"Mùi đu đủ xanh"
Những khúc bi kịch
Cảm nhận về những bi kịch trong phim điện ảnh “Mùi đu đủ xanh”
*
“Mùi đu đủ xanh” là bộ phim nói tiếng Việt đầu tiên của đạo diễn Trần Anh Hùng được đề cử giải Oscar. Tác phẩm đã để lại nhiều ấn tượng cho công chúng cho tới hôm nay. Một trong số những ấn tượng mang đến cho người xem là bi kịch của kiếp người. Bi kịch trong tác phẩm là những nỗi đau, những lằn ranh đấu tranh không ngừng, những khát vọng hạnh phúc bị chôn vùi giữa hiện thực tàn khốc. Liệu những bi kịch ấy đã được thể hiện như thế nào? Và tại sao chúng có thể hấp dẫn người xem qua bao năm tháng? Để tìm hiểu điều đó, chúng ta phải bước vào từng số phận trong tác phẩm.
Bi kịch của con người trước hết nằm ở số phận người phụ nữ, họ luôn phải chịu cảnh bất công trong một vị thế nhỏ bé và không có tiếng nói riêng. Điển hình nhất là hình ảnh nhân vật bà chủ. Chỉ với một đôi vai nhỏ bé, bà phải cùng một lúc kiếm tiền nuôi sống gia đình, giáo dục con cái và chăm sóc chồng mình. Sự bất công hiện lên khi bà chủ luôn là kẻ nhịn nhường, im lặng trước người chồng vô trách nhiệm, người con trai cả không quan tâm đến gia đình. Có thể nói đó là vẻ đẹp thầm lặng, hy sinh của người phụ nữ. Nó thật đẹp, nhưng cũng đau khổ biết bao. Với từng góc quay chậm hướng theo bước đi của diễn viên, hay góc nhìn qua khung cửa sổ, Trần Anh Hùng dường như đã tạo nên một không gian chậm rãi nhưng cũng tù túng vô cùng. Không gian ấy khiến người xem cảm thấy ngột ngạt, tắm tối hệt như số phận của bà chủ và bao người con gái. Ngoài ra. hình ảnh ông chủ trộm tiền ăn chơi hay người con cả nâng niu chiếc đàn, xuất hiện như một nỗi ám ảnh không ngừng. Điều đó không chỉ khiến người xem trăn trở trước một cảnh đời tàn khốc mà còn để ta cảm thông trước những đau khổ ấy của người phụ nữ.
Bên cạnh đó, ta còn có thể thấy sự xuất hiện nhiều lần của các loài động vật nhỏ bé như là con cóc, con kiến,... Những cảnh quay đó không chỉ là sự xuất hiện của một bức tranh Việt Nam dưới góc nhìn người nghệ sĩ, mà còn là ẩn dụ cho những thân phận nhỏ bé chịu nhiều bi kịch trong cuộc sống. Khi con kiến nhỏ phải chết, khi con dế bị nhốt trong lồng dù chẳng phương hại một ai. Chúng cũng giống như nhân vật bà chủ, không ngừng khát khao tự do, no đủ nhưng luôn phải gặp cảnh ngộ bất hạnh để rồi mất đi trong đau khổ khôn nguôi. Đó cũng chính là sự lặp lại vô cùng tàn khốc xuyên suốt tác phẩm.
Vòng lặp bi kịch còn thể hiện ở sự bất lực của những người con thiếu vắng tình thương. Đó chính là phận đời của Tín và Trung. Trung là một người con trai tinh tế, thương mẹ. Điều đó thể hiện ở những chi tiết anh âu yếm, an ủi mẹ khi người cha trộm tiền bỏ đi.
Nhưng tại sao Trung không ôm hôn mẹ? Mà anh lại sờ vào chân bà? Có lẽ ở đây, đạo diễn Trần Anh Hùng đã thể hiện một sự thay đổi trong nhân vật Trung. Anh đã nhận ra những đau khổ của mẹ khi cha ra đi không lời từ biệt. Chi tiết chạm chân không chỉ thể hiện tình cảm mẹ con chân thành mà còn là sự cảm thông cho mẹ trước những bước đi của người cha vô trách nhiệm. Trung thấu hiểu cho mẹ, nhưng cũng bất lực trước khát vọng hạnh phúc. Anh thiếu thốn một người cha thật sự, anh không thể trở thành một điểm tựa cho mẹ và em. Từ những nỗi niềm ấy, Trung đành phải đi làm ăn xa, để trốn tránh một thực tại đau khổ khôn nguôi. Khác với Trung, Tín chỉ là một đứa trẻ chưa có đủ nhận thức về cuộc sống. Nhưng cậu lại phải nhìn thấy những bi kịch của cuộc đời mẹ mình quá sớm. Những hành động của Tín thể hiện cho một bi kịch thiếu thốn tình thương. Để rồi có khi tương lai, cậu sẽ trở thành một bản sao của cha mình. Bộ phim “Mùi đu đủ xanh” đã thức tỉnh người xem để nhận ra những sai lầm, để thay đổi và hoàn thiện cuộc sống của bản thân.
Thế nhưng tác phẩm vẫn miêu tả những hạnh phúc nhất định- nằm ở tình yêu của Khuyến và Mùi. Khuyến là một người nghệ sĩ tài hoa. Từ những ngày còn nhỏ, lần đầu tiên chạm mặt Khuyến, Mùi đã diện một bộ đồ đẹp trong thân phận của người làm. Và cũng chính khi trưởng thành, người nhìn thấy Mùi trong bộ áo dài đỏ vẫn là Khuyến. Sự lặp lại tông màu ở hai phân cảnh hiện lên như một sự thủy chung bất biến theo thời gian. Mùi vẫn là Mùi, vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Tình yêu giữa Mùi và Khuyến có lẽ là một tình yêu đẹp. Khuyến không phải một người đàn ông vô tâm và gia trưởng như ông chủ. Khuyến đã có những đổi thay, anh dạy Mùi đọc sách viết chữ. Anh mang đến cho Mùi mũi nhọn sắc bén để em có thể chiến đấu với những bất công. Khuyến đã chọn truyền thống khi anh từ bỏ vị hôn thê cũ. Cô gái ấy là một tượng trưng cho sự hiện đại. Cô không giống Mùi, hay bà chủ. Cô không lặng im, cam chịu mà cô sẽ la hét, giận dỗi khi Khuyến từ bỏ mình. Nhưng đó cũng chính là bi kịch của cả hai cô gái, bi kịch đối với vị hôn thê là sự mất mát tình yêu. Còn đối với Mùi là bi kịch về tương lai vô định, thật khó để biết liệu Khuyến có trở thành một “ông chủ” khác? Nhưng dẫu vậy, thì Mùi vẫn là nhân vật có được những hạnh phúc trong thực tại, những điều mà em hằng ao ước.
Lời kết
“Mùi đu đủ xanh” là một tác phẩm điện ảnh có giá trị, dẫu thể hiện những vòng lặp bi kịch khổ đau. Song, tác phẩm vẫn khiến người xem rung động vô vàn. Để từ đó, ta cảm thông trước số phận của những người phụ nữ và biết yêu hơn những điều nhỏ nhặt quanh mình.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top