"Up"- "Thanks for the adventure"
“Thanks for the adventure…”
Nhiều hơn một lần, mình nghe đến câu châm ngôn: “Cuộc sống là một hành trình, không phải là đích đến”. Đối với mình, chuyện hành trình hay đích đến chủ yếu phụ thuộc vào mục tiêu sống và quan điểm của mỗi người mà thôi. Thế nhưng, vô tình hôm nay, mình có dịp xem lại phim hoạt hình “Up” và tiếp tục suy nghĩ về hành trình đời người... để nhìn ra nhiều điều khác hơn…
Phim “Up” giống như là một cuốn album ghi lại kỉ niệm của con người trên những chặng đường mà họ đi qua. Mở đầu tác phẩm, người xem được chứng kiến cuộc hạnh ngộ của Carl và Elle. Trong khi Carl là cậu bé ít nói, trầm tính thì cô bạn Elle lại năng động, sôi nổi. Carl với Elle gắn kết với nhau dẫu họ tồn tại như hai mảnh ghép trái ngược hoàn toàn. Tuy vậy, họ cũng có điểm chung: đó chính là ước mơ về Thác Thiên Đường. Hành trình “vút bay” bắt đầu khi mà cả hai đều có một mộng tưởng được đến với thế giới rộng lớn ngoài kia.
Không chỉ có Carl hay Elle, mình nghĩ bản thân mỗi người đều tìm kiếm thế giới đẹp đẽ ở tuổi ấu thơ. Do đó, Thác Thiên Đường hay chùm bóng bay nhiều màu có thể là hình ảnh biểu tượng gợi nhớ đến ước mơ, hy vọng tự do dấn thân, nhập cuộc của con người.
Để rồi sau đó, câu chuyện tiếp diễn khi mà Carl và Elle về chung một nhà, cùng dựng xây tổ ấm. Hành trình đi đến Thác Thiên Đường của hai người đành phải gác lại vì chuyện mưu sinh và những biến cố bất ngờ. Thay vào đó, họ đã cùng nhau đi trên một hành trình rất dài và cũng rất đẹp, được gọi bằng cái tên "hành trình cuộc đời". Thác Thiên Đường (có thể) tượng trưng cho một thế giới đẹp đẽ mà chúng ta thấy trong mộng tưởng. Xem phim này, mình rất đồng cảm vì trong lòng mình cũng có vài chốn tương tự Thác Thiên Đường. Đó là những nơi mà mình chưa bao giờ đặt chân tới nhưng mình dám cá là nó sẽ tuyệt mỹ (như kiểu Cừu Trùng Đài của Vũ Như Tô) vậy. Cái hay mà bộ phim này đem đến cho mình là thông điệp: Thác Thiên Đường có thể đẹp đẽ đến mức khiến người ta ngộp thở vì nó, nhưng chính hành trình cuộc sống bình thường (thậm chí tẻ nhạt) mà mình đang phải trải qua cũng có thể là một hành trình dấn thân đầy thú vị và hạnh phúc. Do vậy, hành trình Carl tự hào nhất đâu phải là được đến với Thác Thiên Đường, mà nó chính là hành trình ông đã trải qua trọn kiếp người với Elle. Bởi, hành trình đó xuất phát từ tình yêu, nó có khả năng đem lại hạnh phúc cho người ta đến tận giây phút cuối cùng của cuộc đời.
Hành trình sự sống đó, hơn thế còn là chặng đường mà Carl và Elle học cách chấp nhận những khiếm khuyết của nhau. Trong bộ phim có một câu nói rất hay thế này: “We come to love not by finding a perfect person, by learning to see an imperfect person perfectly.” Carl và Elle đã đến với nhau để cùng học cách trở nên hạnh phúc với thực tại. Hơn nữa, hành trình sống của Carl còn được mở ra khi mà Elle đã mất, Carl phải đối diện với nỗi mất mát khôn nguôi. Cái hay của tác phẩm là người ta có nhiều chặng đường khác nhau, với nhiều lựa chọn khác nhau để rồi kết quả cũng chẳng giống nhau.
Sau tất cả, hành trình của Carl vẫn là một chặng đường nhận thức. Sau khi vợ mất, ông quyết định thực hiện tâm nguyện của bà bằng cách tận dụng chùm bóng bay để đến với Thác Thiên Đường. Tại đây, hành trình của ông trước nhất là sự nhận thức về mặt bất toàn của con người (thông qua Muntz) và ông cũng nhận ra rằng: điều chúng ta buộc phải chấp nhận là vượt qua nỗi đau để đi tiếp chặng đường mới… Vì vậy, suy cho cùng, hành trình của Carl và chính chúng ta là hành trình học cách để nhận Chân Thiện Mỹ.
Điều quan trọng trong tác phẩm này nằm ở cách kể chuyện và mở ra một hành trình đẹp đẽ. Đối với mình, điểm thú vị của bộ phim là không khép lại như cái kết của một bi kịch cổ điển mà nó mở ra hy vọng và tương lai tươi sáng cho người xem. Bởi, khi câu chuyện dừng lại là lúc mà hành trình của cậu bé Russell bắt đầu.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top