Chương 33: Trong tay người - 2

Đêm hôm đó Thị Thanh đến nhà trọ Thất Đức đang ở. Thất Đức là quan trấn làng Đông, chức quan được mua khi hắn hơn hai mươi tuổi. Hiện tại, người ngồi trong phòng nhìn cỡ hai mươi lăm, dáng người cao, đầy đặn do ăn sung mặc sướng, hắn không được xem là xấu, đôi mắt lúc nào cũng biến đổi linh hoạt thích nghi với tình hình hiện hữu. Dù nổi tiếng tham quan, ác bá nhưng lại có cái miệng dẻo chuyên nịnh nọt, lấy lòng, có rất nhiều người chết cũng do cái miệng này.

Thị Thanh được nô lệ bên cạnh Thất Đức mời vào phòng, Lê An bị giữ lại bên ngoài.
Sau cuộc "nói chuyện" đầy nước mắt kia, Lê An vội vã chạy vào phòng ôm chặt tiểu thư. Sau cuộc vui đã thành Thất Đức cả người thanh thản đi đến quán tiếp tục trà rượu.

Lê An nhìn tiểu thư nhà mình ngồi im lặng bên giường với đôi mắt vô hồn sưng đỏ, mái tóc dài rối bời trãi bên người mà lòng đau đớn. Mười hai
tuổi, nhưng Lê An hiểu được cái gì là uất ức, cái gì là nỗi đau thân thể lẫn tâm hồn. Nước mắt cậu chảy dài trên gò má, đôi mắt xanh đẫm lệ không dám ngước nhìn tiểu thư nữa, vì cậu nghĩ... sự xui xẻo, cái biến cố này là do vận mệnh cậu mang lại cho nhà họ Phan.

Sau đêm hôm đó, một chiếc kiệu võng được đưa đến trước nhà Phan Thị Thanh. Sự tình đã kể rõ, Phan Ông, Phan Bà cùng chị em trong nhà kìm nén đau xót tiễn Thị Thanh lên kiệu rời đi cùng Thất Đức. Nhà họ Phan "may mắn" được rửa tội.

Trước đêm tiểu thư tìm người kia, Lê An đã cầu xin cô cho mình đi theo cùng. Cùng cô đến nhà trọ, cùng cô vào phủ quan làng Đông, trở về cái nơi quái ác đó một lần nữa. Lê An từ ngày được tiểu thư nhận nuôi, cậu xem Thị Thanh như người chị ruột, như người thân duy nhất còn lại trên cõi đời này.
Gia đình họ Phan có công nuôi dưỡng, cũng chưa từng bạt đãi Lê An. Thị Thanh không muốn cậu chịu khổ nên ngăn cản nhưng không được. Nên Phan Ông đành chấp nhận, dặn dò cậu phải luôn bên cạnh con gái mình.

Ngày đó, Phan Thị Thanh được tuyển đưa vào phủ quan làng Đông, được chọn làm vợ bé thứ Tư của Thất Đức. Cô được giữ bên mình một người theo hầu chính là Lê An năm mười hai tuổi. Cả hai bước chân vào cửa phủ làng Đông, bắt đầu cuộc sống mới.
Trong thời gian Lê An được sống ở nhà họ Phan cậu đem một số chuyện kể cho Thị Thanh biết. Rất nhiều lần Thị Thanh mướn người trở về quê ngoại Lê An, làng Bình Hòa cách đó hơn trăm cây số để điều tra, tìm lại gia quyến. Tuy nhiên, người trở về một là không mang theo tin tức, hai là cả nhà đều chết sạch rồi. Lê An nghe những tin này cũng không có phản ứng kịch liệt.

Khi còn mẹ, Lê An từng nghe kể về gia đình ngoại nhưng không nhiều. Chung quy lại vẫn là ông bà ngoại hiền hậu, nhân đức, chị em trong nhà hòa thuận, là người yêu nước. Nhưng Lê An mỗi lần nghe đều im lặng không nói gì, cậu bé thầm nghĩ. Những người mẹ kể đều tốt như vậy, vậy thì tại sao lại đuổi mẹ con mình đi, tại sao không cho người đi tìm mẹ con mình về. Chẳng lẽ ông ngoại rất ghét bỏ mình hay sao! Nhưng tất cả đều là suy nghĩ, cậu bé nhỏ luôn giữ lại trong lòng, một chữ cũng không hỏi mẹ. Cho nên cậu chưa từng đòi hỏi mẹ cho đến nhà ngoại, đi lang thang khắp nơi cũng chưa từng tìm đường quay về làng Bình Hòa.

Cho đến khi có một người được Thị Thanh sai đi tìm hiểu trở về báo cáo. Lê An từ thất vọng trăm bề chuyển sang đau xót và cuối cùng sự căm phẫn một lần nữa được thắp lên trong đáy mắt.
Gia đình ngoại của Lê An theo lời người dân kể chính là quan Cai bạ* cũ của vùng phía Nam. Nay đã được thay bằng người mới. Những người sống ở Bình Hòa thường tránh khỏi việc nhắc đến chuyện về gia đình vị quan này. Hoặc chuyện đã qua mười mấy năm chẳng ai còn nhớ tới nữa. Chỉ là đến lúc không còn hy vọng định quay về thì người lấy tin tắp vào một quán nước trong chợ cách không xa phủ quan Cai bạ tiện miệng hỏi thăm người chủ quán vài câu thì biết.

Thì ra bà chủ quán sống ở đây hơn chục năm, việc nên biết việc không nên biết đều qua tai bà rất nhiều. Chỉ là thường ngày người dân an phận thủ thường, lại chê bà là bà già mà còn ham nói nhiều nên không ai trò chuyện đến. Nay có người tiếp chuyện bà nhanh chóng dừng tay pha trà lại chỉ người hỏi chuyện lại chỗ ngồi sâu trong nhà bắt đầu kể.

*Cai bạ: Là vị trưởng quan ty Tướng thần thời chúa Nguyễn. Trông coi việc thu thuế, phát lương thực cho quân đội.

Hơn mười năm trước người sống trong phủ kia chính là gia đình của Lê Văn Án. Nhà ông được xem là một gia đình mẫu mực, vì là quan rông coi việc tài chính cho nên luôn rất biết giữ chừng mực và cẩn trọng. Trên dưới thuận hòa, đối đãi muôn dân nhân từ, còn thường xuyên phát cháo, phát gạo cho dân nghèo nên được mọi người kính trọng. Nhưng không may vào một ngày mưa gió bão bùng cả nhà Cai bộ tiếp nhận ý chỉ của nhà Chúa chịu chết thảm trong đêm.

Được biết, Lê Văn Án cùng vợ là Đào Từ Mẫu sinh ra bốn người con. Trưởng nữ tên Lê Từ Xuân, kế là thứ nữ Lê Từ Hạ, Lê Thu và Lê Đông là hai người con trai cuối. Cả bốn người ai nấy đều được hưởng phước cha, tính mẹ nên có dung mạo tươi đẹp, tính tình hiền lành, đặc biệt là yêu nước, thương dân, căm thù giặc ác.
Nhưng biến cố ập đến bắt đầu kể từ ngày trưởng nữ Từ Xuân bỏ trốn gia nhập vào quân đội. Tuy là nữ nhân nhưng từ nhỏ cô hay tinh nghịch, ham vui, còn thường xuyên theo cha đi đến thăm quân lương, phân phát tiền cho quân doanh nên hết sức hiếu động, yêu thích việc liên quan đến chiến sự. Khi lớn lên Từ Xuân liên tục xin cha cho mình nhập ngũ, thân là nữ nhi cũng không kiêng dè sống chết quyết chí muốn giúp quân, giúp dân đánh giặc. Đương nhiên Lê Văn Án thương con, nhỏ lớn một lòng bảo bọc nên quyết không chấp nhận. Thế là Từ Xuân năm hai mươi tuổi lấy hết dũng khí viết thư đầu quân giả truyện lệnh cha gia nhập quân ngũ.
Chuyện đã thành, Lê Văn Án đành cho con ở lại doanh trại lén cho người theo bảo hộ. Trong suốt hai năm gia nhập quân đội, tinh thần yêu dân yêu quân của Từ Xuân chỉ có dâng cao chứ không có hạ bớt. Trong một lần tham gia vận chuyển quân lương đến tiền tuyến Từ Xuân bị một tên lính hãm hại sau đó do không thể ở lại quân doanh được nữa nên đành quay về với cái thai trong bụng của mình.

Gia đình Lê Văn Án vốn nổi danh gia giáo, nghiêm khắc dạy con. Hôm nay Từ Xuân từ chiến trường quay trở về bụng mang dạ chửa nên không khỏi khiến người ngoài nhìn ngó. Nhưng điều đó không làm gia đình họ Lê ruồng bỏ Từ Xuân. Là một người mạnh mẽ Từ Xuân cũng không từ bỏ chính mình. Sau khi được biết sự tình cưỡng đoạt ông Lê Văn Án quyết lòng bảo hộ con gái. Đóng cửa phủ Cai bạ, hạn chế giao thiệp bên ngoài.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top