như vậy, y cũng đâu có muốn.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #yt