"Em của thời niên thiếu"
“Em của thời niên thiếu” và câu chuyện về sự trưởng thành.
[CÓ SPOIL]
Trong cuốn sách “Trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu”, tác giả Rando Kim từng viết rằng: “Không chao đảo thì không phải là người lớn, phải ngàn lần tranh đấu mới có thể trưởng thành. Có đau đớn mới là tuổi trẻ? Nếu vậy thì có chao đảo mới trở thành người lớn.” Và trong cuốn tiểu thuyết mà mình khá thích, “Kitchen”, Y. Banana cũng cho rằng: “...nếu cuộc đời người ta không thực sự đi đến chỗ hoàn toàn tuyệt vọng, nếu từ đó người ta không thể vứt bỏ, thì người ta sẽ lớn lên mà chẳng hiểu niềm vui thực sự là gì cả." Có lẽ vậy, xuyên suốt hành trình trưởng thành, không phải lúc nào người ta cũng đạt được niềm vui, hạnh phúc. Càng nhiều đau đớn, có lẽ ta càng nhận được nhiều bài học hơn. Gần đây, mình xem phim “Em của thời niên thiếu” và học được ít nhiều từ câu chuyện của Trần Niệm, Tiểu Bắc về sự trưởng thành.
Trần Niệm vốn đã thi xong Đại học nhưng vì kết quả không tốt nên cô quyết định học lại ở một trường THPT (hình như ở Trung Quốc, người ta gọi trường kiểu này là Cao trung chuyên dạy học cho thí sinh thi lại). Xuyên suốt bộ phim, ngôi trường hiện lên với những song sắt, những cảnh tượng học tập trong không gian tù kín gợi nên cảm giác chán chường, mệt mỏi. Trong ngôi trường này, vấn nạn bạo lực học đường diễn ra khủng khiếp hơn bao giờ hết. Vì một hành động được xem là thương xót cho nạn nhân đã mất mà Trần Niệm trở thành kẻ bị bạo lực tiếp theo. Một ngày nọ, trên đường đi học về, Trần Niệm bắt gặp Tiểu Bắc bị bọn côn đồ “xử lí” nên quyết định báo cảnh sát, nhưng may mắn là Tiểu Bắc còn khả năng ngóc dậy đánh trả. Sau một hồi đập nhau toé máu thì Trần Niệm về nhà Tiểu Bắc. Rồi từ đó hai đứa dần trở nên thân thiết, kết giao bạn bè, mối hệ cũng tiến xa hơn…
Thật ra, mình nghĩ bộ phim này hẳn là một câu chuyện về sự trưởng thành không của riêng ai.
Thế giới của trẻ con và người lớn không hề giống nhau. Khi còn bé, chúng ta thường có xu hướng giải quyết mọi vấn đề đơn giản hơn và cách nhìn (tất nhiên là) có nhiều điểm thiếu sót. Khi đã trưởng thành, câu chuyện dần dần chệch hướng với những gì mà ta đã từng nghĩ. Trong toàn bộ phim, mình rất ấn tượng với nhân vật anh cảnh sát. Vì anh cảnh sát giống như một biểu tượng của con người trưởng thành vậy. Anh ta là một người chính trực, thực lòng muốn giúp Trần Niệm khi biết cô bị bắt nạt. Tuy nhiên, vấn đề đó không hề dễ dàng vì không có bằng chứng cụ thể, vì kẻ thủ ác chưa trưởng thành,... Có thể nói, những nỗi bất lực của nhân vật cảnh sát trẻ gần giống với nỗi bất lực của những người trưởng thành. Bởi lẽ, khi lớn lên, ta thường phải chạm trán với những tình huống oái ăm, dù ta biết đúng- sai nhưng ta lại không thể giải quyết nó bằng bản năng hay tư duy lí tính.
Có một câu nói của anh cảnh sát mà mình rất ấn tượng, đại ý của nó là: sự trưởng thành cũng giống với việc ta nhảy xuống sông vậy. Chúng ta sẽ phải chịu sự đau đớn đến tột cùng, gặp cát đá, mọi điều đau thương. Nhưng đó là nỗi đau mang tính hiển nhiên, không thể tránh khỏi. Mình không nhớ rõ lí do nhân vật cảnh sát chọn nghề nghiệp này, hình như là vì anh ấy rất thích vận động. Có lẽ, mọi lí do ban đầu bao giờ cũng đơn giản hơn ta nghĩ. Khi đã dấn thân, hàng ngàn câu chuyện bi đát mà chỉ kẻ trong cuộc, người trong kẹt mới hiểu lại dần dần khiến bản thân mỗi người vỡ lẽ nhiều điều.
Trong đôi mắt của một đứa trẻ, những điều đúng sai phải trái diễn ra cũng đơn giản hơn. Tình huống chính trong bộ phim là việc Tiểu Bắc nhận tội giết người thay cho Trần Niệm. Khi Tiểu Bắc bị thẩm vấn, cậu ta nhất quyết nhận án mà không một lời oán thán… Trong cuộc nói chuyện giữa những viên cảnh sát, có lẽ mọi người đều cho rằng Trần Niệm là kẻ phạm tội thật sự (vì chẳng ai đi nhận tội hiếp dâm, giết người giùm kẻ khác cả); duy chỉ có anh cảnh sát trẻ là không tin tội-ác-giả của Tiểu Bắc. Mà lí do cho suy nghĩ này lại rất đơn giản, chỉ vì “cậu ta còn trẻ”. Thì ra là thế, tuổi trẻ gắn liền với tuổi nhiệt huyết, với những chuyện gan dạ khác thường thậm chí là bồng bột đến khờ khạo. Nhưng những hành động mà ta làm khi còn trẻ, thường là thật tâm, thật lòng hơn bao giờ hết. Chính “sự nhiệt huyết” đó đã khiến cho Tiểu Bắc giúp Trần Niệm một cách vô điều kiện… Đó là điều mà khi lớn lên rất khó để ta làm được.
Hơn nữa, khi đã trưởng thành, người ta lại càng có trách nhiệm với lẽ sống của mình. Tiểu Bắc bảo cậu giúp đỡ Trần Niệm là vì Trần Niệm có tương lai hơn. Trần Niệm học tốt, có thể đậu vào trường đại học ở Bắc Kinh. Còn Tiểu Bắc chỉ là một thằng ất ơ, học hành chẳng tới đâu, lại thêm cái mác côn đồ. Vì vậy, có thể viên cảnh sát trưởng cũng biết sự thật là Tiểu Bắc vô tội, nhưng ông lại im lặng. Duy chỉ có anh cảnh sát là nhất quyết muốn Trần Niệm nhận tội (dù thật ra anh rất thương Trần Niệm). Khi gặp nhau ở cầu thang, viên cảnh sát trưởng trên nhận xét anh cảnh sát trẻ “đã trưởng thành rồi”... Lại một lần nữa, mình nhận thấy sự trưởng thành thật quá đỗi đau buồn. Có lẽ, lý tưởng của một người cảnh sát là đi tìm sự thật cho dù nó có bi kịch như thế nào đi chăng nữa. Thật ra nhân vật chính trong phim không phải là anh cảnh sát, nhưng thông qua anh ta, mình nhận thấy những mâu thuẫn mà có thể mình sẽ gặp phải…
Trên hành trình trưởng thành, bao giờ người ta cũng phải đau khổ rất nhiều, làm sai rất nhiều điều như Trần Niệm và Tiểu Bắc. Thậm chí, đôi lúc người ta còn đánh mất bản thân của thời nguyên sơ trong sáng. Nhưng có lẽ việc trưởng thành là không thể tránh khỏi. Cuối bộ phim, Trần Niệm đưa cô học trò nhỏ của mình về nhà, và sau lưng là Tiểu Bắc. Phải chăng, đó là hình ảnh ẩn dụ cho mỗi con người trên hành trình trưởng thành. Ta sẽ có nhiều vấp ngã, nhưng sẽ luôn có một người giúp ta trưởng thành. Hoặc dẫu không có, thì ta vẫn có thể mạnh mẽ hơn mỗi ngày nhờ vào sự nỗ lực tự thân...
[nguồn: Quotes phim]
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top