Tây Cố Bà Sa - 11

Từ Hi Thái hậu gã từng nghe tên, chứ Tiêu Thái hậu lại là ai?

Đương nhiên, cậu trai trẻ sĩ diện nọ không dám hỏi thành lời, dù sao thì không hiểu cái gì, cứ lạy thánh Google là được... Cơ mà lạy thánh xong xuôi, gã cũng sững sờ.

Tiêu Thái hậu, tên thật là Tiêu Xước, tên chữ nhỏ là Viêm Viêm, còn gọi là Tiêu Yến Yến. Nàng từng là hoàng hậu của Cảnh Tông nhà Liêu (chính là dân tộc Khiết Đan từng oánh lộn sml với Bắc Tống đó). Cảnh Tông vốn có chí lớn, tiếc rằng sức khỏe không tốt nên ngoài việc vô cùng ỷ lại các đại thần cả Liêu cả Hán trong triều, còn lại chính là ỷ lại Tiêu hoàng hậu. Hơn nữa ông ta cũng từng cho phép khi hoàng hậu lên tiếng bàn chính sự cũng có thể tự xưng là "trẫm", điều này cho thấy lúc đó Tiêu hoàng hậu thậm chí có tiếng nói đại diện cho hoàng quyền.

Về sau khi Cảnh Tông băng hà, Liêu Thánh Tông mới mười hai tuổi nên trong triều do Tiêu Thái hậu mới ba mươi tuổi nhiếp chính, bắt đầu thời kỳ chính trị rực rỡ của Thừa Thiên Thái hậu (tôn xưng của Liêu Thánh Tông dành cho mẹ đẻ). Bà là một chính trị gia xuất sắc, văn võ song toàn. "Hiệp ước Thiền Uyên" khiến cho Bắc Tống nhục nhã thua trận khóc không ra nước mắt chính là do bà ấy giành được.

Thời còn trẻ, Tiêu Yến Yến từng đính hôn với Hán thần Hàn Đức Nhượng, nhưng chưa kịp thành hôn thì đã được hoàng đế tuyển vào cung làm phi tử. Sau khi chồng bà Liêu Cảnh Tông qua đời, Tiêu Yến Yến tái giá với Hàn Đức Nhượng để lợi dụng tài năng quân sự chính trị của ông ta. Phong tục Khiết Đan thời bấy giờ không cho phép, nhưng bà chính miệng nói với Hàn Đức Nhượng: "Ta từng được hứa gả cho ông, nên giờ nguyện nối lại tình xưa... Quốc chủ cũng coi như là con trai ông vậy." Chỉ là về sau điều khiến người đời chê trách nhất, ấy là Tiêu Yến Yến bí mật hạ độc giết chết Lý thị, vợ cả của Hàn Đức Nhượng, mà Hàn Đức Nhượng lại chưa từng nói gì.

Nói thật lòng, Tây Cố quả thực không khác gì bị sét đánh đỉnh đầu, oành một cái trong vẫn mềm nhưng ngoài cháy xém.

Trừ lúc cô ấy thể hiện ra một thứ khí chất uy nghiêm mạnh mẽ hôm đó ra, quả tình gã không cách nào nhìn ra được cô nàng mảnh khảnh yếu đuối, đeo gọng kính đen dày cộp, tay không bao giờ rời cuốn sách đó, lại đã từng là một Tiêu Thái hậu quyền thế ngập trời, lên ngựa có thể điều binh khiển tướng, xuống ngựa có thể trị nước trị dân...

"... Cô... lúc nào... Cô từng 'đóng giả' Tiêu Thái hậu hồi nào?" Tây Cố lắp bắp hỏi lại.

"Chỉ có lúc bà ta vừa lên làm Thái hậu thôi." Diệp Tử không ngẩng lên khỏi sách. "Hồi í chồng mới chết, bà ta đau lòng quá mức nên sao nhãng đề phòng, ốm mãi chẳng chết lại bị người ta hạ độc chết." Rồi cô mới thở dài. "Cố gắng níu kéo cái mệnh mất vài hôm lận. Người phụ nữ đó, còn sống đã lợi hại, chết rồi còn lợi hại hơn nữa, quả thực khiến tôi bực mình chết đi được."

Lúc đó Diệp Tử lại đối mặt với một lần nữa tu hành thất bại, nhưng thất bại lần đó không thương tổn gì đến hồn phách của cô nên cô có thể tỉnh táo mà chọn lựa cái thân xác tiếp theo. Nhưng giờ bảo cô chọn lại, cho vàng cô cũng không chọn Tiêu Yến Yến, người gì đâu mà tư chất tu luyện nát bươm nát bét chưa từng thấy.

Cơ mà người phụ nữ đó, hồn đã lìa khỏi xác mà vẫn cố níu một hơi chưa chịu tắt thở. Không biết đứa mắc dịch mắc ói nào tiết lộ cho bà ta biết lai lịch của Diệp Tử, thế nên linh hồn của bà ta ôm rịt lấy chân cô suốt bảy ngày bảy đêm nài nỉ không chịu đi. Đánh không nỡ đánh, đuổi thì lại không đi, đến khi thấy bà ta chuẩn bị trá thi hoàn hồn thành lệ quỷ, Diệp Tử hết cách xoay xở, đành phải nuốt cục đắng vào lòng mà đồng ý giúp đỡ.

"Mà còn may là thể chất cơ bản của bà ta vẫn còn tốt, bổ dưỡng một thời gian có tác dụng, chứ không thì lấy sức đâu mà hớn ha hớn hở tung tăng ra tiền tuyến chỉ huy quân Liêu đánh thẳng tới tận kinh đô Bắc Tống kia chứ." Diệp Tử như thể gặp người trút bầu tâm sự đắng cay ấp ủ trong lòng đã lâu. "Tôi vừa mới mở mắt ra là nguyên một mớ hẩu lốn thối nát đập thẳng vào mặt. Lại còn phải tái giá với kẻ khác để lung lạc đại thần, rõ là thiệt thòi. Tôi mà biết đứa chết dẫm lắm mồm nào tiết lộ ra thì..." Cô nghiến răng nghiến lợi kèn kẹt.

Tây Cố không đáp lời cô, chỉ cúi đầu im lặng hồi lâu. "Vậy cô quả thực đã... Ý tôi là, 'Tiêu Thái hậu' ấy... Cô quả thực đã hạ độc giết chết vợ Hàn Đức Nhượng sao?"

"Cậu nghĩ tôi là đứa rảnh hơi làm mấy chuyện đó ư?" Diệp Tử giở một trang sách. "Tôi sống trong cung cấm, bà ta ở ngoài cung. Tướng công của bà ta có phải không về nhà đâu, mà tôi cũng đâu có ngăn cản ông ta." Cô im lặng hồi lâu mới thở dài. "Là vì bà ta cứ nài nỉ tôi phải uống một chén với bà ta để thành tỷ muội... Tôi chỉ tranh thủ lúc bà ta không để ý, đổi chỗ hai chén rượu với nhau, khiến bà ta uống chén rượu vốn là của tôi mà thôi."

Rồi cô thoáng cười buồn tự giễu. "Con người của tôi ấy à, không tốt tí nào. Nhưng trước giờ tôi chưa từng chủ động gây điều ác cho người khác. Quy tắc của tôi là tôn trọng nhau có qua có lại... Bởi xét cho cùng tôi chỉ là khách qua đường trên thế gian, còn người khác mới là thật sự sống cuộc đời của họ. Thế nhưng ai muốn làm hại tôi, tôi sẽ trả đũa người đó. Ai muốn giết tôi, tôi sẽ giết kẻ đó, không cần thương lượng."

"Người khác thì tôi không biết, nhưng lão Hàn chắc chắn biết, thậm chí có khi chính là ông ta đưa ra ý tưởng đó cũng nên. Vì tôi tái giá với ông ta, nên A Nô (chỉ Liêu Thánh Tông con trai Tiêu Thái hậu) tôn trọng ông ta như cha ruột. Nếu tôi chết, lão Hàn sẽ lên làm Nhiếp Chính vương, mụ vợ ngu xuẩn của lão cũng sẽ được làm vương phi... thậm chí nói không chừng còn được làm hoàng hậu ấy chứ. Chẳng qua mọi người đều muối mặt cho qua không thèm tính toán chi li nên tôi mới không thèm tính sổ với họ. Dù sao thì tôi cũng đã chơi họ một vố, hai kẻ ngu như gì ấy, không nhận ra được."

Tây Cố thấy cô bĩu môi, đầy vẻ thiếu nữ nghịch ngợm lí lắc, gã chợt thấy buồn cười. Những ba ngàn năm, với gã ngay cả ba năm cũng thấy quá dài, vậy mà cô ấy đời đời kiếp kiếp mượn xác hoàn hồn, vẫn luôn lưu giữ ký ức mỗi đời như thế... ấy nhưng hồn phách cô vẫn vô cùng sạch sẽ trong trẻo, chưa từng vấy bẩn chút nào.

"Diệp Tử, cô thật sự rất sạch." Tây Cố bỗng buột miệng mà không nghĩ ngợi.

Ấy vậy nhưng Diệp Tử khôn khéo thông minh sắp thành tinh lại hiểu ý gã. Cô cười khẽ, không trả lời. Nhưng rồi cô thu xếp đâu vào đó rồi dắt Tây Cố đi chơi xa. Họ phơi nắng dạo chơi suốt một ngày trời, hai kẻ hâm cháy nắng da đỏ au như tôm luộc nhưng vẫn lang thang trên bãi cát chọn tới chọn lui, cuối cùng nhặt một hòn đá nhẵn mịn chỉ lớn bằng đầu ngón cái nhưng lại rất tròn, rất tròn.

Cô đưa nó cho Tây Cố. "Không phải là tôi sạch sẽ, mà là bấy nhiêu tháng năm gột rửa, tẩy trôi hết bụi bặm, mài nhẵn các góc cạnh. Nếu ngay cả ba ngàn năm mài giũa gột rửa đó mà tôi còn không sạch sẽ, vậy thì tôi còn tu luyện cái quái gì?"

Tây Cố ngắm viên đá tròn trịa khác thường kia hồi lâu. "... Cái này có khoan lỗ được không nhỉ?" Da mặt phơi nắng đỏ lựng lại càng đỏ hơn.

"Cậu muốn lấy nó làm mặt dây chuyền à?" Diệp Tử ngạc nhiên, rồi nói sau một hồi suy nghĩ. "Không cần đục lỗ, để tôi làm mặt dây chuyền cho."

Thật không hiểu liệu có gì cô không biết làm hay không. Hôm đó đi chơi về, cô đặt mua một đống dụng cụ hình dáng kỳ cục, rồi lấy một sợi thép mỏng màu bạc uốn và kết xung quanh hòn đá nọ. Một viên đá trông bình thường không có gì đặc biệt, nhưng vào tay cô một lúc lại trở nên vô cùng lạ mắt, với một kiểu dáng vô cùng phóng khoáng cứng cỏi đầy nam tính.

Tây Cố rất thích sợi dây chuyền có mặt đá đó, ngay cả lúc tắm cũng không nỡ tháo ra.

Mỗi lúc cảm thấy giận dữ, buồn bã hay tự ti, gã sẽ ngắm nhìn mặt đá trên dây chuyền, nhớ đến cảnh Diệp Tử nghiêng đầu, ánh mắt hào hứng chăm chú của cô khi đối mặt với khó khăn mưa gió trui rèn, thế rồi cảm xúc của gã sẽ dần dần bình tĩnh. Về sau, gã cũng bắt chước Diệp Tử đi đâu cũng cầm theo cuốn sách đọc. Biết làm thế nào được, Diệp Tử ăn nói giỏi giang, bật thốt đôi câu vài lời là có thể tiện đường kèm theo một vài thành ngữ điển cố. Gã thật sự không muốn lần nào nghe cũng nghệt mặt không hiểu.

Ngay cả tên cả gã cũng ẩn chứa ý tứ vô cùng sâu sắc.

Xưa nay gã chỉ biết tên của mình do bà ngoại đặt, nhưng Diệp Tử nghe vậy lại có thể thở dài cảm thán. "Chắc hẳn ông ngoại cậu rất phong lưu đa tình phải không?"

"... Sao cô biết?" Tây Cố sửng sốt hãi hùng. Lúc trước, khi gã thành "trẻ lạc" thì đã nhớ được rất nhiều việc, khi ấy chủ yếu là bà ngoại chăm sóc gã, mà gã cũng biết ông ngoại mình đi cặp bồ còn dễ hơn đi ăn cơm.

"Có con thỏ trắng bơ vơ,
Đi hướng đông, vẫn ngóng chờ phía tây.
Áo quần mặc mới thì hay,
Người nào sánh được với người năm xưa.

Ấy là bài Cổ diễm ca. Bà ngoại của cậu tuyệt vọng với chồng mình, hi vọng cậu nhớ kỹ điều này, 'Y bất như tân, nhân bất như cố', nên mới kín đáo đặt tên cho cậu là Tây Cố."

(Nguyên văn: Quỳnh quỳnh bạch thố, đông tẩu tây cố. Y bất như tân, nhân bất như cố. Đây là một bài thơ cổ vô danh chép trong một cuốn sách nghe đồn có từ thời nhà Hán, ghi tên là Cổ diễm ca, không ghi tác giả, ý tả người vợ bị chồng bỏ rơi, cảm thấy bơ vơ và than thân trách phận. Bạn Mèo tạm dịch thơ. 

Ngoài ra, chữ Cố trong tên bạn Tây Cố nghĩa là ngoảnh đầu (trong câu thứ 2) chứ không phải là chữ cố nghĩa là xưa cũ, thí dụ như cố nhân trong câu thơ cuối cùng)

Thì ra là thế. Bà ơi, giờ cháu biết rồi, cháu sẽ nhớ điều đó. Mặc dù bà không kịp đợi cháu về nhà.

"Mấy thứ này biết thì tốt nhưng cũng không cần ôm sách học thuộc cả ngày thế đâu." Diệp Tử nhìn gã ôm cuốn thơ từ tổng hợp đọc suốt chỉ thấy buồn cười. "Học thuộc mà làm gì? Trời rét không thể mặc thay áo, lúc đói không thể ăn thay cơm, chỉ biết cắm đầu vào cứng nhắc phải tuân theo luật bằng trắc... không hề có chút linh khí nào. Thậm chí còn không bằng mấy câu lảm nhảm của ông già họ Đường."

Ba ngàn năm luân hồi của cô, thật ra chỉ có ba bốn lần ở gần người nổi tiếng. Hồi đó cô từng làm hầu gái cho Đường Dần lúc về già. Cô hầu hạ ông ấy cực kỳ chu đáo, cực kỳ cam tâm tình nguyện, bởi vì ông già ranh mãnh đó khiến cô có cảm giác tri âm.

Đào Hoa Ổ có am hoa đào, Đào Hoa am có tiên hoa đào;
Tiên hoa đào trồng cây hoa đào, Kiếm tiền mua rượu bán hoa đào

Tỉnh rượu đến ngồi cạnh tán hoa, Say rượu nằm ngủ dưới tán hoa
Nửa say nửa tỉnh qua ngày tháng, Hoa tàn hoa nở tháng năm qua

Mong chết già cùng hoa với rượu, Chẳng muốn khom người trước ngựa xe
Thú nhà giàu bụi xe vó ngựa, Duyên kẻ nghèo chén rượu cành hoa

Nếu so giàu sang với nghèo khổ, Một đằng dưới đất một trên trời
Nếu so nghèo hèn với xe ngựa, Họ giục ngựa phi ta thảnh thơi

Kẻ khác cười ta quá khùng điên, Ta cười bọn họ chẳng biết nhìn
Kìa đống mộ Ngũ lăng hào kiệt, Chẳng hoa chẳng rượu hóa điền viên

(Nguyên văn bài ca Am Hoa Đào - Đào hoa am ca của Đường Dần, tự là Bá Hổ, hiệu là Lục Như Cư sĩ, một trong Giang Nam tứ đại tài tử thời Minh. Ông thuộc dạng cuồng ngạo chán đời nhưng cực giỏi tài văn thơ lẫn hội họa. Ngũ lăng hào kiệt là từ chỉ chung những người có công lớn, tài giỏi, nổi tiếng phú quý, ngũ lăng ban đầu nghĩa chỉ khu vực có 5 lăng mộ vua chúa thời Hán. Hai câu cuối ý là những người hào kiệt nổi tiếng năm xưa, mộ của họ giờ chẳng có hoa chẳng có rượu, bị người ta cày xới thành ruộng nương cả rồi. Bạn Mèo tạm dịch thơ.)

Có lần cô vui vẻ nổi hứng, nửa hát nửa ngâm bài ca "Am Hoa Đào" đó.

"Ngàn vạn bài thơ từ, chỉ có bài này tôi vừa ý nhất." Cô cười nói với Tây Cố. "Nhưng mà vẫn nên uống ít rượu thôi... Ông già họ Đường đó chính vì ham uống rượu quá nhiều, nên chưa được trăm tuổi đã đi rồi..." Giọng cô chùng xuống buồn bã.

... Này này, người xưa thọ đến năm mươi tư tuổi đâu tính là vắn số đúng không?

Tây Cố thở dài đánh thượt, nhíu mày lo lắng. Muốn theo kịp Diệp Tử, số lượng sách phải đọc e là còn quá nhiều quá nhiều rất rất nhiều nha...

***

Chương này ngoài bài thơ về con thỏ trắng bơ vơ bạn Mèo đã dịch thơ từ trước, bài Đào hoa am ca thì giờ mới dịch thơ. Cũng tàm tạm, nhỉ :D Mình khoái dịch thơ lắm luôn.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top