Tây Cố Bà Sa - 14

Đêm hôm ấy, không hiểu vì sao, vết thương của Diệp Tử bỗng trở nặng.

Bác sĩ y tá rầm rầm lao đến vây xung quanh giường, một người hùng hổ vội vàng xé băng dính cố định vết thương, cắt roẹt một cái đứt hết phần chỉ khâu rồi lập tức xử lý phần vết thương đang mưng mủ. Diệp Tử nghiến chặt hai hàm răng, đưa mắt ra hiệu yêu cầu Tây Cố ra khỏi phòng. Nhưng gã làm như không thấy, vẫn nắm chặt bàn tay phải của cô, mặt mũi càng lúc càng tái nhợt nhưng vẫn chăm chú dõi mắt nhìn, tận mắt chứng kiến bác sĩ vo một nắm gạc sạch nhét vào chỗ vết mổ, chỉ để một đầu gạc ròng ra phía ngoài để dẫn mủ chảy ra.

Gã nhẹ nhàng chấm khăn lau khô mồ hôi lạnh đang rịn ra trên trán Diệp Tử, tai lùng bùng chỉ nghe được vài từ đứt quãng. "Nhiễm trùng". "Morphine". Ánh mắt rã rời không có tiêu điểm nhìn chỗ hoa văn chìm được thêu tay trên chiếc khăn tay.

Thật ra thì, gã không có thói quen mang theo khăn tay, cảm thấy nó cứ ẻo lả sao đó. Nhưng mà cứ lúc nào Diệp Tử muốn thư giãn đầu óc một chút, việc đầu tiên chính là cầm vải cầm kim chỉ để thêu thùa khâu vá. Sức khỏe cô không tốt lắm nên không thêu được các thứ hoa văn phức tạp to lớn, thỉnh thoảng lắm mới làm cho gã cái áo hoàn chỉnh, còn đa phần thời gian là mấy hộp khăn tay..

Sợ gã ngại dùng khăn tay, nên mỗi lần cô đều thêu bằng hoa văn chìm có màu sắc gần với màu vải, cực kỳ khéo tay tỉ mỉ. Nhưng cái nào cũng kèm theo hình một chú thỏ trên mặt trăng, bởi vì đó là xuất xứ cái tên của gã.

Có thể chính vì lẽ đó nên lúc nào gã cũng mang theo vài cái khăn tay trong người. Mỗi lần tắm xong gã đều sẽ nhẹ nhàng cẩn thận giặt tay với nước giặt Cold wash. Chờ khăn được phơi khô rồi thì sẽ rón rén gập làm tư vuông vắn và để gọn vào ngăn túi.

Đau tới mức cần phải tiêm morphine, nhưng Diệp Tử vẫn chỉ cắn răng chịu đựng không rên tiếng nào. Mãi tới cuối cùng bàn tay cô bỗng thả lỏng một chút. Hẳn là đau tới bất tỉnh nhân sự.

Còn gã, ngược lại, càng xiết chặt bàn tay cô hơn nữa.

Đừng sợ, Diệp Tử, đừng sợ. Chúng ta là quân thần, nên chúng ta không cần sợ hãi.

Lúc Diệp Tử mơ màng tỉnh lại, đập vào mắt cô là Tây Cố đang nắm hờ bàn tay cô, gục đầu nằm nhoài bên mép giường, ngủ rất say.

Cô thử cựa quậy một chút, thấy mình thực sự mệt nhoài không hề có chút sức lực nào. Cô thầm cười cay đắng trong lòng.

Vết mổ trên bụng cô vẫn đang rát bỏng như bị lửa đốt, nhưng cảm giác đau thực sự lại đã tê dại chai lỳ.

Cuối cùng cũng hoàn toàn tuyệt vọng, cuối cùng cũng hoàn toàn đoạn tuyệt. Phải không?

Kiếp trước cô lịch kiếp thất bại, ngay cả đạo sét đánh đầu tiên cũng không đỡ nổi khiến cho hồn phách bị thương nặng. Dưỡng thương hơn hai trăm năm ròng, hồn phách lại càng ngày càng yếu ớt, bắt buộc phải có thân xác thì mới tiếp tục dưỡng thương được. Có điều bị thương nặng tới mức đó, hồn phách cô không khác nào một hạt giống bồ công anh chơi vơi trong gió, không có quyền lựa chọn... Thế nên vừa mở mắt, thấy nguyên cái bồn tắm đỏ lòm, lại sắp chết, vì mất máu.

Chờ cô hao tổn nốt chút hồn lực mong manh cuối cùng để giữ được mạng sống, cô mới phát hiện ra trong cái thân xác này vẫn chưa hoàn toàn "sạch sẽ", bên trong vẫn còn lấm tấm không ít "quyến luyến hoài niệm" xen lẫn với "khó hiểu, không cam lòng".

Ba ngàn năm nay cô có thể liên tục luân hồi, mỗi lần mượn xác hoàn hồn đều không gặp chuyện gì quá bất hạnh, ấy là vì tuy sư phụ cô chơi xỏ cô là thế, nhưng vẫn giúp cô "đi cửa sau" ít nhiều. Mỗi lần cô chuyển kiếp, đều có thể dùng sổ công tội của thân xác đó mà gọi ra một vị "dân bản địa" nhờ giúp đỡ mình một thời gian, để tránh việc bị người ngoài nhìn rõ bản chất, nhỡ mà sợ quá gọi hòa thượng đạo sĩ đến làm phép đuổi tà thì gay go.

Cơ mà nếu sư huynh của cô (aka Tôn Đại thánh) có pháp lực mạnh mẽ có thể gọi hẳn các cấp thổ địa lớn bé ra sai bảo làm việc như cu li, bản thân cô lại yếu kém hơn nhiều, giỏi lắm cũng chỉ gọi được một vị thần chủ lên lịch sự cung kính hỏi thăm tin tức về cái thân xác của mình một chút.

Đến đời này, cô cũng chỉ hỏi thần chủ xem mấy thứ đồ dùng công nghệ điện tử hiện đại kia sử dụng ra sao dùng để làm gì. Còn thì toàn bộ thông tin khách quan lẫn ấn tượng chủ quan đối với chủ nhân cũ của cái thân xác này, cô đều lấy từ số lượng nhật ký khổng lồ của cô bé đó.


Ấy là một cô bé học trò, thông minh rất sớm, học giỏi nhưng mà cực kỳ học lệch. Vừa học tiểu học chưa được bao lâu đã bắt đầu viết nhật ký, nội dung cực kỳ phong phú trôi chảy, cách dùng từ cũng rõ ràng chính xác và độc đáo. Nếu không có màn tự sát nọ... nói không chừng có thể sẽ trở thành một Thái Văn Cơ thời hiện đại.

(Thái Văn Cơ: Tên thật là Thái Diễm, tự là Chiêu Cơ, sống dưới thời Tam Quốc. Cha ruột của bà là Thái Ung, khá thân với Tào Tháo, nên bà ít nhiều được Tào Tháo che chở. Sau khi Tư Mã Chiêu cướp ngôi nhà Ngụy, đánh bại nhà Thục Hán và Đông Ngô, xưng đế và lập ra triều Đại Tấn, bà được người sau đổi tên thành Văn Cơ, chữ Văn trong văn chương do kỵ húy chữ Chiêu trong tên vua. Bà là một trong những nữ văn nhân đầu tiên của Trung Hoa, là nhà thơ nữ duy nhất trong thời kỳ văn học thi ca thời cuối nhà Đông Hán. Tác phẩm tự sự nổi tiếng nhất của bà là bài thơ ngũ ngôn dài gần 150 câu, Bi phẫn thi, kể lại gần như toàn bộ cuộc đời bà kèm theo rất nhiều biến cố lịch sử. Bà được coi là một nữ văn sĩ cực kỳ quan trọng trong nền văn hóa Trung Hoa cổ đại, được đặt chung với các tài nữ khác như Ban Chiêu, Tạ Đạo Uẩn và đi vào vô vàn tác phẩm của đời sau.)

Trước năm mười hai tuổi, cô bé sống cùng bà ngoại là chính. Bà ngoại cô rất thương yêu cô, một cô bé con ngoan ngoãn, nghe lời, học giỏi và chăm học. Trong khoảng thời gian này, nhật ký chủ yếu ghi chép lại những chuyện vụn vặt trong sinh hoạt cũng như những điều tâm đắc khi đi học. Mỗi dòng mỗi đoạn đều sinh động lạc quan, hồn nhiên hạnh phúc. Cô bé hoàn toàn chấp nhận "tình huống gia đình", rằng ba mẹ cô rất yêu thương cô, chỉ là quá bận rộn mà thôi.

Cho tới khi bà ngoại gặp tai nạn giao thông qua đời, cô bé mới chính thức từ thiên đường rơi vào địa ngục, ngơ ngác đờ đẫn đi theo ba mẹ tới Đài Bắc, "về nhà". Bà nội với mẹ có mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu cực kỳ gay gắt, nên lôi cô ra giận cá chém thớt mà trút giận. Hàng ngày cô phải đến nhà bà nội để ăn cơm, mỗi bữa ăn là một lần bị xỉ vả khinh thường. Đến tối về nhà, trong nhà cũng vẫn chỉ có một mình cô, bố mẹ đều về rất khuya rất muộn, nhìn thấy mặt cô cũng chẳng mấy vui cười hỏi han gì cả.

Đã thế, trường cấp một ở quê với trên thành phố quả thực một trời một vực. Một đứa bé gái có tính cách hướng nội, giữa học kỳ tự dưng chuyển đến lớp mới, nên nhanh chóng trở thành đối tượng bị cô lập bị bắt nạt ở trường. Cậu học sinh ngồi sau lưng cô bé lúc nào cũng thích cầm compa chọc đầu kim nhọn vào lưng cô, hoặc là đạp vào ghế cô ngồi. Khi cô bị giật mình né tránh, thầy giáo lại tưởng cô cố tình gây mất trật tự gây chú ý trong lớp không tuân thủ nội quy trường học, liên tục mắng mỏ cô. Mỗi lần như thế, sau lưng cô đều vang lên những tiếng cười chế giễu châm chọc.

Cô bạn ngồi cùng bàn với cô thì rất dữ dằn, kẻ một đường chia đôi bàn học. Chỉ cần khuỷu tay của cô vô ý lấn qua đường phân cách đó, cô bạn kia sẽ thản nhiên lấy thước kẻ quật mạnh lên cánh tay cô trừng phạt.

Ai cũng có quyền xô đẩy cô, dẫm đạp cô. Cô chỉ biết khóc, chỉ có thể khóc gọi mẹ.

Nhưng cô bé ấy không ngốc, thậm chí phải nói là có trí thông minh vượt qua tuổi của bản thân. Cô nói, kết quả học của mình không tốt, nên mỗi lần biện bạch thầy giáo chỉ tin lời cậu bạn ngồi sau lưng có kết quả luôn xếp thứ nhất mà thôi. Cô nói, tất cả mọi người đều có những lúc không vui, cáu giận muốn tìm chỗ trút, cho nên cô chỉ không may trở thành một thứ "đồ tế" họ dùng để hả giận mà thôi.

Nhưng cô cũng là người có đầy đủ cảm xúc, nên cô cũng có hận, có oán, cũng sẽ có những lúc khóc thầm vì tưởng nhớ bà ngoại. Chẳng qua không ai ngờ rằng, cô bé học trò luôn rụt rè yếu đuối này lại bật ngược lại khủng khiếp như thế, sau một lần nữa bị một kích thích nho nhỏ, lại có thể phản ứng lại đầy quyết liệt đến thế.

Có một lần cậu bạn ngồi sau đạp ghế khiến cô bị ngã, đập trán vào góc bàn, nên về nhà vẫn còn khóc. Về đến nhà cô gặp phải cảnh quen thuộc là ba mẹ mình đang cãi vã gây gổ. Mẹ cô nổi giận đùng đùng tát cô một cái, mắng cô là đồ vô dụng chỉ biết khóc. "Nó đánh mày mày không biết đánh trả sao? Đẻ mày ra có tay có chân để làm cái chó gì?"

Ngày hôm sau, khi cậu bạn kia lại lấy com pa đâm phần kim nhọn vào lưng cô, cô nhảy dựng lên giật lấy com pa đâm ngược lại cậu bé kia vài nhát rồi nhào vào đánh nhau. Lúc đó cô biết rất nhiều người đang tóm giữ cô lại, có người còn đánh cô, trong đó có cả thày giáo. Nhưng cô kiên quyết không nhả ra, miệng cắn ngập vào cánh tay cậu bạn đó giằng nguyên một miếng thịt ra.Mọi lần bị bắt nạt đều khóc lóc, nhưng lần này cô không hề rơi một giọt nước mắt nào, im lặng mặc cho thày giáo đánh thước vào lòng bàn tay, im lặng mặc cho mẹ cô bị gọi tới tát thêm cho cô một cái, im lặng về nhà chịu thêm một cơn đòn roi tới tấp của ba cô.

Đêm đó cô thức trắng viết nhật ký. Rồi chờ tới khi trời sáng ba mẹ cô đi làm, cô khóa cửa lại, vào bếp chọn một con dao sắc nhất vừa tay nhất, để tay trái lên thành bồn tắm, tay phải chặt mạnh xuống. Tất nhiên cô không đủ sức chặt đứt bàn tay, nhưng vẫn cứa đứt động mạch. Cô vẫn im lặng thản nhiên nhìn máu nóng tuôn trào, thả cánh tay đó vào trong bồn tắm chứa nước. Rồi thì tuy chưa hoàn toàn mất đi sự sống, hồn phách của cô đã kiên quyết từ bỏ thân xác mà đuổi theo tìm bà ngoại.

Thế nên sức khỏe của Diệp Tử mới yếu ớt đến thế... Bởi vì khi đó Diệp Tử mới nhập xác hoàn hồn chưa quen, nên không dám đi bệnh viện mà chỉ dùng chút xíu hồn lực còn sót lại cố gắng tự chữa vết thương, gân cổ tay trái suýt nữa thì không cứu được thế nên tới giờ tay trái cô vẫn không thể xách đồ nặng. Mất đi bao nhiêu máu như thế, nhưng một đứa trẻ cha không thương mẹ không yêu như cô chỉ có thể lấy cớ rằng bà nội ngứa mắt không muốn gặp mình, để có quyền tự nấu ăn cho mình, tiện thể dùng món ăn bồi bổ song song với nấu các món dược thiện để cố gắng cải thiện thể chất.

Nhưng đó không phải nguyên nhân chính khiến cô thường xuyên lên cơn sốt và ngất xỉu. Ấy là do chủ nhân cũ của thân xác này còn lưu lại trong cơ thể một luồng oán khí chất chứa từ nỗi khao khát tình thân gia đình, sự tò mò khó hiểu và không cam lòng của cô bé đã khiến cơ thể bị "hoen ố", nói cách khác, ấy là chứng bệnh tinh thần ảnh hưởng tới thể chất.

Ban đầu cô từng đoán, chỉ cần cô thi đỗ trường cấp ba trọng điểm của tỉnh, coi như là hoàn toàn trả hết ơn sinh thành. Dẫu sao thì đối với ba mẹ cô mà nói, ý nghĩa tồn tại của "Diệp Tử Mộ" chỉ nằm ở việc được lôi ra làm công cụ khoe khoang con cái trong các cuộc trò chuyện của lớp người trung lưu thượng lưu. Nếu không có một lý do nào đó chính đáng (thí dụ như sức khỏe), cô sẽ không thể giải thích cho ba mẹ vì sao thành tích thi cuối cấp của mình chỉ đủ đỗ vào cấp ba làng nhàng ở huyện.

Nhưng điều cô không ngờ tới ấy là mâu thuẫn giữa ba mẹ cô đã tới mức như nước với lửa thế này, nên chưa kịp chờ kết quả thi của cô đã vội vã dằn vặt dày vò lẫn nhau và nhờ đó cũng tự tay xóa sạch ơn sinh thành trong sổ công tội, thậm chí còn có thể khiến cho luồng oán khí do chấp niệm khao khát tình thân gia đình kia nản lòng thoái chí mà tự mình tan biến.

Từ thời điểm này, thân xác của "Diệp Tử Mộ" mới chính thức, hoàn chỉnh mà thuộc về "Bà Sa".Thế nhưng cô hoàn toàn không vui vẻ, mà ngược lại lặng lẽ rơi lệ, lặng lẽ tự xoa nhẹ cánh tay trái của mình.

Diệp Tử gằn giọng bảo Tây Cố. "Đàn ông Nam Thiêm Bộ Châu, ai nấy đều vô tình bạc hạnh, miệng nam mô bụng một bồ dao găm, không đáng giá ở chung cả đời. Đàn bà Nam Thiêm Bộ Châu, ai nấy chỉ biết sân si một đời chìm sâu vào chữ tình, cuối cùng hai bàn tay trắng, chỉ còn lại nỗi đố kỵ và tâm hồn nông cạn, ta không thèm làm đồng loại."

Tây Cố nghe vậy chỉ khịt mũi hừ lạnh. "Xì, cô cũng chỉ nói cho sướng cái miệng đã cái nư, chứ trên thực tế tuy lúc nào cũng nhìn đời dửng dưng, nhưng đối xử với ai cũng vẫn giữ lại một chút mềm lòng ấm áp."

Giây phút đó, Diệp Tử không nhịn được phải thừa nhận rằng, Tây Cố tự xin làm hạ thần của cô, ngoài việc cực kỳ to gan lớn mật làm việc lỗ mãng, nhưng cũng có một phần nhỏ là vì gã quá hiểu rõ con người cô mất rồi.

***

Chuẩn bị bước vào quá trình hai đứa trẻ nghiêng ngả dìu nhau trưởng thành...

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top