C101-105

Trong Tử Thần điện, Trương bộc xạ đang diện thánh.

Huy Ninh Đế thấy không có buổi triều mà ông ta cố ý xin gặp, bèn hỏi:

– Sao thế, Trương bộc xạ cũng vừa sáng là nghe nói chuyện đêm qua à?

Trương Trị Tiên cười chắp tay:

– Chuyện này xôn xao như vậy, e là ai cũng bị kinh động cả.

Huy Ninh Đế cười khẽ, nghe ra ý ngầm của ông ta:

– Trương khanh cứ nói đừng ngại.

Ông ta gật đầu:

– Thưa bệ hạ, tạm chưa bàn rốt cuộc do ai làm, từ chuyện vợ con Lục thị lang bị bắt cóc ở Lục phủ, ngài có thấy lục điện hạ quá quan tâm đến Lan Thương huyện chúa không ạ? Lục thị lang liều mạng là vì vợ con, nhưng lục điện hạ là vì điều gì?

Huy Ninh Đế không lên tiếng. Sáng nay vừa mở mắt là ông nhận được tin tức đêm qua, lập tức phái người ra khỏi thành kiểm chứng, đồng thời sai một nhóm thái y đến Lục phủ và một nhóm đến hoàng tử phủ.

Thái y đã bẩm với ông về thương thế của Trịnh Trạc, nói là tay phải của hắn bị nứt xương, không thể cầm đao cầm bút trong thời gian dài, về sau có thể bình phục như trước hay không cũng rất khó nói.

Ông trầm mặc rồi nói:

– Trẫm biết khanh muốn nói lục lang cứu Tứ Nhàn với ý đồ không thuần khiết, rất có thể là để lấy lòng Nguyên gia nhằm có sự ủng hộ của Nguyên Dị Trực. Nhưng trẫm cho khanh biết, tay phải của lục lang rất có khả năng bị phế đấy.

Trương Trị Tiên giật mình.

– Nếu nó thật có mục đích không thuần khiết, nó nên biết chừng mực. Một võ nhân bị phế tay phải thì còn tay trái, nhưng khanh cho rằng một thái tử bị phế tay phải còn có thể khiến mọi người phục sao?

Trương Trị Tiên tức khắc á khẩu, dường như không thể nào chấp nhận được Trịnh Trạc thật sự chỉ ra tay vì tình cảm, bèn nói:– Nhưng hành tung của lục điện hạ thật sự đáng ngờ, vì sao ngài ấy lại ở ngoài thành lúc nửa đêm?

Huy Ninh Đế dần mất kiên nhẫn:

– Trẫm đã hỏi rồi, Tiết tài nhân gần đây không được khỏe, hay bị đau nửa đầu, lục lang hỏi thăm được một phương thuốc dân gian nhưng bị thiếu một thảo dược hiếm nên hai ngày nay đêm nào nó cũng dẫn người ra núi tuyết ở ngoại thành để tìm. Đêm qua trên đường về thì nó nghe tin của Lục gia mới gấp rút đuổi theo.

Dẫu sao Trịnh Trạc cũng là hoàng tử có chức vụ trong người, bố trí thuộc hạ tai mắt chú ý động tĩnh các hướng trong kinh thành là điều không thể bình thường hơn. Chỉ dựa vào những điều này, căn bản không chứng minh được gì.

Trương Trị Tiên thấy Huy Ninh Đế có thái độ như thế, đương nhiên không tiện nói xấu Trịnh Trạc nữa, đành nhắm vào người khác:

– Chuyện của lục điện hạ có lẽ thần nghĩ nhầm. Nhưng thần cảm thấy, Lục thị lang bôn ba vì vợ con là điều không có gì phải bàn, song hành động gấp rút về nhanh ngàn dặm khó tránh không phù hợp tác phong nhất quán của y. Liệu Lục thị lang có khả năng cùng Nguyên gia...

– Trương bộc xạ!

Huy Ninh Đế ngắt lời ông ta:

– Lời khanh nói có qua não chưa thế?

Lúc Huy Ninh Đế đang nổi giận ở Tử Thần điện thì Nguyên Ngọc cũng đang cáu kỉnh nhìn hai kẻ ôm ôm ấp ấp xem a huynh bên cạnh như không tồn tại, hắn đen mặt nghiến răng phất tay áo rời đi, đến bên cửa thấy Giản Chi và Thập Thúy mỗi người bế một đứa trẻ bước đến.

Hắn nhìn tiểu lang quân được Thập Thúy bế, đưa mắt ra hiệu cho nàng ấy cứ đi tiếp rồi run tay áo mở cửa rời đi.

Ban đầu Lục Thời Khanh biết Nguyên Ngọc ở phía sau nên cố kiềm chế, bây giờ đang ôm Nguyên Tứ Nhàn, muốn thân mật nồng thắm ôn chuyện với nàng thì nghe tiếng bước chân từ phía sau vọng đến, y quay đầu nhìn, ra hiệu hai tỳ nữ đặt con lên giường rồi lui ra.

Nguyên Tứ Nhàn xoa mặt y:

– Lát nữa ôm chàng sau, để thiếp bế con trước đã. Đêm qua thiếp chỉ nhìn muội muội chứ chưa kịp nhìn ca ca.

Lục Thời Khanh than thở, nhìn nàng buông y ra, quay đầu bế bé trai bên cạnh.

Chắc vì mất rồi lại quay về nên động tác của Nguyên Tứ Nhàn vô cùng cẩn thận, không ngờ đứa bé vừa vào lòng nàng là khóc, bất kể nàng dỗ thế nào cũng không nín.

Nàng nghi hoặc ngẩng đầu hỏi Lục Thời Khanh:

– Có phải con đói không? Lúc thiếp ngủ, có ai cho con bú không?

Lục Thời Khanh gật đầu:

– Để ta gọi một bà vú tới rồi sai người bế con ra cho bú.

Y muốn đón lấy con.

Nguyên Tứ Nhàn tránh tay, không cho y bế:

– Thiếp dậy rồi thì đương nhiên để tự thiếp cho bú, sao lại giao cho bà vú?

Y trầm mặc, thấy nàng định vén vạt áo thì đè tay nàng lại, nghiêm túc nói:

– Nam nữ thụ thụ bất thân.

Y nổi điên gì thế? Nàng khó tin nhìn y:

– Đây là con trai thiếp.

– Con trai cũng không được.

Nguyên Tứ Nhàn ưỡn bộ ngực căng đầy với y:

– Thế chàng thì được hả?

Đó vốn là câu hỏi ngược nhưng Lục Thời Khanh lại gật đầu:

– Ta thì được.

– Sao chàng là thể loại cha như vậy chứ...

Lục Thời Khanh nhướng mày:

– Ngày đầu tiên nàng biết ta à?

Lục Thời Khanh đích thực là loại người có thể ghen với rắn đực, ngay cả với bản thân mình cũng ghen nốt, nhưng Nguyên Tứ Nhàn cảm thấy y không tới mức vô cớ gây sự trong chuyện con cái, thấy thái độ y bá đạo khác thường, nàng hơi sinh lòng ngờ vực, do dự nói:

– Có phải thiếp mắc bệnh gì nên sữa không tốt cho con...

Câu này là nàng rủa cả chính mình.

Sắc mặt Lục Thời Khanh trầm xuống, toan lên tiếng thì thấy mặt mày nàng ủ rũ, thần sắc ảm đạm, y dịu giọng:

– Là đại phu nói hiện tại cơ thể nàng yếu ớt, không đủ sữa cho hai đứa bé. Nàng chăm muội muội trước đi, giao ca ca cho bà vú, chờ nàng khỏe hơn hẵng nói.

Nguyên Tứ Nhàn bĩu môi, chuyện bé tí xíu, cứ nói thẳng ra là được, bày đặt quanh co lòng vòng, làm nàng suýt tưởng mình mắc bệnh nan y gì.

Đứa bé cứ khóc mãi không ngừng, Lục Thời Khanh quay đầu gọi Thập Thúy vào, bảo nàng ấy bế bé đưa cho bà vú.

Nguyên Tứ Nhàn lưu luyến nhìn con trai, dặn Thập Thúy đợi bà vú cho bú xong thì bế bé vào, khi cửa phòng đóng lại, nàng mới bế con gái.

Con gái khá ngoan, lúc được bế dường như biết nàng là mẫu thân, thoải mái nằm trong khuỷu tay dựa vào lòng nàng cọ cọ.

Nguyên Tứ Nhàn cúi đầu nhìn khuôn mặt bé bỏng ấy không chớp mắt, nói:

– Hình như con giống chàng đấy.

Hai đứa bé vừa ra đời, kỳ thực khó phân biệt rõ ngũ quan giống ai, Nguyên Tứ Nhàn cũng chỉ cảm giác mơ hồ mà thôi.

Lục Thời Khanh cẩn thận sờ chóp mũi con gái, thấy bé nhăn mũi khó chịu thì người luôn có biểu cảm đạm nhạt như y lại bật cười ra tiếng, nói với Nguyên Tứ Nhàn:

– Nó nhăn mũi trông giống nàng.

Thấy thái độ của y với con trai và con gái bất đồng, Nguyên Tứ Nhàn cố ý trêu:

– Giờ chàng hết nhớ nam nữ thụ thụ bất thân rồi hả?

Lục Thời Khanh hình như thật sự không nhớ, đưa tay đòi con gái từ nàng:

– Cho ta bế một lát.

– Tay chàng không sao chứ?

Y lắc đầu:

– Đêm qua lúc đón lấy, ta cố ý điều chỉnh tư thế tránh lực va đập, không đáng ngại.

Nguyên Tứ Nhàn lúc này mới dám giao con cho y, thấy con gái vào lòng y cũng mềm mại dán vào ngực y ngủ thoải mái, nàng không khỏi cau mày nghĩ:

– Ngoan thế sau này có bị người ta lừa không nhỉ?

Lục Thời Khanh ngẩng đầu nhìn nàng:

– Ai dám cứ lừa thử xem?

Nguyên Tứ Nhàn cảm thấy bộ dạng y bao che con rất thú vị, đột nhiên nàng cũng muốn được bao che, bèn giang tay với y:

– Thiếp cũng muốn ôm.

Lục Thời Khanh cười nhìn nàng, dịch đứa bé trong lòng, dành ra một tay nói:

– Qua đây.

Nguyên Tứ Nhàn chui vào lòng y, vừa dựa y vừa chọc đứa bé trong khuỷu tay y, chọc một hồi nàng chợt cảm thấy thiêu thiếu gì đó bèn ngẩng phắt đầu:

– Ôi chao, suýt quên mất, vẫn chưa đặt tên cho tụi nhỏ!

Lục Thời Khanh vừa hay cũng nghĩ đến chuyện này, bèn hỏi:

– Nàng đặt hay ta đặt?

Nàng nghĩ ngợi rồi bĩu môi nói:

– Chàng đặt đi, chàng đọc sách nhiều.

Y cười:

– Vậy con gái tên Nguyên Thù.

Nguyên Tứ Nhàn kinh ngạc ngước mắt:

– Theo họ thiếp à? Như vậy không hay lắm đâu!

Lục Thời Khanh nghẹn, đen mặt nói:

– Lục Nguyên Thù.

– Ừm.

Nàng cười ngại ngùng:

– Được, nguyên là nhất, thù là đẹp, con gái chúng ta sau này nhất định là thiên hạ đệ nhất mỹ nhân.

– ...

Một cái tên vốn rất nghệ thuật sao vào miệng nàng lại tầm thường thế nhỉ.

Lục Thời Khanh trưng vẻ mặt "nàng vui là được", nàng hỏi:

– Muội muội tên Lục Nguyên Thù, vậy ca ca thì sao?

Hỏi xong, nàng tự nghĩ ra:

– Ca ca cũng không được thua, cũng đặt tên với nghĩa là đẹp nhé? Lục Nguyên Mỹ, Lục Nguyên Tịnh, Lục Nguyên Tuấn? Chàng chọn một cái đi.

– ...

Nhìn vẻ mặt "ta chọn đi chết" của y, Nguyên Tứ Nhàn thở dài:

– Được, chàng đặt.

Lục Thời Khanh sờ xoáy tóc của nàng để thể hiện sự khen ngợi và công nhận khả năng tự hiểu rõ mình của nàng, sau đó mở lòng bàn tay nàng, viết vào một chữ.

Nguyên Tứ Nhàn nhận ra:

– Trăn? Lục Nguyên Trăn?

Y gật đầu.

Nàng nghĩ ngợi rồi gật đầu như giã tỏi:

– Chữ này hay.

Nói xong, nàng vỗ ngực y:

– Không hổ là thám hoa lang.

Nàng vỗ rất nhẹ nhưng không ngờ Lục Thời Khanh lại không kìm được ho khan.

Nguyên Tứ Nhàn thu lại ý cười, nghe tiếng ho ấy không ổn thì ngồi dậy khỏi ngực y:

– Phổi chàng bị thương?

Có lẽ biết nàng nghe ra nên Lục Thời Khanh không phủ nhận, chỉ nói:

– Không sao, nghỉ ngơi là khỏe thôi.

Y nói rất nhẹ nhàng nhưng Nguyên Tứ Nhàn không yên tâm.

Năm ngoái, Lục Thời Khanh bị đâm đã tổn thương phổi. Bây giờ trên quãng đường từ Hồi Hột đến Trường An, để đuổi kịp nàng lâm bồn mà y phi ngựa không dừng vó đi suốt ngàn dặm, cộng thêm đêm qua bị nội thương, e là vết thương cũ lại tái phát.

Nguyên Tứ Nhàn trước đó đã lo lắng chuyến này y đi gió sương vất vả sẽ hại đến cơ thể, bây giờ nghĩ lại đúng là sợ thứ gì trời trao thứ nấy.

Hèn gì y không chịu nổi mà ngất đi, còn bảo Nguyên Ngọc nói dối giấu nàng.

Nàng nhớ tới giấc mơ chẳng lành kia, nhớ tới tiếng khóc rấm rức của đoàn đưa tang và các nữ quyến trong mơ, nhớ tới bản thân ngột ngạt làm thế nào cũng không thể ra khỏi tảng đá để nhìn y một lần, chợt thấy trong lòng khó chịu.

Nhưng suy cho cùng, Nguyên Tứ Nhàn không nghĩ quá bi quan, nàng vẫn ngẩng đầu quyết đoán căn dặn: – Mấy ngày tới không cho phép chàng lên triều, chàng phải ở cữ cùng thiếp!

-----------

Nam nhân làm gì được nghỉ đẻ. Vết thương mới của Lục Thời Khanh chưa tới mức xin nghỉ bệnh, vết thương cũ lại không thể để Huy Ninh Đế biết, muốn viện cớ nghỉ việc để thanh nhàn đâu phải chuyện dễ dàng.

Nhưng Nguyên Tứ Nhàn chỉ có chút tâm nguyện nhỏ bé này, y không thể không đáp ứng nàng.

Lục Thời Khanh ôm hai mẹ con, cau mày trầm tư.

Nguyên Tứ Nhàn thấy vẻ mặt y khó xử, nàng toan nói lời mất hứng thì chợt hàng mày y giãn ra nói:

– Có rồi.

Lục Thời Khanh ăn cơm cùng Nguyên Tứ Nhàn xong thì đứng dậy đi viết một bức công văn kể sơ lược tình hình Hồi Hột và thái độ của mọi người trong vương thất, hôm sau sai Tào Ám thay y trình vào cung.

Huy Ninh Đế gặp Tào Ám, đương nhiên không thể để hắn đi tay không về, bèn vung tay sai người chuẩn bị ít đồ bổ thượng hạng cho Lục phủ, bảo thái giám thân cận cùng hắn đến phường Vĩnh Hưng, tiện thể mang theo một thái y.

Hôm qua thái y trong cung đã phụng mệnh đến Lục phủ, nhưng lúc đó Nguyên Tứ Nhàn chưa tỉnh nên không bắt mạch cho nàng, chỉ hỏi thăm đại khái, bây giờ đi thêm một chuyến đã không phải có ý quan tâm nữa mà là thăm dò.Huy Ninh Đế đa nghi, vốn không có khả năng hoàn toàn tin tưởng một ai, dù là Lục Thời Khanh cũng vậy. Trước đó sở dĩ ông nổi giận với Trương Trị Tiên, kỳ thực không phải vì ghét ông ta nói năng không lựa lời, mà vì theo bản năng cảm thấy sợ hãi lời ông ta nói.

Lục Thời Khanh tuy chỉ là một quan tứ phẩm nhưng quyền thế trong tay thực quá lớn, còn là do tự tay Huy Ninh Đế trao cho. Quả thật tể phụ Trương Trị Tiên luôn bất hòa với y, không phải không có khả năng thừa cơ bỏ đá xuống giếng, nhưng những lời ấy đã cảnh tỉnh lão hoàng đế, một thần tử nhiều lần tiếp xúc với vương thất Nam Chiếu và Hồi Hột là một sự tồn tại rất nguy hiểm. Nếu muốn, y có thể đạt thành hiệp nghị bí mật với địch quốc trong hai lần đi sứ, nếu cộng thêm sự ủng hộ của Nguyên Dị Trực thì hậu quả thậm chí khó mà tưởng tượng.

Thế là hôm qua, Trương bộc xạ đã nêu ý tưởng cho Huy Ninh Đế. Trưởng tử Nguyên gia là Nguyên Ngọc nhiều năm không con nối dõi, nay Nguyên Tứ Nhàn đã có trai gái lưỡng toàn, sao không nhân cơ hội này sắc phong một trong số đó rồi đưa vào cung nuôi nấng để thể hiện "thánh ân". Như vậy có thể nói là vừa nắm Lục gia vừa phòng bị cả Nguyên gia.

Ngoài mặt Huy Ninh Đế không đáp, nhưng thực tế hơi dao động, chỉ là thánh ân giả tình giả ý như vậy, hai nhà Nguyên – Lục đương nhiên biết rõ hàm nghĩa bên trong, Nguyên Tứ Nhàn lại vừa xảy ra chuyện, ông không tiện cướp con của nàng vào lúc này, tốt nhất để tìm hiểu rõ tình trạng sức khỏe nàng thế nào rồi nói sau.

Thái giám đến, Lục Thời Khanh cung kính ra đón, kế đó để thái y bắt mạch cho Nguyên Tứ Nhàn.

Thái y bắt mạch xong hơi kinh ngạc, trở về bẩm lại với Huy Ninh Đế theo đúng sự thực, rằng cơ thể Nguyên Tứ Nhàn trong vòng 3 đến 5 năm kế tiếp chắc chắn không thể sinh con, sau này liệu có để lại mầm bệnh hay không, liệu có cơ hội mang thai nữa hay không, đều phải xem nàng nghỉ dưỡng thế nào.

Huy Ninh Đế nghe xong, nhất thời do dự.

Lòng phòng bị của ông với Lục Thời Khanh là lo trước lo sau chứ chưa thật muốn không nể mặt vị thần tử ông sủng ái xưa nay, vừa nghe tình trạng Nguyên Tứ Nhàn như thế là ông biết chuyện bắt con không dễ làm, đành tạm thời kìm lại.

Kỳ thực từ lúc mang thai, Nguyên Tứ Nhàn đã lo lắng chuyện này, thấy thái y tới bắt mạch liền đoán thánh nhân đã nổi lên ý đồ. Dù sao lão hoàng đế không phải lần đầu dùng chiêu đó, trước đây sau khi phong vương cho cha, ông không cho a huynh còn nhỏ tuổi đi theo đến Điền Nam chính là có ý giữ huynh ấy lại làm con tin.

May mà bây giờ sức khỏe nàng không tốt, trong cái rủi có cái may, giữ được cả hai đứa bé.

Song trong lòng lão hoàng đế đã chôn xuống hạt giống nghi ngờ và sẽ càng lúc càng lớn mạnh, con đường sau này càng khó đi, nàng sợ chuyện này sớm muộn cũng giáng xuống đầu đứa trẻ.

Nhưng Lục Thời Khanh bảo nàng đừng lo lắng, sau đó y nhàn nhã lưu loát viết một phong thư từ quan, hôm sau sai người đưa đến Tử Thần điện.

Nguyên Tứ Nhàn thoạt đầu giật mình, nhưng vừa suy nghĩ liền hiểu ngay, đây là phương pháp lấy lùi để tiến quen dùng của y và Trịnh Trạc.

Phong thư từ quan "đầy tâm huyết" ấy là đang nói với Huy Ninh Đế rằng y đã rõ ý của ông và vô cùng đau lòng mất mát. Có câu "tan xương nát thịt không hề sợ, chỉ cầu trong sạch ở nhân gian", thánh nhân đã không tin tưởng y thì y sẵn lòng từ quan về quê, quay về Lạc Dương sống đời nhàn nhã, sau này không hỏi chuyện triều chính nữa. Vừa khéo chuyến này y đi Hồi Hột, dọc đường ăn gió nằm sương, cùng Đột Quyết giao chiến sinh tử mấy lần nên thân thể e cũng bị mài mòn, nếu thánh nhân ân chuẩn thì quá tốt.

Nguyên Tứ Nhàn cảm thấy lần này y chơi lớn, nếu hôm sau Huy Ninh Đế viết chữ "duyệt" lên thư từ quan thì vui.

Nhưng kết quả không có nếu thì gì cả. Vì Lục Thời Khanh nói, trong công văn hôm trước báo cáo tình hình Hồi Hột, y đã âm thầm để vài chỗ lấp lửng dụ dỗ lão hoàng đế, dù không tính đến lâu dài, chỉ tính trước mắt Hồi Hột và Đột Quyết đang tiến hành chiến sự, Huy Ninh Đế cũng không thể vứt bỏ y.

Huy Ninh Đế quả thực cuống cuồng sai thái giám tới, nói ông không duyệt thư từ quan ấy.

Vẻ mặt Lục Thời Khanh khó xử nói với thái giám là nếu thánh nhân còn có chỗ dùng tới y, đương nhiên y sẽ không kháng chỉ, chỉ là sức khỏe y vẫn chưa hoàn toàn hồi phục, nếu về triều ngay e không chịu nổi.

Thái giám vui vẻ nói, điều này không sao cả, thánh nhân cho phép y nghỉ một tháng để nghỉ ngơi thỏa sức.

Một chiêu lấy lùi để tiến khiến lão hoàng đế không dám vội vàng nghi kỵ đề phòng, quan trọng hơn là còn lừa được "một tháng nghỉ phép", Nguyên Tứ Nhàn không thể không cảm thán y quá thông minh.

Tuyên thị nói một lời thành sấm, thực khiến con trai ở cữ chung với con dâu.

Những ngày kế tiếp, Nguyên Tứ Nhàn ở trên giường, Lục Thời Khanh thực hiện lời hứa của y, nàng ở đâu y ở đó, đa số thời gian y đều nằm cùng nàng. Vì nàng không thể ra gió nên y cũng không tùy tiện ra ngoài, tránh nhiễm hơi sương làm nàng bị lạnh.

Hai bệnh nhân biến giường thành ổ, tha đồ ăn vặt lên giường. Ban đầu tiểu biệt thắng tân hôn, ăn cơm cũng phải chàng đút thiếp thiếp đút chàng. Chàng ăn rau cải của thiếp, thiếp ăn củ cải của chàng, chàng nhặt xương cá cho thiếp, thiếp lột vỏ trứng cho chàng. Sau đó cứ bên nhau như hình với bóng suốt 12 canh giờ như vậy thực khiến Nguyên Tứ Nhàn nhìn Lục Thời Khanh đến phát chán, bèn dồn tâm trí cho con.

Xe nôi của Lục Nguyên Thù được dọn qua cạnh giường hai người. Ban ngày Nguyên Tứ Nhàn cho con bú, nhưng do sức khỏe nàng chưa hoàn toàn hồi phục nên đến đêm thì do bà vú chăm sóc bé thay.

Còn về Lục Nguyên Trăn, từ sau hôm đầu tiên, nàng không nhắc đến chuyện đích thân cho bé bú nữa, cũng không tiện đặt bé mãi trong phòng, đỡ phải mỗi khi bé đói là phiền Lục Thời Khanh bế ra ngoài, đành để bé ở cùng bà vú nhiều hơn. Chỉ là nàng hay bảo muốn ngắm bé nên mỗi ngày bà vú bế bé qua mấy bận, còn thường gặp ngay lúc Tuyên thị đang trêu tôn nhi.

Cứ thế hơn 20 ngày, đến tháng ba mùa xuân, gần đến lúc đầy tháng con, Nguyên Tứ Nhàn hỏi Lục Thời Khanh có muốn tổ chức tiệc đơn giản cho hai huynh muội không.

Tiệc đầy tháng lẽ ra bất luận làm lớn hay làm nhỏ đều phải làm, vả lại Lục Thời Khanh còn là quan chức trong triều, mở tiệc mời đồng liêu là điều tất yếu. Nhưng y từ chối với lý do nàng chưa khỏe hẳn, không thích hợp mệt nhọc lo liệu tiệc tùng, nói đợi khi con thôi nôi sẽ làm bù một thể.

Vào tết hoa triều trước đây, lẽ ra tới lượt Lục Thời Khanh chủ trì tiệc lưu thương nhưng y cũng thoái thác với lý do này, và cũng như lần trước, Nguyên Tứ Nhàn nghe vậy không hề khăng khăng ý mình mà nghe theo y an bài.

Lại thêm mấy ngày, Lục Thời Khanh đã nghỉ dưỡng thương đủ, phải quay về triều. Nguyên Tứ Nhàn cũng ở cữ xong, có thể ra ngoài cho thông thoáng. Sau khi y đi làm, nàng muốn mang hai con ra ngoài đón gió xuân nhưng hỏi bà vú thì được biết sáng nay Lục Nguyên Trăn bú không tốt, Lục Thời Khanh lo con bệnh nên lúc đi đã tiện thể bế theo bé đưa đến y đường của Cát đại phu khám bệnh.

Nguyên Tứ Nhàn cảm tạ bà vú, không hỏi nhiều, đợi mãi đến hoàng hôn cũng không thấy Lục Thời Khanh đưa con về, nàng bèn bế Lục Nguyên Thù đến thăm Tuyên thị.

Tuyên thị quả thực đang lo cho tôn nhi, Nguyên Tứ Nhàn trấn an bà vài câu, sau đó để con gái lại trong viện bà để bà phân tâm, còn nàng thì quay về phòng đợi Lục Thời Khanh.

Lúc về y chỉ về một mình, vừa vào cửa là nàng đứng dậy hỏi:

– Nguyên Trăn đâu?

Y trầm mặc chốc lát rồi nói:

– Vẫn đang ở y đường.

Nguyên Tứ Nhàn nghiêm mặt lắc đầu, bước đến trước mặt y, nhìn thẳng vào y, hỏi rõ từng chữ:

– Thiếp hỏi, Nguyên Trăn đâu?

Y im lặng hồi lâu rồi đưa tay xoa má nàng:

– Con đang rất tốt, sẽ đoàn tụ với chúng ta nhanh thôi.

Nghe câu này, nước mắt mà Nguyên Tứ Nhàn cố nhịn nửa ngày cuối cùng không kìm được tràn mi.

Đêm đó, con nàng chưa được cứu. Sau vài ngày là nàng nhận ra chỗ bất thường. Ban đầu xuất phát từ trực giác giữa mẫu tử, kế đó liên tưởng tới thái độ kỳ lạ của Lục Thời Khanh dành cho đứa bé ấy và sự mất tự nhiên của a huynh hôm nọ, nàng càng thêm nghi ngờ.

Nàng nhanh chóng nảy ra một suy nghĩ đáng sợ: có lẽ con bị tráo rồi.

Lúc cứu, Lục Thời Khanh không biết đứa bé là thật hay giả, nhưng y làm việc luôn thận trọng, sau khi về chắc chắn sẽ xác nhận lại. Nàng và Tuyên thị đều chưa nhìn thấy Nguyên Trăn trước khi bé bị bắt cóc, nhưng bà đỡ, Giản Chi, Thập Thúy và mấy tỳ nữ đều từng thấy bé, cho nên nếu bé bị tráo thì không khó để nhận ra.

Nhưng Lục Thời Khanh chọn giấu nàng và Tuyên thị, thậm chí bảo tất cả mọi người xung quanh nói dối hai người. Nguyên nhân không phải vì y định dùng con người khác để giấu giếm cả đời, mà vì y tin chắc Nguyên Trăn an toàn, vả lại sẽ quay về trong tương lai không xa, nên không muốn để hai người lo lắng. Dẫu sao mấy ngày sau khi sinh là vô cùng quan trọng với sự bình phục của Nguyên Tứ Nhàn, y biết không thể giấu nàng quá lâu, chỉ mong có thể giấu được ngày nào hay ngày nấy thôi.

Lục Thời Khanh nhẹ ôm lấy nàng, nói:

– Đừng lo, con ăn no mặc ấm, ba ngày sau là có thể quay về bên cạnh chúng ta thôi.

Nguyên Tứ Nhàn gật đầu khóc không thành tiếng, ngập ngừng:

– Cứu thế nào... làm sao cứu?

Lục Thời Khanh vỗ lưng nàng, nhẹ nhàng nói:

– Ta và nhạc phụ cùng bàn giết lão vương Nam Chiếu.

Nguyên Tứ Nhàn ngẩng phắt đầu.

-----------

Vào khoảnh khắc đó, trong đầu nàng lướt qua một lượt những gì đã xảy ra.

Chuyện bắt cóc này trông có vẻ trôi chảy lưu loát, kỳ thực rất khó làm, không phải vớ bừa một đối thủ nào của Lục Thời Khanh cũng làm được. Ban đầu nàng chỉ nghĩ được hai khả năng: một là Bình vương, hai là Tế Cư.

Nhìn từ toàn bộ sự việc, đối phương chắc chắn đã trù tính rất lâu chứ không phải mới ngày một ngày hai.

Thứ nhất, Nguyên Tứ Nhàn lâm bồn sớm nhưng đứa bé được dùng để đánh tráo cũng ra đời trong khoảng thời gian đó, chênh lệch gần như không quá một ngày. Đây không phải chuyện có thể thu xếp ổn thỏa trong lúc vội vàng. Nói cách khác, khả năng cao đối phương đã thu gom các phụ nhân có thời gian mang thai xấp xỉ nàng từ các nơi về, đồng thời thu xếp sẵn cho họ ở kinh thành đợi lệnh.

Thứ hai, mật đạo chẳng khác nào điểm chí mạng của Lục Thời Khanh và Trịnh Trạc. Sau khi Lục Thời Khanh rời kinh, mật đạo này chưa từng được sử dụng, đồng thời canh phòng ở Từ trạch cũng càng chặt chẽ hơn trước. Nếu nói nó bị lộ trong thời gian gần đây thì thật khiến người ta khó mà tin nổi. Cho nên, Nguyên Tứ Nhàn nghĩ, e là mật đạo bị phát hiện càng sớm hơn nữa.

Chỉ từ điều này là có thể kết luận, người lập ra kế hoạch không phải Bình vương mà là Tế Cư.

Vì mật đạo bị lộ đồng nghĩa với thân phận "Từ Thiện" cũng bị lộ. Một khi Bình vương phát hiện điều này sẽ không dùng nó vào việc bắt cóc mà sớm đã ngừng đối phó Thái Hòa, chuyển sang truy cùng đuổi tận Lục Thời Khanh, hoặc tiết lộ sự tồn tại của mật đạo cho Huy Ninh Đế.

Nhưng lập trường của Tế Cư thì khác. Sau khi biết mối quan hệ giữa Lục Thời Khanh và Từ Thiện, phản ứng đầu tiên của hắn ta không phải là đưa nó ra ánh sáng. Đúng là hắn ta có hợp tác với Bình vương, nhưng không thể nào làm bằng hữu vĩnh viễn với Bình vương. Để Trịnh Trạc và Lục Thời Khanh tiếp tục nội đấu với Bình vương, tiếp tục tiêu hao lực lượng của nhau mới là chuyện tốt với Nam Chiếu.

Bởi thế hắn ta lựa chọn không nói chuyện mật đạo với Bình vương hay Huy Ninh Đế mà âm thầm lên kế hoạch bắt cóc.

Nhưng kế hoạch này chỉ dựa vào một mình hắn ta thì không thực hiện được.
Từ bắt cóc người cho đến việc chia quân bốn hướng, mọi hành động đều xảy ra ở nửa sau đêm, lúc đó cổng thành Trường An đóng chặt, nếu không chuẩn bị sẵn mấy lệnh bài xuất thành thì căn bản không thể thực hiện. Nhưng một thái tử Nam Chiếu như hắn ta không thể có lệnh bài xuất thành, chỉ có thể nhờ Bình vương.

Do đó, Tế Cư đã tìm đến Bình vương từ sớm, đồng thời thuyết phục Bình vương giúp hắn ta hoàn thành nửa sau kế hoạch đưa người xuất thành.

Bình vương sẽ không mạo hiểm vì chuyện không có lợi, thế tại sao Bình vương lại đồng ý chuyện này? So với Tế Cư, mục đích của Bình vương tương đối đơn giản, chính là muốn dùng mẫu tử Nguyên Tứ Nhàn làm mồi nhử để lấy mạng Lục Thời Khanh.

Có lẽ Bình vương chưa phát hiện mắt xích Từ Thiện, nhưng nhiều năm nay không thể không nhận ra Lục Thời Khanh khống chế triều cục như se chỉ luồn kim, sự tồn tại của y là vật cản Bình vương leo lên vị trí cao.

Không giúp được thì hủy diệt. Sau khi Lục Thời Khanh liên tiếp đi sứ Nam Chiếu và Hồi Hột, thế như mặt trời ban trưa, Bình vương càng cảm nhận được uy hiếp, bởi vậy muốn mượn sức Tế Cư để diệt trừ hậu hoạn không phải là điều không thể lý giải.

Nguyên Tứ Nhàn nghĩ đến bước này rất rõ ràng, nhưng khi Lục Thời Khanh thốt câu "giết lão vương Nam Chiếu", nàng phát hiện mình nghĩ vẫn quá ít.

Ban đầu nàng nghĩ, mình và Thiều Hòa mang thai xấp xỉ nhau, có lẽ Tế Cư muốn đưa con của nàng vào Trường An làm "con tin" để nàng và Lục Thời Khanh trơ mắt nhìn con gần trong gang tấc lại không thể nào đoàn viên cùng nó, đã thế còn ngày ngày lo lắng sợ hãi, thậm chí vì an nguy của con mà giúp Nam Chiếu vào thời khắc mấu chốt.

Nhưng bây giờ xem ra, Tế Cư biết Lục Thời Khanh không phải hạng tầm thường, một lần đau ngoài ý muốn để mất con là đủ, không thể tiếp tục mặc kệ Nam Chiếu muốn làm gì thì làm nữa, cho nên tuy kế hoạch hoàn mỹ nhưng thực tế rất khó thực hiện.

Như vậy, nếu biết mong muốn đó quá nửa sẽ thất bại, vì sao hắn ta còn khăng khăng phí công như thế?

Vì dù kế hoạch thất bại, Tế Cư vẫn có lợi.

Đứa bé không rõ tung tích, ý đồ của Lục Thời Khanh là muốn tìm được Lục Nguyên Trăn trong thời gian ngắn nhất, biện pháp duy nhất là mau để "con tin" vào kinh. Bởi vậy, y phải làm hai việc: một, ám sát lão vương Nam Chiếu, để Tế Cư mau chóng đăng cơ; hai, đánh tráo đứa bé trước khi nó đến Trường An.

Mà hai việc này đều đúng ý Tế Cư.

Trước tiên nói về việc thứ nhất.

Từ khi Tế Cư đi sứ Đại Chu, đạt hiệp nghị hòa thân với triều đình, hắn ta đã chiếm thế thượng phong trong tranh đấu với nhị đệ, hơn nửa năm nay tình thế ngày càng phát triển. Nhưng ngày nào lão vương chưa chết thì ngày đó hắn ta chưa thể kế vị, để tránh đêm dài lắm mộng, hắn ta sớm đã nảy lên ý niệm giết cha.

Chỉ là chuyện này quá mạo hiểm. Hắn ta có thể giết lão vương nhưng khó đảm bảo có thể giết một cách thần không biết quỷ không hay, không để lại sơ hở nào. Khi mới đăng cơ, tình hình chính trị bất ổn, nếu có người nhân lúc ấy lấy chuyện hắn ta giết cha đoạt vị làm lý do để dấy binh tạo phản thì mọi thứ sẽ thành công dã tràng.

Cho nên, tình huống lý tưởng là: hắn ta không tự ra tay mà cố ý để phòng thủ vương cung lỏng lẻo cho kẻ khác vào giết. Nếu hung thủ này vừa khéo là một phần tử thuộc trung tâm quyền lực Đại Chu thì càng tốt.

Lại nói về việc thứ hai.

Bất kể Thiều Hòa mang thai rốt cuộc là thật hay giả, có thể chắc chắn Tế Cư chưa bao giờ có ý định đưa con ruột đến Đại Chu. Trước khi ra sức tung tin Thiều Hòa mang thai, hắn ta đã sắp xếp sẵn người thích hợp ở Nam Chiếu để làm "con tin".

Có điều, sau đó Nguyên Tứ Nhàn vừa khéo mang thai ở thời điểm tương tự, hắn ta mới nghĩ ra kế sách "tuyệt vời hơn" này.

Nhưng dùng đứa bé giả để lừa Huy Ninh Đế cũng sẽ có nguy hiểm.

Tế Cư không cách nào đảm bảo Đại Chu sẽ phát giác vấn đề lúc nào, cũng không cách nào đảm bảo lúc Đại Chu phát giác vấn đề, hắn ta đã ngồi vững đế vị hay chưa, có cần triều đình ủng hộ nữa không. Để thêm một lớp bảo hộ cho tương lai khó đoán, tốt nhất hắn ta lập thêm một vụ "đánh tráo" để trốn tránh trách nhiệm.

Đến lúc đó chuyện bại lộ, hắn ta có thể khăng khăng đứa bé mình đưa tới là thật nhưng giữa đường bị Lục Thời Khanh đánh tráo, thậm chí còn có thể cắn ngược lại, bảo Đại Chu trả con cho hắn ta.

Lục Thời Khanh biết rõ động cơ của Tế Cư. Nhưng đây là một dương mưu. Vì con, hai việc này y buộc phải làm.

Nghĩ thông những mắt xích này, Nguyên Tứ Nhàn không kìm được lo lắng ôm chặt y.

Lục Thời Khanh cười:

– Đời làm gì có vụ mua bán hời như vậy, bao nhiêu lợi đều do một mình Tế Cư chiếm hết? Đao của ta gác tới cổ lão vương Nam Chiếu rồi, nếu thật giết ông ấy, há chẳng phải quá mức ngu xuẩn sao?

Mắt Nguyên Tứ Nhàn lóe lên, thu lại ánh lệ:

– Ý chàng là...

– Giả chết.

Y nhàn nhạt chớp mắt:

– Nhạc phụ sẽ để ông ấy sống lại vào thời điểm đặc sắc nhất.

Đêm đó, Nguyên Tứ Nhàn nghe Lục Thời Khanh kể lại một lượt chuyện đã xảy ra mới biết, khoảng 20 ngày trước, cha đã lặng lẽ ra tay "ám sát" lão vương Nam Chiếu, đồng thời đánh tráo "thi thể" lão vương. Do đó trên thực tế, Tế Cư sớm đã đăng cơ, đưa "con trai" rời Nam Chiếu, nàng luôn ở cữ trong phòng nên không biết những chuyện này.

Nhằm tránh qua tay nhiều người sẽ xảy ra sự cố nên sau khi bắt cóc Lục Nguyên Trăn, kỳ thực Tế Cư chưa đón bé về Nam Chiếu mà giấu bé ở Đại Chu, chờ đoàn đưa con tin vào kinh mới bế bé lên xe ngựa.

Bởi vậy, đúng là bé chưa trải qua nỗi khổ chịu xóc nảy.

Lúc này, Nguyên Tứ Nhàn cuối cùng mới hiểu vì sao Lục Thời Khanh đặt tên cho bé là "Trăn". Ban đầu nàng cứ tưởng chữ "Trăn" ấy mang nghĩa "hoàn mỹ", hi vọng sau này con trai văn võ song toàn, nhân phẩm và tài học song tuyệt. Nhưng hóa ra không phải.

Trước khi diễn đạt ý "hoàn mỹ", ban đầu chữ "Trăn" mang ý "đi đến".

Y đang chờ con sớm quay về.

Không tổ chức tiệc lưu thương, không tổ chức tiệc đầy tháng, là vì y không muốn để người khác có cơ hội nhìn thấy đứa bé thay thế Nguyên Trăn, không muốn tạo nên bất kỳ điều trách móc nào cho Nguyên Trăn, cũng không muốn bất cứ thứ gì thuộc về Nguyên Trăn rơi vào tay người khác.

Một người trông lạnh lùng như Lục Thời Khanh lại là một người cha bảo vệ con tới cực điểm.

Nếu là hai năm trước, Nguyên Tứ Nhàn chắc chắn không tin nổi điều khó bề tưởng tượng này.

Lục Thời Khanh không nuốt lời, nói ba ngày chính là ba ngày.

Hoàng hôn ngày thứ ba, Nguyên Tứ Nhàn đợi trước cổng phủ như hòn vọng phu, cuối cùng chờ được y xuống xe ngựa, bế theo một bọc tã màu vàng óng, bên trong là một bé trai đang say ngủ.

Nàng vội chạy tới, thấy con, sóng lòng nàng trào dâng suýt rơi lệ.

Một tay Lục Thời Khanh bế con, một tay ôm nàng đi vào:

– Đừng khóc, lãng phí nước, không phải nàng luôn muốn cho Nguyên Trăn bú sao? Nè, muốn cho bú bao nhiêu thì cho.

Nguyên Tứ Nhàn vốn rất muốn khóc nhưng bị y nói làm bật cười hết khóc, véo mạnh vào eo y.

Đôi phu thê vẫn chưa biết nên nói thế nào với Tuyên thị về chuyện này, trước tiên lén bế Lục Nguyên Trăn đã ngủ vào phòng, sau đó mời đại phu tới, xác nhận bé vẫn mạnh khỏe tốt đẹp, mấy ngày qua luôn được ăn uống tốt thì mới có thể yên tâm.

Đại phu đi rồi, Nguyên Tứ Nhàn mới nhớ tới lời nhắc của Lục Thời Khanh, nguyện vọng ấp ủ đã lâu trong lòng trở nên mãnh liệt, nàng gấp gáp muốn cho Nguyên Trăn bú.

Kỳ thực sữa của nàng không ít. Trước đó Lục Thời Khanh nói cơ thể nàng không đủ sữa đều là lời dọa người. Nếu không nhờ Nguyên Thù đầu be bé mà sức ăn kinh người, cách một canh giờ là đòi bú thì e là nàng đã bị căng sữa tới phát điên mất.

Dù vậy, nàng vẫn bị căng sữa khó chịu mấy lần. Lúc đó nàng đã mơ hồ đoán được đứa bé không phải Nguyên Trăn nên không đòi cho bé bú sữa dư mà tự mình vắt bớt.

Lục Thời Khanh ngày ngày ở bên nàng một tấc không rời, nàng vừa khó chịu là y nhận ra ngay, đương nhiên tận tụy giúp đỡ nàng. Ban đầu y dùng tay, sau đó thấy lãng phí bèn đổi sang dùng miệng.

Nguyên Tứ Nhàn nhớ lại, kẻ làm cha này đúng là cướp đồ ăn của con trai cả tháng.

Nay Nguyên Trăn đã về, nàng phải bồi thường cho bé thật tốt mới được.

Nguyên Tứ Nhàn vén vạt áo, quen thuộc bế con vừa tỉnh ngủ, chuẩn bị cho con bú.

Lục Thời Khanh ngồi ở mạn giường, nhìn chằm chằm nàng không chớp mắt, thấy con trai quay đầu đi không muốn ăn, y nói:

– Có lẽ nó mới ăn no, lát nữa hãy cho bú.

Dứt lời, y bổ sung:

– Nếu nàng khó chịu thì để ta.

Ai cho y số hưởng mà bày đặt.

Nguyên Tứ Nhàn lườm y, kiên trì cho Nguyên Trăn bú.

Chuyện này thực không phải nàng bá đạo mà là nàng sợ, sợ con trai vừa ra đời đã không ở bên mình, sau khi xa cách một tháng, bé sẽ không còn thân với nàng nữa.

Nàng thấp thỏm dỗ Nguyên Trăn, dỗ cả buổi bé mới quay đầu qua bú.

Nguyên Tứ Nhàn vui vẻ, đang định nở nụ cười lấp lánh hào quang người mẹ thì không ngờ sau khi bú mạnh nàng một hơi, bé chợt buông ra, quay đầu.

"Phụt", sữa văng tung tóe, bắn thẳng vào mặt Lục Thời Khanh cận kề...

Kẻ đầu têu Lục Nguyên Trăn tránh né kịp thời, không mảy may ảnh hưởng, nhìn cha mặt đầy bọt trắng rồi nhìn mẹ sững sờ tại chỗ thì cười khúc khích rất ư là khoái chí.

Hồi lâu, Lục Thời Khanh đưa tay lau mặt, nuốt khan rồi nói:

– Lần này là con ruột không sai vào đâu được.

----------

Vạt áo Lục Thời Khanh dính đầy sữa, y vừa đau thương vừa vui vẻ đứng dậy đi thay y phục sạch, lúc quay về thấy Nguyên Tứ Nhàn đang ngồi bên giường mỉm cười cầm con chó gốm trêu con.

Con chó gốm trông sinh động đến mức khiến y suýt lùi bước.

Nghe tiếng bước chân, Nguyên Tứ Nhàn ngước mắt nhìn y, y đứng xa xa hỏi nàng:

– Nàng cho con chơi cái này làm gì?

– Đương nhiên là không muốn con giẫm vào bi kịch của cha nó. Muốn không sợ chó là phải dạy từ nhỏ.

Nàng nói năng hùng hồn, Lục Thời Khanh nghẹn, hờn dỗi ngồi bên cạnh nàng. Y đâu phải bẩm sinh sợ chó. Thay vì nói sợ, chi bằng nói y năm xưa bị chó liếm gây ra chướng ngại tâm lý thì đúng hơn.

Kể ra không biết nha đầu nghịch ngợm quậy phá trước đây rốt cuộc là tiểu nương tử nhà nào ở kinh thành. Y nhớ mang máng là nha đầu đó ăn mặc phú quý, hẳn không phải xuất thân trong gia đình bình thường, đại khái cỡ tuổi Nguyên Tứ Nhàn, nói không chừng nàng quen biết.

Lục Thời Khanh không phải người thích truy cùng đuổi tận, càng không thật so đo với một đứa trẻ, chỉ là bây giờ nhớ lại nên hơi tò mò bèn nghiêng đầu hỏi nàng:

– Năm đó ta cưỡi ngựa dạo phố, nàng còn ở kinh thành nhỉ?

Động tác trêu đùa với con của Nguyên Tứ Nhàn khựng lại, lòng thầm kêu hỏng bét.

Y nhớ lại chuyện quá khứ, nhận ra manh mối gì à?

Nàng đáp nhanh:

– Không, lúc đó thiếp đã theo cha đến Diêu Châu rồi.

Lục Thời Khanh "ừ", nàng hỏi:

– Sao tự dưng chàng hỏi chuyện này?Y lắc đầu:

– Ta chỉ nghĩ, nếu lúc đó nàng ở kinh thành chắc cũng sẽ đi xem náo nhiệt.

Vẻ mặt Nguyên Tứ Nhàn đầy thương tiếc, nịnh nọt nói:

– Phải, trước đó năm nào thiếp cũng đi! Tiếc là không thể tận mắt nhìn phong thái thời trẻ của chàng, nếu không, biết đâu thiếp không nỡ đến Diêu Châu rồi!

Lục Thời Khanh nghe vậy, cảnh giác nhìn nàng:

– Nàng lại mơ gì à?

Nàng nghiêm túc thở dài:

– Người ta nói thật mà cũng bị nghi có ý đồ bất lương. Lão nhân gia chàng thiếu lòng tin vào bản thân thế hả, Lục thám hoa, Lục thị lang?

Lục Thời Khanh cười nhìn nàng, ấn đỉnh đầu nàng xuống xoa hai xoáy tóc, rất tự nhiên tiếp nhận bối phận "lão nhân gia", cũng thở dài:

– Vớ phải tiểu tổ tông cái gì cũng tốt như nàng, ta đúng là không có lòng tin gì cả.

Nàng bế con, mỉm cười ngả vào lòng y, có vẻ rất thích thú những lời ngọt ngào hiếm thấy của y, nàng thỏa mãn cắn khẽ vào hầu kết y:

– Như vậy có phải có lòng tin thêm chút không?

Hầu kết Lục Thời Khanh lăn cái ực, toàn thân khô nóng cụp mắt nhìn nàng:

– Vừa ở cữ xong, chú ý chừng mực.

Nàng vỗ ngực:

– Thiếp khỏe rồi, ngược lại chàng có dưỡng khỏe chưa đấy? Đừng để gió thổi không lên được nghen.

Y không khỏi hít một hơi, đưa tay nắm cằm nàng:

– Nàng muốn thử?

Dứt lời, y cúi đầu nhìn Lục Nguyên Trăn đang mở mắt thao láo, ra hiệu nàng có gan thì đặt con xuống xem.

Nguyên Tứ Nhàn không có gan, nàng bế con làm bia đỡ đạn, đang cùng y quậy tưng lên thì chợt nghe tiếng gõ cửa. Là Tuyên thị và Lục Sương Dư nghe nói Nguyên Trăn được bế về nên qua hỏi thăm.

Hai phu thê cùng nghiêm mặt nhìn nhau.

Đứa bé bị tráo cả tháng nay, Nguyên Tứ Nhàn đã loáng thoáng nhận ra nhưng Tuyên thị hoàn toàn không biết, một lòng yêu thương nó như cháu ruột, giờ chợt nghe chân tướng, không biết bà có thoải mái không.

Nguyên Tứ Nhàn cũng biết Lục Thời Khanh lựa chọn không sai. Trước đó nàng và con bị bắt cóc là do bà đỡ tới lúc sau gây ra sự cố, bởi vậy Tuyên thị luôn cảm thấy có trách nhiệm của bản thân, lao tâm lao lực đến nỗi bị bệnh một thời gian. Nếu cho bà biết ngay lúc đó, e là cháu ruột chưa cứu về thì bà đã bệnh không dậy nổi.

Hai người đứng dậy đón Tuyên thị vào, khó xử một lúc rồi vẫn lựa chọn ăn ngay nói thật.

Tuyên thị hồi lâu không hoàn hồn, sau khi tỉ mỉ xác nhận nhiều lần với hai người thì hỏi đứa bé ban đầu đang ở đâu.

Lục Thời Khanh biết mẹ đã có tình cảm với đứa bé ấy, lẽ ra nuôi thêm một nghĩa tử cũng chẳng sao, nhưng giữ lại đứa bé ấy sẽ có khả năng mang đến phiền toái cho Lục gia. Dẫu sao y không rõ phụ mẫu nó rốt cuộc là ai, đành đến từ đâu thì đưa về đấy.

Tuyên thị nghe xong vẫn chưa quá bình tĩnh, bà suy nghĩ lung tung hỏi có phải Nguyên Trăn bị bệnh nặng gì nên họ mới dùng đứa bé này lừa bà không.

Trước đó Lục Thời Khanh phái Tào Ám đi tráo đứa bé, ngay lúc nhận được con, y đã xác nhận với hai bà đỡ dày dạn kinh nghiệm lần trước là sau tai con có một nốt ruồi son, bây giờ thấy Tuyên thị không nghe khuyên, y suýt gọi hai bà ấy và các tỳ nữ từng thấy Nguyên Trăn ngày hôm đó đến làm chứng.

Cuối cùng nhờ Lục Sương Dư khiến y đỡ phí công làm việc đó, muội ấy nhoài người bên xe nôi nhìn Tiểu Nguyên Trăn một lúc rồi quay đầu nói với Tuyên thị:

– Mẹ mau nhìn mắt nó nè, đúng là giống tẩu tẩu y như đúc!

Không trách Lục Sương Dư chú ý đầu tiên vào điểm này. Dẫu sao đúng là mắt hoa đào của Nguyên Tứ Nhàn vô cùng quyến rũ. Trước đây muội ấy đã bị đôi mắt đó hút hồn.

Tuyên thị lúc này mới vội vươn người xem.

Nói giống y như đúc là có hơi quá, dù gì đứa bé vẫn chưa hoàn toàn phát triển, nhưng đúng là trông hơi hao hao. Nhớ lại đôi mắt của đứa bé trước đây thì đúng là không có chỗ nào giống Lục Thời Khanh và Nguyên Tứ Nhàn, chỉ là lúc đó bé vừa ra đời, ngũ quan nhăn nhúm nên bà chưa nghĩ nhiều.

Bây giờ nhìn, hai mẫu tử Tuyên thị chợt hơi kinh ngạc.

Tuyên thị nhìn mũi Nguyên Trăn, nói với Lục Sương Dư:

– Sống mũi này giống a huynh con nè.

– Mặt be bé giống tẩu tẩu nè!

– Môi trên giống a huynh con, môi dưới giống tẩu tẩu con nè!

– ...

Đôi phu thê ngay cả môi cũng bị tách ra giật khóe miệng nhìn nhau, nhưng lòng thở dài một tiếng vui vẻ, chuyện này cơ bản xem như được giải quyết rồi.

Sau khi nhận đúng cháu ruột, Tuyên thị nghĩ đến những khổ đau mà bé có lẽ đã chịu cả tháng nay thì không còn tâm trí nghĩ đến đứa bé ban đầu nữa, bà đau lòng đến mức mấy ngày liên tiếp luôn ở cạnh Lục Nguyên Trăn.

Lục Sương Dư vốn thích Lục Nguyên Thù ngoan ngoãn vào lòng ai cũng ngủ được hơn, muội ấy thấy cô bé rất xứng với tên, nhưng bây giờ muội ấy cũng ham mới mẻ, muốn chơi với Lục Nguyên Trăn, bèn đi chợ Tây một chuyến mua đồ chơi dành cho bé trai.

Không ngờ đúng lúc gặp Đậu A Chương trên phố.

Lục Sương Dư lách mình trốn vào trong hẻm, thế mà vẫn bị đôi mắt tinh tường của hắn phát hiện. Hắn đứng ở đầu hẻm nói mình tuyệt đối không có ác ý, gọi nàng ra muốn nói cho nàng một bí mật.

Nhìn bộ dạng ngốc nghếch như dụ mèo của hắn, Lục Sương Dư chỉ sợ khiến người khác chú ý làm nàng mất mặt, đành thở dài bước ra.

Sau khi bái sư Lục Thời Khanh, Đậu A Chương luôn nỗ lực học hành, khắc ghi bài học lần trước nên khoa thi năm nay hắn không ăn đậu tương nữa, thế là đậu được tiến sĩ, hiện sắp ra làm quan.

Về thân phận của Lục Sương Dư, kỳ thực không giấu được bao lâu, dù sao nàng đâu thể ở mãi trong phủ để tránh Đậu A Chương. Có một lần vào mùa thu năm ngoái, nàng theo mẹ ra ngoài, tình cờ gặp hắn và bị hắn biết.

Sau khi Đậu A Chương biết, vì thân phận của nàng cao nên hắn càng thêm khắc khổ.

Thần sắc nàng mệt mỏi ra khỏi hẻm, đưa đồ chơi mua cho Tiểu Nguyên Trăn giao cho tỳ nữ phía sau, chán ghét nhìn hắn:

– Đậu tiến sĩ, nếu là bí mật thì không cần cho ta biết đâu, ta sợ bị diệt khẩu lắm.

Đậu A Chương có vẻ vô cùng hưng phấn:

– Không sợ không sợ, là chuyện liên quan tới lão sư, ta chỉ biết trước một chút, sau này mọi người đều sẽ biết thôi.

Lục Sương Dư cau mày:

– Liên quan tới a huynh? Bí mật gì?

Dứt lời, nàng bàng hoàng hít sâu:

– Chẳng lẽ a huynh làm chuyện gì trái lương tâm sau lưng tẩu tẩu...

Hắn vội xua tay ngăn trí tưởng tượng của nàng, thần bí nói:

– Nàng đưa tai qua đây.

Lục Sương Dư bán tín bán nghi kê tai qua, nghe hắn nói:

– Lão sư sắp thăng quan, từ tứ phẩm môn hạ thị lang thăng làm tam phẩm trung thư thị lang, chính thức bái tướng đấy!

Nàng nghe vậy cả kinh:

– Thật chứ?

Vẻ mặt Đậu A Chương kiêu ngạo như có thể viết ngay một bài "lão sư nhà ta là tể phụ", gật đầu nói:

– Đương nhiên là thật!

Tin tức của Đậu A Chương đúng thực không sai, chưa tới mấy ngày, chuyện Lục Thời Khanh thăng quan từ Tuyên Chính điện truyền khắp đầu đường cuối ngõ.

15 tuổi đậu cao làm quan, 24 tuổi bái tướng, Lục Thời Khanh quả thành một thần thoại sống ở Đại Chu. Dù rằng khi gặp, mọi người vẫn gọi y một tiếng "Lục thị lang", nhưng sức nặng của tiếng thị lang này đã không còn như trước.

Trên dưới triều đường đều chúc mừng Lục Thời Khanh, ngoài mặt nịnh nọt trong lòng ghen ghét, nhưng Nguyên Tứ Nhàn hiểu rõ, đây e là chiêu ngoài thăng trong giáng của lão hoàng đế.

Khoảng mười ngày trước, chiến sự tây bắc đã chấm dứt vào khoảnh khắc đầu nhị hoàng tử rơi xuống đất. Tuy Đột Quyết chưa hoàn toàn bị diệt nhưng chỉ còn lại chút tàn binh nương nhờ địa hình phản kháng. Liên quân Hồi Hột – Đại Chu càng thêm thắng thế, triệt để phá tan quân địch chỉ là chuyện sớm muộn.

Tin chiến thắng truyền tới kinh thành, luận công đầu đương nhiên thuộc về Lục Thời Khanh.

Năm ngoái y đi đàm phán, không mất một binh một tốt đã thành công đẩy lùi đội quân Nam Chiếu, sau khi về được ban thưởng vàng bạc. Lần này, Huy Ninh Đế vốn cũng có thể chỉ thưởng ít đồ đạc, không ngờ vừa khéo thượng cấp trực tiếp của y là môn hạ thị trung trí sĩ.

Môn hạ thị trung là trưởng quan của môn hạ tỉnh, một trong các tể phụ nắm thực quyền của triều đình, Lục Thời Khanh là người đứng thứ hai trong môn hạ tỉnh, vốn là ứng cử viên sáng giá để thượng vị thay thế, lại gặp lúc luận công ban thưởng, nên thăng chức là điều hợp lẽ.

Nhưng Huy Ninh Đế không cho y làm chức môn hạ thị trung này.

Lịch sử Đại Chu từng có một vị hoàng đế làm trưởng quan trung thư tỉnh trước khi kế vị, bởi thế về sau chức trung thư lệnh không còn ai dám làm mà bỏ trống quanh năm, đổi thành người đứng thứ hai trong trung thư tỉnh, tức trung thư thị lang làm trưởng quan thay thế, tổng lĩnh trung thư tỉnh, trở thành một trong các tể phụ của triều đình.

Nhưng chức trung thư thị lang ấy dẫu sao cũng chỉ là chức làm thay, thấp hơn một bậc trong số các tể phụ, nếu so với chức môn hạ thị trung thì chỉ có thể xem là phó tướng.

Nói cách khác, nếu Lục Thời Khanh tiếp tục ở lại môn hạ tỉnh, khả năng cao là chẳng bao lâu sẽ leo lên vị trí đỉnh làm chủ tướng, nhưng bây giờ "thăng chức" như vầy thì chỉ làm phó tướng. Tuy phẩm cấp tương đương nhưng dẫu sao vẫn kém hơn một bậc.

Song Nguyên Tứ Nhàn không cảm thấy mất mát. Vì trong giấc mơ của nàng, cuối cùng chính Lục Thời Khanh ngồi vào chức trung thư lệnh không ai dám ngồi ấy. Ý chỉ của Huy Ninh Đế chẳng qua chỉ khiến y cách vị trí ấy gần hơn một bước mà thôi. Nếu lão hoàng đế mãi không điều chuyển y đi, nàng mới thấy lạ.

Nguyên Tứ Nhàn có trực giác, rằng tuy kiếp này vì nàng nhúng tay mà cục diện chính trị Đại Chu thêm nhiều biến số, ví dụ Khương gia sụp đổ sớm, ví dụ triều đình và Nam Chiếu thành lập quan hệ hòa thân, nhưng dòng chảy lịch sử vẫn trôi theo hướng vận mệnh đã định sẵn. Nàng có thể xoay chuyển số mệnh các tiểu nhân vật trong đó nhưng khó ngăn dòng nước lũ cuồn cuộn mãnh liệt. Cho nên, rất nhiều thứ nàng từng tưởng đã đổi thay, hóa ra vẫn ngoan cố tiến triển theo quỹ tích ban đầu.

Ngày Lục Thời Khanh thăng quan bái tướng cũng là ngày đoàn sứ thần Hồi Hột đến Trường An.

Lúc này Nguyên Tứ Nhàn mới biết, hóa ra sứ mệnh của y khi đi Hồi Hột không chỉ nhằm đạt được minh ước với Khả Hãn mà còn đón một công chúa Hồi Hột về kinh, thúc đẩy việc thông hôn giữa hoàng thất Đại Chu và công chúa ấy.

Lúc đó y vội về cho kịp lúc nàng lâm bồn nên sau khi bàn bạc xong xuôi với Khả Hãn, y liền nhận lỗi rồi khởi hành ngay.

Đại Chu không còn hùng mạnh như xưa, mấy năm nay không ngừng suy thoái, toàn đưa công chúa nước mình đi hòa thân chứ hiếm khi đón một công chúa nước khác về.

Hiện giờ công chúa và sứ giả đã đến Trường An, Lục Thời Khanh đã vào hàng tể phụ, cộng thêm cần thể hiện lòng áy náy với chuyện trước đây nên phải đi nghênh đón.

Tuy Nguyên Tứ Nhàn biết chuyện hòa thân này thuộc về hoàng thất Đại Chu, không dính líu gì đến người đã có vợ như Lục Thời Khanh, nhưng nàng vẫn không quá thoải mái, sau khi tự tay mặc bộ quan phục mới cho y, nàng vừa giúp y gài thắt lưng vừa cảm thán:

– Quan bào màu tím đúng là đẹp hơn màu đỏ sẫm, trông cũng quý phái hơn, tiếc là phải ra ngoài cho người khác ngắm.

Lục Thời Khanh nắm lấy tay nàng đang hí hoáy chỗ thắt lưng y:

– Nói vớ vẩn gì đấy.

Nàng bĩu môi hầm hừ:

– Chàng về là thiếp phải kiểm tra tỉ mỉ mới được, chàng mà thiếu sợi tóc nào là chắc chắn bị người ta làm rớt.

Lục Thời Khanh cười bất lực, ôm nàng vào lòng:

– Không yên tâm thì đi chung với ta.

Nguyên Tứ Nhàn nghe vậy khựng lại, nghiêm túc nói:

– Như vậy không hay lắm nhỉ?

Dứt lời, ngón tay ngọc của nàng đặt bên hông y khều khều vô cùng linh hoạt, rõ ràng là ở nhà lâu ngày nên ngứa tay.

– Có danh có phận, mắc gì không hay?

Lục Thời Khanh nhướng mày, hất cằm:

– Mau thay y phục đi.

Nguyên Tứ Nhàn ậm ừ không quá tình nguyện, bộ dạng như không ham đi lắm nhưng vừa quay đầu là lén cười nham nhở.

Là y bảo nàng cùng đi thì đừng trách nàng mặc bộ xiêm y đẹp nhất, lấn át phía Hồi Hột luôn!

---------

Nguyên Tứ Nhàn thay y phục rất lâu.

Lục Thời Khanh biết nàng bí bức cả tháng nay, hiếm khi được ra ngoài ngắm cảnh đổi gió, y không muốn nàng mất hứng, thầm nhủ cùng lắm tới muộn một chút cũng không sao nên không giục nàng.

Trong chuyện Hồi Hột, y không thể hiện tích cực thì thánh nhân ngược lại sẽ yên tâm.

Y rảnh rỗi không có chuyện gì làm, bèn đứng dậy đi ngắm con.

Trong phòng có hai chiếc xe nôi đặt cạnh nhau. Lục Nguyên Thù đang ngủ, hơi thở đều đều, nhưng Lục Nguyên Trăn thức, mở to mắt nhìn muội muội. Chắc cảm thấy nằm ngang như vậy nhìn nghiêng quá mệt mỏi, thế là bé giẫm chân, ưỡn vai muốn lật người qua để nhìn. Ngặt nỗi gân cốt bé còn quá non, không đủ sức, làm thế nào cũng không lật được, bé gắng sức đến mức cả gương mặt đỏ bừng.

Lục Thời Khanh nhìn rõ mục đích của bé, cảm thấy buồn cười, bèn tiến lên giúp con trai lật mình thành công.

Nhưng Lục Nguyên Trăn hình như không thích, ấm ức nhìn y, muốn lật mình về như cũ.

Đúng là khó khăn.

Lục Thời Khanh đành để bé nằm ngay ngắn, rồi tiếp tục nhìn bé lặp lại nỗ lực lật mình trước đó.

Y hiểu. Con trai bướng bỉnh, thích dựa vào bản thân.

Y ung dung đứng nhìn, chờ cuối cùng bé dốc sức chín trâu hai hổ lật mình được, y mới bế bé lên, cúi đầu nói:

– Tiểu tổ tông y như mẹ con, giờ hài lòng rồi chứ?

Lục Nguyên Trăn nghe nhưng không hiểu, cười khúc khích như rất hứng thú với bộ quan bào mới trên người y, bé tì mông vào khuỷu tay y, bàn tay nhỏ nhắn bấu lấy vạt áo y cào loạn xạ.
Lục Thời Khanh nhìn vạt áo nhăn nhúm của mình:

– Mẹ con mới vuốt phẳng phiu đấy.

Y đẩy tay bé ra, sau đó lắc lư bé ý bảo bé an phận chút.

Ai ngờ Lục Nguyên Trăn mất hứng, bĩu môi ra vẻ con sẽ khóc cho cha xem.

Lục Thời Khanh cho rằng có thể chiều con gái nhưng không được chiều con trai, bèn nghiêm mặt tỏ ý "giỏi thì cứ khóc".

Sau đó Lục Nguyên Trăn khóc. Nhưng không phải khóc ở mắt.

Khi Lục Thời Khanh cảm nhận được cơn ẩm ướt lan ra chỗ khuỷu tay thì đã không còn kịp. Lục Nguyên Trăn cứ thế tè thoải mái lên tay cha.

– ...

Lúc Nguyên Tứ Nhàn thay y phục xong xuôi bước ra thì thấy cảnh Lục Thời Khanh ném con vào xe nôi, kinh hãi tột cùng nhấc cánh tay áo ướt dầm dề nhễu nước.

Nàng sững sờ rồi phản ứng lại, nhìn y với ánh mắt không đành lòng. Kế đó nàng chuyển sang nhìn Lục Nguyên Trăn đang cười toe toét trong xe nôi như không hề biết mình gây ra đại họa gì.

Nguyên Tứ Nhàn dở khóc dở cười bước tới, gọi Thập Thúy và Giản Chi mau chăm con, còn nàng ôm bên tay áo còn sạch của Lục Thời Khanh đưa y vào nhà tắm, dọc đường nói:

– Chỉ có chút thời gian mà sao chàng chọc Nguyên Trăn thế?

Nàng vốn muốn đi lo cho con, dẫu sao Lục Thời Khanh đã lớn to đầu rồi. Nhưng nghĩ tới bệnh sạch sẽ của y, lại không tiện giao y cho hai tỳ nữ, nàng đành tự tay đưa người đang chết lặng ấy đi.

Mặt Lục Thời Khanh đen đến độ có thể mài ra mực, hồi lâu mới hoàn hồn, bước chân khựng lại như cuối cùng mới nhớ tới gì đó, quay đầu muốn đi dạy dỗ con thì bị Nguyên Tứ Nhàn ngăn lại:

– Được rồi được rồi, chẳng lẽ chàng đánh nó à, thay y phục quan trọng!

Nếu không phải con trai ruột thì bây giờ chắc Lục Thời Khanh đã bùng nổ ngay tại chỗ.

Y nhẫn nhịn suốt dọc đường, đến nhà tắm mới sực nhớ: làm gì có y phục cho y thay, y mới vừa thăng quan, bộ đang mặc là bộ hoàn toàn mới!

Nguyên Tứ Nhàn hiển nhiên cũng nhận ra, cùng y hai mặt nhìn nhau một lúc rồi vẫn tháo thắt lưng y. Không thay được cũng phải giặt sơ qua, chứ đâu thể mặc bộ đồ bốc mùi đi tiếp đón sứ thần Hồi Hột chứ.

Đứa bé vừa đủ tháng chỉ bú sữa nên thật ra rất sạch, không có mùi gì lắm. Nhưng Lục Thời Khanh dẫu sao cũng không vượt qua được bệnh sạch sẽ, hàng mi run run, răng cắn chặt, mắt nhắm tịt để mặc nàng mặc vào cởi ra.

Chờ quan bào được hong khô vội vã, Nguyên Tứ Nhàn và Lục Thời Khanh vào cung đã muộn giờ rất nhiều, bỏ lỡ cảnh hoành tráng Huy Ninh Đế gặp gỡ sứ thần, nghe nói sứ đoàn Hồi Hột đã đi nghỉ ngơi, công chúa Già Hộc được hoàng hậu mời đến hồ Thái Dịch ngắm cảnh, theo cùng có các hoàng tử, tông thân và vài quan viên.

Nguyên Tứ Nhàn hiểu ngay là thánh nhân giao trọng trách thúc đẩy hòa thân cho hoàng hậu. Những hoàng tử hợp tuổi đều đến cho công chúa Già Hộc xem mắt. Còn các tông thân như a huynh và các vị quan già khụ chỉ là phông nền cho khung cảnh không quá gượng gạo, tốt nhất đừng để công chúa người ta vừa nhìn là biết mình đang "kén chồng", tránh cho công chúa da mặt mỏng sẽ lúng túng xấu hổ.

Lúc Nguyên Tứ Nhàn đưa Lục Thời Khanh đến gần hồ Thái Dịch, trong đình bên hồ đang là khung cảnh vui vẻ hài hòa.

Ngồi vị trí cao nhất là Lương hoàng hậu, phía dưới chắc là công chúa Già Hộc trong truyền thuyết mặc y phục váy dài tay áo hẹp màu trắng vân vàng, búi tóc cao kiểu Hồi Hột, châu ngọc rạng ngời, gương mặt vô cùng xinh đẹp, mũi cao mắt sâu, làn da bánh mật tuy không quá hợp thẩm mỹ Đại Chu nhưng toát lên nét độc đáo mới mẻ.

Ngồi xung quanh là các quý tộc thiên gia khí độ bất phàm, lục hoàng tử và cửu hoàng tử đều có mặt, ngay cả thập tam hoàng tử cũng đến góp vui, ở bên cạnh ăn hoa quả tiếp khách. Xét số lượng thanh niên tài tuấn thì đúng là nhiều gấp bội so với lần trước nàng xem mắt Trịnh Trạc ở Phù Dung viên.

Nhìn ánh mắt không biết có tính là hâm mộ hay không của nàng, Lục Thời Khanh nghiêng đầu hỏi:

– Hâm mộ à?

Nguyên Tứ Nhàn vội lắc đầu, vẻ mặt đắc ý:

– Quý hồ tinh bất quý hồ đa, những người tốt nhất đều cho thiếp chọn, dù số còn lại xếp hàng dài từ cổng Diên Hưng tới chợ Tây thì có gì đáng hâm mộ chứ?

Lục Thời Khanh cười hưởng thụ, kéo nàng về phía mình, thầm nhủ sau khi về đúng là nên nấu cái miệng nàng thử xem có thể nấu ra mật ngọt hay không.

Hai người không cố ý thu hút sự chú ý nhưng vẫn không thể. Luận thân phận, một người là tể phụ, một người là nữ nhi của quận vương, luận tướng mạo, nói hơi khoa trương chút thì chưa đợi họ tới gần, trong đình đã bừng sáng. Nhiều người vì thế đều nhìn về phía họ, trước tiên nhìn Lục Thời Khanh vừa được thăng quan bái tướng, tiền đồ xán lạn, kế đó nhìn kiều thê thướt tha yểu điệu bên cạnh y.

Lục Thời Khanh cũng nhìn Nguyên Tứ Nhàn.

Nàng bảo màu vàng nhạt với màu tím là tuyệt phối nên mặc bộ váy màu này. Kiểu váy không có gì đặc biệt, không tới mức lấn át nhân vật chính nhưng thắng ở chỗ màu sắc vừa tôn da vừa nổi bật. Nếu trên trán nàng không vẽ hoa và trên đầu không búi kiểu tóc phụ nhân thì đúng là hệt như tiểu cô nương chưa xuất giá, nếu cộng thêm dụng tâm vào ánh mắt là như có thể bấm ra nước.

Bộ y phục này thực chọn quá tâm cơ. Lại nhìn cách trang điểm của nàng, trông giản dị song rất tinh tế, không đậm đà diễm lệ, ngược lại càng lộ rõ dung mạo vốn có của nàng khiến người ta thổn thức không thôi.

Lần này Lục Thời Khanh hơi hối hận vì dẫn nàng theo. Để khiến nàng yên lòng mà giờ đây y có chút bất an.

Chưa tính người khác, chỉ kể cửu hoàng tử Trịnh Bái, nếu không phải lần đó say sóng mất mặt ở Phù Dung viên, tự thấy không thể ngẩng cao đầu trước mặt Nguyên Tứ Nhàn, cộng thêm sau đó bị thánh nhân cưỡng chế không cho qua lại với nàng, thì chưa chắc hắn đã quấy rầy nàng thế nào. Bây giờ cũng không biết hắn có hoàn toàn từ bỏ ý nghĩ đó chưa.

Hoàng hậu thấy hai người đến thì nhiệt tình bắt chuyện.

Lục Thời Khanh xin lỗi vì đến muộn, hoàng hậu bảo không sao, ánh mắt lướt tới ống tay áo không hiểu sao bị nhăn nhúm của y rồi nhanh chóng dời đi, mời họ ngồi vào chỗ, sau đó giới thiệu với công chúa Già Hộc.

Già Hộc nhìn họ, nheo mắt:

– Ta biết Lục thị lang, trước đây từng gặp một lần ở vương cung.

Tiếp đó, Già Hộc nói với Nguyên Tứ Nhàn:

– Vị này đúng là Lục phu nhân à?

Ý cười trên mặt Nguyên Tứ Nhàn không thay đổi nhưng trong lòng lấy làm lạ. Sao, nhìn nàng có chỗ nào không giống Lục phu nhân? Chưa đợi nàng suy tính, Già Hộc đã nói tiếp:

– Nếu không có nương nương giới thiệu, ta còn tưởng đây là tiểu nương tử của Lục phủ chứ. Nhưng tính tuổi của Lục thị lang thì hình như không khớp.

– ...

Công chúa đang khen nàng trẻ trung đây mà. Lục Thời Khanh lớn hơn nàng chỉ sáu tuổi thôi, không sinh được đứa con gái lớn như nàng đâu.

Nguyên Tứ Nhàn quay đầu nhìn, quả nhiên thấy mặt y đen thui. Nhưng nàng có thể nói gì đây, nói lời ngon ngọt cũng phải xem trường hợp, xung quanh đều là quý tộc thiên gia, nàng đành đợi về rồi mới dỗ Lục Thời Khanh bị xem thành cha nàng vậy, còn giờ chỉ nói một câu "công chúa nói đùa" rồi thôi.

Nàng thoáng thấy Nguyên Ngọc đối diện cười trên nỗi đau người khác, phía trước một chút, hình như Trịnh Trạc cũng loáng thoáng ý cười.

Thấy Trịnh Trạc, nàng vô thức nhìn tay cầm tách trà của hắn. Hắn dùng tay trái. Tay phải để hờ trong tay áo rộng, không nhìn ra thương thế.

Thấy nàng cau mày, Trịnh Trạc mỉm cười, ánh mắt thẳng thắn trong trẻo như trấn an nàng.

Nhìn nụ cười ấy, lòng Nguyên Tứ Nhàn càng khó chịu.

Nàng thực không cách nào đem Trịnh Trạc như thế và Trịnh Trạc qua cầu rút ván trong mơ hòa làm một, lại nhớ đến những phân tích trước kia của Lục Thời Khanh rằng Trịnh Trạc và Nguyên gia trở mặt nói không chừng chỉ là một tuồng kịch do y an bài, lòng nàng càng thêm dao động. Qua những tiếp xúc từ trước tới nay, cộng thêm việc hắn xả thân cứu nàng vào đêm nàng sinh con, nếu nàng còn xem hắn như kẻ tội ác tày trời chỉ vì mấy lời của bách tính trong mơ thì đúng là không thể nói nổi.

Nàng cũng biết nguyên nhân hôm đó Trịnh Trạc không tiếc mọi giá để cứu nàng. Nói thẳng ra là xuất phát từ tình nghĩa với Lục Thời Khanh.

Lục Thời Khanh vì hắn nên mới đi Hồi Hột mạo hiểm, tranh sự ủng hộ của Khả Hãn, thế mà nàng lại xảy ra chuyện, đúng là có một phần trách nhiệm của hắn. Bất luận nàng có bị thương tổn gì không, hắn đều không còn mặt mũi gặp Lục Thời Khanh.

Nhưng bất kể vì điều gì, vì ai mà hắn cứu nàng, nàng đều chịu ân của hắn. Con người nàng luôn có qua có lại, không thể nào an tâm với ân tình chưa báo đáp.

Sau lần trước xảy ra chuyện, nàng vốn muốn đi thăm Trịnh Trạc nhưng chính nàng cũng suýt mất nửa cái mạng, thực không đi nổi. Cộng thêm Lục Thời Khanh không thể kết luận được nguyên nhân mật đạo bị lộ nên quyết đoán từ bỏ mật đạo đó, đóng chặt cơ quan, tạm thời hủy lối qua lại ngầm với Trịnh Trạc, nàng chỉ có thể thông qua lời người khác để biết tình hình gần đây của hắn. Lại vì tình thế trong triều căng thẳng, thánh nhân bắt đầu theo dõi Lục phủ, nên ở cữ xong nàng cũng không có cơ hội gặp hắn nói vài câu.

Nàng đang thất thần thì chợt cảm nhận được một bàn tay nhẹ nhàng phủ lấy tay nàng.

Nàng nghiêng đầu nhìn Lục Thời Khanh, thấy y cũng cười trấn an mình, sau đó viết lên mu bàn tay nàng mấy chữ: không sao.

Nếu nói vết thương của Trịnh Trạc hoàn toàn không sao là chuyện không thể nào, loại chuyện động đến gân cốt như thế là Nguyên Tứ Nhàn rõ nhất, về sau chắc chắn hắn không thể dùng binh khí một cách lưu loát nữa. Câu không sao này ý là không có vấn đề trong sinh hoạt hàng ngày mà thôi.

Nàng khẽ thở dài trong lòng nhưng ngoài mặt không để lộ, chỉ ra vẻ hứng thú nghe mọi người trò chuyện nói cười.

Hình như hoàng hậu nói đến quà cáp gì đó nàng mới chú ý, hóa ra trong tay Già Hộc đã chất cả đống hộp tinh xảo, trông như là quà ra mắt do các hoàng tử chuẩn bị để mong chiếm được lòng nàng ấy, mỗi người một phần.

Các hoàng tử không thể mỗi người đều dụng tâm như thế, nhất định là do hoàng mệnh khó trái. Xem ra thánh nhân rất dụng tâm thúc đẩy việc thông hôn này, lôi hết các con trai vào.

Hoàng hậu nói:

– Lục lang đúng là có lòng, vết thương chưa khỏi hẳn mà phí thời gian và công sức tự tay khắc con thỏ ngọc khéo léo thế này.

Cổ họng Nguyên Tứ Nhàn nghẹn, thầm nhủ không thể nào, Trịnh Trạc có bản lĩnh khắc ngọc bằng một tay?

Quả nhiên nàng thấy hắn há miệng như muốn giải thích không phải do hắn khắc, hắn chỉ sai người mua về thôi, nhưng hoàng hậu đã dời đề tài làm hắn không thể nói.

Nguyên Tứ Nhàn nhìn Lục Thời Khanh với vẻ mặt "hay quá tuyệt quá, trong này hình như có huyền cơ nè".

Lục Thời Khanh cười nhạt, bóp xương tay nàng, ám chỉ nàng không cần quản nhiều.

Hoàng hậu hỏi Già Hộc có thích những món quà này không. Già Hộc cười híp mắt gật đầu. Ngay lúc mọi người đều nghĩ nàng ấy sẽ nói vài câu khách sáo thì nghe nàng ấy nói:

– Nhưng có vài người ở đây vẫn chưa tặng quà cho ta.

Một lão thần không cẩn thận phát ra tiếng "hự".

Cô công chúa Hồi Hột này khen người ta rất thẳng thắn, và đòi quà cũng rất thẳng thắn.

Hoàng hậu cũng không ngờ nàng ấy sẽ nói vậy, đành tiếp lời:

– Đúng rồi, còn ai chuẩn bị quà nữa thì mau mau trình lên đi.

Các quan và tông thân đều mang vẻ mặt khó xử. Thánh nhân đâu kêu họ cũng xun xoe lấy lòng đâu.

Ngay lúc mọi người đưa mắt nhìn nhau, bốn bề yên tĩnh đến hơi lúng túng, Già Hộc tự giải vây cho mình, chỉ vào một người bên dưới nói:

– Vị này...

Nàng ấy nói một nửa thì dừng lại, cười ngượng ngùng:

– Vị tướng quân ta không nhớ họ gì này, huynh có quà cho ta không?

Nguyên Ngọc bị gọi ngẩng đầu, nhìn trái nhìn phải, phát hiện ánh mắt mọi người đều đang đổ dồn vào mình mới phản ứng lại, chỉ vào mũi mình:

– Ta hả?

Nguyên Tứ Nhàn cũng sững sờ rồi đưa mắt ra hiệu với a huynh. Lúc này nếu nói là không có chuẩn bị quà e là sẽ gặp xui xẻo, dù bịa cũng phải bịa!

Nguyên Ngọc đương nhiên không ngốc, được muội muội ám chỉ bèn đáp:

– Nhọc công chúa không chê, quà do tại hạ chuẩn bị rất tầm thường, chính là mấy hộp thuốc mỡ bí chế của gia phụ giúp da trắng mịn.

– ...

Mọi người há hốc mồm. Trời xanh ơi, Nguyên Thế Sâm có bị ngốc không thế, nói vậy há chẳng phải ám chỉ da công chúa không đủ trắng sao?

Nguyên Tứ Nhàn đang đau đầu đỡ trán thì công chúa Già Hộc bên trên lại vừa vui mừng vừa kinh ngạc ồ lên, sau đó một tay nâng mặt một tay chỉ vào Nguyên Ngọc nói:

– Cái này tốt cái này tốt nè! Mau lấy ra cho ta thử!

– ...

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #yt