Bài mẫu số 2: Phân tích khổ 1 bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng
Quang Dũng là một nhà thơ mang hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa. Quang Dũng đã sống một cuộc đời vô cùng sôi nổi. Ông đi nhiều, viết nhiều. Ông đã để lại nhiều tác phẩm thể hiện được cá tính và phong cách nghệ sĩ độc đáo của một nhà thơ. Trong số nhiều tác phẩm ấy thì bài thơ "Tây Tiến" là một trong những sáng tác đặc sắc của ông. Bài thơ "Tây Tiến" ra đời trong những năm tháng không thể nào quên của đất nước và cuộc đời Quang Dũng. Thông qua nỗi nhớ về một miền đất dữ dội và một quãng đời chiến đấu gian khổ cùng đồng đội sống chết bên nhau, bài thơ đã ghi lại hào khí lãng mạn của tuổi trẻ Việt Nam trong buổi đầu kháng chiến chống Pháp. Đặc sắc nhất là đoạn thơ miêu tả cảnh Tây Bắc hùng vĩ, dữ dội và thấp thoáng hiện ra người lính Tây Tiến.
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi !
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi.
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi.
Mường Lát hoa về trong đêm hơi.
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm.
Heo hút cồn mây súng ngửi trời.
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống.
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.
Anh bạn dãi dầu không bước nữa.
Gục lên súng mũ bỏ quên đời.
Chiều chiều oai linh thác gầm thét.
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói.
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.
Hai câu thơ đầu là cảm xúc ban đầu của tác giả, đó là tiếng gọi thiết tha như bật thốt tự đáy lòng.
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi !
Nhớ về rùng núi nhớ chơi vơi.
Tác giả mở đầu bằng một câu thơ gợi nỗi nhớ nuối tiếc về quá khứ đã qua: "Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi !" Trong câu thơ bảy chữ mà đã xuất hiện tới hai danh từ riêng. Nhũng tên riêng đó không hề vô cảm, vô hồn mà lại như có linh hồn. Nó gợi cho mọi người thấy hình ảnh Tây Bắc và những đồng đội của tác giả. Đó là những hình ảnh chưa phải đã cụ thể nhưng đã gọi lên nỗi nhớ nao lòng. Niềm nuối tiếc về quá khứ được thể hiện trong hai từ "xa rồi". "Xa rồi" gọi sự chia li, cách biệt, "xa rồi" Tây Bắc, "xa rồi" sông Mã, "xa rồi" những người đồng chí, đồng đội đã từng gắn bõ một thời với nhà thơ.
Câu thơ đầu tiên nỗi nhớ chưa được cụ thể hóa, nhưng đến câu thơ thứ hai, nỗi nhớ được miêu tả rất cụ thể: "Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi". Câu thơ ngắt nhịp 3/4. Ở vế đầu gợi không gian nhớ, đối tượng nhớ, sau đó tác giả gọi tên nỗi nhớ là "nhớ chơi vơi". Hai vế không có sự đối lập mà tạo nên sự tương đồng, tương hỗ với nhau. Nỗi nhớ về núi rừng là nguyên nhân tạo nên nỗi "nhớ chơi vơi". "Nhớ chơi vơi" là nỗi nhớ cồn cào, ám ảnh, là nỗi nhớ da diết, khắc khoải. Nó tạo nên cái cảm giác hụt hẫng, hững hờ trước cảnh và người đã gắn bó thân thiết từ lâu. Hai từ "nhớ" lặp đi lặp lại trong câu thơ như những đợt sóng lòng không dứt cứ ào ạt đổ về trong lòng tác giả. Sự da diết, khắc khoải, hụt hẫng cứ dâng trào không gì khảo lấp được. Nó đọng lại trong lòng người đọc một nỗi nhớ rất riêng của nhà thơ Quang Dũng. Âm hưởng của câu thơ ngân dài, lan tỏa bởi vần "ơi" lặp lại tới ba lần, như tiếng vọng vào vách đá, vang xa, vang mãi. Tiếng gọi "Tây Tiến ơi" tha thiết như tiếng gọi người yêu. Sau tiếng gọi ấy là bao nhiêu hình ảnh của quãng đời chiến đấu gian khổ đã qua hiện về trong tâm tưởng nhà thơ như những thước phim quay chậm.
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi.
Mường Lát hoa về trong đêm hơi.
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm.
Heo hút cồn mây súng ngửi trời.
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống.
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.
Trong đoạn thơ này, cảnh rừng núi miền Tây Bắc hiện ra thật sinh động dưới ngòi bút tả thực sắc xảo của nhà thơ. Đoạn thơ là một thế giới của một quá khứ hiện về lung linh trong nỗi nhớ với nét đẹp dữ dội, hoang sơ xen lẫn vẻ tươi mát, thơ mộng của thiên nhiên. Hai câu thơ: "Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi - Mường Lát hoa về trong đêm hơi" miêu tả những không gian cụ thể là "Sài Khao" và "Mường Lát". Ở đây ta bắt gặp hai địa danh với cái tên rất lạ, gợi đến miền đất xa xôi, vắng vẻ, hoang vu và bí hiểm. Sài Khao hiện về một đoàn quân mệt mỏi đi trong "sương lấp" - đó là những mảng sương dày tưởng chừng như che lấp tầm mắt con người. Nó gợi cho ta thấy hoàn cảnh đoàn quân Tây Tiến lúc bấy giờ phải đối mặt với khí hậu khắc nhiệt trong khi thể chất đang mệt mỏi. Mường Lát làm hiện lên sự đối lập với không gian Sài Khao, vì nó xuất hiện hình ảnh "hoa" - hình ảnh tượng trưng cho cái đẹp. Có thể đó là những bông hoa rừng được người lính Tây Tiến cảm nhận thấy qua khứu giác, qua thị giác, hay cũng có thể là hoa trong tâm tưởng. Nhưng dù hiểu theo cách nào, dù là hoa thực hay hoa trong tâm tưởng cũng đều gợi đến cái đẹp, đó là sự minh chứng cho vẻ đẹp tinh thần và tâm hồn người lính. Vẻ đẹp ấy của những người lính thật lãng mạn và thơ mộng.
Sự khó khăn và gian khổ của người lính phải trải qua đâu chỉ có sương lấp, sương dày nữa mà còn có biết bao khó khăn và nguy hiểm hơn.
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm.
Heo hút cồn mây súng ngửi trời.
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống.
Đầu tiên là con đường hành quân hiện lên khúc khuỷu, thăm thẳm: "Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm". Đây là câu thơ giàu chất tạo hình. Tác giả dùng từ láy tượng hình "khúc khuỷu, thăm thẳm" để vẽ lên dốc núi quanh co, nguy hiểm mà lại tạo nên độ cao, độ sâu đến khôn cùng. Câu thơ xuất hiện hai vế tiểu đối đã làm nổi bật nên sự hùng vĩ, hiểm trở của dốc núi. "Dốc lên" lại vừa cao, vừa khúc khuỷu, dốc xuống thì sâu hun hút. Hai từ "dốc" đứng đầu hai vế tiểu đối tạo nên không gian ba chiều: chiều cao, chiều rộng và chiều sâu. Dường như dốc núi còn được miêu tả hùng vĩ, dữ dội hơn ở câu thơ: "Heo hút cồn mây súng ngửi trời". "Heo hút" là từ láy tượng hình không chỉ hàm chúa độ cao, độ sâu mà còn hàm chứa sự lạnh lẽo, hoang vu, vắng lặng. Đó là biểu hiện của không gian cao vô cùng - là không gian lên tận trời mây. Và trong không gian này ta thấy thấp thoáng những người lính Tây Tiến qua hình ảnh "súng ngửi trời". Đây là cách nói rất lính thể hiện tinh thần của người lính với tâm hồn vô tư và hồn nhiên. Qua đó chúng ta không chỉ thấy được độ cao vô cùng của dốc núi mà còn thấy được ý chí của những người lính Tây Tiến mặc dù thân xác bé nhỏ nhưng tinh thần của họ rất lớn vì "dốc núi có cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi". Với ý chí và tinh thần như vậy, những người lính đi qua những dốc núi đẹp. Những bước chân của các anh dường như đã đo đếm được độ dài của dốc núi: "Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống". Câu thơ ngắt nhịp 4/3 với hai vế tiểu đối, đối lập giữa cao và thấp, giữa lên và xuống. Câu thơ như bẻ làm đôi, diễn tả dốc núi vút lên cao rồi đổ xuống gần như thẳng đứng. Độ cao được xác định là "ngàn thước" đã gợi độ gấp khúc cho con đường hành quân thì sự khó khăn, vất vả và nguy hiểm mà những người lính phải trải qua ngày càng nhiều.
Quang Dũng là một nhà thơ rất khéo tài khi sử dụng những thanh bằng, thanh trắc trong thơ. Trong ba câu thơ này thì tác giả sử dụng toàn thanh trắc, kết hợp với nhiều từ láy có tác dụng gợi cảm cho con đường hành quân khúc khuỷu và hiểm trở, song đó cũng là bức tranh thiên nhiên hoành tráng, hùng vĩ của miền Tây. Đó là những câu thơ được vẽ bằng những nét vẽ gân guốc thì đến câu thơ tiếp theo được vẽ bằng một nét vẽ mềm mại với thanh bằng khiến cho người đọc có cảm giác như đang trong trạng thái căng thẳng tới tột cùng bỗng được trở về với sự yên tĩnh của tâm hồn: "Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi". Một không gian nữa lại xuất hiện, đó là không gian "Pha Luông", một không gian êm đềm và bình yên. Dường như đó là giấc mơ của người lính Tây Tiến về một mái ấm gia đình. Không gian đó rất xa xôi vì thấp thoáng ẩn hiện trong những cơn "mưa xa".
Những cuộc hành quân trong hoàn cảnh gian khổ, khắc nghiệt khiến cho không ít những người lính Tây Tiến đã ngã xuống trên đường hành quân. Ngòi bút của Quang Dũng không bỏ qua hiện thực khốc liệt ấy:
Anh bạn dãi dầu không bước nữa.
Gục lên súng mũ bỏ quên đời !
"Dãi dầu" là hoàn cảnh người lính Tây Tiến phải trải qua. Hoàn cảnh ấy làm cho người lính Tây Tiến "không bước nữa" và "gục lên súng mũ" rồi "bỏ quên đời". Những cụm từ đã diễn tả sự hi sinh của người lính Tây Tiến trong hoàn cảnh rất riêng. Sự hi sinh đó không phải vì súng đạn mà là sự hi sinh do hoàn cảnh khắc nghiệt cảu thiên nhiên. Bởi vậy, dường như cái chết từ lâu đã nằm trong tiền thức của những người lính Tây Tiến. Vậy mà họ vẫn đối mặt với cái chết nhẹ nhàng, bởi vì họ coi cái chết nhẹ tựa hồng mao. Họ đúng là những con người dũng cảm và ngoan cường.
Hai câu thơ tiếp theo miêu tả thiên nhiên hùng vĩ, hoang dã đầy đe dọa với núi cao, vực thẳm, thác gầm, thú dữ,... tưởng chừng nuốt chửng, đè bẹp những ai muốn đối đầu với nó:
Chiều chiều oai linh thác gầm thét.
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.
Hai câu thơ xuất hiện hai hình ảnh "thác" và "cọp". Thác diễu võ dương oai với con người bởi âm thanh "gầm thét". Thứ âm thanh vang dội, rùng rợn - oai linh của rừng già. Oai linh đó còn thể hiện qua hình ảnh "cọp trêu người". Những người lính Tây Tiến còn phải đối mặt rất gần với chúa tể rừng xanh. "Trêu" là động từ khiến cho cái nỗi sợ hãi của người lính lù xa. Đây là sự dí dỏm, hài hước của anh bộ đội cụ Hồ. Vẻ hoang sơ, dữ dội chứa đầy bí ẩn của núi rừng miền Tây được nhà thơ miêu tả không chỉ theo chiều không gian mà còn được khám phá ở chiều thời gian. Tác giả mở đầu hai câu thơ bằng cụm từ "chiều chiều, đêm đêm" để gợi tả thời gian liên tiếp theo vòng tuần hoàn. Và do vậy, người lính Tây Tiến luôn phải đối mặt với oai linh rừng rạp vừa rất gần, vừa lại liên tục. Nó luôn là mối nguy hiểm đáng sợ đối với con người.
Hai câu thơ cuối gợi cảm giác tươi mát, ngọt ngào về cuộc sống thanh bình thoáng bắt gặp trên đường hành quân:
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói.
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.
Câu thơ mở đầu bằng cụm từ cảm thán "nhớ ôi" cho ta thấy tình cảm của tác giả được hướng vào nội tâm. Và nỗi nhớ ấy không kìm nén nổi để rồi bật thốt thành lời. Từ nỗi nhớ đó, nhà thơ gọi về rất nhiều hình ảnh trong hoài niệm, trong quá khứ. Hình ảnh "cơm lên khói" đã tác động vào thị giác, khướu giác, vị giác và tâm hồn nhà thơ. Đây nữa "Mai Châu" một bản làng với cái tên rất đẹp và nỗi nhớ gọi về cái hương vị thơm nồng của "nếp xôi". Trong câu thơ Quang Dũng sử dụng một từ hoàn toàn sáng tạo "mùa em" - mùa nằm trong quyền sở hữu của em. Đọng lại trong hai câu thơ là hình ảnh người con gái Mai Châu cần cù, tần tảo và có vẻ đẹp tâm hồn trong sáng.
Mở đầu đoạn thơ là nỗi nhớ, kết thúc đoạn thơ cũng là nỗi nhớ và nỗi nhớ ấy bàng bạc trong cả đoạn thơ. Qua nỗi nhớ tác giả đã gọi về những âm thanh, hương vị, cảnh vật và con người. Và qua nỗi nhớ ấy ta thấy được tình yêu của Quang Dũng với mảnh đất Tây Bắc, con người Tây Bắc, với những người đồng chí, đồng đội của mình. Đó cũng là tình yêu quê hương, đất nước và con người của nhà thơ đã được khắc họa rõ nét, sâu sắc qua đoạn thơ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top