Tây Cố Bà Sa - 10
"... Để tôi nghĩ đã." Diệp Tử không đồng ý nhưng cũng không lập tức từ chối. Cơ mà cô cứ miên man nghĩ đến việc này suốt cả ngày, thế nên toàn bộ các tiết học ngày hôm nay đều vô ích.
Cô vốn là đế nữ của Cát quốc thuộc Bắc Câu Lô Châu. Mặc dù đến Nam Thiệm Bộ Châu đã hơn ba ngàn năm nay, luân hồi bằng cách mượn xác hoàn hồn mấy chục kiếp có lẻ, rất nhiều góc cạnh trong tính cách cô đã được thời gian mài giũa trở nên tròn trịa khéo léo hơn, giúp cô có thể chịu đựng vô vàn thứ lễ nghĩa vớ vẩn vô lý của châu này. Thế nhưng, trong lòng cô vẫn còn một vài thứ đã bám rễ vững vàng, không thể thương lượng hay nhường nhịn. (Xin xem phần chú thích)
Cát quốc đế nữ, thoạt nghe danh thì có vẻ cao quý đấy, nhưng cũng chỉ là một thân phận cao quý mà thôi. Cuộc sống của gia đình đế vương hay dân thường cũng không khác gì nhau cả. Thế nên khi mới tới Nam Thiệm Bộ Châu ngày xưa, cô từng vô cùng kinh ngạc vì không cách nào hiểu được vì sao lại yêu cầu dân chúng cả nước chung tay nuôi dưỡng một gia tộc để cai trị đất nước đó.
Như Lai từng nói: Người ở Bắc Câu Lô Châu, hay sát sinh, chỉ để sống tạm, tính tình vụng tình cảm hời hợt, chẳng được việc gì.
Nhưng thực ra thì tuy người của Bắc Câu Lô Châu có tính tình vụng về, tình cảm hời hợt, nhưng lại vô cùng coi trọng nghĩa quân thần. Bậc làm quân thượng cần phải che chở thần dân, dưỡng sinh mà gọt giũa tính nết thuận hòa, yêu thương hạ thần như con cái; còn kẻ làm thần tử cần phải trung thành một lòng một dạ, thà chết mà giữ lấy cái nghĩa, luôn tôn trọng quân thượng như cha như anh.
Tuy ở Nam Thiệm Bộ Châu cũng hay nói lời tương tự như thế, nhưng sự thực thì toàn đầu môi chót lưỡi chứ không hề thực tế, khiến cho cô luôn khó hiểu.
Tuy năm xưa cô đã bỏ nhà mà theo sư phụ tu đạo, thậm chí còn bị sư phụ lừa cho một vố khiến cô không ngừng luân hồi chìm nổi ở chốn Nam Thiệm Bộ Châu này, thế nhưng chưa bao giờ cô đánh rơi tính nết cố chấp lẫn thận trọng đối với nghĩa quân thần của mình.
Cho dù gọi quỷ hồn gặp oan khuất làm dịch thần cho mình, cô luôn cố gắng che chở họ, coi mối quan hệ với họ là nghĩa quân thần tương đắc đôi bên cùng tốt đẹp.
Liệu Tây Cố có thể đạt được điều đó không?
Cô không dám khẳng định.
Điều quan trọng nhất ấy là: Tây Cố là một người nam của Nam Thiệm Bộ Châu. Diệp Tử cười khổ, người nữ của Nam Thiệm Bộ Châu hoàn toàn không dễ tính, sau này tình hình sẽ rất phức tạp.
Bọn họ đều "tham dâm mà thích gây vạ, giết chóc nhiều mà tranh giành cũng lắm, cho dù chỉ cãi nhau cũng miệng lưỡi ác độc, thích gây chuyện ác độc thị phi." Vật vã suốt ba ngàn năm ở chốn này, không lẽ cô còn chưa thấy đủ hay sao?
Đương nhiên, không phải tất cả mọi người đều thế. Cũng vẫn có một vài người tốt... Thí dụ như người đó, khiến cô cam nguyện phí hoài một đời người, khiến cô cam nguyện sinh dưỡng hai đứa trẻ...
Ánh mắt cô bỗng trở nên dịu dàng.
Tối hôm đó Diệp Tử nói. "Tôi chưa từng thu người sống làm dịch thần bao giờ."
Tây Cố đang hùng hục nhồm nhoàm ăn cơm bỗng khựng lại, mặt trắng bệch, rồi cố gắng lắm mới có thể nuốt xuống miếng cơm không khác gì đất sỏi khô khan vào bụng.
"Hơn nữa, cậu còn nhỏ quá." Cô làm như không thấy mà vẫn dịu dàng bình tĩnh nói tiếp. "Người nam ở Nam Thiệm Bộ Châu, tuổi trẻ tuy thông minh, lớn chưa chắc tử tế. Mà tôi thì xưa nay đối với nghĩa quân thần vẫn luôn vô cùng cố chấp, một khi đã thành sẽ không bao giờ đổi."
(Nguyên văn: tiểu thời liễu liễu, đại vị tất giai, tạm dịch là tuổi trẻ tuy thông minh, lớn chưa chắc tử tế. Đây là điển cố về Khổng Dung trong cuốn "Thế thuyết tân ngữ". Khổng Dung thời Đông Hán là cháu 20 đời của Khổng Tử, nổi tiếng thông minh lanh lợi từ thuở nhỏ. Năm đó Khổng Dung đến bái kiến Lý Ưng tự là Nguyên Lễ, tự nhận là thân thích của Lý Ưng nên mới được mời vào gặp. Khi Lý Ưng hỏi hai người có quan hệ thân thích gì, Khổng Dung trả lời, tổ tiên của mình (tức Khổng Tử) và tổ tiên của Lý Ưng (tức Lão Tử, cũng họ Lý) có quan hệ thày trò thân thiết. Một người khách của Lý Ưng mới nói mỉa rằng, có nhiều đứa tuổi trẻ tuy thông minh nhưng lớn lên chưa chắc đã ra gì. Khổng Dung độp ngay lại, vậy chắc hồi nhỏ ông thông minh lắm nhỉ. Câu nói này hàm ý mỉa mai khinh thường của người lớn với trẻ nhỏ thông minh.
Ngoài ra Khổng Dung còn nổi tiếng với hai điển cố khác nữa là Khổng Dung nhường lê, và khi ông bị Tào Tháo buộc tội và sai người tới nhà bắt, hai đứa con ông vẫn thản nhiên ngồi chơi và trả lời khi có người hỏi tại sao không chạy trốn: "Tổ chim vỡ nào có trứng lành?" Câu nói này cũng trở thành thành ngữ về sau.)
Cô cố gắng dùng ngôn ngữ đơn giản dễ hiểu nhất để giải thích sự khác biệt của nghĩa quân thần theo phong tục của mình, nhấn mạnh việc mình vô cùng trân trọng nghĩa quân thần, và cũng bày tỏ sự thông cảm đối với tình trạng chủ làm nhục thần, thần phản bội chủ thường thấy ở Nam Thiệm Bộ Châu.
Vẻ mặt Tây Cố dần dần trở lại bình thường, gã lẳng lặng nghe cô giải thích đầu đuôi.
"Thế nên không phải là cô không muốn nhận tôi làm dịch thần, mà chỉ cảm thấy vì tôi còn nhỏ, tính cách chưa định hình, phải không?"
Diệp Tử thoáng ngạc nhiên, rồi không nhịn được thầm cảm khái. Đứa trẻ này làm cô không biết nói thế nào... Có những lúc thì cộc cằn lỗ mãng, nhưng lại có những lúc hiểu chuyện sớm tới mức khiến người khác đau lòng.
"Cô cứ chờ xem." Gã lại cắm đầu vào ăn nốt bát cơm canh đã nguội lạnh. "Hiện giờ tôi vẫn là bảo tiêu cho cô, lúc chúng ta ký hiệp ước, hoàn toàn không ghi trong thời hạn bao lâu. Cô cứ coi như hiện giờ là thời kỳ thử việc, bao giờ tôi đủ tư cách rồi thì báo cho tôi là được."
"... Cậu vẫn chưa hiểu ư..."
"Tôi hiểu mà." Tây Cố bình tĩnh trả lời. "Đúng là rất nhiều điển cố tôi nghe không hiểu, nhưng thật sự là tôi đã hiểu ý cô muốn nói. Cô là quân thượng, là chủ thuê, còn tôi là hạ thần, là người làm công bảo vệ cô." Gã vội vã lùa cơm xong xuôi đứng lên dọn chén bát như thường lệ.
Ta chỉ là muốn có một vị trí cho riêng mình. Một lý do nào đó... có thể chứng minh... rằng ta không phải kẻ vô dụng, không ai cần đến.
Diệp Tử ngơ ngác ăn hết bát cơm trong mơ hồ, rồi thu dọn bàn ghế. Cô im lặng hồi lâu mới trả lời. "Được."
"... Tôi đi làm đây." Tây Cố vội vã rời khỏi đó, lúc đi còn sập cửa rầm một cái rõ mạnh.
Lúc đứng chờ thang máy, gã hít một hơi thật sâu vào lồng ngực, nhưng nước mắt vẫn không nhịn được mà tuôn rơi. Một đằng, gã cảm thấy cực kỳ mất mặt, không ngờ mình có thể mặt dày mày dạn, vô sỉ ép uổng Diệp Tử phải đồng ý như thế. Nhưng mặt khác trong lòng gã lại cảm thấy vui vẻ tới chua xót. Bởi Diệp Tử rất hiếm khi hứa hẹn, nhưng một khi đã hứa, cô sẽ không bao giờ nuốt lời.
Vô sỉ cũng tốt, mất mặt cũng được. Điều gã cần chính là "không nuốt lời" ấy. Bởi nếu không, quả thực gã không biết nên đối mặt với quãng đời dài đằng đẵng của mình ra sao.
Có lẽ con người ở thời đại này có thể cảm thấy, cái gọi là danh nghĩa quân thần một lời đã định chỉ là một trò cười. Thời đại này cái được đặt lên trên hết là tự do, là cái tôi cá nhân, là sự thoải mái không bị trói buộc.
Diệp Tử rất tán thưởng tư tưởng tự do giải phóng cá nhân của thời đại này, thậm chí điều đó còn gợi nhắc cô nhớ đến bầu không khí lãng mạn hoang đường tới ngông cuồng của cố quốc năm xưa. Nhưng có một số thứ thuộc về nguyên tắc, khiến cô kiên trì không muốn sửa.
Nếu đã nhận ai đó làm thần tử, danh nghĩa quân thần đã xác định, như vậy cô sẽ chân thành mà đối đãi, tuyệt đối không nghi ngờ.
Giờ đã là học kỳ cuối cùng của lớp chín, bầu không khí trong lớp càng lúc càng căng thẳng, bởi các thí sinh tương lai phải chịu áp lực rất lớn. Trước kỳ nghỉ đông, khắp nơi cô lập lảng tránh tán loạn như chim rừng bị đánh động, thì tới bây giờ lại không khác gì một thứ ôn dịch lây lan trên diện rộng.
Đáng ra cô phải biết rằng cho dù có con sâu "bịa đặt" đó đi nữa, cũng khó lòng dập tắt ngọn lửa ỷ mạnh hiếp yếu trong xương tủy đám thanh thiếu niên kia.
Như bây giờ chẳng hạn, Tây Cố đã chuyển đến lớp của họ. Từ hôm sau là có đám con gái xì xào bàn tán túm năm tụm ba chặn đường cô, giọng cố tình nói đủ cho cô nghe thấy, nhất là mấy cụm từ nhấn mạnh như "đi phá", rồi thì "mấy trò trai gái chim chuột...", thậm chí còn nói thẳng tên của Tây Cố.
Diệp Tử nheo mắt, ưỡn thẳng lưng bước đến trước mặt đám nữ sinh đó, từ tốn nâng cánh tay lên dựa vào tay vịn cầu thang, lẳng lặng nhìn đám con gái đó, không nói câu nào.
Ban đầu có người cười khẩy, có người huýt sáo, có người túm tụm đằng xa chỉ trỏ cô.
Thật ra thì cô vẫn biết, đám trẻ con này chẳng qua là chịu áp lực thi cử học hành nặng nề của kiếp học trò, không biết giải tỏa áp lực cách nào khác trong quãng thời gian nội tiết tuổi thanh xuân đang nổi loạn này, ngoài việc kiếm một đối tượng yếu đuối nào đó để trút giận.
Đáng ra cô không nên chấp chúng nó.
Thế nhưng bây giờ, với cô mà nói, danh phận quân thần đã được quyết định, nên đương nhiên cô không cho phép kẻ nào làm nhục đến bề tôi của mình.
Âm thanh láo nháo xung quanh dần dần giảm nhỏ, trở nên im ắng, ngược lại dường như Diệp Tử trở nên càng lúc càng có oai phong mạnh mẽ. Cô chăm chú nhìn đám con gái ngạo mạn kiêu căng kia, lướt ánh mắt lên từng đứa một, ánh mắt uy nghiêm mà lạnh lùng như đóng băng. Từng đứa con gái chạm phải ánh mắt đó, chỉ cảm thấy đầu gối của mình như nhũn ra, như thể bị thôi thúc phải quỳ rạp xuống.
Tây Cố đã rời đi lại quay lại, đập vào mắt chính là hình ảnh đó. Gã ngơ ngác cảm thấy, cô gái Diệp Tử đang mặc sơ mi trắng váy xanh xếp nếp, trong nháy mắt như thể biến thân, khoác một bộ phượng bào, tóc gắn một cây trâm khắc mười hai con rồng, khí chất trở nên vô cùng cao quý uy nghiêm, không cần nói câu nào là có thể khiến mọi người rạp người thần phục. Ngay cả gã cũng bị ảnh hưởng bởi thứ khí chất đó, khiến gã không nhịn được ưỡn ngực thẳng lưng, trang nghiêm và bừng bừng hào khí.
Lúc nãy gã quay lại vì cảm thấy không ổn. Lần thi thử này Diệp Tử lại xếp thứ nhất, kẻ đứng thứ hai bị bỏ xa tít tắp khói xe còn không thấy. Mà sự ghen tị một khi trở nên bùng nổ mãnh liệt sẽ hóa thành tà ma... Ngay cả trường học được tri thức bảo hộ đi nữa cũng bắt đầu thấy đám vật nhỏ đó khắp nơi.
Thế nên gã mới quay lại, định đưa Diệp Tử vào lớp, nhưng không ngờ mình lại bắt gặp một gương mặt khác của cô, với khí chất cao quý mạnh mẽ và nghiêm trang ngời ngời.
Gã bước tới đứng sau lưng cô. Đám con gái kia vội vã ríu rít tách ra nhường đường cho họ. Diệp Tử khẽ mỉm cười, rồi mới từ tốn đĩnh đạc bước lên cầu thang.
"... Có lẽ cô cũng không cần mời tôi làm bảo vệ cũng được." Tây Cố rầu rĩ nói.
Diệp Tử quay mặt sang, nét mặt cô lại trở lại vẻ nhàn nhã ung dung của một con mọt sách, kèm thái độ thản nhiên không tranh giành không bối rối như cũ.
"Tôi giả vờ đấy. Làm thế may ra hù dọa được đám dân chúng người thường, chứ làm sao mà dọa được yêu ma quỷ quái." Thấy Tây Cố vẫn nhíu mày cau có, cô sáp lại gần rỉ tai gã. "Hồi xưa tôi từng đóng giả làm Tiêu Thái hậu một thời gian."
***Chú thích về bốn châu theo Phật giáo và Hindu giáo:Theo thần thoại Hindu giáo và Phật giáo, toàn bộ thế gian/vũ trụ được chia làm bốn châu lớn, ở bốn phía xung quanh núi Tu di hay trung tâm của trái đất. Tác phẩm Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân có sử dụng rất nhiều thông tin về bốn châu này để dựng nên thế giới thần tiên yêu quái của mình. Tây Cố Bà Sa được chính tác giả nhận là fanfiction (giả) của Tây Du Ký, mượn một chút thông tin trong đó. Bốn châu bao gồm:
* Đông Thắng Thân Châu (tiếng Phạn là Purva-Videha) : Tôn Ngộ Không sinh ra ở Hoa Quả sơn chính là ở Đông Thắng Thân Châu;
* Tây Ngưu Hóa Châu hay Tây Ngưu Hạ Châu (tiếng Phạn là Godana): Bồ Đề Tổ sư, vị thày đầu tiên của Tôn Ngộ Không chính là ở Tây Ngưu Hóa Châu.
* Nam Thiệm Bộ Châu hoặc Nam Thiêm Bộ Châu (tiếng Phạn là Jambudvipa): Là thế giới của con người trần mắt thịt chúng ta, nơi có Thái tử Siddhartha đản sinh, chứng kiến mọi ngã khổ nạn của loài người, rồi trải qua 49 ngày ngồi tham thiền dưới gốc Bồ đề và ngộ đạo trở thành Đức Phật Thích Ca và từ đó lan truyền Phật pháp.
* Bắc Câu Lô Châu hay Bắc Câu Lư Châu (tiếng Phạn là Uttara-kuru): Được coi là xứ sở hạnh phúc nhất trong cả bốn châu, con người hưởng thụ nhất, thọ lâu nhất và giàu có nhất.
Tương truyền chỉ có ba châu Đông, Tây và Nam là có thể tu hành theo Phật pháp, do những người sống ở đó đều ít nhiều có tham sân si, hoặc thích đấu đá như Đông Thắng Thân Châu, hoặc ham làm giàu buôn bán như Tây Ngưu Hóa Châu, hoặc khổ sở vì vất vả làm lụng nuôi thân như Nam Thiệm Bộ Châu. Thế nên Phật pháp có thể được giáo hóa và giúp cho họ có thể rũ bỏ các nạn tai trong kiếp người. Bắc Câu Lô Châu thì lại khác, nơi đây toàn bộ nhu cầu cơ bản của con người đều được thỏa mãn đồng đều, nên con người không có tham sân si và do đó không có đạo tâm để tu hành, thậm chí đây là châu duy nhất không có địa ngục như ba châu kia vì không hề có điều ác. Phật nói sinh ra ở Bắc Câu Lô Châu là một nạn lớn vì không thể tu hành, còn người ở đó thì lại cảm thấy rất hạnh phúc, không cảm nhận được sự vô thường vì thật sự được bình đẳng và vô ưu :)
***
Chương sau sẽ nhắc đến nguồn gốc cái tên của Tây Cố, nhưng mình sẽ hơi mất thời gian vì còn phải dịch thơ lại bài Đào hoa am ca của Đường Dần :D Hơi tham lam, bà con thông cảm!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top