Phần Không Tên 777
Ý tưởng về vận tốc tiền bạc áp dụng cho mọi loại tài sản, kể cả tài sản chứng
khoán. Khi một người theo dõi tỉ số p/e nghĩa là họ đang theo dõi vận tốc tiền bạc
theo nhiều cách khác nhau. Khi một người nói tỉ số p/e của một cổ phiếu là 20 có
nghĩa là bạn sẽ mất 20 năm để lấy lại vốn, dựa trên giá cả và số tiền thu được hiện tại.
Ví dụ như nếu giá một cổ phiếu hôm nay là 20$ và được trả 1$ cổ tức một năm, bạn sẽ
mất 20 năm để lấy lại số tiền này.
QUY LUẬT 72
Quy luật 72 là một phương pháp khác để đo vận tốc tiền bạc. Quy luật này đo
số lợi tức hay sự phát triển hàng năm tính theo phần trăm của một thứ gì đó. Ví dụ,
nếu bạn nhận được 10% tiền lãi tiết kiệm, số tiền của bạn sẽ tăng gấp đôi sau 7,2 năm.
Nếu cổ phiếu của bạn tăng giá 5% một năm, như thế có nghĩa là bạn sẽ cần 14,4 năm
để tăng gấp đôi số tiền của mình. Nếu nó tăng 20% một năm thì nó chỉ cần 3,6 năm để
tăng gấp đôi giá trị hiện tại. Quy luật 72 chỉ đơn giản là lấy con số 72 chia cho số lãi
hay số phần trăm giá trị tiền lời, bạn sẽ tìm được tốc độ tương đối để tăng gấp đôi số
tiền của bạn.
Trong cuộc bùng nổ kinh tế cuối những năm 1990, nhiều nhà kế hoạch tài
chính và nhà tư vấn đầu tư bắt đầu dò dẫm sự chính xác của quy luật 72. Vài năm
trước đó, một nhà tư vấn đầu tư trẻ bảo tôi rằng danh mục vốn đầu tư của anh ta sẽ
tăng giá gấp đôi trong mỗi 5 năm. Tôi hỏi lại rằng làm thế nào để biết được điều đó
trong khi anh ta chỉ mới đầu tư có 3 năm thôi. Anh ta đáp: "Vì trong quỹ hỗ tương, số
tiền của tôi tăng trung bình 15% mỗi năm trong hai năm qua". Tôi cảm ơn anh ta vì
đã nhiệt tình muốn bán một số chứng khoán quỹ hỗ tương nhưng tôi từ chối. Tôi tự
hỏi ngày hôm nay anh ta sẽ nói gì. Tôi muốn kể cho anh ta nghe câu chuyện về một
thị trường tăng giảm, một con bò và một con gấu. Câu chuyện kể rằng con bò đi lên
bằng cách bò từng bước lên cầu thang nhưng con gấu thì đi xuống bằng cách nhảy qua
cửa sổ. Và như người bố giàu đã nói: "Sự ước lượng trung bình chỉ dành cho những
nhà đầu tư trung bình".
VUI VỚI TIỀN BẠC
Còn một biện pháp nữa mà một nhà đầu tư có thể sử dụng vận tốc tiền bạc theo
ý mình và biện pháp đó là vui với tiền bạc.
Có hai lý do tôi rất thích những cổ phiếu nhỏ. Lý do thứ nhất vì tôi là một nhà
kinh doanh chứ không phải một nhà liên hiệp. Tôi yêu thích và hiểu rõ những vấn đề
khó khăn của các công ty nhỏ mới thành lập cũng như có thể cảm nhận được liệu một
công ty có thể phát triển hay không. Lý do thứ hai là vì những cổ phiếu nhỏ có thể
tăng gấp đôi hoặc gấp ba giá trị nhanh hơn nhiều so với những cổ phiếu bảo đảm. Và
do chúng có cơ hội phát triển nhanh hơn nên trong điều kiện thị trường thích hợp,
việc vui với tiền bạc sẽ dễ dàng hơn. Sau đây là một ví dụ cụ thể.
Giả sử bạn mua 5.000 cổ phiếu của công ty XYZ với giá 5$ một cổ phiếu. Lúc
này bạn có 25.000$ trên thị trường. Giả sử bạn gặp may mắn và trong vòng chưa đến
một năm, giá cổ phiếu công ty XYZ tăng lên 10$ một cổ phiếu. Lúc này giá trị thị
trường của bạn là 50.000$. Khi đó một nhà đầu tư tham lam, tôi cũng từng như thế, sẽ
nói rằng: "Thị trường đang tiếp tục tăng giá, vì thế nên tôi sẽ tiếp tục giữ nó". Một lần
nữa, một chiến lược kết thúc là rất quan trọng trước khi bước chân vào thị trường.
Thay vì treo số tiền của mình lại đó, một cách để tăng tốc tiền bạc là bán đi
25.000$ giá trị cổ phiếu. Như thế bạn vẫn sẽ có được 25.000$ giá trị cổ phiếu, dù lúc
này số cổ phiếu chỉ còn một nửa, nhưng bạn sẽ lấy lại được số tiền. Lúc này, những cổ
phiếu trị giá 25.000$ còn lại sẽ tiếp tục vui với tiền bạc.
Tôi thường dùng chiến lược này nhưng không phải mọi lúc. Có những lúc giá
cổ phiếu tăng từ 5$ lên 8$ nhưng chưa đạt đến giá kết thúc là 10$, vì vậy tôi sẽ tiếp tục
chờ đợi. Nhiều lần, giá cổ phiếu không tăng nữa mà lại giảm xuống dưới 5$ và tôi bị
lỗ hoặc bị kẹt vốn. Phải thừa nhận là những lúc dùng đến chiến lược bán cổ phiếu để
bù đắp lại số đầu tư ban đầu, tôi vẫn cảm thấy khá hơn nhiều với số đầu tư này ngay
cả khi không kiếm được nhiều tiền, bởi vì thực tế tôi đã có được một số ít tiền lãi.
TẠM BIỆT TIỀN BẠC
Tôi không thể hiểu nổi tại sao người ta lại rầu rĩ khi bị thua lỗ trên thị trường
chứng khoán. Họ không rầu rĩ khi đến tiệm tạp hóa và sử dụng những số tiền mà họ
không bao giờ thu lại được. Họ không rầu rĩ khi mua một chiếc xe hơi và bị lỗ khi bán
đi. Vậy thì thua lỗ trong đầu tư có gì khác biệt đâu?
Tôi thường nghe các nhà đầu tư nói: "Anh sẽ không bị mất tiền miễn là đừng
bán cổ phiếu". Khi có ai nói câu này, điều đó thường có nghĩa là những cổ phiếu họ
mua đang bị xuống giá và họ đang ngồi chờ nó tăng lên lại. Suy nghĩ kiểu này cũng
có căn cứ nhưng chỉ trong các trường hợp đặc biệt mà thôi. Một suy nghĩ đối lập là
bán cổ phiếu sớm khi chúng giảm giá sẽ giúp bạn không bị thua lỗ quá nhiều. Có
những lúc tôi sai lầm trong việc đầu tư và giá đầu tư của tôi tụt giảm rất nhanh. Nhưng
nếu giá một cổ phiếu đã giảm hơn 10% thì thường tôi sẽ bán chúng đi. Có hai lý do
cho điều này.
Lý do thứ nhất: Nếu để bị tập trung quá nhiều vào những thua lỗ, tôi sẽ có
những cảm giác thật tồi tệ vì đã có những quyết định sai lầm, tôi sẽ bán chúng đi. Tôi
sẽ muốn chấm dứt và từ bỏ chúng. Như đã nói trong những cuốn sách khác, tôi biết
rằng trong 10 mục đầu tư thì sẽ có hai hoặc ba mục xấu, hai hoặc ba mục tốt, còn lại
mọi thứ sẽ ở mức trung bình không lên không xuống. Thỉnh thoảng tôi để những mục
đầu tư trung bình này lại miễn là chúng không làm tôi bị thua lỗ. Nhưng nếu chúng
trở nên tồi tệ, tôi sẽ loại bỏ chúng đi và tự nhận xét lại để rút kinh nghiệm.
Lý do thứ hai: Tôi thích đi mua sắm. Vì vậy nên ngay cả khi không có tiền, tôi
cũng thích đi ngắm nghía các món hàng thay vì mua chúng, giữ chúng và sau đó ngồi
cầu nguyện cho chúng sẽ quay lại một ngày nào đó. Như tôi đã nói, hầu hết mọi người
không rầu rĩ khi họ bán lỗ một chiếc xe hơi dùng rồi, đơn giản vì thường thì họ sẽ đi
mua một chiếc xe khác.
MỘT CỔ PHIẾU BẢO ĐẢM SẼ TỒN TẠI TRONG BAO LÂU?
Một chiến lược đầu tư khác mà tôi thường nghe là "Đầu tư dài hạn và chỉ mua
những cổ phiếu bảo đảm". Với tôi, đây hoàn toàn là một ý tưởng lỗi thời, một lần nữa
bởi vì nó chỉ đúng trong thời đại Công nghiệp mà không còn có ý nghĩa gì trong thời
đại Công nghệ Thông Tin. Chiến lược cũ kỹ này không còn có tác dụng vì những cổ
phiếu bảo đảm không còn đem lại nhiều lợi nhuận. Ví dụ, nếu 20 năm trước bạn đầu
tư vào Xerox thì ngày nay bạn sẽ rất vất vả, dù đó là những cổ phiếu bảo đảm câu hỏi
thực sự mà mỗi chung ta cần phải đặt ra là một cổ phiếu bảo đảm sẽ tồn tại trong bao
lâu.
Nhiều công ty của Fortune 500 có thể sẽ không còn tồn tại trong vòng 10 năm
tới do những thay đổi về công nghệ và những đổi mới khác. Các công ty bảo đảm đã
từng tồn tại trong 65 năm qua giờ chỉ còn kéo dài được khoảng 10 năm nữa. Điều này
cho thấy chiến lược kinh doanh cũ đã không còn thích hợp với thế giới ngày nay.
Trong thời đại của những thay đổi công nghệ chóng mặt, một công ty có thể
phát đạt hay sụp đổ chỉ trong vài năm. Tốc độ thay đổi này đòi hỏi chúng ta phải thận
trọng hơn và tập trung hơn vào hoạt động của tiền bạc thay vì để nó ở yên một chỗ
chờ thị trường tăng giá mãi mãi. Chiến lược "mua, giữ, và cầu nguyên" chỉ chấp nhận
được với những nhà đầu tư trung bình nhưng không phải là một chiến lược tốt cho
những người muốn về hưu sớm trong sự giàu có.
CHƯƠNG 16
Sức bật của bất động sản
ĐẦU TƯ BẰNG VỐN NGÂN HÀNG
Một ngày kia, tôi có hẹn dùng bữa tối với một người bạn và bố của cô ấy, một
phi công về hưu. Cũng đúng ngày hôm đó, thị trường chứng khoán rớt giá 3%, điều
này khiến ông ấy rất buồn vì tất cả tiền lãi của tài khoản hưu trí đã biến mất. Khi tôi
hỏi ông nghĩ gì về thị trường, ông đáp: "Con gái bác bảo bác hãy đến ở chung với nó
khi đã mất hết rồi".
Tôi dè dặt hỏi: "Bấc muốn nói rằng bác chỉ đầu tư vào thị trường chứng khoán
thôi à?"
"Ừ"
, ông trả lời,
"Không lẽ còn loại hình đầu tư nào khác nữa sao? Bác chỉ biết
về thị trường chứng khoán thôi. Còn gì khác nữa?"
GIẢM GIÁ TRỊ DANH MỤC VỐN ĐẦU TƯ
"Đa dạng hóa" là một điều luôn khiến tôi băn khoăn. Khi tôi nghe một người
nói rằng họ đang đa dạng hóa vốn đầu tư, tôi thường hỏi họ muốn ngụ ý điều gì. Và
thường như thế, họ sẽ trả lời đại loại như "Tôi có tài khoản ở các quỹ phát triển, quỹ
liên kết, quỹ quốc tế, quỹ khu vực, quỹ ưu tiên, v.v...
Câu hỏi tiếp theo của tôi là: "Và tất cả các loại quỹ đó tồn tại dưới dạng quỹ hỗ
tương à?" Một lần nữa, câu trả lời là: "Đúng vậy, hầu hết những đầu tư của tôi được đa
dạng hóa dưới nhiều dạng quỹ hỗ tương khác nhau". Trên thực tế, việc đa dạng hóa
quỹ hỗ tương của họ chỉ là sự lựa chọn phương tiện đầu tư chứ không phải là đa dạng
hóa. Ngay cả khi họ nói: "Tôi đã đầu tư vào cổ phiếu hay REITS, và tôi cũng có được
khoản tiền trợ cấp hàng năm... " thì một sự thật đáng buồn là họ chỉ có những danh
mục tài sản mà thôi. Vì sao như vậy? Vì các tài sản giấy tờ rất dễ quản lý và đưa vào
hoạt động. Như người bố giàu đã nói: "Tài sản trên giấy ít lợi nhuận hơn nhưng gọn
gàng và ngăn nắp hơn. Hầu hết mọi người đều không thuộc nhóm C và không bao giờ
xây dựng các doanh nghiệp nhóm C; hầu hết cũng sẽ không đầu tư vào bất động sản
vì những thách thức của lợi nhuận, khả năng thanh toán và vấn đề quản lý".
Chỉ riêng ở Mỹ đã có đến trên 11.000 quỹ hỗ tương để chọn lựa, và con số đó
vẫn còn gia tăng. Số lượng quỹ hỗ tương còn nhiều hơn cả số công ty mà quỹ hỗ
tương đầu tư vào. Tại sao lại có nhiều dạng quỹ hỗ tương đến thế? Vì những lý do đã
nêu trên. Chúng rất ít lợi nhuận và ngày càng đem lại ít lợi nhuận hơn khi nhân danh
việc bảo vệ công chúng. Vấn đề ở đây là công chúng đang tìm xem trong số 11.000
quỹ hỗ tương này, dạng nào là tốt nhất cho họ. Làm thế nào bạn biết được dạng quỹ
thu hút khách ngày hôm nay có còn thu hút được như thế vào ngày mai hay không?
Trong thế giới này, làm thế nào bạn có thể chọn loại quỹ tốt nhất cho tương lai khi đã
về hưu? Và nếu hơn 80% danh mục vốn đầu tư của bạn đặt vào quỹ hỗ tương thì liệu
như thế có gọi là đa dạng hóa không? Như thế có gọi là khôn ngoan không? Về mặt
chủ quan, tôi không cho đó là điều tốt. Những người nào có khoảng 80% danh mục
vốn đầu tư nằm trong các dạng quỹ khác nhau, không có nghĩa là họ đã đa dạng hóa
chúng mà thậm chí có thể họ đang làm giảm giá trị danh mục đầu tư của mình.
BI KỊCH CỦA QUỸ HỖ TƯƠNG
Một số người trong chúng ta đã nhận ra kẽ hở thuế vụ đối với quỹ hỗ tương.
Nhưng đáng tiếc là một số nhà đầu tư lại không nhìn ra kẽ hở này, kẽ hở đã chuyển số
thuế lợi tức qua cho các nhà đầu tư gánh chịu. Như thế có nghĩa là nếu thu được lợi
nhuận và cần phải đóng thuế lợi tức thì quỹ hỗ tương sẽ không trả phần thuế này mà
chính nhà đầu tư phải trả. Kẽ hở này thường được công bố đặc biệt khi thị trường sụp
đổ. Tuy nhiên, đôi khi cũng có những ngoại lệ, ví dụ như khi số lãi suất quỹ hỗ tương
trong một số tài khoản hưu trí nhất định bị hoàn trả chậm.
Giả sử quỹ hỗ tương đã thành công trong nhiều năm nay. Họ thực hiện việc thu
mua rất tốt và những cổ phiếu họ mua được tăng giá rất nhanh. Nhưng bỗng nhiên thị
trường xuống giá đột ngột, nhà đầu tư bị khủng hoảng, và họ bắt đầu muốn gom tiền
lại. Quỹ hỗ tương lúc này sẽ phải bán nhanh các cổ phiếu tốt nhất để trả tiền lại cho
các nhà đầu tư. Và khi cổ phiếu của quỹ hỗ tương bị bán ra thì thuế lợi tức sẽ được
đánh trên những cổ phiếu này. Ví dụ như cách đây mười năm, quỹ hỗ tương mua cổ
phiếu công ty XYZ với giá 10 đôla một cổ phiếu, và khi họ bán ra, một cổ phiếu sẽ có
giá trị 50 đôla. Như vậy nhà quản lý quỹ hỗ tương đã làm tốt việc mua cổ phiếu nhanh
chóng, thế nhưng khi họ bán ra thì nhà đầu tư sẽ phải trả thuế lợi tức trên 40 đôla lợi
nhuận này. Vào những thời điểm như vậy, nhà đầu tư thường thua lỗ vì giá trị quỹ hỗ
tương có thể sẽ tiếp tục xuống giá, cùng lúc đó, họ lại phải đóng thuế lợi tức nữa. Như
vậy một nhà đầu tư vào quỹ hỗ tương có thể sẽ bị bắt đóng thuế lợi tức dù không
kiếm được một đồng lợi nhuận nào và chỉ bị thua lỗ mà thôi. Cá nhân tôi không thích
phải đóng thuế thu nhập khi bị mất tiền như thế. Vào đầu năm 2001, rất nhiều nhà đầu
tư bị cắt giảm phân nửa trị giá quỹ hỗ tương nhưng vẫn phải đóng thuế lợi tức trên số
lợi nhuận phát sinh. Với tôi, đó thực sự là một bi kịch.
Có phải tôi đang bảo bạn đừng đầu tư vào quỹ hỗ tương? Không, tôi cũng có
đầu tư vào quỹ hỗ tương đấy chứ. Trong quyển "Dạy con làm giàu" - tập 4, tôi đã bàn
về những kế hoạch tài chính để được bảo đảm, tiện lợi, và giàu có. Quỹ hỗ tương có
thể đóng một vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo tính an toàn và tiện lợi cho kế
hoạch tài chính. Tìm được một chuyên viên tư vấn giỏi sẽ hỗ trợ cho bạn rất nhiều
trong việc phát triển một kế hoạch tài chính đúng đắn. Càng có thể tự học về đầu tư
tài chính thì bạn sẽ càng trở nên thông thạo hơn. Có nhiều quỹ hỗ tương rất tốt sử
dụng những biện pháp có hệ thống trong việc lựa chọn các công ty để đầu tư bằng
cách nghiên cứu những nguyên tắc cơ bản.
LỢl ÍCH CỦA VIỆC ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN
Bố của bạn tôi, một phi công về hưu cho rằng chỉ có một dạng đầu tư duy nhất
là chứng khoán, nay đã hiểu thêm về những "bi kịch" của quỹ hỗ tương. Cuối bữa tối,
ông nói: "Bác đã mất gần hết số tiền tiết kiệm của mình vì cổ phiếu xuống giá và bác
vẫn phải đóng thuế lợi tức. Giá như bác có thể đầu tư vào một thứ gì khác".
"Tại sao bác không đầu tư vào bất động sản?" Tôi hỏi.
"Để làm gì? Có gì khác nhau đâu?" Ông thắc mắc.
"Có rất nhiều khác biệt chứ. Cháu sẽ cho bác thấy một điểm khác biệt rất thú vị.
Đó là đối với bất động sản, chúng ta có thể kiếm ra tiền và chính phủ sẽ xem như đó
là một sự thua lỗ".
"Ý cháu là vừa có tiền mà vừa được tạm ngừng đóng thuế trên số tiền đó à?"
"Chính phủ miễn thuế lợi tức cho chúng ta chứ không bắt chúng ta đóng thuế.
Chính phủ sẽ cho phép chúng ta có thêm nhiều tiền hơn mà không phải đóng thuế
nhiều hơn. Một phương pháp để làm việc này là giảm giá, hay như người bố giàu của
cháu vẫn gọi là lưu lượng tiền mặt ảo, lượng tiền mặt lưu chuyển mà các nhà đầu tư
trung bình không nhìn thấy".
Viên phi công im lặng một lúc rồi nói: "Còn gì nữa không?"
"Còn nhiều lắm. Chính phủ thậm chí còn cho chúng ta tiền nữa kìa".
"Bằng cách nào?"
"Nếu đó là một tòa nhà xưa, chính phủ sẽ cho chúng ta tín dụng thuế, cách này
lợi hơn nhiều so với thuế khấu trừ... Bác có cho rằng chính phủ sẽ cho tín dụng thuế
nếu bác mua quỹ hỗ tương không?"
"Bác không biết. Bác chỉ thấy người ta đánh thuế lợi tức trên khoản tiền bị lỗ
thôi. Nghe giống như bác đóng thuế trên số tiền thua lỗ còn cháu thì được miễn thuế
trên số tiền kiếm được... "
"Còn nữa, bác sẽ được một số tín dụng thuế trên 50% giá trị đầu tư vào những
gì liên quan đến đạo luật những người tàn tật của Mỹ. Ví dụ như nếu bác bỏ ra
10.000$ xây đường dốc xe lăn để những người tàn tật có thể ra vào tòa nhà thương mại
của bác, bác sẽ có thể nhận được một số tiền tín dụng tối đa là 5.000$".
"Được tín dụng thuế 5.000$ kia à? Thế nếu việc xây cái đường dốc đó không
mất đến 10.000$ mà chỉ có 1.000$ thôi thì sao?"
"Bác vẫn nhận được 50% giá trị đầu tư. Nhưng dĩ nhiên bác cần phải tham vấn
CPA trước khi định làm bất cứ điều gì tương tự như vậy. Bác cần biết rõ những điều
luật hiện hành và những lợi ích của mình trước khi làm bất cứ việc gì".
Viên phi công suy tư một lúc rồi hỏi: "Còn gì nữa không?"
"Nhiều lắm. Nhiều đến nỗi không thể nói hết trong một bữa tối được, nhưng
cháu sẽ cho bác biết 3 ưu điểm nữa của bất động sản so với quỹ hỗ tương. Điểm thứ
nhất là ngân hàng sẽ cho chúng ta vay tiền để đầu tư vào bất động sản. Theo cháu
biết, ngân hàng sẽ không cho vay tiền để đầu tư vào quỹ hỗ tương hay chứng khoán.
Họ có thể sử dụng những tài sản này để thế chấp, nhưng chỉ sau khi bác đã đầu tư tiền
để mua chúng mà thôi".
Viên phi công gật đầu và hỏi: "Còn điều thứ hai?"
"Điều thứ hai là bác sẽ không phải đóng thuế lợi tức nếu bác biết mình đang
làm gì".
"Cháu muốn nói là hiện nay bác đang phải trả thuế lợi tức trên những khoản
tiền bác không có được, đúng hơn là những khoản tiền bị thua lỗ, và nếu đầu tư vào
bất động sản thì bác sẽ không phải đóng thuế lợi tức sao?"
Tôi gật đầu: "Đúng vậy. Điều đó được thực hiện qua một sự trao đổi gọi là trao
đổi 1031. Ví dụ như khi mua một ngôi nhà trị giá 50.000$, cháu bỏ ra 5.000$ và vay
ngân hàng 45.000$ còn lại. Và giả sử số tiền cho thuê ngôi nhà có thể trang trải những
chi phí hàng tháng của cháu thì nghĩa là cháu đã có được lưu lượng tiền mặt từ mối
đầu tư của mình".
"Và như thế tiền bạc đã làm việc cho cháu?" ... .
"Đúng vậy. Nguồn đó là thu nhập thụ động, vậy nên nó được đánh thuế thấp
hơn so với thu nhập tiền lương hay thu nhập từ tiền tiết kiệm và những tài khoản
401(k) của bác".
Viên phi công lặng lẽ lắc đầu. Buổi chiều hôm đó, chúng tôi đã có một cuộc
thảo luận về sự khác nhau giữa thu nhập tiền lương, thu nhập đầu tư và thu nhập thụ
động.
Tôi tiếp tục nói: "Sau vài năm nữa, bác sẽ thấy ngôi nhà bác mua với giá
50.000$ để cho thuê sẽ tăng giá lên 85.000$. Khi bán lại bác sẽ có lời 35.000$, và bác
không cần phải hoàn vốn nếu bác đầu tư số tiền này vào một món đầu tư lớn hơn".
Một lần nữa viên phi công lại lặng lẽ lắc đầu: "Trong trường hợp này, cháu có
được 35.000$ lợi nhuận mà vẫn không phải trả thuế lợi tức. Bác thì thua lỗ khi đầu tư
vào quỹ hỗ tương mà vẫn phải đóng thuế lợi tức. Còn cháu thì có được lưu lượng tiền
mặt và lại có thêm khoản đền bù cho những thất thoát và chi phí ảo, cháu lại còn chịu
thuế ít hơn vì đó là thu nhập thụ động chứ không phải thu nhập tiền lương".
Tôi nói thêm: "Và bác đừng quên khoản tín dụng thuế cho việc cải thiện ADA
cho những bất động sản thương mại hoặc nếu bất động sản đó mang tính lịch sử".
Viên phi công thốt lên: "Ồ không, làm sao bác có thể quên được vụ tín dụng
thuế này chứ? Mọi người đều biết về nó mà. Còn điểm thứ ba là gì?"
"Điểm thứ ba là bác càng đầu tư nhiều vào bất động sản thì ngân hàng và chính
phủ sẽ càng cho ta vay nhiều tiền".
"Tại sao vậy?"
"Giả sử chúng ta đi vay một triệu đôla để đầu tư bất động sản, giám đốc ngân
hàng sẽ không cho ta vay tiền. Ông ta chỉ cho vay tiền trên bất động sản đó mà thôi".
Viên phi công thắc mắc: "Có gì khác nhau đâu?"
"Khi một người bình thường đến ngân hàng vay tiền, giám đốc ngân hàng sẽ
ước lượng khả năng trả nợ của người đó. Giả sử cũng người này muốn vay tiền để
mua một tài sản nhỏ cho thuê, chẳng hạn như một ngôi nhà đơn, hay một căn hộ đôi,
thì giám đốc ngân hàng vẫn sẽ ước lượng khả năng của người này trước tiên. Chỉ cần
bác có một công việc ổn định, và nguồn thu nhập đủ để chi trả".
"Nhưng đối với những tài sản có giá trị lớn hơn, trị giá của nó ngoài tầm thu
nhập của cá nhân đó, thì ngân hàng sẽ cân nhắc nguồn lợi và phí tổn của chính tài sản
đó"
, viên phi công vội hỏi,
"Đó là điểm khác nhau ư?"
"Gần đúng như thế"
, tôi trả lời. "Đối với những tài sản lớn thì giá trị tài sản thực
sự chính là bản thân chúng và nguồn thu nhập mà chúng mang lại chứ không chỉ
nguồn thu nhập của cá nhân người đi vay".
Viên phi công tiếp lời: "Vì thế nêu ta mua một tài sản có giá trị lớn thì sẽ dễ
dàng hơn mua một tài sản có giá trị nhỏ".
"Nếu chúng ta biết mình đang làm gì thì điểm giống nhau chính là sự vay mượn
từ nhà nước. Nếu chúng ta đến gặp nhà nước với một tài sản trị giá 150.000$, có thể
họ sẽ không quan tâm. Nhứng nếu ta muốn mua một khu nhà ổ chuột và có ý định
xây dựng thành khu chung cư cho những người có thu nhập thấp thì nhà nước sẵn
sàng bỏ ra hàng triệu đôla cho mượn. Trên thực tế, nếu món đầu tư của bác không quá
5 triệu đôla thì rất khó thuyết phục những người trong chính phủ quan tâm đến tài sản
của bác".
"Còn điểm nào nữa không?"
"Còn nhiều lắm! Nhưng bất động sản cũng có một số điểm yếu. Trong hầu hết
các trường hợp, bất động sản không thường thay đổi như những tài sản trên giấy tờ.
Điều đó có nghĩa là việc mua bán bất động sản sẽ mất nhiều thời gian hơn. Thị trường
bất động sản cũng không đạt năng suất cao như thị trường hối phiếu. Và bất động sản
cũng đòi hỏi một sự quản lý chặt chẽ hơn... " Tôi mỉm cười.
Viên phi công hỏi: "Tại sao cháu lại cười?"
"Vì những bất lợi này thường là những thuận lợi lớn nhất đối với các nhà đầu tư
bất động sản chuyên nghiệp. Thiệt hại thường chỉ dành cho những tay mới vào nghề
hay quá thật thà chất phác mà thôi". Tôi đáp.
"Ví dụ?"
"Rất đơn giản. Vì bất động sản không linh động nên có thể rất khó tìm được
người mua hay người bán, thường chỉ có những nhà đầu tư lão luyện mới có thể chộp
đúng thời cơ mà thôi".
"Cháu muốn nói là cháu có thể thương lượng tay đôi với người bán à?"
"Hoặc người mua cũng vậy"
, tôi tiếp lời. "Trong thị trường chứng khoán thường
chỉ có bán hoặc mua, rất hiếm khi có những vụ thương lượng tay đôi giữa người mua
và người bán, ít ra thì cũng không có với hầu hết các nhà đầu tư".
Viên phi công thắc mắc: "Cháu muốn nói là có thể có những cuộc thương lượng
tay đôi giữa người bán và người mua trong thị trường chứng khoán à?"
"Vâng, nhưng chuyện đó chỉ diễn ra trong những môi trường mang tính chuyên
nghiệp mà thôi, về mặt pháp lý điều đó là hợp lệ, nhưng nó không thường được sử
dụng đối với các nhà đầu tư trung bình".
"Ồ, nhưng việc này luôn diễn ra đối với bất động sản mà... "
"Đó là một điểm thú vị của bất động sản. Khi đó bác có thể trở nên sáng tạo
hơn, thỏa thuận các điều khoản, hạ giá hay nâng giá. Việc đó sẽ rất thú vị một khi bác
đã nắm vững luật chơi".
"Rồi sao nữa?"
"Chúng ta có thể cắt giảm chi phí, gia tăng giá trị tài sản, thêm phòng ngủ, sơn
lại nhà, bán đi vài mảnh đất thừa, v.v... Bất động sản vốn rất thú vị đối với những nhà
đầu tư mang nhiều ý tưởng, những nhà giao dịch tuyệt vời. Nếu được như thế, chúng
ta có thể làm giàu nhờ bất động sản cũng như sẽ có được những giây phút tuyệt vời".
"Bác chưa bao giờ nghĩ đến điều đó, bác chỉ mua và bán những ngôi nhà bác đã
sống mà thôi. Tuy nhiên, nghĩ về điều đó cũng khá thú vị. Bác sẽ quay sang lĩnh vực
địa ốc chứ không tập trung nhiều vào quỹ hỗ tương nữa... "
Tôi thấy viên phi công đã hiểu ra mọi chuyện. Có lẽ giờ đây ông đã hiểu mình
có thể đầu tư vào nhiều thứ khác mà không làm giảm giá trị danh mục đầu tư của
mình bằng quỹ hỗ tương. Vài tuần sau, ông gọi điện cho tôi và nói mình đang tìm
kiếm món tài sản cho thuê đầu tiên và ông cảm thấy rất hứng thú chứ không lo lắng
như trước đây nữa. Ông nói: "Dù khoản thu nhập nhờ cho thuê chưa đủ trang trải các
chi phí nhưng bác đã có thể kiếm tiền bằng cách này. Nắm được lưu lượng tiền mặt ảo
và luật thuế vụ cũng giống như chiến thắng về mặt tài chính mà không cần làm ra
tiền".
"Bác đã bắt đầu hiểu ra rồi đấy". Đó là tất cả những gì tôi muốn nói.
LỜI KHUYÊN TỆ HẠI CỦA CÁC NHÀ TƯ VẤN
Các nhà tư vấn tài chính đóng một vai trò rất quan trọng. Vấn đề là nhiều nhà
tư vấn tài chính không giàu có và cũng chẳng mấy người đầu tư thành công. Trên một
tờ báo có tiếng tại Mỹ, một nhà hoạch định tài chính có bằng cấp hẳn hoi đã lên tiếng
khi nghe một lời khuyên của tôi trong lĩnh vực bất động sản: "Rất nhiều người kiếm
được nhiều tiền nhờ bất động sản, nhưng chủ yếu ở những nơi như California hay
Connecticut mà thôi. Những khách hàng ở Midwest của chúng tôi thì chẳng bao giờ
làm được như vậy".
Nhà tư vấn đó hẳn sẽ bị khách hàng sa thải. Những khách hàng của bà ta ở
Midwest chưa thể làm ra tiền trong lĩnh vực bất động sản vì họ đã nhờ bà làm tư vấn.
Nếu bạn hiểu rõ về bất động sản, luật thuế vụ, luật cộng tác, và có trong tay một nhà
môi giới và một kế toán giỏi, bạn vẫn có thể kiếm được nhiều tiền trong lĩnh vực bất
động sản dù khối tài sản của bạn không hề lên giá hay đem lại lợi nhuận cho thuê. Bài
báo của bà ta về những tài sản tăng giá ở California và Connecticut hoàn toàn sai lầm.
Nếu hiểu biết thị trường bất động sản, hẳn bà ta sẽ biết thị trường bất động sản chỉ
tăng giá ở Las Vegas và Nevada đối với các thành phố nhỏ, còn các thành phố lớn thì
ở những nơi như Phoenix, Arizona. Bà chỉ nghe nói đến California và Connecticut vì
bà chỉ biết những tin tức trên báo mà thôi, và hầu hết những tin tức đầu tư trên báo chỉ
đề cập đến những tài sản giấy tờ. Bà không biết gì về những hiểu biết của các nhà đầu
tư bất động sản chuyên nghiệp, dù bà ta tư vấn cứ như là mình biết nhiều lắm vậy.
Người bố giàu từng nói: "Đừng bao giờ hỏi một người bán bảo hiểm là có nên
mua bảo hiểm hay không". Hầu hết các nhà hoạch định tài chính ban đầu đều là
những người bán bảo hiểm chứ không phải các nhà đầu tư. Bảo hiểm là một sản phẩm
đầu tư rất quan trọng nhưng không phải là sản phẩm duy nhất.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ TÌM MỘT MÓN ĐẦU TƯ BÉO BỞ
Người ta thường hỏi tôi: "Làm thế nào để tìm được một món đầu tư béo bở". Và
tôi trả lời: "Hãy tập cho trí não của bạn nhìn thấy những điều mà người khác không
thấy".
Câu hỏi tiếp theo là: "Làm thế nào làm được điều đó?"
Câu trả lời: "Hãy làm như một người mua hàng muốn mua được những món
hời". Ở đầu cuốn sách này, tôi đã viết về những người tiết kiệm bằng cách la cà từ cửa
hàng này sang cửa hàng kia để tìm những món thực phẩm hạ giá. Với thị trường bất
động sản hay bất kỳ một nguồn đầu tư nào cũng vậy, bạn cũng phải trở thành người
mua hàng chuyên nghiệp.
100:10:3:1
Tiến sĩ Dolf DeRoos, một người bạn chí cốt của tôi, đã viết một quyển sách
mang tên: "Các đại gia bất động sản: Làm thế nào để trở nên giàu có bằng tiền vay
ngân hàng". Rõ ràng tựa sách đã nói lên tất cả. Trong quyển sách này, ông phân tích
chi tiết về cách tìm một món bất động sản giá hời mà hầu hết mọi người đều bỏ lỡ.
Ông còn thảo luận về việc làm thế nào để gia tăng tài sản và giá trị tài sản của bạn.
Điểm cơ bản ông nói đến là cách đi mua sắm tài sản. Ông gọi đó là phương pháp
100:10:3:1, nghĩa là ông phân tích 100 tài sản, trả giá 10 tài sản, được 3 người đồng ý,
và sau đó chỉ mua một món mà thôi. Nói cách khác, nếu muốn mua một món tài sản,
bạn sẽ cần phải xem xét đến 100 món.
HÃY HÔN NHIỀU CON ẾCH
Như bạn đã biết, người bố giàu rất thích dùng các câu chuyện cổ tích làm công
cụ giáo dục. Ông rất thích câu chuyện về nàng công chúa phải hôn một con ếch để
tìm chàng hoàng tử đẹp trai. Người bố giàu thường nói: "Con sẽ phải hôn rất nhiều
con ếch thì mới biết được đâu là chàng hoàng tử đội lốt". Trong lĩnh vực đầu tư và
trong nhiều khía cạnh khác của cuộc sống, câu nói này rất đúng. Ngày nay, tôi sẽ rất
ngạc nhiên khi nghe nói có người tìm một công việc ở tuổi 25 và làm hoài công việc
này cho đến cuối đời. Tôi tự hỏi làm cách nào họ biết được sự khác biệt giữa một
công việc tốt và một công việc tồi. Khi gặp một người quyết định trở thành bác sĩ vào
năm 15 tuổi, tôi tự hỏi liệu họ có dùng đến nhận thức của mình khi quyết định như
vậy hay không. Mọi chuyện cũng tương tự như vậy trong các mối quan hệ và trong
lĩnh vực đầu tư.
Người bố giàu nói: "Hầu hết mọi người đều tránh không hôn con ếch, để rồi
thay vì vậy họ lại kết hôn với chúng". Ông muốn nói rằng khi đề cập đến việc đầu tư
và tương lai của mình, hầu hết mọi người đều không dành nhiều thời gian để "hôn".
Thay vì dành thời gian tìm những món đầu tư tốt, họ lại hành động do bốc đồng, do
tham hoa hồng và có khi còn giao cho bạn bè hay họ hàng quản lý những món đầu tư
tài chính của mình.
CƯỚI NHẦM MỘT CON CÓC
Gần đây, một người bạn đến bảo tôi: "Tôi đã nghe lời anh đầu tư vào một bất
động sản cho thuê".
Tôi tò mò hỏi: "Chị mua gì thế?"
"Tôi mua 1 căn hộ đẹp ở gần bờ biển San Diego".
"Trước khi mua chị đã xem qua bao nhiêu căn hộ rồi?"
"Hai. Người môi giới cho tôi xem hai căn hộ và tôi đã mua một".
Khoảng một năm sau, khi tôi hỏi cô về món đầu tư bất động sản này, cô đáp:
"Mỗi tháng tôi mất khoảng 460$ cho nó".
"Sao nhiều thế?"
"Một phần vì ban quản lý nhà tăng phí bảo quản hàng tháng. Một lý do nữa là
lúc trước tôi không biết mỗi tháng mình có thể thu được bao nhiêu tiền thuê, số tiền
này thấp hơn nhiều so với những gì tôi tưởng... " Cô bạn tôi ngây thơ nói. "Tôi đã
định bán đi nhưng tôi thấy mình đã phải trả nhiều hơn 25.000$ so với giá thị trường.
Vì thế tôi không muốn mất tiền mỗi tháng lại không muốn thua lỗ 25.000$ do bán sụt
giá".
Người bố giàu sẽ nói: "Đó là cái giá phải trả khi không chịu hôn đủ số ếch. Nếu
không bạn đã không phải cưới nhầm một con cóc". Vì bạn tôi không làm đúng như
vậy nên đã cưới nhầm một con cóc, một con cóc khá đắt giá.
Làm thế nào bạn có thể đánh giá một bất động sản tốt?
Kinh nghiệm là người thầy giỏi nhất. Sau đây tôi sẽ liệt kê 10 bài học quan
trọng mà tôi và bạn bè đã trải qua. Ngoài ra, tôi cũng sẽ liệt kê vài nguồn tư liệu kinh
nghiệm khác có thể sẽ bổ ích cho bạn.
CÁI GIÁ PHẢI TRẢ CỦA VIỆC KHÔNG ĐI MUA SẮM
Khi có người hỏi tôi làm thế nào để tìm một món đầu tư tốt, tôi chỉ nói đơn
giản: "Bạn nên đi mua sắm".
Tôi hoàn toàn đồng ý với tiến sĩ Dolf DeRoos về phương pháp 100:10:3:1 nhằm
giúp tìm ra một nguồn đầu tư béo bở. Qua nhiều năm, tôi và Kim đã xem xét và phân
tích hàng ngàn tài sản. Khi được hỏi "Làm thế nào anh chị có được nhiều hiểu biết về
bất động sản đến thế?" Chúng tôi chỉ nói: "Chúng tôi đã xem xét hàng ngàn cơ hội
đầu tư. Chúng tôi cũng đã trả giá hàng trăm nơi và bị nhiều người cười vào mũi.
Nhưng điều quan trọng là với mỗi tài sản xem xét và trả giá, chúng tôi có thể gia tăng
kiến thức và kinh nghiệm của mình rất nhiều".
Khi người khác hỏi: "Anh sẽ làm gì khi không có tiền?" Câu trả lời của tôi vẫn
là: "Đi mua sắm". Trong những buổi hội thảo về đầu tư, tôi thường nói: "Khi các anh
chị đến trung tâm mua sắm, không ai hỏi các anh chị có tiền hay không cả. Những
người bán lẻ muốn các anh chị tham quan và xem hàng. Đối với đầu tư cũng vậy. Đi
mua sắm, đặt câu hỏi, phân tích các vụ giao dịch là cách học của tôi. Những điều đó
không thể tìm thấy trong một cuốn sách nào cả. Cũng như các anh chị không thể học
chơi golf qua sách, các anh chị sẽ không thể tập cho trí não của mình thấy được
những món đầu tư mà người khác không thấy qua sách vở được. Các anh chị phải ra
ngoài thực tế và đến cửa hàng tìm hiểu".
BÀI HỌC TỪ NHỮNG SAI LẦM
Cô bạn đã cưới nhầm con cóc của tôi hẳn sẽ học được những bài học giá trị nếu
cô ấy không giận dữ bảo: "Đầu tư vào bất động sản là rất tệ hại. Anh không thể nặn ra
tiền từ bất động sản được". Khi tôi hỏi cô đã biết được gì thì cô cáu kỉnh đáp: "Đáng
lý ra tôi không nên nghe lời anh. Thị trường đã thay đổi và anh không thể kiếm tiền từ
bất động sản trong thời buổi này đâu".
Người ta nói rằng bạn phải biết rút ra được bài học từ những sai lầm. Bạn
tôi không chịu rút kinh nghiệm nên không học hỏi được gì cả. Ngay cả khi tôi ca ngợi
cô vì đã dám hành động, cô vẫn tin chắc rằng đầu tư bất động sản là một việc tệ hại,
như thế có nghĩa là những bước đầu của cô vào lĩnh vực bất động sản đã phải trả giá
quá đắt vì cơ bản là cô không học được những bài học vô giá từ sai lầm của mình,
những sai lầm và bài học có thể giúp cô trở nên sắc sảo và giàu có hơn trong tương
lai. Đó là cái giá phải trả khi mang một bối cảnh cho rằng "Mọi sai lầm đều tệ hại".
Nếu bối cảnh của cô lên tiếng: "Tôi đã làm, đã sai lầm và bây giờ tôi cần phải rút kinh
nghiệm"
, thì có lẽ cô sẽ giàu có hơn nhiều. Những người tự buộc mình phải hoàn hảo
và không được mắc sai lầm là những người không có được những nhận thức dù đã
muộn màng, và thường là những người vướng phải những sai lầm lặp đi lặp lại mà
không rút ra được bài học gì cả.
Những bài học mà bạn tôi đã không học được qua vụ đầu tư đơn giản này là:
1. Phải khảo sát nhiều tài sản hơn.
2. Phải kiên nhẫn chờ thời. Không phải chỉ có một thương vụ béo bở. Rất nhiều
người vội vàng mua bán vì họ cho rằng cuộc mua bán mà họ tìm thấy là thương vụ
duy nhất trên thế giới.
3. Phải phân tích thị trường cho thuê cũng như thị trường mua bán.
4. Phải tìm gặp nhiều người bán bất động sản.
5. Phải cẩn thận khi đầu tư vào những căn hộ chung cư. Hầu hết những căn hộ chung
cư đều thường có ban quản trị, đóng vai trò chủ sở hữu. Các chủ sở hữu và các nhà
đầu tư không phải lúc nào cũng thẳng thắn với nhau. Chủ sở hữu thì muốn giữ cho
tài sản của mình trông sạch sẽ đẹp đẽ, vì vậy nên họ chi tiêu rất nhiều vào việc bảo
quản. Điều đó rất tốt nhưng lại khiến nhà đầu tư không kiểm soát được một khía
cạnh quan trọng trong việc đầu tư, khía cạnh kiểm soát chi phí.
6. Nếu những phí tổn vượt khỏi tầm kiểm soát thì nó cũng ảnh hưởng đến giá bán tài
sản sau này.
7. Đừng bao giờ mua với hy vọng trị giá tài sản sẽ tăng lên. Món tài sản của bạn cần
phải là một món đầu tư tốt cả khi kinh tế thị trường thuận lợi lẫn khi suy sụp. Như
người bố giàu luôn nói: "Con thu được lợi nhuận khi mua chứ không phải khi bán".
8. Đừng đầu tư theo cảm tính. Nếu bạn mua tài sản để sử dụng thì có thể mua theo
cảm tính. Nhưng nếu mua với mục đích đầu tư thì cảm tính có thể che mờ mắt bạn
đấy.
9. Bạn tôi không làm được gì để cải thiện khối tài sản này. Một trong những cách bạn
có thể kiếm được nhiều tiền hơn là thay đổi, sửa chữa hoặc tu bổ tài sản, những
điều bạn không làm được với cổ phiếu hay quỹ hỗ tương. Đôi khi chỉ cần xây thêm
một gara hay một phòng nữa là bạn có thể gia tăng lợi nhuận lên rất nhiều.
10. Bạn tôi không chịu rút kinh nghiệm từ thực tế. Dù đây là một bài học khá đắt
nhưng vẫn có thể biến thành hàng triệu đôla nếu cô chịu khó nhún nhường, học
hỏi, và thử lại lần nữa. Thay vì thế, cô chỉ luôn miệng cáu kỉnh: "Anh không thể
kiếm ra tiền từ bất động sản được".
SAI LẦM GIÚP BẠN MỞ RỘNG TẦM NHÌN
Khi dành thời gian phân tích hàng ngàn vụ đầu tư, tầm nhìn của tôi bắt
đầu từ từ được mở rộng. Mỗi lần trả giá mua một tài sản, tôi lại học được một điều
gì đó, ngay cả khi cái giá tôi đưa ra bị mọi người cười mỉa hoặc từ chối thẳng thừng.
Mỗi khi giải quyết các vấn đề tài chính với ngân hàng, tôi cũng học được nhiều điều.
Mỗi khi mua được một tài sản, tôi cũng biết được nhiều điều mới bổ ích hơn, ngay cả
khi thua lỗ. Cho đến ngày hôm nay, sự tích lũy những bài học, cả tốt lẫn xấu, đã trở
thành những kỹ năng và kinh nghiệm giúp tôi trở nên giàu có, cho phép vợ chồng tôi
có thể làm ra ngày càng nhiều tiền hơn từ bất động sản.
Những món đầu tư lớn nằm ngay trước mắt bạn chứ không ở đâu khác. Trên
thực tế, chẳng có cửa hàng nào để bảng "Một món hời đang chờ bạn" cả. Tất cả những
bảng hiệu đều là "Hàng bán" nếu có. Việc của bạn là tập cho trí não của mình thấy
được và giành được những cuộc giao dịch béo bở. Điều đó đòi hỏi một sự chú tâm rèn
luyện.
NHỮNG VIỆC MỌI NGƯỜI ĐỀU CÓ THỂ LÀM
Tôi đã nói là mọi người đều có thể làm giàu. Đối với bất động sản, việc mà ai
cũng làm được là đi mua sắm bất động sản. Nếu bạn và một người thân đồng ý xem
xét 5, 10, 20 hay 25 tài sản mỗi tuần, ngay cả khi không có đồng xu dính túi, tôi cam
đoan rằng tầm nhìn của bạn sẽ được mở rộng. Sau khi phân tích khoảng 100 vụ giao
dịch tôi tin chắc bạn sẽ quan tâm đến một hoặc hai vụ đầu tư. Và một khi đã hứng thú
với việc làm giàu, trí não bạn sẽ tự chuyển sang một bối cảnh khác, và bạn sẽ bắt đầu
tìm kiếm một nội dung mới, một nội dung có thể giải đáp cho câu hỏi "Làm thế nào
có được nhiều tiền hơn để làm giàu?"
Mọi người đều có thể làm được điều này dù không có tiền. Đó là những việc tôi
và Kim thường làm. Giờ đây, khi đã có đôi chút kinh nghiệm, quá trình phân tích tài
sản sẽ tiến triển nhanh hơn. Dù trong một nền kinh tế phát triển nhất hay trì trệ nhất
chúng tôi vẫn luôn tìm được những vụ giao dịch tốt. Không phải lúc nào chúng tôi
cũng trả giá hay mua chúng, nhưng quá trình tìm kiếm và phân tích sẽ giúp trí não bạn
trở nên nhạy bén, nó giúp chúng ta dễ dàng tìm được những cơ hội tốt đầy rẫy xung
quanh ta, nhưng chỉ khi ta tìm kiếm chúng mà thôi.
Nhằm hỗ trợ bạn trong công việc, một cuốn băng tên gọi "Kiến thức tài chính"
sẽ giúp bạn trong việc kinh doanh bất động sản. Cuốn băng này nói về những mẫu
đơn từ tài chính khác nhau mà bạn cần biết. Một trong số đó là danh mục kiểm tra tài
sản đến hạn. Danh mục kiểm tra tài sản đến hạn là yếu tố sống còn trong việc kiểm tra
tình trạng vật chất của một tòa nhà. Nếu các bản báo cáo tài chính giúp bạn phân tích
những khía cạnh liên quan đến tài chính thì danh mục, kiểm tra tài sản đến hạn sẽ
hướng dẫn bạn cách kiểm tra những tài sản thực tế. Danh mục này có thể giúp bạn tiết
kiệm cũng như có thể làm ra rất nhiều tiền. Nó còn có thể là một công cụ phân tích
hay một vũ khí đàm phán. Như người bố giàu nói: "Kiến thức tài chính không chỉ là
những con số. Nó có thể chỉ ra cho chúng ta những điểm mạnh cũng như điểm yếu
của cuộc đầu tư. Nó còn cho thấy một số điều cần phải quan sát, những điều mà các
nhà đầu tư trung bình thường bỏ qua". Bạn có thể đặt mua sản phẩm này trên trang
Web richdad.com.
Cuối cùng, đầu tư vào bất động sản hay đầu tư vào bất kỳ một thứ gì đều đòi
hỏi trải qua nhiều giai đoạn chứ không chỉ là mua một món đồ và ngồi đợi nó giúp
bạn trở nên giàu có. Với bất động sản, tôi và Kim đã vạch ra một kế hoạch mua 10 tài
sản, điều đó có nghĩa là chúng tôi cần khảo sát 1000 tài sản. Và trong số 10 tài sản
này, chúng tôi hy vọng sẽ mua được 2 món hời và dự kiến sẽ có 2 tài sản bị thua lỗ.
Những món đầu tư này thường được bán đi ngay lập tức. Với 6 tài sản còn lại, chúng
tôi sẽ cho sửa chữa hoặc bán chúng đi. Dù là bất động sản, cổ phiếu, quỹ hỗ tương
hay kinh doanh địa ốc thì các tỉ số vẫn như nhau. Một nhà đầu tư lão luyện biết rất rõ
điều này.
NHỮNG LỢI NHUẬN MÀ NGƯỜI KHÁC BỎ LỠ
Mỗi người câu cá đều có một câu chuyện về "còn cá bị vuột mất". Mỗi nhà đầu
tư cũng có một cầu chuyện về món đầu tư họ đã tìm ra trong khi những người khác bỏ
lỡ.
Hai câu chuyện được viết ra dưới đây với mục đích khuyên khích bạn bắt đầu
xem xét 100 vụ đầu tư đầu tiên của mình.
BIẾN KHÓ KHĂN THÀNH CƠ HỘI
Câu chuyện thứ nhất: Cách đây vài năm, tôi và Kim đã làm một chuyến du
ngoạn ngắn đến những ngọn núi. Chúng tôi quyết định nghỉ việc vài ngày để tận
hưởng sự tĩnh lặng và yên ả của núi rừng. Chúng tôi dừng lại ngay một văn phòng bất
động sản và ngắm nhìn những thứ họ bán, điều mà trước nay chúng tôi vẫn luôn làm.
Một nhân viên chỉ cho chúng tôi những tài sản cao giá mà chúng tôi vừa mới lướt qua.
Sau đó, khi thấy trong danh mục hàng của cô có một căn nhà gỗ ọp ẹp trong một khu
rộng 15 mẫu đất mà chỉ có giá 43.000 đô. Tôi liền hỏi cô gái vì sao giá ngôi nhà lại
quá thấp như vậy.
Cô trả lời: "Nó có chút vấn đề với nguồn nước. Giếng không cung cấp đủ nước
dùng. Lúc có lúc không. Đó là lý do vì sao ngôi nhà được rao bán hạ giá nhiều năm
nay.
Mọi người đều thích nó, nhưng nó chỉ không có đủ nước mà thôi".
Tôi vội bảo: "Đưa tôi đến xem được không?"
"Ồ, ông sẽ không thích nó đâu, nhưng tôi sẽ đưa ông di".
Khoảng nửa giờ sau, chúng tôi thả bộ trên một khu đất tốt có rất nhiều cây và
một căn nhà gỗ cũ kỹ xinh xắn.
"Vấn đề đây này"
, cô gái nói khi đưa chúng tôi đến bên giếng,
"cái giếng này và
đất ở đây không có đủ nước".
Gật gù, tôi tiếp lời: "Vâng, đây quả là một vấn đề nan giải".
Ngày hôm sau, tôi quay trở lại khu đất đó với một chuyên gia về giếng nước
trong vùng. Anh ta nhìn cái giếng rồi nói: "Vấn đề này dễ giải quyết thôi. Giếng có đủ
nước nhưng vào những khoảng thời gian khác nhau, chỉ cần đặt thêm một bể chứa
nước là xong".
"Một bể nước bao nhiêu tiền?" Tôi hỏi.
"Bể nước chứa 3.000 galông nước trị giá khoảng 2.300 đô bao gồm cả phí lắp
đặt". Anh ta trả lời.
Tôi gật đầu rồi quay lại văn phòng bất động sản và trả giá: "Tôi sẽ mua mảnh
đất ấy với giá 24.000$".
"Dù nó có vấn đề gì thì cái giá đó vẫn thấp quá"
, cô nhân viên cau mày.
"Tôi chỉ đề nghị thế thôi. Nhân đây cô có thể cho tôi biết người trả giá cuối
cùng là khi nào không?"
"Lâu lắm rồi, chắc khoảng hơn một năm... "
Tối hôm đó, cô nhân viên gọi điện cho tôi và nói: "Thật không thể tin được, giá
cả và những điều kiện ông đưa ra được chấp nhận".
Tôi cảm ơn cô ta và muốn nhảy cẫng lên vì vui mừng. Người bán không được
ai trả giá đã hơn một năm nay, họ phát ngán vì chờ đợi và mệt mỏi vì phải chi tiền để
tu sửa căn nhà. Họ chấp nhận cái giá tôi đưa ra, chấp nhận cho tôi trả trước 2.000 đôla
và trả phần còn lại sau một năm. Nói cách khác, tôi chỉ trả trước một món tiền nhỏ và
không phải trả đồng nào trong một năm tới.
Sáng hôm sau, tôi đến gặp chuyên gia về hệ thống giếng nước, yêu cầu anh lắp
đặt hai bể nước 3.000 galông. Vấn đề nguồn nước được giải quyết với chưa đến 5.000
đôla. Một tháng sau, tôi và Kim chuyển đến ngôi nhà mới. Khi rời thị trấn, chúng tôi
treo bảng bán căn nhà. Chúng tôi ra giá 66.000 đôla và hai tuần sau đã có người mua
nó. Vấn đề đã được giải quyết, và giờ thì ngôi nhà này thuộc về một đôi vợ chồng trẻ,
những người hiện nay lại đang muốn dời nhà lên núi.
THAY ĐỔI BỐI CẢNH
Câu chuyện thứ hai: Tôi có một người bạn, Jeff, một kỹ sư phong cảnh. Anh đã
kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện đầu tư bất động sản tuyệt vời sau đây.
Jeff kể: "Cách đây khoảng một năm, một người phụ nữ gọi điện cho tôi và bảo:
'Tôi muốn anh đến xem 40 mẫu đất của tôi'. Bà ấy đã mua mảnh đất này với giá
275.000$. Mà trong thị trấn nhỏ bé này, mảnh đất không thích hợp cho một loại hình
phát triển nào cả".
"Tại sao bà ấy gọi anh?" Tôi hỏi.
"Bà ấy muốn tôi thiết kế một viễn cảnh gì đó cho thị trấn và cho mảnh đất này.
Bà cũng đã thuê một nhà quy hoạch thành phố tham gia vào chuyện này"'.
"Rồi sao nữa?"
"À, chúng tôi bắt đầu với những bản vẽ, đề ra những dự án tương lai và đưa ra
trước hội đồng. Chúng tôi đảo đi đảo lại vấn đề này đến ba lần... "
"Tại sao vậy?"
"Hội đồng thành phố bắt đầu quan tâm, họ yêu cầu chúng tôi cho họ xem lại
các bản vẽ và bản quy hoạch".
"Họ yêu cầu anh làm lại à?"
"Thực tế thì chúng tôi vẫn luôn muốn có sự quan tâm của họ và chúng tôi đã
quay đi quay lại với các bản vẽ và bản quy hoạch nhắm vào đó. Cuối cùng thì hội
đồng cũng chấp thuận kế hoạch của chúng tôi và quy hoạch lại mảnh đất này từ phát
triển nông nghiệp sang phát triển thương mại".
Tôi thắc mắc: "Họ quy hoạch lại mảnh đất từ đất nông nghiệp sang đất thương
mại à? Sự thay đổi này sẽ gia tăng trị giá mảnh đất nhiều lắm đấy!"
"Sau khi bản quy hoạch của bà ấy được chấp thuận, bà đã bán khu đất đó cho
một công ty bảo hiểm quốc gia với giá 6 triệu đôla. Họ dự định xây một khách sạn lớn
trên đó".
"Cả quá trình này mất khoảng bao lâu?"
"Tổng cộng khoảng 9 tháng"
, Jeff nói,
"bà ấy trả cho tôi và nhà quy hoạch
thành phố 25 ngàn đôla mỗi người như đã thỏa thuận".
Tội há hốc miệng kinh ngạc: "Vậy là bà ấy chỉ mất 50 ngàn đôla và kiếm được
gần 6 triệu".
Jeff gật đầu mỉm cười: "Khu đất đó đã bỏ không nhiều năm. Mọi người đều cho
rằng nó quá đắt. Nhưng bà ấy có thể thấy được những điều mà chúng ta không thấy
được".
"Thế anh có buồn khi chỉ nhận được 25 ngàn đôla không?" tôi hỏi.
"Không. Số tiền đó rất công bằng so với công sức tôi đã bỏ ra. Ngoài ra, tôi vẫn
có thể có được khoản tiền này ngay cả khi bà ấy gặp rủi ro. Nếu chúng tôi không cố
gắng làm cho khu đất đó được quy hoạch thì bà ấy sẽ mất hết tiền. Tuy nhiên, tôi đã
có thể mở rộng tầm nhìn của mình. Bà ấy đã dạy tôi thấy những gì không thấy được,
thấy được sự giàu có ở trước mắt mỗi người nếu ta chịu khó đầu tư thời gian để
rèn luyện trí não và đôi mắt".
"Anh đã thu được một thứ giá trị hơn cả 25 ngàn đôla, đúng không?"
Jeff gật đầu: "Một thứ đáng giá hơn. Nhà quy hoạch thành phố cảm thấy không
hài lòng nhưng tôi thì không. Tôi đã từng nghe anh kể về người bố giàu của anh và
thật sự thì những chuyện đó đối với tôi hầu như vô nghĩa. Nhưng bây giờ thì khác rồi.
Tôi đã nghiệm ra rằng từ bối cảnh của mình, tôi chỉ nghĩ đến hàng ngàn đôla mà thôi.
Tôi nghiệm ra bà ấy giàu hơn tôi vì phạm vi bối cảnh của bà ấy lớn hơn và bà ấy nghĩ,
đến hàng triệu đôla. Tôi cũng nhận thấy suy nghĩ của mình là suy nghĩ của những
người thuộc kim tứ đồ nhóm T, còn bà ấy suy nghĩ theo kiểu các chủ doanh nghiệp và
những nhà đầu tư. Dù bà ấy không trả thêm cho tôi đồng nào, nhưng những gì tôi đã
học được là vô giá, vì nó đã làm thay đổi cuộc đời tôi mãi mãi. Bà ấy đã dạy tôi cách
trở thành một người giàu có".
Việc quy hoạch một bất động sản chỉ đơn giản là một sự thay đổi bối cảnh. Và
bước chuyển tiếp từ nghèo sang giàu cũng chỉ đơn giản là sự thay đổi bối cảnh mà
thôi. Ai cũng có thể làm điều đó nếu muốn.
CẤT TIỀN Ở ĐÂU
Khi còn là một thiếu niên, Dolf DeRoos đã tiến hành một cuộc nghiên cứu toàn
diện về những người giàu. Ở tuổi 17, nghiên cứu của ông cho thấy rằng sau khi tích
lũy được nhiều tiền bạc hoặc của cải, hầu hết những người giàu đều đầu tư tiền hoặc
của cải của mình vào bất động sản. Người bố giàu cũng vậy. Dù ông kiếm được nhiều
tiền từ việc kinh doanh và từ thị trường chứng khoán, nhưng rồi ông cũng đổ tất cả
của cải của mình vào bất động sản.
Có rất nhiều lý do khiến cho người giàu làm như thế:
1. Luật thuế khuyến khích người giàu đầu tư bất động sản.
2. Có một sức bật rất lớn từ bất động sản. Người giàu có thể giàu có hơn nếu đầu tư
bằng tiền của ngân hàng.
3. Nguồn thu nhập từ bất động sản là thu nhập bị động, được đánh thuế thấp nhất
trong tất cả các nguồn thu nhập. Nếu có sự thu hồi vốn từ việc bán tài sản thì số
vốn này cũng được hoãn thuế trong vài năm, cho phép nhà đầu tư có thể tái đầu tư
với số tiền lẽ ra đã được dùng để đóng thuế cho chính phủ.
4. Bất động sản cho phép nhà đầu tư có thể kiểm soát chặt chẽ những tài sản của
mình.
5. Nếu nhà đầu tư biết cách quản lý tiền bạc và tài sản thì đây chính là nơi cất tiền an
toàn hơn hết.
Những nhà đầu tư trung bình sẽ dễ gặp rủi ro khi giữ nhiều tài sản trên giấy.
Như đã nói suốt cuốn sách này, chuyện gì sẽ xảy ra nếu toàn bộ danh mục đầu tư trên
giấy của một người đã về hưu đều bị thua lỗ cùng với sự suy sụp của thị trường? Tất
cả sẽ mất hết ư? Câu trả lời là không, nếu chúng ta biết cách bảo vệ những tài sản trên
giấy của mình tránh khỏi những thua lỗ trong một thị trường suy sụp. Tuy nhiên, nếu
bạn chỉ muốn giữ những tài sản trên giấy của mình, xin hãy xem tiếp chương sau.
CHƯƠNG 17
Sức bật của chứng khoán
LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐẦU TƯ VỚI ÍT RỦI RO HƠN VÀ NHIỀU LỢI NHUẬN
HƠN?
Vài tháng trước đây, một người bạn bảo tôi rằng anh ta vừa mất hàng triệu đôla
trong thị trường. Giờ thì anh ta phải đi làm lại. Khi tôi hỏi tại sao lại mất nhiều tiền
đến thế, anh ta trả lời: "Tôi có thể làm gì nữa bây giờ? Tôi đã làm theo lời khuyên của
các nhà tư vấn, mua những món hạ giá, thế là tôi mua những món hạ giá và liên tục
thua lỗ. Giờ thì tôi đã mất hơn một triệu đôla, các nhà tư vấn lại khuyên tôi hãy tiếp
tục kiên trì và đầu tư dài hạn. Tôi không còn bao nhiêu năm nữa để chờ đợi cả".
Đầu tư không có nghĩa là bắt buộc phải mạo hiểm. Người bố giàu đã nói:
"Trong đầu tư có những rủi ro nhưng không phải là mạo hiểm". Bạn cũng không bắt
buộc phải thua lỗ khi thị trường đổi hướng. Thực sự, khi thị trường bắt đầu đi xuống,
nhiều nhà đầu tư lão luyện sẽ kiếm được rất nhiều tiền. Sau đây là những bài học của
người bố giàu về việc làm thế nào để đầu tư vào thị trường chứng khoán và gặt hái lợi
nhuận, bất kể thị trường đi lên hay đi xuống.
GIỮ MỘT BỐI CẢNH LINH HOẠT
Trong phần này, một đầu óc phóng khoáng và một bối cảnh linh hoạt là rất
quan trọng. Nếu bạn nghe thấy phạm vi bối cảnh của mình lên tiếng: "Điều đó là
không thể được"
, hay "Anh không làm thế được đâu"
, hay "Làm thế là bất hợp pháp"
,
hay "Như thế quá liều lĩnh"
, hay "Việc đó quá khó"
, thì chỉ cần nhắc nhở mình mở
rộng phạm vi bối cảnh để có thể nghe thấy những nội dung đang được trình bày.
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN VỚI BẢO HIỂM
Có lần người bố giàu hỏi tôi: "Con có chịu mua xe hơi không có bảo hiểm
không?"
"Không. Như thế thật điên rồ. Sao bố lại hỏi con như vậy?"
Người bố giàu mỉm cười và hỏi tiếp: "Vậy con có chịu đầu tư mà không có bảo
hiểm không?"
"Không"
, tôi đáp. "Nhưng con đầu tư bất động sản. Con có thể bảo đảm các tài
sản của mình không bị thua lỗ. Thật ra thì ngân hàng quy định con phải mua bảo
hiểm cho tất cả các bất động sản của mình".
"Câu trả lời hay đấy"
, người bố giàu nói.
Tôi hỏi lại: "Tại sao bố lại hỏi con về vấn đề bảo hiểm?"
"Bởi vì đã đến lúc con phải học cách đầu tư vào các loại tài sản trên giấy như
chứng khoán, cổ phiếu và quỹ hỗ tương".
"Bố có thể đầu tư chứng khoán với bảo hiểm sao?" Tôi ngạc nhiên hỏi. "Bố
muốn nói là bố có thể bảo đảm không bị thua lỗ hoặc tối thiểu hóa thua lỗ à?"
Người bố giàu gật đầu.
"Thế thì đầu tư vào những tài sản trên giấy đâu có gì mạo hiểm!"
"Không hề"
, người bố giàu nói. "Đầu tư không có gì là mạo hiểm, nếu con biết
con đang làm gì".
"Nhưng đầu tư có mạo hiểm đối với những nhà đầu tư trung bình không, thưa
bố? Các nhà đầu tư trung bình có thể đầu tư và được bảo hiểm không?"
Người bố giàu lại gật đầu, nhìn thẳng vào mắt tôi và nói: "Đó là lý do tại sao bố
dạy con điều này. Bố không muốn con làm một nhà đầu tư trung bình. Những nhà đầu
tư trung bình luôn chỉ quan tâm đến các tầm mức trung bình. Đó là lý do tại sao họ
luôn mãi mãi là những nhà đầu tư trung bình. Đó là lý do tại sao tồn tại những chỉ số
trung bình công nghiệp Dow Jones. Những con số trung bình là dành cho những
người trung bình. Đó là lý do tại sao rất nhiều người nghe lời các nhà tư vấn tài chính
và rất vui vẻ khi họ nói rằng: 'Trung bình cứ 40 năm thì thị trường lời được 12%'
, hay
'Quỹ hỗ tương đã lời được trung bình 16% trong 5 năm qua'. Các nhà đầu tư trung
bình chỉ thích những con số trung bình mà thôi".
"Mức trung bình thì có gì xấu đâu ạ?"
"Không thực sự xấu"
, người bố giàu nói. "Nhưng nếu con muốn giàu có, con
cần phải vượt lên hơn mức trung bình".
"Vậy tại sao người ta không thể làm giàu được với mức trung bình chứ?" Tôi
hỏi.
"Bởi vì những chỉ số trung bình là kết quả của những chỉ số chiến thắng và
những chỉ số thất bại. Chẳng hạn như đúng là thị trường chứng khoán trung bình đã
tăng giá trong hơn 40 năm qua, nhưng trên thực tế thì nó có lúc đi lên và có lúc đi
xuống".
"Thế thì sao ạ? Ai cũng biết điều đó mà?"
"Đúng vậy, ai cũng biết điều đó. Nhưng tại sao phải chịu thua trong khi con có
thể thắng? Các nhà đầu tư trung bình có tiền khi thị trường đi lên và mất tiền khi thị
trường đi xuống. Chính vì vậy nên họ mới là những nhà đầu tư trung bình. Thử nghĩ
xem chỉ số trung bình của con sẽ như thế nào nếu con có tiền khi thị trường đi lên và
có tiền cả khi thị trường đi xuống?"
"Được thế thì tuyệt vời quá. Nhưng những nhà đầu tư lão luyện sẽ làm gì để có
được điều đó? Họ không sử dụng chỉ số trung bình sao?"
"Có, họ có sử dụng chỉ số trung bình, nhưng họ dùng những chỉ số trung bình
khác, vấn đề bố muốn nói ở đây là các nhà đầu tư trung bình chỉ biết làm thế nào để
kiếm tiền khi thị trường tăng giá mà thôi, chính vì vậy nên họ cảm thấy vui vẻ khi biết
được trung bình thị trường đi lên trong những năm qua. Các nhà đầu tư lão luyện thì
không tìm kiếm những thông tin trung bình. Họ không thực sự quan tâm xem trung
bình thì thị trường đi lên hay đi xuống, bởi vì họ có thể làm ra tiền trong mọi hoàn
cảnh".
"Bố muốn nói là họ không bao giờ thất bại sao?"
"Không, bố không nói thế. Tất cả các nhà đầu tư thỉnh thoảng đều gặp phải thất
bại. Nhưng bố muốn nói là những nhà đầu tư lão luyện có khả năng chiến thắng cả
khi thị trường đi lên lẫn đi xuống. Các nhà đầu tư trung bình thì chỉ có một chiến lược
chiến thắng khi thị trường đi lên và chấp nhận thất bại khi thị trường đi xuống. Các
nhà đầu tư lão luyện thì không muốn chấp nhận những thất bại mà các nhà đầu tư
trung bình phải chấp nhận. Không phải lúc nào họ cũng đúng, cũng có lúc họ thất
bại... nhưng khác biệt là ở chỗ với những sự rèn luyện, những kỹ năng, công cụ, chiến
lược... của mình. Họ bị thua lỗ ít hơn và có được lợi nhuận lớn hơn nhiều so với các
nhà đầu tư trung bình".
Nhiều năm qua, tôi cảm thấy thật lạ lùng khi người ta có thể đầu tư những số
tiền mà họ đã rất vất vả mới kiếm được, nhưng lại không đầu tư nhiều thời gian vào
việc học cách đầu tư như thế nào cho hiệu quả. Sau những năm học hỏi với người bố
giàu, tôi không thể hiểu được tại sao nhiều người thà làm việc vất vả suốt đời còn hơn
là học cách khiến tiền bạc làm việc cho mình. Và khi họ đầu tư những đồng tiền
xương máu của mình vào thị trường thì họ sẵn sàng chấp nhận thất bại mà không cần
một sự bảo hiểm thua lỗ nào cả. Tôi nghĩ về người bố nghèo của tôi người đã làm việc
vất vả suốt đời và luôn miệng nói rằng: "Đầu tư là mạo hiểm". Ông nói thế nhưng lại
không hề nghiên cứu chút gì về đầu tư. Người bố giàu đã dạy tôi làm thế nào để đầu
tư một cách an toàn vào bất động sản và giờ thì ông đang dạy tôi làm thế nào để đầu
tư một cách an toàn vào chứng khoán và các loại tài sản trên giấy.
"Thế thì đầu tư vào thị trường chứng khoán không cần mạo hiểm sao, thưa bố?"
Tôi hỏi rõ hơn.
"Không, hoàn toàn không". Người bố giàu nói.
"Thế nhưng hàng triệu người đã đầu tư mà không hề được bảo hiểm thua lỗ và
không hề có chút kiến thức nào cả, như thế họ đã trở thành nhừng nhà đầu tư mạo
hiểm".
"Cực kỳ mạo hiểm"
, người bố giàu đáp. "Đó là lý do tại sao bố hỏi những bất
động sản đầu tư của con có được bảo hiểm không. Bố biết là có, vì các giám đốc ngân
hàng yêu cầu điều đó. Nhưng những người trung bình trong thị trường chứng khoán
thì không hề được bảo hiểm. Hàng triệu người đầu tư cho tương lai khi họ về hưu mà
không có một bảo hiểm thất bại nào. Như thế mới là mạo hiểm, cực kỳ mạo hiểm".
"Vậy tại sao các nhà tư vấn tài chính, những nhà môi giới chứng khoán và
những người mua bán công trái không cho họ biết điều đó?" tôi hỏi.
"Bố không biết. Bố cũng thường tự hỏi như vậy. Bố nghĩ lý do là vì hầu hết các
nhà tư vấn tài chính, môi giới chứng khoán và những người mua bán công trái, bản
thân họ cũng không thực sự là những nhà đầu tư chứ đừng nói là những nhà đầu tư
lão luyện. Hầu hết các chuyên gia tài chính này đều là những người được trả lương
hoặc hưởng hoa hồng, họ cũng làm việc để được trả công như khách hàng của họ
vậy".
"Và họ đưa ra những lời khuyên cho người khác, những nhà đầu tư trung bình,
những người cũng giống như họ".
Người bố giàu gật đầu: "Một nhà đầu tư lão luyện có thể kiếm tiền khi thị
trường đi lên cũng như đi xuống. Một nhà đầu tư trung bình thì thỉnh thoảng mới có
được lợi nhuận khi thị trường lên giá và bị thua lỗ khi thị trường xuống giá. Sau đó
khi đã bị thua lỗ khá nhiều thì nhà đầu tư trung bình này mới gọi điện thoại cho nhà
tư vấn tài chính và hỏi: 'Giờ thì làm sao đây?'"
"Khi đó thì nhà tư vấn của họ sẽ nói gì?"
"Họ thường nói: 'Hãy kiên nhẫn, thị trường sẽ lên giá trong vài tháng nữa'
, hoặc
'Hãy mua thêm đầu tư khi giá đôla trung bình giảm xuống'".
"Bố sẽ không làm thế chứ?"
"Không. Bố không làm thế, nhưng những nhà đầu tư trung bình thì làm như thế
đấy".
"Bố muốn nói là con có thể đầu tư với ít rủi ro hơn và kiếm được nhiều tiền
hơn trên thị trường chứng khoán?"
"Đúng vậy. Tất cả những gì con cần làm là đừng trở thành một nhà đầu tư trung
bình".
NHỮNG TỪ NGỮ GIÚP BẠN GIÀU CÓ
Trong cuốn sách "Dạy con làm giàu" - tập 3, tôi đã viết rằng người nghèo và
người trung lưu thường chủ yếu đầu tư vào quỹ hỗ tương. Sau đó tôi cũng viết rằng
người giàu thích đầu tư vào quỹ rào hơn. Một lần nữa, sức mạnh từ ngữ lại vào cuộc.
"Rào" là một từ rất quan trọng đối với các nhà đầu lão luyện, và đó là cả một thế giới
khác biệt giữa quỹ hỗ tương và quỹ rào. Thuật ngữ "rào" trong bối cảnh này có nghĩa
là bảo hiểm. Cũng như một người làm vườn dựng nên một cái rào để bảo vệ vườn cây
tránh các súc vật ăn cỏ, một nhà đầu tư lão luyện cũng dựng nên một cái rào để bảo
vệ tài sản của mình.
Đơn giản hơn, chữ "rào" trong bối cảnh này hàm nghĩa bảo vệ khỏi thất bại.
Cũng như bạn không nên lái xe không có bảo hiểm, một nhà đầu tư cũng không nên
đầu tư không có bảo hiểm hay không có một rào cản những thua lỗ lớn. Thông
thường, một nhà đầu tư trung bình thường đầu tư trần, cũng là một từ được các nhà
đầu tư lão luyện sử dụng. Đầu tư trần ở đây có nghĩa là một mối đầu tư không được
bảo vệ khỏi thua lỗ. Một nhà đầu tư lão luyện không thích phải đầu tư trần, nghĩa là
không thích phải trân mình ra trước những rủi ro không cần thiết. Một nhà đầu tư lão
luyện sẽ đầu tư với một vị thế tài chính được bảo vệ. Cũng như một người bán bảo
hiểm thường hỏi: "Anh có được bảo hiểm không?" Các nhà đầu tư lão luyện cũng sẽ
tự hỏi mình câu hỏi đó. Nói chung, một nhà đầu tư trung bình và một nhà đầu tư vào
quỹ hỗ tương là đầu tư trần vì họ không được bảo hiểm chống lại thua lỗ.
KHÔNG BẢO VỆ TÀI SẢN CỦA MÌNH LÀ MẠO HIỂM
Vài ngày trước, tôi là một trong những diễn giả chủ chốt tại một hội nghị các
nhà đầu tư. Diễn giả chính là một nhân vật truyền hình rất nổi tiếng, báo cáo viên của
một trong những mạng truyền hình tài chính lớn nhất. Bài nói của bà rất hàm súc và
tôi học hỏi được rất nhiều. Tuy nhiên, tôi cảm thấy thật thú vị khi bà nói rằng bà chỉ
đầu tư vào quỹ hỗ tương mà thôi.
Bỗng có một thính giả giơ tay hỏi: "Không lẽ bà không hề cảm thấy tội lỗi khi
chịu trách nhiệm về hàng tỷ đôla mà các khán giả truyền hình đã thua lỗ trong thị
trường chứng khoán hay sao?" Giọng ông ta có vẻ giận dữ, và tôi có thể thấy rất nhiều
nhà đầu tư cũng đồng ý với ông như vậy. Dường như nhiều nhà đầu tư đến với hội
nghị này không phải để học cách đầu tư mà là để tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra với
số tiền thua lỗ của họ.
"Tại sao tôi phải cảm thấy tội lỗi?" diễn giả trả lời. "Công việc của tôi là cung
cấp thông tin cho các anh và thực sự tôi đã cung cấp rất nhiều thông tin. Tôi không hề
đem đến cho các anh những lời khuyên về đầu tư. Tôi chỉ đem đến cho các anh những
thông tin thị trường. Thế thì tại sao anh lại bảo tôi cần phải có cảm giác tội lỗi?"
"Bởi vì bà là một người cổ vũ hàng đầu trong vụ giá cả thị trường tăng vọt"
, vị
thính giả giận dữ nói. "Vì bà mà tôi đã đầu tư không ngừng và giờ thì tôi mất tất cả".
"Tôi không phải một người cổ vũ hàng đầu"
, bà ta nói. "Tôi chỉ cung cấp
những thông tin về một thị trường tốt cũng như hôm nay tôi cung cấp thông tin về một
thị trường xấu vậy".
Trong vài phút sau, cơn giận bùng nổ. Một số người đồng ý với vị thính giả
đang giận dữ còn những người khác lại đứng về phía nữ diễn giả. Cuối cùng thì mọi
thứ dịu xuống. Diễn giả hỏi xem còn câu hỏi nào nữa không.
Một cánh tay giơ lên: "Tại sao bà không bảo khán giả phải tối thiểu hóa rủi ro
bằng các quyền chọn?"
"Các quyền chọn? Tại sao tôi phải nói với họ về các quyền chọn?"
Người giơ tay đáp: "Nó cũng giống như một rào cản chống đỡ khi thị trường sụt
giá".
"Tôi không bao giờ làm thế cả"
, bà ta nói. "Các quyền chọn là rất mạo hiểm.
Còn thắc mắc nào nữa không?"
Tôi không thể tin được những gì vừa nghe. Nhân vật truyền hình này là một
trong những người được đề cao nhất trong giới báo chí tài chính. Bà ta có ảnh hưởng
đến cuộc sống của hàng triệu người khác. Nhiều người tìm kiếm những lời khuyên
đầu tư từ bà ta và giờ thì bà ta bảo rằng: "Các quyền chọn là rất mạo hiểm". Với tôi,
không bảo vệ tài sản của mình mới là mạo hiểm. Với tôi, không hiểu biết về tài chính
mới là mạo hiểm. Việc sử dụng, các quyền chọn để bảo vệ những tài sản trên giấy của
mình là rất dễ dàng và không khó đến mức đó. Thực sự, nếu bạn có một người môi
giới chứng khoán giỏi thì tiến trình này không có gì phức tạp cả. Đến một đứa trẻ
cũng có thể làm được. Tất cả những gì bạn phải làm là hiểu được định nghĩa của một
số từ ngữ mới, tìm một nhà môi giới giỏi, và bắt đầu với chút ít tiền để rút tỉa kinh
nghiệm. Thay vì vậy, tôi thấy hàng ngàn người trong phòng gật đầu đồng ý rằng đầu
tư với quyền chọn là mạo hiểm.
Khi ngồi nhìn những môn đồ trung thành của nữ diễn giả gật đầu đồng ý rằng
quyền chọn là mạo hiểm, tôi mơ màng nhớ đến những bài học đầu tiên của người bố
giàu về đầu tư chứng khoán. Ông nỏi: "Hàng trăm năm trứớc, ở nước Nhật cổ đại, các
nông dân Nhật đã bắt đầu sử dụng quyền chọn để bảo vệ giá cả hoa màu của mình".
"Hàng trăm năm trước ư?" tôi hỏi. "Hàng trăm năm trước họ đã biết sử dụng các
quyền chọn như một hàng rào bảo vệ thua lỗ ư?"
Người bố giàu gật đầu: "Đúng vậy, hàng trăm năm trước. Bắt đầu vào Kỷ
nguyên Cải cách Ruộng đất, những doanh nhân khôn khéo đã biết dùng quyền chọn
để bảo vệ doanh nghiệp của mình khỏi bị thua lỗ. Ngày nay các doanh nhân khôn
ngoan vẫn tiếp tục làm thế".
Quay lại với căn phòng ở Chicago nơi vị nữ phóng viên truyền hình đang nói
chuyện, tôi tự hỏi: "Nếu những doanh nhân khôn ngoan đã sử dụng quyền chọn hàng
bao năm trời thì tại sao con người đầy thế lực này lại đánh lạc hướng các khán giả của
mình như thế?" Và tôi lại tự nhủ: "Điều gì là mạo hiểm hơn? Mua một cổ phiếu hay
quỹ hỗ tương và nhìn nó sụt giá 40 hoặc 60%, thậm chí 90% giá trị mà không hề tự
bảo vệ mình hay sao? Các giám đốc ngân hàng luôn yêu cầu tôi phải mua bảo hiểm
bất động sản. Vậy tại sao ngành công nghiệp trên giấy này lại không yêu cầu các nhà
đầu tư mua bảo hiểm cho những tài sản trên giấy của họ. Những tài sản mà hàng triệu
người sẽ phải dựa dẫm vào nó khi về già?"
Mãi đến nay, tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời cho các câu hỏi này. Như đã nói
trước đây, nếu nhà bạn bị cháy, bạn có thể thay thế nó trong vòng chưa đến một năm
và được công ty bảo hiểm chi trả. Nhưng nếu kế hoạch hưu trí của bạn bị sụp đổ cùng
thị trường chứng khoán sau khi bạn đã về hưu thì bạn sẽ làm gì đây? Mua, giữ và tiếp
tục cầu nguyện ư? Hay ngồi đó hy vọng thị trường sẽ tăng giá lại? Và như thế tôi tiếp
tục thắc mắc tại sao các giám đốc ngân hàng yêu cầu các nhà đầu tư phải mua bảo
hiểm nhưng ngành công nghiệp trên giấy này lại không. Tôi tiếp tục tự hỏi tại sao
những nhà đầu tư lão luyện đầu tư với bảo hiểm, nhưng những nhà đầu tư trung bình,
những nhà đầu tư hoàn toàn phó mặc sự an toàn tài chính của mình cho thị trường
chứng khoán một khi không còn làm việc nữa, lại đầu tư trần một cách không bảo
đảm như thế?
VỐN TỪ VỰNG VỀ BẢO HIỂM
Nếu muốn về hưu sớm trong sự giàu có, nhất thiết bạn phải đầu tư một ít thời
gian vào việc học cách bảo vệ tài sản của mình, nhất là khi muốn giàu có bằng những
tài sản trên giấy. Bạn có thể làm điều đó bằng cách tìm hiểu những thứ mà người bố
giàu của tôi gọi là "ngôn ngữ của các nhà đầu tư lão luyện". Trong các hội nghị
chuyên đề về đầu tư, tôi gọi chúng là "vốn từ vựng về bảo hiểm".
Trước khi đi vào những từ ngữ này, tôi tin rằng chúng ta cần nhắc lại một số từ
ngữ khác. Sau đây là những từ cần được định nghĩa trước khi bước vào những từ ngữ
về bảo hiểm:
1. Nhà đầu tư và nhà buôn: Hầu hết những người cho rằng mình là một nhà
đầu tư thực sự thường chỉ là một nhà buôn. Cũng như hầu hết mọi người đều nghĩ
rằng tiêu sản là tài sản, nhiều nhà đầu tư là những nhà buôn chứ không phải những
nhà đầu tư thực thụ. Còn một điểm nữa, nhiều người nghĩ mình là một nhà đầu tư
nhưng thực chất chỉ là một người tiết kiệm. Đó là lý do tại sao nhiều người có những
kế hoạch hưu trí 401(k), IRA hay Keogh thường nói: "Tôi đang tiết kiệm tiền để về
hưu". Một người tiết kiệm đơn giản chỉ bỏ tiền vào tài khoản và không làm gì cả. Một
nhà đầu tư là một người chủ động quản lý danh mục đầu tư hoặc tài khoản của riêng
mình.
Thế thì đâu là sự khác biệt giữa một nhà đầu tư và một nhà buôn? Một nhà đầu
tư mua để giữ còn một nhà buôn thì mua để bán. Khi một người nói: "Tôi mua cổ
phiếu hay bất động sản này vì tôi biết nó sẽ tăng giá... " đó là một nhà buôn thực thụ.
Nói cách khác, họ mua chỉ để buôn bán chứ không phải để sử dụng. Đó là lý do tại
sao tôi nói hầu hết mọi người đều là các nhà buôn chứ không phải những nhà đầu tư.
Một nhà buôn thường muốn giá tài sản tăng để có thể được lời nhiều hơn. Một nhà
đầu tư thì thường muốn món đầu tư đem lại số tiền vốn cho mình càng sớm càng tốt
nhưng vẫn giữ được tài sản đó. Người bố giàu nói: "Một nhà đầu tư mua con bò để vắt
sữa và sinh bê con. Còn một nhà buôn mua con bò để giết thịt".
Nếu bạn muốn thành công trong thế giới đầu tư, bất kể là đầu tư vào các tài sản
trên giấy, vào doanh nghiệp hay vào bất động sản, bạn cần phải biết cách vừa là một
nhà đầu tư vừa là một nhà buôn. Một nhà đầu tư biết phải phân tích những gì và quản
lý việc đầu tư ra sao, còn một nhà buôn biết phải mua bán như thế nào. Một nhà đầu
tư thường muốn có được lưu lượng tiền mặt từ tài sản còn một nhà buôn lại muốn có
lời bằng cách mua rẻ bán đắt.
2. Một nhà đầu tư cơ bản và một nhà đầu tư kỹ thuật: Một nhà đầu tư cơ
bản xem xét các bản kê tài chính của một công ty hay một bất động sản. Một nhà đầu
tư cơ bản thường chỉ quan tâm đến lợi nhuận, đội ngũ quản lý và tiềm năng dài hạn
của việc kinh doanh. Một nhà đầu tư kỹ thuật thuần túy không quan tâm đến những
vấn đề cơ bản của một doanh nghiệp. Họ thậm chí còn không để ý xem công ty có
được nhiều lợi nhuận không hay có được quản lý tốt không. Nhà đầu tư kỹ thuật chỉ
quan tâm đến độ nhạy thị trường vào thời điểm đó. Trong khi một nhà đầu tư cơ bản
xem xét các bản kê tài chính thì một nhà đầu tư kỹ thuật xem xét biểu đồ lịch sử phản
ánh độ nhạy thị trường của công ty. Phần sau chương này sẽ nói về một số biểu đồ
như thế.
Một nhà đầu tư kỹ thuật có thể là một nhà đầu tư kỹ thuật giỏi và chỉ thua lỗ khi
thiếu những nền tảng thích hợp. Nhiều "nhà buôn công nhật" cuối cùng cũng bị thất
bại hay phá sản vì họ có những nền tảng quản lý tiền bạc cá nhân tệ hại. Đối với một
nhà đầu tư cơ bản cũng vậy. Nhiều nhà đầu tư cơ bản tự hỏi tại sao mình không kiếm
được tiền, hoặc tại sao mình thất bại dù đã đầu tư vào một công ty tốt, vững chắc và
có nhiều lợi nhuận. Nhiều nhà đầu tư cơ bản thất bại ngay cả khi đầu tư với những
nền tảng tốt vì họ thiếu kiến thức về thương mại kỹ thuật.
Thực tế này là lý do tại sao người bố giàu muốn tôi và con trai ông phải trở
thành những nhà đầu tư lão luyện, đầu tư với cả những kỹ năng cơ bản thành thạo và
kỹ năng kỹ thuật khéo léo.
3. Một nhà đầu tư trung bình và một nhà đầu tư lão luyện: Một nhà đầu tư
trung bình hiếm khi hiểu được bản kê tài chính là gì. Nhà đầu tư trung bình thường
đầu tư dài hạn, đầu tư vào quỹ hỗ tương, sau đó mua, giữ và cầu nguyện. Một nhà đầu
tư lão luyện là người có tiền và hiểu được cả những kỹ thuật đầu tư nền tảng lẫn
những kỹ thuật thương mại chuyên môn.
NHỮNG TỪ NGỮ GIÚP BẠN CHIẾN THẮNG TRÊN MỌI THỊ TRƯỜNG
Nếu bạn muốn về hưu sớm trong sự giàu có, việc bảo vệ hay bảo hiểm tài sản
của mình tránh khỏi những thua lỗ nặng nề là rất quan trọng. Một nhà đầu tư chứng
khoán trung bình không bao giờ cảm thấy an toàn. Đó là lý do tại sao họ cảm thấy
đầu tư là mạo hiểm và đối với họ thì thực sự là như thế. Vì cảm thấy không an toàn
nên họ giao phó tiền bạc của mình cho một người quản lý quỹ tiền bạc, một người bà
con làm môi giới chứng khoán, hoặc một nhà kế hoạch tài chính, hy vọng người này
sẽ bảo vệ họ tránh khỏi những thảm họa thị trường. Vấn đề là những nhà quản lý quỹ
tiền bạc trung bình hoặc những nhà môi giới trung bình không thể bảo vệ họ khỏi
những cơn suy sụp và cũng không giúp họ kiếm ra tiền trên một thị trường ế ẩm.
Cách chiến thắng và bảo vệ tài sản của mình trên mọi thị trường là học hỏi và
thực sự tìm hiểu những từ vựng của các nhà đầu tư cơ bản và kỹ thuật, nhất là với
những tài sản trên giấy. Mọi việc rất dễ dàng nếu bạn chịu khó đầu tư một chút thời
gian. Cũng như một giám đốc ngân hàng sẽ hỏi bạn kê tài chính của bạn trước khi cho
bạn mượn tiền, một điều rất cơ bản, và yêu cầu bạn phải có một tài sản, quyền sở hữu
và bảo hiểm cầm cố cho một mục đầu tư bất động sản, nhằm bảo đảm cho những rủi
ro kỹ thuật hoặc những rủi ro lớn, bạn cũng cần phải đòi hỏi chính mình những điều
đó nếu muốn đầu tư vào những tài sản trên giấy. Bạn có thể làm việc này bằng cách
bắt đầu tìm hiểu những từ ngữ về bảo hiểm khi đầu tư vào tài sản giấy tờ. Một số các
từ như vậy bao gồm:
1. Xu hướng
2. Chỉ số trung bình biến động
3. Lệnh mua bán chứng khoán
4. Quyền chọn mua cổ phiếu
5. Quyền chọn bán cổ phiếu
6. Hợp đồng chứng khoán hai chiều
7. Bán trước hạn
8. Và nhiều nữa...
Một nhà đầu tư trung bình có thể đã nghe nói về những thuật ngữ này nhưng có
lẽ không hiểu hết hoặc chưa bao giờ dùng đến chúng. Nhiều nhà đầu tư trung bình
thậm chí còn không thèm đếm xỉa đến những từ ngữ rất quan trọng này: "Như thế quá
mạo hiểm". Nói một điều gì đó quá mạo hiểm cũng có nghĩa là bạn muốn nói rằng:
"Tôi lười biếng đến mức không muốn nghiên cứu về nó".
NHỮNG ĐIỀU CẦN PHẢI BIẾT
Nếu muốn giữ được những tài sản trên giấy, bạn phải biết làm thế nào để bảo
hiểm chúng chống lại sự sụp đổ thị trường. Sau đây là ví dụ những điều bạn cần biết.
Một lần nữa, mọi thứ bắt đầu bằng những từ ngữ.
XU HƯỚNG
Mọi nhà đầu tư lão luyện đều phải hiểu được các xu hướng. Có một câu nói mà
tất cả những nhà đầu tư lão luyện đều hay nói: "Xu hướng là bạn đồng hành của anh".
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top