Nước

Dưới lăng kính của một kẻ khờ, thì hai ta yêu nhau. Anh yêu không nói, còn em yêu không thể hiện.
 
Tôi với con Huyền lớn lên bên nhau ngoài cảng. Nếu như không tính mấy thằng bạn cũ của tôi, thì nó chính là anh em tốt nhất trên đời.

Eo! Huyền nó chả biết chơi đá cầu, bắn bi hay là đuổi bắt. Nó đúng là kiểu con gái mà chúng tôi tẩy chay. Nói theo cách của trẻ nhỏ, thì nó yếu đuối, không năng động, còn như người lớn bảo, ấy là "dịu dàng".

Gọi nó là anh em tốt, bởi vì nó luôn hứng chí đi ngắm biển cùng tôi - cái việc mà chẳng thằng đực rựa nào đồng ý, và đến cả tôi cũng thấy nó quá là ẻo lả, nhưng mà cảnh đẹp như vậy, không ngắm thì uổng.

Cảng ấy mới xây, không có công nghiệp hóa hiện đại hóa gì hết, nên cảnh biển thu vào trong mắt chỉ có mỗi "đẹp đẽ", đẹp đẽ thuần túy. Hãy thử ngồi im một chỗ để nhìn trời và hưởng gió. 

Trời lúc canh năm thì không chói mắt, cơ mà lại mờ sương, thành ra tôi chỉ còn trông thấy các mảng xanh hồng chắp vào nhau như chiếc áo vá chi chít của bố tôi. Gió lúc năm canh thì không mạnh, cơ mà lại hữu hình. Tôi không nói khoác, sương có màu, gió thổi thì đẩy sương, và thuật ẩn thân muôn thuở ấy bị phá giải trong chớp mắt. Vẻ đẹp không thể tả rõ cho bạn thấu, thôi thì cứ giữ lấy để tôi với lòng này ngắm vậy.

Bên cạnh tôi mỗi buổi sáng sớm, lúc nào cũng là một "con lợn". Huyền béo và có màu hồng. "Hồng" ở đây không chỉ có mỗi huyết sắc thịnh vượng hiện ở trên da mặt nó, mà còn cả váy vóc, quần áo, phụ kiện nữa. Nó điệu từ bé, và nó không biết nó xấu, xấu đến mức chỉ có mình tôi chấp thuận kết mối quan hệ giữa người và lợn với nó. Tôi thân với nó thành tật, cứ sáng ra là hú nó đi đón bố lái thuyền đánh cá về.

Lợn Huyền càng lớn càng gầy, cũng càng dữ. Tôi còn nhớ ngày đầu tiên đi học đã bị nó đánh như thế nào, lý do chỉ vì "tao không thích nhường chỗ ngồi cho mày". Rõ ràng là tôi bị đánh, thế mà cả bố nó lẫn bố tôi đều mắng tôi. Đến cả mẹ cũng quát: "Mày đánh một đứa con gái như vậy mà gọi là đàn ông à?"

Sáu tuổi, nhà tôi có một thằng ấm ức khóc oang cả nhà lên. Tôi biết, hành vi này không dành cho đàn ông, nhưng tôi là trẻ con, lại còn là một đứa trẻ bị vu oan. Tôi chưa kịp nói lời nào cả, nhưng mọi người lại không chịu nghe tôi, lại được cả con Huyền ngồi đó, thậm thà thậm thụt. Tôi biết, nó sợ bị đánh, cơ mà tôi vẫn buồn, cái cảm giác như là... như người ta nói, là bị phản bội ấy. Tự cảm thấy khóc thôi chưa đủ, tôi quyết định bỏ nhà ra đi như trong phim. Tối đó, chờ mọi người ngủ hết, tôi gạt tay mẹ đang ôm, lồm cồm bò ra khỏi mùng, xỏ dép, không quên ôm theo cả con lợn đất mà chạy đi, cố đi thật khẽ để không ai dậy cả.

Cảng biển không hiền hòa như hồi sáng nữa. Tựa như tâm trạng của tôi, sóng biển ầm ầm lao vào đá rồi vỡ tung, từng chặp. Trời tối, không có sao, đèn không rọi được xa lắm, nên ven biển chỉ có một màu đen âm u khó hiểu. Tôi ngửi được mùi muối biển, biển đêm thường đầy mùi muối. Đó là một mùi hương thuần khiết, lại nồng nàn, ấm áp, giống như mùi của bố...

Tôi ngoái đầu lại, chắc đi thế này chưa đủ xa đâu, nhà vẫn còn hiện trước mắt kia mà. Thế là tôi lại bước, bước mãi, bước mãi cho đến khi căn nhà loang lổ tróc vôi trong mắt tôi biến mất. Tôi cứ đi dọc ven biển, bởi vì trong đầu luôn thấy "sợ lạc", "sợ không tìm được về". Thế mới nói, tôi lúc sáu tuổi chỉ là một thằng nhóc không hiểu sự đời và hèn nhát. Gia đình là gắn bó sâu sắc đến từng gân máu, đến chết cũng không có được dũng khí bỏ đi, thì nói chi đến nông nổi nhất thời!

Lần đầu bỏ nhà đi, chỉ là ngồi mãi trên bãi cát để viết chữ, viết "abc" lum la, vì chưa học được cái gì cả, nên cứ "abc" "abc" mãi. Tới lúc mà mặt trời mọc, tôi mới ngáp ngáp hai cái, đứng lên về nhà. Vừa đứng lên đã thấy ngay cái mặt thớt của con Huyền, nó mếu máo khóc, vừa khóc vừa bảo:

- Anh về nhà đi mà. Em biết sai rồi, sau này em sẽ không như thế nữa ạ. Anh đừng đi mà! Anh đi rồi em ở với ai?

Tôi đã nín khóc tự lâu rồi, nhưng mà nghe nó nói thế, cũng lại vừa mếu máo khóc vừa hét vào mặt nó:

- Mày còn biết gọi tao là anh à? Bố tao bảo "Huynh trưởng như cha", tức là tao là anh mày thì tao là bố mày. Mày... mày dám đánh bố thế à? 

Cũng không biết là hai đứa nhìn nhau mếu máo bao lâu, cuối cùng vẫn là tôi nín trước, rồi vỗ ngực, bắt chước một câu trong phim chưởng để nói với con Huyền. Thật ra cũng chẳng hiểu câu đấy nghĩa là gì, chỉ thấy nhân vật lúc đấy nói rất ngầu. Ngày thơ bé, chúng đã đều giải quyết lỗi lầm và đau khổ bằng những cách đơn giản như thế. Như là chúng tôi cười nói với nhau.

- Tao... bảo là lần này tao tha, lần sau mà còn đánh tao nữa là tao bỏ nhà đi thật.

Nó lập tức chùi mắt, lấy áo quệt nước mũi, tóc tai bù xù, miệng cười tươi rói:

- Vâng!

- Mày dữ như thế, còn lâu tao mới lấy mày về làm vợ!

- Ớ, thế là sao ạ?

- Mẹ tao bảo phải hiền thì người ta mới lấy về làm vợ. Tức là mày làm vợ tao, tao làm chồng mày!

- Eo! Thế thì thôi, em không lấy anh đâu! Mẹ em cũng bảo là phải lấy chồng có học. Anh chả biết chữ!

Thế là tôi tức điên, chửi nó:

- Mày dám bật tao à? Tao bảo tao lấy là tao lấy, mày không có quyền.

Rồi tôi lôi Huyền về nhà, bảo muốn lấy nó, mà lại bị đánh một trận, chả hiểu tại sao.

"Huyền năm tuổi" bước khỏi đời tôi cái vụt. Chẳng rõ là do chuyện xưa mờ nhạt hay do bao nhiêu cũng không đủ nhiều để khắc ghi.

---------------
Chuyển cấp, lên học lớp sáu, tôi thù lâu nhớ dai, chủ động nhường chỗ ngồi cho Huyền, nhưng mà nó bảo muốn ngồi cạnh con bé nào ấy, để cùng chơi trò công chúa. Tôi buồn.

Thế nhưng mà cuối cùng nó lại khóc lóc chạy về chỗ tôi, bảo là bọn bạn chỉ chơi với đứa mua được búp bê thôi, mà bố mẹ không có tiền, nó cũng không muốn bố mẹ mất tiền. Tôi lại chỉ đành vỗ vỗ lưng nó cho đỡ nấc rồi bảo "Anh sẽ kiếm nhiều tiền mua búp bê cho mày". Câu nói đó chính là động lực để tôi phấn đấu học hành. 

Trong mắt tôi, Huyền càng ngày càng xinh đẹp. Tôi chả biết công chúa trong truyện cổ tích đẹp thế nào, nhưng nàng công chúa tôi biết, da dẻ hồng hào, nụ cười tỏa nắng, và cả mái tóc xoăn không quy luật nữa. Hình ảnh con Huyền trong mắt tôi ngày càng quan trọng. Cơ mà khi ấy tôi lại chẳng ý thức được, tôi thích nó, thích lắm lắm. Cái giai đoạn ngọt ngào ấy, cứ như là báu vật của hai chúng tôi. Mà báu vật thì thế nào? Báu vật, ắt là phải cất, phải giấu, phải nằm im ỉm trong một khu bày trí ngột ngạt.

Chuyện là, có một buổi sáng, con Huyền nó cứ cười tủm tỉm, tôi hỏi thì nó làm cái mặt "em không thích nói đấy", lại cười tủm tỉm tiếp. Mãi đến cuối ngày mới nói một câu chẳng đầu chẳng đuôi:

- Mẹ em bảo, em bây giờ là con gái.

Tôi ngu người. Nó bảo nó là con gái? Nó thấy vui vì nó là con gái á?

- Thế, từ bé đến giờ mày là con lợn à?

Biểu cảm trên mặt con Huyền kỳ dị sao sao đó. Rồi nó làm ra cái vẻ "khinh thường" tôi lắm, vẩy tay một cái rồi bỏ về:

- Anh chả hiểu cái gì cả!

Đúng rồi, tôi chả hiểu gì. Mấy hôm sau đi học tôi lại càng chả hiểu gì luôn. Cái mặt con Huyền cừ hằm hằm như chuẩn bị xông vào cắn người ta ấy. Dữ dằn không chịu được. Trong giờ học thì gục lên gục xuống, bài vở bình thường vẫn ghi đầy đủ thì bị vứt ở đấy, lại còn vẽ toàn mặt hai chấm mở ngoặc như thế này: 

:(

Tôi hơi lo lo. Dù biết là lợn thì sẽ không bị mấy cái bệnh trầm cảm hay tự kỷ trong sách, nhưng lỡ nó gặp chuyện gì thì sao? Tôi nghĩ ngay đến cái câu "em bây giờ là con gái" của nó. Thôi thì lại cái trò vỗ vai an ủi, tôi hỏi nó:

- Mày gặp chuyện gì liên quan đến "con gái" à?

Vừa nói xong, con Huyền ngẩng đầu lên trừng mắt với tôi, cứ trừng mắt như thế mãi, như thể nó muốn móc hai mắt nó ra rồi gắn vào người tôi vậy. Thế là tôi bất chấp bài vở, cũng quay đầu nhìn nó. Hai mắt mở to của nó dần đỏ lên, chắc là cay mắt rồi. Kể cả là không biết tại sao con Huyền nhìn tôi, tôi cũng không hỏi vào lúc này được.

- Huyền ơi, thôi mày đừng nhìn tao nữa, mắt mày đỏ hết lên rồi kìa, đợi bao giờ hết cay mắt rồi nhìn.

Nó quay đi, tiếp tục gục mặt xuống bàn. Tôi cũng quay đi, tiếp tục học, nhưng mà không sao tập trung được nữa, cứ chốc chốc lại liếc sang nhìn nó. Đồ lợn, sao cứ để người khác lo lắng thế!

Thời trẻ con, chỉ biết là nó gặp chuyện gì buồn lắm, nên cố hết sức mà giúp. Nhưng tôi lại chẳng ngờ, không phải đứa trẻ nào cũng giống trẻ con bình thường. Có một số đứa rất hay mách lẻo.

- Em thưa cô! Bạn Huyền không chép bài ạ!

Tôi lập tức quay sang phải, trông thấy con Huyền ngẩng đầu lên. Mặt nó... giàn giụa nước mắt? Chắc là vì mọi người và cô giáo đang nhìn, nó nấc lên từng chặp, lại bắt đầu khóc thành tiếng, chắc nói sợ. Rồi nó lại lau, lau hết lần này đến lần khác, cho đến khi mà da mặt bị ép cho đến ửng đỏ lên.

Cô My dạy tiếng Anh lớp tôi vốn đã chẳng hiền. Đứa nào lười nhác không chịu học bài trong tiết của cô, nhẹ thì phạt đứng hành lang, còn nặng thì đuổi về. Cái bộ dáng mệt mỏi của con Huyền, đừng nói là bị đuổi về cho bố mẹ mắng, kể cả có đứng ngoài cũng chịu không nổi. Thôi thì... tôi cứ bấm bụng làm anh hùng vậy!

- Con thưa cô, con... à bạn Huyền chép đủ bài ạ! Không phải như mấy bạn kia nói đâu!

Cô không thèm nhìn đến tôi, bảo con Huyền mang vở lên. Tôi lén lúc nó đang cuống, kịp dán đè lên vở tôi một cái nhãn vở. Ở trên ghi ngay ngắn tên nó: Lê Thanh Huyền. Con Huyền cầm quyển vở lên. Nó nhìn cô lật từng trang từng trang, rồi lại trân trân nhìn tôi. Cô không phạt nó thật. Lúc ôm quyển vở về, nó vẫn cứ nhìn tôi y như vậy. Chậc, chắc mày biết ơn tao lắm chứ gì? 

Tôi biết thừa là cô My chẳng bỏ qua đâu, nên cũng xé vội cái nhãn của con Huyền, cũng hết nhãn dự phòng để dán luôn. 

Đúng như tôi đoán, cô lại gọi:

- Nam Anh mang vở lên!

Rồi lại đúng như tôi đoán, cô quát:

- Anh học hành cái kiểu gì đấy? Bài vở thì không đầy đủ, lại vẽ vời linh tinh lên vở, nhãn vở cũng lởm chởm vớ vẩn thế này! Đi! Anh về nhà ngay cho tôi! Không có bố mẹ đến xin thì đừng có bước chân vào lớp của tôi nữa!

Tôi thu dọn đồ đạc về nhà, thầy con Huyền ngồi bên cạnh nước mắt lã chã, lại nói với nó:

- Từ giờ đến lúc mày về, chép bài cho cẩn thận vào! Tao đi rồi không thằng nào chết thay cho mày nữa đâu!

Bờ biển vào buổi chiều à, nắng bớt chói chang, cát cũng khô mòn chứ không ẩm ướt. Tâm hồn trẻ thơ lại ùa về, tôi cởi bỏ đôi dép quai hậu rồi chạy chân trần về nhà. Cát mịn. Gió ấm hắt vào mặt tôi. Sóng cứ vỗ sau lưng, giống như có ai đang nói chuyện với tôi vậy. Chả hiểu sao tôi không buồn chút nào, chỉ cứ ngắm cảnh mãi, cho đến khi về nhà.

Tôi không sợ bị vu oan nữa, cứ nói với bố mẹ là tại không chép bài nên bị đuổi về. Bố đánh tôi một trận ra trò và bắt tôi quỳ ở ngoài sân, không cho ăn tối. Tôi chẳng buồn, chẳng khóc, cơ hồ như còn đang chờ đợi. Mặt trời khuất rồi thì cũng đợi được con lợn của tôi mò sang đây.

Huyền mang sang cho tôi hai gói mì tôm, rồi đập vụn ra, đổ gia vị mì. Có thể là các bạn không biết món này đâu, nhưng mà trẻ con vùng tôi toàn ăn vặt như thế. Tôi chưa bao giờ nghĩ mì này ăn lại ngon đến vậy. Hay tại tôi đói? Hay tại mì này là con Huyền đưa tôi? Cũng chả biết.

Thế rồi mấy năm sau học kiến thức giới tính mới biết, thi thoảng con Huyền lại như bị chập mạch là có lý do của nó cả. Lúc ấy tôi thông cảm cho nó ghê gớm lắm. Đương nhiên, tại vì tôi còn chưa dậy thì. Chứ làm gì có cái khổ nào bì được với cái khổ nào. Giai đoạn dậy thì của con trai rất đáng xấu hổ, nhất là trước đứa con gái mình thích, nếu bạn không tin thì có thể tìm hiểu xem, chứ tôi chẳng dám kể.

Nói chung là, hai chúng tôi càng lớn lên, lại càng xa nhau ra. Đứa nào cũng có bạn bè của đứa ấy, chứ không phải là cái tuổi thơ chỉ nắm tay nhau như hồi xưa nữa. Kí ức cũng ít lại, và hoài niệm đẹp thì cứ bay biến dần đi.
__________________

Tôi mười lăm tuổi, cuối cùng cũng biết mình thích đứa nào. Tóc nó đen, hai mắt nó bằng lặng, tiếng cười của nó ít ai nghe được, nhưng nghe được rồi thì sẽ bị nghiện luôn, cứ suốt ngày tìm cách chọc nó cười để được nghe. Nó điệu đà, một lòng thủy chung son sắt với tông màu hồng. Cho dù là đi ăn sinh nhật tôi, đi tham quan hay đi ngắm biển, nó đều mặc đồ màu hồng. Tôi muốn ở bên cạnh nó, muốn còn hơn cả những thú vui thường nhật với bạn bè...

- Huyền! Tại toàn chơi với mày nên tao chẳng có mống con gái nào theo đuổi kìa.

- Ai bảo, em vừa thấy một bạn đưa thư tình cho anh kìa! Đểu, không thích chơi với em nữa, thấy em phiền thì cứ nói xừ ra! Lấy lý do chẳng đâu vào đâu làm gì?

Tôi là đứa đang đùa cợt, nhưng tự dưng lại đâm ra gượng gạo, khó xử, chỉ biết lắp ba lắp bắp chữa cháy.

- Tao... tao... tạm thời chưa cần có người yêu, vẫn thích chơi với mày. Nhưng mày phải hứa với tao, nếu tao cần người yêu, thì mày làm người yêu của tao... có được không? Đi!

Tôi nói, sau đó suýt nữa tự vả mấy cái vào mặt mình. Huyền ơi là Huyền! Đồ con lợn! Mày đừng có thôi miên tao như thế, từ bé đến giờ toàn bị mày thôi miên! Đấy là thằng Nam mong manh, con mình là thằng Nam Anh!

Tôi chẳng bao giờ ngờ nổi, một câu nói xàm xí và ngu ngơ hết sức của mình, lại làm con Huyền bị thuyết phục, nghiêm túc gật đầu cái rụp ngon ơ, nhưng lời hứa của nó có chút thay đổi, rằng tôi hai mươi lăm tuổi mà chưa kết hôn, ngó lúc ấy nó chưa có ai bên cạnh thì hai đứa hẹn hò. Tôi nghe xong, thấy quanh mình ngọt lịm, đầy những mảng cầu vồng phảng phất nơi đáy mắt. Lúc ấy, có lẽ lòng tôi đã xác định, tôi chỉ thích một mình nó, khi trưởng thành rồi, biết yêu rồi, cũng chỉ yêu một mình nó. Tôi đã trót tin vào một câu bông đùa của con Huyền, thật đấy! Để rồi, khi mà nó quang minh chính đại ở bên cạnh người khác, lòng lại quặn lên, cứ như mình đã bị lừa.

Năm tháng chẳng biết đợi chờ. Thoắt một cái hai đứa đã đủ tuổi bóc lịch, tôi đi học đại học trên Hà Nội, còn nó thì cũng đi học ở tỉnh khác, cả hai đều không được thấy biển nữa. Cứ buồn, cứ hẫng thế nào ấy! Chỉ là, bản thân cứ đinh ninh là sẽ ở bên cạnh nó, chịu trách nhiệm với nó, nên lâu mấy tôi cũng đợi. Tôi khi ấy, chỉ tập trung học, phải học thành tài, có sự nghiệp rạng rỡ, để còn cho nó một gia đình hoàn hảo. Bởi luôn tâm niệm như thế, nên tôi bỏ kí ức lại một xó xỉnh hiu quạnh nào đó, chỉ đâm đầu vào mà học.

Tôi nhớ là vào khoảng tháng Mười năm ấy, nó gọi điện báo có bạn trai, thế là tôi bỏ thi học kì ở trường để uống rượu, sau đó vội đi xe khách thẳng đến tỉnh mà nó học. Thấy đúng cái cảnh nó tay trong tay với thằng Tường, bạn nối khố của tôi. Tôi lại nhớ, cái lúc mà tiễn hai đứa ra xe, còn vỗ vai dặn dò "Chúng mày phải chăm sóc lẫn nhau nghe chưa?", thật muốn rã cả tim. Thế là một mình quay lại Hà Nội. Có khi, chẳng ai biết lúc đó tôi ghé. Ngu ngốc! Lúc đó tôi về cũng có giải quyết được cái gì đâu? Nói với Huyền về cái lời hứa ngớ ngẩn năm xưa chắc? Hay là đánh nhau với thằng Tường đến huynh đệ tương tàn? 

Nghỉ hè năm ấy, tôi chẳng dám về nhà, chẳng dám gọi điện. Thể nào bố mẹ, và cả Huyền nữa, cũng đang lo cho tôi lắm! Nhưng mà tôi sợ về đến nơi lại không kìm chế được bản thân, nên cứ ngồi trong phòng ký túc, uống rượu, đến lúc say thì để mấy thằng cùng phòng nó ném lên giường, chứ làm gì còn hơi sức đâu mà dọn với dẹp.

Năm sau, nó lần đầu thất tình, tôi đánh nhau với thằng Tường đến bầm tím hết cả người, nó giận không thèm nói chuyện với tôi nữa. Tôi kệ, từ khi mà thằng Tường bảo "Mày đánh tao chỉ vì một đứa con gái bình thường thôi à?" thì tôi đã không còn thằng bạn này rồi. Huyền tốt với nó như thế, mà cũng chỉ là "đứa con gái bình thường" trong mắt nó, thì tôi tính là cái gì? Từ lúc ấy, vì Huyền, tôi đã đoạn tuyệt với người bạn tốt nhất trên đời. Không chỉ thế, hình như tôi còn làm bay biến mất thứ duy nhất tồn tại với Huyền, đó là tình bạn.

Cũng năm ấy, tôi lên máy bay, từ giã Huyền, từ giã quê hương, từ giã cả con người sốc nổi của mình. Chưa kịp nói với nó, là thích nó, cũng chưa kịp đổi xưng hô với nó từ "mày" thành "em"

Cali nhiều nắng hơn mưa, cũng không có biển. Chết! Cứ thế thì nắng thiêu cháy tình đầu của tôi đến khô cằn mất thôi! Trong ba năm đi Mỹ ấy, tôi chỉ nhận được đúng một cuộc điện thoại từ em.

[A lô, anh hả? Em có chuyện muốn nói. Thật tình xin lỗi anh về chuyện năm xưa, vì em mà anh với Tường giận nhau đến vậy. Em còn muốn báo anh biết. Tết này em với Tường sẽ đám cưới. Mong anh về dự. Em với anh ấy chia tay hai lần rồi. Chứ cứ hợp hợp tan tan như vậy, bảo em chịu làm sao nổi] 

Ngày em đi lấy chồng, tôi chỉ biết cười ngờ nghệch gửi quà cho em, không về, không dự. Tôi nhớ em nhiều lắm, nhưng biết làm sao được.

Thật ra đây không phải tình buồn, mà là một câu chuyện hồi ức có đắng chát ngọt bùi. Tôi là kẻ cố chấp, rõ ràng biết là sau này lớn lên, bằng vai phải lứa, em nói tôi giống anh trai, lại luôn gọi "anh" như thế, là vì em đã sớm nhận ra quan hệ của chúng tôi đẹp nhất khi và chỉ khi chúng tôi là bạn thân thôi. Lùi một bước thì thành người dưng, tiến một bước, rồi sớm muộn cũng sẽ thành người dưng, nên em muốn ở bên cạnh tôi theo cách khác. Em không có cảm tình gì với tôi cả. Nên đây chỉ là chuyện đơn phương, không phải chuyện buồn.

Nếu như thật sự có cái kết buồn, thì là chuyện của mấy năm sau, trong lễ cưới của tôi. Em đã li dị, lại xõa tóc như xưa chứ không búi lên cho giống "vợ hiền, dâu thảo" nữa, và em là phù dâu.

Đám cưới tổ chức ở quê, trên biển. Biển như là có một vẻ đẹp vĩnh cửu chứ chẳng bao giờ thay đổi cả. Chẳng giống con người, rồi cũng phải lớn, phải thay đổi như tôi đây...

- Anh đang ngắm biển hả? - Em bước tới bên cạnh tôi, cũng đi chân trần, cười tươi rói.

Tim tôi lại không chịu ở yên, lại rung động, cố mãi mới nói được một câu hỏi thăm có lễ:

- Ừm... em và thằng Phước sao rồi, mà thằng Phước nếu lớn không có cha, liệu...

- Nó chẳng sao đâu, em đủ khả năng để cho nó tất cả. Anh lo nhiều vậy làm gì? Em ra tận ngoài này tìm cũng chả phải chỉ để xã giao. Em chỉ muốn hỏi là... anh từng thích em một chút, có đúng không?

Tôi không nói nên lời.

- Em muốn nói là, em cũng có thích anh đấy. Nói ra thì như phạm tội phá hoại nhà người ta. Cơ mà, tiếc hùi hụi mấy lần, em ngán ngẩm rồi. Già rồi mà chưa làm việc gì ấu trĩ một tí để mà nhớ, thì Phước nó cười cho. Ha ha!

Tôi im lặng, cộng cả tiếc nuối nhìn em quay lưng đi. Nhưng rồi cũng quay về hội trường đám cưới. Bóng hình của chúng tôi trong kí ức cứ ở mãi trên cát biển, mặc sóng lấp vùi.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #test