Chương 10


Nên nghĩa vợ chồng, Diệu - Xuân hết lòng vì chúa. Bày trận thủy hoả, Nguyễn Huệ diệu kế dụng binh.

Nói về Tôn Thất Hương sai con là Tôn Thất Chính đem năm ngàn quân đi tiên phong vượt đèo Thạch Tân đánh quân Tây Sơn, tự mình dẫn đại quân đi sau tiếp ứng. Đạo quân tiên phong Tôn Thất Chính đi đến đâu quân Tây Sơn lui đến đấy. Tiến một mạch đến chân núi Bích Kê thấy núi non trùng điệp cây cỏ um tùm. Chính sợ phục binh bèn đóng đồn cách núi Bích Kê hai mươi dặm chờ đại binh trợ chiến. Tôn Thất Hương dẫn đại binh đến nói:

- Giặc không đánh trận nào mà chỉ lui quân. Chúng muốn bảo toàn lực lượng dụ ta vào eo núi này mà đánh. Kể ra cũng lắm mưu nhiều kế, nhưng lừa ta sao được.

Vừa nói dứt lời bỗng nghe tiếng trống dập dồn, tiếng quân hò reo vang trời dậy đất, quân Tây Sơn từ trong núi xông ra. Đi đầu là hai viên tướng đầu đội mũ lông thú, mình mặc giáp trụ uy nghi, toàn quân đều mặc áo đỏ, ào ào xông đến. Tôn Thất Hương sai quân dàn trận sẵn sàng đợi địch. Hai bên giáp chiến, chém giết rất hăng. Tôn Thất Hương thấy quân Tây Sơn dũng mãnh tiền quân núng thế liền sai con là Tôn Thất Đính chia hậu quân làm hai cánh tiến lên đánh vào hai bên sườn địch. Vũ Văn Nhậm trông thấy liền đánh trống thu quân. Quân Tây Sơn làm như hỗn loạn theo đường đèo mà chạy. Tôn Thất Chính xua tiền quân đuổi tràn theo. Bỗng nghe chuông thu quân liền quay ngựa lại hỏi:

- Thưa cha! Sao không nhân lúc thắng trận đuổi theo giặc đánh giết một trận rồi chiếm lại thành Quy Nhơn cho rồi?

Tôn Thất Hương nói:

- Con còn nhỏ chưa từng xông pha trận mạc nên không biết đấy thôi. Hãy nhìn xem hai bên sườn núi có phục binh.

Tôn Thất Đính ngơ ngác hỏi:

- Thưa cha, con có thấy phục binh nào đâu? Tôn Thất Hương cười bảo:

- Nếu phục binh mà cho ta thấy thì sao gọi là phục được. Hãy quan sát thiên nhiên để biết điều nhân sự. Ở cánh rừng hai bên sườn núi rộng chừng vài dặm chim chóc tự nhiên bay lên hàng đàn thì trong ấy chẳng phải có phục binh đó ư!

Đính và Chính cùng nói:

- Cha liệu việc như thần. Giờ ta phải tính kế nào qua khỏi đèo này? Hương đáp:

- Việc này ta đã có kế!

Nói xong bèn viết một phong thư sai sứ giả đem trao cho Tây Sơn Nguyễn Nhạc, rồi kéo đại binh lui về đóng đồn ở phía Nam sông Lại Dương.

****


Nguyễn Nhạc nhận thư Tôn Thất Hương bèn hội các tướng bàn việc quân. Nhạc nói:

- Tôn Thất Hương biết kế mai phục của ta nên không đuổi theo tiền quân Nhậm và Dũng. Nay lại cho người đưa thư nói rằng: Quân ta khởi binh tôn phò Hoàng tôn Dương là thuận lòng trời hợp lòng người, hắn bất đắc dĩ nghe lệnh tổng trấn Quảng Nam dinh là Nguyễn Phúc Nghiêm nên phải đem quân chinh chiến chứ lòng chẳng muốn. Nguyễn Phúc Nghiêm rất thích ăn thú rừng, trong dinh lúc nào cũng nuôi vài mươi con để dùng dần. Nay nếu quân ta nộp cho hắn nai hươu, lợn rừng, mang mển, dê rừng, mỗi thứ hai mươi con, cả thảy một trăm con còn sống, hắn sẽ đem dâng cho trấn thủ Quảng Nam Nguyễn Phúc Nghiêm, rồi lựa lời ngon ngọt để Nghiêm đừng hối thúc việc quân, ấy là kế hoãn binh. Sau đó hắn sẽ sai người tâm phúc ra kinh thành mật báo với Hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương bỏ kinh thành vào với quân ta để đánh đổ Trương Phúc Loan. Không biết những lời ấy là thật hay có ẩn ý gì?

Nhạc nói xong có quân thám mã về báo:

- Địch lui về một trăm dặm đóng quân ở phía Nam sông Lại Dương. Quân sư Trương Văn Hiến cười rằng:

- Tôn Thất Hương quả nhiên trí dũng hơn người, lại rất rành binh pháp. Nay đang là mùa hè nóng nực gió Nam thổi mạnh khí hậu khô rốc, nên hắn lui về đóng quân gần sông Lại Dương để nhờ hơi nước ẩm mát giữ gìn sức khoẻ tướng sĩ và tránh xa núi này để dễ đề phòng quân ta tập kích, đồng thời cho ta tin rằng hắn có thiện ý như đã viết trong thư, người như thế thật đáng là danh tướng.

Nguyễn Nhạc nghi ngờ hỏi:

- Quân sư nói vậy có nghĩa là hắn có mẹo gì ư? Hiến trầm ngâm đáp:

- Núi rừng mùa khô rất dễ bị địch dùng hỏa công mà đốt. Nhưng quân triều đóng ở phía Bắc, mà gió Nam đang thổi ngược ra, nên Tôn Thất Hương không thể dùng hỏa công đốt núi. Nay nếu ta nộp đủ trăm con thú, hắn sẽ cho đại quân tiến sát rừng rồi bất ngờ thả thú có mang lửa và chất dẫn hoả trên mình. Thú rừng tất sẽ chạy vào rừng. Ấy là không thuận gió mà vẫn có thể dùng hoả công, khi ấy ắt là phục binh của ta sẽ làm mồi cho lửa.

Nguyễn Nhạc giật mình hỏi:

- Tôn Thất Hương quả nhiên lợi hại. Nếu ta không nộp thú cho hắn thì hắn làm thế nào? Hiến đáp:

- Hắn tiên liệu rằng nếu ta không nộp thú ắt phải hẹn ngày để dùng kế hoãn binh. Ấy là hắn dùng kế hoãn binh của ta để làm kế hoãn binh của hắn. Rồi nhân lúc ta không đề phòng, hắn chia quân dùng thuyền nhỏ ra cửa biển An Giũ vượt qua núi Bích Kê vào cửa biển đầm Đạm Thủy rồi đổ bộ đánh vào sau lưng ta. Khi ấy hắn phóng hỏa đốt núi thì quân ta nguy mất.

Hiến vừa dứt lời viên tiểu tướng vào báo:

- Bẩm trại chủ, có hai viên tướng người Tàu tên là Lý Tài và Tập Đình đem quân vào cửa biển Đạm Thủy xin nương nhờ quân ta và xin lương thực. Tướng quân Nguyễn Văn Tuyết không dám quyết nên sai tôi đến xin lệnh trại chủ.

Nguyễn Nhạc hỏi:

- Hai viên tướng ấy hiện ở đâu?

- Một người theo tôi đến đây đang chờ ngoài doanh trại. Nhạc liền cho mời vào hỏi:

- Chẳng hay tướng quân là người ở phương nào, vì sao phải đến đây nương nhờ Tây Sơn


ta?

Người ấy đáp:

- Tôi tên Lý Tài và người anh em kết nghĩa tên Tập Đình quê ở Quảng Đông nguyên là thuộc tướng của nhà Minh. Chúng tôi dấy binh phản Thanh phục Minh, nên bị quân Thanh đánh đuổi, không còn đất dung thân phải theo đường bể chạy về đây. Hiện nay quân lương hết sạch xin Chúa công thương tình cho mảnh đất dung thân, cấp lương thảo qua cơn hoạn nạn. Nếu có gì sai bảo anh em tôi xin đem thân khuyển mã báo đền.

Nói xong khóc lạy. Nhạc động lòng nói:

- Việc ấy đối với ta chẳng khó gì. Nhưng từ Quảng Đông đến đây đường xa vạn dặm, sao tướng quân không vào Bắc Hà xin nương nhờ chúa Trịnh mà phải vượt sóng gió đến nơi này?

Lý Tài gạt nước mắt đáp:

- Ở Bắc Hà vua Lê chúa Trịnh đang chịu thụ phong và nộp cống cho nhà Thanh. Nếu tôi vào đất ấy thì có khác gì làm mồi cho kẻ muốn tâng công. Trên đường đi có ghé vào Phú Xuân thì bị quân chúa Nguyễn đánh đuổi bảo tôi là cướp bể. Rồi cứ thế đi lần vào phương Nam. Hôm tháng trước tình cờ gặp một toán quan quân đi thuyền ra Phú Xuân, hỏi ra mới biết đó là quan Trấn thủ thành Quy Nhơn bị Chúa công đánh đuổi. Tôi trộm nghĩ Chúa công vì dân nghèo dấy nghĩa ắt thương kẻ đường cùng, vả lại không lệ thuộc vào người nào ắt là nương nhờ được. Nên mới mạo muội đến đây xin Chúa công mở lượng hải hà.

Nói xong lại khóc lạy. Nguyễn Nhạc cảm động đỡ Lý Tài dậy hỏi:

- Tướng quân hiện có bao nhiêu quân, đang đồn trú ở đâu? Lý Tài đáp:

- Tôi hiện còn một ngàn quân và năm mươi chiếc thuyền, hết lương nên cho thuyền vào cửa bể Đạm Thủy. Tướng quân Nguyễn Văn Tuyết đem quân ra đánh. Tôi treo cờ trắng và bỏ khí giới, Tuyết tướng quân cho đóng tạm trong đầm Đạm Thủy.

Nhạc quay sang hỏi Trương Văn Hiến:

- Ý quân sư thế nào?

Văn Hiến đáp:

- Thấy người cùng đường không cứu thì đâu phải là chính nghĩa. Xin trại chủ cấp cho họ một ngàn hộc thóc. Khi có việc cần nhờ họ giúp một tay, ấy là cả hai cùng có lợi vậy.

Nhạc nghe lời, nói với Lý Tài:

- Tướng quân hãy quay về tạm neo thuyền trong đầm Đạm Thủy, ta sẽ cho người vận tải lương thực, và lệnh cho Tuyết tướng quân trả khí giới cho binh sĩ của tướng quân. Hiện nay quân ta đang chống nhau với binh triều Nguyễn. Tướng quân cứ nghỉ cho khoẻ, khi cần có thể vì ta mà giúp một tay chăng?

Lý Tài mừng rỡ lạy tạ ơn:

- Ơn sâu của Chúa công nguyện kết cỏ ngậm vành. Dù nhảy vào dầu sôi lửa bỏng tôi quyết chẳng từ nan.

Nói rồi lạy tạ ra đi. Võ Đình Tú đứng lên nói:

- Thưa trại chủ, tôi thấy người này mắt lươn, môi mỏng, mũi thời nhọn, mà nhân trung thời ngắn ắt không phải người ngay. Xin trại chủ chớ khá tin dùng.

Văn Hiến cười khen Đình Tú:

- Đình Tú tuổi còn nhỏ mà biết xem tướng nhìn người, quả có mắt tinh đời. Ta cũng biết thế nhưng cứ đem ân đức mà cảm hoá ấy chẳng phải là con đường nhân đạo hay sao? Nếu về sau ăn ở hai lòng ta sẽ liệu sau, Đình Tú đừng ngại. Bây giờ trại chủ hãy đưa thư hẹn Tôn


Thất Hương trong nửa tháng nộp đủ số thú rồi kíp sai người triệu Nguyễn Huệ đem quân hợp sức định ngày phá địch.

****

Nói về Nguyễn Huệ sau khi lấy thành Quy Nhơn vâng mệnh anh về Tây Sơn Thượng cùng nữ tướng Bùi Thị Xuân dời trại luyện binh xuống miền Tây Sơn Hạ. Trần Quang Diệu đem năm trăm quân đến gia nhập nghĩa quân. Diệu nói:

- Tôi vâng lệnh tướng quân đem quân bản bộ mở đường Thượng đạo. Tôi theo lối mòn của người Thượng thông thương với nhau, nên đường núi này trong có thể vào đến Bình Thuận, ngoài có thể ra tới Nghệ An. Nay việc đã xong đem quân về phục mệnh.

Nguyễn Huệ mừng rỡ vỗ vai Diệu khen:

- Tướng quân thật là bậc kỳ tài trong thiên hạ. Mở được con đường này coi như ta đã hoàn thành một nửa sứ mệnh đập đổ hai nhà Trịnh Nguyễn, xoá bỏ ranh giới Linh Giang, đem giang sơn về một mối, mang lại thái bình cho trăm họ rồi vậy. Nay quân ta chiếm thành Quy Nhơn, đang tiến ra thu phục hai huyện Phù Ly và Bồng Sơn, tôi vâng lệnh đại huynh dời doanh trại xuống miền Tây Sơn Hạ để huấn luyện tân binh. Tôi và cô Xuân phải gấp đi ngay, phiền tướng quân tạm ở lại đây chờ người Thượng mang voi đến nộp, rồi xuống hội quân ở Tây Sơn Hạ. Chẳng hay tướng quân có vui lòng chăng?

Trần Quang Diệu khẳng khái đáp:

- Đã là việc quân thì phải gạt bỏ tình riêng sao tướng quân lại hỏi vui hay không vui? Nguyễn Huệ vờ hỏi:

- Sao tướng quân lại nói là gạt bỏ tình riêng? Có phải tướng quân còn phu nhân ở quê quán hay chăng?

Diệu thành thật đáp:

- Tôi chưa gặp được ý trung nhân nên chưa thành gia thất. Huệ lại quay sang Bùi Thị Xuân hỏi:

- Còn cô Xuân quê nhà ở Tây Sơn Hạ, lâu nay vì việc quân mà phải xa nơi chôn nhau cắt rốn. Nay được về nơi ấy nên vui mới phải, sao nét mặt lại ưu phiền như thế?

Bùi Thị Xuân ngập ngừng đáp:

- Tôi lâu nay huấn luyện tượng quân ở nơi này có đôi phần quen người quen cảnh, nay ra đi cũng ít nhiều lưu luyến vài kỷ niệm mà thôi.

Huệ bật cười ha hả hỏi:

- Có phải kỷ niệm xạ tiễn giết hổ cứu người không?

Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân cùng thẹn thùng cúi mặt. Nguyễn Huệ cầm tay Diệu và Xuân nói:

- Nỗi lòng của hai người ta đã rõ. Nếu ta không làm cầu Ô Thước thì biết bao giờ Ngưu Lang, Chức Nữ mới gặp được nhau đây? Thôi tướng quân hãy cùng theo về Tây Sơn Hạ, ta sẽ xin phép Bùi ông tác hợp cho hai người.

Quang Diệu ái ngại hỏi:

- Vậy còn việc nhận voi của người Thượng phải tính thế nào? Huệ cười đáp:

- Lão làng tự khắc sai người mang về Tây Sơn Hạ. Lúc nãy ta nói thế là lập mưu cho rõ lòng hai vị mà thôi.

Diệu và Xuân đồng thanh nói:


- Đa tạ tướng quân thương tình tác hợp.

Về đến Tây Sơn Hạ, Huệ đứng ra chủ hôn cử hành hôn lễ cho Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân. Việc vừa xong có quân đến đưa thư của Nguyễn Nhạc. Nguyễn Huệ mời Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân đến giở bản đồ ra nói:

- Tổng binh Quảng Nam dinh là Tôn Thất Hương đem ba vạn quân vào đóng ở phía Nam sông Lại Dương. Đại huynh cùng quân sư đem toàn quân trong thành Quy Nhơn hợp với quân Nhậm và Dũng đóng tại núi Lại Khánh và núi Bích Kê chặn địch. Đại huynh bảo ta kíp đem quân hợp sức phá giặc. Nay hai người mới nên duyên gia ngẫu, vì việc quân khẩn cấp ta có việc muốn nhờ Diệu, trong lòng ái ngại lắm thay.

Diệu vòng tay nói:

- Tôi đã thưa với tướng quân, vì việc quân phải gạt bỏ tình riêng. Xin tướng quân xuống lệnh tôi dù phải phơi gan trải mật chẳng dám chối từ.

Huệ chỉ vào bản đồ nói:

- Phiền tướng quân đem năm trăm quân bản bộ ngược theo đường Thượng đạo ra huyện Bồng Sơn đến thượng nguồn sông Lại Dương đắp đập chặn nước rồi đốn cây thả ở trên đập, chờ khi nào thấy lửa cháy, nghe tiếng súng nổ ở hạ lưu Lại Dương Giang thì sai quân phá đập. Ta muốn mượn dòng nước này chặn đường lui quân của binh Nguyễn triều. Còn cô Xuân ở lại giữ doanh trại, huấn luyện tượng binh. Ta kíp đem quân hợp sức với đại huynh phá địch.

****

Nguyễn Huệ dẫn quân đến phía Nam núi Bích Kê và núi Lại Khánh, quân Tây Sơn trông thấy hô vang:

- Tướng quân Nguyễn Huệ đến, lo gì giặc chẳng tan. Nguyễn Nhạc ở trong doanh trại nghe tiếng ồn ào liền hỏi:

- Ngoài kia có việc gì mà binh sĩ náo động thế? Quân canh đáp:

- Thưa trại chủ, tướng quân Nguyễn Huệ dẫn quân về, tướng sĩ trông thấy mừng rỡ hô vang rằng: Tướng quân Nguyễn Huệ đến, lo gì giặc chẳng tan đấy ạ!

Nguyễn Nhạc liền cho triệu Nguyễn Huệ cùng các tướng họp bàn việc quân. Huệ quỳ tâu:

- Em vâng lệnh đại huynh đến phục mệnh. Nghe nói Tôn Thất Hương đem đại binh đóng ở phía Nam sông Lại Dương. Thưa đại huynh việc ấy có không?

Nguyễn Nhạc chưa kịp trả lời. Vũ Văn Dũng bước ra nói:

- Đúng là như vậy. Lúc tôi cùng Vũ Văn Nhậm chiếm xong huyện Bồng Sơn, thì binh triều đem ba vạn quân vượt đèo Thạch Tân đánh xuống. Trại chủ lệnh cho tôi cùng Nhậm không được đánh mà cứ giả vờ sợ hãi chạy một mạch đến đây. Nay có sư huynh đến xin trại chủ cho chúng tôi cùng sư huynh ra huyết chiến một phen.

Nguyễn Huệ trấn an Văn Dũng:

- Sư đệ đừng nên nóng nảy. Đại huynh và quân sư ắt có kế rồi đây. Rồi quay sang Hiến, Huệ hỏi:

- Nay kế phá giặc đại huynh và quân sư định liệu thế nào xin xuống lệnh, chúng tôi lập tức ra trận lập công.

Trương Văn Hiến trầm ngâm đáp:

- Tôn Thất Hương dùng kế hoãn binh bắt ta nộp cho hắn một trăm con thú, hắn sẽ lui binh.


Ta sẽ tương kế tựu kế hẹn nửa tháng sẽ giao nộp đủ, rồi lệnh cho Nguyễn Văn Tuyết cùng Lý Tài phục thủy binh ở cửa biển đầm Đạm Thủy, nhất định hắn sẽ chia quân đi đường thủy vào cửa bể này đánh sau lưng doanh trại của ta. Đợi khi Tuyết phá địch ở đầm Đạm Thủy xong, đại binh của ta sẽ đánh vào đại bản doanh của chúng bên bờ sông Lại Dương, thì việc đuổi chúng ra khỏi đèo Thạch Tân nào có khó gì.

Nghe xong Nguyễn Huệ tâu:

- Đại huynh đưa thư hẹn với hắn cứ một ngày nộp mười con, trong mười ngày sẽ nộp đủ số thú rừng, để hắn khinh thường là ta đã trúng kế của hắn. Sau ba ngày tôi xin đem năm ngàn quân làm tiên phong đánh giặc. Nếu không phá được binh triều xin về đây chịu chém đầu theo tướng lệnh.

Nguyễn Nhạc nổi giận vỗ án quát:

- Ngươi là đứa con nít cứ cậy khoẻ nói càn, quân ta một vạn chưa dám ra giữa chiến trường đánh nhau với ba vạn quân địch. Cái đầu ngươi nào có sá gì, nhưng còn tính mạng năm ngàn quân của ta thì sao?

Văn Hiến đứng dậy can rằng:

- Xin trại chủ bớt giận. Huệ nói vậy ắt là có kế sách - Rồi quay sang hỏi Huệ - Con định đánh thế nào mà năm ngàn quân có thể phá được ba vạn quân của địch?

Huệ quỳ tâu:

- Thưa thầy, con sẽ cho quân đối mặt giáp chiến với binh triều.

Nói chưa dứt lời, Trương Văn Hiến lắc đầu, các tướng Nhậm, Dũng, Tú đều ngơ ngác nhìn nhau. Nguyễn Nhạc thấy thế lại vỗ án hét lớn:

- Sức ngươi đã bạt sơn cử đảnh như Hạng Võ ngày xưa chưa mà cậy khoẻ ngông cuồng? Nguyễn Huệ sợ hãi quỳ lạy:

- Em chưa hết lời xin đại huynh bớt giận. Nguyên là nhờ hồng phúc của đại huynh, em vừa chế được một thứ binh khí, một quân ta có thể đánh được mười quân địch.

Nguyễn Nhạc nghi ngờ hỏi:

- Thứ vũ khí nào mà lợi hại thế? Nếu còn nói càn ta quyết trị tội không tha!

Nguyễn Huệ vội gọi quân mang vào một cây sắt vừa vặn tay cầm, dài chừng hai thước. Huệ cầm lên nói:

- Đây là cái ống bằng đồng, rỗng ở bên trong, có hai khoen dùng để gắn một cây đuốc ở ngay miệng ống. Trong ống đựng đầy một thứ nhựa cây, khi ra trận chỉ cần cầm ống này vung về phía địch, nhựa trong ống văng ra, gặp lửa ở miệng ống lập tức bốc cháy. Giặc bị phỏng tất phải văng gươm mà chạy. Thứ nhựa cây này văng đâu dính đó, phủi không rời, dập không tắt, sức nóng vô cùng, anh em ba quân gọi là hỏa hổ, xin đại huynh xem xét.

Văn Hiến lấy làm lạ hỏi:

- Thứ hỏa hổ này cổ kim chưa từng nghe nói. Huệ lấy đâu ra nhựa cây ấy? Nguyễn Nhạc cầm ống hỏa hổ săm soi nói:

- Thứ nhựa cây của người Thượng lấy ở trên rừng, ban đêm cần ánh sáng thì thay dầu mà đốt. Ta từng sống với người Thượng bao nhiêu năm mà chẳng nghĩ ra. Nguyễn Huệ quả nhiên là thần cơ diệu toán. Truyền quân chuẩn bị xuất quân. Phong Nguyễn Huệ là tiên phong, Văn Dũng làm phó tướng đem năm ngàn quân đánh vào trại địch. Ta sẽ đem đại binh tiếp ứng.

Nguyễn Huệ nói:

- Em đã cho bộ tướng là Trần Quang Diệu đem năm trăm quân chặng đường về của địch. Ba vạn quân triều không thể nào chạy khỏi Lại Dương Giang. Đại huynh kíp ra chiếu lệnh


truyền Lý Tài và Tập Đình dẫn một ngàn binh bản bộ đem chiến thuyền vào cửa biển An Giũ rồi án binh bất động, khi nào thấy lửa cháy ở bờ phía Nam sông Lại Dương thì đem quân theo bờ Bắc bất ngờ đánh lấy đèo Thạch Tân, ắt là toàn thắng.

Trương Văn Hiến xua tay nói:

- Tôn Thất Hương là đại tướng của chúa Nguyễn rất giỏi dụng binh, dù quân thua vẫn trật tự mà lui. Trần Quang Diệu đem năm trăm quân sao chặn được đường về của ba vạn quân địch.

Các tướng đều nói:

- Lời quân sư hữu lý. Nguyễn Huệ giãi bày rằng:

- Tôi sai Trần Quang Diệu đem năm trăm quân lên thượng nguồn sông Lại Dương đắp đập chặn nước rồi đốn cây thả ở đầu dòng, hẹn thấy lửa cháy ở hạ lưu sông Lại thì phá đập.

Nước và gỗ sẽ đổ xuống như thác, quân triều dù mọc cánh cũng không qua khỏi Lại Dương Giang.

Văn Hiến cười ngặt nghẽo nói rằng:

- Huệ ơi con đã tính nhầm rồi. Nay đang là mùa nắng hạn, sông Côn còn phải cạn trơ gò huống hồ là sông Lại Dương, thì nước đâu mà con đắp đập ngăn sông?

Nguyễn Huệ đáp:

- Thưa thầy, thông thường mùa này các sông đều khô cạn, nhưng đặc biệt con sông Lại Dương mùa mưa thì không bị lụt lớn, mùa nắng hạn nước vẫn tràn đầy. Bởi thế nhân dân trong vùng thường có câu hát rằng "Nước Lại Dương mênh mang mùa nắng, dòng sông Côn lai láng mùa mưa". Xin thầy cùng đại huynh an tâm, đánh trận này nếu có một tên quân Nguyễn triều qua được bờ bắc Lại Dương Giang, Huệ tôi xin về chịu tội.

Trương Văn Hiến ngạc nhiên nói:

- Trong cõi trời đất này lại có con sông lạ lùng thế sao? Nếu quả vậy là trời giúp ta rồi đó. Nguyễn Huệ biết dùng cỏ cây, nước lửa thay cho quân lính thật là tài năng hiếm có trên đời. Ta trước dạy binh thư võ nghệ cho Huệ, nhưng tùy cơ mà ứng dụng binh pháp cũng không bằng Huệ vậy. Tâu trại chủ cứ theo kế ấy mà làm, trận này nhất định bắt sống cha con Tôn Thất Hương.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #babeo