chương 1

Trạm dừng tiếp theo là phố Hắc Thủy, các hành khách chuẩn bị xuống xe mời đến cửa sau."

Xe buýt xuất phát từ ngoại ô thành phố B, vòng nửa vòng mới chầm chậm quẹo vào một con phố mua sắm, đường sá rộng thênh thang, người đi đường tấp nập lại qua.

Phát thanh viên đọc rất rành rọt, nghe không giống tiếng phổ thông bình thường mà như bắt chước một cách máy móc, ngay cả cách lên giọng ở cuối câu cũng thật cứng nhắc.

Tạ Du ngồi ở góc trong hàng ghế cuối cùng, cậu nghiêng đầu ngắm ánh nắng chói chang như thiêu như đốt bên ngoài cửa kính, đồng thời cảm thấy nhiệt độ điều hòa trong xe đang quá thấp, rồi lúc sau lại thấy quá nóng.

Xe buýt vốn chạy chậm rì, giờ lại vướng dòng người đông đúc đổ về từ khắp mọi hướng, thành thử tốc độ chỉ như mấy con xe đời cổ, vừa hay gặp đèn đỏ, thân xe dài ngoằng lắc lư dữ dội rồi từ từ dừng lại.

Tạ Du cầm điện thoại, vừa dõi nhìn khung cảnh bên ngoài vừa đợi đối phương bắt máy.

Sau vài tiếng “tút”, điện thoại cuối cùng cũng nổi máy kèm theo âm thanh ồn ã quen thuộc. Tiếp đó là giọng nói của một người phụ nữ, to đến mức át đi những tiếng hỗn tạp xung quan, hùng hổ pha chút trầm khàn, chẳng rõ là đang cãi cọ với ai.

“Ai biết khi nào sáu xe chở hàng kia tới được, cũng chẳng nói chính xác, đám nhãi ấy cả ngày chỉ giỏi thoái thác thôi."

“Lúc thì bảo ngày mai, chốc lại hẹn ngày kia, thay đổi xoành xoạch. Cuối cùng nói toạc với tôi là bọn nó cũng không rõ... Khốn kiếp."

Tạ Du thản nhiên nghe người phụ nữ kia chửi bới.

“Giục cái con khỉ! Giờ điện thoại cũng chẳng dám nghe, còn chơi trò mất tích với tôi cơ đấy. Chó má, cũng không chịu đi nghe ngóng xem, mẹ nó cả cái phố Hắc Thủy này ai dám dây vào Hứa Diễm Mai này."

Nhác thấy mấy lời tục tĩu này sẽ ngày càng khó nghe hơn, như có thể gào lên liên tục đến bất tận, Tạ Du liền mở miệng nhắc đối phương: "Dì Mai à."

Đầu dây bên kia thoáng chốc im bặt.

Hứa Diễm Mai thôi nói, khoát tay với người khác, đến điều thuốc đang kẹp trên tay cũng dứt khoát dụi tắt, tiện tay gí vào góc bàn. Sau đó lại chỉ vào cú điện thoại kết nối bất ngờ trên bàn, ra hiệu “màn hỏi tội vụ sáu xe chở hàng không giao đúng hẹn" có thể giải tán được rồi.

Cô bấu điếu thuốc, rụt đôi chân dài đang vắt vẻo trên chiếc bàn làm việc tuềnh toàng về, cất giọng nói dịu dàng chưa từng thể hiện trước mặt người khác, chẳng hề giống người đàn bà điên văng tục chửi rủa khi nãy chút nào.

“Giờ nghỉ trưa bọn dì tụ tập lại tán phét ấy mà, không có chuyện gì đâu, đùa chút thôi. Cuộc sống tẻ nhạt quá, thi thoảng nói bậy tí mới vui..."

Tạ Du cũng chẳng vạch trần, chỉ hỏi: "Thế còn hút thuốc, hút thuốc cũng tốt cho sức khỏe ạ?"

Toàn thân Hứa Diễm Mai nồng nặc mùi nicotine, nói dối không chớp mắt, nghĩ bụng dù sao thằng nhóc này cũng đâu thể xông ra khỏi điện thoại được: "Dì có hút đâu, con không cho hút là dì bỏ rồi, ây da, đừng nhắc tới vụ này nữa, không là dì sợ mình nghiện lại mất, đừng khích dì."

Giả bộ giống lắm, chẳng hiểu ai khích ai nữa đây...

Tạ Du nghe cái giọng khàn đặc ngày một trầm trọng của đối phương, chỉ có lúc mắng người mới đột ngột sang sảng như thế. Dùng đầu ngón chân nghĩ cũng biết Hứa Diễm Mai nói thật hay nói dối.

“Nghỉ rồi chứ, dạo trước nghe mẹ con nói ngày hai mươi là thi xong môn cuối, dì nhắn tin mà không chịu trả lời gì hết."

Hứa Diễm Mai tiếp tục chuyển đề tài: “Thi thố thế nào? Dì tìm trên mạng đến rã rời cánh tay mới thấy câu ấy, mấy câu khác văn vẻ quá, tìm thôi cũng nổi hết cả da gà."

Đối diện với bài thi không được lưỡng lự, cố gắng hết mình sẽ đạt thành tích tốt, để cánh buồm của ước mơ căng gió ra khơi nơi trường thi, để cuộc đời rong ruổi trên đại dương tri thức! Nhóc con, cố gắng thi tốt nha!

Tạ Du cũng chăng rõ tại sao mình lại có thể đọc rành rẽ không thiếu một chữ nào cái tin nhắn cũ rích vừa nhìn đã biết là câu trích dẫn tràn lan trên mạng, lại còn chẳng hề phù hợp với thị hiếu của thanh thiếu niên thời nay ấy.

Đúng lúc xe buýt chạy vào đường hầm, che đi cái nắng đổ lửa đến chảy da bỏng thịt bên ngoài, bốn bề chợt tối sầm lại.

Tạ Du vốn mặc một cây đen, lúc này càng thêm ẩn mình trong bóng tối, cậu tựa người ra sau, duỗi đôi chân dài đang cố gắng co lại vì không gian chật hẹp, nở nụ cười hờ hững: “Vậy sao dì còn tìm, dì biết thừa thành tích của con thế nào mà, bảo con trả lời kiểu gì chứ, cảm ơn dì khích lệ, con sẽ cố gắng không giành hạng nhất từ dưới lên chắc?"

Mới nghỉ chưa đầy mấy phút, phía đồng chí chị đại Hứa Diễm Mai của phố Hắc Thủy lại om sòm: “Chỗ các người làm ăn phi pháp hả, lại còn kêu bán sỉ, giá đắt cắt cổ thế kia rõ ràng là lừa đảo chứ gì nữa."

“... Con nói gì cơ?” Bị người khác cắt ngang, Hứa Diễm Mai không nghe rõ Tạ Du đáp gì: “Ôi, ồn quá, còn một lũ đần độn đến đòi đập tiệm, hôm nào dì phải mua cái loa phóng thanh mới được, dì không tin không trị được đám nhãi này.”

Ngón tay giữ điện thoại của Tạ Du khẽ siết chặt, lời muốn nói quẩn quanh bên miệng cuối cùng lại nuốt xuống: “Không có gì đâu ạ."

“Con đọc tin nhắn rồi, bận ôn bài vở nên quên không trả lời dì."

“Rồi rồi rồi, tuy thành tích mình kém một chút, nhưng đừng nản chí, chưa đến giây cuối cùng thì không được nhận thua, ai sợ ai chứ đúng không nào."

Hứa Diễm Mai nói một thôi một hồi giọng lại cao vống lên, cô bịt ống nghe rồi quát vài người khách vẫn nằng nặc nói mình lừa đảo: "... Làm cái gì, làm cái gì đấy hả? Quân lừa đảo là lũ khốn các người thì có, mua hay không đây, không mua thì đừng ở đây chọc ngoáy nữa."

Đầu xe buýt chạy ra khỏi đường hầm, những dải nắng rực rỡ lại thi nhau chiếu rọi vào, hắt đến tận đuôi xe. Tạ Du khẽ nheo mắt, trông thấy cảnh vật quen thuộc bên ngoài, nhận ra đã sắp tới trạm rồi.

Hôm nay là thứ Hai, ngày thứ ba trong kỳ nghỉ hè, đồng thời cũng là ngày làm việc đầu tuần. Hành khách trên xe không đông lắm.

Lác đác có vài học sinh ngồi hàng ghế phía trên, nhóm nữ sinh cột tóc đuôi gà đi chơi nhưng vẫn còn đeo ba lô, trông rất nền nếp ngoan ngoãn, quần áo sạch sẽ gọn gàng.

Phố Hắc Thủy tuy là phố mua sắm nhưng vật giá thực ra không hề cao, chẳng hề ăn nhập với hai chữ sầm uất, kiến trúc khu phố được xem là tệ ở vùng ngoại ô, cao ốc đều đã cũ nát xập xệ. Nhưng mức sống giá rẻ ở đây lại thu hút khá nhiều người không có khả năng chi tiêu cao, đặc biệt là học sinh cấp hai, cấp ba.

Tạ Du nhìn chăm chú mặt pha lê trong suốt lấm tấm bụi đính trên dây buộc tóc của nữ sinh nọ, được ánh mặt trời hắt vào đang phát sáng lấp lánh.

"Đến rồi, đến rồi, chuẩn bị xuống xe thôi." Nữ sinh nọ hất mái tóc đuôi gà, vịn vào cột đứng lên: "Lần trước tớ ăn bánh gạo cay ở đây, để tớ dẫn các cậu đi."

Cùng lúc đó...

“Đã tới trạm Hắc Thủy, hành khách chuẩn bị xuống xe mới đến cửa sau, cảm ơn đã phối hợp."

Xe từ từ dừng lại, ngay khoảnh khắc của xe mở ra, một luồng gió phơn khô nóng lập tức ập vào.

Hứa Diễm Mai còn tưởng mình nghe nhầm: “Nhóc con, con đang ở đâu? Sao dì lại nghe thấy thông báo tới phố Hắc Thủy thế?"

Tạ Du nhổm người dậy xuống xe: “Đồng chí Hứa Diễm Mai à, còn mười phút nữa là con đến cổng khu mua sắm, dì lo tìm cách xử lý mùi thuốc ám trên người đi, nghĩ xem ăn nói với con thế nào, cũng tiện nhớ lại lúc đầu dì thề thốt với con ra sao nhé.

Lấy cái chết đền tội đi ạ."

Hứa Diễm Mai quay đầu ngó gạt tàn đầy đầu lọc thuốc lá: "..

“Chị Mai làm sao thế, sao mặt chị rầu rĩ vậy?”

Hứa Diễm Mai đẩy cửa bước ra ngoài, xắn tay áo đi vào kho hàng giúp mấy chủ tiệm: “Đừng nhắc nữa, rầu chết tôi rồi."

Hứa Diễm Mai kinh doanh chợ quần áo bán sỉ trên phố Hắc Thủy. Cô bắt đầu buôn bán từ mười mấy năm trước, mới đầu mấy chị em bày sạp ở đầu phố, về sau có được một cửa hàng khang trang, rồi cuối cùng là quản lý hai tầng lầu trong tòa cao ốc thương mại ngay trung tâm phố Hắc Thủy. Hai tầng này quy tụ hàng trăm cửa tiệm nhỏ, hình thành nên "chợ bán sĩ" như thế đấy.

Với tư cách là bà chủ chợ bán sĩ, chị Mai có tiếng tăm lẫy lừng khắp khu này, cũng nổi tiếng hào hiệp trượng nghĩa, là một nữ trung hào kiệt.

“Rầu thật hả? Sao em thấy chị vui đến nỗi khóe miệng không dằn xuống được vậy ta?" Có một chủ cửa hàng lên tiếng.

Hứa Diễm Mai đáp: “Nói linh tinh nào, à mà cô có nước hoa gì đấy không, xịt cho chị một chút. Tiểu Du sắp tới rồi, cả người chị toàn mùi thuốc lá, bị nó túm được thì kiểu gì cũng bị nó mắng một thôi một hồi cho xem."

Chủ cửa hàng chống người đứng dậy, phủi bụi trên ống quần: “Ra là đứa con bảo bối nhà chị, chị xem chị sợ đến mức nào kia... Em có nước hoa đấy, để em đi tìm cho chị."

“Sao mà không sợ được chứ, Tiểu Du nhà chị là đứa trẻ ngoan." Hứa Diễm Mai nói những lời này với giọng rất nhỏ, tay cô vận lực, dùng con dao găm rạch một túi dây thừng như tự bảo với chính mình: “Chị không thể làm hư nó được."

"... Cũng không phải mang nặng đẻ đau, chỉ là đứa con nhận nuôi thôi mà."

“Đứa trẻ ngoan gì chứ? Con trai tôi học cùng lớp với Tạ Du, nó đích thị là một thằng nhóc cá biệt đấy. Thành tích học tập kém đã đành, không đứa nào trong lớp dám ngồi cạnh nó, hình như còn là đại ca, lưu manh gì đó trong trường. Cũng chỉ có chị Mai nâng niu nó như bảo bối, thường ngày còn chẳng văng tục câu nào trước mặt nó thôi."

“Nghe bảo thi lên cấp ba nó còn gian lận đấy, không thì với cái thành tích của nó, nằm mơ mới mong thi đỗ được. Tuy Trung học số Hai chẳng phải trường điểm gì cho cam, nhưng hạng chót thì cũng vẫn là trường mà."

“Thôi thôi, đừng nói nữa, giải tán đi làm việc thôi."

Đợi Hứa Diễm Mai gỡ xong dây thừng đi ra, đám nhân viên ba hoa kia đã sớm tản ra mỗi người đứng trước một quầy hàng rộng chỉ chừng một mét, ra sức mời chào: "Hai chiếc 99 tệ, hai chiếc 99 tệ! Hôm nay bỏ lỡ một lần, muốn mua thì sẽ phải chờ sang năm! Bán thanh lý dọn kho áo lông vũ đây!"

"Qua xem đi, hai chiếc 99 tệ!"

Hứa Diễm Mai sực nức mùi nước hoa đi tới: “Chị ra ngoài một chuyến, nếu có chuyện gì thì gọi điện cho chị. Lũ ngu ngốc không thức thời kia mà đến nữa thì không cần nói lý với chúng nó biết chưa, cứ chửi thẳng mặt, nói lý cái quái gì. Đạo lý là để nói cho người nghe, chứ không dành cho lũ ngu ấy."

Trong lúc đó, Tạ Du lượn lờ loanh quanh, qua ba cửa hàng tạp hóa mới tìm được một tiệm bán loa phóng thanh.

Cái loa màu trắng đỏ, được ông chủ vất vả lôi ra từ dưới đống đồ linh tinh. Để chứng minh dù đóng một lớp bụi dày nhưng tính năng của nó vẫn rất tuyệt vời, ông chủ lập tức cắm điện, phát bài “Sự dịu dàng chết tiệt" ngay tại chỗ.

Tính năng của cái loa này đình thật, âm thanh phát ra đinh tai nhức óc.

Tạ Du chấn động đến đau màng nhĩ, vừa rút tiền vừa nói: “Được rồi, bao nhiêu tiền vậy ạ?"

Vì ông chủ đứng gần loa hơn nên hoàn toàn không nghe ra câu Tạ Du vừa nói, cứ thế dùng tay áo lau bụi trên bề mặt rồi oang oang mời mọc một cách nhiệt tình, người già ngần ấy tuổi đầu nhưng mấy trò hò hét xoàng xĩnh đâu có thể làm khó được ông: "Dùng bền lắm! Nếu có vấn đề gì thì cậu cứ trả hàng thoái mái! Cam đoan luôn!"

"Bao nhiêu tiền ạ?"

“Có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm đó! Hỏng hóc thì cứ việc tìm tôi! Cái tiệm nhỏ này ngồi không đổi tên, đứng không đổi họ! Tạp hóa Kiến Hàng!"

Bỗng một bàn tay vươn qua mặt ông lão, các ngón tay thuôn dài, đốt khớp rõ ràng, móng tay được cắt giữa sạch sẽ.

Mặt Tạ Du lạnh tanh, cậu ấn nút công tắc xua đi tiếng nhạc ồn ào, trả lại sự thanh tịnh bên tai: "Bao nhiêu tiền ạ?"

"Hai... hai mươi lăm tệ."

Ông chủ ra dấu hai, rồi lại giơ năm ngón tay nữa, nói: “Có mua không, mua thì để tôi gói lại giúp cậu."

Tạ Du còn chưa kịp gật đầu, ông chủ đã bỏ cái loa vào túi ni lông, lanh lẹ rút vài tờ chẳng rõ là cái gì trong xấp giấy dày cộm trên bàn rồi nhét thẳng vào túi.

Bệnh viện sản phụ khoa, phá thai không đau đớn.

Tin mừng cho cánh đàn ông, ca thứ hai giảm 50%¹.

(1) Một hình thức thúc đẩy dịch vụ cắt bao quy đầu ở nam giới tại Trung Quốc, khuyến khích nếu các cặp bố con cùng đi, thì một trong hai sẽ được giảm 50% chi phí.

Ông chủ này mở tiệm tạp hóa chưa đủ, còn kiêm luôn trọng trách phát tờ rơi. Quả thực khiến Tạ Du được mở mang tầm mắt về năng lực làm việc và trình độ nghiệp vụ của người dân phố Hắc Thủy.

Dường như thấy nhét vậy vẫn chưa đủ, ông chủ tiện tay dúi thêm vài tờ nữa, dựa vào màu sắc tổng thể cũng biết mấy tờ rơi đó không tờ nào giống tờ nào: “Nghề tay trái, nghề tay trái ấy mà. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, tích cực vươn tới hộ kinh tế bậc trung, phấn đấu làm giàu... Tiền thừa của cậu đây, cầm kỹ nhé. Hoan nghênh lần sau lại ghé mua hàng."


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top